LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 124

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 4: BÀN VỀ BIỂU, VÔ BIỂU, phần 3

Hỏi: Từng có người chỉ thọ tam quy mà thành Cận sự chăng? Là có người luật nghi thiếu giảm mà thành Cận sự chăng?

Nếu nói là có, thì câu văn nêu giảng khác nhau của Khế kinh há chẳng phải là vô nghĩa. Như nói: Con tên là… xin quy y Phật Pháp Tăng, nguyện xin tôn trọng, ghi nhớ, tuân hành. Con là Cận sự, từ hôm nay cho đến trọn đời, xin bảo vệ sự sống nương về nẻo tịnh. Tức cũng nên nói là Bí-sô, Cần sách có các luật nghi thiếu giảm.

Nếu nói là không, thì những câu văn khác nhau của Khế kinh được nêu trước há chẳng phải là vô nghĩa? Vì sao lại lập giới Cận sự có thứ: Một phần, ít phần, nhiều phần, đủ phần?

Đáp: Các Luận sư ở nước Kiện-đà-la nói: Người chỉ thọ tam quy và có luật nghi thiếu giảm, đều thành Cận sự cả.

Hỏi: Nếu người chỉ thọ tam quy mà thành Cận sự, thì các câu văn của Khế kinh được nêu dẫn há chẳng phải là vô nghĩa? Kinh nói: Khi thọ luật nghi thì Cận sự đối trước giới sư thưa: Con tên là… quy y Phật Pháp Tăng, nguyện xin tôn trọng, ghi nhớ, thọ trì. Con là Cận sự, từ nay cho đến trọn đời, xin bảo vệ sự sống và nương về nơi thanh tịnh.

Đáp: Người kia do sự biểu hiện ấy, chỉ có được tam quy, gọi là Cận sự, chưa được luật nghi. Sau đó nói về học xứ mới được luật nghi. Nhưng các câu văn kia không phải là vô nghĩa. Do vì sau đấy có lời tự thệ nguyện nên khiến tam quy trước đó được bền chắc. Vì nếu không giữ gìn sự sống, nương về thì không phải là thanh tịnh.

Hỏi: Nếu người thiếu, giảm luật nghi mà thành Cận sự, thì rất thuận về cách nói: Ít phần, một phần v.v… Vì sao? Vì nếu thọ một giới, gọi là một phần. Thọ hai giới gọi là thiểu phần. Nếu thọ ba, bốn giới gọi là nhiều phần. Nếu thọ đủ năm giới gọi là toàn phần. Vì sao không có luật nghi thiếu, giảm cho Cần sách (Sa-di), Bí-sô v.v…?

Đáp: Đức Phật quán xét thấy trình độ của người được giáo hóa không đồng nhau, nên trao truyền cho họ những giới luật (Luật nghi) cũng không cùng một thứ. Như đối với các Cận sự không thích rời nhà, xa gia đình, nên muốn dìu dắt, Đức Phật đã tùy theo ý họ cho được tuân giữ nhiều hay ít nơi năm học xứ, nên thứ luật nghi ấy có phần thọ nhận thiếu giảm. Còn hàng Bí-sô và Cần sách thì vui thích việc xả bỏ nhà cửa, nên lập ra loại luật nghi đầy đủ, phải thọ đầy đủ mới được giới. Vì vậy thứ luật nghi ấy không có phần thọ nhận thiếu giảm, do đấy trở thành quyến thuộc của Đức Thế Tôn.

Các Luận sư nước Ca-thấp-di-la nói: Không có việc chỉ thọ Tam quy và có các luật nghi thiếu giảm mà gọi là Cận sự.

Hỏi: Nếu thế thì Khế kinh nói chẳng phải là vô nghĩa sao? Như nói: Con tên là… xin quy y Phật Pháp Tăng, cho đến nói rộng.

Đáp: Người này do sự biểu hiện đó đã được Tam quy cũng được luật nghi, nên thành Cận sự.

Hỏi: Đây chỉ là do tự thệ nguyện lìa bỏ sát sinh. Vì sao do đấy được đủ cả năm thứ?

Đáp: Do tự thệ nguyện lìa sát sinh ấy làm chỗ nương dựa, nên đồng thời được cả năm thứ luật nghi. Vì trong năm xứ học xứ thì lìa sát sinh là quan trọng nhất. Do người thọ giới là để không tổn hại sự sống, và trong việc làm tổn hại sự sống thì sát sinh đứng đầu, thế nên lìa sát sinh là làm chỗ nương dựa cho cả năm thứ. Lại, việc bảo vệ sự sống không phải chỉ có lìa sát sinh mà còn là không gây tổn não cho tất cả hữu tình. Người này đã tự thệ nguyện, từ nay cho đến mãn đời, đối với tất cả hữu tình không hại mạng sống, không trộm cướp tài vật, không xâm phạm vợ người khác, không hành hư dối, và để giữ gìn bốn điều trên, cũng không uống rượu. Thế nên nói bảo vệ sự sống không phải chỉ là lìa giết hại.

Nhưng có tụng khác dùng tiếng xả sinh: Đây ý nói là lìa bỏ sát sinh v.v… lược bớt chữ sát v.v… chỉ nói là xả sinh. Lại, chữ xả sinh là chỉ rõ về loài đang sống, nên lìa bỏ việc làm tổn não cho đời sống tức là năm luật nghi này, đều nhằm ngăn trừ việc gây tổn não cho đời sống. Do tự thệ nguyện ấy mới được luật nghi, nên lời Khế kinh kia không phải là vô nghĩa.

Hỏi: Nếu chỉ tự thệ nguyện mà được luật nghi thì sao lại nói năm thứ học xứ?

Đáp: Tuy do tự thệ nguyện đã được luật nghi, nhưng chưa nhận biết rõ về tướng sai biệt của chúng. Nay muốn khiến nhận biết nên nói năm học xứ, vì vậy điều đã nói ấy không phải là vô nghĩa.

Hỏi: Nếu thế thì vì sao nói có Ô-ba-sách-ca một phần v.v…?

