KINH NGOẠI ĐẠO VẤN THÁNH ĐẠI THỪA PHÁP VÔ NGÃ NGHĨA

Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Thiên
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Tôi nghe như vầy:

Một thời, Đức Phật ở trong đại chúng. Khi ấy, có ngoại đạo không hiểu về hạnh Đại thừa, có điều nghi ngờ muốn được giải bày, nên đến chỗ ở của Đức Phật, cúi đầu cung kính chắp tay hỏi về nghĩa của vô ngã:

–Đại Trượng Phu là Bậc Nhất Thiết Trí, thường giảng nói thân này vô ngã. Nếu thân vô ngã, bản tánh cũng không thì tại sao nói có các việc buồn, khóc, vui, cười, yêu, ghét, nói hai lưỡi…?

Những sự việc ấy do đâu sinh ra?

Điều này làm tôi nghi ngờ, xin Như Lai thương xót giải trừ cho.

Theo lời Như Lai đã giảng nói, thân và bản tánh có hay không như thế nào?

Phật bảo ngoại đạo:

–Nay ông hãy lắng nghe và ghi nhận. Ta sẽ vì ông, giảng nói rõ.

Phật nói:

–Thân và bản tánh, thể của nó vốn không, nói có hoặc không thì trở thành hai pháp. Nói có thì đấy là hư vọng.

Phật nói:

–Nên quán sát về toàn thân từ tóc, móng, da, lông, hai tay, hai chân, cho đến thịt, gân, ruột, gan, xương, tủy, các thứ khắp bên trong, bên ngoài, cũng không thấy có bản tánh.

Ngoại đạo nói:

–Này Bậc Đại Trượng Phu! Nếu Ngài nhìn những thứ đó, không thấy bản tánh thì tôi dùng nhục nhãn làm sao có thể thấy được. Vậy dùng Thiên nhãn thì có thể thấy được bản tánh chăng?

Phật bảo:

–Thiên nhãn nhìn những thứ ấy thì thấy không có sắc, không có tướng, không có trụ. Đây là thấy mà chẳng phải thấy.

Ngoại đạo hỏi:

–Nếu nói như vậy, thì Đại Thánh vọng ngữ. Nếu chúng chẳng có thật thì tại sao thấy có khóc, cười, vui đùa, tức giận, yêu ghét, nói hai lưỡi…? Như thế tại sao nói là không? Lại nói hoặc có hoặc không thì trở thành hai nghĩa.

Lại hỏi:

–Này Bậc Đại Trượng Phu! Nếu không thể nói được là có hay không, thì tại sao nói có chỗ vướng mắc, không chỗ vướng mắc? Lại hỏi về không ấy, nghĩa như thế nào?

Phật nói:

–Đúng vậy! Đúng vậy! Không chẳng phải là sự thật, thể của nó không thể đạt được.

Ngoại đạo nói:

–Nếu như vậy thì các sự việc như cười, khóc, đùa vui, tức giận, yêu, ghét, nói hai lưỡi… mà tôi thấy được là như thế nào?

Phật bảo:

–Nó như mộng, như huyễn, như biến hóa, như tướng của ảnh tượng.

Ngoại đạo hỏi:

–Tướng của mộng như thế nào? Tướng của huyễn hóa, tướng của ảnh tượng như thế nào?

Phật nói:

–Huyễn hóa chẳng phải là thật tướng, hư không không thể nắm giữ, mộng vốn không, như bóng nước, ảnh tượng không có hình sắc, hư dối không thật. Chỗ thấy là như vậy, cho đến tất cả các sự việc đều như huyễn, như hóa, như mộng, như ảnh tượng, nên thấy như vậy.

Lại nữa, có hai loại kiến giải: Trang nghiêm, Chân như. Trang nghiêm ấy đây gọi là ngã, đây gọi là người, gọi là nhân ngã, gọi là người thế gian, tư duy, cho đến tài sản, nam nữ, anh em, thê thiếp, đều do tâm tư duy mà trang nghiêm. Các pháp vừa nói kia vốn không có ta, không có người, không có nhân, không có thọ mạng, không có nhân ngã, không có hữu tình, không có thế gian, không có kiến giải, không có tài sản, không có nam nữ, không có bạn bè, không có thê thiếp, tất cả những thứ đó đều không thấy có tự tánh. Thế nào là xuất thế gian? Trang nghiêm quả báo có thiện ác sinh diệt. Dùng chân như trang nghiêm quả báo không có thiện, không có ác, không sinh, không diệt, không có phiền não, không có diệu lạc, mà các pháp kia mỗi mỗi là như vậy. Lại nữa, thế gian và xuất thế gian, hai thứ trang nghiêm này khiến các loài hữu tình, nhân nơi trang nghiêm mà sinh phiền não, khiến ở trong luân hồi xoay vần nhiều kiếp, không biết về chân như. Người biết pháp, suy nghĩ về sự trang nghiêm thì sợ hãi khổ thọ này, vì điều ác của khổ thọ ấy làm xa lìa giải thoát, không thấy được đạo.

