KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ
Hán dịch: Đời Tùy, Pháp sư Xà-na-quật-đa.
Hợp bộ: Đời Tùy, Sa-môn Thích Bảo Qúy, chùa Đại hưng thiện.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 6
Phẩm 11: NGÂN CHỦ ĐÀ-LA-NI
Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Các Bồ-tát này đã huân tu các pháp, gọi là các Bồ-tát, Bồ-tát chứa nhóm các hạnh từ xưa, Bồ-tát nhiếp giữ. Có pháp căn bản tên là Bất nhiễm trước Đà-la-ni.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nói về Đà-la-ni, thì Đà-la-ni câu nghĩa gì đây? Vì Đà-la-ni chẳng phải là Đà-la-ni, bạch Thế Tôn! Vì phương xứ chẳng phải là phương xứ!
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Rất hay! Rất hay! Này Xá-lợi-phất! Như ông phát hạnh Đại thừa, tin hiểu Đại thừa, tăng sức Đại thừa! Đúng như lời ông nói, Đàla-ni ấy chẳng phải phương xứ, chẳng phải chẳng phương xứ, chẳng phải pháp, chẳng phải chẳng pháp, chẳng phải quá khứ, chẳng phải vị lai, chẳng phải hiện tại, chẳng phải sự vật, chẳng phải chẳng sự vật, chẳng phải duyên, chẳng phải chẳng duyên, chẳng phải hành, chẳng phải chẳng hành, không có pháp sinh cũng không có diệt, chỉ vì lợi ích cho hàng Bồ-tát. Như vậy nói Đà-la-ni này là thực hành đạo hợp lực trụ. Đó gọi là các công đức Phật, Giới của Phật, học của Phật, mật ý của Phật, sinh ra Phật, gọi là pháp căn bản tên là Bất nhiễm trước Đà-la-ni.
Tôn giả Xá-lợi-phất bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nguyện xin Thế Tôn vì con diễn nói kinh điển. Nguyện vì con diễn nói pháp căn bản Đà-la-ni này, hàng Bồ-tát trụ ở trong đó rồi sẽ chẳng thoái chuyển nơi đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, sẽ thành Chánh nguyện, chẳng nương tựa pháp biện tài tự tính, sẽ được sự hiếm có, tự an trụ đạo, gọi là đạt được Đà-la-ni.
Đức Phật bảo Tôn giả Xá-lợi-phất:
–Rất hay! Rất hay! Này Xá-lợi-phất! Đúng vậy! Đúng vậy! Này Xá-lợi-phất! Bồ-tát đạt được Đà-la-ni nên nói như Phật. Này Xálợi-phất! Bồ-tát đạt được Đà-la-ni, nếu có người cúng dường tôn trọng, phụng sự cung cấp thì phải như cúng dường Phật. Này Xá-lợiphất! Nếu có người nghe Đà-la-ni này hoặc thọ trì, hoặc tin hiểu thì những người đó lại được cúng dường như vậy, chẳng lìa khỏi tâm Bồđề, như Phật không khác. Này Xá-lợi-phất! Đây là Đà-la-ni.
Đa điệt tha, san đà la ni, uất đa la ni, tam bát la đế sử si đa, tu na ma, tu bát la đế sa tra, tỷ xà dạ ba la, tát đế gia bát la đề xà nhã, tu a hô ha, xà na ma đế, uất đa ba đà ni, a bà na ma nê, a tỷ sư đà nê, a tỷ tỳ gia hạ la, thủ bà la đế, tu nê thi lợi đa, bà hầu cùng bà, a tỷ bà đà, ta bà ha.
Này Xá-lợi-phất! Đây là câu Đà-la-ni tên là Bất nhiễm trước, chân chánh an trụ, chân chánh thọ nhận tạo tác rồi. Nếu Bồ-tát thọ trì thì vị đó hoặc một kiếp, hoặc trăm kiếp, hoặc ngàn kiếp, hoặc trăm ngàn kiếp chẳng bỏ các nguyện, thân Bồ-tát đó sẽ có thể hàng phục được dao, gậy, thuốc độc, thú dữ… Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Đà-la-ni Bất nhiễm trước này là mẹ của chư Phật quá khứ, mẹ của chư Phật vị lai, mẹ của chư Phật hiện tại, gọi là pháp căn bản tên là Bất nhiễm trước Đà-la-ni. Này Xá-lợi-phất! Nếu trong mười a-tăng-kỳ tam thiên đại thiên thế giới có đầy bảy báu, rồi đem số báu đó cúng dường các Đức Phật Thế Tôn và dùng đồ ăn thức uống, quần áo thượng hạng đem cúng dường những Đức Phật trong ngần ấy a-tăng-kỳ kiếp đó. Nếu đối với pháp căn bản Đà-la-ni Bất nhiễm trước này, chỉ trì một câu thì phước đức này sinh ra nhiều hơn phước đức cúng dường trên kia. Vì sao? Này Xá-lợi-phất! Vì pháp căn bản Đà-la-ni Bất nhiễm trước này là mẹ của chư Phật vậy.