Đáp: Đây là nói về phần vị tuân giữ không phải nói về phần vị thọ nhận. Nghĩa là trong năm điều ấy, nếu giữ được một, không giữ được bốn điều kia gọi là một phần. Giữ được hai điều, không giữ được ba điều gọi là ít phần. Giữ được ba điều, bốn điều gọi là nhiều phần. Nếu giữ trọn cả năm điều gọi là toàn phần.

Tôn giả Tăng-già-phiệt-tô dung hòa việc của hai Sư trước đã nói. Tôn giả cho không có việc chỉ thọ Tam quy liền thành Cận sự, nhưng có việc giữ thiếu giảm năm thứ luật nghi cũng thành Cận sự.

Nghĩa là người này khi sắp thọ giới Cận sự, trước phải cùng với giới sư bàn bạc, xét định: Học xứ như thế mình có thể tuân giữ, học xứ như thế mình không thể tuân giữ. Khi đã bàn bạc xong thì quy y Phật Pháp Tăng, tự thệ nguyện có được các giới như thế tùy theo sự bàn bạc trước nên có thể thọ nhiều hay ít, nay được luật nghi về số lượng cũng vậy, do đó nên nói luật nghi Cận sự gọi là giới xét kỹ, không phải như giới Cần sách v.v… được có tên gọi ấy.

Như thế thì nên nói: Không có việc chỉ thọ Tam quy tức thành Cận sự, cũng không có việc thiếu giảm luật nghi Cận sự mà thành Cận sự. Như không có việc thiếu giảm luật nghi Cần sách gọi là Cần sách, ở đây cũng như thế.

Hỏi: Những người chỉ thọ luật nghi Cận sự không thọ Tam quy thì có được luật nghi không?

Đáp: Có thuyết nói: Không được. Vì thọ Tam quy cùng với các luật nghi này là cửa vào, là chỗ nương dựa, là gia hạnh.

Có thuyết nêu: Không nhất định. Nghĩa là nếu có người vì không biết trước phải thọ Tam quy sau mới thọ giới. Vì tin nơi giới sư nên liền thọ luật nghi, người này được luật nghi, nhưng vị giới sư thì bị tội. Nếu người này hiểu rõ trước thọ Tam quy sau mới thọ luật nghi thì đúng nghi thức. Chỉ kẻ kiêu mạn mới không thọ Tam quy, nói: Chỉ nên thọ giới, cần gì phải quy tín Phật Pháp Tăng. Vì tâm kẻ ấy bị kiêu mạn trói buộc nên tuy có thọ cũng không được.

Hỏi: Nếu trước không thọ luật nghi Cận sự liền thọ luật nghi Cần sách thì có được luật nghi Cần sách chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không được. Vì luật nghi Cận sự cùng với luật nghi Cần sách là cửa vào, là chỗ nương dựa, là gia hạnh.

Có thuyết cho: Không nhất định. Nếu vì không biết rõ là trước thọ luật nghi Cận sự, sau mới thọ luật nghi Cần sách, do tin nơi giới sư nên thọ luật nghi ấy, người này được giới, còn vị giới sư thì bị tội. Nếu người này hiểu rõ trước thọ luật nghi Cận sự, sau mới thọ luật nghi Cần sách là đúng nghi thức. Chỉ kẻ kiêu mạn nên không muốn thọ luật nghi Cận sự, cho cần gì phải thọ giới Cận sự thấp kém này, vì tâm kẻ ấy bị kiêu mạn trói buộc, nên có thọ cũng không được.

Như nói không thọ luật nghi Cận sự mà thọ luật nghi Cần sách, thì việc không thọ luật nghi Cần sách mà thọ luật nghi Bí-sô v.v… nói rộng cũng như thế.

Hỏi: Những người Cận sự thọ luật nghi Cần sách và người Cần sách thọ luật nghi Bí-sô thì họ có bỏ luật nghi trước để được luật nghi sau chăng? Nếu bỏ trước được sau, thì vì sao trong Luận Thi Thiết nói: Người này thành tựu đủ cả luật nghi trước sau? Lại nếu bỏ, thì sau khi bỏ giới Cần sách lại trở về là Cận sự, và bỏ giới Bí-sô thì lại trở về là Cần sách, nay mới đến thọ giới làm sao lại có được hai thứ luật nghi Cận sự và Cần sách cùng lúc? Còn nếu không bỏ, thì người ấy đã thành tựu hai thứ giới hoặc lại ba thứ giới, vì sao được gọi là chỉ dựa vào giới sau? Lại, người này đã có hai Thân giáo sư, vì sao Đức Phật nói vị sau là phải, còn vị trước thì không phải?

Đáp: Khi thọ luật nghi sau không bỏ giới trước. Tức là người Cận sự thọ luật nghi Cần sách thì không bỏ năm giới của Cận sự, lại được thêm mười giới của Cần sách, bấy giờ thành tựu được mười lăm giới. Còn Cần sách thọ giới Bí-sô thì không bỏ mười lăm giới trước, lại có hơn hai trăm năm mươi giới của Bí-sô, tức khi đó thành tựu hai trăm sáu mươi lăm giới.

Có Sư khác nêu: Khi người Cận sự thọ giới Cần sách không bỏ năm giới của Cận sự lại được thêm năm giới của Cần sách, lúc này thành tựu mười giới. Còn người Cần sách thọ giới Bí-sô thì không bỏ mười giới trước lại được thêm hai trăm bốn mươi giới của Bí-sô, bấy giờ thành tựu hai trăm năm mươi giới.

Hỏi: Người ấy đã thành tựu được hai thứ luật nghi, hoặc lại ba thứ, vì sao gọi là chỉ dựa vào giới sau?

Đáp: Là căn cứ vào chỗ hơn để đặt tên, không nên vấn nạn. Như được phần vị thù thắng thì bỏ tên gọi cũ thấp kém.

Hỏi: Người này đã có hai vị Thân giáo sư, vì sao Đức Phật lại bảo vị sau là đúng, vị trước là không phải?

