LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 149

Chương 6: CĂN UẨN

Phẩm 3: BÀN VỀ XÚC, phần 1

* Có mười sáu xúc: Xúc hữu đối, xúc tăng ngữ, xúc minh, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc ái, xúc giận dữ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc, nhãn xúc, nhĩ xúc, tỷ xúc, thiệt xúc, thân xúc, ý xúc.

Thế nào là xúc hữu đối, cho đến thế nào là ý xúc? Những chương như vậy và giải thích nghĩa của chương đã lãnh hội rồi nên phân biệt rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là để ngăn chận tông chỉ khác, làm sáng tỏ nghĩa của mình. Như phái Thí Dụ nói: Xúc không thật có. Vì sao? Vì như Khế kinh nói: Mắt và sắc làm duyên sinh ra nhãn thức. Ba thứ hòa hợp nên có xúc. Lìa ngoài mắt, sắc, nhãn thức thì thể của xúc là không thể có. Để ngăn chận ý tưởng đó, ở đây là hiển bày thể của xúc là thật có. Nếu thể của xúc là không thật có thì trái với Khế kinh. Như Khế kinh nói: Xúc là duyên nơi thọ. Nếu không có xúc tức chỉ nên nói: Sáu xứ duyên nơi thọ. Hoặc nói không duyên tức không nên nói xúc duyên nơi thọ.

Lại, nếu thể của xúc là không thật có: Tức chỉ nên nói duyên khởi chỉ có mười một chi, Khế kinh không nên nói có mười hai chi.

Lại, nếu thể của xúc là không thật có: Tức chỉ nên nói có chín pháp đại địa, nhưng nói có mười, vậy thể của xúc thật có.

Hỏi: Nếu thể của xúc là thật có làm sao giải thích thuận hợp phần kinh do phái kia nêu dẫn?

Đáp: Ý của kinh ấy nói là ba pháp hòa hợp làm duyên sinh ra xúc, không phải đối với thể không có mà có nghĩa sinh ở đây, nếu không phát sinh nghĩa thì vì sao duyên nơi thọ? Ví như ánh trăng và hạt ngọc Nguyệt ái cùng đồ đựng hòa hợp làm duyên sinh ra nước, không phải không có nước sinh để có nước dùng. Lại như ánh mặt trời và ngọc báu Nhật ái hòa hợp làm duyên sinh ra lửa, không phải không có lửa để có lửa dùng. Như vậy, căn cảnh và thức hòa hợp làm duyên sinh ra xúc, không phải không có xúc được sinh để có dụng của xúc. Dụng của xúc tức có thể làm duyên sinh ra thọ. Do đó để ngăn chận thuyết của kẻ khác, làm rõ xúc là có thật nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Do đâu nơi chương Căn Uẩn lại phân biệt xúc?

Đáp: Là do ý muốn của người tạo luận, cho đến nói rộng. Lại nữa, ở đây không nên nêu vấn nạn. Vì sao? Vì trước đã nói trong mỗi mỗi uẩn có đủ tất cả nghĩa.

Lại nữa, hết thảy pháp là chỗ tập khởi của xúc. Căn do xúc sinh nên phân biệt về xúc.

Lại nữa, tâm tâm sở lấy xúc làm mạng. Xúc dẫn dắt, xúc tạo chuyển biến, do sức mạnh của xúc nên hiện tiền, ở đây có căn, nên phân biệt xúc.

Lại nữa, trước an lập các xúc, sau mới biện biệt về sự tương ưng của căn. Căn do xúc làm sáng tỏ nên trước cần phân biệt xúc.

Hỏi: Trong các Thánh giáo, hoặc nói một xúc, như trong tâm sở lập xúc tâm sở. Nơi mười pháp đại địa, lập xúc là pháp đại địa. Hoặc nói hai xúc, là xúc hữu lậu, vô lậu, xúc trói buộc, không trói buộc. Hoặc nói ba xúc là xúc hạ, trung, thượng, xúc thiện, bất thiện, vô ký. Hoặc nói bốn xúc là xúc thuộc ba cõi và không hệ thuộc. Hoặc nói năm xúc là xúc thuộc ba cõi và học, vô học. Hoặc nói sáu xúc là nhãn xúc cho đến ý xúc. Hoặc nói bảy xúc là xúc do kiến khổ đoạn cho đến tu đạo đoạn và học, vô học. Hoặc nói tám xúc là xúc do kiến khổ đoạn cho đến tu đạo đoạn và kiến đạo, tu đạo, vô học đạo. Hoặc nói chín xúc là xúc hạ hạ cho đến thượng thượng. Hoặc nói mười xúc là xúc thuộc cõi dục cho đến thuộc phi tưởng phi phi tưởng xứ và không hệ thuộc.