Phẩm 12: ĐẠI BIỆN THIÊN
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Bấy giờ, Thiên thần Đại Biện bạch:
–Bạch Thế Tôn! Người nói pháp đó, con sẽ làm tăng thêm năng lực Nhạo thuyết biện tài, khiến cho người ấy nói pháp trang nghiêm, tuần tự khéo được đại trí. Nếu trong kinh này có mất văn tự, câu nghĩa lầm lỗi thì con có thể khiến cho vị Tỳ-kheo nói pháp này theo thứ lớp trở lại được năng lực tổng trì, khiến cho chẳng quên mất. Nếu có chúng sinh ở chỗ trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành thì người nói pháp này vì những người đó nên ở cõi Diêm-phù-đề để giải nói, lưu truyền rộng rãi kinh điển vi diệu này, khiến chẳng đoạn dứt, lại khiến cho vô lượng, vô biên chúng sinh được nghe kinh này, sẽ khiến cho những người đó được lợi ích dũng mạnh chẳng thể nghĩ bàn, chứa nhóm trí tuệ lớn, quả báo phước đức chẳng thể xưng lường, giỏi lý giải đủ loại vô lượng phương tiện, có thể biện luận khéo léo thông suốt tất cả các luận, giỏi biết đủ loại kỹ thuật của thế gian, có thể ra khỏi sinh tử được không thoái chuyển, nhất định mau chóng đạt được Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
(Phần dưới đây do ngài Xà-na-quật-đa dịch bổ túc vào)
Con nay lại muốn nói cho người nói pháp ấy phép chú dược tắm rửa. Nếu có Tỳ-kheo thọ trì kinh này, lại có chúng sinh rất ưa thích nghe kinh điển này thì con vì những người đó trừ tất cả sao xấu tai họa, trừ hết dịch khí bệnh tật, khổ sinh tử, ác khẩu, đấu tranh, miệng lưỡi huyện quan, đêm nằm ác mộng, ác thần chướng nạn, thuốc độc, bùa chú… tất cả ác chướng đều được diệt trừ. Những chúng sinh này nếu có nghe nhận kinh pháp đó thì cần phải trì tụng chú này, dùng chú dược nấu nước nóng tắm rửa thân mình. Vậy nên con nói pháp chú dược: Lấy xương bồ tốt, hùng hoàng, mục túc hương, thi lợi sa, cam tùng hương, xa di (câu kỷ), thảo hoắc hương, hoa cao thảo, trầm hương, quế bì, đinh hương, phong hương, bạch giao hương, an tức hương, A-la-sa tiễn hương, linh lăng hương, ngải nạp hương, chiên-đàn hương, thạch hùng hoàng, thanh mộc hương, Uất kim hương, phụ tử, giới tử (hạt cải), súc sư, mật uất kim căn, nala-đà thảo, long hoa…
Những vị thuốc như vậy thái mỏng ra, dùng ngày sao Quỷ hòa hợp giã thuốc. Giã thuốc rồi trì chú này vào đó một trăm lẻ tám biến, liền nói chú:
Đa điệt tha tô chỉ, yết lị chỉ, ca ma đá tả xà nộ ca la trì ha nộ ca la trì, nhân đà la xà li, xa ca đề ly, ba xà đề, ly a bạt đá, ca tư hài na, câu độ câu, ca tỳ la ca tỳ la mạt chỉ thi la mạt chỉ san đề, đầu đầu ma bạt chỉ thi lị thi lị tát đế, gia tát thất đế, ta ba ha.
Rồi dùng phân trâu trét lên đất dọc ngang bảy khuỷu tay để làm Đạo tràng, dùng hoa tung rải trong Đạo tràng, treo phướn, lọng bằng lụa ngũ sắc che khắp trên đất ấy, dùng chén vàng chén bạc đựng nước đường phèn, nước bồ đào, nước đường, sữa, đặt ở bên ngoài đạo tràng. Ở bốn góc đều có một người mình mang mâu giáp, tay cầm giáo, gậy, giấu mình mà đứng. Lại cần bốn đồng nữ, đồng tử đều mặc áo sạch cầm bình hoa cũng đứng ở bốn góc của đạo tràng, đốt giao hương cúng dường chẳng được gián đoạn. Lại làm phướn thần năm sắc, bốn góc an trí cờ báu và năm loại âm thanh nhạc cụ, dùng đồ sạch mới đựng nước thơm ấy đặt ở giữa đạo tràng. Rồi trước phải kết giới, sau mới tắm gội. Đọc chú kết giới:
Đa điệt tha, át la ky, gia gia nĩ, ê lị thi, lị xí xí lị, ta ba ha.
Rồi trì chú vào nước hai mươi mốt biến, tung rải khắp bốn phương. Lại nói chú nước thuốc, chú thân. Trước trì chú thân một trăm lẻ tám biến, lại trì chú nước thuốc một trăm lẻ tám biến, rồi dùng nước thuốc này tắm gội thân mình. Chú tắm gọi là:
Đa điệt tha, ta dà trì, tỳ dà trì, tỳ dà trà, bạt đế ta ba ha.
Tụng chú tắm gội rồi, hành giả vì chính người ấy phát thệ nguyện rộng lớn: “Nguyện xin sao Thần khắp bốn phương che chở thân mạng, luôn khiến cho tốt lành, không có các chướng nạn, sao xấu tai họa đều không sợ hãi, bốn đại an lành, không có các bệnh tật, tất cả nỗi sợ hãi đều được trừ khỏi.” Lại nói chú thân và nguyện chú:
Ta nĩ tỳ ta nĩ, ta ba ha, ta dà trì, tỳ dà trì ta ba ha ta dà la, tam phù đá gia, ta ba ha, càn đà ma đà na gia ta ba ha, ni la kiền tha gia ta ba ha, a la kỳ đá, tỳ lị xà gia ta ba ha ê ma bà, tam phù đá gia, ta ba ha, a ni di la bạc ca đá la gia ta ba ha, nẳn mồ bà dà bà đế, bạt lam ma nĩ na ma ta la tát ky đế ma ha đề tỳ tứ trấn đố, mạn đá la bát đà đảm bà la hùng ma a nô mạn nhã đô ta ba ha.