Đáp: Vì giới vượt hơn, do vị sau truyền cho mà được không phải dựa vào vị trước. Như không dựa vào luật nghi kia để được tên, vị sư ấy cũng thế.

Lại có thuyết nói: Bỏ giới trước.

Hỏi: Nếu thế vì sao trong Luận Thi Thiết nói: Luật nghi trước, sau người ấy đều thành tựu đầy đủ?

Đáp: Ý của luận ấy nói: Do luật nghi trước giúp cho giới sau được thù thắng, uy lực của giới trước hiện nay vẫn còn chuyển nên nói thành tựu, nhưng giới trước thật sự không thành tựu.

Hỏi: Sau khi đã bỏ giới Bí-sô trở về là Cần sách, và nếu bỏ Cần sách thì trở lại là Cận sự. Vậy làm sao được hai thứ giới cùng một lúc?

Đáp: Tức do ngữ biểu hiện bằng lời tự thệ nguyện từ nay con trở lại là Cận sự hoặc là Cần sách, cho nên được hai thứ giới, không phải thành giới cũ. Như vậy nên nói: Không bỏ giới trước mà được giới sau. Giới được thọ sau không phải là pháp trái nghịch với giới trước. Lại, nhân duyên của giới trước sau, mỗi thứ đều riêng không nên hợp lại thành số mười v.v…

Hỏi: Nếu lúc còn nhỏ thọ giới Cận sự, đến tuổi thành niên thì cưới vợ. Vậy người này đối với vợ mình, trước đó có được giới không? Nếu trước được bây giờ nên thành phạm giới. Nếu trước không được thì luật nghi này nên từ phần ít xứ hữu tình được.

Đáp: Nên nói là trước đây người này được giới.

Hỏi: Nếu thế thì nay là người phạm giới?

Đáp: Được giới là do phần riêng không phải suốt cả cuộc đời. Trước đây là thọ được giới lìa bỏ hành tà dục, không phải là phi phạm hạnh. Nay chỉ gần gũi với vợ mình thì làm sao là phạm, vì không phải là tà dâm. Tức trong suốt một đời có nhiều phần riêng, chỗ nên ngăn trừ, chỗ nên làm, đều riêng nhau nên không phạm.

Hỏi: Nếu lúc còn nhỏ được giới Bất tác, đến tuổi thành niên mới cưới vợ, vậy người này đối với vợ mình trước đây có được giới không? Nếu trước được, bây giờ nên thành phạm giới. Nhưng giới Bất tác mà được tất không phạm. Còn nếu trước đây không được thì luật nghi này nên từ phần ít xứ hữu tình được.

Đáp: Nên nói là trước đây người ấy được giới, nói rộng như trước. Hỏi: Giới Cận sự thì nương vào cõi nào mà có?

Đáp: Nương vào cõi dục mà có không phải là cõi sắc và cõi vô sắc. Nương vào nẻo người mà có không phải nơi nẻo khác. Nương vào ba châu mà có trừ châu Bắc.

Hỏi: Nếu luật nghi này chỉ nương vào nẻo người, thì nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Khi ấy, trời Đế Thích đến chỗ Đức Phật bạch: Xin Phật ghi nhớ cho: Con là Cận sự, kể từ nay cho đến mạng chung, trong khoảng thời gian đó con xin bảo vệ sự sống và nương về nơi tịnh.

Đáp: Đây là vị ấy tự hiển bày, là tín đẳng lưu, không phải là thọ luật nghi, không nên vấn nạn.

Như Khế kinh nói: Luật nghi cận trụ phải đầy đủ tám chi, là: 1. Lìa bỏ đoạn hại sinh mạng. 2. Lìa bỏ không cho mà lấy. 3. Lìa bỏ phi phạm hạnh. 4. Lìa bỏ nói dối. 5. Lìa bỏ uống các thứ rượu. 6.

Ở những nơi phóng dật, lìa bỏ đàn ca múa hát, Lìa bỏ thoa xức dầu thơm. 7. Lìa bỏ nằm giường cao rộng. 8. Lìa bỏ ăn phi thời.

Hỏi: Ở đây có chín chi, vì sao nói tám chi?

Đáp: Có hai thứ hợp làm một nên nói tám chi. Đó là lìa bỏ thoa xức dầu thơm và lìa bỏ đàn ca múa hát. Vì giống ở chỗ trang điểm và hoạt động, nên hợp lại thành một chi.

Hỏi: Thế nào là cận trụ và chi cận trụ?

Đáp: Lìa bỏ ăn phi thời là cận trụ, lìa bỏ giết hại v.v… là chi cận trụ.

Hỏi: Chi cận trụ này chỉ nên có bảy chăng?

Đáp: Lìa bỏ ăn phi thời gọi là cận trụ, cũng gọi là chi cận trụ, nên không phải chỉ có bảy. Như chánh kiến gọi là đạo, cũng là đạo chi, các thứ kia gọi là chi đạo, không phải là đạo. Trạch pháp gọi là giác, cũng là giác chi, các thứ kia là giác chi không phải là giác. Tam-ma-địa gọi là tĩnh lự, cũng gọi là tĩnh lự chi, các thứ kia là tĩnh lự chi không phải là tĩnh lự. Như thế, lìa bỏ ăn phi thời gọi là cận trụ mà cũng là chi cận trụ, các thứ khác gọi là chi cận trụ không phải là cận trụ. Nên nói cận trụ đầy đủ có tám chi.

Tôn giả Diệu Âm Chúng Thế nói: Nên nói cận trụ hoặc hoàn toàn không có chi, hoặc một, hai, ba v.v… cho đến bảy chi, không cần phải đủ tám chi mới gọi là cận trụ.

Như thế nên nói: Không phải hoàn toàn không có chi, cho đến hoặc bảy chi được gọi là cận trụ. Gọi là cận trụ cần phải đủ tám chi. Hỏi: Luật nghi cận trụ do đâu mà được?

Đáp: Do người khác chỉ dạy mà được. Nghĩa là theo thầy dạy bảo, tự phát lời thành thật, cung kính thọ nhận nên được.

