PHẬT NÓI KINH VÔ LƯỢNG THỌ
_QUYỂN HẠ_
Hán dịch: Đời Tào Ngụy_ Thiên Trúc Tam Tạng KHƯƠNG TĂNG KHẢI (Saṃgha-varman)
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Đức Phật bảo A Nan: “Chúng sinh của cõi (hữu) kia, sinh vào nước ấy thảy đều trụ ở nhóm của Chính Định. Trong nước Phật ấy không có các nhóm Tà với nhóm chẳng Định. Hằng sa chư Phật ở mười phương đều cùng nhau khen ngợi Uy Thần, Công Đức chẳng thể nghĩ bàn của Đức Phật Vô Lượng Thọ.

Chúng sinh của các cõi (hữu) nghe danh hiệu ấy phát tâm tin, vui vẻ cho đến một niệm chí tâm hồi hướng, nguyện sinh về nước ấy, liền được sinh về, trụ Bất Thoái Chuyển. Chỉ trừ kẻ phạm tội năm Nghịch, chê bai Chính Pháp”.

Đức Phật bảo A Nan: “Chư Thiên, người dân trong mười phương Thế Giới có chí tâm, nguyện sinh về nước ấy. Phàm có ba bậc:

_Bậc Thượng là: Buông bỏ nhà cửa, vứt bỏ tham dục để làm Sa Môn, phát Tâm Bồ Đề (Bodhi-citta), một hướng chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, tu các Công Đức (Guṇa), nguyện sinh về nước ấy. Chúng sinh của nhóm này, lúc lâm chung thời Đức Phật Vô Lượng Thọ cùng với các Đại Chúng hiện trước mặt người ấy. Tức tùy theo Đức Phật ấy vãng sinh về nước kia, liền tự nhiên hóa sinh ở trong hoa bảy báu, trụ Bất Thoái Chuyển (Avaivartika), Trí Tuệ dũng mãnh, Thần Thông tự tại.

Thế nên An Nan! Chúng sinh của cõi kia, muốn ở đời này nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ thì nên phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề (Agra-bodhi-citta), tu hành Công Đức, nguyện sinh về nước ấy”.

Đức Phật bảo A Nan: “Bậc Trung là: Chư Thiên, người dân trong mười phương Thế Giới có chí tâm, nguyện sinh về nước ấy. Tuy chẳng hay đi làm Sa Môn, tu Công Đức lớn thì nên phát tâm Vô Thượng Bồ Đề, một hướng chuyên niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, tu Thiện (Kuśala) nhiều ít, phụng trì Trai Giới, tạo dựng tháp tượng, dâng thức ăn cho Sa Môn, treo lụa thắp đèn, rải hoa, đốt hương…đem điều này hồi hướng, nguyện sinh về nước ấy. Khi người đó lâm chung thời Đức Phật Vô Lượng Thọ hóa hiện thân với ánh sáng, tướng tốt đầy đủ như Đức Phật, cùng với các Đại Chúng hiện trước mặt người ấy, liền tùy theo vị Hóa Phật, sinh về nước ấy, trụ Bất Thoái Chuyển. Tiếp theo Công Đức, Trí Tuệ  sẽ như người thuộc Bậc Thượng vậy” .

Đức Phật bảo A Nan: “Bậc Hạ là: Chư Thiên, người dân trong mười phương Thế Giới có chí tâm muốn sinh về nước ấy. Giả sử chẳng thể làm các Công Đức thì nên phát Tâm Vô Thượng Bồ Đề, một hướng chuyên ý cho đến mười niệm, niệm Đức Phật Vô Lượng Thọ, nguyện sinh về nước ấy. Nếu nghe Pháp sâu xa, vui vẻ tin nhận, chẳng sinh nghi hoặc, cho đến một niệm, niệm Đức Phật ấy, dùng tâm chí thành, nguyện sinh về nước ấy. Khi người này lâm chung, nằm mộng thấy Đức Phật ấy, cũng được vãnh sinh. Tiếp theo Công Đức Trí Tuệ sẽ như người thuộc Bậc Trung vậy”.

Đức Phật bảo A Nan: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có uy thần không cùng cực, vô lượng vô biên chẳng thể nghĩ bàn chư Phật Như Lai ở mười phương Thế Giới, không có vị nào không khen ngợi. Ở phương Đông ấy, vô lượng vô số các chúng Bồ Tát của hằng sa nước Phật thảy đều đi đến chỗ của Đức Phật Vô Lượng Thọ, cung kính cúng dường , với các Bồ Tát, Thanh Văn, Đại Chúng nghe nhận Kinh Pháp, tuyên bày Đạo Hóa. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng, phương bên trên, phương bên dưới cũng lại như vậy”.

Khi ấy Đức Thế Tôn nói Tụng là:

_Các nước Phật phương Đông
Số như cát sông Hằng
Các Bồ Tát cõi ấy
Đến hầu Vô Lượng Giác (Vô Lượng Thọ Phật)
_Nam, Tây, Bắc, bốn góc (4 phương bàng)
Trên, dưới cũng như vậy
Các Bồ Tát cõi ấy
Đến hầu Vô Lượng Giác
_Tất cả các Bồ Tát
Cầm Diệu Hoa cõi Trời
Hương báu, áo vô giá
Cúng dường Vô Lượng Giác
_Đều ưng tấu nhạc Trời
Thích phát âm hòa nhã
Ca, khen Tối Thắng Tôn
Cúng dường Vô Lượng Giác
_Đạt tận Thần Thông, Tuệ
Vào Pháp Môn thâm sâu
Đầy đủ Tạng Công Đức
Diệu Trí không đâu bằng (vô đẳng luân)
_Tuệ Nhật chiếu Thế Gian
Tiêu trừ mây sinh tử
Cung kính nhiễu ba vòng
Cúi lạy Vô Thượng Tôn
_Thấy cõi nghiêm tịnh ấy
Vi diệu khó nghĩ bàn
Nhân phát Tâm vô lượng
Nguyện nước con cũng thế
_Lúc đó Vô Lượng Tôn
Chuyển nét mặt vui cười
Miệng phóng muôn ánh sáng (vô lượng quang)
Chiếu khắp nước mười phương
Quay về nhiễu quanh thân
Ba vòng theo đỉnh vào
Tất cả chúng Trời Người
Hớn hở đều vui vẻ
_Đại Sĩ Quán Thế Âm
Chỉnh áo, cúi lạy, hỏi
“Phật do Duyên gì, cười?
Nguyện xin nói rõ Ý”
_Tiếng Phạn giống sấm động
Tám âm, vang mầu nhiệm
Sẽ trao Bồ Tát Ký
Nay nói Nhân (đạo lý). Lắng nghe!
_Chính Sĩ mười phương đến
Ta đều biết Nguyện ấy
Chí cầu cõi Nghiêm Tịnh
Quyết định sẽ làm Phật
_Hiểu thấu tất cả Pháp
Giống, mộng huyễn, âm vang
Đầy đủ các Diệu Nguyện
Đều thành cõi như vậy
_Biết Pháp như ánh điện
Cứu cánh, Bồ Tát Đạo
Đủ các gốc Công Đức
Quyết định sẽ làm Phật
_Thông đạt các Pháp Môn
Tất cả Không (Śūnya), Vô Ngã (Anātman)
Chuyên cầu cõi Phật Tịnh
Đều thành cõi như vậy
_Chư Phật bảo Bồ Tát
Khiến hầu An Dưỡng Phật
Nghe Pháp vui nhận hành
Mau được chốn thanh tịnh
_Đến cõi nghiêm tịnh ấy
Liền mau được Thần Thông
Đều ở Vô Lượng Tôn
Thọ Ký thành Đẳng Giác
_Sức Bản Nguyện Phật ấy
Nghe tên, muốn vãng sinh
Thảy đều đến nước ấy
Tự đến Bất Thoái Chuyển
_Bồ Tát khởi Chí Nguyện
Nguyện nước mình không khác
Niệm khắp, độ tất cả
Tên vang khắp mười phương
_Phụng sự ức Như Lai
Bay, hóa khắp các cõi
Cung kính vui vẻ đi
Quay về An Dưỡng Quốc (Cõi Cực Lạc)
_Nếu người không gốc Thiện
Chẳng được nghe Kinh này
Người trong sạch, có Giới
Mới được nghe Chính Pháp
_Đã từng thấy Như Lai
Liền hay tin việc này
Khiêm kính, nghe, phụng hành
Hớn hở, rất vui vẻ
_Kiêu Mạn, xấu, lười biếng
Khó thể tin Pháp này
Đời trước thấy chư Phật
Ưa nghe dạy như vậy
_Thanh Văn hoặc Bồ Tát
Không thể xét Tâm Thánh
Như sinh ra đã mù
Muốn làm người mở lối
Biển Trí Tuệ Như Lai
Sâu rộng không bờ đáy
Nhị Thừa chẳng thể đo
Chỉ riêng Phật hiểu rõ
_Giả sử tất cả người
Đầy đủ đều được Đạo
Tịnh Tuệ (Tuệ trong sạch) như Bản Không (xưa nay vốn trống rỗng)
Ức kiếp nghĩ Phật Trí
Dốc hết sức giảng nói
Hết đời còn chẳng biết
Phật Tuệ không bờ mé
Như vậy rất thanh tịnh
_Thọ Mệnh rất khó được
Phật ra đời, khó gặp
Người có Tín Tuệ, khó
Nếu nghe, tinh tiến cầu
Nghe Pháp thường không quên
Thấy, kính rất mừng vui
Tức bạn tốt của Ta
Vì thế nên phát ý
_Nếu Thế Giới đầy lửa
Quyết vượt qua, nghe Pháp
Gặp sẽ thành Phật Đạo
Rộng cứu dòng sinh tử

Đức Phật bảo A Nan: “Bồ Tát của nước ấy , rốt ráo đều thành bậc Nhất Sinh Bổ Xứ (Ekajāti-pratibaddha). Trừ khi người ấy có Bản Nguyện, vì chúng sinh cho nên dùng Công Đức của Hoằng Thệ (Lời thề rộng lớn) để tự trang nghiêm, muốn độ thoát khắp tất cả chúng sinh.