Đến đây, Thiên thần Đại Biện bạch:
–Bạch Thế Tôn! Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưubà-di thọ trì, đọc tụng, ghi chép, lưu truyền, theo đúng như pháp mà làm, hoặc thành ấp, xóm làng, đồng trống, đường đi, chùa tháp, tăng phòng, trú xứ của người thế tục… con sẽ vì những người này, đem theo quyến thuộc, tấu lên âm nhạc trời, đi đến đạo tràng, trừ diệt tất cả bệnh, tất cả sao xấu tai họa, trừ tất cả dịch bệnh, khổ sinh tử, trừ tất cả ác khẩu, đấu tranh, miệng lưỡi của quan huyện, trừ tất cả đêm nằm ác mộng, trừ tất cả ác thần chướng nạn, trừ tất cả thuốc độc, bùa chú, trừ tất cả ác chướng. Nếu có Tỳ-kheo, Tỳ-kheo-ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di thọ trì đọc tụng kinh này thì mau chóng qua khỏi phiền não, thể nhập vào Địa A-tỳ-bạt-trí, hướng về Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Do công đức này nên chư vị ấy mau chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn khen Thiên thần Đại Biện:
–Hay thay! Hay thay! Này Thiên thần Đại Biện! Ông có thể vì chúng sinh suy nghĩ việc thiện, có thể khiến cho tất cả chúng sinh phát khởi lòng ý chí không sợ của họ, vì các chúng sinh giảng nói công năng của thuốc chú này, làm lợi ích cho tất cả chúng sinh.
Đến đây, Thiên thần Đại Biện lễ Đức Phật ba lạy rồi trở lại chỗ ngồi. Bấy giờ, Bà-la-môn Kiều-trần-như, do năng lực thần chú nên thỉnh Thiên thần Đại Biện:
Con cũng cung kính
Thiên thần Đại Biện
Danh tiếng vang khắp
Tất cả thế gian.
Luôn ở trong núi
Trời, Rồng, Quỷ thần
Tất cả đều kính
Thường mặc áo cỏ.
Và đứng một chân
Tất cả chư Thiên
Đều đi đến đó
Muốn thỉnh Thiên thần.
Nguyện cho tất cả
Chúng sinh trí tuệ
Hiểu rõ ngôn ngữ
Hay dùng lời lành.
Đa điệt tha, mậu lị tỳ lị, a bà kỳ, a bà xà bạt đế hưng cừ lị, di cừ li, tân dà la bạt đế, ương cừ sái mạt lợi chỉ tô ma đế, đề kỳ ma đế, a kỳ lợi, ma kỳ lợi đa la già bạt đế, chỉ chỉ lợi thi lợi di lợi, ma chỉ lợi la di nĩ, lô ca chiết sư đế, lô ca thi li sư đế, lô ca tất lợi dịch tất đà bạt la đế, tỳ ma mục xí, thủ chỉ già lợi a ba la đế ha đế a ba la đế hà đa phù địa, nam mâu chỉ nam mâu chỉ, ma ha đề tỳ ba la đế dà lợi hất na, na ma ta ca lam ma ma phù địa a ba la đế ha đa bà bà đố, xa tát đa la, xa lô ky đạn đa, la tỳ tra ca ca tỳ gia địa sơ, đa diệt tha, ma ha ba la bà tỳ ê lợi di lợi, ê lợi di lợi, tỳ già la đố, ma ma phù địa y phạm na ma tả bà na dà bà đế, tỳ gia đề ta la ta bạt đế, ca la trì chỉ do li ê lợi di lợi ê lợi di lợi, a bà ha dương di ma ha đề, tỳ phật đà tát tri na, đạt ma tát tri na tăng dà tát tri na nhân đà la tát tri na, bà lâu na tát tri na di lô chỉ tát tri na, bà đề na tri sảng tát tri na, tát tri na bà chi nĩ na, a bà ha, dương di ma ha đề tỳ đá điệt tha, ê lợi di lợi, ê lợi ê lợi tỳ già la đô bột đề, ma ma nam mô bà già bà đế, ma ha đề tỳ ta la ta ba đế, tất trấn đố mạn đa la ba đà, ta ba ha.
Lúc ấy, Bà-la-môn Kiều-trần-như dùng kệ khen Thiên thần Đại Biện:
Tất cả các quỷ thần
Nay chí tâm lắng nghe
Tôi nay muốn ngợi khen
Thiên thần Đại Thánh Biện.
Đại Biện thiên tôn quý
Trong tất cả phái nữ
Trời, A-tu-la thảy…
Dạ-xoa và Càn-thát
Trong các thánh thế gia
Tôn quý hơn tất cả.
Công đức nhiều vô tận
Dùng để trang nghiêm thân
Mắt như hoa Ưu-bát
Tướng trí tuệ công đức
Như ngọc bảy báu thành
Thế gian rất khó thấy
Tôi nay muốn ngợi khen
Lời tối thắng sâu xa.
Quyết định ban cho tất cả chúng
Tối thắng tối cao không ai hơn
Tướng tốt đoan nghiêm nhuần chúng sinh
Hình dáng thanh tịnh như hoa sen
Mắt lớn đẹp đẽ hơn tất cả
Thân thể đoan chánh nhìn không chán
Vô số các tướng tốt trang nghiêm
Ánh sáng thanh tịnh như vầng trăng
Trí tuệ thấu suốt khắp tất cả
Đạt được tổng trì và nhớ dai
Hiện hình người cưỡi trên sư tử
Thân có tám tay để trang nghiêm
Chúng sinh nhìn thấy như trăng rằm
Tiếng cực hay ngôn ngữ biện tài
Trí tuệ sâu xa khó nghĩ bàn
Do trí tuệ này luôn tròn đầy.
Ban cho chúng sinh tất cả nguyện
Là bậc Tối thượng trong tất cả.
Đế Thích, Tu-la, cùng Dạ-xoa
Càn-thát-bà và cả chư Thiên…
Tất cả đại chúng thường khen ngợi
Tất cả chúng tôi nên cúng dường
Lòng cung kính thanh tịnh cẩn trọng
Do nguyện này nên được cát tường
Ở chỗ sợ hãi luôn phòng hộ.
Nếu lại có người lòng thanh tịnh
Sáng sớm tụng kệ bảy chữ này
Ta khiến người này được mãn nguyện
Cần gì cấp cho không thiếu thốn.
Nói kệ này xong, khiến cho tất cả chúng sinh đều phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.