Hỏi: Người thọ luật nghi hoặc trước đó tự nói lời thành thật hoặc cùng với thầy đều nói, có được luật nghi chăng?

Đáp: Không được, cần phải theo thầy thuyết giới. Như lời thầy thuyết giới nói mà nói mới gọi là thọ được giới.

Hỏi: Luật nghi cận trụ phải thọ với những ai?

Đáp: Phải thọ từ bảy chúng, không phải là ai khác. Vì sao? Vì nếu không có người suốt đời trì giới tức không thể làm giới sư.

Hỏi: Phải mặc y phục thế nào để thọ giới này?

Đáp: Chỉ cần mặc y phục thường ngày, nhưng cần phải sạch sẽ, nghiêm trang, đều thọ được giới này. Nếu ai tạm thời trang điểm thân thể (thoa hương, đeo vàng ngọc, quần áo đẹp…) đều phải bỏ, mới thọ giới ấy. Về các thứ giường nằm căn cứ theo đây, nên biết.

Hỏi: Thọ giới này trong thời gian bao lâu?

Đáp: Trong một ngày một đêm không tăng không giảm. Tức sáng sớm này theo thầy thọ giới xong, đến sáng sớm hôm sau thì xả giới.

Hỏi: Nếu có người dồn lại thọ trong nửa tháng, một tháng, hoặc trong nhiều thời gian, có được không?

Đáp: Nên nói là không được. Vì sao? Vì thời gian hạn định là một ngày đêm, nên sáng tối, đến đi dễ nhận biết. Thọ trai một bữa, thời và phi thời định rõ, nên không phải là một ngày đêm. Luật nghi cận trụ có thể khiến thọ trải qua hai ngày đêm, không thể thọ kéo dài nhiều ngày đêm. Như luật nghi Cận sự v.v… thọ trì suốt đời còn không thể dồn thọ nơi hai chúng đồng phần, huống chi là dồn thọ được nhiều chúng đồng phần, nên giới một ngày đêm, theo lý cũng nên như thế. Vậy giới hạn của luật nghi chỉ có thể gấp hai lần (tức là hai ngày đêm).

Hỏi: Nếu chỉ thọ vào ngày không thọ nơi đêm, hoặc chỉ thọ vào đêm không thọ nơi ngày, có được giới ấy không?

Đáp: Có thuyết nói: Không được. Vì sao? Vì Phật nói đây là giới một ngày đêm.

Hỏi: Nếu thế thì các sự việc kể về Tôn giả Ca-đa-diễn-na làm sao thông?

Như chuyện kể: Lúc Tôn giả ấy bảo những kẻ giết mổ (Đồ tể): Các người nên từ bỏ nghiệp ác này đi, nếu không đời sau sẽ chịu quả khổ lớn. Đám thợ giết mổ bảo: Chúng tôi làm nghề này để nuôi sống làm sao lìa bỏ được. Tôn giả hỏi: Các người làm việc này vào lúc nào? Đám giết mổ đáp: Chỉ làm vào ban ngày. Tôn giả bảo: Vậy các người nên dành phần đêm thọ tám giới cận trụ. Cả đám thợ giết mổ hết sức vui mừng làm theo lời dạy. Khi mạng chung cả đám đều sinh làm quỷ ở chốn đồng hoang. Cứ vào ban ngày, có một con chó vá đen bỗng nhiên hiện ra nhào đến cắn xé ăn thịt, chỉ chừa lại xương, nhưng trong chốc lát thịt lại sinh ra lành lặn như cũ, lại bị ăn thịt nữa, chịu các thứ khổ não như trong địa ngục. Nhưng khi đêm về, các thú vui năm dục đều hiện ra, cả đám thọ hưởng vui chơi sung sướng như trên thiên cung.

Có lúc khác, Tôn giả lại đến nơi chốn của đám dâm nữ, bảo: Mấy cô nên bỏ nghề này đi, nếu không thì đời sau sẽ bị quả khổ lớn. Cả đám cùng bảo: Chị em chúng con quen sống nghề này lâu rồi, không thể đột nhiên bỏ được. Tôn giả hỏi: Mấy cô làm việc này vào thời gian nào của ngày? Cả đám cùng đáp: Chỉ vào ban đêm. Tôn giả liền bảo: Các cô nên dành phần ban ngày tu trì tám giới cận trụ. Chị em đều rất vui mừng, theo lời chỉ dạy thực hành. Khi qua đời, cả đám sinh làm quỷ ở khoảng đồng hoang. Mỗi lúc đêm đến, có vô số loài rắn rít trăm chân bỗng nhiên hiện ra chui rúc cắn hút hết thịt, chỉ trơ lại bộ xương, nhưng thoáng chốc thịt lại hiện ra lành lặn như trước, rồi lại bị cắn hút hết thịt v.v… chịu nhiều khổ não như trong chốn địa ngục. Nhưng khi bình minh hiện rõ thì đủ các thú vui năm dục, mặc tình thọ hưởng vui chơi sung sướng như ở chốn thiên cung.

Những điều như thế làm sao thông?

Đáp: Những thứ ấy là thuộc về hành diệu không phải là luật nghi, là thọ nhận quả của hành diệu, không phải là quả của luật nghi, do vậy không có lỗi.

Có Sư khác nói: Đó là do thần lực của Tôn giả ấy biến hóa ra, không phải là sự thực, vì muốn khiến cho vô số người nghe chán lìa thế gian này nên biến hóa các sự việc như vậy, do đấy không cần thông.

Có thuyết cho: Cũng có thể được, nhưng phải đúng kỳ hạn là mỗi tháng tám ngày luôn thọ trai giới, đây chỉ dành cho những người gặp chuyện trở ngại nên được như thế.

Lời bình: Thuyết trước là đúng, vì đây là giới một ngày đêm.

Hỏi: Nếu đến sau giờ ngọ thọ giới này thì có được giới không?

Đáp: Nên nói là không được, trừ việc cần có kỳ hạn đã nói ở trước. Nơi mỗi tháng tám ngày luôn thọ trai giới, người này gặp việc khác vào trước giờ ngọ nên không nhớ, đến khi ăn xong mới nhớ, rất ăn năn xấu hổ, thỉnh giới sư đúng pháp thọ trì thì cũng được giới.

