KINH NHẤT THIẾT NHƯ LAI TÂM BÍ MẬT
TOÀN THÂN XÁ LỢI BẢO KHIẾP ẤN ĐÀ LA NI
KINH SỐ 1022A
Hán dịch: Chùa Đại Hưng Thiện_ Tam Tạng Sa Môn Đại Quảng Trí BẤT KHÔNG phụng chiếu dịch
Việt dịch: Huyền Thanh
[vc_separator color=”sky” style=”shadow” border_width=”6″ el_width=”60″]
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Bạc Già Phạm ngự trong ao Bảo Quang Minh trong vườn Vô Cấu tại nước Ma Già Đà cùng với chúng Đại Bồ Tát với Đại Thanh Văn Tăng, Trời, Rồng, Dược Xoa, Càn Đạt Bà, A Tô La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người, Phi Nhân… vô lượng trăm ngàn chúng trước sau vây quanh cùng đến dự hội.
Bấy giờ trong Chúng có một vị Đại Bà La Môn tên Vô Cấu Diệu Quang là bậc đa văn, thông minh được người ưa nhìn, thường phụng 10 Thiện, quyết định tin hướng nơi Tam Bảo, tâm lành, ân trọng, Trí Tuệ vi tế, muốn khiến cho tất cả chúng sinh tương ứng thiện lợi, giàu có lớn, đầy đủ vật dùng.
Thời Bà La Môn Vô Cấu Diệu Quang từ chỗ ngồi đi đến nơi Phật ngự, nhiễu quanh Đức Phật 7 vòng, đem hương hoa phụng hiến Đức Thế Tôn. Cầm áo quý vô giá, Anh Lạc, tràng hoa dâng lên Đức Phật, đỉnh lễ hai chân của Phật rồi lui về một bên thưa thỉnh rằng: “Nguyện xin Đức Thế Tôn và các Đại Chúng vào sáng sớm ngày mai đi đến nhà của con nhận sự cúng dường”
Khi ấy Đức Thế Tôn điềm nhiên hứa nhận. Thời vị Bà La Môn biết Đức Phật nhận lời thỉnh cầu nên mau chóng quay về nhà. Ngay trong đêm đó rộng bày cỗ bàn, trăm vị thức ăn, trang hoàng Điện Tự, mọi thứ trang nghiêm. Đến sáng rồi cùng với các quyến thuộc cầm mọi loại hương hoa với các kỹ nhạc đến chỗ Phật ngự rồi bạch rằng: “Nguyện xin hãy đến như lời con cầu thỉnh. Nay chính là lúc, nguyện xin thuận theo lời hứa”
Bấy giờ Đức Thế Tôn an ủy Bà La Môn Vô Cấu Diệu Quang xong, nhìn Đại Chúng rồi bảo rằng: “Các ông đều nên đến nhà của vị Bà La Môn này, vì muốn cho vị ấy được lợi ích lớn”
Lúc đó Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Vừa mới đứng lên thì từ thân phần tuôn ra muôn loại ánh sáng tỏa các sắc màu nhiệm xen nhau chiếu chạm 10 phương, thảy đều cảnh giác tất cả Như Lai. Khi cảnh giác xong thì bắt đầu đi.
Thời vị Bà La Môn dùng tâm cung kính, cầm hương hoa màu nhiệm cùng các quyến thuộc và 8 Bộ Trời Rồng, Thích Phạm Hộ Thế đi trước dẫn đường, phụng dẫn Đức Như Lai.
Thoạt tiên Đức Thế Tôn dừng ở khu vườn tên Phong Tài cách đường lộ không xa. Trong vườn ấy có một cái tháp cũ đã mục nát, hư hoại, tường đổ, gai góc che khuất, cây cỏ mọc đầy, gạch đá che lấp giống như một đống đất.
Bấy giờ Đức Thế Tôn đi đến ngôi tháp ấy thời trên cái tháp mục ấy phóng ra ánh hào quang lớn chiếu sáng rực rỡ. Ở trong đống đất phát ra âm thanh khen ngợi là: “Lành thay! Lành thay! Nay Đức Thích Ca Mâu Ni Như Lai đã đến cảnh giới cực thiện”
Lại nói với vị Bà La Môn rằng: “Ngày hôm nay, ông được lợi ích tốt lành lớn lao”
Khi ấy Đức Thế Tôn cúi lạy ngôi tháp mục, nhiễu quanh theo bên phải 3 vòng, cởi áo trên thân phủ lên trên tháp, đột nhiên bật khóc tuôn tràn nước mắt nước mũi.
Khóc xong, Ngài liền mỉm cười. Ngay lúc đó chư Phật mười phương đều cùng nhìn thấy cũng đều rơi lệ, đều phóng hào quang chiếu soi ngôi tháp ấy.
Lúc đó Đại Chúng tập hội thảy đều kinh dị, sợ hãi rồi trụ. Bấy giờ Kim Cương Thủ Bồ Tát cũng rơi lệ, tỏa lửa uy mãnh rừng rực, cầm chày chuyển quanh, đến nơi Phật ngự, bạch rằng:”Thế Tôn ! Đây là nhân duyên gì mà hiện tướng hào quang ấy? Vì sao mắt của Như Lai tuôn lệ như thế? Hiện tiền sao lại có tướng hào quang ngay thẳng rộng lớn của Phật? Nguyện xin Đức Như Lai ở Đại Chúng này giải thích nỗi nghi của con”
Thời Đức Bạc Già Phạm bảo Kim Cương Thủ: “Đây là Đại Toàn Thân Xá Lợi gom chứa nơi tháp của Như Lai, câu chi Tâm Đà La Ni Ấn Pháp Yếu của tất cả Như Lai nay ở ngay trong tháp ấy.
Này Kim Cương Thủ! Có Pháp Yếu này ở bên trong cho nên ngôi tháp ấy tức là thân của câu chi trăm ngàn Như Lai, cũng là nhóm toàn thân xá lợi của trăm ngàn câu chi Như Lai cho đến tám vạn bốn ngàn Pháp Uẩn cũng ở ngay trong đó. Tức là Đỉnh Tướng của 99 trăm ngàn câu chi Như Lai ở trong đó. Ngôi tháp ấy là nơi thọ ký của tất cả Như Lai. Nếu ngôi tháp đó ở nơi nào đều có công năng to lớn, đầy đủ đại uy đức, hay mãn tất cả điều tốt lành đáng mừng (Cát khánh)”
Bấy giờ Đại Chúng nghe lời Phật dạy liền xa lìa trần cấu với Tùy Phiền Não, được con mắt Pháp trong sạch. Trong Chúng đó liền có người được quả Tu Đà Hoàn, được quả Tư Đà Hàm, được quả A Na Hàm, được quả A La Hán. Hoặc có người được đạo Bích Chi Phật. Hoặc có người vào Bồ Tát Vị. Hoặc có người được A Bệ Bạt Trí. Hoặc có người được Bồ Đề Thọ Ký. Hoặc có người được Sơ Địa, Nhị Địa cho đến Thập Địa. Hoặc có người mãn túc 6 Ba La Mật. Riêng vị Bà La Môn kia được xa lìa trần cấu đạt 5 Thần Thông.
Lúc đó Kim Cương Thủ Bồ Tát thấy việc kỳ đặc hiếm có như vậy nên bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Thật là hiếm có! Chỉ nghe việc này còn được công đức thù thắng như thế huống chi đối với Pháp Yếu này gieo hạt giống sinh căn lành ắt được tụ Phước to lớn”
Đức Phật bảo: “Lành thay Kim Cương Thủ! Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện,
Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di viết chép Kinh Điển này tức là viết chép Kinh Điển do 99 trăm ngàn câu chi Như Lai đã nói. Tức ở nơi của 99 trăm ngàn câu chi Như Lai ấy gieo hạt giống sinh căn lành. Tức được các Như Lai ấy hộ niệm nhiếp thọ.
Nếu có người đọc tụng tức là đọc tụng Kinh Điển do tất cả chư Phật đời quá khứ đã nói
Nếu thọ trì Kinh này tức là 99 trăm ngàn câu chi như hạt mè Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác ở 10 phương, mỗi một phương sở của tất cả Như Lai ấy gia trì, ngày đêm hiện thân nhiếp hộ
Nếu có người cúng dường Kinh này. Đem hương hoa, hương xoa, vòng hoa, quần áo, vật dụng trang nghiêm cúng dường tức ở trước mặt 99 trăm ngàn câu chi Như Lai trong 10 phương ấy biến thành Diệu hoa, diệu hương, vật dụng trang nghiêm do 7 báu tạo thành… của cõi Trời, gom chứa như núi Tu Di mà cúng dường. Gieo hạt giống sinh căn lành cũng lại như vậy”
Bấy giờ 8 Bộ Trời Rồng, Người, Phi Nhân… thấy nghe việc ấy xong đều lấy làm lạ kỳ hiếm có , cùng nhau nói rằng: “Lạ thay uy đức! Đống đất hư mục do Thần Lực của Như Lai gia trì cho nên có thần biến ấy”
Thời Kim Cương Thủ bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà ngôi tháp 7 báu lại hiện là đống đất?”
Đức Phật bảo Kim Cương Thủ: “Đây chẳng phải là đống đất mà là 7 báu tạo thành ngôi tháp báu to lớn ấy.
Lại nữa Kim Cương Thủ! Do nghiệp báo của các chúng sinh cho nên ẩn đi chứ chẳng phải toàn thân của Như Lai có thể bị đoạn hoại. Chẳng lẽ có được Thân Kim Cương Tạng của Như Lai mà có thể bị hoại sao? Chỉ vì nhân duyên nghiệp quả của chúng sinh mà thị hiện ẩn đi.
Lại nữa Kim Cương Thủ! Sau này do thời Mạt Thế bức bách mà phần lớn các chúng sinh tập hành Phi Pháp nên bị đọa vào Địa Ngục, chẳng cầu Phật Pháp Tăng, chẳng chịu gieo hạt giống sinh căn lành. Vì nhân duyên đó cho nên Diệu Pháp sẽ ẩn mất , chỉ trừ ngôi tháp này do Thần Lực gia trì của tất cả Như Lai nên còn tồn tại. Vì việc ấy nên Ta rơi lệ , các Như Lai cũng do việc đó thảy điều rơi lệ”.
Lúc ấy Kim Cương Thủ Bồ Tát bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu có người viết chép Kinh này, đặt ở trong tháp sẽ được Phước tạo nền tảng”
Đức Phật bảo Kim Cương Thủ: “Nếu có người viết chép Kinh này, đặt ở trong tháp thì ngôi tháp đó tức là Nhất Thiết Như Lai Kim Cương Tạng Suất Đổ Ba, cũng là Nhất Thiết Như Lai Đà La Ni Tâm Bí Mật Gia Trì Suất Đổ Ba, tức là 99 trăm ngàn câu chi Như Lai Suất Đổ Ba, cũng là Nhất Thiết Như Lai Đỉnh Phật Nhãn Suất Đổ Ba, tức là nơi Thần Lực hộ trì của tất cả Như Lai. Nên an đặt Kinh này bên trong hình tượng Phật với ở trong tất cả Suất Đổ Ba (Stūpa: Tháp nhiều tầng) thì Tượng ấy tức là nơi tạo thành của 7 báu. Suất Đổ Ba ấy cũng là 7 báu. Dù lọng, lưới ngọc, lộ bàn giao kết chữ Đức, chuông, mõ, thuần bằng 7 báu. Tất cả Như Lai đối với Pháp Yếu này gia thêm uy lực ấy, dùng lời chân thật, bản thệ gia trì.
Nếu có Hữu Tình hay đối với Tháp này gieo hạt giống sinh căn lành thì quyết định ở A Nậu Đa La Tam Miểu Tam Bồ Đề (Anuttarā-samyaksaṃbuddhi: Vô Thượng Chính Đẳng Chính Giác) được Bất Thoái Chuyển. Cho đến đáng lẽ bị đọa vào Địa Ngục A Tỳ, nếu đối với ngôi tháp này , một lần lễ bái, một lần nhiễu quanh ắt được giải thoát. Đều được Bất Thoái Chuyển nơi A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề.
Nơi Tháp với hình tượng là nơi thần lực gia trì của tất cả Như Lai. Nơi ấy chẳng bị gió ác, sấm chớp, mưa đá, sét đánh… gây hại
Lại chẳng bị rắn độc, trùng độc, thú gây thương hại
Chẳng bị sao ác, chim quái, ngan ngỗng, chim Anh Vũ (Con vẹt), chim Cù Dục (con Yểng), trùng, chuột, cọp, sói, ong, nhện… gây thương hại
Cũng không bị loài Dạ Xoa, La Sát, Bộ Đa, Tỳ Xá Già, Quỷ điên cuồng… gây sợ hãi
Cũng chẳng bị tất cả các bệnh nóng lạnh, bệnh tràng nhạc, nhọt chảy nước vàng, nhọt sưng đỏ, nhọt mủ độc, bệnh lác, bệnh ghẻ, bệnh hủi…. gây nhiễm Nếu có người tạm thấy ngôi tháp đó thì tất cả đều trừ được.
Nơi ấy cũng không có người, ngựa, bò… bị dịch hoặc đồng nam, đồng nữ bị dịch, cũng chẳng bị chết yểu không đúng mạng. Cũng chẳng bị đao, gậy, nước, lửa gây thương hại. Cũng chẳng bị kẻ địch xâm nhiễu, đói khát áp bức, Yểm Mỵ Chú Trớ chẳng có dịp gây hại. Bốn vị Đại Thiên Vương và các quyến thuộc ngày đêm hộ vệ. 28 Bộ Đại Dược Xoa Tướng với mặt trời (Nhật), mặt trăng (Nguyệt), sao Phướng (Tràng Vân), sao chổi (Tuệ Tinh) ngày đêm hộ trì.Tất cả Long Vương gia thêm tinh khí, thuận thời tuôn mưa. Tất cả chư Thiên và Đao Lợi Thiên 3 thời giáng hạ đến cũng vì cúng dường lễ bái ngôi tháp cho nên tất cả chư Thiên 3 thời đến tập hội tán vịnh nhiễu quanh. Thích Đề Hoàn Nhân và các Thiên Nữ ngày đêm 3 thời giáng hạ cúng dường. Nơi ấy là chốn hộ niệm gia trì của tất cả Như Lai.