Hỏi: Nếu căn cứ nơi sát-na tương tục để phân biệt tức có đến vô lượng xúc. Thế vì sao trong đây nơi một mực nói rộng có mười sáu? Là từ vô lượng, tóm lược nên nói mười sáu chăng?

Đáp: Do sáu nhân duyên, không tóm lược, không nêu rộng, nói mười sáu xúc. Sáu nhân duyên là: Đối tượng duyên, đối trị chướng, tự tánh, thuận nghịch, tương ưng, chỗ nương dựa.

Do đối tượng duyên nên lập ra xúc hữu đối, xúc tăng ngữ.

Do đối trị chướng nên lập ra xúc minh và xúc vô minh.

Do tự tánh nên lập ra xúc phi minh phi vô minh.

Do thuận nghịch nên lập ra xúc ái, xúc giận dữ.

Do tương ưng nên lập ra xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc.

Do chỗ nương dựa nên lập ra nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là xúc hữu đối?

Đáp: Là xúc tương ưng với năm thức thân.

Hỏi: Vì sao xúc này gọi là hữu đối?

Đáp: Do đối tượng duyên của nó là pháp có đối.

Hỏi: Xúc tăng ngữ cũng có đối tượng duyên là pháp có đối, vì sao xúc này riêng được gọi là có đối?

Đáp: Do xúc này là đầu tiên nên được mang tên. Còn xúc tăng ngữ lại do các duyên khác để kiến lập.

Có thuyết nói: Xúc này chỉ dùng pháp có đối làm đối tượng duyên. Xúc tăng ngữ cũng duyên nơi pháp khác.

Có thuyết nêu: Xúc này, chỗ nương dựa, đối tượng duyên của nó đều là có đối. Xúc tăng ngữ thì đối tượng duyên của nó tuy có đối, nhưng chỗ nương dựa của nó thì không như vậy, thế nên lập tên riêng.

Hỏi: Thế nào là xúc tăng ngữ?

Đáp: Là xúc tương ưng với ý thức thân.

Hỏi: Do đâu xúc này mang tên là tăng ngữ?

Đáp: Do tự tánh của xúc này là ngữ tăng nên gọi là tăng ngữ.

Hỏi: Vì sao tự tánh của xúc này là ngữ tăng?

Đáp: Xúc có đối chỉ thuộc cõi dục, cõi sắc. Còn xúc này là hệ thuộc chung cả ba cõi và không hệ thuộc.

Lại, xúc có đối ở cõi dục, địa tĩnh lự thứ nhất có thể đạt được. Còn xúc này là ở tất cả các địa đều có thể đạt được.

Lại, xúc có đối chỉ là hữu lậu. Còn xúc này là chung cho cả hữu lậu, vô lậu.

Do những điều ấy, nên tự tánh là ngữ tăng.

Có thuyết cho: Do đối tượng duyên của xúc này là ngữ tăng nên gọi là tăng ngữ.

Hỏi: Vì sao đối tượng duyên của xúc này là ngữ tăng?

Đáp: Xúc có đối chỉ lấy pháp có sắc làm đối tượng duyên. Còn xúc này duyên chung cả có sắc và không sắc.

Lại, xúc có đối chỉ lấy pháp có đối làm đối tượng duyên. Còn xúc này duyên cả có đối và không đối.

Lại, xúc có đối chỉ lấy pháp hữu lậu làm đối tượng duyên. Còn xúc này duyên chung cả hữu lậu, vô lậu.

Lại, xúc có đối chỉ lấy pháp hữu vi làm đối tượng duyên. Còn xúc này duyên chung cả hữu vi và vô vi.

Do những điều ấy nên đối tượng duyên là ngữ tăng.

Có thuyết nêu: Tăng ngữ nghĩa là xúc này duyên nơi danh nên gọi là tăng ngữ. Tuy cũng duyên nơi nghĩa nhưng không phải là không chung. Tùy theo chỗ không chung để lập danh, dựa vào chỗ riêng để lập tên chung, như khổ, tập trí v.v…

Hỏi: Thế nào là xúc minh?

Đáp: Là xúc vô lậu. Là xúc tương ưng với ba căn vô lậu.

Hỏi: Thế nào là xúc vô minh?

Đáp: Là xúc nhiễm ô. Là xúc tương ưng với tất cả phiền não tùy phiền não.

Hỏi: Thế nào là xúc phi minh phi vô minh?

Đáp: Là xúc hữu lậu không nhiễm. Trong đây, hỏi đáp đều có hai thứ ngăn chận: Phi minh là ngăn chận xúc minh. Phi vô minh là ngăn chận xúc vô minh. Không nhiễm là ngăn chận xúc nhiễm ô. Hữu lậu là ngăn chận xúc vô lậu. Do sự ngăn chận ấy nên thể của xúc này chỉ gồm thâu tất cả xúc hữu lậu thiện, vô phú vô ký.

Hỏi: Thế nào là xúc ái?