Hỏi: Những người hoàng môn không có hình, hoặc có hai hình, nếu thọ luật nghi cận trụ thì có được giới không?

Đáp: Nên nói là không được. Vì sao? Vì thân làm chỗ nương dựa của những kẻ ấy có tánh tình ý chí rất yếu kém, không thể là loại tuân giữ được luật nghi hoặc không luật nghi. Như ruộng muối thì cả mầm tốt hay cỏ dại đều không mọc được. Tuy nhiên, cũng nên trao cho họ luật nghi cận trụ, khiến sinh các hành diệu sẽ thọ nhận được quả thù thắng. Hoặc đám thái giám được vua chúa tin cậy, giao phó nhiều việc quan trọng, nhân đấy gây khổ sở cho biết bao người, nếu thọ giới này thì tâm ác có thể tạm dứt, làm lợi cho nhiều người, vậy cũng nên truyền thọ, song thật ra thì không được luật nghi cận trụ.

Như thế là nói về luật nghi cận trụ.

Hoặc có nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, nhưng cận phần không thanh tịnh. Như ông Tự Tại thọ luật nghi này, có người đầu bếp muốn giết hại sinh vật để làm thức ăn. Ông ấy bảo: Hôm nay ta thọ giới, không được giết hại, hãy nhốt đó đợi sáng mai rồi giết làm thức ăn. Lại có người bắt được kẻ thù địch dắt đến xin được giết hại, ông ấy bảo: Hôm nay ta thọ luật nghi, không được giết hại, hãy giam lại sáng mai đúng pháp mà xử. Như thế gọi là nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, nhưng cận phần không thanh tịnh. Đức Thế Tôn nói: Người này thọ giới tuy nghiệp là thù thắng, nhưng không thể đạt được quả lớn.

Hoặc có trường hợp nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, cận phần cũng thanh tịnh, nhưng lại do tầm tư ác làm tổn hại. Tức là tầm tư dục, tầm tư giận, tầm tư hại. Đức Thế Tôn nói: Người này thọ luật nghi tuy là nghiệp thù thắng, nhưng không thể đạt được quả lớn.

Hoặc có trường hợp nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, cận phần cũng thanh tịnh, không do tầm tư ác làm tổn hại, nhưng không thâu giữ chánh niệm. Nghĩa là tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm giới, tùy niệm xả, tùy niệm thiên. Đức Thế Tôn nói: Người này thọ luật nghi tuy là nghiệp thù thắng, nhưng không thể đạt được quả lớn.

Hoặc có trường hợp nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, cận phần cũng thanh tịnh, không do tầm tư ác làm tổn hai, lại cũng thâu giữ chánh niệm, nhưng không hồi hướng đến giải thoát. Nghĩa là vì cầu sinh lên cõi trời để thọ hưởng vui thú, nên trọ trì giới cấm. Đức Thế Tôn nói: Người này thọ giới tuy là nghiệp thù thắng, nhưng không thể đạt được quả lớn.

Hoặc có trường hợp nghiệp đạo căn bản thanh tịnh, cận phần cũng thanh tịnh, không do tầm tư ác làm tổn hại, có thâu giữ chánh niệm, hồi hướng đến giải thoát. Đức Thế Tôn nói: Người ấy thọ trì giới là nghiệp thù thắng, có thể đạt được quả lớn.

Đức Thế Tôn căn cứ vào luật nghi thọ sau, nói với Tỳ-xá-khư mẹ của Lộc-tử: Nếu có người thành tựu tám luật nghi cận trụ này thì mười sáu nước lớn đem tất cả châu báu hiện có trong nước mình so sánh với giá trị của một người đã thọ trì thành tựu tám giới cận trụ này, thì trong mười sáu phần giá trị không thể bằng một, như thế gấp cả trăm phần, ngàn phần, trăm ngàn phần, số phần, toán phần, cho đến Ô-ba-ni-sát đàm phần cũng không thể bằng một. Mười sáu nước ấy là: 1. Nước Ương-già. 2. Nước Ma-yết-đà. 3. Nước Ca Thi. 4. Nước Kiều-tát-la. 5. Nước Phật-lật-thị. 6. Nước Mạt-la. 7. Nước Bôn-thát-la. 8. Nước Tô-hấp-ma. 9. Nước Át-thấp-phược-ca. 10. Nước Át-phạn-để. 11. Nước Diệp-phiệt-na. 12. Nước Kiếm-bạtxà. 13. Nước Câu-lư. 14. Nước Bàn-già-la. 15. Nước Phiệt-tha. 16. Nước Thú-lạc-tây-na.

Mười sáu nước này có rất nhiều thứ châu báu, nên nói riêng.

Các thứ châu báu là như: Mạt ni, chân châu, phệ-lưu-ly, loabối, bích ngọc, san hô, vàng, bạc, các thứ báu Mô-bà-lạc-yết-lạp-bà, Át-thấp-ma-yết-bà, xích châu hữu toàn v.v…

Lại Đức Phật dựa vào luật nghi được nói sau để quở trách trời Đế Thích đã nói tụng tán thán. Như khi trời Đế Thích nghe Đức Phật nói về các công đức thù thắng của giới cận trụ, liền đọc kệ để tán thán:

Sáu trai tháng thần biến

Thọ trì tám giới trai

Công đức ấy thù thắng

Tức là bằng với ta.