Phẩm 13: CÔNG ĐỨC THIÊN
Bấy giờ, trời Công đức bạch:
–Bạch Thế Tôn! Người nói pháp này, nếu cần dùng các vật dụng như y phục, thực phẩm, giường nằm, thuốc men và các của cải khác thì con sẽ cung cấp không có gì thiếu thốn, khiến cho lòng an trụ, ngày đêm an lạc, chánh niệm tư duy về chương cú kinh này, phân biệt ý nghĩa sâu xa. Nếu có chúng sinh ở chỗ trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành thì người nói pháp này vì những chúng sinh đó nên ở cõi Diêm-phù-đề tuyên dương, lưu truyền rộng rãi kinh điển vi diệu này khiến cho chẳng đoạn dứt. Những chúng sinh đó nghe kinh này rồi, ở đời vị lai vô lượng trăm ngàn na-do-tha kiếp, thường ở cõi trời, trong loài người được hưởng niềm vui, gặp gỡ chư Phật; mau chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khổ của ba đường ác đều hết không còn.
Bạch Thế Tôn! Con đã ở chỗ Đức Bảo Hoa Công Đức Hải Lưu Ly Kim Sơn Chiếu Minh Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Thượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật, Thế Tôn trong đời quá khứ, gieo trồng các căn lành. Vậy nên con nay tùy theo phương nghĩ đến, tùy theo phương nhìn thấy, tùy theo phương đi đến mà khiến cho vô lượng trăm ngàn chúng sinh đạt được những sự an lạc như y phục, ẩm thực, đồ dùng sinh sống, vàng, bạc, bảy báu, trân châu, lưu ly, san hô, hổ phách, ngọc bích, ngọc kha… đều không gì thiếu thốn. Nếu có người khen ngợi kinh điển vi diệu Kim Quang Minh, vì con cúng dường các Đức Phật Thế Tôn, ba lần xưng tên con, đốt hương cúng dường. Cúng dường Đức Phật rồi, lại dùng hoa hương, đủ các vị ngon cúng dường riêng cho con, tung rải khắp các phương thì nên biết người đó liền có thể tụ tập của cải vật báu. Do nhân duyên này nên tăng trưởng vị của đất, thần đất và chư Thiên đều được hoan hỷ, việc gieo trồng lúa gạo, mầm, thân, cành, lá, quả trái sum suê. Thần cây vui mừng sinh ra vô lượng đủ thứ những vật. Khi ấy, con dùng lòng từ nghĩ đến các chúng sinh nên ban cho họ nhiều vật dụng cần dùng cho cuộc sống.
Bạch Thế Tôn! Vua Tỳ-sa-môn ở phương Bắc này có ngôi thành tên là A-ni-mạn-đà. Thành ấy có vườn tên là Công đức hoa quang. Ở trong vườn này có khu vườn tối thắng tên là Kim tràng với bảy báu rất vi diệu. Đây là nơi con thường ở. Nếu muốn của báu được tăng trưởng thì người này phải ở chỗ của mình, tưới nước quét dọn sạch sẽ, tắm gội thân thể, mặc áo trắng tinh khiết, dùng hương quý xoa thân, rồi vì con chí tâm xưng danh diệu Đức Phật Bảo Hoa Lưu Ly Thế Tôn ba lần, lễ bái cúng dường, đốt hương, tung hoa, cũng phải ba lần xưng kinh Kim Quang Minh và chí thành phát nguyện, lại dùng hương hoa, đủ thứ vị ngon cúng riêng cho con, tung rải khắp các phương. Bấy giờ, phải nói chương cú như vầy:
–Bà lị phú lâu na già lợi, tam mạn đà đạt xá ni, ma ha tỳ ha la dà đế, tam mạn đà tỳ na dà đế, ma ha dà lị ba đế, ba ta di, tát bà đá tam mạn đà, tu bát lị phú lệ, a dạ na đạt ma đế, ma ha tỳ cổ tất đế, ma ha di lặc ky tăng kỳ đế, ê đế tỷ tam bác kỳ hy đế, tam mạn đà a tha, a miễn ta la ni.
Nam-mô Nhất Thiết Tam Thế Phật! Nam-mô Nhất Thiết Chư Bồ-tát! Nam-mô Di-lặc Bồ-tát… con nay muốn nói thần chú:
–Đá điệt tha, ba lị phú lâu na già lợi, tam mạn đà đạt xá ni, ma ha tỳ ha la dà đế, tam mạn đà tỳ đà na dà đế, ma ha ca diếp lị gia, ba lợi ba la ba nĩ tát bà lợi đà tam mạn đa tu bát lợi đế, phú lệ na a dạ na đạt ma đa ma ha câu tất đế, ma ha di lặc đế lô ky tăng kỳ đế đế ê đế tỉ tăng kỳ hi đế, tam mạn đà át tha hà miễn ba la ni, tá ba ha.