Này A Nan! Trong nước Phật ấy, thân của các chúng Thanh Văn tỏa ánh sáng rộng một  tầm (8 thước Tàu), ánh sáng của Bồ Tát chiếu sáng trăm do tuần. Có hai vị Bồ Tát là tối tôn bậc nhất có uy thần, ánh sáng chiếu khắp ba ngàn Đại Thiên Thế Giới”.

A Nan bạch Phật: “Hai vị Bồ Tát ấy có hiệu như thế nào?”

Đức Phật nói: “Vị thứ nhất tên là Quán Thế Âm (Avalokiteśvara), vị thứ hai tên là Đại Thế Chí (Mahā-sthāma-prāpta). Hai vị Bồ Tát đó ở cõi nước này tu Hạnh Bồ Tát (Bodhisatva-cārya), khi mệnh chung thì chuyển hóa sinh ở nước Phật ấy.

Này A Nan! Chúng sinh của cõi kia sinh về nước ấy thảy đều đầy đủ ba mươi hai tướng, thành mãn Trí Tuệ, vào sâu trong các Pháp, nghiền nhẫm thông suốt việc thiết yếu, Thần Thông màu nhiệm không có ngăn ngại, các Căn lanh lợi sáng tỏ. Người Độn Căn (căn cơ chậm lụt) thành tựu hai Nhẫn, người Lợi Căn (căn cơ nhạy bén) được a tăng kỳ Vô Sinh Pháp Nhẫn. Lại vị Bồ Tát ấy cho đến khi thành Phật, chẳng rơi trở lại nẻo ác, Thần Thông tự tại, thường biết Túc Mệnh. Trừ khi sinh vào đời ác năm Trược (Pañca-kaṣāya) ở phương khác, thị hiện đồng với điều ấy, như nước của Ta vậy”.

Đức Phật bảo A Nan: “Bồ Tát của nước ấy nương vào Uy Thần của Đức Phật, trong khoảng một bữa ăn, đi đến vô lượng Thế Giới ở mười phương, cung kính cúng dường các Phật Thế Tôn, tùy theo tâm đã niệm: hoa, hương, kỹ nhạc, lụa, lọng, phướng, phan, vô số vô lượng cật dụng cúng dường, tự nhiên hóa sinh, ứng niệm liền đến: quý báu, đặc biệt lạ thường chẳng phải là thứ vốn có của đời. Chuyển dùng phụng tán chư Phật, Bồ Tát, Thanh Văn, Đại Chúng. Ngay trong hư không hóa thành cái lọng hoa tỏa ánh sáng màu sắc sáng rực màu nhiệm với hương thơm xông ướp khắp.

Vòng tròn giáp vòng quanh hoa ấy, rộng bốn trăm dặm. Như vậy chuyển gấp bội cho đến che trùm ba ngàn Đại Thiên Thế Giới. Tùy theo thứ tự trước sau, dùng xong thì lần lượt hóa mất. Các vị Bồ Tát ấy đều hớn hở vui thích như thế, ở trong hư không cùng nhau tấu nhạc Trời, dùng tiếng vi diệu ca ngợi Đức của Phật (Buddha-guṇa), nghe nhận Kinh Pháp, vui vẻ vô lượng. Cúng dường Đức Phật xong, đột nhiên nhẹ bước quay về nước của mình, vẫn trước bữa ăn”.

Đức Phật bảo A Nan: “Đức Phật Vô Lượng Thọ vì các Thanh Văn, Bồ Tát, Đại Chúng ban tuyên Pháp thời thảy đều tập hội tại giảng đường bảy báu, rộng tuyên Đạo Giáo, diễn xướng Diệu Pháp, không có ai chẳng vui vẻ, tâm hiểu được Đạo.

Lúc đó bốn phương tự nhiên nổi gió, thổi khắp cây báu, phát ra năm âm thanh, tuôn mưa vô lượng hơi thơm tùy theo gió vòng khắp, tự nhiên cúng dường như vậy chẳng dứt.

Tất cả chư Thiên đều đem trăm ngàn hoa, hương, vạn loại kỹ nhạc trên cõi Trời cúng dường Đức Phật ấy với các Bồ Tát, Thanh Văn, Đại Chúng…rải khắp hoa hương, tấu các âm nhạc, trước sau đi đến, thay phiên mở bày rồi tránh đi. Ngay lúc này thời vui vẻ nhộn nhịp, khoái lạc chẳng thể nói hơn được”.

Đức Phật bảo A Nan: “Các nhóm Bồ Tát sinh về nước Phật ấy, điều có thể giảng nói là thường tuyên Chính Pháp, tùy thuận Trí Tuệ, không có trái ngược, không có lỗi lầm.

Đối với hết thảy vạn vật ở cõi nước ấy, không có tâm Ngã Sở (cái của ta), không có tâm nhiễm dính. Đi lại tiến dừng không có chỗ trói buộc, tùy ý tự tại, tuyệt không có chỗ đến, không có người kia (vô bỉ), không có ta (vô ngã), không có cạnh tranh, không có kiện tụng. Đối với các chúng sinh, được tâm Đại Từ Bi, nhiêu ích. Tâm mềm mại, điều phục, không có tức giận oán hận, lìa  ngăn che (cái), trong sạch, không có tâm chán ghét lười biếng. Tâm bình đẳng, tâm thù thắng, tâm sâu sắc, tâm định tĩnh. Tâm yêu Pháp, thích Pháp, vui Pháp…diệt các phiền não, lìa tâm của nẻo ác. Rốt ráo tất cả chỗ hành của Bồ Tát, đầu đủ thành tựu vô lượng Công Đức, được Thiền Định sâu xa, các Tuệ thông minh, dạo đến bảy Giác (Sapta-bodhyaṅga), sửa tâm theo Phật Pháp. Mắt thịt (Māṃsa-cakṣus: nhục nhãn) trong suốt, không có gì chẳng phân chia hiểu rõ. Mắt Trời (Diviya-cakṣus: Thiên Nhãn) thông đạt vô lượng vô hạn. Mắt Pháp (Dharma-cakṣus: Pháp Nhãn) quán sát rốt ráo các Đạo. Mắt Tuệ (Prajña-cakṣus: Tuệ Nhãn) thấy sự thật (chân) hay vượt qua bờ bên kia. Mắt Phật (Buddha-cakṣus: Phật Nhãn) đầy đủ, hiểu thấu tỏ Pháp Tính (Dharmatā). Dùng Trí không có ngại (vô ngại Trí) vì người diễn nói. Bình đẳng quán sát ba cõi trống rỗng, không có chỗ có (sở hữu), chí cầu Phật Pháp, đủ các biện tài, trừ diệt tai vạ tật bệnh (hoạn) phiền não của chúng sinh, theo Đức Như Lai sinh hiểu Pháp Như Như (Tathatā). Khéo biết phương tiện của âm thanh Tập (Samudāya), Diệt (Nirodha). Chẳng mừng vui với lời nói của đời, ưa thích tại Chính Luận, tu các gốc Thiện, chí ưa chuộng Phật Đạo, biết tất cả Pháp thảy đều tịch diệt. Hai phần dư thừa của Sinh Thân (Câu sinh chướng) và Phiền Não (phiền não chướng) đều dứt hết. Nghe Pháp thâm sâu, tâm chẳng nghi sợ. Thường hay tu hành việc của Đại Bi sâu xa vi diệu không có gì chẳng che chở. Rốt ráo Nhất Thừa (Eka-yāna) đến ở bờ bên kia, quyết chặt đứt lưới nghi, Tuệ do tâm phát ra, bao quát hết thảy không ra ngoài Giáo Pháp của Đức Phật.

Trí Tuệ như biển lớn (Mahā-sāgara), Tam Muội như Sơn Vương (Gīri-rāja: Núi vua), ánh sáng Tuệ trong sáng vượt hơn mặt trời (Sūrya) mặt trăng (Candra), đầy đủ viên mãn Pháp trong trắng.

Giống như núi Tuyết (Hīmalāya-parvata), vì chiếu các nhóm Công Đức, thuần một sự trong sạch

Giống như Đại Địa (Mahā-bhūmi). Vì  sạch dơ, tốt ác không có tâm khác

Giống như nước sạch. Vì tẩy trừ trần lao, các cấu nhiễm

Giống như Hỏa Vương (Agni-rāja: vua lửa). Vì thiêu đốt, diệt tất cả củi phiền não

Giống như gió lớn (Mahā-vāyu). Vì đi các Thế Giới không có chướng ngại

Giống như hư không (Gagana). Vì đối với tất cả, không có chỗ dính mắc

Giống như hoa sen (Padma). Vì đối với các Thế Gian, không có nhiễm dơ

Giống như cỗ xe lớn (Mahā-yāna: đại thừa). Vì vận chuyển nhóm người dân (quần manh) ra khỏi sinh tử.

Giống như đám mây dầy. Vì rung động tiếng sấm Pháp lớn, đánh thức kẻ chưa giác ngộ.

Giống như cơn mưa lớn (Mahā-varṣṇi). Vì tuôn mưa Pháp Cam Lộ (Amṛtadharma) thấm ướt chúng sinh.