Nếu có người làm tháp. Hoặc dùng đất, đá, cây, vàng, bạc, đồng đỏ rồi viết Pháp Yếu này đặt trong đó. Vừa an đặt xong thì ngôi tháp đó tức là sở thành của 7 báu. Trên dưới :thềm bậc, lộ bàn, dù lọng, chuông mõ, lưới nối kết nhau thuần là 7 báu. Hình tượng Như Lai ở 4 phương của ngôi tháp đó cũng lại như vậy, tức là thần lực sở trì của tất cả Như Lai. Ngôi tháp 7 báu đó là Đại Toàn Thân Xá Lợi Tạng, cao đến cung Trời A Ca Nị Tra (Akaniṣṭha: Sắc Cứu Cánh), tất cả chư Thiên thủ hộ cúng dường”.
Kim Cương Thủ bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà Pháp này có công đức thù thắng như vậy?”
Đức Phật bảo Kim Cương Thủ: “Do sức uy thần của Bảo Khiếp Đà La Ni này”
Kim Cương Thủ nói: “Nguyện xin Đức Như Lai hãy thương xót chúng con mà nói Đà La Ni đó ”
Đức Phật bảo: “Hãy lắng nghe! Này Kim Cương Thủ! Toàn thân xá lợi của tất cả Như Lai trong đời vị lai, hiện tại với vị đã vào Bát Niết Bàn thảy đều ở trong Bảo
Khiếp Đà La Ni, ba Thân của các Như Lai cũng ở ngay trong đó” Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói Đà La Ni là:
1_ Ná mạc tất-đát-lị-dã địa-vĩ ca nam
2_ Tát bà đát tha nghiệt đa nam
3_ Án
4_ Bộ vĩ, bà phộc, ná phộc lê
5_ Phộc giả lê
6_ Giả giả tai
7_ Tổ lỗ tổ lỗ, đà la đà la
8_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
9_ Đà đô đà lê , bát đạp-hàm, bà phộc để
10_ Nhạ dã phộc lê
11_ Mẫu tổ lê, tát-ma la
12_ Đát tha nghiệt đa, đạt ma, chước ca-la
13 _ Bát-la mạt lật-đá ná, phộc nhật-lị, mạo địa mãn noa
14_ Lăng ca la
15_ Lăng khất-lị đế
16 _ Tát phộc đát tha nghiệt đa, địa sắt xỉ-đế
17_ Mạo đà dã, mạo đà dã
18_ Mạo địa, mạo địa
19_ Một đình, một đình
20_ Sâm mạo đà dã, sâm mạo đà dã
21_ Giả la, giả la
22_ Giả lạt đổ
23_ Tát phộc, phộc la noa nễ
24_ Tát phộc bá ba, vĩ nghiệt đế
25_ Hộ lỗ, hộ lỗ
26_ Tát phộc thú ca nhĩ nghiệt đế
27_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
28_ Hột-lị na dã, phộc nhật-lị ni
29_ Sâm bà la
30_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
31_ Ngu tứ dã đà la ni, mẫu niết lê
32_ Một đệ, tô một đệ
33_ Tát phộc đát tha nghiệt đa, địa sắt-xỉ đa
34_ Đà đổ my bệ, sa-phộc ha
35_ Sâm ma gia, địa sắt-xỉ đế, sa-phộc ha
36_ Tát phộc đát tha nghiệt đa, hột-lị na dã, đà đổ , mẫu nại-lê, sa-phộc ha
37_ Tô bát-la để sắt-xỉ đa, tát-đổ bế, đát tha nghiệt đa, địa sắt-xỉ đế, hô lỗ hô lỗ, hồng hồng, tát-phộc ha
38_ Án, tát phộc đát tha nghiệt đa
39_ Ô sắt-ni sa, đà đô, mẫu nại-la ni, tát phộc đát tha nghiệt đơn, sa đà đổ, vĩ đô sử đa, địa sắt-xỉ đế
40_ Hồng hồng, sa-phộc ha
Khi ấy Đức Thế Tôn nói Đà La Ni này thời từ nơi ngôi tháp mục nát có Suất Đổ Ba 7 báu tự nhiên phun vọt ra, cao rộng nghiêm sức, trang nghiêm vi diệu, phóng tỏa ánh hào quang lớn. Thời 99 trăm ngàn câu chi na dữu đa Như Lai ở 10 phương ấy đều đến khen ngợi Đức Phật Thích Ca Mâu Ni rằng: “Lành thay! Lành thay! Thích Ca Mâu Ni hay nói Pháp Yếu rộng lớn như vậy, an đặt Pháp Tạng như vậy ở cõi Diêm Phù Đề khiến cho các chúng sinh được lợi ích an ổn.Nếu có kẻ trai lành, người nữ thiện y theo Pháp Yếu này, an đặt Đà La Ni này ở trong tháp tượng thì chúng ta, chư Phật 10 phương tùy theo phương sở ấy gia trì hộ niệm”
Bấy giờ Đức Thế Tôn nói Đại Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni này rộng làm Phật sự xong. Sau đó đi đến nhà của vị Bà La Môn kia nhận các cúng dường khiến cho vô số Trời, Người được phước lợi lớn. Xong liền quay về nơi cư ngụ.
Lúc đó Đại Chúng, Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni , Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di, Trời, Rồng, Dạ Xoa, Càn Đạt Bà, A Tu La, Ca Lâu La, Khẩn Na La, Ma Hầu La Già, Người, Phi Nhân… đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.
KINH NHẤT THIẾT NHƯ LAI TÂM BÍ MẬT TOÀN THÂN XÁ LỢI BẢO KHIẾP ẤN ĐÀ LA NI (Hết)
KINH NHẤT THIẾT NHƯ LAI TÂM BÍ MẬT
TOÀN THÂN XÁ LỢI BẢO KHIẾP ẤN ĐÀ LA NI
KINH SỐ 1022B
Hán dịch: Chùa Đại Hưng Thiện_ Tam Tạng Sa Môn Đại Quảng Trí BẤT KHÔNG phụng chiếu dịch
Việt dịch: Huyền Thanh
Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật ngự ở ao Bảo Quang Minh (Ratna-prabha) trong vườn Vô Cấu (Vimala) tại nước Ma Già Đà (Magadha) cùng với Đại Bồ Tát (Bodhisatva-mahāsatva) với Đại Thanh Văn (Mahā-śrāvaka), Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dược Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), Ha Tô La (Asura), Ca Lâu La (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya)… vô lượng trăm ngàn Chúng (Saṃgha) trước sau vây quanh.
Bấy giờ trong Chúng (Saṃgha) có một vị Đại Bà La Môn (Mahā-brāhmaṇa) tên Vô Cấu Diệu Quang (Vimala-suprabha) là bậc đa văn (Bahu-śruta), thông tuệ được người ưa nhìn, thường thực hành mười điều Thiện (Daśa-kuśala-karmāṇi), quy tín Tam Bảo (Tri-ratna), Tâm lành, ân trọng, Trí Tuệ vi tế, thường muốn khiến cho tất cả chúng sinh tròn đủ thiện lợi, giàu có lớn, đầy đủ vật dùng.
Thời Bà La Môn Vô Cấu Diệu Quang từ chỗ ngồi đi đến nơi Phật ngự, nhiễu quanh Đức Phật bảy vòng, đem hương hoa phụng hiến Đức Thế Tôn. Cầm áo quý vô giá, Anh Lạc, tràng hoa… che bên trên Đức Phật, đỉnh lễ hai chân của Phật rồi lui về một bên thưa thỉnh rằng: “Nguyện xin Đức Thế Tôn cùng với các Đại Chúng vào sáng sớm ngày mai đi đến nhà của con nhận sự cúng dường”.
Khi ấy Đức Thế Tôn lặng yên hứa nhận. Thời vị Bà La Môn biết Đức Phật nhận lời thỉnh cầu nên mau chóng quay về nhà. Ngay trong đêm đó rộng bày cỗ bàn, trăm vị thức ăn, lau quét tự viện điện đường; giăng bày phan, lọng…. Đến sáng tự mình cùng với các Quyến Thuộc (Parivāra) cầm mọi loại hương hoa với các kỹ nhạc đến chỗ Đức Như Lai ngự rồi bạch rằng: “Đã đến lúc, nguyện xin rũ thương giáng lâm” Bấy giờ Đức Thế Tôn dùng lời nói dịu dàng an ủy Bà La Môn Vô Cấu Diệu Quang ấy xong, nhìn khắp Đại Chúng rồi bảo rằng: “Các ông đều nên đến nhà của vị Bà La Môn kia, tiếp nhận sự cúng dường, vì muốn cho vị ấy được lợi ích lớn”.
Lúc đó Đức Thế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Vừa mới đứng lên thì từ thân của Đức Phật tuôn ra mọi loại ánh sáng, tỏa các sắc màu nhiệm xen nhau chiếu chạm mười phương, thảy đều cảnh giác sau đó thúc dục lên đường.
Thời vị Bà La Môn dùng tâm cung kính, cầm hương hoa màu nhiệm cùng các quyến thuộc và tám Bộ Trời Rồng, Thích (Indra), Phạm (Brahma), bốn vị Thiên Vương (Catur-mahā-rājika-deva)… đi trước dọn đường, phụng dẫn Đức Như Lai.
Thoạt tiên Đức Thế Tôn dừng ở khu vườn tên Phong Tài (Bhogavatì) cách đường lộ không xa. Trong vườn ấy có một cái tháp cũ đã mục nát, hư hoại, tường đổ, gai góc che khuất, cây cỏ mọc đầy, gạch đá che lấp giống như một đống đất.
Bấy giờ Đức Thế Tôn men theo đường mòn đến chỗ cái tháp. Lúc đó trên cái tháp phóng ra ánh hào quang lớn chiếu sáng rực rỡ. Ở trong đống đất phát ra âm thanh khen ngợi là:””Lành thay! Lành thay! Hôm nay Thích Ca Mâu Ni (Śākya-muṇi) đã đi đến cảnh giới cực thiện. Lại nữa Bà La Môn! Vào ngày hôm nay, ông được lợi ích tốt lành lớn lao”
Khi ấy Đức Thế Tôn lễ cái tháp mục ấy, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng, cởi áo trên thân phủ lên trên tháp, đột nhiên bật khóc tuôn tràn nước mắt, nước mũi với máu. Khóc xong, Ngài liền mỉm cười. Ngay lúc đó chư Phật mười phương đều cùng nhìn thấy cũng đều rơi lệ, đều phóng hào quang chiếu soi cái tháp này.
Lúc đó Đại Chúng kinh ngạc, biến đổi sắc diện, cùng nhau muốn giải quyết sự nghi ngờ. Bấy giờ nhóm Kim Cương Thủ Bồ Tát (Vajra-pāṇi-bodhisatva) cũng đều rơi lệ, tỏa lửa uy mãnh rừng rực, cầm chày xoay chuyển, đến nơi Đức Phật ngự, bạch rằng: “Thế Tôn! Đây là nhân duyên gì mà hiện tướng hào quang ấy? Vì sao mắt của Như Lai tuôn lệ như thế? Cũng có tướng hào quang ngay thẳng rộng lớn của Phật ở mười phương ấy hiện ra trước mặt? Nguyện xin Đức Như Lai ở Đại Chúng này giải thích nỗi nghi của con”
Thời Đức Bạc Già Phạm (Bhagavaṃ: Thế Tôn) bảo Kim Cương Thủ: “Đây là tháp báu của Như Lai gom chứa Đại Toàn Thân Xá Lợi, vô lượng câu chi Tâm Đà La Ni Mật Ấn Pháp Yếu của tất cả Như Lai nay ở ngay trong tháp ấy.
Này Kim Cương Thủ! Có Pháp Yếu này ở bên trong chỗ này, cho nên ngôi tháp liền biến làm thân của trăm ngàn câu chi Như Lai chất chồng lên nhau không có kẽ hở như hạt mè. Nến biết cũng là nhóm toàn thân xá lợi của trăm ngàn câu chi Như Lai cho đến tám vạn bốn ngàn Pháp Uẩn (Dharma-skandha) cũng ở ngay trong đó. Chín mươi chín (99) trăm ngàn câu chi Đỉnh Tướng (Uṣṇīṣa) của Như Lai cũng ở trong đó. Do việc màu nhiệm này, thì ngôi tháp đó ở nơi nào đều có đại thần nghiệm, uy đức thù thắng, hay mãn tất cả điều tốt lành đáng mừng (Cát khánh) của Thế Gian”.