Chương cú quán đảnh này, nhất định là cát tường, chân thật chẳng hư dối. Chúng sinh đẳng hạnh và thiện căn bậc trung cần phải thọ trì đọc tụng thông suốt, bảy ngày bảy đêm thọ trì tám giới, sáng chiều tịnh tâm, dùng hương hoa cúng dường mười phương chư Phật, thường vì thân mình và các chúng sinh mà hồi hướng đầy đủ về đạo Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Khởi thệ nguyện này khiến cho nguyện cầu của con đều được cát tường, nơi chỗ ở của mình như nhà cửa, phòng xá phải quét dọn sạch sẽ, hoặc tại chỗ của mình, hoặc chốn A-lan-nhã dùng bùn thơm tô trát trên đất, đốt hương thơm vi diệu, bày tòa ngồi đẹp thanh tịnh, dùng đủ loại hoa hương tung trải lên đất ấy để đợi con. Vào lúc đó, trong chừng khoảnh khắc một niệm, con vào nhà người ấy liền ngồi trên tòa vi diệu đó. Từ đây, ngày đêm con khiến cho gia cư này, hoặc thôn ấp, hoặc tăng phường, hoặc nơi đất trống, không điều gì thiếu thốn. Hoặc tiền, hoặc vàng bạc, hoặc trân bảo, hoặc trâu dê, hoặc lúa gạo… tất cả vật cần dùng liền được đầy đủ, mọi người đều được an lạc. Nếu họ có thể đem phần căn lành tối thắng đã làm của mình mà hồi hướng cho con thì con sẽ trọn đời chẳng xa người ấy, bất cứ ở đâu cùng chí tâm hộ niệm, tùy theo sự cầu xin của người ấy, con khiến cho họ được thành tựu. Người ấy cần phải chí tâm kính lễ những Đức Phật Thế Tôn có danh hiệu là Như Lai Bảo Thắng, Như Lai Vô Cấu Xí Bảo Quang Minh Vương Tướng, Như Lai Kim Diệm Quang Minh, Như Lai Kim Bách Quang Minh Chiếu Tạng, Như Lai Kim Sơn Bảo Cái, Như Lai Kim Hoa Diệm Quang Tướng, Như Lai Đại Cự, Như Lai Bảo Tướng… cũng cung kính lễ bái: Bồ-tát Tín Tướng, Bồ-tát Kim Quang Minh, Bồ-tát Kim Tạng, Bồ-tát Thường Bi, Bồ-tát Pháp Thượng… cũng lễ bái Đức Như Lai A-súc ở phương Đông, Đức Như Lai Bảo Tướng ở phương Nam, Đức Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây, Đức Phật Vi Diệu Thanh ở phương Bắc.
Phẩm 14: KIÊN LAO ĐỊA THẦN
Bấy giờ, địa thần Kiên Lao bạch:
–Bạch Thế Tôn! Kinh Kim Quang Minh này, hoặc đời hiện tại, hoặc đời vị lai ở tại khắp nơi, hoặc thành ấp, xóm làng, hoặc núi sông, chỗ đất trống, hoặc cung vua nhà cửa…
Bạch Thế Tôn! tùy theo chỗ kinh điển này lưu truyền, trong địa phận này bày tòa ngồi Sư tử để người nói pháp ngồi trên tòa ấy diễn nói rộng rãi kinh điển vi diệu này, con sẽ luôn ở đó, ẩn thân để hộ vệ, ở dưới pháp tòa đảnh lễ kính trọng dưới chân pháp sư ấy. Con nghe pháp rồi, được uống pháp vị cam lộ Vô thượng, tăng thêm khí lực, mà đại địa này sâu đến mười sáu vạn tám ngàn do-tuần, từ bờ cõi Kim cang đến trên đất biển đều được tăng trưởng đầy đủ các vị, màu mỡ thịnh vượng hơn ngày hôm nay. Do vậy, trong cõi Diêmphù-đề, thảo dược, cây cối, rễ, thân, cành, lá, hoa, trái sum suê, sắc đẹp vị thơm đều đầy đủ. Chúng sinh ăn rồi, được tăng trưởng tuổi thọ, sắc đẹp sức lực, biện tài, yên ổn, các căn, sáu tình đầy đủ thông suốt, uy đức dung mạo đoan nghiêm đặc thù. Thành tựu đủ loại như vậy rồi, sự nghiệp đã làm phần nhiều thành công, có thế lực lớn, tinh cần dũng mãnh. Như vậy, bạch Thế Tôn! Trong cõi Diêm-phùđề yên ổn, giàu có, vui sướng, nhân dân đông đúc, tất cả chúng sinh được hưởng nhiều an lạc, hài lòng vừa ý tùy theo niềm vui của họ. Những chúng sinh này được uy đức, thế lực lớn như vậy rồi, có thể cúng dường kinh Kim Quang Minh và cung kính cúng dường bốn bộ chúng và người thọ trì kinh này. Vào lúc ấy, con sẽ đến chỗ ấy, vì các chúng sinh được an lạc mà thỉnh người nói pháp tuyên bố rộng rãi kinh điển như vậy. Vì sao? Bạch Thế Tôn! Vì kinh Kim Quang Minh này, nếu khi tuyên nói rộng rãi thì uy đức đạt được của con và quyến thuộc hơn gấp bội bình thường, thân lực tăng trưởng, lòng tinh tấn dũng mãnh.
Bạch Thế Tôn! Con uống vị cam lộ Vô thượng rồi, đất ở cõi Diêm-phù-đề ngang dọc bảy ngàn do-tuần màu mỡ bội phần lúc thường. Bạch Thế Tôn! Đại địa mà tất cả chúng sinh nương tựa này đều có thể tăng trưởng tất cả vật cần dùng. Tăng trưởng tất cả vật cần dùng rồi, khiến cho các chúng sinh sử dụng theo ý muốn, được hưởng an lạc với đủ loại ẩm thực, y phục, giường nằm, cung điện, nhà cửa, cây cối, vườn rừng, sông ao, suối giếng… Những vật như vậy nhờ nương vào đất đều có đầy đủ. Như vậy, bạch Thế Tôn! Những chúng sinh này vì biết ân con nên suy nghĩ: “Ta phải nhất định nghe nhận kinh này, cúng dường, cung kính, tôn trọng, khen ngợi!” Nghĩ thế rồi, họ liền từ chỗ ở, hoặc thành ấp, xóm làng, nhà cửa, đất trống đi đến chỗ pháp hội để nghe nhận kinh này. Nghe nhận rồi, họ trở lại chỗ ở của mình, đều vui mừng và nói: “Chúng ta hôm nay được nghe pháp vi diệu sâu xa Vô thượng này, đã chứa nhóm được công đức chẳng thể nghĩ bàn, gặp gỡ vô lượng, vô biên các Đức Phật, quả báo ba đường ác đã được giải thoát, vào đời vị lai thường sinh lên cõi trời và trong loài người, được hưởng an lạc.” Những chúng sinh đó đều ở tại trú xứ, hoặc vì người khác diễn nói kinh này, hoặc nói một ví dụ, một phẩm, một duyên, hoặc lại khen ngợi một Đức Phật, một vị Bồ-tát, một bài kệ bốn câu… cho đến một câu và xưng danh tự đầu đề kinh này…
Bạch Thế Tôn! tùy theo chỗ ở của chúng sinh đó mà đất nơi ấy trù phú thịnh vượng hơn đất chỗ khác. Phàm mọi vật sinh ra nhờ đất này đều được tăng trưởng rộng lớn nhiều thêm khiến cho chúng sinh được hưởng an lạc, của báu dư thừa, ưa thích bố thí, lòng thường kiên cố tin sâu Tam bảo.
