LUẬN A TỲ ĐẠT MA ĐẠI TỲ BÀ SA
Tác giả: Năm trăm vị Đại A La Hán
Hán dịch: Đời Đường, Tam Tạng Pháp sư Huyền Trang
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 125

Chương 4: NGHIỆP UẨN

Phẩm 5: BÀN VỀ TỰ NGHIỆP, phần 2

Hỏi: Nếu nghiệp là tự nghiệp thì nghiệp này nhất định thọ nhận dị thục chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp là tự nghiệp nhưng nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục. Nghĩa là nghiệp đã được, nay có dị thục, dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ. Dị thục của nghiệp này đã đến phần vị sau cùng. Về thứ sau cùng này có nhiều nghĩa. Tức có thứ sau cùng là một ngàn kiếp, có thứ sau cùng là một trăm kiếp, có thứ sau cùng là một kiếp, một ngàn năm, một trăm năm, một năm, một tháng, một ngày đêm, một sát-na.

Thế nào là sau cùng là một ngàn kiếp? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, thọ lượng là tám mươi ngàn kiếp. Khi người này ở vào một ngàn kiếp sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một trăm kiếp? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Vô phiền, thọ lượng là một ngàn kiếp. Khi người này ở vào một trăm kiếp sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một kiếp? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Biến tịnh, thọ lượng là sáu mươi bốn kiếp. Khi người này ở vào một kiếp sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một ngàn năm? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Tha Hóa Tự Tại, thọ lượng là mười sáu ngàn năm. Khi người này ở vào một ngàn năm sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một trăm năm? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến châu Bắc Câu Lô, thọ lượng là một ngàn năm. Khi người này ở vào một trăm năm sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một năm? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến châu Nam Thiệm Bộ, thọ lượng là một trăm năm. Khi người này ở vào một năm sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một tháng? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến nơi có thọ lượng mười hai tháng. Khi người này ở vào tháng sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là một ngày đêm? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến nơi có thọ lượng ba mươi ngày. Khi người này ở vào ngày đêm sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

Thế nào là sau cùng là sát-na? Nghĩa là như một nghiệp có thể dẫn đến nơi có thọ lượng là một trăm sát-na. Khi người này ở vào sát-na sau cùng thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định không thọ nhận dị thục nữa, vì đã đến phần vị của dị thục sau cùng.

2. Có nghiệp nhất định thọ nhận dị thục nhưng nghiệp này không phải là tự nghiệp. Nghĩa là nghiệp không phải đã được, nay có dị thục và dị thục của nghiệp không phải là đã sinh nay đang thọ, vì dị thục của nghiệp này chưa chín. Như nghiệp không gián đoạn đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục chưa hiện tiền. Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi, hay nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, và các hành diệu, hành ác nơi các thân, ngữ nghiệp khác. Hoặc có suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục. Hoặc các suy nghĩ thiện của ố tác, ưu căn cùng sinh. Nếu các nghiệp thuận phần thoái chuyển, thuận phần an trụ, thuận phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có ba thứ: Tức là thuận hiện pháp thọ, thuận thứ sinh thọ, thuận hậu thứ thọ, khi quả chưa hiện tiền.

3. Có nghiệp là tự nghiệp nghiệp này nhất định thọ nhận dị thục. Nghĩa là nghiệp đã được, nay có dị thục và dị thục của nghiệp đã sinh nay đang thọ. Vì dị thục của nghiệp này chưa đến phần vị sau cùng. Nói sau cùng này về nghĩa có nhiều thứ. Tức có thứ sau cùng là một ngàn kiếp, cho đến có thứ sau cùng là sát-na.

Sau cùng là một ngàn kiếp: Như có một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Phi tưởng phi phi tưởng xứ, cõi này thọ lượng tám mươi ngàn kiếp. Khi người này ở vào một ngàn kiếp đầu tiên thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, nghĩa là nhất định thọ nhận bảy mươi chín ngàn kiếp dị thục, cho đến khi người này trụ nơi kiếp thứ bảy mươi chín ngàn thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, tức là nhất định thọ nhận một ngàn kiếp dị thục.

Sau cùng là một trăm kiếp: Như có một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Vô phiền, thọ lượng là một ngàn kiếp. Khi người này ở vào một trăm kiếp đầu tiên thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, nghĩa là nhất định thọ nhận chín trăm kiếp dị thục, cho đến khi người này trụ nơi kiếp thứ chín trăm thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, tức là nhất định thọ nhận một trăm kiếp dị thục.

Sau cùng là một kiếp: Như có một nghiệp có thể dẫn đến cõi trời Biến tịnh, thọ lượng là sáu mươi bốn kiếp. Khi người này ở vào một một kiếp đầu tiên thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, nghĩa là nhất định thọ nhận sáu mươi ba kiếp dị thục, cho đến khi người này trụ nơi kiếp thứ sáu mươi ba thì nghiệp ấy là tự nghiệp, nghiệp ấy nhất định thọ nhận dị thục, tức nhất định thọ nhận một kiếp dị thục.

Như thế sau cùng là một ngàn năm, cho đến sau cùng là một sát-na, theo chỗ ứng hợp nói rộng cũng như thế.

Như vậy quả của nghiệp đang hiện tiền nên gọi là tự nghiệp. Vì chưa đến phần vị của dị thục sau cùng nên gọi là nhất định thọ nhận dị thục.

4. Có nghiệp không phải là tự nghiệp nghiệp này nhất định cũng không thọ nhận dị thục. Nghĩa là nghiệp không phải đã được, nay có dị thục và dị thục của nghiệp không phải đã sinh nay đang thọ, vì dị thục của nghiệp này đã chín, các nghiệp không gián đoạn trong các chúng đồng phần khác đã tiêu mất, đã thọ nhận, đã làm các việc, đã cho quả xong, không thể tạo dị thục đã chín. Như nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, nói rộng cho đến nếu các các nghiệp thuận phần thoái, thuận phần phần trụ, thuận phần thắng tấn, thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc, đã tiêu mất, đã thọ nhận, đã làm các việc, đã cho quả xong, không thể tạo dị thục đã chín, không phải cũng có bốn trường hợp, nhưng là ngược lại nên biết. Nghĩa là trường hợp thứ hai ở trước làm trường hợp thứ nhất ở đây, trường hợp thứ nhất ở trước làm trường hợp thứ hai ở đây, trường hợp thứ tư ở trước làm trường hợp thứ ba ở đây, trường hợp thứ ba ở trước làm trường hợp thứ tư ở đây. Nói rộng như trước.