Bấy giờ Đại Chúng nghe lời Phật dạy liền xa bụi lìa dơ, chặt đứt các Phiền Não (Kleśa), được sự trong sạch của con mắt Pháp (Dharma-cakṣu: Pháp Nhãn). Trong mọi căn cơ có lợi ích khác nhau, cũng riêng có người được quả Tu Đà Hoàn (Srotāpanna-phala), quả Tư Đà Hàm (Sakṛdāgāmi-phala), quả A Na Hàm (Anāgāmiphala), quả A La Hán (Arhat-phala), Bích Chi Phật Đạo (Pratyeka-buddha-mārga) với Bồ Tát Đạo (Bodhisatva-mārga), Bất Thoái Chuyển (Avaivartika), Tát Ba Nhược Trí (Sarva-Jñā-jñāna: Nhất Thiết Trí Trí). Đối với việc như vậy đều được một thứ. Hoặc có người chứng được Sơ Địa (Eka-bhūmi), Nhị Địa (Dva-bhūmi) cho đến Thập Địa (Daśa-bhūmi). Hoặc có người mãn túc sáu Ba La Mật (Saḍ-pāramitā). Riêng vị Bà La Môn kia xa bụi lìa dơ được năm Thần Thông (Pañcābhijñā)”
Lúc đó Kim Cương Thủ thấy việc kỳ đặc hiếm có này, thời bạch rằng: “Thế Tôn! Màu nhiệm thay! Thật là kỳ dị! Chỉ nghe việc này còn được Công Đức thù thắng như thế huống chi nghe được Lý thâm sâu, khởi niềm tin thì được bao nhiêu Công Đức?”
Đức Phật nói: “Ông hãy lắng nghe! Này Kim Cương Thủ! Đời sau, nếu có người nam có niềm tin (tín nam), người nữ có niềm tin (tín nữ) với Đệ Tử thuộc bốn Bộ của chúng Ta, phát Tâm viết chép một Kinh Điển này, tức là dựa theo viết chép tất cả Kinh Điển do 99 trăm ngàn vạn câu chi Như Lai đã nói. Tức ở trước mặt 99 trăm ngàn vạn câu chi Như Lai ấy gieo trồng căn lành (Kuśala-mūla). Tức cũng được tất cả Như Lai ấy gia trì hộ niệm giống như yêu con mắt, cũng như bà mẹ hiền yêu giúp con thơ.
Nếu người đọc tụng một quyển Kinh này tức là đọc tụng Kinh Điển do tất cả chư Phật đời quá khứ, vị lai, hiện tại đã nói. Do như vậy cho nên 99 trăm ngàn vạn câu chi tất cả Như Lai Ứng Chính Đẳng Giác ở bên cạnh nhau tràn đầy không có kẽ hở giống như hạt mè chồng chất lên nhau đi đến, ngày đêm hiện thân gia trì người ấy.
Như vậy tất cả Như Lai nhiều vô số hằng sa, trước tiên nhóm tụ chưa đi, sau đó lại hợp quần đi đến, phút chốc đẩy dời hồi chuyển tiếp theo nhau đi đến. Ví như cát nhỏ cuốn xoáy vội vàng trong nước, chẳng được đình trệ, quay trở về rồi lại đi đến.
Nếu có người đem hương hoa, hương xoa bôi, vòng hoa, quần áo, vật dụng trang nghiêm vi diệu cúng dường Kinh này, tức thành ở trước mặt 99 trăm ngàn vạn câu chi Như Lai trong mười phương đem hương, hoa, quần áo, vật dụng trang nghiêm do bảy báu tạo thành… của cõi Trời, gom chứa như núi Tu Di mà cúng dường hết, gieo trồng căn lành cũng lại như vậy”
Bấy giờ tám Bộ Trời Rồng, Người, Phi Nhân… thấy nghe việc ấy xong đều lấy làm lạ kỳ hiếm có, cùng nhau nói rằng: “Lạ thay uy đức! Đống đất hư mục này do Thần Lực của Như Lai đã gia trì cho nên có Thần Biến ấy”.
Kim Cương Thủ lại bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà ngôi tháp bảy báu này lại hiện làm đống đất ?”
Đức Phật bảo Kim Cương Thủ: “Đây chẳng phải là đống đất mà là ngôi tháp báu to lớn thù diệu vậy. Do nghiệp quả kém cỏi của các chúng sinh cho nên ẩn che chẳng hiện. Do ngôi tháp ẩn đi, cho nên toàn thân của Như Lai chẳng có thể bị hủy hoại. Há có Thân Kim Cương Tạng (Vajra-garbha-kāya) của Như Lai mà có thể bị hoại sao?!…”.
Như Ta diệt độ, vào thời Mạt Pháp (Saddharma-vipralopa) bức bách của đời sau. Hoặc có chúng sinh tập hành Phi Pháp đáng bị rơi vào Địa Ngục, chẳng tin Tam Bảo, chẳng gieo trồng căn lành. Vì nhân duyên này cho nên Phật Pháp (Buddha-dharma) sẽ ẩn đi. Song, do ngôi tháp này bền chắc chẳng diệt là nơi mà Thần Lực của tất cả Như Lai đã gia trì. Chúng sinh không có Trí, bị Hoặc Chướng ngăn che, chỉ có châu báu hư nát, chẳng biết lấy dùng. Vì việc này cho nên nay Ta rơi lệ, các Như Lai ấy cũng đều rơi lệ”.
Lại nữa Đức Phật bảo Kim Cương Thủ rằng: “Nếu có chúng sinh viết chép Kinh này để trong ngôi tháp, thì ngôi tháp này tức là Tốt Đô Bà (Stūpa: cái tháp nhiều tầng) được Đà La Ni Tâm của tất cả Như Lai bí mật gia trì, tức là Tốt Đô Bà của 99 trăm ngàn vạn ức câu chi Như Lai, cũng là Tốt Đô Bà Phật Đỉnh Phật Nhãn của tất cả Như Lai tức là nơi mà Thần Lực của tất cả Như Lai đã hộ giúp.
Nếu an trí Kinh này trong tượng Phật, trong Tốt Đô Bà thời tượng ấy tức là chỗ do bảy báu tạo thành, linh nghiệm ứng Tâm, không có Nguyện nào chẳng mãn được. Dù, lọng, lưới võng, Luân Đường [Cây trụ hình Tướng Luân (9 bánh xe trên cái tháp], Lộ Bàn (Mọi loại Tướng Luân được dựng lập trên cái tháp), chữ Đức, chuông, mõ, Doanh Sở (Mô trụ bằng đá bên dưới cây cột), nền, thềm của Tốt Đô Ba ấy tùy theo sức mà làm. Hoặc đất, hoặc gỗ, hoặc đá, hoặc gạch nung………………do uy lực của Kinh, tự làm bảy báu. Tất cả Như Lai đối với Kinh Điển này gia thêm uy lực ấy, dùng lời thành thật chẳng chặt đứt sự gia trì.
Nếu có hữu tình hay đối với ngôi tháp này đem một nén hương, một bông hoa lễ bái cúng dường thì tội nặng trong 80 ức kiếp sinh tử được tiêu diệt trong một thời, cuộc sống được miễn trừ tai ương, chết đi thì sinh vào nhà của Phật.
Nếu có kẻ đáng bị đọa vào Địa Ngục A Tỳ (Avīci). Nếu đối với ngôi tháp này, hoặc lễ bái một lần, hoặc nhiễu quanh theo bên phải một lần…sẽ đóng bín cửa Địa Ngục, khai mở lối Bồ Đề.
Ngôi tháp với hình tượng ở tại nơi nào thì nơi ấy được Thần Lực của tất cả Như Lai hộ giúp. Nơi ấy chẳng bị gió mạnh bạo, sấm chớp, sét đánh… gây hại. Chẳng bị rắn độc, rắn hổ mang, trùng độc, thú … gây thương hại. Cũng chẳng bị sư tử, voi điên, cọp, sói, Dã Can, ong, bò cạp… gây thương hại. Cũng không có sợ hãi hàng Dược Xoa (Yakṣa), La Sát (Rākṣasa), Bộ Đa Na (Pūtana), Tỳ Xá Già (Piśāca), Si Mỵ, Võng Lượng, Quỷ Điên Cuồng… Cũng lại chẳng bị tất cả các bệnh nóng lạnh, bệnh tràng nhạc, ung thư, nhọt, bứu, ghẻ lở, bệnh hủi…. gây nhiễm. Nếu có người tạm nhìn thấy ngôi tháp đó thì hay trừ tất cả tai nạn.
Nơi ấy cũng không có người, ngựa, lục súc (ngựa, bò, dê, gà, chó, lợn), đồng tử, đồng nữ… bị bệnh dịch, cũng chẳng bị chết bất ngờ, chết yểu không đúng mạng. Cũng chẳng bị đao, gậy, nước, lửa gây thương hại. Cũng chẳng bị trộm cướp, oán thù xâm nhiễu. Cũng không có lo lắng về sự đói khát nghèo túng. Yểm Mỵ Chú Trớ chẳng có dịp gây hại. Bốn vị Đại Thiên Vương và các quyến thuộc ngày đêm hộ vệ. Hai mươi tám (28) Bộ Đại Dược Xoa Tướng với mặt trời (āditya:Nhật), mặt trăng (Candra: Nguyệt), sao Phướng (Rāhu: Tràng Vân), sao chổi (Ketu: Tuệ Tinh) ngày đêm hộ trì. Tất cả Long Vương (Nāga-rāja) gia thêm tinh khí, thuận theo thời tuôn mưa. Tất cả chư Thiên và Đao Lợi Thiên (Trāyastriṃśa) ba thời giáng hạ đến cũng vì cúng dường. Tất cả chư Thiên ba thời đến tập hội tán vịnh nhiễu quanh, lễ tạ, chiêm ngưỡng. Thích Đề Hoàn Nhân (Śakra-devānāṃ-indra) và các Thiên Nữ (Deva-kanya) ngày đêm ba thời giáng hạ cúng dường. Nơi ấy là chốn hộ niệm gia trì của tất cả Như Lai. Do tiếp nhận Kinh cho nên ngôi tháp liền như vậy.
Nếu người làm Tháp dùng đất, đá, gỗ, vàng, bạc, đồng, chì rồi viết Thần Chú này an trí trong đó. Vừa mới an trí xong thì ngôi tháp đó tức là nơi do bảy báu tạo thành. Trên dưới: thềm bậc, Lộ Bàn, dù, lọng, chuông, mõ, Luân Đường thuần là bảy báu. Hình tướng Như Lai ở bốn phương của ngôi tháp ấy, do Pháp Yếu cho nên tất cả Như Lai trụ bền chắc, hộ trì ngày đêm chẳng bỏ đi. Ngôi tháp bảy báu ấy là kho tàng báu màu nhiệm Toàn Thân Xá Lợi, do uy lực của Chú cung kính đưa lên, cao đến bên trong cung Trời A Ca Ni Tra (Akaniṣṭha: Sắc Cứu Cánh). Nơi ngôi tháp đã xuyên suốt sừng sững thì tất cả chư Thiên ngày đêm chiêm ngưỡng, bảo vệ, cúng dường”.
Kim Cương Thủ nói rằng: “Do nhân duyên nào mà Pháp này có Công Đức thù thắng như vậy ?”
Đức Phật nói: “Nên biết, do sức uy thần của Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni này”.
Kim Cương Thủ nói: “Nguyện xin Đức Như Lai hãy thương xót chúng con mà nói Đà La Ni này”.
Đức Phật nói: “Hãy lắng nghe! Hãy nghĩ nhớ đừng quên! Tất cả Như Lai hiện tại, vị lai phân chia dáng dấp sáng rực của thân, toàn thân Xá Lợi của chư Phật quá khứ đều ở tại Bảo Khiếp An Đà La Ni, hết thảy ba Thân của các Như Lai đó cũng ở ngay trong đó”.
Bấy giờ Đức Thế Tôn liền nói Đà La Ni là:
1_ Ná mạc tất-đát-lý-dã địa-vĩ ca nam
2_ Tát bà đát tha nghiệt đa nam
3_ Án
4_ Bộ vĩ, bà phộc, ná phộc lợi
5_ Phộc giả lê
6_ Phộc giả tai
7_ Tổ lỗ tổ lỗ, đà la đà la
8_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
9_ Đà đô đà lê , bát na-hàm, bà phộc để
10_ Nhạ dã phộc lê
11_ Mẫu đát lê, tát-ma la
12_ Đát tha nghiệt đa, đạt ma, chước ca-la
13 _ Bát-la mạt lật-đa ná, phộc nhật-la, mạo địa mãn noa
14_ Lăng ca la
15_ Lăng cật-lý đế
16 _ Tát phộc đát tha nghiệt đa, địa sắt xỉ-đế
17_ Mạo đà dã, mạo đà dã
18_ Mạo địa , mạo địa
19_ Một đình, một đình
20_ Tham mạo đà dã, tham mạo đà dã
21_ Giả la, giả la
22_ Giả lại đô
23_ Tát phộc, phộc la noa nễ
24_ Tát phộc bá ba, vĩ nghiệt đế
25_ Hộ lỗ, hộ lỗ
26_ Tát phộc thú ca nhĩ nghiệt đế
27_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
28_ Hột-lị na dã, phộc nhật-la nê
29_ Tam bà la, tam bà la
30_ Tát phộc đát tha nghiệt đa
31_ Ngu hứ dã đà la nê, mẫu niết lê
32_ Một đễ, tô một đễ
33_ Tát phộc đát tha nghiệt đa, địa sắt-xỉ đa
34_ Đà đổ nghiệt bệ, sa-phộc ha
35_ Tam ma gia, địa sắt-xỉ đế, sa-phộc ha
36_ Tát phộc đát tha nghiệt đa, hột-lị na dã, đà đổ , mẫu nại-lê, sa-phộc ha
37_ Tô bát-la để sắt-xỉ đa, tát-đổ bế, đát tha nghiệt đa, địa sắt-xỉ đế, hộ lỗ hộ lỗ, hồng hồng, sa-phộc ha
38_ Án, tát phộc đát tha nghiệt đa
39_ Ổ sắt-nê sa, đà đô, mẫu nại-la ni, tát phộc đát tha nghiệt đơn, sa đà đổ, vĩ bộ sử đa, địa sắt-xỉ đế
40_ Hồng hồng, sa-phộc ha
Khi ấy Đức Phật nói Thần Chú này xong thời chư Phật Như Lai từ trong đống đất, phát ra tiếng khen rằng: “Lành thay! Lành thay! Thích Ca Thế Tôn hiện ra ở đời Trược Ác làm lợi cho chúng sinh không có chỗ nương dựa không có nơi hỗ trợ, diễn nói Pháp xâu xa, Pháp Yếu như vậy trụ lâu ở Thế Gian, lợi ích rộng nhiều, an ổn khoái lạc”
Lúc đó Đức Phật bảo Kim Cương Thủ rằng: “Hãy nghe cho kỹ! Hãy nghe cho kỹ! Pháp Yếu như vậy có Thần Lực vô cùng, lợi ích vô biên. Ví như viên ngọc báu Như Ý trên cây phướng, thường tuôn mưa châu báu thỏa mãn tất cả Nguyện. Nay Ta lược nói một trong vạn phần. Ông thích hợp nhớ giữ, lợi ích cho tất cả.