Như núi Kim Cương (Vajra-parvata). Vì chúng Ma, Ngoại Đại chẳng thể lay động

Như Phạm Thiên Vương (Brahma-devarāja). Vì đối với các Pháp lành là bậc dẫn đầu tối thượng (tối thượng thủ)

Như loại cây Ni Câu. Vì che trùm khắp tất cả

Như hoa Ưu Đàm Bát (Udumbara-puṣpa).Vì hiếm có, khó gặp

Như Kim Xí Điểu (Garuḍa). Vì uy phục Ngoại Đạo

Như chúng chim bay. Vì không có chỗ cất dấu

Giống như Ngưu Vương (Vṛṣbha-rāja:Vua loài bò). Vì không thể thắng

Giống như Tượng Vương (Gaja-rāja: Vua loài voi). Vì khéo điều phục

Như Sư Tử Vương (Siṃha-rāja: Vua loài sư tử). Vì không có chỗ sợ hãi

Mênh mông như Hư Không (Gagana) vì nhóm Đại Từ (Mahā-maitreya) tồi diệt tâm ganh ghét, chẳng mong được hơn (thắng).

Chuyên ưa thích cầu Pháp, tâm không có chán đủ, thường muốn rộng nói, chí không có mệt mỏi, đánh trống Pháp (Dharma-duṇḍubhi), dựng cây phướng Pháp (Dharma-dhvaja), mặt trời Diệu Tuệ trừ mờ tối ngu si (si ám), tu sáu Hòa Kính (Ṣaḍāramya-dharma), thường hành Pháp ban cho, chí dũng tinh tiến, tâm chẳng yếu hèn thoái lui. Làm ngọn đèn sáng của đời, ruộng Phước tối thượng. Thường làm bậc Thầy dẫn lối, bình đẳng không có yêu ghét. Chỉ ưa thích Chính Đạo, không mừng vui điều khác, nhổ bứt các gai Tham Dục (Rāga) giúp quần sinh an ổn.

Công Đức thù thắng, không có ai chẳng tôn kính. Diệt ba Cấu Chướng, dạo chơi các Thần Thông. Sức của Nhân (hetu-bala), sức của Duyên (Prātyaya-bala), sức của Ý (Manas-bala), sức của Nguyện (Pranidhāṇa-bala), sức của Phương Tiện (Upaya-bala), sức của Thường (Nitya-bala), sức của điều lành (Thiện lực: Kuśala-bala), sức của Định (Samādhi-bala), sức của Tuệ (Prajña-bala), sức của Đa Văn (Bahu-śruta-bala). Sức của Thí (Dāna-bala), Giới (Śīla-bala), Nhẫn Nhục (Kṣānti-bala), Tinh Tiến (Vīrya-bala), Thiền Định (Dhyāna-bala), Trí Tuệ (Prajña-bala). Sức của Chính Niệm (Samyak-smṛti-bala), Chỉ (Śamatha-bala), Quán (Vipaśyanā-bala), các Thông Minh. Sức của như Pháp điều phục các chúng sinh. Sức của nhóm như vậy, tất cả đầy đủ.

Thân sắc, tướng tốt, Công Đức, biện tài đầy đủ trang nghiêm không có ai ngang bằng được. Cung kính, cúng dường vô lượng chư Phật, thường là nơi mà chư Phật cùng nhau khen ngợi. Rốt ráo các Ba La Mật (Pāramitā) của Bồ Tát. Tu Tam Muội: Không (Śūnya-samādhi), Vô Tướng (Animitta-samādhi), Vô Nguyện (Apraṇihitasamādhi), các Môn Tam Muội chẳng sinh (Anutpanna-samādhi) chẳng diệt (Aniruddha-samādhi), xa lìa Địa của Thanh Văn  (Śrāvaka-bhūmi) Duyên Giác (Pratyeka-buddha-bhūmi).

Này A Nan! Các Bồ Tát ấy thành tựu vô lượng Công Đức như vậy. Ta chỉ vì ông lược nói vậy thôi. Nếu rộng nói thì trăm ngàn vạn kiếp chẳng thể cùng tận”.

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc (Maitreya-bodhisatva) với các hàng Trời Người: “Công Đức, Trí Tuệ của Thanh Văn, Bồ Tát trong nước Vô Lượng Thọ…chẳng thể xưng nói được.

Lại cõi nước ấy vi diệu, an vui, trong sạch như thế…vì sao chẳng gắng sức làm Thiện, nghĩ nhớ đường lối đến tự nhiên, dính ở nơi không có trên dưới, thông suốt không có bờ mé, thích hợp đều siêng năng tinh tiến, nỗ lực tự cầu…ắt được siêu tuyệt đi đến, sinh về nước An Dưỡng. Cắt ngang năm nẻo ác thì nẻo ác tự nhiên đóng lại. Tiến lên con đường không có cùng cực, dễ đi qua mà không có người. Nước ấy chẳng có lỗi lầm trái ngược, tự nhiên đến chỗ dắt đi, vì sao chẳng vứt bỏ việc đời?!… Siêng năng hành cầu Đạo Đức thì có thể được sống rất lâu… tuổi thọ, niềm vui không có cùng cực.

Nhưng mà người đời có thói quen nông cạn, cùng nhau kiện cãi việc chẳng cần kíp, ở trong chốn kịch ác cực khổ này, thân siêng năng mưu làm các việc để tự cung cấp giúp đỡ cho mình. Không kể là: tôn quý, thấp hèn, nghèo, giàu, lớn, nhỏ, nam, nữ đều cùng lo lắng về tiền tài. Dầu có hay không, cũng đồng như thế, lo nghĩ điều ưa thích, mưu làm lập lại sự buồn khổ, ràng buộc nghĩ nhớ, gom chứa lo toan…bị tâm sai khiến không có lúc nào yên. Có ruộng lo ruộng, có nhà lo nhà. Lại cùng nhau lo nghĩ về bò, ngựa, sáu loài vật nuôi, nô tỳ, tiền tài, quần áo, đồ vật lặt vặt…nhiều nghĩ ngợi, lắm thở than, lo lắng buồn thảm sợ hãi.

Khi ngang trái, bị điều chẳng thường, nước, lửa, trộm cướp, oan gia, trái chủ…thiêu đốt, cuốn trôi, cướp đoạt, tiêu tan diệt mất. Lo lắng, căm giận, mỗi mỗi hoảng sợ không có lúc cởi ra được. Kết uất ức trong tâm chẳng lìa lo âu buồn bực, tâm bền ý chặt ưa thích không có buông xả.

Hoặc điều cố giữ bị phá nát, thân mất mạng hết, vứt bỏ mà đi, không có gì mang theo. Bậc tôn quý, phú hào cũng có tai vạ này, lo sợ vạn điều, siêng năng chịu khó (cần khổ) như thế, kết mọi lạnh nóng cùng tồn tại với sự đau đớn. Nghèo túng, hèn kém, khốn cùng, thiếu hụt… thường không có gì. Không có ruộng thì lo muốn có ruộng. Không có nhà thì lo muốn có nhà. Không có bò, ngựa, sáu loài vật nuôi, nô tỳ, tiền tài, quần áo, đồ vật lặt vặt…cũng lo muốn có được. Ưa thích có một, lại thiếu mất một, có đó thiếu đó. Nghĩ có ngang bằng người, ưa muốn có đủ, liền lại tan mất. Lo khổ như thế, nên lại cầu đòi, chẳng thể thường được, nghĩ tưởng vô ích. Thân tâm đều mệt nhọc, ngồi đứng chẳng yên, lo nghĩ theo nhau, siêng năng chịu khó (cần khổ) như thế, cũng kết lạnh nóng cùng tồn tại với sự đau đớn.

Hoặc khi điều cố giữ kết thúc, thân bị yểu mệnh, chẳng chịu làm điều lành, hành Đạo, nâng dắt Đức độ… nên lúc hết tuổi thọ, thân bị chết sẽ một mình đi xa, không thể biết được nơi sẽ hướng đến là nẻo lành hay dữ.

Người dân ở Thế Gian: cha con, anh em, vợ chồng, thân thuộc trong ngoài gia đình nên kính yêu nhau, không ganh ghét nhau, có không đều cùng nhau hòa hợp, không được tham tiếc, lời nói sắc mặt thường ôn hòa, đừng chống trái lẫn nhau.

Hoặc khi tâm tranh cãi, có chỗ cáu giận. Vì ý hận nhỏ bé của đời này mà cùng nhau ganh ghét nên đời sau chuyển dữ dội thành ra oán lớn. Tai sao thế ? Vì việc của Thế Gian thay đổi, cùng gây hoạn hại, tuy chẳng tức thời gấp rút phá nhau nhưng tinh thần ngầm giữ chất độc, gom chứa giận dữ, kết uất ức…tự nhiên ghi khắc sự nhận thức chẳng thể buông lìa, đều sẽ đối sinh liền cùng nhau báo đáp. Người tại Thế Gian, ở trong Ái Dục, sinh  một mình, chết một mình, đi một mình, đến một mình…nên nẻo đi đến là đất khổ vui, chỉ  riêng thân tự đảm nhận, không có ai thay thế được. Thiện ác biến hóa tai ương phước phận, nơi chốn khác nhau, đời trước sớm nghiêm ngặt chờ đợi sẽ đơn độc hướng vào, từ xa đến chỗ khác mà không ai có thể thấy biết, thiện ác tự nhiên đuổi theo. Nơi được sinh ra, thâm u mờ mịt, ly biệt lâu dài, lối nẻo chẳng đồng, không có dịp gặp nhau, rất khó rất khó lại được cùng nhau gặp gỡ. Thế sao chẳng chịu vất bỏ mọi việc ?!…

Mỗi người khi còn khỏe mạnh, gắng sức siêng năng tu Thiện, tinh tiến nguyện cứu đời thời có thể được sống rất lâu.Tại sao chẳng chịu cầu Đạo, an định nơi tu sửa,  lại cứ chờ đợi ham muốn niềm vui nào vậy?!…

Như vậy, người đời chẳng tin làm Thiện được Thiện, hành Đạo được Đạo. Chẳng tin người chết đổi thay lại sinh ra nữa, ban ơn được Phước. Việc Thiện Ác đều chẳng tin, cho rằng chẳng như thế, cuối cùng không có điều đó. Vì chỉ cố giữ điều này, cho nên tạm theo cái thấy của mình, người trước kẻ sau thay đổi cùng nhau ngắm nhìn, đồng như thế, chuyển nhau trao nhận Giáo Lệnh do cha để lại.

