Làm Thế Nào Để Rõ Biết Và Phân Biện Được Kẻ Hèn Ngu?
Bảo Đăng

 

Hỏi:

Làm thế nào để rõ biết và phân biệt được kẻ HÈN NGU?

Đáp:

 Kẻ NGU HÈN đây tức là người ÁC vậy. Trong Kinh Phật dạy về bằng hữu thiện ác như sau:

– Khi đức Thế Tôn cùng với trưởng lão Nan Đà đi vào trong thành Ca-Tỳ La Vệ. Đến gần một nhà bán cá, Phật bảo ngài Nan Đà rằng: 

– Ngươi vào trong nhà bán cá kia xin lấy một nắm cỏ tranh mà họ vẫn dùng để phủ lên trên cá chết.

Ngài Nan Đà làm y theo lời. Đức Phật bảo ngài Nan Đà: 

– Cầm trên tay một lúc rồi vất bỏ đi.

Ngài Nan Đà y theo lời cầm nắm tranh phủ cá ấy trên tay, đi một đổi rồi mới ném bỏ. 

Bấy giờ Phật bảo ngài Nan Đà rằng: 

– Ngươi hãy tự ngửi tay xem có mùi gì chăng?

Nan Đà thưa:

– Dạ có mùi hôi tanh, bất tịnh.

Phật liền dạy rằng:

Thật đúng như vậy đó. Nếu như người nào gần gũi với kẻ NGU, ÁC và giao kết làm bạn với NÓ trong chừng giây phút, thì ÁC NGHIỆP (của họ) sẽ dần nhiễm vào mình. Lâu ngày nhiễm thành thói quen, tiếng xấu của người ấy bị đồn khắp nơi.

PHẬT lại cùng với trưởng lão Nan Đà đi gần đến nhà làm nhang, Ngài bảo Nan Đà rằng: 

-“Ngươi vào nhà kia xin một bao nhang đem ra đây”.

Trưởng lão Nan Đà vâng mạng vào nhà ấy xin một ít phong bao mà họ đã dùng để đựng nhang đem ra.

Phật bảo: 

-“Ngươi cầm lấy một chút rồi ném bỏ nó đi.

Ngài Nan Đà y lời cầm bao nhang trên tay, đi một lát rồi vứt bỏ xuống đất. Bấy giờ Phật mới bảo Nan Đà rằng: 

-“Ngươi hãy tự ngửi tay xem có mùi chi chăng ?

Nan Đà thưa,

Bạch Thế Tôn, tay con có mùi thơm ngào ngạt.

Đức Phật bảo:

Thật vậy, thật vậy. Nếu như ai gần gũi với bậc “Thiện tri thức, có đức lớn, có trí sáng”, nên tôn thờ và tùy thuận theo Họ, dần dần sẽ được thấm nhuần đạo đức và trí của Họ, quyết sẽ được tiếng tăm tốt đẹp, đi đâu cũng được khen ngợi.

(Chú giải: 

Qua hai lời dạy trên cho chúng ta thấy rõ rằng: 

Hai vật (nắm tranh và bao nhang) ấy trước sau vốn là sạch sẽ, chẳng có mùi gì, nhưng bởi vì có “nhân duyên” (thiện hoặc ác) vấy vào, nên mới thành ra các mùi thơm, hôi khác nhau như vậy. 

Cũng thế, nhân duyên của việc: 

Gần kẻ “hiền minh” thời hấp thụ được nhiều đạo nghĩa. Còn gần với kẻ “ngu ám” thời chắc chắn sẽ mang lấy tai họa đến thân. Như 2 vật “giấy và tranh” kia vậy. 

Tranh buộc cá thì có mùi hôi, giấy đựng nhang thì có mùi thơm. Nó thấm nhiễm dần dần mà tự Nó nào có hay có biết ! 

Cũng thế, trong phương diện giao tiếp hàng ngày, chung quanh ta kẻ ác thì quá nhiều, người hiền thì lại quá ít. Nếu không sáng trí mà nhận diện ra kẻ ngu ám, thì dần dần sẽ bị chúng làm cho bực tức, phiền não, tâm trí rối bời, ngu ám giống như họ vậy, mất đi cái tâm trong sáng của mình. 

Có người cho rằng: 

Cần có bạn để “AN ỦI”. Vì thế, dù biết rằng người bạn đó vô tâm, ngu ám, xấu ác, thâm độc, thủ đoạn, tranh chấp, vô ơn, bạc nghĩa, bất hiếu, phản thầy, diệt pháp, cũng vẫn giao thiệp và còn khen rằng: – Họ đẹp, giàu sang, quyền cao, chức trọng. Cho nên làm bạn với họ thì không có sao đâu! 

Trong kinh Phật dạy có “8 điều kiện” để được AN ỦI như sau: 

1.Được cha mẹ để lại của cải cho (không bị nghèo đói)

2.- Có được nghề nghiệp chắc chắn, để bảo đảm cho sự sống của mình .

3.- Được học thức cao. (vì sẽ dễ dàng kiếm công ăn, việc làm).

4.- Có được bạn HIỀN (giúp đỡ, chia cơm, sẻ áo, giàu, nghèo, hoạn nạn luôn có nhau).