Nếu có người ác khi chết bị rơi vào Địa Ngục (Naraka), chịu khổ không có gián đoạn, không có kỳ hạn thoát ra… mà có con cháu của người ấy xưng tên của người đã chết, tụng Thần Chú bên trên, vừa mới đến bảy biến thời biển đồng sắt nóng đột nhiên biến làm cái ao có tám Công Đức, hoa sen sinh ra nâng đỡ bàn chân, lọng báu trụ trên đỉnh đầu, phá cửa Địa Ngục, mở lối Bồ Đề. Hoa sen ấy như bay đến cõi Cực Lạc, tự nhiên hiển phát Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna), vui nói không cùng, địa vị tại Bổ Xứ (vị Bồ Tát kế thừa Đức Phật trước mình để thành Phật).
Lại có chúng sinh bị tội nặng báo ứng cho nên trăm bệnh gom vào thân, đau khổ ép bức Tâm mà tụng Thần Chú này 21 biến, thì trăm bệnh vạn sự buồn bực, một thời tiêu diệt, thọ mệnh kéo dài, Phước Đức không cùng tận.
Nếu lại có người do nghiệp tham lam keo kiệt, cho nên sinh vào nhà nghèo túng, áo chẳng che nổi thân, ăn chẳng đủ nuôi mạng, gầy ốm, suy yếu….. bao trùm điều hèn xấu của con người. Người này hối hận (tàm: Hrī) xấu hổ (quý: Apatrāpya) vào núi, hái lấy bông hoa không có chủ, hoặc mài gỗ mục dùng làm hương, đi đến trước ngôi tháp, lễ bái cúng dường, nhiễu quanh bảy vòng, rơi lệ hối lỗi. Do sức của Thần Chú với uy đức của ngôi tháp nên diệt được quả báo nghèo túng, phú quý chợt đến, bảy báu như mưa không có chỗ khuyết thiếu. Ngay lúc này, càng điểm tô Phật Pháp, bố thí cho người ngèo túng. Nếu có sự tham lam keo kiệt thì tài bảo đột nhiên bị diệt mất.
Nếu lại có người vì gieo trồng căn lành, tùy theo phần tạo làm ngôi tháp, hoặc bằng bùn, hoặc bằng gạch nung tùy theo sức đã làm, lớn như Am La (āmra:quả Nại), cao khoảng bốn ngón tay, viết chép Thần Chú an trí trong ấy, cầm hương hoa lễ bái cúng dường. Do sức của Chú ấy với tâm tin tưởng cho nên ngay trong cái tháp nhỏ, tuôn ra đám mây hương lớn, ánh sáng của đám mây hương thơm vòng khắp Pháp Giới (Dharma-dhātu), xông ướp thơm phức, sáng chói, rộng làm việc Phật thời Công Đức đạt được như bên trên đã nói. Chọn lấy điều thiết yếu mà nói là không có Nguyện nào chẳng thỏa mãn
Nếu có bốn nhóm Đệ Tử, kẻ trai lành, người nữ thiện trong thời Mạt Thế (Paścima-kāla) vì Đạo vô thượng, dốc hết sức tạo làm ngôi tháp, an trí Thần Chú thời Công Đức đạt được, nói chẳng thể hết.
Nếu người cầu Phước (Puṇya) đi đến chỗ của ngôi tháp ấy, đem một nén hương, một bông hoa lễ bái cúng dường, xoay vòng theo bên phải Hành Đạo. Do Công Đức này nên Quan Vị vinh hiển chẳng cầu tự đến. Thọ mệnh, giàu có chẳng cần cầu xin, vẫn tự tăng thêm. Oan gia, trộm cướp chẳng cần đánh dẹp mà tự bại. Niệm oán, chú trớ chẳng cần trấn áp tự quay về gốc. Bệnh dịch, khí Tà chẳng cần nhổ bứt mà tự lẫn tránh. Chồng hiền vợ tốt chẳng cần cầu mà tự được. Con trai hiền, con gái đẹp chẳng cần cầu khẩn mà tự sinh ra. Tất cả ước nguyện thuận theo Ý được đầy đủ.
Nếu có chim quạ, chim sẻ, chim cú, chim tu hú, chim bồ câu, chim cú tai mèo…..Loài chó, chó sói, dã can (can cáo), muỗi, ruồi trâu, kiến, dế ……chợt đi đến gặp bóng ảnh của ngôi tháp với đạp lên cỏ ở sân tháp…. đều tồi phá được sự ngăn che mê lầm (hoặc chướng), giác ngộ Vô Minh (Avidya), đột nhiên vào nhà của Phật, tha hồ nhận lấy Pháp Tài (Pháp hay lợi nhuận như tiền). Huống chi có mọi người hoặc nhìn thấy hình của ngôi tháp, hoặc nghe tiếng chuông, hoặc nghe tên của ngôi tháp ấy, hoặc ngay bóng ảnh của ngôi tháp ấy…… thì tội chướng đều diệt, mong cầu như ý, đời này an ổn, đời sau sinh về cõi Cực Lạc (Sukha-vatī)
Hoặc có người tùy theo sức, dùng một viên bùn xoa tô lên bức vách bị hư hoại của ngôi tháp, vận chuyển một nắm đá chống đỡ ngôi tháp bị nghiêng. Do Công Đức này, sẽ tăng thêm Phước, kéo dài tuổi thọ, sau khi mệnh chung được thành vị Chuyển Luân Vương (Cakra-varti-ràja).
Nếu sau khi Ta diệt độ, Đệ Tử của bốn Bộ ở trước ngôi tháp này, cứu giúp cõi khổ (khổ giới) cho nên cúng dường hương hoa, chí Tâm phát nguyện, tụng niệm Thần Chú, mỗi một văn từ, mỗi một câu phóng ánh sáng lớn, chiếu chạm ba đường (Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh) thì nhân duyên sinh khởi khổ đau (khổ cụ) đều được trừ bỏ. Chúng sinh thoát khổ, mầm giống Phật chớm nảy nở, tùy theo ý vãng sinh về Tịnh Thổ ở mười phương.
Nếu người đến ngay trên ngọn của núi cao, chí Tâm tụng Chú, thời nơi chốn mà con mắt đã nhìn thấy: Thế Giới xa gần, núi, hang, rừng, đồng ruộng, sông nhỏ, hồ, sông lớn, biển….. Hết thảy tất cả loài có lông mao, lông vũ, vảy, mai…. đều tồi phá được sự ngăn che mê lầm (hoặc chướng), giác ngộ Vô Minh (Avidya), hiển hiện ba loại Phật Tính (Buddhatā) vốn có, rốt ráo ở yên trong Đại Niết Bàn (Mahā-nirvāṇa).
Nếu cùng với người này (người trì Chú) đi qua đường lộ. Hoặc tiếp chạm ngọn gió thổi qua áo, hoặc đạp lên dấu vết của người ấy, hoặc chỉ nhìn thấy mặt, hoặc tạm nói chuyện, thời tội nặng của người thuộc nhóm như vậy đều được diệt, viên mãn Tất Địa (Siddhi)”
Bấy giờ Đức Phật bảo Kim Cương Thủ rằng: “Nay, Thần Chú Kinh Điển bí mật này pho chúc cho các ông tôn trọng, hộ trì, lưu bố cho Thế Gian, đừng khiến cho sự truyền thụ của chúng sinh bị đoạn tuyệt”.
Kim Cương Thủ nói: “Nay con may mắn được Đức Thế Tôn phó chúc. Chúng con nguyện xin, vì báo đáp ân đức sâu nặng của Đức Thế Tôn, ngày đêm hộ trì, lưu bố, tuyên dương cho tất cả Thế Gian. Nếu có chúng sinh viết chép, thọ trì, nghĩ nhớ chẳng gián đoạn thời chúng con chỉ dẫn, thúc dục Thích, Phạm, bốn vị Thiên Vương, tám Bộ Rồng Thần ngày đêm thủ hộ, chẳng tạm buông lìa”.
Đức Phật nói: “Lành thay Kim Cương Thủ! Ông vì lợi ích lớn cho tất cả chúng sinh đời vị lai, cho nên hộ trì Pháp này khiến cho chẳng bị đoạn tuyệt”
Khi ấy Đức Thế Tôn nói Bảo Khiếp Ấn Đà La Ni này rộng làm Phật sự xong. Sau đó đi đến nhà của vị Bà La Môn kia nhận các cúng dường, khiến cho Trời, Người thời đó được phước lợi lớn. Xong liền quay về nơi cư ngụ.
Lúc đó Đại Chúng (Mahā-saṃgha), Tỳ Khưu (Bhikṣu), Tỳ Khưu Ni (Bhikṣunī), Ưu Bà Tắc (Upāsaka), Ưu Bà Di (Upāsikā), Trời (Deva), Rồng (Nāga), Dạ Xoa (Yakṣa), Càn Thát Bà (Gandharva), A Tu La (Asura), Ca Lâu La (Garuḍa), Khẩn Na La (Kiṃnara), Ma Hầu La Già (Mahoraga), Người (Manuṣya), Phi Nhân (Amanuṣya)… đều rất vui vẻ, tin nhận phụng hành.
_Hết_
_ Kinh này cùng với Đại Minh Tạng được cất chứa trong Nghi Quỹ Ly Bộ thứ tám, đồng một bản với Kinh Bảo Khiếp An Đà La Ni mà ngài Bất Không (Amoghavajra) đã dịch. Song, chỗ sai khác ấy có chẳng ít vậy.
Bản này do ba vị thầy: Biến Chiếu Kim Cương, Từ Giác, Trí Chứng thỉnh về, văn nghĩa thông suốt. Trước tiên Lượng Thái Hòa Thượng giải thích rõ Bản này, lưu hành trong Thiên Hạ. Người ngày nay ghi khắc các Quỹ, lại đưa thêm sự sai khác của bản Tạng đã nêu lên lúc đầu, xong đưa lên bản in.
_ Hưởng Hòa Cải Nguyên, năm Tân Dậu, tháng Trọng Thu (tháng 8) Phong Sơn Cần Tức Khoái Đạo ghi chép
_ Hưởng Hòa, năm Quý Hợi, tháng ba, này 28_ Một lần xem xét, cầm bút đính chính xong_ Từ Thuận
06/11/2011
BẢN DỊCH CỦA NGUYÊN THUẬN [KINH SỐ 1022B]
Kinh Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni
KINH SỐ 1022B
Hán dịch: Tam Tạng Sa-môn Bất Không đời Đường
Việt dịch: Tại gia Bồ-Tát giới Ưu-bà-tắc Nguyên Thuận
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ, Đức Phật ở tại hồ Bảo Quang Minh, trong vườn Vô Cấu của nước Ma-kiệt-đà. Khi ấy có vô lượng trăm ngàn chư đại Bồ-Tát, đại Thanh Văn, trời, rồng, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân đang vây quanh Thế Tôn.
Bấy giờ trong đại chúng có một đại Bà-la-môn tên là Vô Cấu Diệu Quang, thông minh học rộng, người thấy hoan hỷ, và luôn hành Thập Thiện. Ngài đã quy y và hết mực kính tin Tam Bảo. Ngài có trí tuệ sắc bén và luôn luôn mong muốn tất cả chúng sanh viên mãn lợi ích lành, giàu sang thịnh vượng.
Khi ấy Bà-la-môn Vô Cấu Diệu Quang từ chỗ ngồi đứng dậy, rồi đi đến chỗ của Phật, nhiễu Phật bảy vòng, và cầm hương hoa để phụng hiến Thế Tôn. Tiếp đến, ngài lấy y phục vô giá tuyệt đẹp, xâu chuỗi anh lạc, và dây chuyền châu báu mà phủ ở trên Đức Phật. Sau đó, ngài đảnh lễ với trán chạm sát đôi chân của Như Lai, rồi đứng qua một bên và cung kính bạch rằng:
“Ngưỡng mong Thế Tôn và các đại chúng hãy đến nhà của con vào sáng mai để tiếp thọ cúng dường!”
Lúc bấy giờ Thế Tôn lặng yên hứa khả. Khi biết Phật đã nhận lời, Bà-la-môn liền vội trở về. Ngay tối hôm đó, ngài chuẩn bị rất nhiều thức ăn nước uống ngon lạ với trăm vị, rưới nước, quét dọn sảnh đường, và treo phan lọng.
Đến sáng hôm sau, Bà-la-môn cùng với hàng quyến thuộc cầm theo hương hoa và nhạc khí đến chỗ của Như Lai, rồi thưa rằng:
“Thời khắc đã đến, kính mong Thế Tôn giáng lâm.”
Khi ấy Thế Tôn dùng lời hiền hòa để an ủi Bà-la-môn Vô Cấu Diệu Quang kia, rồi Ngài bảo toàn thể đại chúng rằng:
“Vì muốn cho vị Bà-la-môn kia được lợi ích to lớn, chúng đệ tử đều nên tới nhà của ông ấy để tiếp thọ cúng dường.”