Khi ấy, Đức Thế Tôn bảo chúng Bí-sô: Tụng của trời Đế Thích nói ra là trái với đạo lý. Như bậc A-la-hán nói thế thì được. Vì sao? Vì trời Đế Thích chưa có thể lìa hẳn tham sân si, chưa được giải thoát, các thứ sinh lão bệnh tử, buồn lo sầu khổ hãy còn trói chặt thân tâm làm sao có thể nói là thọ trì giới này, các công đức đạt được so với mình là bằng. Còn bậc A-la-hán đã dứt hết các lậu, việc làm đã xong, bỏ hết các gánh nặng, phần tự lợi đã trọn, các kiết ở các cõi đã trừ dứt, tâm hoàn toàn giải thoát, không còn thọ nhận thân sau, người như thế mới có thể nói là khi thọ trì giới này, các công đức đạt được so với mình là bằng. Còn công đức của trời Đế Thích chỉ chiêu cảm được quả của bậc Thiên Đế, còn thọ trì tám giới này thì chứng được Tam Bồ-đề, nên không thể nói công đức ấy bằng mình được.

Hỏi: Những ai nên thọ trì luật nghi cận trụ này?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ có bậc Thánh, không phải là hàng phàm phu, chỉ là Cận sự, không phải là phi Cận sự, chỉ có vì tạm thời xả bỏ suốt đời, nhưng cũng có trường hợp vì suốt đời xả bỏ suốt đời, hay vì suốt đời mà bỏ tạm thời. Có những ai vì tạm thời thọ nhận suốt đời, nhưng cũng có loại vì suốt đời thọ nhận tạm thời.

Nên nói như vầy: Cũng là bậc Thánh, cũng là phàm phu, cũng là Cận sự, cũng là phi Cận sự. Song Đức Bạc-già-phạm nói với Tỳ-xákhư mẹ Lộc tử, và trời Đế Thích nói kệ là chỉ căn cứ vào bậc Thánh.

Hỏi: Luật nghi Cận sự nương vào chốn nào mà có?

Đáp: Chỉ nương vào cõi dục, không phải ở cõi sắc và cõi vô sắc. Chỉ nương vào nẻo người mà có không phải ở các nẻo khác. Chỉ nương vào ba châu trừ châu Bắc.

Hỏi: Nếu luật nghi này chỉ nương vào nẻo người thì như nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Có một rồng sống trong biển, nhân ngày lục trai đã từ biển cả lên bờ, thọ tám giới trai, buông bỏ thân tâm, an nhiên mà trụ, thong thả phát ra lời ngâm vịnh: Nay nơi thế gian không còn não hại.

Đáp: Đây là rồng được hành diệu không phải là được luật nghi, tự lấy làm mừng đã tạm thời lìa bỏ các hành ác. Rồng nhớ lại lúc xưa khi còn làm người có thọ tám giới trai nhưng vì hủy phạm nên không được thanh tịnh, do đó bị đọa làm loài rồng, tự nghĩ: Xưa ta vốn là người, nếu có thể thọ trì tám giới trai được thanh tịnh, thì nay đã sinh lên cõi trời thọ hưởng diệu lạc, không biết đã phạm giới hồi nào mà bị đọa vào nẻo ác này. Vì chán các hành ác nên mới từ biển cả lên bờ, thọ tám giới trai, ngâm vịnh tự vui mừng. Thật ra rồng kia chỉ được hành diệu không phải là được luật nghi.

Hỏi: Vì sao luật nghi này gọi là cận trụ?

Đáp: Vì gần với bậc A-la-hán mà trụ nên gọi là cận trụ. Khi thọ luật nghi này phải theo học các vị ấy.

Có thuyết nói: Đây là gần với giới tận thọ (Giới thọ suốt đời) mà trụ, nên gọi là cận trụ.

Có thuyết cho: Giới này gần thời mà trụ, nên gọi là cận trụ. Các luật nghi như thế cũng gọi là nuôi lớn, tức nuôi lớn các căn thiện còn mỏng ít nơi các hữu tình, khiến các căn thiện ấy dần dần thêm nhiều.

Có thuyết nêu: Nuôi lớn căn thiện của hàng tại gia, khiến trụ gần nơi căn thiện của người xuất gia.

Hỏi: Tám chi luật nghi đã nói đó có bao nhiêu thứ là chi Thi la, bao nhiêu thứ là chi không phóng dật, bao nhiêu thứ là chi xa lìa?

Đáp: Năm thứ là chi Thi la, tức là từ lìa bỏ giết hại cho đến lìa bỏ uống rượu. Một thứ là chi không phóng dật, đó là lìa bỏ ăn phi thời. Hai thứ còn lại là chi xa lìa.

Lại nữa, bốn thứ trước là chi Thi la lìa tánh tội, còn luật nghi thứ năm là chi không phóng dật, vì tuy thọ Thi la nhưng khi uống rượu vào thì tâm liền phóng dật, không thể giữ giới được. Ba thứ sau thuộc về chi xa lìa, vì chúng có thể tùy thuận vào tâm chán lìa, vì chán lìa nên có thể chứng được quả của luật nghi.

Do đấy cận trụ có đầy đủ tám chi, trong đó nói năm giới thì thêm ba, nơi mười giới thì bớt một, hợp hai giới thành một, hoặc chia một giới thành hai.

***

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ TỰ NGHIỆP, phần 1

* Thế nào là tự nghiệp? Tự nghiệp có nghĩa gì? Các chương như thế và giải nghĩa của chương đã được lãnh hội rồi, tiếp theo nên giải thích rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm để phân biệt nghĩa của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Đức Phật bảo Ma-nạp-bà: Các hữu tình ở thế gian này đều do tự nghiệp, đều là nghiệp phân định, đều từ nghiệp sinh, nghiệp là chỗ dựa, nghiệp có thể phân xét các loài hữu tình sẽ sinh vào các nơi chốn cao thấp hơn kém.. Khế kinh tuy nói thế nhưng chưa biện giải rộng về nghĩa của tự nghiệp. Luận này lấy Khế kinh làm chỗ dựa căn bản, nên điều nào kinh không nói nay sẽ nêu bày, do đó tạo ra phần Luận này.

Tôn giả Thế Hữu nói: Các hữu tình ở thế gian đều do tự nghiệp: Nghĩa là tự mình gây tạo nghiệp nào thì chính mình nhận lấy dị thục ấy.

Đều là nghiệp phân định: Nghĩa là tạo nghiệp như thế thì phải chịu dị thục như thế.