Người đời trước, ông cha vốn thường chẳng làm Thiện, chẳng biết Đạo Đức, thân ngu dốt, tinh thần mờ tối, tâm bị lấp kín, ý bị che đậy. Nẻo sinh tử, lối Thiện ác…tự chẳng thể thấy, không có ai nói bảo. Họa, Phước lành dữ tranh nhau cùng làm, không có một mối  nghi sợ  nào. Sống chết theo lối thường, chuyển nhau nối tiếp gây dựng. Hoặc cha khóc con, hoặc con khóc cha, anh em vợ chồng thay nhau khóc lóc, điên đảo trên dưới. Vô Thường (Anitya) là gốc rễ  đều phải nhận lấy, quá khứ chẳng thể ôm giữ lâu dài. Ít có người tin vào lời dạy bảo mở  Đạo, do đó sống chết lưu chuyển không có ngừng nghỉ.

Người như thế ngu tối mơ hồ  xung đột, chẳng tin Kinh Pháp, tâm không có lo xa, đều ham muốn theo ý thích. Ngu si mê lầm theo Ái Dục, chẳng thông hiểu Đạo Đức, mê đắm theo cáu giận, ham hố theo tài sắc. Vì cố giữ nên chẳng được Đạo sẽ chịu khổ trong nẻo ác, sống chết không cùng tận. Buồn thay! Rất là đáng thương!…

Hoặc khi gia đình, cha con, anh em, chồng vợ…một người chết, một người còn sống cùng thay nhau thương xót. Ân ái quyến luyến, lo nghĩ nhớ kết trói buộc, tâm ý đau khổ bám lựa luyến tiếc lẫn nhau, hết ngày trọn năm không có gì mở thoát được. Lời dạy bảo Đạo Đức, tâm chẳng mở sáng. Nghĩ tưởng ân hiếu, chẳng lìa tình dục, bị hôn mê mù mịt bít kín, ngu mê che lấp nên chẳng thể suy nghĩ sâu xa, tính toán kỹ lưỡng giúp cho tâm tự đoan chính, chuyên tinh hành Đạo quyết chặt đứt việc đời, lại tạm bợ để yên cho đến trọn năm, chấm dứt tuổi thọ, chẳng thể đắc Đạo…(Như thế) không đáng đối phó sao?!…

Tóm lại, mọi điều tạp nhạp rối rắm đều do ham mê Ái Dục. Kẻ nghi ngờ Đạo thì có nhiều, người hiểu thấu Đạo thì rất ít. Thế Gian thường vội vàng hấp tấp, không thể nương nhờ được. Bậc tôn quý, kẻ thấp hèn, người cao kẻ thấp, người giàu kẻ nghèo, người sang kẻ hèn…siêng năng chịu khó (cần khổ) vội vã làm việc đều ôm mang chất độc giết chóc (sát độc), khí ác mịt mờ, làm việc sằng bậy, trái ngược với Trời Đất, chẳng thuận theo lòng người. Tự nhiên chẳng phải ác, vì người trước cho phép, lại phóng túng thuận theo tạo làm, nên phải chịu tội nặng ấy. Tuổi thọ chưa hết  nhưng bị cướp đoạt nhanh, rơi xuống vào nẻo ác, nhiều đời chồng chất oán khổ chuyển vòng trong ấy, tính đếm ngàn ức kiếp không có dịp ra khỏi, đau đớn chẳng thể nói, rất  đáng thương xót!…”

Đức Phật bảo Bồ Tát Di Lặc với các hàng Trời Người : “Nay Ta nói cho Ông biết việc của Thế Gian. Con người dùng điều đó cho nên cố giữ mà chẳng được Đạo. Cần phải suy nghĩ tính toán kỹ lưỡng, xa lìa mọi ác, chọn lựa điều lành rồi siêng năng hành. Ái dục, vinh hoa chẳng thể ôm giữ lâu dài đều sẽ ly biệt, không đáng để ưa thích. Không có Đức Phật ở đời, cần phải siêng năng tinh tiến. Người có chí nguyện sinh về nước An Lạc, có thể được Trí Tuệ thông hiểu sáng suốt, Công Đức thù thắng. Chớ được thuận theo sự ham muốn của tâm, thiếu sự tin cậy nơi Kinh (Sutra) Giới (Śīla) sẽ bị đứng sau người. Giả sử có ý nghi ngờ, chẳng hiểu được Kinh thì có thể hỏi đầy đủ. Đức Phật sẽ vì người ấy nói”.

Bồ Tát Di Lặc quỳ thẳng lưng bạch rằng: “Đức Phật có uy thần tôn trọng, đã nói rất thẳng thắn khéo léo. Người nghe Kinh của Đức Phật được thông suốt tâm tư. Người đời thật như thế, như lời Phật đã nói. Nay xin Đức Phật từ mẫn hiển bày Đạo lớn, giúp cho tai mắt mở sáng, lâu dài được độ thoát. Nghe điều Đức Phật đã nói, không có ai chẳng vui vẻ. Chư Thiên, người dân, loài nhuyễn động đều mong nhờ Từ Ân để giải thoát lo khổ.

Lời Phật dạy dỗ răn bảo rất sâu xa, rất tốt lành. Trí Tuệ thấy suốt tám phương trên dưới (tức mười phương), việc của ba đời quá khứ vị lai hiện tại không có gì không xét tìm thông suốt. Nay chúng con từ lúc này mong nhờ được độ thoát đều do Đức Phật ở đời trước, khi cầu Đạo đã hạ mình chịu khổ trao cho. Ân Đức che khắp, Phước Lộc lồng lộng, ánh sáng chiếu suốt hư không vô cực, bày vào Nê Hoàn (Nirvāṇa: Niết Bàn), dạy truyền Kinh Điển, bao quát tiêu hóa  phép tắc uy nghi, cảm động mười phương không cùng không tận.

Đức Phật là Đấng Pháp Vương Tôn vượt hơn chúng Thánh, làm Thầy của khắp tất cả Trời Người, tùy theo tâm ước nguyện đều khiến được Đạo. Nay được gặp Phật, lại nghe tiếng của Vô Lượng Thọ, không có gì chẳng vui vẻ, tâm được mở sáng”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Ông nói rất đúng. Nếu có người hiền lành cung kính Đức Phật, thật là rất tốt (đại thiện), Thiên hạ rất lâi mới lại có Phật. Nay Ta ở đời làm Phật, diễn nói Kinh Pháp, tuyên bày Đạo Giáo chặt đứt các lưới nghi, nhổ bứt gốc của Ái Dục, lấp nguồn của mọi ác, bước dạo ba cõi không có chỗ ngăn ngại, Kinh Điển thâu tóm Trí Tuệ, mọi điều cốt yếu của Đạo, nắm giữ giềng mối sáng tỏ rõ ràng, mở bày năm nẻo độ người chưa được độ, quyết ở giữa sinh tử, bày lối nẻo của Nê Hoàn (Niết Bàn)

Di Lặc nên biết. Ông từ vô số kiếp đến nay đã tu Bồ Tát Hạnh, muốn độ chúng sinh cũng rất lâu xa, người theo ông được Đạo đến chỗ Nê Hoàn (Niết Bàn) chẳng thể xưng đếm. Ông với các Trời, người dân, tất cả bốn Chúng ở mười phương  rất nhiều kiếp đã qua,  luân chuyển trong năm đường, lo sợ siêng năng chịu khó chẳng thể nói đủ, mãi đến ngày nay mà sinh tử chưa dứt, cùng nhau gặp được Phật, nghe nhận Kinh Pháp lại được nghe về Đức Phật Vô Lượng Thọ. Thích thay! Rất tốt lành, Ta sẽ trợ giúp thêm niềm vui của các ông.

Nay ông cũng có thể tự mình chán ghét : sinh, chết, già , bệnh, khổ đau, nẻo ác chẳng sạch, không có gì đáng ưa thích cả, nên thích hợp tự quyết chặt đứt. Thân ngay, Hạnh chính, làm thêm các điều lành, sửa bản thân, giữ thân thể trong sạch, tẩy trừ bợn nhơ trong tâm, nói làm trung thực thành tín, trong ngoài tương ứng. Người hay tự độ đượcthi2 uyển chuyển cùng nhau cứu giúp, tinh ròng trong sáng cầu nguyện gom chứa gốc Thiện. Tuy một đời siêng năng chịu khó, chỉ khoảng phút chốc, sau đó sinh về nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ được khoái lạc không cùng. Lâu dài cùng với Đạo Đức hợp sáng, nhổ bứt hẳn gốc rễ sinh tử, không còn bị tai vạ của tham, giận, ngu si, khổ não. Muốn sống lâu một kiếp, trăm kiếp, ngàn ức vạn kiếp… tự tại tùy ý đều có thể được, vô vi tự nhiên, lần lượt đến đạo của Nê Hoàn (Niết Bàn).

Các ông thích hợp đều tinh tiến mong cầu  ước nguyện trong tâm. Không được nghi ngờ, giữa đường hối hận, tự gây lỗi lầm sẽ sinh vào cung điện bảy báu ở biên địa ấy, trong năm trăm năm chịu các khốn ách”.