Đáp: Là xúc tương ưng với tham. Tức chỗ đoạn của năm bộ nơi ba cõi về xúc của sáu thứ thân cùng tương ưng với tham.

Hỏi: Thế nào là xúc giận dữ?

Đáp: Là xúc tương ưng với sân. Tức chỗ đoạn của năm bộ về xúc của sáu thức thân cùng tương ưng với sân.

Hỏi: Thế nào là xúc thuận lạc thọ?

Đáp: Là xúc tương ưng với lạc thọ. Là xúc tương ưng với lạc căn, hỷ căn.

Hỏi: Thế nào là xúc thuận khổ thọ?

Đáp: Là xúc tương ưng với khổ thọ. Là xúc tương ưng với khổ căn, ưu căn.

Hỏi: Thế nào là xúc thuận thọ không khổ không lạc?

Đáp: Là xúc tương ưng với thọ không khổ không vui. Là xúc tương ưng với xả căn.

Hỏi: Thế nào là nhãn xúc?

Đáp: Là xúc tương ưng với nhãn thức thân.

Hỏi: Cho đến thế nào là ý xúc?

Đáp: Là xúc tương ưng với ý thức thân. Nghĩa là nương vào các căn như nhãn v.v… phát sinh nên gọi là nhãn xúc v.v…

Hiển bày về tự tánh xong nên biện biệt về sự gồm thâu lẫn nhau.

Nhưng có một xúc gồm thâu hết các xúc, là tự tánh của một xúc trong tâm sở.

Trong đây, hai xúc gồm thâu hết các xúc là xúc hữu đối, xúc tăng ngữ.

Lại có ba xúc gồm thâu hết các xúc là xúc minh, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh và xúc thuận khổ thọ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc.

Lại có sáu xúc gồm thâu hết các xúc là nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Xúc có đối gồm thâu bao nhiêu xúc? Cho đến ý xúc gồm thâu bao nhiêu xúc?

Đáp: Xúc có đối gồm thâu sáu xúc hoàn toàn và phần ít của bảy xúc.

Sáu xúc hoàn toàn: Là xúc có đối, nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc.

Phần ít của bảy xúc: Là xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc ái, xúc giận dữ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của bảy xúc này?

Đáp: Bảy xúc ấy cùng chung tương ưng với sáu thức thân. Ở đây chỉ gồm thâu chỗ tương ưng với năm thức, nên gọi là phần ít.

Xúc tăng ngữ gồm thâu ba xúc hoàn toàn và phần ít của bảy xúc. Ba xúc hoàn toàn: Là xúc tăng ngữ, xúc minh, ý xúc. Phần ít của bảy xúc: Như đã nói ở trước.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của bảy xúc này?

Đáp: Bảy xúc ấy cùng chung tương ưng với sáu thức. Ở đây chỉ gồm thâu chỗ tương ưng với ý thức, nên gọi là phần ít.

Xúc minh gồm thâu trọn xúc minh và phần ít của bốn xúc là xúc tăng ngữ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc, ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của bốn xúc này?

Đáp: Bốn xúc ấy là chung cho cả hữu lậu và vô lậu. Ở đây chỉ gồm thâu phần vô lậu, nên gọi là phần ít.

Xúc vô minh gồm thâu ba xúc hoàn toàn và phần ít của mười một xúc. Ba xúc hoàn toàn: Là xúc vô minh, xúc ái, xúc giận dữ. Phần ít của mười một xúc: Là xúc hữu đối, xúc tăng ngữ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười một xúc này?

Đáp: Mười một xúc ấy là chung cho nhiễm và không nhiễm. Ở đây chỉ gồm thâu phần nhiễm, nên gọi là phần ít.

Xúc phi minh phi vô minh gồm thâu trọn xúc phi minh phi vô minh và phần ít của mười một xúc. Như trước đã nói.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười một xúc này?

Đáp: Mười một xúc ấy là chung cho nhiễm và không nhiễm. Không nhiễm gồm chung cho hữu lậu, vô lậu. Ở đây chỉ gồm thâu phần không nhiễm hữu lậu, nên gọi là phần ít.

Xúc ái gồm thâu trọn xúc ái và phần ít của mười một xúc là xúc có đối, xúc tăng ngữ, xúc vô minh, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười một xúc này?

Đáp: Mười một xúc ấy là chung cho tham cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ gồm thâu phần cùng sinh, nên gọi là phần ít.

Xúc giận dữ gồm thâu trọn xúc giận dữ và phần ít của mười một xúc, là xúc có đối, xúc tăng ngữ, xúc vô minh, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười một xúc này?

Đáp: Mười một xúc ấy là chung cho sân cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ gồm thâu phần cùng sinh, nên gọi là phần ít.

