PHẬT NÓI KINH BỐN VIỆC CỦA A NAN
Hán dịch: Đời Ngô_Nước Nguyệt Thị (Kuṣana) Cư Sĩ CHI KHIÊM.
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Nghe như vầy. Một thời Đức Phật ngự tại nước Câu Di Na Kiệt (Kuśinagara), lúc muốn diệt độ thời A Nan (Ānanda) bạch Phật rằng: “Con nhớ đến hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vua chúa, người dân cùng được gặp Đức Phật, được nghe Đức Phật dạy bảo về Giới (Śīla)…không có ai chẳng vui vẻ. Ngay tại Chí đã ước nguyện, hoặc làm Sa Môn (Śramaṇa) đạt được Ứng Chân (Arhat: A La Hán), hoặc ở tại nhà phụng hành năm Giới (Pañca-śīlāni) khi chết được sinh lên cõi Trời.

Nay Đức Phật rời bỏ cõi đời thời hàng Trời, Rồng, Quỷ, Thần, vua chúa, người dân với bốn nhóm Đệ Tử (Tỳ Khưu, Tỳ Khưu Ni, cận sự nam, cận sự nữ) sẽ nương nhờ vào điều gì để được Phước (Puṇya), được cứu độ ? Lại phải theo ai để đắc được vậy ?”

Đức Phật nói: “Lành thay ! Lành thay ! A Nan có Tâm Từ (Maitra-citta), giàu lòng thương xót ! Hàng Trời, Người, mọi loài…không có ai chẳng do ông mà được độ thoát đâu. Sau khi Ta đi thì đời có tên gọi là năm Trược (Pañca-kaṣāyāḥ), lòng người buồn phiền rối ren, dơ bẩn tự loạn, đời có  nhiều việc điên đảo, khinh rẻ điều Thiện, tôn vinh điều ác, điều này thật đáng lo !

Cuộc đời tuy như thế !…Nhưng Ta có Kinh Tịch (kinh Phật), Giới thành khẩn thống thiết…nếu tận Tâm hành theo thì Phước tự quy về Thân, nên ông đừng có lo lắng vậy ! Tuy Ta rời bỏ cõi đời nhưng Điển Tịch (sách vở, Kinh Điển) vẫn nối tiếp nhau tồn tại. Ta chẳng mang sáu Độ (Ṣaḍa-pāramitā:sáu Ba La Mật), Đại Pháp (Mahā-dharma) đi theo. Hành Giả được hóa độ chẳng phải là do vị Thần (Devatā) nào trao cho. Các ông chẳng hiểu được lời Ta đã nói ư !?…” A Nan bạch rằng: “Nguyện xin nói lại lần nữa”

Đức Phật nói: “Đại Pháp có bốn việc, có thể thuận theo để được Phước, cũng có thể đắc Đạo và được Phước ngang bằng với thân Phật (Buddha-kāya)”.

A Nan lại nói: “Nguyện xin Đức Phật vì con mà giải thích bốn việc”

Đức Thế Tôn nói: “Nên dùng Tâm Từ (Maitra-citta) nuôi dưỡng trẻ thơ. Nhìn thấy chim thú, côn trùng, ngỗng, người thấp hèn nương vào kẻ khác để sống…thường nên nghĩ thương, tùy theo chỗ cần ăn của họ khiến cho họ sinh sống được. Đừng dùng dao gậy gây thương tích dứt bỏ mạng của họ, nên trắc ẩn dùng Tâm yêu thương trợ giúp  (từ tâm) như  người mẹ hiền (từ mẫu). Vua chúa, người dân có thực hành sự yêu thương trợ giúp này sẽ được Phước lớn, ngang bằng với Công Đức của thân Phật.  Đây là việc thứ nhất vậy.

_ Đời có nhiều tai nạn quái dị: nước lũ, hạn hán chẳng điều hòa, năm loại lúa đậu chẳng được mùa, người dân đói khổ, cõi nước chẳng yên, chí muốn chống lại hoặc lánh nạn.

Vua với thần dân giàu có, chứa đầy lúa đậu tài vật trong kho…cũng chỉ là thứ vô thường, thân mệnh còn khó giữ được, cho nên đừng yêu mến vật báu lúa đậu, cần biết yêu mến mạng người, nên khởi Tâm Bi (Kāruṇa-citta) đem vựa thóc lúa đậu chu cấp cho các người nghèo túng để cứu giúp mạng của họ, khiến cho họ cư trú yên lành trên đất nước của mình.

Nếu Ý tham lam keo kiệt, chẳng muốn Bố Thí thì nên nghĩ suy kỹ lưỡng: “Con người bắt đầu được sinh trở lại thì Hồn Thần từ hư không đi đến, ứng thuận theo Tinh Khí tình dục của cha mẹ tạo thành thân thể ở trong bụng mẹ, mười tháng mới được sinh ra, được thân vui thích có thể được toàn mạng. 