Hỏi: Nếu nghiệp thành tựu thì nghiệp này nhất định thọ nhận dị thục chăng?

Đáp: Nên nêu ra bốn trường hợp:

1. Có nghiệp thành tựu nhưng nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục. Nghĩa là dị thục đã chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này không mất. Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu đã được nhưng nhất định không sinh ở vị lai. Hoặc nghiệp vô ký vô lậu thành tựu.

Trong đây, nói dị thục đã chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này không mất: Như nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, và các hành diệu, hành ác của thân ngữ khác đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có hai thứ là thuận hiện pháp thọ và thuận thọ không nhất định. Khi quả đã hiện tiền thì nghiệp này không mất, vì không có các duyên để mất, như trước đã nói.

Nếu các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục, hoặc có suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả đã hiện tiền thì nghiệp này không mất, vì không có các duyên để mất, như trước đã nói.

Nếu các nghiệp thuận phần thoái chuyển, cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc v.v… đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có bốn thứ, tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả đã hiện tiền thì nghiệp này không mất, vì không có các duyên để mất, như trước đã nói.

Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu đã được nhưng nhất định không sinh ở vị lai: Nghĩa là các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục đã được nhất định không sinh ở vị lai, vì nhất định không sinh nên nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục. Hoặc có các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh. Hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v… cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc, đã được, nhất định không sinh ở vị lai. Vì nhất định không sinh nên nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục.

Hoặc nghiệp vô ký vô lậu thành tựu: Nghĩa là nghiệp vô ký, vô lậu tuy có thành tựu nhưng tánh chúng không chắc thật và không có ái thấm nhuần, nên nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục.

2. Có nghiệp nhất định thọ nhận dị thục nhưng nghiệp này không thành tựu. Nghĩa là dị thục chưa chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này đã mất. Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu không được nhưng nhất định sinh ở vị lai.

Trong đây, nói dị thục chưa chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này đã mất: Tức là như các nghiệp có luật nghi đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ, thuận thứ sinh thọ và thuận hậu thứ thọ. Khi quả chưa hiện tiền thì nghiệp này đã mất, là do có đủ các duyên để mất, như trước đã nói. Hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, và các hành diệu, hành ác của thân ngữ khác.

Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục, hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh. Hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v.., cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có ba thứ tức là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả chưa hiện tiền thì nghiệp này đã mất, vì có các duyên để mất, như trước đã nói.

Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu không được nhưng nhất định sinh ở vị lai: Nghĩa là các nghiệp không gián đoạn ở vị lai chưa được nhất định sẽ sinh. Vì nhất định sinh nên nhất định thọ nhận dị thục. Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi, và các hành diệu hành ác của thân và ngữ khác. Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục, hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh. Hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v…, cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc, các thứ chưa được nhưng nhất định sinh ở vị lai. Vì nhất định sinh nên nhất định thọ nhận dị thục, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

3. Có nghiệp thành tựu nghiệp này nhất định thọ nhận dị thục. Nghĩa là dị thục chưa chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này không mất. Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu đã được, nhất định cũng sinh ở vị lai. Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở hiện tại.

Trong đây, nói dị thục chưa chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này không mất: Tức là các nghiệp không gián đoạn đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, khi quả chưa hiện tiền. Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi và các hành diệu hành ác của thân ngữ khác. Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục. Hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh. Hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v… cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đã hiện tiền, đã dẫn dắt dị thục, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Khi quả chưa hiện tiền thì nghiệp này không mất, do không có các duyên để mất, như đã nói ở trước.

Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu đã được, nhất định cũng sinh ở vị lai: Tức là những suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục đã được và nhất định sinh ở vị lai. Vì nhất định sinh nên nhất định thọ nhận dị thục, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói. Hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh, hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đã được, cũng nhất định sinh ở vị lai. Vì nhất định sinh nên nhất định thọ nhận dị thục, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở hiện tại: Tức là các nghiệp không gián đoạn đang hiện tiền, hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc nghiệp không phải luật nghi không phải không luật nghi và các hành diệu, hành ác của các thân ngữ khác. Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục, hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh, hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đang hiện tiền, ở đây có ba thứ là thuận hiện pháp thọ v.v… như trước đã nói.

4. Có nghiệp không thành tựu nghiệp này nhất định không thọ nhận dị thục. Nghĩa là dị thục đã chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này đã mất. Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu không được và cũng nhất định không sinh ở vị lai.

Hoặc các nghiệp vô ký vô lậu không thành tựu.

Trong đây, nói dị thục đã chín của nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu ở quá khứ, nghiệp này đã mất: Nghĩa là các nghiệp không gián đoạn và trong các chúng đồng phần khác đã tiêu mất, đã thọ nhận v.v… nói rộng như trước. Hoặc nghiệp có luật nghi, hoặc nghiệp không luật nghi, hoặc không không phải luật nghi không phải không luật nghi và các thứ hành diệu, hành ác của thân ngữ khác. Hoặc các suy nghĩ thiện và bất thiện thuộc cõi dục, hoặc các suy nghĩ thiện do ố tác, ưu căn cùng sinh, hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển cho đến thuận phần quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc đã có ở quá khứ, đã tiêu mất, đã thọ nhận, nói rộng như trước. Nghiệp này đã mất là do có đủ các duyên để mất, như đã nói ở trước.

Hoặc các nghiệp bất thiện và thiện hữu lậu không được và cũng nhất định không sinh ở vị lai: Nghĩa là các nghiệp không gián đoạn ở vị lai chưa được, nhất định cũng không sinh. Vì nhất định không sinh nên nhất định không thọ nhận dị thục. Hoặc các nghiệp có luật nghi v.v… nói rộng cho đến hoặc các nghiệp thuận phần thoái chuyển v.v… cho đến thuận quyết trạch v.v… của các tĩnh lự và cõi vô sắc. Các nghiệp chưa được nhưng nhất định không sinh ở vị lai, vì nhất định không sinh nên cũng nhất định không thọ nhận dị thục.