Xúc thuận lạc thọ gồm thâu trọn xúc thuận lạc thọ và phần ít của mười hai xúc, là xúc có đối, xúc tăng ngữ, xúc minh, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc ái, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười hai xúc này?

Đáp: Mười hai xúc ấy là chung cho lạc thọ cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ gồm thâu phần cùng sinh, nên gọi là phần ít.

Xúc thuận khổ thọ gồm thâu trọn xúc thuận khổ thọ và phần ít của mười một xúc là xúc có đối, xúc tăng ngữ, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc giận dữ, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười một xúc này?

Đáp: Mười một xúc ấy là chung cho khổ thọ cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ gồm thâu phần cùng sinh, nên gọi là phần ít.

Xúc thuận thọ không khổ không lạc gồm thâu trọn xúc thuận thọ không khổ không lạc và phần ít của mười ba xúc, là xúc có đối, xúc tăng ngữ, xúc minh, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc ái, xúc giận dữ, nhãn xúc cho đến ý xúc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của mười ba xúc này?

Đáp: Mười ba xúc ấy là chung cho xả thọ cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ gồm thâu phần cùng sinh, nên gọi là phần ít.

Nhãn xúc gồm thâu trọn nhãn xúc và phần ít của tám xúc, là xúc có đối, xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh, xúc ái, xúc giận dữ, xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc.

Hỏi: Thế nào là gồm thâu phần ít của tám xúc này?

Đáp: Tám xúc ấylà chung cho nhãn thức tương ưng và không tương ưng. Ở đây chỉ gồm thâu phần tương ưng, nên gọi là phần ít.

Như nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc cũng như vậy. Trong đây, chỗ khác nhau là mỗi thứ chính nó tự gồm thâu trọn. Tự thức tương ưng với phần ít của tám xúc.

Ý xúc gồm thâu ba xúc hoàn toàn và phần ít của bảy xúc, như nói ở phần xúc tăng ngữ.

Hỏi: Vì sao gọi là gồm thâu? Gồm thâu có nghĩa gì?

Đáp: Là tự thể đối với tự thể, đã có, sẽ có, hiện có, có thể đạt được, nên gọi là gồm thâu.

Có thuyết nói: Tự thể đối với tự thể là không khác, là không ngoài, không sai biệt, không lìa nhau, là có, chẳng không, nên gọi là gồm thâu.

Có thuyết nêu: Tự thể đối với tự thể là đều từng có, nay có, sẽ có, nên gọi là gồm thâu. Nghĩa các pháp không bỏ tự tánh là nghĩa gồm thâu. Không phải như dùng ngón tay cầm lấy áo, dùng tay nhận lấy thức ăn, động tác ấy có thể bỏ.

Có thuyết cho: Nghĩa gồm thâu là nghĩa tạo sự trở ngại. Các pháp luôn tạo sự trở ngại, không như tự thể đối với tự thể.

Hỏi: Xúc có đối tương ưng với bao nhiêu căn, cho đến ý xúc tương ưng với bao nhiêu căn?

Đáp: Xúc có đối tương ưng trọn với một căn và với phần ít của tám căn. Trọn một căn là khổ căn. Phần ít của tám căn là ý căn, lạc căn, xả căn và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của tám căn?

Đáp: Tám căn ấy là tương ưng chung cho phẩm câu sinh của sáu thức. Ở đây chỉ tương ưng với phẩm câu sinh của năm thức, nên nói là phần ít.

Xúc tăng ngữ tương ưng trọn với năm căn và phần ít của tám căn. Trọn năm căn là hỷ căn, ưu căn và ba căn vô lậu. Phần ít của tám căn, như nói ở trước.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của tám căn?

Đáp: Tám căn ấy là tương ưng chung cho phẩm câu sinh của sáu thức thân. Ở đây chỉ tương ưng với phẩm câu sinh của ý thức, nên nói là phần ít.

Xúc minh tương ưng trọn với ba căn và phần ít của chín căn. Trọn ba căn là ba căn vô lậu. Phần ít của chín căn là ý, lạc, hỷ, xả căn và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của chín căn?

Đáp: Chín căn ấy là chung cho hữu lậu và vô lậu. Ở đây chỉ tương ưng với phần vô lậu, nên nói là phần ít.

Xúc vô minh tương ưng với phần ít của sáu căn là ý căn và năm thọ căn.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của sáu căn?

Đáp: Sáu căn ấy là chung cho nhiễm và không nhiễm. Ở đây chỉ tương ưng với phần nhiễm, nên nói là phần ít.

Xúc phi minh phi vô minh tương ưng với phần ít của mười một căn là ý căn, năm thọ và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của mười một căn?

Đáp: Trong mười một căn ấy, sáu căn trước là chung cho nhiễm và không nhiễm, năm căn sau là chung cho hữu lậu và vô lậu. Ở đây chỉ tương ưng với phần không nhiễm cùng hữu lậu, nên nói là phần ít.