Di Lặc bạch Phật: “Con xin nhận lời răn bảo  quan trọng của Đức Phật, chuyên tinh tu học, như Giáo phụng hành chẳng dám nghi ngờ”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Các ông hay ở đời này, tâm ngay ý chính chẳng làm mọi điều ác, rất là Chí Đức, cùng tột trong mười phương Thế Giới không có ai sánh bằng. Tại sao thế? Vì loài Trời Người trong cõi nước của chư Phật, tự nhiên làm việc Thiện, chẳng hề làm điều ác nên dễ có thể khai hóa. Nay Ta ở Thế Gian này làm Phật, ở trong chốn năm điều ác, năm nỗi đau đớn, năm sự thiêu đốt, là nơi rất đau khổ, giáo hóa quần sinh khiến bỏ năm điều ác, khiến bỏ năm nỗi đau đớn, khiến lìa năm sự thiêu đốt, giáng hóa ý ấy, khiến giữ năm điều Thiện được Phước Đức ấy độ đời sống lâu đến lối nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn)”.

Đức Phật nói: “Nhóm nào là năm điều ác? Nhóm nào là năm nỗi đau đớn? Nhóm nào là năm sự thiêu đốt?. Tiêu hóa năm điều ác, khiến giữ năm điều Thiện, được Phước ấy độ đời sống lâu đến lối nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn).

Điều ác thứ nhất: Chư Thiên, người dân, loài nhuyễn động muốn làm mọi điều ác, không có loài nào đều chẳng như thế. Mạnh lấn hiếp yếu, cùng xoay vòng chế phục hại lẫn nhau, tàn hại giết chóc, lần lượt cắn nuốt lẫn nhau, chẳng biết tu Thiện, ác nghịch không có Đạo. Sau này chịu tai ương hình phạt, tự nhiên hướng theo lối đã định. Thần Minh ghi biết, chẳng tha tội đã phạm. Cho nên có người nghèo túng, kẻ hèn kém, người ăn mày, kẻ cô độc,  người điếc, kẻ mù, người câm, kẻ ngọng, người ngu si, kẻ tệ ác. Cho đến có kẻ khèo chân, người điên cuồng…thuộc hạng người chẳng thể theo kịp. Lại có bậc tôn quý, hào phú, tài cao, thông sáng đều do đời trước hiền lành, hiếu thảo, tu Thiện gom chứa Đức…đem lại.

Đời có Đạo thường (nhân, lễ, nghĩa, trí, tín), phép vua, lao ngục…Nếu chẳng khá lo sợ, cẩn thận, làm việc ác hợp với tội thì sẽ chịu tai ương hình phạt, trông mong giải thoát khó được ra khỏi. Thế Gian có việc này hiện ra trước mắt . Khi hết tuổi thọ, đời sau do lỗi lầm sâu kín, lỗi lầm quá đáng nên rơi vào chốn U Minh, chuyển sinh nhận thân. Ví như cực hình thống khổ của phép vua, cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não của ba đường (địa ngục, quỷ đói, súc sinh) chuyển đổi thân ấy, thay hình đổi lối, thọ mệnh đã nhận hoặc dài hoặc ngắn thì Hồn, Thần, Tinh Thức tự nhiên hướng đến, sẽ một mình gặp lối, theo nhau cùng sinh, cùng nhau báo đáp không có ngưng nghỉ. Tai vạ ác chưa hết thời chẳng được lìa nhau, chuyển vòng trong ấy không có dịp ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói. Trong Trời Đất tự nhiên có việc đó, tuy chẳng tức thời phơi bày hết nhưng khi cảm ứng đến thì nẻo Thiện Ác sẽ quay trả lại.

Đây là việc ác lớn thứ nhất, nỗi đau đớn thứ nhất, sự thiêu đốt thứ nhất, luôn chịu khổ như vậy.

Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người mà người hay ở bên trong, một lòng  chế ngự ý, thân ngay hạnh chính, riêng làm các việc Thiện, chẳng làm mọi điều ác, độ thoát cho riêng thân. Được Phước Đức ấy cứu độ đời, lên Trời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn). Đây là điều Thiện lớn thứ nhất vậy”.

Đức Phật nói: “Điều ác thứ hai: Người dân trong Thế Gian, cha con, anh em, gia đình, chồng vợ. ….phần lớn không có nghĩa lý, chẳng thuận theo Pháp đã chế ra (Pháp Độ), xa xỉ, dâm dục, kiêu căng, phóng túng. Mỗi một người đều muốn được ý thỏa thích nên, dốc lòng tự buông thả, lừa dối nghi ngờ lẫn nhau, tâm miệng đều khác nhau, nói nghĩ không có thật, nịnh nọt ton hót không có trung chính, nói dối nịnh hót, ganh ghét người hiền, chê bai điều Thiện, hãm hại đưa người vào chỗ oan uổng. Vua chúa (chúa thượng) chẳng sáng suốt, dùng kẻ bầy tôi dưới trướng  nhưng kẻ bầy tôi bên dưới an nhiên tự tạo lắm mối dối trá, dẫm đạp lên pháp đã chế ra, hay thực hiện biết hình thế ấy: kẻ tại vị chẳng chân chính đã tạo ra chỗ lấn lướt, làm điều sằng bậy tổn hại kẻ trung lương, chẳng xứng với lòng Trời. Bầy tôi lừa dối vua, con lừa dối cha. Anh em, chồng vợ, kẻ quen biết trong ngoài…khinh khi lừa dối lẫn nhau. Mỗi một người đều ôm mang tham dục, giận dữ, si mê muốn tự hậu đãi cho riêng mình, tham muốn rất nhiều. Từ kẻ tôn quý, người thấp hèn, kẻ trên, người dưới đều đồng như thế. Phá nhà quên thân, chẳng nhìn kỹ trước sau… khiến cho thân thuộc trong ngoài bị buộc tội mà diệt mất giòng tộc.

Hoặc khi gia đình, người quen biết, xóm giềng, kẻ chợ người quê, dân ngu, người quê mùa cùng theo nhau làm việc…lại trở mặt bóc lột gây hại lẫn nhau, nên tức giận trở thành kết oán.

Kẻ giàu có lại keo kiệt bủn xỉn, chẳng chịu ban giúp cho ai. Yêu giữ túi tham  khiến cho tâm nhọc nhằn, thân cực khổ. Như vậy đến khi thay đổi thời không có chỗ nương cậy, một mình đến, một mình đi, không có một ai đi theo. Thiện ác, họa phước đuổi theo mạng đến chỗ sinh ra, hoặc tại chốn an vui, hoặc vào nơi đau khổ xấu ác; sau đó mới hối hận thì đâu còn kịp nữa?!…

Người dân trong Thế Gian vì tâm ngu Trí kém, thấy người hiền lành thì chê ghét chẳng nghĩ mến, chỉ muốn làm ác, sằng bậy làm điều Phi Pháp, thường ôm tâm trộm cắp, hy vọng được lợi từ kẻ khác. Khi tiêu tan hết sạch thì lại tìm kiếm cầu xin. Tâm tà chẳng chính, sợ người có sắc đẹp (?người hiền thiện ngay thẳng), chẳng sớm nghĩ tính, khi việc đến rồi mới sinh hối hận. Đời nay hiện có phép vua, lao ngục, tùy theo tội mà đi đến chịu tai ương hình phạt.

Nhân vì đời trước chẳng tin Đạo Đức, chẳng tu gốc Thiện, nay lại làm ác nên bị Thiên Thần ghi nhận vào sổ sách riêng. Khi hết tuổi thọ,  Thần Thức đi xuống vào trong nẻo ác. Cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não của ba đường (3 nẻo ác). Xoay chuyển trong ấy, đời đời nhiều kiếp không có dịp ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói !…

Đây là điều ác lớn thứ hai, nỗi đau đớn thứ hai, việc thiêu đốt thứ hai, luôn chịu khổ như vậy.

Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người mà người hay ở bên trong, một lòng  chế ngự ý, thân ngay hạnh chính, riêng làm các việc Thiện, chẳng làm mọi điều ác, độ thoát cho riêng thân. Được Phước Đức ấy cứu độ đời, lên Trời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn). Đây là điều Thiện lớn thứ hai vậy”.

Đức Phật nói: “Điều ác thứ ba: Người dân trong Thế Gian cùng với con người dựa nhau mà sống, cùng ở chung trong Trời Đất, thọ mệnh được bao nhiêu năm cũng chẳng thể biết. Bên trên có bậc Hiền Minh, Trưởng Giả, tôn quý, hào phú. Bên dưới có kẻ nghèo túng, ở đợ hèn mọn, què quặt, hèn kém, ngu dốt. Bậc giữa có người chẳng tốt lành, thường ôm mang tà ác, chỉ khởi niệm dâm dục cáu giận chứa đầy trong ngực. Yêu muốn dâm dục dâm tà, ngồi đứng chẳng yên. Ý tham lam tiếc giữ chỉ muốn nói khoác để có được. Liếc nhìn bóng sắc thì thái độ tà bậy dâm dật hiện ra bên ngoài. Chán ghét vợ của mình, bí mật ra vào thông dâm, hao tốn tiền việc của nhà, làm điều Phi Pháp. Giao kết tụ họp nổi lên làm Thầy cùng nhau đâm chém đánh giết, vây đánh cướp bóc, giết chóc cưỡng đoạt  chẳng cần lẽ phải (phi đạo). Tâm ác hiện ra bên ngoài, chẳng tự sửa nghiệp, trộm cắp kiếm được lợi nên muốn chạy theo cho thành việc.Vì sợ thế lực ép bức nên đem về cung cấp cho vợ con, buông thả tâm theo ý thích, tự thân lấy làm vui.