Hoặc các nghiệp vô ký vô lậu không thành tựu: Nghĩa là do không chắc thật, không có ái thấm nhuần, hoặc trước chưa được, hoặc được rồi mất, nên không phải cũng có bốn trường hợp, nhưng là trái ngược lại nên biết. Tức trường hợp thứ hai ở trước làm trường hợp thứ nhất ở đây, trường hợp thứ nhất ở trước làm trường hợp thứ hai ở đây, trường hợp thứ tư ở trước làm trường hợp thứ ba ở đây, trường hợp thứ ba ở trước làm trường hợp thứ tư ở đây, nói rộng như trước.

***

* Nếu hàng Dự lưu có nghiệp bất thiện có thể thuận thọ khổ, cho đến nói rộng?

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Là nhằm khiến các kẻ nghi có được sự quyết định. Như nói do hai nguyên nhân khiến bị đọa vào nẻo ác, đó là các nghiệp do kiến đạo đoạn và do tu đạo đoạn. Các hàng Dự lưu tuy đã đoạn dứt hẳn nghiệp do kiến đạo đoạn trừ, nhưng chưa đoạn dứt nghiệp do tu đạo đoạn trừ, nên hoặc có kẻ sinh nghi: Các hàng Dự lưu đó phải bị đọa vào các nẻo ác. Hoặc lại sinh nghi: Những người này đáng lẽ đã đoạn dứt hết nghiệp do tu đạo đoạn. Nay muốn khiến các kẻ nghi ấy có được quyết định, chỉ rõ hàng Dự lưu tuy chưa đoạn dứt hẳn các nghiệp do tu đạo đoạn nhưng quyết định không đọa vào nẻo ác, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Nếu hàng Dự lưu có nghiệp bất thiện, có thể thuận theo khổ thọ và người ấy đã thành tựu dị thục nhưng chưa chín, đáng lẽ phải đọa vào các nẻo ác, nhưng có đạo nào ngăn trở nên không bị đọa chăng?

Đáp: Do hai bộ kiết trói buộc các hữu tình khiến phải đọa vào các nẻo ác, đó là kiết do kiến đạo đoạn trừ và kiết do tu đạo đoạn trừ.

Các hàng Dự lưu tuy chưa dứt hẳn các kiết do tu đạo đoạn, nhưng đã dứt trừ vĩnh viễn các kiết do kiến đạo đoạn, vì nếu thiếu một thứ tư lương cũng không bị đọa vào nẻo ác. Như xe phải có đủ hai bánh mới chuyên chở được, như chim phải có đủ hai cánh mới bay được nơi khoảng không, nếu thiếu một thì không thể. Ở đây cũng như thế, nên hàng Dự lưu không bị đọa vào các nẻo ác theo văn của Bản luận đã giải thích như thế.

Nhưng có thuyết nói: Kẻ ngu bị đọa vào nẻo ác, người trí thì không như thế. Tất cả hàng Dự lưu là người trí. Người phàm bị đọa vào nẻo ác, bậc Thánh thì không như thế. Tất cả hàng Dự lưu là bậc Thánh. Kẻ có ý vui thích ác, ý vui thích hại bị đọa vào nẻo ác. Người có ý vui thích thiện, ý vui thích không hại thì không như thế. Tất cả hàng Dự lưu đều là người có ý vui thích thiện và ý vui thích không hại. Kẻ phạm giới bị đọa vào nẻo ác, người giữ giới thì không như thế. Tất cả hàng Dự lưu đều là người giữ giới, do họ có được con thuyền bền chắc của giới được bậc Thánh yêu thích.

Lại có thuyết cho: Tất cả hàng Dự lưu đều được phi trạch diệt đối với các nẻo ác. Các pháp được phi trạch diệt thì pháp ấy rốt ráo không còn hiện tiền, thế nên hàng Dự lưu không bị đọa vào nẻo ác.

Có Sư khác nêu: Nếu có người không thấy được các lỗi lầm của hành ác và các công đức của hành diệu thì bị đọa vào nẻo ác. Tất cả hàng Dự lưu thì thấy biết đúng như thật về thiện ác, được mất. Do vì mất niệmnên tuy tạm khởi nghiệp ác, nhưng không bị đọa vào nẻo ác.

Có thuyết lại biện: Vì Tát-ca-da-kiến (Hữu thân kiến) chưa đoạn dứt, chưa nhận biết khắp, nên tạo ra các nghiệp ác, nên bị đọa vào nẻo ác. Tất cả hàng Dự lưu đối với Tát-ca-da-kiến đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp, tuy tạm khỏi nghiệp ác nhưng không bị đọa vào nẻo ác.

Như Đức Thế Tôn nói: Nếu người nào hữu thân kiến đã đoạn dứt, đã nhận biết khắp thì có đủ năm công đức là: 1. Ngăn chận ba nẻo ác. 2. Ngăn tránh năm nghiệp vô gián. 3. Giải thoát được các thứ nhóm ác kiến. 4. Đã tạo được giới hạn đối với nẻo sinh tử không bến bờ. 5. Khi lâm chung tâm thần sáng suốt.

Có thuyết nói: Hàng Dự lưu tâm trí thanh tịnh tuy có tạo nghiệp ác không bị đọa vào nẻo ác. Như có hai người ăn thức ăn không nên ăn, một người nội hỏa suy kém, ăn uống không tiêu, nên rất khổ sở, một người thì nội hỏa mạnh, ăn uống dễ tiêu, nên không khổ sở. Hàng phàm phu và hàng Dự lưu cũng như thế, tuy cùng nhân cảnh tạo nên nghiệp bất thiện, nhưng các phàm phu vì tâm trí không tịnh, không có lửa Thánh đạo, nên bị đọa vào các nẻo ác, chịu nhiều khổ não. Còn các Dự lưu vì tâm trí thanh tịnh, nên ở trong nẻo người, trời chỉ chịu khổ nhỏ.

Có thuyết cho: Hàng Dự lưu đã sinh trong dòng Thánh của vô lượng hằng hà sa số các Đức Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác, tuy có gây tạo nghiệp ác nhưng không bị đọa vào nẻo ác. Như có hai người đều phạm phép vua, một kẻ là dân thường nên bị trị tội nặng, còn người kia là vương tử nên chỉ bị quở trách. Kẻ phàm phu và hàng Dự lưu cũng như thế. Cả hai đều cùng gây tạo nghiệp ác, nhưng kẻ phàm phu không phải là dòng Thánh, nên các nghiệp ác đã tạo sẽ chiêu cảm khổ trong nẻo ác. Còn tất cả Dự lưu đều là dòng Thánh, nên các nghiệp ác chỉ chiêu cảm tội nhẹ ở nẻo người, trời.