Bấy giờ Thế tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy. Khi vừa mới đứng lên, toàn thân của Đức Phật phóng ra muôn loại ánh sáng. Chúng hòa quyện với sắc màu tuyệt đẹp và chiếu soi khắp mười phương. Khi mọi nơi đều đã hay biết, sau đó ánh sáng ấy mới lui tan.
Với lòng cung kính hộ tống Như Lai, lúc ấy Bà-la-môn cầm hương hoa vi diệu, cùng hàng quyến thuộc, thiên long bát bộ, Đế-thích, Phạm Thiên, và Tứ Thiên Vương đi ở phía trước dẫn đường.
Khi đó Thế Tôn đi về phía trước không xa, thì đến một khu vườn tên là Phong Tài. Ở trong khu vườn ấy có một ngôi tháp cổ đã mục nát, hư hoại, nằm ngả nghiêng. Gai góc mọc um tùm trước sân, cỏ dại phủ kín cửa ngõ, ngói đá bị chôn vùi, và nó giống như một đồn đất.
Bấy giờ Thế Tôn đi thẳng đến ngôi tháp. Ngay lúc đó ở trên tháp phóng đại quang minh và chiếu diệu rực rỡ. Ở trong đồn đất vang ra tiếng ngợi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Thích-ca-mâu-ni Phật! Những hạnh làm ngày nay của Ngài, thật là cảnh giới cực thiện. Và còn Bà-la-môn, hôm nay ông sẽ được lợi ích lành lớn lao.”
Lúc ấy Thế Tôn đảnh lễ ngôi tháp cũ kỹ kia, đi nhiễu bên phải ba vòng, và cởi phần trên của y phục đang mặc mà đắp lên nơi đó. Bấy giờ, nước mắt hòa với máu của Thế Tôn rơi chảy xuống. Khi nghẹn ngào rơi lệ xong, Ngài mỉm cười.
Giữa lúc bấy giờ, mười phương chư Phật đồng nhìn lẫn nhau và cũng đều rơi lệ. Rồi mỗi vị đều phóng quang minh chiếu đến ngôi tháp này. Khi ấy đại chúng kinh ngạc vô cùng, nét mặt biến sắc, và ai nấy đều muốn giải đáp điều nghi vấn của mình.
Bấy giờ Kim Cang Thủ Bồ-Tát và những vị khác cũng đều rơi lệ. Ngài cầm chày kim cang đang bốc cháy phừng phừng mà quơ múa vòng quanh, rồi đi đến chỗ của Phật, bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà xuất hiện ánh sáng này? Vì sao mắt của Như Lai rơi lệ như thế? Và do đâu mà mười phương chư Phật kia cũng phóng quang minh tốt lành đến nơi đây? Kính mong Như Lai ở giữa đại chúng, hãy giải trừ mối nghi của con.”
Khi đó Thế Tôn bảo ngài Kim Cang Thủ:
“Đại bảo tháp này tích chứa toàn thân xá lợi của Như Lai. Vô lượng ức mật ấn Pháp yếu tâm đà-la-ni của tất cả Như Lai đều ở tại trong đó.
Này Kim Cang Thủ! Do bởi có Pháp yếu này ở tại trong đó, ngôi tháp liền biến thành trùng trùng điệp điệp, không một lỗ hổng như các hạt mè chồng chất lên nhau.
Lại cũng phải biết rằng trăm ngàn ức thân của Như Lai cũng dày kín như các hạt mè chồng chất lên nhau.
Toàn thân xá lợi của trăm ngàn câu chi Như Lai và cho đến 84.000 Pháp môn cũng ở tại trong đó.
99 tỷ ức đảnh tướng của Như Lai cũng ở tại trong đó.
Do bởi những điều vi diệu ấy, cho nên ở xung quanh của tháp này mới có sự linh nghiệm thần kỳ, uy đức thù thắng, và có thể phủ khắp tất cả việc cát tường của thế gian.”
Khi đại chúng nghe lời Phật dạy, họ đều xa rời trần cấu, đoạn các phiền não, và đắc Pháp nhãn tịnh. Do căn cơ của đại chúng bất đồng nên điều lợi ích đạt được của mỗi người cũng khác. Có vị đắc quả Tu-đà-hoàn, Tư-đà-Hàm, A-na-hàm, hay A-la-hán. Có vị ngộ Đạo của Bích-chi-phật. Có vị tu Bồ-Tát Đạo đắc Nhất Thiết Trí hay quả vị bất thối chuyển. Hoặc có vị chứng đắc Sơ Địa, Nhị Địa, và cho đến Thập Địa. Hoặc có vị đầy đủ Lục Độ Ba-la-mật. Còn vị Bà-la-môn thì được viễn ly trần cấu và đắc năm loại thần thông. Khi thấy việc hy hữu và kỳ đặc này, ngài Kim Cang Thủ thưa rằng:
“Thật là kỳ diệu thay, thưa Thế Tôn! Đại chúng chỉ mới nghe về việc đó mà đã được công đức thù thắng như vậy. Hà huống là nghe diệu lý thâm sâu và chí tâm khởi tín, thì sẽ được bao nhiêu công đức?”
Đức Phật bảo:
“Hãy lắng nghe, Kim Cang Thủ! Vào đời sau, nếu có thiện nam tín nữ cùng hàng bốn chúng đệ tử nào của Ta mà phát tâm biên chép Kinh điển này, thì tức bằng biên chép 99 tỷ ức của tất cả Kinh điển mà chư Như Lai thuyết giảng. Công đức này còn vượt hơn thiện căn mà họ đã gieo trồng ở trước 99 tỷ ức Như Lai. Ngoài ra, họ cũng được tất cả chư Như Lai kia gia trì hộ niệm, như yêu quý con mắt của mình, cũng như mẹ hiền yêu thương và che chở con thơ.
Nếu ai đọc tụng quyển Kinh này, tức là bằng đọc tụng hết thảy Kinh điển của quá khứ, hiện tại, cùng vị lai của chư Phật thuyết giảng.
Do bởi đọc tụng Kinh này, 99 tỷ ức Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Đẳng Chánh Giác đều đến, trùng trùng điệp điệp, dày kín như hạt mè chồng chất lên nhau, không một lỗ hổng. Ngày đêm chư Phật kia đều hiện thân gia trì cho người ấy.
Vô số Hằng Hà sa tất cả chư Phật Như Lai như thế, số trước tụ hội chưa đi, số sau trùng trùng lại đến. Chư Phật vụt đến rồi đi, ví như cát mịn xoáy cuộn ở dòng nước xiết. Chư Phật đi rồi lại đến–không một chút đình trệ.
Nếu có người lấy hương hoa, hương xoa, vòng hoa, y phục, và đồ vật trang trí vi diệu để cúng dường Kinh này, thì tức đồng như họ lấy hương hoa cõi trời, y phục, đồ vật trang nghiêm bằng thất bảo, và số ấy tích tụ cao như núi Tu-di, mà đem hết cúng dường ở trước 99 tỷ ức Như Lai. Căn lành mà họ gieo trồng ở Kinh này thì cũng như vậy.”
Khi thiên long bát bộ cùng người và phi nhân nghe những lời đó xong, lòng ai nấy đều ngạc nhiên, rồi họ nói với nhau rằng:
“Uy đức của đồn đất đổ nát này thật kỳ diệu! Do bởi thần lực gia trì của Như Lai nên mới hiện ra thần biến như vậy.”
Ngài Kim Cang Thủ lại bạch với Đức Phật rằng:
“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà ngôi tháp bảy báu này lại hiện ra như một đồn đất?”
Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:
“Đây không phải là một đồn đất, mà là một đại bảo tháp thù diệu. Do nghiệp quả thấp kém của chúng sanh nên nó mới ẩn tàng chẳng hiện. Mặc dầu tháp ẩn khuất nhưng toàn thân của Như Lai chẳng thể hủy hoại. Thân kim cang tạng của Như Lai thì làm sao có thể hoại diệt được?
Sau khi Ta diệt độ, vào thời Mạt Pháp bức bách sau này, nếu có chúng sanh nào tạo nghiệp phi pháp nên phải đọa vào địa ngục, không tin Tam Bảo, và không gieo trồng căn lành, do bởi nhân duyên ấy nên Phật Pháp sẽ ẩn mất. Tuy nhiên tháp này thì vẫn kiên cố bất diệt, đó là vì thần lực gia trì của tất cả Như Lai. Do nghiệp chướng che lấp, chúng sanh vô trí chẳng biết đào lên để dùng trân bảo này. Bởi vậy mà Ta nay rơi lệ, và chư Như Lai kia cũng rơi lệ.”
Đức Phật lại bảo ngài Kim Cang Thủ rằng:
“Nếu có chúng sanh nào biên chép Kinh này, rồi an trí vào trong một ngôi tháp, thì tháp đó sẽ trở thành tháp kim cang tạng của tất cả Như Lai, tháp đà-la-ni tâm bí mật gia trì của tất cả Như Lai, tháp của 99 tỷ ức Như Lai, tháp Phật đảnh Phật nhãn của tất cả Như Lai, và được hết thảy chư Như Lai dùng thần lực bảo hộ.
Nếu an trí Kinh này trong một tượng Phật, rồi để vào trong một ngôi tháp, thì tượng sẽ được làm bằng bảy báu, linh nghiệm cảm ứng theo tâm tưởng–không nguyện vọng gì mà chẳng toại.
Hãy tùy theo khả năng của mình mà xây tháp bằng đất, gỗ, đá, hay gạch và trang trí lọng che, màn lưới, luân đường, lộ bàn, mái che, chuông, móng nền, hay bực thềm. Do bởi uy lực của Kinh, tháp sẽ tự nhiên thành bảy báu. Thêm nữa, tất cả Như Lai sẽ gia tăng uy lực của Kinh này. Với lời thành thật, chư Như Lai sẽ gia trì không gián đoạn.
Nếu có chúng sanh nào có thể lễ bái và cúng dường dẫu chỉ một nén hương hay một cành hoa ở trước tháp này, thì 80 ức kiếp sanh tử trọng tội của họ sẽ tức khắc tiêu diệt. Ở đời hiện tại, họ được thoát miễn tai ương, và khi chết sẽ sanh vào nhà của chư Phật.
Giả sử có ai đáng phải đọa vào Địa Ngục Vô Gián, nhưng dẫu họ chỉ một lần lễ bái hoặc đi nhiễu bên phải ở tháp này, thì cánh cửa địa ngục sẽ đóng bít và con đường Bồ-đề rộng mở.
Lại nữa, tất cả Như Lai sẽ dùng thần lực mà hộ vệ ở tại nơi tháp và hình tượng được an trí Kinh này.
– Nơi ấy sẽ không bị gió bão hay sấm sét tàn hại.
– Nơi ấy sẽ không bị quấy nhiễu bởi rắn độc, bò cạp, hay những côn trùng độc hại khác.
– Nơi ấy sẽ không bị sư tử, voi điên, cọp, sói, dã can, ong, hay rết rít gây hại.
– Nơi ấy cũng chẳng bị khủng bố bởi dạ-xoa, la-sát, bộ-đa, tỳ-xá-già, yêu tinh yêu quái, hay bệnh động kinh.
– Nơi ấy cũng chẳng bị truyền nhiễm bởi mọi chứng bệnh nóng lạnh, các bệnh lở loét, ghẻ hủi, hay ung nhọt.
Nếu ai chỉ thoáng thấy tháp này thì sẽ có thể diệt trừ tất cả tai nạn. Sáu loại thú vật, ngựa, và người, bao gồm đồng nam đồng nữ, cũng sẽ chẳng bị ôn dịch lây nhiễm.
– Họ sẽ không bị chết oan hay chết yểu đột ngột.
– Họ sẽ không bị dao gậy hay nước lửa gây hại.
– Họ sẽ không bị đạo tặc hay oán thù xâm hại.
– Họ cũng không phải lo âu về đói kém hay nghèo khốn.
– Bùa chú trù ếm sẽ chẳng thể tổn hại đến họ.
– Tứ Đại Thiên Vương cùng hàng quyến thuộc sẽ ngày đêm hộ vệ họ.
– 28 bộ của đại tướng dạ-xoa, nhật nguyệt ngũ tinh, và tràng vân tuệ tịnh sẽ ngày đêm hộ vệ họ.
– Tất cả long vương sẽ làm mưa đúng thời và gia tăng tinh khí cho họ.
– Tất cả chư thiên, bao gồm chư thiên ở trời Đao-lợi, mỗi ngày ba thời sẽ bay xuống để cúng dường họ.
– Tất cả chư tiên sẽ tụ tập ba thời mỗi ngày để nhiễu quanh tháp, ca vịnh, chiêm lễ, cảm tạ, và chiêm ngưỡng.
– Thiên chủ Đế-thích cùng với các thiên nữ sẽ bay xuống cúng dường ở ba thời mỗi ngày.
Nơi đó liền được tất cả Như Lai hộ niệm và gia trì. Do trong tháp có Kinh này nên mới có những việc như vậy.
Nếu ai dùng đất, đá, gỗ, vàng, bạc, đồng, hoặc chì để xây tháp, rồi biên chép thần chú này và an trí vào bên trong, khi mới vừa an trí xong, tháp đó sẽ trở thành tháp bảy báu. Bực thềm ở trên và dưới, lộ bàn, tản cái, chuông, và luân đường sẽ làm toàn bằng thất bảo. Bốn mặt của tháp lại có hình tượng Như Lai. Do vì có Pháp yếu nên tất cả Như Lai sẽ kiên trụ hộ trì ngày đêm mà chẳng rời khỏi. Do uy lực của thần chú, tháp bảy báu có diệu bảo tạng của toàn thân xá lợi, sẽ vọt cao đến giữa cung trời Sắc Cứu Cánh; tháp đứng sừng sững. Hết thảy chư thiên ngày đêm sẽ chiêm ngưỡng, thủ hộ, và cúng dường.”