Hoặc đối với thân thuộc, chẳng kiêng nể tôn ty, gây mối lo cho gia đình, hai bên nội ngoại chịu khổ. Cũng lại chẳng sợ lệnh cấp của phép vua. Điều ác như vậy dính với người, Quỷ. Mặt trời, mặt trăng soi thấy, Thần Minh ghi chép cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não của ba đường (3 đường ác), xoay chuyển trong ấy, đời đời nhiều kiếp không có dịp ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói.

Đây là điều ác thứ ba, nỗi đau khổ thứ ba, sự thiêu đốt thứ ba, luôn khổ như vậy.

Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người mà người hay ở bên trong, một lòng  chế ngự ý, thân ngay hạnh chính, riêng làm các việc Thiện, chẳng làm mọi điều ác, độ thoát cho riêng thân. Được Phước Đức ấy cứu độ đời, lên Trời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn). Đây là điều Thiện lớn thứ ba vậy”.

Đức Phật nói: “Điều ác thứ tư: Người dân trong Thế Gian chẳng nhớ tu Thiện, cùng dạy bảo nhau khiến cùng chung làm mọi điều ác, nói hai lưỡi, nói ác, nói dối, nói thêu dệt, dèm pha hãm hại, đấu tranh gây rối, ganh ghét người tốt lành, phá hại bậc Hiền Minh. Ở bên cạnh cha mẹ là chỗ nương tựa ưa thích lại chẳng hiếu thảo, khinh mạn Sư Trưởng, không tin bạn bè, khó được thành thật. Tự cho mình là bậc tôn quý cao cả, nói rằng chỉ Ta mới có Đạo, hành động ngang ngược, dùng uy thế xâm lấn xem thường người khác. Chẳng có thể tự biết, làm ác không có xấu hổ, tự dùng sự khỏe mạnh muốn người kính nể lo sợ. Chẳng sợ Trời Đất, Thần Minh, Nhật Nguyệt. Chẳng chịu làm điều tốt lành, rất khó giáng phục cảm  hóa!...Tự thị kiêu ngạo, nói rằng có thể thường còn mãi vậy, không có chỗ lo sợ, luôn ôm mang kiêu mạn.

Mọi điều ác như vậy, Thiên Thần ghi chép. Nhờ ở đời trước tạo làm Phước Đức, chút ít điều Thiện tiếp giúp nâng đỡ hỗ trợ, nhưng ngày nay làm ác thì Phước Đức bị diệt hết, các Thần Quỷ Thiện đều bỏ đi, thân đơn độc đứng giữa khoảng không, không có chỗ để nương tựa. Khi thọ mệnh chấm dứt thời mọi điều ác quay về, tự nhiên thúc ép cùng đi đến chỗ đã định đoạt. Lại tên của kẻ ấy đã được Thần Minh ghi chép nên tai vạ tội lỗi dắt nhau kéo đến, phải chịu đến lối nẻo đã định, tội báo tự nhiên không theo đâu mà buông lìa nổi, chỉ được bước về phía trước vào trong vạc lửa, thân tâm bị đập nát, tinh thần rất đau khổ, ngay lúc này thời hối hận đâu còn kịp nữa!…Đạo của Trời tự nhiên chẳng được sai lầm, cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não của ba đường (3 đường ác), xoay chuyển trong ấy, đời đời nhiều kiếp không có dịp ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói!…

Đây là điều ác thứ tư, nỗi đau khổ thứ tư, sự thiêu đốt thứ tư, luôn khổ như vậy.

Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người mà người hay ở bên trong, một lòng  chế ngự ý, thân ngay hạnh chính, riêng làm các việc Thiện, chẳng làm mọi điều ác, độ thoát cho riêng thân. Được Phước Đức ấy cứu độ đời, lên Trời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn). Đây là điều Thiện lớn thứ tư vậy”.

Đức Phật nói: “Điều ác thứ năm: Người dân trong Thế Gian thường quanh co lười biếng, chẳng chịu làm điều tốt lành, sửa thân tu nghiệp khiến cho gia đình, quyến thuộc bị  đói khát khốn khổ. Cha mẹ răn dậy thì giận dữ trợn mắt trả treo gây bất hòa, chống đối trái ngược ví như oan gia chẳng bằng không có con cái! Lấy cho không có tiết kiệm, mọi người cùng chung lo lắng chán ghét. Phụ ân bội nghĩa, không có tâm báo đáp. Nghèo túng khốn cùng thiếu thốn, chẳng thể phục hồi được, ắt phải đua chen vội vã cướp đoạt. Buông thả phóng túng chơi bời, quen tính toán nói khoác kiếm chác để tự nuôi thân, ham mê rượu chè, ưa thích sắc đẹp, ăn uống không có chừng mực, phơi bày tâm phóng đãng dâm dật, đần độn ương ngạnh, đường đột xúc phạm chẳng biết tình người, ỷ mạnh muốn ức chế kẻ khác. Thấy người tốt lành thì ganh ghét đố kỵ, không có nghĩa, không có lễ, không có nơi để ngoái nhìn chọn lấy. Tự dùng chức phận đảm đượng, chẳng thể can ngăn khuyên bảo. Sáu thân quyến thuộc, tài sản có không, chẳng hề lo nghĩ. Chẳng nghĩ đến ân của cha mẹ, chẳng xét đến nghĩa của Thầy bạn. Tâm thường nghĩ đến điều ác, miệng thường nói lời ác, thân thường làm các việc ác, chưa từng có một điều tốt lành. Chẳng tin Tiên, Thánh, chư Phật, Kinh Pháp. Chẳng tin hành Đạo có thể hóa độ được đời. Chẳng tin sau khi chết Thần Minh (Thần Thức) thay đổi sinh trở lại. Chẳng tin làm thiện được thiện, làm ác được ác.Muốn giết bậc Chân Nhân, đấu tranh gây rối chúng Tăng. Muốn hại cha mẹ, anh em, quyến thuộc. Sáu thân ghét bỏ, nguyện khiến kẻ ấy bị chết.

Như vậy, tâm ý của người đời đều như thế. Ngu si mê muội mà tự cho là Trí Tuệ, chẳng biết cuộc sống từ đâu đến, khi chết hướng về chốn nào. Chẳng biết đạo lý làm người, chẳng biết noi theo lẽ phải, nghịch ác với Trời Đất mà ở trong ấy hy vọng cầu may, muốn cầu sống lâu, khi gặp thời đều quay về cái chết. Người có tâm Từ (Maitrecitta) răn dạy khiến cho kẻ ấy nhớ nghĩ điều lành, mở bày nẻo sinh tử thiện ác, tự nhiên có điều đó nhưng lại chẳng tin. Khổ tâm nói bảo vẫn không có ích gì cho kẻ ấy, trong tâm bị lấp kín nên ý chẳng thể mở hiểu.

Khi mệnh lớn sắp hết thì sự ăn năn lo sợ liên tiếp kéo đến. Trước kia chẳng lo tu Thiện,  lúc cùng mới ăn năn hối hận thì sao còn kịp nữa !…Trong vòng Trời Đất có năm lối nẻo (Trời, người, súc sinh, quỷ đói, địa ngục) rõ ràng, to lớn sâu xa mù mịt, mênh mông man mác…Thiện ác báo ứng họa phước cùng nương theo nhau, tự thân mình gánh chịu không có ai thay thế được. Số mệnh tự nhiên ứng với chỗ đã làm ấy, tai vạ tội lỗi đuổi theo mạng không được buông bỏ.

Người tốt lành làm việc thiện sẽ từ vui vào chỗ vui, từ sáng vào chỗ sáng. Người ác làm việc xấu ác sẽ từ khổ vào chỗ khổ, từ nơi mù mịt vào chốn u minh. Ai có thể biết được? Chỉ riêng Đức Phật mới biết điều ấy, dạy bảo mở bày nhưng người tin dụng lại rất ít. Sinh tử chẳng ngưng nghỉ, nẻo ác chẳng dứt. Người đời như thế khó có thể bày đủ hết được, cho nên tự nhiên có vô lượng khổ não của ba đường (3 đường ác), xoay chuyển trong ấy, đời đời nhiều kiếp không có dịp ra khỏi, khó được giải thoát, đau đớn chẳng thể nói.

Đây là điều ác thứ năm, nỗi đau khổ thứ năm, sự thiêu đốt thứ năm, luôn khổ như vậy.

Ví như lửa lớn thiêu đốt thân người mà người hay ở bên trong, một lòng  chế ngự ý, thân ngay niệm chính, lời nói việc làm cùng xứng với chỗ làm chí thành, đã nói thì làm như nói, tâm miệng chẳng chuyển đổi, riêng làm các việc Thiện, chẳng làm mọi điều ác, độ thoát cho riêng thân. Được Phước Đức ấy cứu độ đời, lên Trời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn). Đây là điều Thiện lớn thứ năm vậy”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Ta nói với các ông về sự đau khổ của năm điều ác trong đời đó. Nếu năm nỗi đau đớn, năm sự thiêu đốt cùng nhau xoay vần, chỉ làm mọi việc ác chẳng tu gốc Thiện thảy đều tự nhiên vào các nẻo ác. Hoặc kẻ ấy , đời này trước tiên bị tai nạn bệnh tật, cầu chết chẳng được, cầu sống chẳng được, tội ác đã chiêu cảm bày ra cho mọi người nhìn thấy. Khi thân bị chết thì tùy đi vào ba nẻo ác, khổ độc vô lượng tự thiêu đốt lẫn nhau, lâu dài về sau cùng chung nhau tạo oán kết. Từ việc nhỏ xíu nổi lên thành việc ác lớn đều do tham dính tài sắc, chẳng thể ban cho Trí sáng. Do si dục ép bức tùy theo tâm nghĩ tưởng mà phiền não kết buộc, không có cởi ra được, về sau tự mình tranh giành điều lợi nên không có tỉnh táo để xem xét . Ngay khi được phú quý, vinh hoa thì ý rất thích, chẳng có thể nhẫn nhục, chẳng chịu tu thiện. Uy thế không có bao nhiêu cũng tùy theo việc làm mà diệt mất. Thân sống lao khổ, lâu dài về sau càng tăng hơn rất nhiều. Đạo Trời tha bắt, tự nhiên thu lại nâng lên, lưới mành giềng mối trên dưới tương ứng. lo lắng hoảng sợ sẽ vào trong ấy. Xưa nay có điều ấy, thật đau đớn thay! Rất đáng thương xót!…”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Thế Gian như vậy cho nên Phật đều thương xót, dùng sức uy thần diệt hết mọi điều ác đều khiến theo điều tốt lành, vứt bỏ điều đã nghĩ ngợi, phụng trì Kinh Giới , nhận hành Đạo Pháp không có chỗ trái ngược lầm lỗi, cuối cùng được cứu độ đời, đến nẻo Nê Hoàn (Niết Bàn)”.