Lúc ấy, Đức Phật bảo địa thần Kiên Lao:
–Nếu có chúng sinh thậm chí chỉ nghe ý nghĩa một câu của kinh Kim Quang Minh này thì tuổi thọ trong loài người hết được tùy ý vãng sinh lên Tam thập tam thiên. Này Địa thần! Nếu có chúng sinh vì muốn cúng dường kinh điển này mà trang hoàng nhà cửa… cho đến giăng treo một cờ một lọng, hoặc dùng một tấm vải… thì sáu tầng trời cõi Dục đã có cung điện bảy báu tự nhiên, người này sau khi mạng chung liền vãng sinh về đó. Này Địa thần! Ở trong những cung điện bảy báu, tất cả đều tự nhiên có bảy Thiên nữ cùng nhau vui đùa, ngày đêm thường được hưởng an lạc vi diệu chẳng thể nghĩ bàn.
Bấy giờ, Địa thần bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Do nhân duyên khi Tỳ-kheo ngồi pháp tòa nói pháp, con thường ngày đêm hộ vệ chẳng rời, ẩn che thân mình và tại dưới pháp tòa, đảnh lễ dưới chân vị ấy, bạch Thế Tôn! Nên nếu có chúng sinh ở nơi trăm ngàn Đức Phật gieo trồng căn lành thì người nói pháp này vì những người đó mà ở cõi Diêm-phù-đề tuyên nói, lưu truyền kinh điển vi diệu này khiến cho chẳng đoạn dứt. Những chúng sinh đó nghe kinh này rồi, đời vị lai vô lượng trăm ngàn na-do-tha kiếp, họ ở cõi trời, hoặc trong loài người thường được hưởng an lạc, gặp gỡ các Đức Phật, mau chóng thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, khổ của ba đường ác đều đoạn trừ sạch.
Phẩm 15: TÁN CHỈ QUỶ THẦN
Bấy giờ, Đại tướng quân quỷ thần Tán Chỉ và hai mươi tám bộ những quỷ thần đều liền đứng dậy, sửa áo bày vai phải, quỳ gối phải xuống đất, bạch Đức Phật:
–Bạch Thế Tôn! Kinh điển vi diệu Kim Quang Minh này, nếu đời hiện tại và đời vị lai, ở tại khắp nơi, hoặc thành ấp, xóm làng, hoặc sông núi, chỗ trống, hoặc cung vua, nhà cửa… tùy theo chỗ lưu truyền của kinh điển này, con sẽ cùng với hai mươi tám bộ đại quỷ thần này đi đến chỗ đó, ẩn che thân hình để theo ủng hộ người nói pháp đó, tiêu diệt các ác khiến cho được yên ổn. Còn chúng nghe pháp, hoặc nam hoặc nữ hay đồng nam, đồng nữ, đối với kinh này, thậm chí chỉ nghe được danh hiệu một Đức Như Lai, một vị Bồ-tát và danh tự đầu đề của kinh điển này mà thọ trì đọc tụng thì con sẽ theo hầu, túc trực để ủng hộ, diệt hết ác của người ấy, khiến cho được yên ổn và làng, nước, thành quách hay cung điện vua, nhà cửa, chỗ trống đều cũng như vậy. Bạch Thế Tôn! Vì nhân duyên gì mà con tên là Đại tướng quỷ thần Tán Chỉ? Thưa vâng, Đức Thế Tôn tự sẽ chứng biết. Bạch Thế Tôn! Con biết tất cả pháp, tất cả duyên pháp, rõ tất cả pháp, biết rành rẽ pháp, như pháp an trụ vào tất cả pháp, như tính đối với tất cả pháp, bao hàm tất cả pháp.
Bạch Thế Tôn! Con hiện tại thấy ánh sáng trí chẳng thể nghĩ bàn, đuốc trí chẳng thể nghĩ bàn, hạnh trí chẳng thể nghĩ bàn, chứa nhóm trí chẳng thể nghĩ bàn, cảnh giới trí chẳng thể nghĩ bàn. Bạch Thế Tôn! Con đối với các pháp hiểu rõ chân chánh, quán sát chân chánh, được phân biệt chân chánh, thông đạt chân chánh. Con đối với duyên chân chánh có thể hiểu rõ. Bạch Thế Tôn! Do vậy nên gọi là Đại tướng Tán Chỉ. Bạch Thế Tôn! Đại tướng Tán Chỉ con khiến cho người nói pháp trang nghiêm về lời nói, biện luận chẳng gián đoạn, mọi vị tinh khí theo lỗ chân lông vào làm sung mãn thêm thân lực, lòng tinh tấn dũng mãnh, thành tựu trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn, thể nhập vào suy niệm chân chánh… Những việc như vậy đều khiến cho người nói pháp đó đầy đủ, lòng không nhàm chán, thân được an vui, lòng được hoan hỷ. Do vậy, người đó có thể vì chúng sinh giảng nói rộng rãi kinh này. Nếu có các chúng sinh ở nơi trăm ngàn Đức Phật gieo trồng các căn lành thì người nói pháp vì những chúng sinh đó, ở trong cõi Diêm-phù-đề tuyên dương, lưu truyền rộng rãi kinh điển vi diệu này khiến cho chẳng gián đoạn. Vô lượng chúng sinh nghe kinh này rồi sẽ chứa nhóm trí tuệ chẳng thể nghĩ bàn, nhiếp lấy công đức tụ chẳng thể nghĩ bàn. Vào đời vị lai vô lượng trăm ngàn kiếp, họ thường ở trong loài người, cõi trời được hưởng an lạc, vào đời vị lai được gặp gỡ các Đức Phật, mau chóng chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, tất cả mọi khổ và ba đường ác được diệt trừ vĩnh viễn. Nam-mô Bảo Hoa Công Đức Hải Lưu Ly Kim Sơn Quang Chiếu Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri! Nam-mô Vô Lượng Bách Thiên Ức Na-do-tha Trang Nghiêm Kỳ Thân Thích-ca Như Lai Ứng Cúng Chánh Biến Tri thắp lên đuốc pháp vi diệu như vậy! Nam-mô Đệ Nhất Uy Đức Thành Tựu Chúng Sự Đại Công Đức Thiên! Nammô Bất Khả Tư Lượng Trí Tuệ Công Đức Thành Tựu Đại Biện Thiên!