Ngài Kim Cang Thủ bạch rằng:
“Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà Pháp này có công đức thù thắng như thế?”
Đức Phật bảo:
“Phải biết đây là do sức uy thần của Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni này.”
Ngài Kim Cang Thủ thưa rằng:
“Kính mong Như Lai thương xót chúng con mà tuyên thuyết đà-la-ni này.”
Đức Phật bảo:
“Hãy lắng nghe, tư duy, và chớ lãng quên! Phân thân uy quang của tất cả Như Lai ở hiện tại cùng vị lai và toàn thân xá lợi của chư Phật thuở quá khứ đều tại Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni. Tam thân của chư Như Lai đó cũng ở tại trong này.”
Lúc bấy giờ Thế Tôn liền thuyết đà-la-ni:
“na mạc, tất đát rị dã địa vĩ ca nam, tát bà, đát tha nghiệt đa nẩm, án, bộ vĩ bà phạ na phạ rị, phạ giả lê, phạ giả để, tổ rô, tổ rô, đà ra, đà ra,
||
namas tryadhvikānāṁ sarva tathāgatānāṁ | oṁ bhuvi-bhavana-vare | vacana-vacati suru suru dhara dhara
tát phạ, đát tha nghiệt đa, đà đổ, đà lê, bát na mâm, bà phạ để, nhạ dã, phạ lê, mẫu đát lê, tát ma ra, đát tha nghiệt đa, đạt ma chước ca ra, bát ra mạt lật đa na, phạ nhật ra, mạo địa mãn noa, lăng ca ra, lăng ngật rị đế,
|
sarva tathāgata dhātu dhare | padmaṁ bhavati jaya vare mudre | smara tathāgata dharma-cakra pravartana vajre bodhimaṇḍālaṁkārālaṁkṛte
tát phạ, đát tha nghiệt đa địa sắt sỉ đế, mạo đà dã, mạo đà dã, mạo địa, mạo địa, một đình, một đình, tham mạo đà nễ, tham mạo đà dã, giả la, giả la, giả lãn đô,
|
sarva tathāgatādhiṣṭhite | bodhaya bodhaya bodhi bodhi | budhya budhya saṁbodhani saṁbodhaya | cala cala calantu
tát phạ phạ ra noa nễ, tát phạ, bá ba, vĩ nghiệt đế, hộ rô, hộ rô, tát phạ, thú ca, nhị nghiệt đế,
|
sarvāvaraṇāni sarva pāpa vigate | huru huru sarva śoka vigate
tát phạ, đát tha nghiệt đa, hột rị na dã, phạ nhật ra nê, tam bà ra, tam bà ra,
|
sarva tathāgata hṛdaya vajriṇi | saṁbhāra saṁbhāra
tát phạ, đát tha nghiệt đa, ngu hê dã, đà ra nê, mẫu niết lê, một đễ, tô một đễ,
|
sarva tathāgata guhya dhāraṇī-mudre | bhūte subhūte
tát phạ, đát tha nghiệt đa địa sắt sỉ đa, đà đổ, nghiệt bệ, sa phạ hạ,
|
sarva tathāgatādhiṣṭhita dhātu garbhe svāhā
tam ma da địa sắt sỉ đế, sa phạ ha,
|
samayādhiṣṭhite svāhā
tát phạ, đát tha nghiệt đa, hột rị na dã, đà đổ, mẫu nại lê, sa phạ ha,
|
sarva tathāgata hṛdaya dhātu mudre svāhā
tô bát ra để sắt sỉ đa, tát đổ bế, đát tha nghiệt đa địa sắt sỉ đế, hộ rô, hộ rô, hồng, hồng, sa phạ ha,
|
supratiṣṭhita stūpe tathāgatādhiṣṭhite huru huru hūṁ hūṁ svāhā
án, tát phạ, đát tha nghiệt đa ổ sắt nê sa, đà đổ, mẫu nại ra ni,
|
oṁ sarva tathāgatoṣṇīṣa dhātu mudrāṇi
tát phạ, đát tha nghiệt đơn, sa đà đổ, vĩ bộ sử đa địa sắt sỉ đế, hồng, hồng, sa phạ ha.”
|
sarva tathāgata sadhātu vibhūṣitādhiṣṭhite hūṁ hūṁ svāhā ||
Khi Đức Phật nói thần chú này xong, chư Phật Như Lai ở trong đồn đất vang ra tiếng ngợi khen rằng:
“Lành thay, lành thay, Thích-ca Thế Tôn! Ngài đã có thể hiện ra ở trong đời ác trược, vì muốn làm lợi ích cho những chúng sanh không nơi nương tựa, không chỗ cậy trông mà diễn nói Pháp thậm thâm, và khiến Pháp yếu như vậy trụ lâu dài ở thế gian để mang đến ích lợi rộng lớn và an ổn vui sướng.”
Lúc ấy Đức Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:
“Lắng nghe, lắng nghe! Pháp yếu như vậy có thần lực vô cùng, lợi ích vô biên. Nó ví như ở trên tràng phan có như ý bảo châu, luôn mưa xuống trân bảo và mãn nguyện hết thảy điều mong ước.
Ta bây giờ sẽ lược giảng một phần vạn của những sự lợi ích đó. Ông hãy ghi nhớ và thọ trì để làm lợi ích cho tất cả.
Nếu có kẻ ác nào sau khi chết đọa vào địa ngục để chịu khổ liên tục mà chẳng có kỳ hạn ra khỏi, như có con cháu nào của họ xưng tên của vong linh và tụng thần chú ở trên, thì khi vừa xong bảy biến, đồng nung sắt nóng sẽ hốt nhiên biến thành ao nước tám công đức, hoa sen nâng đỡ dưới chân, và lọng báu che trên đỉnh đầu của tội nhân. Khi ấy, cửa địa ngục tan vỡ và Đạo Bồ-đề rộng mở. Rồi hoa sen đó sẽ chở họ bay đến Thế Giới Cực Lạc. Khi sinh về cõi nước kia, Nhất Thiết Chủng Trí sẽ tự nhiên hiển lộ. Họ sẽ vô cùng vui thích thuyết Pháp và đắc quả vị Nhất Sanh Bổ Xứ.
Lại nữa, như có chúng sanh nào do tội báo thâm trọng nên phải chịu hàng trăm chứng bệnh vào thân, thống khổ bức tâm, nhưng nếu họ tụng thần chú này 21 biến thì trăm bệnh muôn sầu sẽ đồng thời tiêu diệt, thọ mạng diên trường, phước đức vô tận.
Giả sử lại có người do nghiệp tham lam bỏn xẻn nên phải sinh ra trong gia đình bần tiện, quần áo chẳng đủ che thân, miếng ăn chẳng đủ lót bụng, gầy gò héo hon, ai trông thấy đều khinh bỉ. Nhưng nếu người này sanh tâm tàm quý, họ vào rừng hái hoa dại, nghiền gỗ mục làm hương bột, rồi đi đến trước tháp mà lễ bái cúng dường, nhiễu bên phải bảy vòng, và rơi lệ sám hối lỗi lầm, thì do bởi thần lực của chú cùng uy đức của tháp nên quả báo bần cùng của họ sẽ liền tiêu diệt. Phú quý hốt nhiên chợt đến, bảy báu rơi xuống như mưa, và họ sẽ chẳng thiếu hụt thứ gì. Ở lúc đó, họ cần phải kính trọng Phật Pháp và bố thí cho kẻ nghèo túng. Giả như họ keo kiệt bủn xỉn thì tài bảo liền hốt nhiên biến mất.
Giả sử lại có người vì muốn trồng căn lành, họ lấy bùn hoặc gạch mà xây tháp tùy theo khả năng. Tháp đó có thể chỉ lớn như trái a-ma-la và cao bốn lóng tay. Sau đó, họ biên chép thần chú, an trí vào bên trong tháp, rồi cầm hương hoa để cúng dường và lễ bái. Do bởi uy lực của thần chú này cùng với tín tâm của họ, ở trong tháp nhỏ sẽ tự nhiên tỏa ra đại hương vân. Mùi hương và ánh sáng của đám mây châu biến Pháp Giới, thoang thoảng thơm nồng, và rộng làm Phật sự. Công đức mà họ sẽ có được thì cũng như đã nói ở trên. Nói tóm lại, không nguyện gì mà chẳng toại.
Vào đời Mạt Pháp, trong bốn chúng đệ tử, hoặc thiện nam tín nữ nào, nếu có ai vì Đạo vô thượng mà tận lực tạo tháp và an trí thần chú, thời công đức có được, nói không thể cùng tận.
Nếu có người đến nơi tháp để cầu phước, họ đem theo một nén hương hay một cành hoa để cúng dường, lễ bái, và đi vòng bên phải, thời do bởi công đức ấy:
– Quan vị vinh hiển, không cầu tự đến.
– Phú quý trường thọ, không mong tự tăng.
– Oan gia đạo tặc, không đánh tự bại.
– Oán niệm bùa chú, không diệt tự lui.
– Dịch bệnh tà khí, không trừ tự lánh.
– Chồng hiền vợ thảo, không cầu tự được.
– Trai hiền gái xinh, không mong tự sanh.
– Tất cả sở nguyện, tùy ý mãn túc.
Nếu có quạ, diều hâu, chim sẻ, chim kiêu, tu hú, bồ câu, cú mèo, chó sói, dã can, ruồi, muỗi, kiến, hay những loài trùng khác, mà chỉ tạm đến dưới bóng của tháp hoặc giẫm lên cỏ nơi đó, thì nghiệp chướng liền được tồi phá và chúng sẽ nhận biết vô minh. Chúng sẽ hốt nhiên vào nhà của Phật và tùy ý tiếp lãnh Pháp tài. Huống nữa là có người nào thấy tháp, nghe tiếng chuông, nghe tên danh, hay ở dưới bóng của tháp, thì tội chướng của họ thảy diệt trừ, sở cầu như ý, hiện đời an ổn, và khi chết sẽ sanh về Cực Lạc.
Nếu có người tùy theo sức lực mà lấy cục bùn lấp vào chỗ gạch vỡ, hoặc cầm một hòn đá nhỏ kê vào chỗ tháp đang bị nghiêng, do bởi công đức này, họ sẽ được tăng phước diên thọ. Sau khi mạng chung, người ấy sẽ sanh làm Chuyển Luân Vương.
Sau khi Ta diệt độ, nếu có ai trong bốn chúng đệ tử, vì muốn cứu tế chúng sanh ở cõi giới khổ đau, thì họ nên ở trước tháp này mà cúng dường hương hoa, chí tâm phát nguyện, và tụng niệm thần chú. Khi ấy, mỗi từ mỗi câu của thần chú sẽ phóng đại quang minh, chiếu đến chúng sanh ở chốn tam đồ, và diệt trừ hết mọi thống khổ. Khi chúng sanh đã thoát khỏi ách khổ, hạt giống Phật sẽ nảy mầm; họ sẽ tùy ý vãng sanh về tịnh độ ở mười phương.
Nếu có người ở trên đỉnh núi cao mà chí tâm tụng chú này, thì tất cả chúng sanh ở trong tầm mắt của họ–gồm những loài có lông, vẩy, hoặc mai–cư trú gần hay xa, ở trong thung lũng, núi rừng, dòng suối, sông hồ, hay biển khơi, thì nghiệp chướng của chúng liền được tồi phá. Chúng sẽ nhận biết vô minh, hiển hiện bổn hữu của tam chủng Phật tánh, và cứu cánh sẽ vào trong an xứ của đại Niết-bàn.
Nếu có ai đi cùng trên con đường của người tụng chú kia, như họ được làn gió thổi qua áo, hoặc giẫm lên dấu chân, hoặc chỉ thấy mặt, hoặc chỉ trò chuyện vài câu với người tụng chú kia, thì trọng tội của những người như vậy đều sẽ diệt trừ và họ được thành tựu viên mãn.”
Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Kim Cang Thủ:
“Ta nay phó chúc thần chú bí mật và Kinh điển này cho các ông. Hãy tôn trọng, hộ trì và lưu bố ở thế gian. Hãy truyền thọ cho chúng sanh và chớ để đoạn tuyệt.”
Ngài Kim Cang Thủ thưa rằng:
“Con nay rất vinh hạnh được Thế Tôn phó chúc. Vì muốn báo đáp ân đức thâm trọng của Thế Tôn, chúng con ngày đêm sẽ cố gắng hộ trì, tuyên dương, và lưu bố khắp thế gian.
Nếu có chúng sanh nào biên chép, thọ trì, và luôn mãi ghi nhớ, thì chúng con sẽ sai Đế-thích, Phạm Vương, Tứ Thiên Vương, cùng thiên long bát bộ mà ngày đêm hộ vệ cho họ và chẳng khi nào tạm rời xa.”
Đức Phật bảo:
“Lành thay, Kim Cang Thủ! Ông vì muốn hết thảy chúng sanh ở trong đời vị lai được sự lợi ích to lớn nên mới hộ trì Pháp này.”
Sau khi Thế Tôn đã tuyên thuyết Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni này và rộng làm Phật sự xong, Ngài đến nhà của Bà-la-môn tiếp thọ cúng dường, hầu khiến cho trời người được phước lợi lớn. Sau đó, Ngài trở về bổn xứ.