Đức Phật nói: “Nay ông , các Trời, người dân với người đời sau được biết lời dạy trong Kinh Phật, cần phải suy nghĩ kỹ lưỡng, hay ở trong ấy tâm ngay hạnh chính. Mình ở bậc trên thì tự làm điều tốt lành rồi đốc thúc cảm hóa người bên dưới, xoay vần răn dạy lẫn nhau, khiến cho đều tự mình giữ gìn sự ngay thẳng, tôn trọng bậc Thánh, cung kính người tốt lành, nhân từ bác ái. Đối với lời răn bảo dạy dỗ của Đức Phật, không dám giảm thiếu phụ bỏ. Nên cầu hóa độ đời, nhổ bứt chặt đứt gốc của mọi điều ác trong sinh tử, lìa hẳn ba đường, vô lượng lối nẻo lo sợ khổ đau.

Các ông ở chốn ấy rộng gieo trồng gốc Đức, ban ân giúp cho Trí sáng đừng phạm vào điều cấm của Đạo. Cùng nhau xoay vần giáo hóa: Nhẫn Nhục, Tinh Tiến, một lòng (?Thiền Định), Trí Tuệ… làm Đức tạo dựng sự tốt lành.

Tâm chính, ý chính, trai giới trong sạch một ngày một đêm ắt hơn hẳn trăm năm làm điều Thiện ở nước Vô Lượng Thọ. Tại sao thế? Vì cõi nước của Đức Phật ấy, vô vi tự nhiên đều gom chứa mọi điều Thiện, không có một mảy lông của việc ác.

Ở cõi này, mười ngày mười đêm tu điều Thiện sẽ hơn hẳn ngàn năm làm việc Thiện ở trong các nước Phật tại phương khác. Tại sao thế? Vì nước Phật ở phương khác, người làm Thiện rất nhiều còn người làm ác rất ít nên Phước Đức tự nhiên không có tạo ra đất ác. Chỉ cõi này (cõi Ta Bà) còn nhiều điều ác, không có tự nhiên, cực khổ mong muốn, xoay vần lừa dối sợ hãi lẫn nhau. Tâm nhọc nhằn, thân khốn cùng, uống khổ đau, ăn chất độc…Như vậy vội vã làm việc, chưa từng được nghỉ ngơi.

Ta thương xót các ông, loài Trời Người nên khổ tâm răn bảo, nói rõ, dạy dỗ khiến cho tu điều tốt lành. Tùy theo khí độ (căn cơ) mở đường lối, trao cho Kinh Pháp, không có ai không nương theo mà dùng, ngay ý ước nguyện đều khiến cho được Đạo.

Trong nơi chốn mà Phật đã dạo qua: nước, ấp, gò đống, xóm làng không có chỗ nào chẳng chịu ân giáo hóa. Thiên hạ hòa thuận, mặt trời mặt trăng sáng trong, mưa gió đúng thời, tai vạ bệnh dịch chẳng khởi, nước thịnh vượng, dân an vui, súng ống giáo mác không có chỗ dùng, chuộng Đức nêu Nhân, chuyên tu sửa theo lễ nghĩa khiêm nhường”.

Đức Phật nói: “Ta thương xót các ông, chư Thiên, người dân  rất nhiều như cha mẹ nhớ con. Nay Ta ở đời này làm Phật, giáng hóa năm điều ác, tiêu trừ năn nỗi đau khổ, diệt hết năm sự thiệu đốt. Dùng  điều tốt lành vây đánh điều ác, nhổ bứt khổ của sinh tử, khiến được năm Đức, thăng lên Vô Vi để được an vui. Khi Ta đã đi, đời sau Kinh Đạo dần dần bị diệt, người dân lại xu nịnh dối trá làm mọi điều ác thì năm sự thiêu đốt, năm nỗi đau đớn sẽ quay trở lại y như pháp lúc trước. Lâu dần về sau càng thêm kịch liệt chẳng thể nói hết. Ta chỉ vì ông lược nói như thế”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Các ông đều khéo suy nghĩ, chuyển cho nhau Giáo Giới như Kinh Pháp của Phật, không được phạm lỗi”.

Lúc đó Bồ Tát Di Lặc chắp tay bạch rằng: “Đức Phật đã nói rất khéo, người đời thật như thế. Đức Như Lai ban vui, thương xót khắp cả đều khiến độ thoát. Con xin nhận lời dạy bảo trân trọng của Đức Phật, chẳng dám trái ngược, đánh mất ”.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông hãy đứng dậy, chỉnh sửa quần áo, chắp tay cung kính, lễ Đức Phật Vô Lượng Thọ. Các Phật Như Lai trong cõi nước ở mười phương thường cùng nhau xưng dương, khen ngợi Đức Phật ấy, không có dính mắc, không có ngăn ngại”

Khi đó A Nan đứng dậy, chỉnh sửa quần áo, ngay thẳng thân hướng về phương Tây, cung kính chắp tay, cúi năm vóc sát đất, lễ Đức Phật Vô Lượng Thọ rồi bạch rằng: “Thế Tôn! Con nguyện nhìn thấy cõi nước An Lạc với các Bồ Tát, Thanh Văn, Đại Chúng của Đức Phật ấy”.

Nói lời đó xong, tức thời Đức Phật Vô Lượng Thọ phóng ánh sáng lớn chiếu khắp tất cả Thế Giới của chư Phật, Kim Cương Vi Sơn, Tu Di Sơn Vương, các núi lớn nhỏ, tất cả hết thảy đều đồng một màu. Ví như Kiếp Thủy tràn đầy Thế Giới, trong đó vạn vật chìm mất chẳng hiện, sóng gợn mênh mông, chỉ thấy nước lớn. Ánh sáng của Đức Phật ấy cũng lại như vậy. Tất cả ánh sáng của Thanh Văn, Bồ Tát thảy đều bị ẩn che, chỉ nhìn thấy ánh sáng của Đức Phật tỏa sáng rực rỡ.

Khi ấy A Nan liền nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ với uy đức vời vợi như Tu Di Sơn Vương, cao vượt lên trên tất cả các Thế Giới, tướng tốt tỏa ánh sáng không có gì chẳng chiếu sáng. Bốn Chúng của Hội này cùng một lúc đều nhìn thấy, bên kia nhìn thấy cõi này cũng lại như vậy.

Bấy giờ Đức Phật bảo A Nan với Bồ Tát Di Lặc: “Ông nhìn thấy nước ấy, từ mặt đất lên trên đến cõi Trời Tịnh Cư (Śuddhāvāsa) Trong ấy hết thảy vật vi diệu, nghiêm tịnh, tự nhiên…có đều nhìn thấy chăng?”

A Nan thưa rằng: “Dạ vâng! Con đã nhìn thấy”.

_“Ông xét kỹ xem, có nghe tiếng nói lớn của Đức Phật Vô Lượng Thọ tuyên bày khắp tất cả Thế Giới, giáo hóa chúng sinh chưa?”

A Nan thưa rằng: “Dạ vâng! Con đã nghe thấy”.

_“Người dân của nước ấy nương theo trăm ngàn do tuần cung điện bảy báu không có chỗ chướng ngại, đi đến khắp mười phương cúng dường chư Phật. Ông lại có nhìn thấy chăng?”

Thưa rằng: “Con đã nhìn thấy”.

_“Người dân của nước ấy, có người sinh trong bào thai (Jarāyuja:thai sinh). Ông lại có nhìn thấy chăng?”

Thưa rằng: “Con đã nhìn thấy”.

_“Người sinh trong bào thai ấy được ở cung điện, hoặc trăm do tuần, hoặc năm trăm do tuần… đều ở trong ấy thọ nhận các khoái lạc như cõi Trời Đao Lợi (Trayastriṃśa) cũng đều tự nhiên”.

Khi ấy Bồ Tát Từ Thị (Maitreya:Di Lặc) bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do Nhân nào, Duyên nào mà người dân của nước ấy sinh trong bào thai (Jarāyuja)? Hoặc Hóa Sinh (Aupapāduka)?”

Đức Phật bảo Từ Thị: “Nếu có chúng sinh dùng tâm nghi ngờ tu các Công Đức, nguyện sinh về nước ấy mà chẳng hiểu: Trí của Đức Phật, Trí chẳng thể nghĩ bàn, Trí chẳng thể xưng nói, Trí rộng lớn của Đại Thừa, Trí Tối Thượng Thắng không có gì ngang băng không có gì so sánh được… Đối với các Trí này, nghi ngờ chẳng tin.

Xong do tin Tội, Phước mà tu tập gốc Thiện, nguyện sinh về nước ấy. Các chúng sinh này sinh trong cung điện ấy, sống đến năm trăm tuổi, thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe Kinh Pháp; chẳng thấy Bồ Tát, Thanh Văn, Thánh Chúng. Thế nên đối với cõi nước ấy, nói là Thai Sinh (Jarāyuja).