Phẩm 16: CHÁNH LUẬN
Lúc ấy, Đức Phật bảo địa thần Kiên Lao:
–Thuở quá khứ, có vị vua tên là Lực Tôn Tướng, vị vua ấy có người con tên là Tín Tướng chẳng bao lâu sẽ nhận ngôi Quán Đảnh, thống lĩnh đất nước. Bấy giờ, vua cha bảo Thái tử Tín Tướng: “Đời có Chánh luận khéo trị đất nước! Ta thuở xưa từng làm Thái tử, chẳng bao lâu phải nối ngôi vua cha.” Bấy giờ, vua cha giảng nói Chánh luận cho ta. Ta dùng Chánh luận này khéo trị đất nước đến hai vạn năm, chưa từng có một niệm dùng hạnh phi pháp, đối với quyến thuộc của mình, không bị vướng mắc bởi tình cảm.
Những gì là Chánh luận trị đời? Này Địa thần! Bấy giờ, vua Lực Tôn Tướng vì thái tử Tín Tướng mà nói kệ:
Ta nay sẽ nói
Các vua Chánh luận
Vì lợi chúng sinh
Đoạn các nghi ngờ
Tất cả quốc vương
Vua trời chư Thiên
Nên phải hoan hỷ
Chắp tay lắng nghe:
Các vua hòa hợp
Gom núi Kim cang.
Hộ thế bốn trấn
Thưa hỏi Phạm vương:
Đại sư Phạm tôn
Đấng Tự Tại Thiên
Đoạn trừ tất cả
Nghi ngờ cho tôi
Làm sao người đó
Được gọi là Thiên?
Làm sao quốc vương
Lại gọi Thiên tử?
Sinh trong loài người
Sống ở cung vua
Chính pháp trị thế
Mà gọi là Thiên?
Bốn vua Hộ thế
Hỏi xong việc đó
Tôn sư Phạm vương
Liền nói kệ đáp:
Các ông tuy dùng
Nghĩa này mà hỏi
Ta nay cần phải
Vì mọi chúng sinh
Mở bày tuyên dương
Thắng luận đệ nhất.
Do chứa nhóm nghiệp
Sinh trong nhân gian
Thống lĩnh đất nước
Nên xưng quốc vương.
Ở trong thai mẹ
Chư Thiên bảo hộ
Hoặc trước giữ gìn
Sau vào thai mẹ
Tuy ở loài người
Mà làm quốc vương
Vì trời ủng hộ
Lại xưng Thiên tử
Tam thập tam thiên
Đều lấy đức mình.
Chia cho người đó
Nên gọi Thiên tử.
Đã thêm sức thần
Nên được tự tại
Lìa khỏi pháp ác
Ngăn khiến chẳng khởi
An trụ pháp thiện
Tu tập tăng thêm
Hay khiến chúng sinh
Sinh lên cõi trời
Nửa tên quốc vương.
Cũng tên Chấp Lạc,
La-sát hung dữ
Ngăn ngừa điều ác.
Cũng gọi cha mẹ
Khuyên răn tu thiện
Thị hiện quả báo
Chư Thiên ủng hộ.
Các nghiệp ác lành
Vị lai, hiện tại
Hiện chịu quả báo
Chư Thiên đã hộ.
Nếu có việc ác
Chẳng hỏi mà tha.
Chẳng trị tội ấy
Chánh giáo chẳng dùng
Bỏ xa thiện pháp
Tăng thêm việc ác
Nên khiến trong nước
Nhiều những tranh gian
Tam thập tam thiên
Đều sinh sân hận
Do vị quốc vương
Tha ác không trị
Ác pháp hại dân
Gian trá đầy dẫy.
Oán thù phương khác
Tranh đến xâm lược
Của cải nhà mình
Tiền tài trân bảo
Giặc trộm hung ác
Cùng nhau cướp đoạt.
Như pháp trị đời
Chẳng làm việc đó.
Nếu làm việc đó
Nước ấy diệt tan
Như con voi điên
Dày xéo ao sen
Gió bão bỗng khởi
Mưa độc thường tuôn
Sao xấu xuất hiện
Nhật nguyệt tối tăm
Kết quả ngũ cốc
Đều chẳng nhiều thêm.
Do vua bỏ chính
Khiến nước cơ hàn
Trời ở cung điện
Đều ôm lo buồn.
Do vua bạo ngược
Chẳng tu việc lành
Lúc đó, Thiên đế
Nói với nhau rằng:
Vua này làm ác
Bạn cũng ác hung
Vì nghiệp làm ác
Bị trời giận hờn
Do trời nổi giận
Chẳng lâu mất nước
Binh khí phi pháp
Gian trá đấu tranh
Dịch bệnh hoành hành
Dồn vào nước ấy.
Tất cả trời liền
Lìa bỏ vua đó
Khiến nước ấy mất
Vô cùng sầu não.
Anh em chị em
Vợ con quyến thuộc
Tan rã cô độc
Thân cũng diệt vong.