Xúc ái tương ưng với phần ít của bốn căn là ý, lạc, hỷ, xả căn.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của bốn căn?

Đáp: Bốn căn ấy là chung cho tham cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ tương ưng với phần cùng sinh, nên nói là phần ít.

Xúc giận dữ tương ưng với phần ít của bốn căn là ý, khổ, ưu, xả căn.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của bốn căn?

Đáp: Bốn căn ấy là chung cho sân cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ tương ưng với phần cùng sinh, nên nói là phần ít.

Xúc thuận lạc thọ tương ưng trọn với hai căn và phần ít của chín căn. Trọn hai căn là lạc căn, hỷ căn. Phần ít của chín căn là ý căn, năm căn như tín v.v… và ba căn vô lậu.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của chín căn?

Đáp: Chín căn ấy: Sáu căn đầu là chung cho lạc thọ cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ tương ưng với phần cùng sinh, nên nói là phần ít. Ba căn sau là dùng chung chín căn làm tánh. Ở đây chỉ tương ưng với sáu căn, nên nói là phần ít.

Xúc thuận khổ thọ tương ưng trọn với hai căn và phần ít của sáu căn. Trọn hai căn là khổ căn, ưu căn. Phần ít của sáu căn là ý căn và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của sáu căn?

Đáp: Sáu căn ấy là chung cho khổ thọ cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ tương ưng với phần cùng sinh, nên nói là phần ít.

Xúc thuận thọ không khổ không lạc tương ưng trọn với một căn và phần ít của chín căn. Trọn một căn là xả căn. Phần ít của chín căn là ý căn, năm căn như tín v.v… và ba căn vô lậu.

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của chín căn?

Đáp: Chín căn ấy: Sáu căn trước là chung cho thọ không khổ không lạc cùng sinh và không cùng sinh. Ở đây chỉ tương ưng với phần cùng sinh, nên nói là phần ít. Ba căn sau là dùng chung chín căn làm tánh. Ở đây chỉ tương ưng với sáu căn, nên nói là phần ít.

Nhãn xúc tương ưng với phần ít của chín căn là ý, lạc, khổ, xả căn và năm căn như tín v.v…

Hỏi: Thế nào là cùng tương ưng với phần ít của chín căn?

Đáp: Chín căn ấy là chung cho phẩm câu sinh và phẩm không câu sinh của nhãn thức. Ở đây chỉ tương ưng với phẩm câu sinh, nên nói là phần ít.

Như nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc cũng như vậy. Trong đây có khác nhau là mỗi thứ đều cùng tương ưng với căn nơi phẩm câu sinh của tự thức.

Ý xúc tương ưng trọn với năm căn và phần ít của tám căn. Như phần nói về xúc tăng ngữ. Về nghĩa tương ưng đã nói rộng ở trên.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc có đối, căn ấy tương ưng với xúc có đối chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc có đối thì căn ấy làm nhân cho xúc có đối chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc có đối, căn ấy là nhân cho xúc có đối. Nghĩa là căn này làm bốn nhân cho xúc có đối, là nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại và dị thục.

Có căn làm nhân cho xúc có đối nhưng căn ấy không tương ưng với xúc có đối. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho xúc có đối, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với xúc tăng ngữ. Căn này làm hai nhân cho xúc có đối, tức nhân đồng loại và dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc có đối, tức nhân dị thục.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc tăng ngữ, căn ấy tương ưng với xúc tăng ngữ chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc tăng ngữ thì căn ấy làm nhân cho xúc tăng ngữ chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc tăng ngữ, căn ấy làm nhân cho xúc tăng ngữ. Nghĩa là căn ấy làm năm nhân cho xúc tăng ngữ, tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành, dị thục.

Có căn làm nhân cho xúc tăng ngữ, nhưng căn ấy không tương ưng với xúc tăng ngữ. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho xúc tăng ngữ, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với xúc có đối. Căn này làm ba nhân cho xúc tăng ngữ, tức nhân đồng loại, biến hành, dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc tăng ngữ, tức nhân dị thục.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc minh, căn ấy tương ưng với xúc minh chăng?

Đáp: Đúng vậy.

Hỏi: Nếu như căn tương ưng với xúc minh thì căn ấy làm nhân cho xúc minh chăng?

Đáp: Đúng vậy. Trong đây, nhân là ba nhân tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc vô minh, căn ấy tương ưng với xúc vô minh chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc vô minh thì căn ấy làm nhân cho xúc vô minh chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc vô minh, căn ấy làm nhân cho xúc vô minh. Nghĩa là căn này dùng xúc vô minh làm bốn nhân, tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại, biến hành.