Có thuyết nêu: Hàng Dự lưu thấy rõ lỗi lầm của cảnh nên tuy có nghiệp ác nhưng không bị đọa vào nẻo ác. Như có hai con cá đều cùng ăn mồi, một con không khôn ngoan nuốt phải lưỡi câu nên đành mất mạng, còn con kia khôn ngoan dùng đuôi hất mồi rớt ra mà ăn nên không mất mạng. Hàng Dự lưu và kẻ phàm phu cũng như thế. Tuy cùng nhân cảnh gây nghiệp bất thiện, nhưng các kẻ phàm phu không có Thánh trí, nên đối với chỗ thọ dụng không thấy rõ các lỗi lầm sinh tham đắm nặng, nên phải chiêu cảm khổ lớn. Còn hàng Dự lưu có Thánh trí, đối với sự thọ dụng thấy rõ các lỗi lầm không sinh tham đắm, do đó chỉ bị khổ nhỏ.

Có thuyết biện: Hàng Dự lưu có đủ Chỉ, Quán, nên tuy có gây tạo nghiệp ác nhưng không bị đọa vào nẻo ác. Như con Cù-đà với con quạ cùng ăn thây chết đang trôi trên sông. Có kẻ bắn tên, con Cùđà vì không cánh nên rơi xuống nước chết, còn con quạ nhờ có hai cánh nên bay mất. Hàng Dự lưu và kẻ phàm phu cũng như thế. Tuy cùng nhân cảnh và gây tạo nghiệp bất thiện, khi bị mũi tên vô thường bắn trúng, kẻ phàm phu vì không có đôi cánh Chỉ, Quán nên phải chết chìm trong nước ở nẻo ác. Còn hàng Dự lưu do có đôi cánh Chỉ, Quán nên bay lên khoảng không nơi nẻo người, trời và Niết-bàn.

Có thuyết cho: Hàng Dự lưu và Nhất lai có tâm nhu hòa, hiền từ, thuận Niết-bàn, do tín chủng bền chắc và tín căn sâu dày, nên tuy có gây tạo nghiệp ác cũng không bị đọa vào nẻo ác. Cũng như biển cả ra lệnh cho các dòng sông: Các người phải xô giạt và nhổ phăng các thứ cây cối đem về đây cho ta. Đám sông ngòi thưa: Các thứ cây khác đều cuốn trôi được, chỉ trừ cây dương liễu. Biển cả hỏi nguyên do. Các dòng sông thưa: Cây dương liễu có hai đức tánh không thể cuốn trôi đem ra đây được: Một là rễ chằng chịt ăn sâu rất vững chắc. Hai là cây ấy mềm dẻo luôn tùy theo dòng nước, tuy có nổi sóng to gió lớn cũng không thể nhổ phăng chúng được. Cũng như thế, biển cả nẻo ác ra lệnh cho các dòng sông mê lầm: Các ngươi hãy cuốn phăng các kẻ thọ dục đem về đây cho ta. Các dòng sông mê lầm thưa: Những kẻ khác thì được chỉ trừ hai quả. Biển cả nẻo ác hỏi nguyên do. Các dòng sông mê lầm thưa: Những người ấy có đủ hai đức không thể cuốn trôi được: Một là tín căn sâu bền. Hai là tâm hành nhu hòa. Tuy có thổi sóng lớn nghiệp ác cũng không thể thổi giạt, nhổ phăng được. Thế nên hàng Dự lưu không bị đọa vào nẻo ác.

***

* Như Đức Thế Tôn nói: Các hàng đệ tử Thánh của Ta hãy nên tự suy xét ghi nhớ kỹ: Đã ra khỏi hết các thứ hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ, cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp:Vì muốn khiến cho kẻ nghi có được quyết định. Như Đức Thế Tôn nói: Nếu có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… có thể tùy thuận quán sát thấy rõ thân mình có bốn thứ chứng tinh hiện tiền thì nên suy xét ghi nhớ: Đã dứt hết các thứ hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ. Lại, Đức Thế Tôn nói: Nếu có các Thánh đệ tử đa văn có thể tùy thuận quán sát thấy rõ trong thân mình có bốn thứ chứng tịnh hiện tiền, các Thánh đệ tử ấy nên tự suy xét ghi nhớ: Đã dứt hết các thứ hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ.

Có kẻ đối với điều ấy sinh nghi: Các hàng Dự lưu đối với việc chính mình dứt hết các thứ hiểm nguy nơi địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ tất có đủ trí hiện lượng, có thể thấy biết đúng chăng? Vì muốn khiến các kẻ ấy nhận biết rõ các hàng Dự lưu đối với sự việc vừa nói trước chỉ do tỷ lượng nhận biết không phải là do hiện lượng, nên tạo ra phần Luận này.

Các hàng Dự lưu do có hiện trí nên có thể tự nhận biết rõ việc đã ra khỏi hết các thứ hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ là tự ghi nhớ chăng?

Đáp: Không thể được.

Hỏi: Nếu thế thì họ làm sao nhận biết?

Đáp: Do tin theo lời Phật nói. Nghĩa là Đức Thế Tôn nói: Nếu có Bí-sô, Bí-sô-ni v.v… như trước đã nói rộng. Lại, Đức Thế Tôn nói: Nếu có các Thánh đệ tử đa văn v.v… nói rộng cho đến: Đã dứt hết các thứ hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ.

Hỏi: Trong đây địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ đã bao gồm nẻo ác rồi, vì sao còn nói hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác?

Đáp: Trước là nói rộng, sau là nói tóm lược, trước là nói riêng, sau là nói chung, trước là mở bày, sau là hợp lại, nên không có lỗi nói trùng lặp.

Có thuyết nói: Địa ngục là chỉ cho địa ngục, bàng sinh là chỉ cho bàng sinh, ngạ quỷ là chỉ cho ngạ quỷ. Còn hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác là chỉ cho đám hoàng môn, không hình, hoặc hai hình, vì những kẻ này là hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác trong loài người.