Lúc bấy giờ hàng đại chúng, gồm có: Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, trời, rồng, dạ-xoa, càn-thát-bà, a-tu-la, ca-lâu-la, khẩn-na-la, ma-hầu-la-già, người và phi nhân, tất cả đều sanh tâm đại hoan hỷ và tín thọ phụng hành.
Kinh Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni
Bản dịch: 8/4/2013, hiệu đính: 8/4/2013
BẢN DỊCH CỦA NGUYÊN HIỂN [KINH SỐ 1022B]
Kinh Nhất Thiết Như Lai Tâm Bí Mật
Toàn Thân Xá Lợi Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni
Hán dịch: Đường Bất Không Pháp Sư
Việt dịch: Nguyên Hiển
Tôi nghe như vầy:
Một thuở nọ đức Phật ngự tại nước Ma-gìa-đà, trong vườn Vô Cấu, hồ Bảo Quang Minh. Cùng đại chúng Bồ-tát, chúng Đại Thanh Văn, Trời Rồng, Dạ-xoa, Càn-thát- bà, A tu la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-dà, người và không phải người …vô lượng trăm ngàn chúng câu hội, trước sau vi nhiễu.
Lúc bấy giờ trong chúng hội có một đại Bà-la-môn tên là Vô Cấu Diệu Quang, đa văn thông tuệ, được mọi người kính mến thường hành Thập thiện, tin sâu quy y Tam Bảo, thiện tâm ân trọng, trí huệ tinh tế, thường muốn khiến tất cả chúng sanh đầy đủ tốt lành, giàu có sung túc.
Bấy giờ Bà-la-môn Vô Cấu Diệu Quang, rời chổ ngồi đứng dậy đi đến trước đức Phật, nhiễu quanh bảy vòng, phụng dâng lên đức Thế Tôn hương hoa, vô giá diệu y, chuỗi ngọc anh lạc, trân châu lên đức Thế Tôn, đãnh lễ dưới chân, rồi lui ngồi một bên mà thưa rằng:
Cúi mong đức Thế Tôn và đại chúng, ngày mai buổi sáng đến nhà con thọ sự cúng dường của con.
Lúc bấy giờ đứcThế Tôn lặng yên hứa khả và Bà-la-môn biết đức Phật thọ thỉnh, bèn trở nhà, ngay trong đêm đó rộng bày trăm vị ăn uống, lau quét điện đường, treo các tràng phan bảo cái, đến sáng sớm tự mình cùng với quyến thuộc cầm hương hoa cùng ban nhạc đến chỗ đức Như-Lai mà bạch rằng Đã đến giờ cúi mong Ngài giáng lâm.
Lúc bấy giờ đứcThế Tôn nhẹ nhàng an ủi Bà-la-môn Vô Cấu Diệu Quang, và tuyên bảo khắp đại chúng rằng:
– Các ông đều nên qua đến nhà Bà-la-môn kia để nhiếp thọ sự cúng dường vì khiến cho ông ấy được đại lợi ích. Sau đó đứcThế Tôn liền từ chỗ ngồi đứng dậy, vừa đứng dậy khỏi tòa , từ thân Phật phóng ra các luồng hào quang, mầu sắc nhiệm mầu xen nhau chiếu khắp mười phương, làm kinh động hết thảy, nhiên hậu mới đi.
Lúc ấy Bà-la-môn đem lòng thành kính cầm hương hoa tốt đẹp, cùng các quyến thuộc và Thiên long bát bộ, Thích Phạm, Tứ Thiên Vương đi trước sửa sang đường sá phụng dẫn đức Như-Lai.
Bấy giờ đứcThế Tôn ra đi không xa, đến một khu vườn tên là Phong Tài. Trong khu vườn kia có một ngôi cổ tháp đổ nát tơi tả, gai góc mọc đầy, cỏ cây che khuất cửa ngõ, gạch ngói vùi lấp, trông như một gò đất. Bấy giờ đứcThế Tôn dời bước qua chỗ tháp. Trên tháp bổng phóng đại hào quang chiếu sáng rực rỡ, trong gò đất phát ra tiếng khen rằng:
– Lành thay! Lành thay! Thích Ca Mâu Ni ngày nay đã làm cảnh giới rất tốt. Lại nữa này Bà-la-môn! Ông hôm nay thu hoạch được thiện lợi rất lớn.
Bấy giờ đứcThế Tôn đãnh lễ tháp mục, nhiễu quanh ba vòng, cởi y trên thân phủ lên tháp, đôi mắt rơi lệ khóc rồi Ngài mỉm cười. Đương khi ấy mười phương chư Phật, xem thấy cũng đều rơi nước mắt và phóng hào quang chiếu sáng tháp ấy. Thấy thế đại chúng kinh ngạc biến sắc, cùng nhau cầu Phật giải điều nghi ấy.
Bấy giờ Bồ-tát Kim Cương Thủ cũng rơi lệ, oai quang hẩy hừng như ánh lửa cầm chày múa quanh, đi đến chỗ đức Phật bạch rằng:
-Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên nào mà hiện tướng hào quang này? Cớ chi đức Như-Lai rơi lệ như thế? Mười phương chư Phật cũng phóng hào quang thụy tướng hiện tiền? Cúi mong đức Như-Lai giải nghi cho đại chúng.
Bấy giờ đức Phật bảo: – Này Kim Cương Thủ! Toàn thân Xá-lợi lớn của Như Lai tích chứa trong bảo tháp này. Tất cả Như-Lai vô lượng câu-chi Tâm Đà-La-Ni mật ấn Pháp yếu nay cũng ở trong ấy.
Này Kim Cương Thủ
! Vì có pháp yếu này ở trong đó, cho nên tháp này biến thành trùng điệp dày kín như đống hạt mè , câu-chi trăm ngàn thân Như-Lai. Phải biết cũng như đống hạt mè, trăm ngàn câu-chi (ức) toàn thân xá-lợi của Như-Lai tập họp trong đó. Cho đến tám vạn bốn ngàn kinh điển chánh pháp cũng tích chứa trong đó. Chín mươi chín trăm ngàn vạn câu-chi Như-Lai đỉnh tướng cũng ở trong đó. Do sự thần diệu ấy, cho nên tháp nầy có thần thông mầu nhiệm thù thắng uy đức, có thể ban phát mọi sự tốt lành cho toàn cõi thế gian.
Bấy giờ đại chúng nghe đức Phật nói thế, đều xa lìa được trần cấu, cắt đứt các phiền não, được pháp nhãn tịnh, đồng thời các chúng đắc lợi ích cũng khác biệt. Có người chứng quả Tu-đà-hoàn, quả Tu-đà-hàm, quả A-na-hàm, quả A -la-hán, quả Bích Chi Phật, có kẻ nhập địa Bồ-tát , hoặc đắc A-bệ-bạt-trí [Bất thối chuyển], hoặc chứng đắc sơ địa, nhị địa cho đến thập địa hoặc có vị được đầy đủ sáu Ba-la-mật. Bà-la-môn kia cũng lìa trần cấu, chứng năm thần thông.
Bấy giờ Kim Cương Thủ thấy việc đặc biệt hy hữu này, bạch đức Thế Tôn rằng: Thật là kỳ diệu lạ lùng thay! Chỉ nghe việc này mà còn thu hoạch công đức thù thắng như thế, huống gì được nghe thâm nghĩa, chí tâm khởi lòng tin thì được biết bao là công đức! Đức Phật dạy :- Này Kim Cương Thủ hãy lắng nghe!
Đời sau nếu có trai lành gái tín cùng bốn bộ đệ-tử cuả Ta, phát tâm biên chép một cuốn kinh này, tức là bằng biên chép chín mươi chín trăm ngàn vạn câu-chi [ức] tất cả kinh điển của Như-Lai đã nói, tức là vượt hơn thiện căn của chín mươi chín trăm ngàn vạn câu chi đức Như-Lai đã trồng, và cũng được tất cả các đức Như-Lai gia trì hộ niệm thương yêu như đôi tròng mắt, cũng như mẹhiền thương con thơ.
Nếu người đọc tụng một quyển kinh này, tức bằng đọc tụng quá khứ hiện tại vị lai kinh điển của chư Phật. Bởi như vậy, nên chín mươi chín trăm ngàn vạn câu chi tất cả Như-Lai chánh đẳng giác, dày kín không chỗ hổng như hạt mè trùng điệp đến đây, ngày đêm hiện thân gia trì cho người đó. Vô số Hằng hà sa tất cả các đức Phật Như Lai như thế, số trước tụ tập chưa đi, số sau trùng trùng lại đến, đi phút chốc rồi trở lại, ví như cát mịn trong giòng nước cuồn cuộn, không lúc nào dừng nghỉ xoay chuyển.
Nếu có người đem hương hoa, hương thoa, tràng hoa hay y phục tuyệt diệu trang nghiêm đầy đủ cúng dường kinh nầy, cũng như trước mười phương chín mươi chín trăm ngàn vạn câu chi đức Như-Lai mà dâng hương hoa cõi trời, y phục trang nghiêm đầy đủ thất bảo, chất cao như núi Tu-Di để cúng dường, gốc rể phước lành hai bên giống nhau không khác.
Lúc bấy giờ Thiên long bát bộ, người cùng phi nhơn nghe nói như vậy rồi, ai ai cũng đều cho là hy hữu lạ thường cùng nhau thốt lên lời : -Lạ thay oai đức đống đất mục nát nầy, chỉ do thần lực Như-Lai gia trì mà có thần biến.
Kim Cương Thủ lại bạch Phật rằng : – Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà tháp thất bảo lại hiện thành đống đất?
Phật dạy :-Này Kim Cương Thủ! Đây không phải là đống đất mà là đại bảo tháp rất vi diệu. Do nghiệp quả của các chúng sanh yếu kém cho nên ẩn khuất mà không hiện. Do tháp chôn dấu toàn thân bất hoại của Như-Lai, chẳng lẽ kim cương tạng thân của Như Lai mà có thể hoại sao? Sau khi ta diệt độ, đời mạt pháp gặp thời bức bách, như có chúng sanh làm chuyện phi pháp phải đọa địa-ngục, không tin Tam Bảo, không trồng căn lành, vì nhân duyên đó Phật Pháp sẽ ẩn mất . Tuy thế, tháp vẫn kiên cố không hoại diệt, tất cả thần lực của Như-Lai đã gia trì. Chúng sanh vô trí bị hoặc chướng che lấp, có trân bảo quý giá mà không biết xử dụng. Vì thế ta rơi lệ, các đức Như-Lai kia cũng đều rơi lệ.
Lại nữa đức Phật bảo :- Này Kim Cương Thủ! Nếu có chúng sanh biên chép kinh này để trong tháp, tháp đó tức là bảo tháp kim cương tạng thân của tất cả Như-Lai [stupa] cũng là bảo tháp của tất cả Như-Lai Tâm-Đà-La-Ni bí mật gia trì, cũng là bảo tháp của chín mươi chín trăm ngàn vạn câu chi Như-Lai, cũng là bảo tháp của tất cả Như-Lai Phật đỉnh, Phật nhãn. Tức là tất cả Như-Lai thần lực đã gia hộ.
Nếu trong tượng Phật, trong tháp nhiều tầng mà an trí kinh nầy tức là như tượng kia do thất bảo làm thành, linh ứng, không nguyện gì mà không viên mãn. Với tháp báu ấy dùng tán cái lọng tàn, hoặc màng trướng, hoặc luân đường, hoặc mâm đồng, hoặc treo chuông linh dưới mái hiên, tuỳ sức bày biện thềm bực bằng đất hoặc bằng gỗ đá hoặc gạch nung. Do oai lực của kinh tự thành thất bảo. Tất cả Như-Lai với kinh này gia thêm uy lực cho tháp kia. Lấy chân ngôn gia trì không ngừng nghỉ.
Nếu có hữu tình nào đối với tháp này dùng một hương một hoa lễ bái cúng dường, thì tám mươi ức kiếp sanh tử trọng tội thảy đều tiêu diệt, sống khỏi tai ương chết sanh cõi Phật. Nếu có hữu tình nào đáng đọa địa-ngục Vô Gián, nếu đối với tháp này một phen lễ bái hoặc một lần hữu nhiễu quanh, cửa địa-ngục đóng bít, đường Bồ đề mở khai. Nơi bảo tháp và hình tượng, thần lực của tất cả Như Lai đã gia hộ. Chỗ ấy không bị bão tố sấm chớp làm hại, không bị độc xà, rắn rít bò cạp, độc trùng độc thú làm tổn thương, không bị sư tử cuồng, voi điên, cọp beo dã cang, ong nhện làm thương hại, cũng không bị Dạ-xoa, La-sát, quỷ dữ, quỷ vọng lượng điên cuồng lo sợ; cũng không bị tất cả các bệnh nóng lạnh, ghẻ lở, ung thư nhọt bướu, phong hủi làm nhiễm bịnh. Nếu có người tạm thấy tháp này thì có thể trừ tất cả tai nạn.
Chỗ ấy không có người, ngựa lục súc, trẻ con trai gái bị bệnh hoạn ôn dịch. Không bị chết oan yểu vong, chẳng bị dao gậy nước lửa làm tổn thương, chẳng bị trộm cướp oán thù xâm hại, cũng không bị đói khát nghèo thiếu buồn lo. Ếm mị trù rủa chẳng thể rình tìm hãm hại. Bốn đại Thiên vương cùng các quyến thuộc ngày đêm phòng hộ. Hai mươi tám bộ đại tướng Dược-xoa, nhật nguyệt ngủ tinh, trang vân tuệ tinh ngày đêm hộ trì. Tất cả Long vương cho thêm tinh khí, thuận thời mưa xuống. Tất cả chư thiên cùng Trời Đao Lợi, ba thời giáng đến để mà cúng dường.Tất cả chư tiên ba thời vân tập, ngâm vịnh tán dương nhiểu vòng, tạ lễ chiêm ngưỡng. Thích-đề-hoàn-nhân cùng các Thiên nữ, ngày đêm ba thời giáng xuống cúng dường. Chỗ kia được tất cả Như-Lai hộ niệm gia trì. Vì trong tháp để kinh nầy nên được như thế.