Nếu có chúng sinh tin rõ Trí của Đức Phật cho đến Trí thù thắng…làm các Công Đức, tâm tin tưởng hồi hướng. Các chúng sinh này tự nhiên  hóa sinh, ngồi Kiết Già ở trong đóa hoa bảy báu. Trong phút chốc, thành tựu đầy đủ thân tướng, ánh sáng, Trí Tuệ, Công Đức như các Bồ Tát.

Lại nữa Từ Thị! Các Đại Bồ Tát ở phương khác, phát tâm muốn nhìn thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ, cung kính cúng dường với các chúng Bồ Tát, Thanh Văn. Nhóm Bồ Tát ấy khi mệnh chung, được sinh về nước Vô Lượng Thọ, tự nhiên hóa sinh ở trong đóa hoa bảy báu.

Di Lặc nên biết vị Hóa Sinh (Aupapāduka) ấy có Trí Tuệ thù thắng còn người Thai Sinh (Jarāyuja) kia đều không có Trí Tuệ, ở trong năm trăm năm thường chẳng thấy Phật, chẳng nghe Kinh Pháp, chẳng thấy Bồ Tát, các chúng Thanh Văn. Do không có cúng dường Đức Phật, chẳng biết Pháp Thức của Bồ Tát, chẳng được tu tập Công Đức. Nên biết người này trong đời trước, không có Trí Tuệ, còn nghi ngờ nơi đến”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Ví như vị Chuyển Luân Thánh Vương có riêng cung thất, bảy báu trang sức, đặt bày màn che, treo các Phan lụa. Nếu có các Tiểu Vương Tử đắc tội với vua, liền bị nhốt bên trong cung ấy, dùng xích vàng cột trói rồi cung cấp thức ăn uống, giường nằm, thịt thà, hoa, hương, kỹ nhạc…như bậc Chuyển Luân Vương (Cakra-vartti-rāja) không có thiếu thốn. Ý ông thế nào? Các vị Vương Tử này có ưa thích chỗ ấy chăng?”

Thưa rằng: “Chẳng thể ưa thích vậy! Chỉ dùng mọi loại phương tiện cầu các sức mạnh lớn, muốn tự mình được miễn tội rồi ra khỏi chốn đó”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Các chúng sinh này cũng lại như vậy. Do nghi ngờ Trí của Đức Phật mà sinh trong cung điện ấy. Không có hình phạt cho đến việc của một niệm ác…chỉ ở trong năm năm trăm, chẳng thấy Tam Bảo, chẳng được cúng dường, tu các gốc Thiện. Do điều này là Khổ. Tuy có niềm vui khác, nhưng vẫn còn sự chẳng ưa thích nơi ấy.

Nếu chúng sinh này nhận biết Bản Tội ấy, tự mình hối lỗi mong cầu lìa khỏi chỗ đó, liền được như ý, đi đến chỗ của Đức Phật Vô Lượng Thọ, cung kính cúng dường, cũng được đến khắp vô lượng vô số chỗ của các Như Lai, tu các Công Đức.

Di Lặc nên biết. Nếu có Bồ Tát sinh nghi ngờ sẽ bị mất lợi lớn. Chính vì thế cho nên cần phải tin rõ Trí Tuệ vô thượng của chư Phật”.

Bồ Tát Di Lặc bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Ở Thế Giới này có bao nhiêu vị Bồ Tát bất thoái, sinh về nước Phật ấy?”

Đức Phật bảo Di Lặc: “Ở Thế Giới này có sáu mươi bảy ức Bồ Tát bất thoái sinh về nước ấy. Mỗi một vị Bồ Tát đã từng cúng dường vô số chư Phật, thứ tự như Di Lặc vậy. Các Bồ Tát có Hạnh nhỏ với người tu tập chút Công Đức, chẳng thể xưng tính đều sẽ vãng sinh”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Chẳng phải chỉ có các nhóm Bồ Tát của nước Ta sinh về nước ấy mà cõi Phật ở phương khác cũng lại như vậy.

Đức Phật thứ nhất tên là Viễn Chiếu (?Prabhākara). Cõi ấy có tám trăm tám mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ hai tên là Bảo Tạng (Ratna-garbha). Cõi ấy có chín mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ ba tên là Vô Lượng Âm (Ananta-ghoṣa). Cõi ấy có hai trăm hai mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ tư tên là Cam Lộ Vị (Amṛta-rasa). Cõi ấy có hai trăm năm mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ năm tên là Long Thắng (Nāga-jaya). Cõi ấy có bốn mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ sáu tên là Thắng Lực (Jaya-bala). Cõi ấy có tám vạn bốn ngàn Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ bảy tên là Sư Tử (Siṃha). Cõi ấy có năm trăm ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ tám tên là Ly Cấu Quang (Viraja-prabha). Cõi ấy có tám mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ chín tên là Đức Thủ (Guṇa-śirṣai). Cõi ấy có sáu mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ mười tên là Diệu Đức Sơn (Mañju-guṇa-parvata). Cõi ấy có sáu mươi ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ mười một tên là Nhân Vương (Nārendra-rāja). Cõi ấy có mười ức Bồ Tát đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ mười hai tên là Vô Thượng Hoa (Anuttara-puṣpa). Cõi ấy có vô số chẳng thể xưng tính các chúng Bồ Tát, đều  Bất Thoái Chuyển, Trí Tuệ dũng mãnh, đã từng cúng dường vô lượng chư Phật. Ở trong bảy ngày, liền hay nhiếp lấy trăm ngàn ức kiếp Pháp bền chắc mà bậc Đại Sĩ đã tu. Bồ Tát của nhóm này đều sẽ vãng sinh.

Đức Phật thứ mười ba tên là Vô Úy (Abhaya). Cõi ấy có bảy trăm chín mươi ức chúng Đại Bồ Tát, các Tiểu Bồ Tát với nhóm Tỳ Khưu chẳng thể xưng tính,  đều sẽ vãng sinh”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Chẳng phải chỉ có các nhóm Bồ Tát trong mười bốn nước Phật này sẽ vãng sinh, mà vô lượng nước Phật trong mười phương Thế Giới, người vãng sinh ấy cũng lại như vậy, rất nhiều vô số. Ta chỉ nói danh hiệu của chư Phật với Bồ Tát, Tỳ Khưu sinh về nước ấy, suốt ngày đêm trọn một kiếp còn chẳng thể hết. Nay Ta vì ông, lược nói như thế”.

Đức Phật bảo Di Lặc: “Nếu người được nghe danh hiệu của Đức Phật ấy mà vui vẻ, hớn hở cho đến một niệm. Nên biết người này được lợi ích lớn, tức là đầy đủ Công Đức vô thượng.

Thế nên Di Lặc! Giả sử có lửa lớn tràn đầy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới, cần thiết nên vượt qua lửa này nghe Kinh Pháp đó, vui vẻ, tin tưởng, ưa thích, thọ trì, đọc tụng, như Thuyết tu hành. Nếu có chúng sinh nghe Kinh này thì nơi Đạo vô thượng, cuối cùng không bị thoái chuyển. Chính vì thế cho nên cần phải chuyên tâm tin nhận, trì tụng, nói, hành.

Nay Ta vì các chúng sinh nói Kinh Pháp này, khiến thấy Đức Phật Vô Lượng Thọ với tất cả điều đã có của cõi nước ấy, nơi đáng làm đều có thể cầu. Không được vì sau khi Ta diệt độ lại sinh nghi hoặc. Đời đương lai, khi Kinh Đạo diệt hết, Ta dùng Từ Bi thương xót, đặc biệt lưu lại Kinh này, chỉ trụ một trăm năm. Nếu có chúng sinh gặp được Kinh này thì tùy theo ý ước nguyện, đều có thể được độ”

Đức Phật bảo Di Lặc: “Như Lai xuất hiện ở đời rất khó gặp khó thấy. Kinh Đạo của chư Phật rất khó được khó nghe. Thắng Pháp, các Ba La Mật của Bồ Tát được nghe cũng khó. Gặp Thiện Tri Thức nghe Pháp hay hành, điều này cũng là khó. Nếu nghe Kinh này, tin tưởng ưa thích thọ trì là điều khó trong những cái khó, không có gì hơn được cái khó này. Chính vì thế cho nên Pháp của Ta: làm như vậy, nói như vậy, dạy bảo như vậy…..cần phải tin thuận như Pháp tu hành”.

Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Kinh Pháp này thời vô lượng chúng sinh đều phát tâm Vô Thượng Chính Giác, một vạn hai ngàn na do tha người được mắt Pháp trong sạch, hai mươi hai ức các Trời người dân được A Na Hàm (Anāgamin), tám mươi vạn Tỳ Khưu lậu tận ý giải. Bốn mươi ức Bồ Tát được Bất Thoái Chuyển, dùng Công Đức của Hoằng Thệ để tự trang nghiêm, ở đời tương lai sẽ thành Chính Giác.

Khi ấy ba ngàn Đại Thiên Thế Giới chấn động theo sáu cách, ánh sáng lớn chiếu khắp cõi nước ở mười phương, trăm ngàn âm nhạc tự nhiên tấu lên, vô lượng hơi thơm bát ngát tuôn xuống.

Đức Phật nói Kinh xong, thời Bồ Tát Di Lặc (Maitreya) với các chúng Bồ Tát đến từ mười phương, Trưởng Lão A Nan, (Ānanda) các Đại Thanh Văn (Mahāśrāvaka), tất cả Đại Chúng (Mahā-saṃgha) nghe điều Đức Phật đã nói, không có ai chẳng vui vẻ.

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ
_QUYỂN HẠ (Hết)_

Dịch một Bộ gồm hai quyển xong vào ngày 24/07/2010

Pages: 1 2