Lại có thuyết nói: Địa ngục v.v… là chỉ cho địa ngục v.v…, còn hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác là chỉ cho kẻ tạo nghiệp vô gián, vì kẻ ấy ở nơi vô gián sinh tất bị đọa vào địa ngục.

Có Sư khác cho: Địa ngục v.v… là chỉ cho địa ngục v.v…, còn hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác là chỉ cho kẻ đoạn dứt căn thiện, vì kẻ ấy nếu căn thiện không nối tiếp tất bị đọa nơi địa ngục.

Có Sư khác nói: Địa ngục v.v… là chỉ cho địa ngục v.v…, còn hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác là chỉ cho kẻ sống không luật nghi, vì những kẻ này tất bị đọa vào các nẻo ác.

Hoặc có thuyết nêu: Địa ngục v.v… là chỉ cho quả của nẻo ác. Còn hầm hố hiểm nguy nơi nẻo ác là chỉ cho nhân dẫn đến các chốn ấy. Như Đức Thế Tôn nói: Các Bí-sô, nếu thấy có kẻ gây tạo ba hành ác, nên biết là đã thấy nẻo ác địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ.

Có thuyết khác cho: Địa ngục v.v… là chỉ cho ba nẻo ác, từ hiểm nguy là lại chỉ cho địa ngục, vì trong địa ngục không có dị thục thiện, là chốn không an ổn, còn nẻo ác là chỉ cho ngạ quỷ, vì loài này luôn thiếu thốn mọi vật dụng, lúc nào hướng đến đâu cũng chỉ là xấu ác, từ hầm hố là chỉ cho loài bàng sinh, vì từ lúc kiếp thành sinh ra, đến lúc kiếp hoại mất đi, thì loài này khó thoát ra khỏi khổ nạn ấy.

Có Sư khác nói: Từ hiểm nguy là tiếng chung chỉ cho ba nẻo ác, vì ba nẻo ác này vô cùng hiểm nguy. Nẻo ác cũng là tiếng chỉ chung cho ba nẻo ác, vì các chốn ấy đều cấu uế xấu ác. Hầm hố cũng là tiếng chỉ chung cho ba nẻo ác, vì thân tâm của những loài này rất thấp kém, phải ở chốn xấu xa nhơ uế như hầm phân v.v…

Hỏi: Ở các xứ như địa ngục v.v… có vô lượng các thứ khổ sở, hiện tại như thế nào để có thể nói là dứt hết địa ngục, bàng sinh, ngạ quỷ?

Đáp: Tất cả các bậc Thánh không sinh vào các chốn ấy, lại không thọ nhận các uẩn giới xứ nơi đó nên gọi là dứt hết, không phải khiến các khổ ấy hoàn toàn không có, mới gọi là dứt hết.

Hỏi: Cũng có nhiều phàm phu không đọa vào nẻo ác, vì sao chỉ nói các bậc Thánh là dứt hết?

Đáp: Hàng phàm phu thì không nhất định, có kẻ không bị đọa cũng có kẻ bị đọa. Vì không nhất định nên không nói là dứt hết. Còn tất cả các bậc Thánh quyết định là không bị đọa nên phải nói riêng.

Hỏi: Hàng Dự lưu đối với nẻo người, trời cũng dứt một phần ít, vì sao chỉ nói là đã dứt hết địa ngục v.v…?

Đáp: Hàng Dự lưu đối với nẻo người, trời, có kẻ sinh hoặc không sinh, còn đối với địa ngục v.v… thì quyết định là không sinh nên nói riêng. Lại, hàng Dự lưu đã được bốn trí đó là trí khổ tập diệt đạo, chưa được tận trí và vô sinh trí.

Hỏi: Vì sao lại tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn khiến cho những kẻ nghi có được quyết định. Tức là có kẻ sinh nghi: Hàng Dự lưu đối với việc dứt hết kia chỉ do so sánh mà biết, nên đối với bốn Thánh đế cũng do so sánh nhận biết.

Lại có kẻ sinh nghi: Hàng Dự lưu đã đoạn dứt hết các phiền não và quả của chúng do kiến đạo đoạn trừ, tức cũng nên có được tận trí và vô sinh trí.

Vì để trừ bỏ các nghi ấy cùng chỉ rõ hàng Dự lưu đã được bốn trí, chưa được tận trí và vô sinh trí. Vì được bốn trí nên dùng hiện trí chứng biết bốn Thánh đế. Vì chưa được tận trí và vô sinh trí nên phải do so sánh để nhận biết việc đã dứt hết, vì vậy nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Vì sao hàng Dự lưu chưa được tận trí và vô sinh trí?

Đáp: Phải dứt hết tất cả nẻo sinh tử, đoạn trừ hết tất cả mê lầm, thực hiện xong mọi việc, mới khởi tận trí và vô sinh trí. Các người Dự lưu chưa đoạn hết tất cả nẻo sinh tử, chưa diệt trừ hết các mê lầm, chưa làm xong mọi việc, nên chưa thể đạt được tận trí và vô sinh trí.

Có Sư khác nói: Đoạn dứt vĩnh viễn mọi sinh lão bệnh tử của xứ sinh thuộc các cõi, nẻo mới có thể chứng đắc tận trí và vô sinh trí. Hàng Dự lưu chưa đoạn dứt hết tất cả sinh lão bệnh tử của xứ sinh thuộc các cõi, nẻo, nên chưa được tận trí và vô sinh trí.

***

* Như Đức Thế Tôn nói: Do kẻ học mưu hại Na-già-đế-quán, nên cách bảy ngày sau cả nhà Kiều-tát-la đều chết thảm. Thế nào là kẻ học mưu hại? Cho đến nói rộng.

Hỏi: Vì sao tạo ra phần Luận này?

Đáp: Vì muốn phân biệt nghĩa lý của Khế kinh. Như Khế kinh nói: Các Bí-sô nên biết! Do hại thấp khí hủy hoại uy đức của Thi la, do kẻ học mưu hại Na-già-đế-quán, nên cách bảy ngày sau cả nhà Kiều-tát-la đều chết thảm.