Đến ngày lo buồn cáu giận liền chặt đứt hết, sự mệt nhọc quẫn bách liền kết thúc, Hồn Thần chẳng diệt, lại muốn tìm cầu thân thể khác.

Giàu sang nghèo hèn đều do hành vi của đời quá khứ. Quan tước, bổng lộc, châu báu của cõi nước…không bị mê hoặc làm loạn Đức cao cả. 

Đến khi hết tuổi thọ thời thân xác với châu báu đều để lại cho Thế Gian chẳng thể đem theo mình. 

Thường nên khởi Tâm Từ, luyện hành Kinh Đạo, dùng lời dạy bảo sáng suốt của Đức Phật. Quán nhìn người, vật như Huyễn như Hóa, như Mộng, như âm thanh vang dội lại…tất cả đều trống rỗng, chẳng thể ôm giữ lâu dài”.

Quán sát cuộc đời đều như thế. Đây là Chân Đế (Paramārtha: nghĩa lý chân thật chẳng hư vọng)

Người đời ngu muội mê loạn, Tâm còn điên đảo, tự lừa dối, tự lầm lẫn…giống như đem vàng đổi lấy đồng thau. Khi Thân chết, Hồn rời đi sẽ bị đọa vào ba đường (Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh). Suy nghĩ kỹ lưỡng điều này thời gấp rút bố thí cùng với thân mệnh ganh đua.

Nghèo túng, đi xin ăn, già yếu, bệnh tật… đều tùy theo chỗ đang tham dự, đừng khiến cho mạng dứt hết. Chấp Tâm như điều này thời mười phương chư Phật, Khai Sĩ (Bodhisatva: Bồ Tát), Đại Nhân, Trời, Rồng, Quỷ, Thần… không có ai chẳng thương xót. Đến khi hết tuổi thọ thì nơi Hồn Thần được sinh ra luôn là nhà giàu sang quyền quý, Thân Ý đều an, chẳng sinh điều tai hại.

Được đầy đủ Nguyện bên trên cũng như cúng dường thân Phật khi Đức Phật còn ở đời, ngang bằng chính đúng không có khác.

Đây là việc thứ hai vậy.

_ Trong nước có nhiều giặc cướp, nước lửa tai họa quái dị, khắp nơi sinh khí độc lưu chuyển bung tán, bệnh tật tung hoành…đều do loài Rồng trong biển, Thần, Quỷ Vương gây ra, cho nên vướng phải chất độc này thì bị bệnh nặng, lo lắng bực bội. Các hàng Quỷ, Thần, Rồng này đều điều (quả báo) mà người đời đã gây tạo như: săn bắn, mổ giết, lưới cá….

Người bị trúng độc rồi chết thời Hồn Thần hoặc bị đọa trong biển làm loài Rồng, hoặc làm hàng Thái Thần có sức mạnh, loài Hóa Sinh…đều biết Túc Mệnh. Vì cáu giận mối hận của đời trước (túc oán) nên tạo ra sương mù, phun khí ác độc bao trùm cõi nước ấy. Lúc đó, người dân hoặc bị trúng độc mà chết, hoặc chỉ bị bệnh…Có hiện tượng cùng nhau gây sự ô nhiễm ấy đều do người đời đã tạo ra, chẳng có lòng Nhân (bất nhân) tàn sát sinh mạng của loài vật nên triển chuyển oán hận lẫn nhau.

Người tự dùng tay giết chết, kẻ bị trúng độc mà chết, trợ giúp nhau lấy điều ấy làm niềm vui…đều càng tăng thêm bệnh khốn đốn. Hoặc cùng nhau gây ô nhiễm, hoặc chẳng cùng nhau gây ô nhiễm đều do việc ăn thịt mà ra, như cùng nhau phân chia số thịt, hoặc chẳng cùng nhau phân chia số thịt.

Người có học lắng nghe thông suốt, hiểu biết tội sát sinh, truy đuổi người chẳng bỏ…Do tự mình vượt qua điều ấy, tương đồng không có khác. Như điều này, phụng hành, hoằng hóa đường lối của Đức Phật, thực hành Tâm của bốn nhóm: Từ, Bi, Hỷ, Hộ thời Phước tự quy về Thân.

Nếu biết người nhà giết sinh mạng ấy, đem Thịt cho mình thì cẩn thận đừng ăn. Người chẳng ăn, tuy ở trong đời ác, tuy ở trong Thời có giặc cướp tai biến, khí độc…cũng chẳng bị nhiễm ô.