5.- Có được người vợ TRINH LƯƠNG (hiền lành và đứng đắn, chơn thật, một dạ thủy chung).

6.- Có được người con HIẾU THẢO (kính yêu cha mẹ, không để cho nghèo đói).

7.- Tôi tớ (người giúp việc) được hòa thuận (không được đánh đập, mắng chửi, bỏ đói).

8.- Xa lìa được người ác, việc ác. 

Đó là 8 điều kiện để được an ủi (an ổn và ấm lòng). Đời sống sẽ “không bị” “chẳng có” phạm nhằm việc ác, không gần gũi và chẳng bị người ác phá nhiễu. TÂM ta không bị não phiền, sân tức. Đó là một điều an vui nhất, nhàn thích bậc nhất của đời người trên nhân thế. 

PHẬT cũng đã dạy 8 cái THÍCH như sau:

1. Cùng làm việc (tùng sự) chung với người có TÂM, HIỀN, TỐT.

2. Được học hỏi với người có TRÍ sáng.

3. TÂM TÁNH ôn hòa và nhân từ.

4. SỰ NGHIỆP mỗi ngày càng được hưng thịnh.

5. Diệt TRỪ được tánh SÂN, DỮ.

6. Biết lo phòng ngừa tai nạn.

7. Biết nương gần với ĐẠO PHÁP.

8. Bạn bè không dối gạt nhau. 

Được đủ 8 điều trên thì không còn gì THÍCH hơn. 

Trong Kinh có lời dạy rằng:

CÓ PHẬT RA ĐỜI RẤT THÍCH, DIỄN GIẢNG ĐẠO PHÁP RẤT THÍCH. CHÚNG TĂNG NHÓM HỌP VÀ HÒA THUẬN NHAU RẤT THÍCH.

Bởi vì, 

Cha mẹ, con cháu, anh chị em trong nhà HÒA THUẬN nhau thì luôn được an vui. Huynh đệ, thầy trò, phật tử trong chùa HÒA THUẬN nhau thì luôn được TÂM AN và TIẾN ĐẠO. 

Tóm lại, Những lời PHẬT dạy rất là “RÕ” (ràng), rất “KỸ” (lưỡng) cho chúng sanh từ ngàn xưa tới nay, Ngài dạy từ thấp lên cao, cho tới những bậc thượng căn.vv….rồi đến những bậc TỔ SƯ sau nầy cũng nhắc đi nhắc lại suốt cả một đời hoằng đạo (chú thích, giảng giải, nói xa, nói gần), vậy mà có được bao nhiêu người thực hành theo (ý giáo phụng hành). Ngày nay nhìn ra ngoài xã hội mà xem, tất cả chúng sanh chúng ta đều hầu hết vi phạm tất cả THẬP ÁC (do thân 3, khẩu 4, ý 3). 

THÂN 3: – SÁT SANH, TRỘM CƯỚP, TÀ DÂM.

KHẪU 4: NÓI LÁO, NÓI LỜI ÁC (nơi miệng nói lời chê bai Phật pháp, nói những lời ác, mắng chửi, trù rũa, thô tục, có người kêu mẹ ra chửi suốt ngày.vv…). 

NÓI THÊU DỆT (là dùng lời nói ngon ngọt để dụ dỗ gạt người nhẹ dạ, lời nói ở ngoài môi miệng chứ không có thật lòng).

NÓI HAI CHIỀU (là đâm thọc 2 chiều, bên nầy nói khác, xoay qua bên kia nói khác, làm cho 2 người bạn phải sân tức, ghét bỏ nhau. Vợ chồng người phải chia lìa, thầy trò, cha mẹ phải xa nhau, có khi giết chết lẫn nhau, vào tù ra khám, mất hết tài sản, đi đến con đường tự sát. Vv…)

Ý 3: – THAM, SÂN, SI: 

THAM (lam không biết đủ, không biết chán, cái gì cũng thích, cũng muốn ôm đồm hết). SÂN (nóng nảy, tức giận, hận thù ôm giữ mãi suốt đời không buông). SI (mê muội, ngu si, ám độn, mê mờ tâm trí, chậm chạp, không còn lanh lẹ, bén nhạy nữa, chẳng tin NHÂN QUẢ, TỘI PHƯỚC, BÁO ỨNG). 

Lại có vô số người phạm tội NGŨ NGHỊCHnữa. Như là: 

GIẾT CHA, GIẾT MẸ, GIẾT THẦY TỔ, LÀM PHẬT RA MÁU (như phá chùa, đốt chùa, đập bể tượng Phật, giết chúng sanh ăn thịt), PHÁ HÒA HỢP TĂNG (đoàn). (nghĩa là làm cho chư Tăng, chư Ni bất hòa, xung độ, không còn hòa thuận với nhau để tu tập nữa, thù ghét nhau mỗi người đi mỗi hướng, không ai nhìn mặt ai). 

Chỉ sơ lược bao nhiêu đó thôi, đủ thấy chúng sanh chúng ta nhiều ít cũng đều phạm vô số tội rồi. Cho nên chúng ta rất cần phải SÁM HỐI. Ít nhất một lần mỗi ngày, để giúp cho tội nghiệp từ nơi Thân, Khẩu, Ý được tiêu bớt đi phần nào.