Thế nào gọi là Hại thấp khí? Nghĩa là chủ nước Kiều-tát-la là Tỳ-lư-trạch-ca (Tỳ lưu ly) là kẻ phóng túng cuồng si, đã giết hại những người giòng họ Thích. Các người giòng họ Thích này là mẹ ruột của ông ta, ngay từ khi còn bé, bà ta thường ăn chung với ông một chén bát, người thời ấy bảo là tình thân thấp khí (Tình thân chung chén bát), ông ta đã dứt bỏ tình thân ấy để thực hiện việc giết hại, tức hại tình thân thấp khí, nên gọi là Hại thấp khí.

Có thuyết nói: Nên nói là do Hại thấp diện. Nghĩa là các người họ Thích đã khóc như mưa, cầu xin thương xót tha cho, nhưng vua Tỳ-lư-trạch-ca không động lòng trước những gương mặt ướt đẫm nước mắt, vẫn thực hiện việc sát hại.

Có thuyết cho: Nên nói là do Hại thấp nhãn. Nghĩa là các người họ Thích buồn rầu khóc lóc lệ đầy cả mắt, nhưng vua Tỳ-lư-trạch-ca vẫn không động lòng, trở lại sát hại họ, vì nghiệp ác ấy nên tất sẽ bị chết thảm.

Thế nào gọi là hủy hoại uy đức của Thi la? Nghĩa là hủy hoại giới vô lậu của thế tục.

Kẻ học mưu hại: Học nghĩa là quả Dự lưu và Nhất lai, họ làm việc mưu hại, do mưu hại nên khiến giòng họ của vua kia không bao lâu bị diệt mất.

Thế nào gọi là Nà-già đế quán? Chữ Na-già là chỉ cho bậc A-la-hán, vì các A-la-hán đã quán xét kỹ các đế. Hoặc Đức Bạcgià-phạm gọi là Đại-na-già, tức là Đức Thế Tôn quán sát suy xét kỹ về các đế.

Cách bảy ngày sau cả nhà Kiều-tát-la đều chết thảm: Là vì kẻ học mưu hại, nên vua Tỳ-lư-trạch-ca, cách bảy ngày sau cả giòng họ đều chết hết.

Các Sư ở phương Tây nói: Do kẻ hoc mưu hại nên đến ngày thứ bảy thì cả nhà Kiều-tát-la đều chết thảm. Nay muốn phân biệt nghĩa nơi các điều Khế kinh ấy đã nói, nên tạo ra phần Luận này.

Hỏi: Thế nào là kẻ học mưu hại?

Đáp: Như kẻ học chưa lìa hết nhiễm dục, nên khi gia hại người khác thì nghĩ: Phải khiến cho họ suy hoại như mẹ mất con yêu.

Hỏi: Do duyên nào kẻ học bị người khác giết hại?

Đáp: Do ba duyên là đi không đúng lúc, đi không đúng chỗ, đi không đúng đường.

Đi không đúng lúc: Tức là vào ban đêm lại đi dạo nơi thôn xóm, đình miếu v.v… đến các chỗ có canh gác ngăn cấm, bị lính tuần tra bắt được, rồi dùng các thứ như tra xét, trói cột, đánh đập, giết hại.

Đi không đúng chỗ: Tức là đi vào các nơi chốn như quán rượu, nhà chứa, chốn bài bạc, cửa vua v.v… bị những người canh giữ, giám sát bắt được, dùng roi gậy đánh đập, tra tấn rất khổ sở.

Đi không đúng đường: Tức là như vào ngày mùa, tự ý đi đến các khu vườn, ruộng, giẫm đạp các hoa màu, lúa má v.v… sẽ bị kẻ coi giữ bắt được, dùng mọi cách đánh đập, gia hình gây đau khổ.

Vì khi quá đau đớn, khổ sở nên suy nghĩ phải trả thù khiến họ bị suy hoại như mẹ mất con yêu.

Suy hoại, tức là bị chết mất. Mẹ con trở nên trái lìa, nên gọi là mẹ mất con yêu.

Hỏi: Những kẻ học đã được luật nghi bất tác, vì sao phải làm việc mưu hại như thế?

Đáp: Do khi họ bị trói buộc đánh đập, thân thể đau đớn quá mức nên nghĩ: Thà sẽ khiến ta suy hoại, mất yêu thương, chớ khiến ta bị khổ này bức bách! Không chạm tới thân kẻ khác là do không lỗi.

Có thuyết nói: Đối với người khác cũng khởi ý nghĩ này, nhưng chỉ muốn quở trách, không có ý muốn giết hại. Vì sao? Vì nếu kẻ ấy hiểu rõ do việc mưu hại này, ít nhất là có thể giết chết một trứng kiến để cứu mạng mình cũng không khởi tâm kia. Cho nên người này chỉ nghĩ đến việc quở trách.

Hỏi: Những kẻ học mưu hại này chỉ suy nghĩ hay có phát ra lời nói?

Đáp: Có thuyết nói: Chỉ suy nghĩ, không phát ra lời nói.

Có thuyết cho: Có phát ra lời nói, cũng không có lỗi, vì đó là lời trách mắng không phải là gia hại. Vì sao? Vì nếu kẻ ấy hiểu rõ do ngữ nghiệp này, thấp nhất là giết hại một trứng kiến để cứu mạng mình, hãy còn không khởi tâm, huống chi là khởi ngữ nghiệp.

Hỏi: Nếu nơi các thành ấp, xóm làng có cha mẹ mình sống trong ấy, thì kẻ học có khởi ý mưu hại chăng?

Đáp: Có thuyết nói: Không khởi.

Có thuyết cho: Cũng có khởi, vì chỉ quở trách, nói rộng như trước.

Lại như kẻ học đã lìa nhiễm dục, khi làm hại người khác, thì từ bậc lìa dục mà thoái chuyển nên nghĩ: Phải làm cho họ suy hoại như mẹ mất con yêu.

Hỏi: Người ấy vì thoái chuyển rồi mới phát ra tâm kia mà nói, hay là khi chưa thoái chuyển thì khởi việc mưu hại này? Nếu kẻ ấy đã thoái chuyển rồi mới phát khởi tâm kia mà nói, thì đâu có oai lực để làm việc mưu hại này, làm sao hoàn thành nhanh chóng được. Còn nếu khi chưa thoái chuyển mà khởi lên sự mưu hại này, đã không có dục ác làm sao khởi tâm mưu hại được?