Có căn làm nhân cho xúc vô minh, nhưng căn ấy không tương ưng với xúc vô minh. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho xúc vô minh, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với xúc phi minh phi vô minh. Căn này làm một nhân cho xúc vô minh, tức nhân dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc vô minh, tức nhân dị thục.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc phi minh phi vô minh, căn ấy tương ưng với xúc phi minh phi vô minh chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc phi minh phi vô minh thì căn ấy làm nhân cho xúc phi minh phi vô minh chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc phi minh phi vô minh, căn ấy làm nhân cho xúc phi minh phi vô minh. Nghĩa là căn này làm bốn nhân cho xúc phi minh phi vô minh, tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại và dị thục.

Có căn làm nhân cho xúc phi minh phi vô minh, nhưng căn ấy không tương ưng với xúc phi minh phi vô minh. Nghĩa là căn này làm nhân cho xúc phi minh phi vô minh, nhưng tương ưng với dị thục sinh không có đối tượng duyên, là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc phi minh phi vô minh tức là nhân dị thục.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc ái, căn ấy tương ưng với xúc ái chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc ái thì căn ấy làm nhân cho xúc ái chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc ái, căn ấy làm nhân cho xúc ái. Nghĩa là căn này làm ba nhân cho xúc ái, tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại.

Có căn làm nhân cho xúc ái, nhưng không tương ưng với xúc ái. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho xúc ái nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với xúc vô minh, xúc phi minh phi vô minh. Căn này làm hai nhân cho xúc ái, tức nhân đồng loại, dị thục. Nghĩa là tương ưng với xúc vô minh, tức căn này làm nhân đồng loại cho xúc ái. Tương ưng với xúc phi minh phi vô minh, tức căn này làm nhân dị thục cho xúc ái.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc ái, tức nhân dị thục.

Như nói về xúc ái, xúc giận dữ cũng như vậy. Có sai khác: Là nói về chính tên của mỗi xúc.

Hỏi: Các căn làm nhân cho xúc thuận lạc thọ, căn ấy tương ưng với xúc thuận lạc thọ chăng? Nếu như căn tương ưng với xúc thuận lạc thọ thì căn ấy làm nhân cho xúc thuận lạc thọ chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với xúc thuận lạc thọ, căn ấy làm nhân cho xúc thuận lạc thọ. Nghĩa là căn này làm năm nhân cho xúc thuận lạc thọ, tức nhân tương ưng, câu sinh, đồng loại, dị thục, biến hành.

Có căn làm nhân cho xúc thuận lạc thọ, nhưng không tương ưng với xúc thuận lạc thọ. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho xúc thuận lạc thọ, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc. Căn này làm ba nhân cho xúc thuận lạc thọ, tức nhân đồng loại, biến hành, dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho xúc thuận lạc thọ, tức nhân dị thục.

Như nói về xúc thuận lạc thọ, xúc thuận khổ thọ, xúc thuận thọ không khổ không lạc cũng như vậy. Có khác là nói về chính tên của mỗi xúc.

Hỏi: Các căn làm nhân cho nhãn xúc, căn ấy tương ưng với nhãn xúc chăng? Nếu như căn tương ưng với nhãn xúc thì căn ấy làm nhân của nhãn xúc chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với nhãn xúc, căn ấy làm nhân cho nhãn xúc. Nghĩa là căn này làm bốn nhân cho nhãn xúc, tức nhân tương ưng, câu hữu, đồng loại và dị thục.

Có căn làm nhân cho nhãn xúc, nhưng không tương ưng với nhãn xúc. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho nhãn xúc, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với nhĩ, tỷ, thiệt, thân, ý xúc. Căn này làm hai nhân cho nhãn xúc, tức nhân đồng loại, dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho nhãn xúc, tức nhân dị thục.

Như nói về nhãn xúc, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc cũng như vậy. Nhưng có khác là nói về chính tên của mỗi xúc.

Hỏi: Các căn làm nhân cho ý xúc, căn ấy tương ưng với ý xúc chăng? Nếu như căn tương ưng với ý xúc thì căn ấy làm nhân cho ý xúc chăng?

Đáp: Các căn tương ưng với ý xúc, căn ấy làm nhân cho ý xúc. Nghĩa là căn này làm năm nhân cho ý xúc, tức các nhân như tương ưng v.v…

Có căn làm nhân cho ý xúc, nhưng không tương ưng với ý xúc. Nghĩa là căn ấy làm nhân cho ý xúc, nhưng tương ưng với xúc khác và dị thục sinh không có đối tượng duyên.

Tương ưng với xúc khác: Là tương ưng với nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân xúc. Căn này làm ba nhân cho ý xúc, tức nhân đồng loại, biến hành, dị thục.

Và dị thục sinh không có đối tượng duyên: Là tám căn như mạng v.v… Căn này làm một nhân cho ý xúc, tức nhân dị thục.

***

* Các thành tựu loại nhãn căn này thì chúng thành tựu loại thân căn này chăng? Cho đến nói rộng.