Đều từ nghiệp sinh: Nghĩa là nghiệp làm nhân sinh để nhận lấy quả dị thục, tức mọi người đều sinh vào nơi chốn nên sinh của mình.

Nghiệp là chỗ dựa: Nghĩa là nghiệp làm nhân nương dựa để nhận lấy đủ các cõi.

Nghiệp có thể phân xét các loài hữu tình sẽ sinh vào các nơi chốn cao thấp hơn kém: Nghĩa là như trước đã nói: Xứ sinh của các hữu tình kia là do nghiệp phân xét chỗ cao thấp hơn kém.

Hỏi: Thế nào là Tự nghiệp?

Đáp: Nếu nghiệp đã tạo ra nay có dị thục và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ.

Nếu nghiệp đã tạo ra nay có dị thục: Câu này là hiển bày thuận nơi trung hữu thọ nghiệp.

Và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ: Câu này là làm sáng tỏ thuận nơi sinh hữu thọ nghiệp.

Như thuận theo trung hữu, thuận theo sinh hữu… thọ nghiệp, nên biết thuận khởi thọ dị thục, thuận sinh thọ dị thục, thuận khởi thọ quả, thuận sinh thọ quả, thuận quả tế, thuận quả thô nơi các nghiệp cũng như thế.

Hỏi: Là do nhân nên gọi là tự nghiệp hay là do quả nên gọi là tự nghiệp? Nếu do nhân nên gọi là tự nghiệp thì câu sau đã nói làm sao thông? Câu sau nói: Và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ. Còn nếu do quả nên gọi là tự nghiệp thì câu trước nói làm sao thông? Câu trước nói: Nghiệp đã tạo ra nay có dị thục.

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ do nhân nên gọi là tự nghiệp, tức do câu trước.

Có thuyết cho: Chỉ do quả nên gọi là tự nghiệp, tức do câu sau. Nên nói như vầy: Chỉ do nhân nên gọi là tự nghiệp.

Hỏi: Nếu thế thì vì sao lại nói: Và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ?

Đáp: Ở phần vị trụ quả thì do nhân ấy mới được mang tên là nghiệp. Thế nên Tôn giả Diệu Âm nói: Nếu quả yêu thích hoặc không yêu thích đã khởi hiện tiền thì nghiệp đó bấy giờ mới gọi là tự nghiệp, không phải là lúc chưa tạo nghiệp và đang tạo nghiệp. Có thể hiện tiền thọ nhận quả dị thục và cần nghiệp ấy diệt rồi thì quả mới khởi.

Hỏi: Tự nghiệp có nghĩa gì?

Đáp: Là nghĩa được quả của mình, được đẳng lưu của mình, được dị thục của mình.

Trong đây có thuyết nói: Quả của mình tức là quả sĩ dụng. Đẳng lưu của mình là quả đẳng lưu. Dị thục của mình là quả dị thục.

Có thuyết nêu: Các câu ấy đều hiển bày về quả dị thục. Như ở đây nói: Chiêu cảm dị thục nơi nghiệp gọi là tự nghiệp. Có chỗ thì đẳng lưu dùng tiếng dị thục để nói. Như nói: Những gì gọi là thọ dị thục? Đáp: Đó là ái. Có chỗ thì dị thục dùng tiếng đẳng lưu để nói, như ở đây nói.

Lại nữa, nghiệp này chiêu cảm dị thục đối với sự nối tiếp của mình hiện đang chín dần, không phải là thứ nào khác nên gọi là tự nghiệp.

Hỏi: Là tạo nghiệp này thì thọ nhận quả này, tạo nghiệp khác thì thọ nhận quả khác chăng?

Đáp: Có duyên nên nói tạo thứ này nhận thứ này. có duyên nên nói tạo thứ khác nhận thứ khác. Có duyên nên nói không tạo không nhận.

Có duyên nên nói: Tạo thứ này nhận thứ này. Nghĩa là các thứ uẩn, xứ, giới lần lượt nối tiếp nhau, từng sát-na tuy khác nhưng có thể nói là một.

Có duyên nên nói: Tạo thứ khác nhận thứ khác. Nghĩa là ở nẻo người tạo nghiệp nhưng nhận quả ở nẻo khác, ở nẻo khác tạo nghiệp cũng như thế.

Có duyên nên nói: Không tạo không nhận. Nghĩa là tất cả pháp đều vô ngã, không có hữu tình, không có thọ mạng, không có nuôi dạy, không có Bổ-đặc-già-la, là không, không có sĩ phu bên trong, lìa bỏ người tạo tác, kẻ thọ nhận, chỉ có các nhóm hành sinh diệt. Đối với sự nối tiếp của mình nuôi dưỡng theo nuôi dưỡng, dạy dỗ theo dạy dỗ, giữ gìn theo giữ gìn, chuyển biến theo chuyển biến, lợi ích theo lợi ích, nên gọi là tự nghiệp.

Hỏi: Dị thục của nghiệp thiện đối với sự nối tiếp của mình có thể nuôi dưỡng. Dị thục của nghiệp bất thiện đối với sự nối tiếp của mình chỉ là tổn hại. Như ở nơi Nạc-lạc-ca bị mười ba ngọn lửa dữ thiêu đốt thân mình, thì hữu tình ấy đâu có được nuôi dưỡng gì?

Đáp: Nuôi dưỡng có hai thứ: Một là khiến tăng trưởng. Hai là khiến không dứt. Dị thục của nghiệp thiện đối với sự nối tiếp của mình do hai việc đó nên gọi là nuôi dưỡng. Còn dị thục của nghiệp ác đối với sự nối tiếp của mình do khiến không dứt, nên gọi là nuôi dưỡng, không phải là khiến tăng trưởng, nên không có lỗi.

Hỏi: Nếu nghiệp là tự nghiệp thì nên nói nghiệp này thuộc quá khứ, vị lai hay hiện tại?

Đáp: Nên nói nghiệp này thuộc quá khứ.

Hỏi: Vì sao không nói nghiệp này thuộc vị lai?

Đáp: Vì không phải thọ quả trước tạo nhân sau.

Hỏi: Vì sao không nói nghiệp này thuộc hiện tại?