Đáp: Nên nói là: Khi người ấy đã thoái chuyển rồi.

Hỏi: Đã không có oai lực làm sao hoàn thành nhanh chóng?

Đáp: Khi chưa lìa dục thì oai lực rất yếu kém nên cần phải khởi nhiều tâm niệm thì sự mưu hại mới thành. Nhưng khi đã lìa dục mà bị thoái chuyển, thì đạo thù thắng hãy còn uy lực, nên giúp tâm nguyện mưu hại kia mau thành.

Có thuyết biện: Khi người ấy ở phần vị chưa thoái chuyển, thì trời, rồng, thần, quỷ đều kính trọng đức độ, theo về ủng hộ thuần thành. Khi người đó gặp phải việc khổ bị thoái chuyển và làm việc mưu hại, thì chư thiên v.v… vẫn giúp sức khiến cho công việc mau thành.

Hỏi: Lúc bậc Bất hoàn thoái chuyển đã làm việc mưu hại, còn bậc A-la-hán khi thoái chuyển cũng làm việc mưu hại chăng?

Đáp: Khi bậc vô học thoái chuyển, không làm việc mưu hại, do quả vị thù thắng tuy tạm thời thoái chuyển nhưng hành tướng tạo nghiệp không giống với kẻ học thoái chuyển.

Hỏi: Bậc vô học khi đã thoái chuyển còn không làm việc mưu hại, huống chi là khi chưa thoái chuyển mà có việc mưu hại sao. Nếu như thế thì nơi Khế kinh nói làm sao thông? Như Khế kinh nói: Đức Phật Yết-lạc-ca-tôn-đà đã mắng Ma-la-độ-sứ: Đúng lúc thì ma này sẽ bị giam hãm vào địa ngục!

Đáp: Đây chỉ là trách mắng không phải là muốn giết hại. Nhưng khi nghiệp của kẻ kia hết thì tự bị đọa vào địa ngục.

Chuyện kể: Từng nghe Đức Phật ấy dẫn một thị giả tên là Chí Viễn cùng đi vào thôn Sa-la lần lượt khất thực. Khi ấy, ma Độ Sứ hóa thành một đứa trẻ dùng đá ném vào người thị giả làm vỡ đầu máu chảy đầy cả mặt lúc đang theo sau Đức Phật. Khi ấy, Đức Phật thân tướng oai nghiêm như một voi chúa quay theo bên phải nhìn thấy việc như thế liền quở trách ma kia: Vì sao nhà ngươi lại sai quấy tạo ra nghiệp ác này? Khi ma đã hết nghiệp liền bị đọa vào địa ngục. Cho nên đây chỉ là lời quở trách, không phải là muốn làm hại.

Hỏi: Các kẻ học khi làm việc mưu hại là chỉ làm vì mình hay cũng làm vì người khác?

Đáp: Có người cũng làm vì người khác. Như thuở xưa, ở nước Ca-thấp-di-la này, có một vương đô tên là Bễ-la-trá. Cách thành không xa có một Tăng-già-lam tên là Thạch-nhai, ở đấy có một Bísô là A-la-hán đang nhuộm cà sa bên cạnh ngôi Tăng-già-lam kia.

Lúc này, trong thành có người bị mất một con nghé, nên tìm kiếm, dò hỏi và đi đến nơi này, chợt gặp, hỏi Bí-sô có thấy con nghé đâu không. Bí-sô đáp: Không thấy. Người đó đi dần về phía trước. Vì nghiệp lực của Bí-sô nên khiến anh ta thấy cà sa sao giống như da bò, thuốc nhuộm giống như máu, mảnh y dày đang nấu nhuộm giống thịt bò, nồi nấu nhuộm giống như đầu bò. Thấy xong, anh ta giận dữ hét mắng: Tên cướp chúa! Ông là Bí-sô sao dám trộm nghé của ta rồi giết mổ nấu nướng? Liền đánh đập bắt trói đưa lên vua, vua giao cho pháp ty nhốt vào ngục chờ xét xử. Vì nghiệp lực của vị này, nên khiến các quan chức tuy giam đã lâu nhưng đều quên bẵng. Đến khi nghiệp ác của sư đã dứt, các viên chức mới nhớ ra và nghĩ: Thầy ta giờ này đang ở đâu? Liền dò hỏi mới biết là thầy đang bị giam trong ngục cấm, bèn cùng nhau tấu trình lên vua: Thầy chúng tôi bị giam oan uổng trong ngục từ nhiều năm nay, xin vua ra lệnh xét xử, phóng thích ngay thầy của chúng tôi. Vua liền sai quan pháp ty thả ngay. Vị A-la-hán ấy vì ở trong tù đã lâu, y áo rách nát, râu tóc mọc dài không còn dáng vẻ của một Sa-môn. Quan pháp ty tìm mãi không thấy nên trở về tâu vua là không có kẻ tù này. Đám viên chức lại tâu: Thầy chúng tôi đang bị nhốt trong ấy, vì bị tù lâu ngày nên không còn hình dáng Sa-môn. Vậy xin vào ngục tuyên cáo: “Ai là Bí-sô, nhà vua ban lệnh ân xá”. Vua theo lời liền ra tuyên cáo. Vị A-la-hán ấy bấy giờ nghiệp ác đã hết nên vừa nghe tiếng gọi thì như đang chiêm bao tỉnh giấc. Vị ấy liền dùng thần thông bay vút lên không trung như nhạn chúa xòe cánh ngồi yên. Vua trông thấy sự việc như thế thì toàn thân bủn rủn té xỉu, kẻ hầu lấy nước rưới vào hồi lâu mới tỉnh, tự trách mình vì không biết nên giam nhốt oan uổng bậc Thánh, tội phải đọa vào nẻo ác không biết ngày ra, bèn cùng đám quần thần ngước nhìn lên hư không sụp lạy tạ lỗi: Cúi mong Thánh nhân thương xót tha tội cho chúng con.

Vị A-la-hán bảo: Ta không hề giận dữ gì đối với quý vị cả.