Loại có bốn thứ: 1. Loại tu. 2. Loại luật nghi. 3. Loại cõi. 4. Loại tương tợ.

Bốn loại này, trong chương Nghiệp Uẩn ở trước đã nói rộng. Ở đây, dựa vào loại cõi để tạo luận.

Hỏi: Các thành tựu loại nhãn căn này thì chúng thành tựu loại thân căn này chăng? Nếu như thành tựu loại thân căn này thì chúng thành tựu loại nhãn căn này chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

  1. Có trường hợp thành tựu loại nhãn căn này nhưng không phải là loại thân căn này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, không được nhãn căn, nếu được thì đã mất, được mắt nơi cõi sắc.

Không được nhãn căn: Là chưa đến phần vị Bát-la-xa-khư (Giai đoạn thứ năm của bào thai, dịch là chi tiết, chi phần).

Nếu được thì đã mất: Là đã được nhãn căn hoặc tự nhiên hư hoại, hoặc gặp duyên làm hư hoại nên mất.

Được mắt nơi cõi sắc: Là do khéo hành tập sức của tĩnh lự. Nhãn căn của cõi sắc nương vào thân cõi dục được, nhưng không được thân căn nơi cõi sắc, vì không thành tựu thân nơi cõi khác.

1. Có trường hợp thành tựu loại thân căn này nhưng không phải là loại nhãn căn này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, không được nhãn căn, nếu được thì đã mất, không được mắt nơi cõi sắc, vì chỉ thành tựu thân căn nơi cõi dục. Nhãn căn nơi hai cõi đều không thành tựu.

2. Có trường hợp thành tựu loại nhãn căn này cũng là loại thân căn này. Nghĩa là sinh nơi cõi dục, đã được nhãn căn, không mất, nếu sinh nơi cõi sắc. Đã được: Là đã đến phần vị Bát-la-xa-khư. Không mất: Là nhãn căn đã được không phải tự nhiên hư hoại, hoặc không phải gặp duyên làm cho hư hoại nên không mất. Sinh nơi cõi sắc: Là nơi cõi sắc không có căn, không đầy đủ.

3. Có trường hợp không thành tựu loại nhãn căn này cũng không phải loại thân căn này. Nghĩa là sinh nơi cõi vô sắc, địa kia định, không có các sắc căn.

Như nhãn căn, nhĩ căn cũng như vậy. Hai thứ này cùng có hiện tiền, nhưng cảnh giới khác.

Hỏi: Các thành tựu loại tỷ căn này thì chúng thành tựu loại thân căn này chăng? Nếu như thành tựu loại thân căn này thì chúng thành tựu loại tỷ căn này chăng?

Đáp: Nếu thành tựu loại tỷ căn này là thành tựu loại thân căn này. Có trường hợp thành tựu loại thân căn này nhưng không thành tựu loại tỷ căn này: Tức là sinh nơi cõi dục, không được tỷ căn, nếu được thì đã mất.

Không được tỷ căn: Là chưa đến phần vị Bát-la-xa-khư.

Nếu được thì đã mất: Là đã được tỷ căn, hoặc tự nhiên hư hoại, hoặc gặp duyên làm hư hoại, nên mất.

Như tỷ căn, thiệt căn cũng vậy. Hai căn này cùng không khác cảnh giới hiện tiền.

Hỏi: Vì sao sinh nơi cõi dục, nhãn căn, nhĩ căn của cõi sắc được khởi hiện tiền không phải là tỷ, thiệt, thân căn?

Đáp: Do hai căn nhãn, nhĩ có gia hạnh được, lìa nhiễm được, tu tạo thành, có tánh chung về chỗ nương dựa là bốn chi, năm chi của quả tĩnh lự, nên chúng khởi hiện trước mặt tuy cõi khác nhau. Tỷ, thiệt, thân căn không có sự việc như vậy, nên chúng chỉ khởi hiện trước mặt nơi cảnh giới của mình.

Có Sư khác nói: Sinh nơi cõi dục, cầu khởi căn thiên nhãn, nhĩ ở cõi trên, không cầu ba căn khác nên chúng không khởi hiện. Nghĩa là người hành quán tạo sự mong cầu ấy: “Làm sao khiến tôi thấy sắc nơi cõi sắc, nghe tiếng của cõi sắc. Do đấy nên tu tĩnh lự căn bản, khởi thiên nhãn, nhĩ. Người kia không có hương vị để có thể muốn nếm, ngửi, nên không mong cầu khởi mũi, lưỡi nơi cõi sắc, không sinh nơi địa khác, nhưng biết xúc của địa khác. Nếu như điều mong cầu có thể khởi không đúng lý thì chỉ đạt đến cảnh.

Hỏi: Thiên nhãn lấy gì làm tự tánh?