Đáp: Vì nhân và quả dị thục không có cùng lúc.

Hỏi: Nếu nghiệp là tự nghiệp thì nghiệp này thành tựu chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp là tự nghiệp nhưng nghiệp này không thành tựu. Nghĩa là nghiệp đã tạo nay có dị thục và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ. Nghiệp này đã mất, như nghiệp không gián đoạn hiện tiền, đã lôi kéo quả dị thục đang hiện tiền. Nghiệp này đã mất do bỏ chỗ nương dựa là chúng đồng phần. Hoặc nghiệp của luật nghi đã hiện tiền lôi kéo dị thục. Loại này có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ, thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ và thuận thọ không nhất định.

Nay khi quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất, là do bốn duyên hoặc năm duyên, tức là a. Bỏ chỗ học. b. Có hai hình. c. Đoạn dứt căn thiện. d. Bỏ chúng đồng phần, hoặc tướng sáng xuất hiện.

Nếu nghiệp không luật nghi đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục, đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất, do bốn duyên: Tức là thọ luật nghi, được tĩnh lự, có hai hình và bỏ chúng đồng phần. Hoặc không phải luật nghi không phải không luật nghi và các hành diệu, hành ác của thân ngữ đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục, đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất, do ba duyên: a. Ý lạc dứt. b. Bỏ gia hạnh. c. Vượt quá thế mạnh hạn định.

Nếu các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục, đây có bốn thứ nghĩa là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất. Nghĩa là nếu thiện thì do đã đoạn căn thiện, hoặc do bỏ chúng đồng phần. Còn nếu bất thiện thì do lìa nhiễm.

Nếu ố tác và ưu căn cùng sinh các suy nghĩ thiện đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục, thì đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất, vì dứt căn thiện, hoặc đã lìa nhiễm.

Nếu các nghiệp thuận phần thoái chuyển, thuận phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… ở tĩnh lự thứ nhất đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục, thì đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả đang hiện tiền thì nghiệp này đã mất, là do lìa hết nhiễm hoặc đã chuyển đổi giới, địa v.v… Như thế cho đến các nghiệp thuận phần thoái chuyển, thuận phần thắng tấn v.v… ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nói rộng nên biết.

2. Có nghiệp thành tựu nghiệp này nhưng không phải là tự nghiệp. Nghĩa là nghiệp không phải đã được nay có dị thục, và dị thục của nghiệp không phải đã sinh lúc đang thọ. Nghiệp này không mất, như nghiệp không gián đoạn đã hiện tiền, đã lôi kéo dị thục. Khi chưa hiện tiền thì nghiệp này không mất, do chưa bỏ chỗ nương dựa là chúng đồng phần.

Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, và các hành diệu, hành ác khác của thân ngữ.

Hoặc các suy nghĩ thiện bất thiện thuộc cõi dục, hoặc ố tác ưu căn cùng sinh suy nghĩ thiện đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục đều có bốn thứ, tức thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Quả chưa hiện tiền thì nghiệp này không mất, là do không có các duyên để mất, như đã nói ở trước.

Nếu các nghiệp thuận phần thoái, thuận phần trụ, thuận phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… của tĩnh lự thứ nhất đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, thì đây có bốn thứ, nghĩa là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Khi quả chưa hiện tiền thì nghiệp này không mất, là do chưa hoàn toàn lìa hết nhiễm, chưa dời đổi giới, địa v.v… Như thế cho đến các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v… ở Phi tưởng phi phi tưởng xứ, nói rộng nên biết.

3. Có nghiệp là tự nghiệp nghiệp này cũng thành tựu. Nghĩa là nghiệp đã được, nay có dị thục và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ, nghiệp này không mất. Như nghiệp có luật nghi hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi và các hành diệu, hành ác của thân ngữ khác, đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có hai thứ là thuận hiện pháp thọ và thuận thọ không nhất định. Khi quả đang hiện tiền thì nghiệp này không mất, là do không có các duyên để mất, như trước đã nói.

Nếu các suy nghĩ thiện bất thiện thuộc cõi dục, hoặc có suy nghĩ thiện của ố tác, ưu căn cùng sinh đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có bốn thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả đang hiện tiền thì nghiệp này không mất, là do không có các duyên để mất, như trước đã nói.

Nếu các nghiệp thuận phần thoái, thuận phần trụ, thuần phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… ở các tĩnh lự và vô sắc v.v… đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có bốn thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả đang hiện tiền thì nghiệp này không mất, là do không có các duyên để mất, như trước đã nói.

4. Có nghiệp không phải là tự nghiệp nghiệp này cũng không thành tựu. Nghĩa là nghiệp không phải đã được, nay có dị thục và dị thục của nghiệp không phải đã sinh nay đang thọ. Nghiệp này đã mất, như nghiệp không gián đoạn và trong các chúng đồng phần khác đã tiêu mất, đã thọ nhận, đã làm xong các việc làm, đã cho quả xong, không thể tạo dị thục đã chín. Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi và các hành diệu, hành ác của thân ngữ khác. Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục. Hoặc các suy nghĩ thiện của ố tác, ưu căn cùng sinh. Hoặc các nghiệp thuận phần thoái, thuận phần trụ, thuận phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… của các thứ tĩnh lự và cõi vô sắc, trong các chúng đồng phần khác đã tiêu mất, đã thọ nhận, đã làm các việc làm, đã cho quả xong, không thể tạo dị thục đã chín, thì nghiệp này đã mất, là do có các duyên để mất như đã nói ở trước, không phải cũng có bốn trường hợp, mà ngược lại đấy nên biết. Nghĩa là trường hợp thứ hai ở trước là trường hợp thứ nhất ở đây, trường hợp thứ nhất ở trước là trường hợp thứ hai ở đây, trường hợp thứ tư ở trước là trường hợp thứ ba ở đây, và trường hợp thứ ba ở trước là trường hợp thứ tư ở đây, nói rộng như trước.

HẾT – QUYỂN 124