Nhà vua thưa: Nếu như thế thì xin thỉnh Tôn giả thương xót nhận lời giáng hạ nơi vương cung. Tôn giả nhận lời. Khi ấy, vua và đám quần thần vui mừng kính lễ, rồi cạo bỏ râu tóc và dâng y mới cho Tôn giả. Cả triều đình thiết lễ cúng dường dâng hoa, sau đấy cùng đưa về tận Già-lam. Trong số môn đồ của vị A-la-hán ấy, có rất nhiều người là bậc Thánh. Bấy giờ, vị A-la-hán cố gắng thuyết phục, khuyên bảo đại chúng: “Vì nghiệp nạn đời trước của ta nên bị giam cầm, các con chớ nên có ý ác với vương đô”. Lúc này, có một vị đệ tử là Cần sách (Sa-di) đã được quả Dự lưu đang ở xa nên không nghe lời khuyên ấy. Về sau, khi theo các Bí-sô vào ấp của vương đô thấy lại chỗ giam nhốt thầy mình nên khởi ý mưu hại trả thù: Đây là ngôi thành trì quỷ quái đã nhốt oan thầy ta, nơi này suốt đời sẽ phải chịu nhiều tai ương khổ nạn!

Thương thay, tâm độc vừa khởi thì khổ nạn hiện ra khó thể gánh nổi.

Bấy giờ, có một phi nhân rất kính tin Tam bảo bay ngang qua đó, nhận biết được ý nghĩ của vị Cần sách, nên ngay trong đêm đã tuôn mưa ào xuống, nước tràn khắp đất diệt tắt hết lửa khói trong thành.

Lại ngày xưa, cũng trong nước này, có một vương đô tên là Thiện Kiên, cách thành không xa có một Tăng-già-lam tên là Chiếnchủ-ca, ở đấy có một vị Bí-sô là bậc A-la-hán. Lúc này, vị A-la-hán đang nhập định nên không cài cửa phòng. Trong thành, hiện có một phụ nữ phản bội chồng chạy trốn vào chùa, thấy vị Tăng đang nhập định nên chui trốn dưới giường. Người chồng đi tìm vợ, lần hồi vào chùa hỏi vị Tăng. Vị Tăng không xem xét trước sau liền đáp: Không thấy. Người chồng tìm kiếm khắp nơi thì bắt được chị vợ đang núp dưới giường. Anh chồng nổi giận quát mắng: Tên Bí-sô ác tặc, vì sao đã làm Sa-môn mà dám giấu vợ ta để tư tình. Bèn bắt về đánh đập dẫn đến vua. Vua giao cho pháp ty v.v… nói rộng như trước. Chỉ khác trước là có người xuất gia muộn, chứng được quả Dự lưu và làm việc mưu hại. Kẻ phi nhân phóng lửa thiêu đốt rụi cả vương đô.

Thế nên biết được là cũng vì người khác làm việc mưu hại.

Hỏi: Các kẻ học khi mưu hại thì thể tánh là gì?

Đáp: Là sân giận tương ưng với tư là thể của mưu hại. Nội pháp gọi là mưu hại, còn ngoại pháp gọi là ý phẫn nộ. Đám ngoại tiên khởi ý phẫn nộ thì khiến thành quách xóm làng có khi đến cả nước đều điêu tàn vắng ngắt, do đó những kẻ này bị tội giết hại sinh mạng.

Hỏi: Vì sao cùng khiến làng mạc, thành quách điêu tàn tang tóc mà các ngoại tiên bị tội, còn kẻ trong đạo thì không tội?

Đáp: Vì các ngoại tiên không có Thánh đạo, nội thì có Thánh đạo. Ngoại thì thiếu chỉ, quán, còn nội thì đầy đủ chỉ và quán. Ngoại thì giết hại, còn nội thì trách mắng. Ngoại thì cũng khởi gia hạnh, còn nội thì khởi tâm phát ra lời nói. Thế nên ngoại tiên bị tội, nội thì không.

Hỏi: Các kẻ học mưu hại thì kết quả có toại ý chăng?

Đáp: Việc này không nhất định. Nếu các hữu tình thường tạo tác nghiệp tăng trưởng, dị thục của nghiệp có uy thế mạnh hiện tiền thì các quả của việc mưu hại không được toại ý. Như chuyện xưa kể: Có vua Bà-la-môn tên là Bổ-sa-hữu rất đố kỵ pháp Phật, đã thiêu đốt kinh điển, hủy hoại tháp Phật, đốt phá các Tăng-già-lam, giết hại chúng Bí-sô. Chỉ một phần vùng biên giới của nước Ca-thấp-di-la đã hủy hoại đến năm trăm Tăng-già-lam, huống chi là các nơi khác. Loài ma ác lại nhân cơ hội sai quỷ Cưu-bàn-đồ, Dược-xoa, các loại quỷ thần hùa nhau ám trợ oai thế, nên khiến đám này đi tới đâu, không ai có thể chống cự nổi, dần dần diệt mất pháp Phật, đến cả cội Bồ-đề. Thần cây Bồ-đề tên là Đế-ngữ nghĩ: Nay vua ác này rất là ngu si, tàn bạo, lại sắp muốn hủy hoại nơi chốn của hằng hà sa chư Phật Thế Tôn, đã từng phá tan quân ma xấu thành tựu bậc Diệu giác. Nghĩ rồi bèn tự hóa mình thành một cô gái xinh đẹp đứng đợi ở trước. Khi tên vua bạo ác này vừa thấy, liền khởi tâm tham nhiễm đắm, nhân cơ hội tốt, vị thiện thần Hộ pháp này liền giết chết tên vua cùng đám quân sĩ, kể cả chúng quỷ thần ác kia cũng không tên nào chạy thoát.

Thời ấy, trong pháp Phật có nhiều vị hữu học cũng đã làm việc mưu hại, nhưng không thành, do vì phước lực của vua nước ấy còn lớn.

Lại như ngày xưa có vua Đạt-thích-đà kéo quân vào nước Cathấp-di-la hủy diệt pháp Phật, giết hại chúng Bí-sô, phá hủy các tháp Phật, các Tăng-già-lam, thiêu đốt kinh sách. Khi ấy, trong nước đó cũng có nhiều người là bậc Hiền Thánh, tuy có khởi mưu hại nhưng cũng không thành, vì phước lực của vua ác ấy còn lớn.

Do đó, trong đây nói nếu các hữu tình tạo tác tăng trưởng, dị thục của nghiệp có oai thế mạnh hiện tiền thì việc mưu hại có các quả không toại nguyện.

HẾT – QUYỂN 125