Đáp: Nó không phải do các thứ máu thịt, xương, gân tạo thành, mà là tịnh sắc được tạo thành do đại chủng nơi cõi sắc, khả năng thấy là vô ngại, thể là không thể trông thấy. Thiên nhãn gồm thâu cả nhãn giới, nhãn xứ, nhãn căn.

Hiển bày về tự tánh xong, nên giải thích tên gọi.

Hỏi: Do nhân duyên nào nói là thiên nhãn?

Đáp: Nhãn này là thù thắng, nên gọi là thiên. Như pháp gì thù thắng ở đời gọi là thiên. Như nói thiên y (Áo trời), thiên trang nghiêm cụ (Đồ trang sức của trời), thiên ẩm thực (Thức ăn uống của trời). Ở đây, nói thiên (Trời) là chỉ sự thù thắng, trường hợp thiên nhãn cũng như vậy.

Về cõi là thuộc cõi sắc. Về địa là địa của bốn tĩnh lự, không phải là cận phần nơi vô sắc. Vì sao? Vì nếu địa có chung chỗ dựa là thắng định thì địa ấy có thiên nhãn, không phải cận phần nơi vô sắc có chung chỗ dựa là thắng định, nên địa kia không có thiên nhãn.

Hỏi: Vì sao cận phần nơi vô sắc không có chung chỗ dựa là thắng định?

Đáp: Do Xa-ma-tha (Chỉ) và Tỳ-bát-xá-na (Quán) không bình đẳng, không phải được tạo thành do năm chi, bốn chi, không phải thuộc về đạo an lạc.

Hỏi: Nếu sinh nơi cõi dục, tu tập được thiên nhãn, khi hiện tiền là khởi lên từ nơi nào?

Đáp: Tức ở nơi nhãn căn sinh đắc khởi lên.

Hỏi: Nếu nhãn căn sinh đắc hư hoại thì khởi lên từ đâu?

Đáp: Tức ở nơi từng có nhãn căn khởi lên.

Hỏi: Nếu nơi ấy được hợp thành một đoạn, không thể nhận biết, thì lại khởi lên từ đâu?

Đáp: Tức ở nơi cần có nhãn căn khởi lên.

Hỏi: Các người khởi thiên nhãn hiện tiền là có từ bên trái khởi, không khởi từ bên phải chăng? Nếu khởi bên phải thì bên trái không khởi chăng? Bên trái yếu, bên phải là trung bình chăng? Bên trái trung bình thì bên phải là trên chăng? Bên phải yếu thì bên trái là trung bình chăng? Bên phải trung bình thì bên trái là trên chăng?

Đáp: Không khởi như vậy. Nghĩa là khởi thiên nhãn, tất hai xứ mắt cùng khởi, cùng yếu, cùng trung bình, cùng trên. Hết thảy thiên nhãn là không mù lòa, không thiếu, cũng không rối loạn vì là đồng phần.

Hỏi: Nếu sinh nơi cõi dục, hóa làm thân nơi cõi sắc cứu cánh là một vạn sáu ngàn do-tuần, thiên nhãn hiện tiền, khi nhìn sắc kia, nhìn thân người chỉ cao ba khuỷu tay rưỡi, hoặc bốn khuỷu tay, hãy còn không thấy khắp ngón chân nơi kẻ ấy, thì trụ nơi nào để nhìn sắc kia, trên hay dưới?

Đáp: Có thuyết nói: Dùng thần cảnh thông trụ ở trên để nhìn. Như người lên nóc nhà nhìn xuống. Như vậy ở trên nhìn xuống các sắc bên dưới.

Có thuyết nêu: Đứng bên dưới để nhìn. Như ở bên dưới nhìn lên bức tượng. Như vậy là ở bên dưới nhìn các sắc ở trên.

Có thuyết cho: Khi ấy, dùng thần cảnh trí chứng thông, kéo thêm thân cho dài rộng ra để thân biến hóa thành một vạn sáu ngàn do-tuần mà nhìn các sắc.

Có thuyết biện: Ở cõi dục cũng có thân một vạn sáu ngàn dotuần, nên cùng với thân biến hóa nơi cõi sắc cứu cánh cùng sinh. Nếu khi hóa làm thân nơi cõi sắc cứu cánh, lúc đó thân ba, bốn khuỷu tay ở cõi dục liền diệt, còn thân một vạn sáu ngàn do-tuần tiếp tục khởi. Vậy là dựa vào nơi mắt thường để nhìn các sắc.

Như thế nên nói: Như nơi sinh thân dị thục kia thì dung lượng hóa thân cũng như vậy. Như khi từ cõi sắc trở lại cõi dục, hóa thân hóa trở lại như lượng thân dị thục nơi cõi dục, ở đây tạo thân kia nên biết cũng như vậy, tùy chỗ trụ để nhìn xem các sắc.

HẾT – QUYỂN 149