Loài hữu tình ngu si, do mê chấp bị luân chuyển theo sinh tử, đọa trong cõi ác, hành động theo các pháp thế gian không thấy chân như, nên luân hồi mãi, cũng như dệt lưới, dùng sợi chỉ cho chạy đi chạy lại. Như mặt trời, mặt trăng xoay chuyển có ngày và đêm, thay đổi ở trong thế gian. Các hành vô thường, không bao lâu thì bị hoại diệt. Luân chuyển xoay vần trong sinh tử, cũng lại như vậy, nhưng thể của chân như thì lìa trang nghiêm. Lại như Người, Trời, Cànthát-bà… và hàng nữ giới ở cõi trời do quả báo trang nghiêm bị đọa trong tất cả các cõi. Nhưng cũng có người thọ trì thần chú thành tựu. Dạ-xoa, Khẩn-na-la, Ma-hầu-la-già, tất cả vì quả báo trang nghiêm nên bị đọa địa ngục. A-tu-la hoặc dùng thần thông của mình mà tạo công đức, dùng tất cả để có quả báo trang nghiêm hoặc sinh vào cõi trời kia. Như vua Đế Thích, vua Chuyển luân, có đầy đủ đức tối thượng, tất cả vì quả báo trang nghiêm nên bị sinh trong loài súc sinh. Bậc trí trong mọi lúc, cần phải xa lìa cái vui tối thượng ở cõi trời, thường quán tâm Bồ-đề sáng rõ thông suốt, không có tự tánh, không chướng ngại, cũng không chỗ trụ, tất cả đều không, cũng xa lìa tất cả hý luận.

Này ngoại đạo! Tướng của tâm Bồ-đề là không cứng, không mềm, không nóng, không lạnh, không tiếp xúc được, không nắm bắt được. Lại nữa, tướng của tâm Bồ-đề là không dài, không ngắn, không tròn, không vuông, không mập, không ốm. Lại nữa, tướng của tâm Bồ-đề là không trắng, không đen, không đỏ, không vàng, không màu sắc, không hình tướng. Tâm Bồ-đề kia không có tướng tạo tác, không hiển bày, không tánh, không trói buộc, cũng như hư không, không có màu sắc, tướng của tâm Bồ-đề lìa mọi sự quan sát.

Này ngoại đạo! Ông nên biết, tâm Bồ-đề và Bát-nhã ba-lamật-đa tương ứng nhau! Lại nữa, tướng của tâm Bồ-đề tự tánh thanh tịnh, không vật gì có thể ví dụ được, không thể nhìn thấy. Đây là chỗ tối thượng. Lại nữa, tướng của tâm Bồ-đề không như hình tượng các vật, cũng không phải vật tương tự, như bọt nước tụ lại, tuy thấy nhưng nó chẳng thật có, như huyễn hóa, như bóng nước. Ví như nặn đất làm thành những vật dụng, đặt đủ thứ tên nhưng tất cả chỉ là hý luận. Tham, sân, si… cũng là huyễn hóa, chỉ có một vị là không. Như sự dừng lại của ánh điện chớp, chỉ trong sát-na là không còn nhìn thấy, quán Bát-nhã ba-la-mật và làm các việc thiện cũng lại như vậy. Cho đến nói, cười, đùa vui, ca múa, sung sướng, ăn uống, ái dục, tất cả đều như mộng. Các hành của loài hữu tình, cuối cùng thể của nó cũng là không, tâm cũng ví như hư không, thì nghi ngờ do đâu phát sinh. Thực hành hạnh Bát-nhã, thường thuận theo pháp quán này, thấu rõ tánh của tất cả các pháp, như vậy tự nhiên giải thoát, đạt đến chỗ tối thượng.

Chư Phật đã dạy Bồ-đề vô thượng do đấy sinh ra. Nên quán pháp này, người quán pháp này đạt được Niết-bàn tối thượng. Cho đến quá khứ đã tạo các tội lỗi đều được tiêu trừ, sinh khởi công đức vô lượng, ở trong đời này không nhiễm các lỗi lầm, tinh tấn quan sát, thực hành, quyết định thành tựu. Nếu không tương ứng với chân như, nên niệm chú Phi chân như và ấn Kim cang linh chân như vô sinh mà phát khởi, thực hành tạo tương ứng với chân như, quyết định đạt được công đức viên mãn như trên.

Bấy giờ, ngoại đạo nghe Phật giảng nói như vậy, rồi suy nghĩ quán sát kỹ lời dạy đó, lưới nghi kia được đoạn trừ. Ngoại đạo quán sát như vậy rồi được trụ vào Đại thừa, chiêm ngưỡng Thế Tôn, vui vẻ đảnh lễ mà lui ra.