Nếu có người xây tháp, lấy đất đá gỗ vàng bạc đồng chì, chép thần chú nầy an trí trong tháp, vừa an trí xong, tháp ấy tức biến thành bảy báu, trên dưới bực thềm lộ bày dù lọng, chuông linh luân đường thuần là bảy báu. Tháp kia là hiện tướng bốn phương Như-Lai.
Do pháp yếu đó, nên tất cả Như-Lai kiên trụ hộ trì ngày đêm không rời. Tháp bảy báu kia là Diệu Bảo Tàng toàn thân xá-lợi. Vì oai lực của thần chú, vọt cao, cao đến cung trời Sắc cứu cánh [Akanishtha]. Tháp trong suốt đứng trơ trọi, tất cả chư thiên, ngày đêm chiêm ngưỡng thủ hộ cúng dường. Kim Cương Thủ bạch rằng: -Vì nhân duyên gì, mà tháp nầy thù thắng công đức như thế?
Phật dạy: – Phải biết là nhờ thần lực của Bảo Khiếp Ấn Đà-la-ni nầy. Kim Cương Thủ bạch rằng: Cúi mong đức Như-Lai thương xót chúng con nói Đà-la-ni ấy .
Đức Phật dạy: – Hãy lắng nghe, nghĩ nhớ tuyệt không quên!
Hiện tại vị lai tất cả Như-Lai quang nghi phân thâ , quá khứ chư Phật toàn thân xá-lợi, tất cả đều nhờ Bảo Khiếp Ấn Đà-La-Ni nầy. Ba thân của các đức Như Lai cũng ở trong ấy. Lúc bấy giờ đức Thế Tôn liền tuyên nói Thần chú:
NAMAH STRYI DHVI KANAM, SARVA
TATHAGATANAM, OM BHUVIBHA VADHAVARI
VACHARI VACHATAI, SURU SURU DHARA DHARA, SARVA
TATHAGATA DHATUDHARI
PADMABHAVATI JAYAVARI, MUDRI SMARA TATHAGATA
DHARMA CHAKRA, PRAVARTTANA VAJRI
BODHI PANA, RUMKARA RUMKRITI ,
SARVA TATHAGATA DHISTITE, BODHAYA
BODHAYA BODHI BODHI, BUDDHYA BUDDHYA, SAMBODHANI
SAMBODDHAYA, CHALA CHALA CHALAMTU ,
SARVA VARANANI, SARVA PAPAVIGATE , HURU HURU
SARVA SUKHAVIGATI, SARVA TATHAGATA HARIDAYA VAJRANI,
SAMBHARA SAMBHARA,
SARVA TATHAGATA SUHAYA,
DHARANI MUDRI , BUDDHI SUBUDDHI, SARVA TATHAGATA DHISTITA,
DHATU GARBHE SVAHA,
SAMAYA DHISTITE SVAHA,
SARVA TATHAGATA HARIDAYA, DHATU MUDRI SVAHA,
SUPRA TISHITA STUBHE
TATHAGATA DHISTITE, HURU HURU HUM HUM SVAHA,
OM SARVA TATHAGATA USNISA,
DHATU MUDRANI, SARVA TATHAGATAM SADHA
TUVIBHUSITA, DHISTITE HUM HUM SVAHA.
Na-mát Sờ-Tơ-rị-da Đi-vi-ka-năm Sát-qua Tà-thá-ga-ta-năm
Ôm—Bu-vi Ba-qua Đa-qua-rị Qua-ca-rị Qua-ca-tại Su-ru Su-ru Đa-ra Đa-ra
Sát-qua Tà-thá-ga-ta Đà-tu Đa-rị Pá-đơ-mam Ba-qua-tị Giá-da Qua-rị Múc-đơ-rị Sờ-ma-ra Tà-thá-ga-ta Đạt-ma Chắc-ka-ra Pa-ra-qua-rật-ta-na Qua-giớ-rị Bô-đi Qua-na Lum-ka-ra Lum-ka-rật-tê
Sát-qua Tà-thá-ga-ta A-đi-xờ-thi-tê Bô-đà-da Bô-đà-da Bô-đi Bô-đi
Bụt-đà-da Bụt-đà-da Sam-bô-đa-nị Sam-bô-đa-dạ Ca-la Ca-la Ca-lạm-tu
Sát-qua A-qua-ra-na-nị Sát-qua Phà-pha Vi-ga-tê Hu-ru Hu-ru
Sát-qua Sô-ka Vi-ga-tê
Sát-qua Tà-thá-ga-ta Hớ-rị-đa-da Qua-giớ-ra-nị Sam-ba-ra Sam-ba-ra
Sát-qua Tà-thá-ga-ta Gu-ha-da Đa-ra-nị Múc-đơ-rị Bu-tê Su-bu-tê
Sát-qua Tà-thá-ga-ta A-đi-xờ-thi-ta Đà-tu Ga-rật-bà Xoa-ha. Sa-ma-da A-đi-xờ-thi-tê Xoa-hà.
Sát-qua Tà-thá-ga-ta Hờ-rị-đa-da Đà-tu Múc-đơ-rị Xoa-hà.
Sú-pha-ra-tị-xờ-thi-ta Sờ-tu-bê Tà-thá-ga-ta A-đi-xờ-thi-tê Hu-ru
Hu-ru Hùm Hùm Xoa-hà.
Ôm—Sát-qua Tà-thá-ga-ta U-sờ-ni-sa Đà-tu Múc-đơ-ra-nị Sát-qua
Tà-thá-ga-tam Sa-đa-tu Vi-bô-si-ta A-đi-xờ-thi-tê Hùm Hùm Xoa-hà. (1)
Lúc bấy giờ đức Phật tuyên nói thần chú xong. Chư Phật Như Lai từ trong đống đất phát ra tiếng khen rằng: -Lành thay ! Lành thay! Thích Ca Thế Tôn, vì lợi ích chúng sanh không nơi nương tựa mà xuất thế trong đời ác trược để diễn nói pháp thâm diệu, pháp yếu như thế trường tồn lâu dài ở thế gian, lợi ích rộng lớn, an ổn vui thích.
Bấy giờ đức Phật bảo Kim Cương Thủ rằng:
Hãy lắng nghe pháp yếu như thế, thần lực vô cùng, lợi ích vô biên, ví như trên màng treo ngọc quý như ý, thường mưa tất cả trân bả , thỏa mãn tất cả mong cầu. Ta nay chỉ lược nói một phần trong vạn phần. Ông nên nhớ giữ gìn vì lợi ích tất cả.
Nếu có người ác chết đọa địa-ngục, nhận lấy khổ vô gián, không ngày ra khỏi, nếu có con cháu của người ấy, xưng tên của vong nhơn, tụng thần chú nói trên, vừa xong bảy lần, thì ở địa ngục nước đồng sôi sắt nóng bổng biến thành ao nước mát đầy đủ tám công đức, hoa sen đỡ chân tàng báu che đầu. Cửa địa-ngục phá nát, đường Bồ-đề mở khai, ngồi hoa sen kia bay thẳng về thế giới Cực-Lạc. Nhất thiết chủng trí tự nhiên hiện phát, thích thuyết pháp vô cùng, được ngôi vị bổ-xứ.
Lại có chúng sanh tội báo sâu nặng, trăm bệnh chiêu nhóm đến thân, tâm thần đau khổ bức bách. Tụng thần chú nầy hai mươi mốt lần, trăm bệnh vạn não một thời tiêu diệt, thọ mạng lâu dài, phước đức vô tận. Hoặc có người vì nghiệp tham lẫn, sanh nhà bần cùng, áo không đủ che thân, cơm không đủ no miệng, gầy còm xâu xí, mọi người khinh chê.
Người ấy tủi hổ vào núi hái hoa rừng vô chủ hoặc mài gỗ mục làm hương, mang đến tháp để kinh này, lễ bái cúng dường, nhiễu quanh bảy vòng rơi lệ hối lỗi. Do năng lực của thần chú và oai đức của linh tháp, diệt được quả báo nghèo cùng, phước báo giàu sang bổng đến, thất bảo tuông như mưa, không còn thiếu thốn. Khi ấy chỉ nên cúng dường Phật Pháp, bố thí cho kẻ nghèo cùng nếu còn tham lẫn tích chứa, thì tài bảo bổng biến mất.
Nếu có người vì muốn trồng căn lành tùy phần tạo tháp dùng bùn hoặc sàn , tùy sức bày biện, lớn như trái xoài cao bốn đốt tay biên chép Thần chú an trí trong tháp ki , dâng hương hoa lễ bái cúng dường. Nhờ chú lực và lòng thành tín, từ trong tháp nhỏ phát ra mây hương thơm ngát, hương thơm toả che như mây trời, ánh sáng chu biến khắp cả pháp giới. Mùi thơm bát ngát, ánh sáng chiếu diệu, rộng làm Phật sự, được các công đức như trên đã nói . Tóm lại mà nói, không có nguyện nào mà không thỏa mãn.
Nếu trong đời mạt pháp, bốn chúng đệ tử thiện nam thiện nữ, vì đạo vô thượng tận lực tạo tháp an trí thần chú, công đức tạo được nói không cùng. Nếu có người cầu phước đến trước tháp kia, đem một cành hoa thơm một nén hương quý lễ bái cúng dường, nhiễu quanh hành đạo. Do công đức ấy ,quan quyền vinh hiễn không cầu mà tự đến, sống lâu giàu có không mong mà tự tăng, oan gia trộm cướp không đánh mà tự tan, oán niệm trù rủa không ếm mà tự trở về gốc.
Bệnh dịch tà khí không lánh mà tự tránh, chồng hiền vợ thảo chẳng cầu mà tự được, trai hiền gái đẹp chẳng cầu đảo mà sanh ra. Tất cả sở nguyện tùy ý viên mãn.
Nếu những loài chim quạ, sẻ, kiêu, tu hú, bồ câu, cú, chó sói, dã can, muỗi mòng, kiến, ruồi, chạm đến tháp hoặc bóng tháp, đạp cỏ nền tháp, liền phá được các hoặc chướng, giác ngộ vô minh, liền nhập vào gia đình Phật gia, lãnh thọ Pháp tài. Huống là những người hoặc thấy hình tháp hoặc nghe tiếng chuông khua, hoặc nghe danh linh tháp, hoặc thấy ảnh tháp, tất cả tội chướng thảy đều tiêu diệt, sở cầu như ý, hiện đời yên ổn, sau sanh Cực-Lạc.
Hoặc có người tùy sức lấy một hòn đất đắp vách tháp bị hư, hoặc lấy tay lượm đá kê tháp bị nghiêng, do công đức nầy tăng phước, thọ mạng lâu dài, khi mạng chung được tái sinh thành Chuyển Luân Vương.
Sau khi Ta diệt độ, bốn bộ đệ-tử, nếu muốn cứu giúp cõi khổ này, thì nên trước tháp cúng dường hương hoa chí tâm phát nguyện trì tụng thần chú, từng chữ từng câu phóng hào quang lớn, chiếu đến ba đường khổ, khổ não liền tan, chúng sanh thoát khổ, mầm Phật thứ liền sanh, tùy ý vãng sanh mười phương tịnh độ. Nếu có người lên đỉnh núi cao chí tâm tụng chú, phóng tầm mắt nhìn xa gần thế giới, núi đồi thung lũng, rừng đồng sông biển, trong ấy tất cả những loài có lông, có vẩy, có sừng, có mai, đều được tiêu tan hoặc chướng, giác ngộ vô minh, hiển hiện ba gốc Phật tánh, rốt ráo an trú Đại Niết-Bàn.
Hoặc cùng người trì chú qua đường, hoặc gió thổi chạm y, hoặc bước chân trên dấu chân người kia, hoặc thấy mặt hoặc thăm hỏi chốc lát, tất cả những người được gặp như thế, trọng tội tiêu diệt, trí huệ tối thượng viên mãn.
Lúc bấy giờ Phật bảo ngài Kim Cương Thủ rằng:
Nay kinh điển bí mật thần chú nầy giao cho các ông. Hãy tôn trọng gìn giữ lưu bố thế gian, khiến cho sự truyền thọ đến chúng sanh không được đoạn tuyệt.
Ngài Kim Cương Thủ bạch rằng:
Con nay may mắn được đức Thế Tôn giao phó. Chúng con nguyện báo ân đức thâm trọng của đức Thế Tôn, ngày đêm hộ trì lưu bố, tuyên dương cho tất cả thế gian.
Nếu có chúng sanh biên chép thọ trì nhớ niệm không quên mất, chúng con sẽ sai khiến Thích, Phạm, Tứ vương, Long Thần bát bộ, ngày đêm thủ hộ chẳng tạm xa lìa.
Đức Phật dạy: Lành thay Kim Cương Thủ! Ông vì tất cả chúng sanh đời vị lai rộng làm ích lợi lớn cho nên hộ trì pháp nầy khiến không đoạn dứt.
Bấy giờ đức Thế Tôn nói bảo khiếp ấn Đà-La-Ni, rộng làm Phật sự. Nhiên hậu qua nhà Bà-la-môn thọ các món cúng dường, khiến Trời Người bấy giờ thâu hoạch được phước đức lớn, rồi ra về.
Bấy giờ đại chúng Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di, Thiên long, Dạ-xoa, Càn-thát-bà, A-tu-la, Ca-lâu-la, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, người cùng không phải người vv… đều rất hoan hỷ, tin nhận và phụng hành.
(1) Huyền thanh phiên âm