Sao băng rơi rụng
Hiện hai mặt trời
Giặc ác phương khác
Xâm lược cõi ấy.
Nhân dân đói rét
Nhiều những dịch bệnh
Đại thần trọng dụng
Lìa bỏ tử vong
Voi ngựa xe cộ
Thoáng chốc diệt tan
Gia tài sản nghiệp
Vốn của đất nước
Tranh nhau cướp đoạt
Chết vì đao binh
Hết thảy vì sao
Không theo quỹ đạo
Các dịch bệnh ác
Lan khắp nước ấy.
Những người hưởng lộc
Đại thần sủng ái.
Và những quan lại
Chuyên làm phi pháp.
Làm ác như trên
Mà hưởng bổng lộc
Người tu pháp lành
Ngày ngày suy giảm
Người theo pháp ác
Mà sinh cung kính.
Thấy người tu hành
Lòng chẳng ngoái lại
Nên khiến thế gian
Ba điều lạ khởi:
Sao mất độ thường
Tuôn mưa gió dữ.
Phá hoại pháp chân
Cam lộ Vô thượng
Những loài chúng sinh
Và đất màu mỡ.
Kính nhường tệ ác
Chê bai người lành
Nên mưa đá tuông
Dịch bệnh, đói, chết
Trái cây, gạo thóc
Suy giảm vị ngon
Chúng sinh nhiều bệnh.
Lan khắp nước ấy
Quả ngon trái ngọt
Ngày ngày giảm dần
Vị đắng chát, dở
Theo thời tăng lên.
Chỗ cũ vui chơi
Đáng yêu vô cùng
Nay đều khô héo
Không còn ưa thích.
Đồ ăn chúng sinh
Vị ngon hảo hạng
Tổn giảm dần dần
Ăn không bổ dưỡng
Dung nhan xấu xí
Khí lực suy hao.
Phàm việc uống ăn
Chẳng biết vừa đủ,
Sức lực, tinh thần
Không còn dũng mãnh.
Biếng nhác chơi rong
Tràn đầy nước ấy.
Bệnh tật nhiều thêm
Bức bách thân ấy.
Sao xấu biến động
La-sát làm loạn
Nếu có quốc vương
Làm theo phi pháp
Bạn ác tăng lên
Tổn đạo trời, người
Ở trong ba cõi
Khổ não thêm nhiều.
Khởi lên việc ác
Như vậy không lường
Đều do quốc vương
Thương yêu quyến thuộc
Dung túng tạo ác
Chẳng trị mà tha.
Nếu là hàng trời
Ủng hộ đời sống
Thì vua như trên
Trọn chẳng được thế.
Có người làm lành
Được sinh cõi trời
Người làm điều ác
Bị đọa ba đường
Tam thập tam thiên
Sinh ra cháy nóng
Do vua chứa ác
Tha mà chẳng trị.
Trái nghịch hàng trời
Và cha mẹ dạy
Chẳng trị chánh chân
Chẳng phải con hiếu
Khởi lên gian ác
Phá hoại đất nước.
Chẳng nên buông tha
Cần phải trị tội
Vậy nên hàng trời
Hộ trì vua đó.
Ác pháp diệt tan
Tu tập căn lành
Đời này chánh trị
Vương vị được tăng
Điều đó nên nói
Nghiệp lành, chẳng lành.
Hay bày nhân quả
Nên được làm vua
Chư Thiên ủng hộ
Vua láng giềng giúp
Vì mình vì người
Tu chánh trị nước.
Có người phá nước
Phải dùng chánh giáo.
Vì mạng và nước
Tu hành chánh pháp
Chẳng nên làm ác
Không dung túng ác
Còn các việc khác
Chẳng nên phá nước
Nhiều nhân gian ác
Sau sẽ bại hoại.
Nếu nhiều gian trá
Hủy hoại đất nước
Như voi dữ nhất
Phá hoại ao sen.
Oán hận hàng trời
Nên trời phiền não
Khởi các việc ác
Khắp cùng nước ấy.
Vậy nên phải dùng
Chánh pháp trị thế,
Dùng thiện dạy dân
Chẳng theo phi pháp.
Thà mất thân mạng
Chẳng yêu quyến thuộc
Người thân, chẳng thân
Lòng luôn bình đẳng.
Xem thân, không thân
Hòa hợp làm một.
Chánh hạnh danh xưng
Lưu truyền ba cõi
Chánh pháp trị nước
Người làm nhiều thiện,
Thường dùng thiện tâm
Chiêm ngưỡng quốc vương
Hay khiến Thiên chúng
Đầy đủ sung mãn.
Vậy nên Chánh trị
Gọi là quốc vương
Tất cả trời, người
Kính mến quốc vương.
Giống như cha mẹ
Ủng hộ con mình
Nên khiến mặt trời
Các sao và trăng
Luôn đúng quỹ đạo
Chẳng mất độ thường
Gió mưa đúng lúc
Không có tai ương
Khiến nước phồn thịnh
Vô cùng an lạc
Dân được lợi ích
Như chúng chư Thiên.
Do nhân duyên đó
Nên các quốc vương
Thà mất thân mạng
Chẳng nên làm ác
Chẳng nên lìa bỏ
Chánh pháp bảo trân
Do chánh pháp bảo
Người đời yêu thương.
Thường phải thân cận
Người tu chánh pháp
Chứa nhóm công đức
Trang nghiêm thân ấy
Với quyến thuộc mình
Luôn biết vừa đủ
Phải xa người ác
Tu trị chính pháp.
Chúng sinh an trụ
Ở các thiện pháp
Dạy bảo hộ phòng
Khiến lìa bất thiện
Nên đất nước yên
Giàu có vui sướng
Vua đó cũng thêm
Uy đức đầy đủ
Tùy theo nhân dân
Làm các pháp ác
Cần phải phục hàng
Như pháp dạy răn
Vua này sẽ được
Danh dự tốt lành
Khéo hay nhiếp hộ
An lạc chúng sinh.