Vua chúa, người dân của nước ấy, giàu có, chứa đầy lúa đậu tài vật trong kho…nhìn thấy kẻ mồ côi (cô),  người sống một mình (độc), kẻ chưa lập gia đình (quan), người ở góa (quả) thiếu thốn quần áo, bệnh tật nguy nặng…mà không biết tự mình cứu giúp, cung cấp thuốc men, cháo nấu nhừ dễ tiêu hóa…khiến cho kẻ ấy được khỏi bệnh, sinh mạng chẳng bị dứt ngang. Nên biết người này Túc Mệnh hành ác, chẳng tin Tam Tôn (Phật, Pháp, Tăng), trái ngược với sự chân thật, hướng về điều dối trá (bội chân hướng ngụy), keo kiệt tham lam dẫn đến điều này.

Tội Phước rất rõ ràng, cẩn thận đừng làm ác, cũng nên khởi Tâm Từ, dùng Kinh Pháp của Phật dạy bảo kẻ ngu si khiến cho trì giữ Kinh Đạo. Nếu cứu sống được một người, khiến cho bệnh được khỏi thì đây là Thiện Đạo, khiến cho trì giữ năm Giới, trọn đời trong sạch tinh khiết… thời Phước ấy ngang bằng với Phước của thân Phật. Đây là việc thứ ba vậy.

_ Đời có Sa Môn (Śramaṇa), Phạm Chí (Brāhmaṇa) khí tiết cao thượng, trong sạch tinh khiết không có dâm dục…ôm giữ Kinh Điển, lời nói luôn luôn tuân theo Pháp Luật. Vua chúa, người dân nên khởi Tâm cung kính nghiêm túc, vâng theo Luật Hành. Nhóm Cao Sĩ (Bồ Tát) này, miệng đã trình bày điều gì đều là Kinh Điển lưu lại của chư Phật, khiến cho người bỏ Ác làm Thiện, ân đức gấp bội người thân (cha mẹ) hơn gấp trăm lần, khiến cho người lúc hết tuổi thọ chẳng bị rơi vào ba đường (Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh)… Thường nên dùng Tâm Từ cung kính nghiêm túc mà hướng đến vị ấy. Chẳng thà bị nước đồng sôi bỏng rót vào miệng, dao bén cắt đứt lưỡi, hãy cẩn thận đừng hủy báng người Thanh Khiết này. Chẳng thà tự chặt đứt bàn tay của mình chứ đừng tăng thêm sự đau khổ. Chẳng thà tự mổ bụng, móc trái tim ra thiêu đốt chứ không nên tức giận người này.

Giả sử người ngu nhìn thấy Kinh Đạo của Phật, biết rõ ràng nhưng lại vứt bỏ. Do xa lìa bọn ngu dốt chẳng biết rõ sự lý (ngoan ám) này, mau chóng đi đến chỗ của chúng Hiền Giả, chú ý thọ nhận Thánh Điển để thành Đức cao thượng.

Sa Môn (Śramaṇa), Phạm Chí (Brāhmaṇa) không có dùng sự mua bán, cầu lợi…làm cho thân dơ bẩn, Tâm lặng trong,  hành vi trong sạch giống như  viên ngọc Minh Nguyệt (viên ngọc Ma Ni có ánh sáng như mặt trời mặt trăng), hộ trì Ứng Khí (Pātra:vật khí đựng thức ăn của Tỳ Khưu), thân cực nhọc đi xin thức ăn, cung cấp đủ cho cái miệng liền ngưng, chẳng lưu giữ thứ dư thừa. Hoặc ở chùa, hoặc ở núi, bên ao đầm, dưới cái cây, gò mả…đều biết Túc Mệnh (vận mệnh của đời quá khứ), phân biệt Chân Ngụy chế tác Kinh Tịch (Kinh Phật), làm cây cầu tốt cho đời, Tâm Từ giàu lòng thương xót. Ngồi, đứng đều chú nguyện cho vua chúa, người dân khiến cho đất nước được bình yên. Như bậc Cao Sĩ này dùng Đức dạy bảo (Đức Huấn) chư Thiên, Rồng, Quỷ;  khởi Tâm thương xót, chẳng vướng vào việc của Thế Tục, chẳng bị Tình Dục làm cho mất Sở Kiến. Thật đáng cho ta khen ngợi, noi theo vậy.

Vua chúa, người dân…nếu là người có Trí thì nên tìm cầu, cung cấp cho người ấy được quần áo, thức ăn, giường nằm, bệnh tật, thuốc men…khiến cho người ấy an ổn, được giảng Kinh Giới, diễn bày dạy bảo Đạo (huấn đạo), ngồi Thiền, niệm Định.

Hoặc thuận theo được Đạo, hoặc khi chết được sinh lên cõi Trời.

Đem quần áo, thức ăn cho người uế trược trong một nước chẳng bằng tận Tâm cúng dường một người Đạo Sĩ thanh tịnh thì Phước ấy rộng lớn hơn, như cúng dường thân Phật khi Đức Phật còn trụ ở đời…ngang bằng chính đúng không có khác. Đây là việc thứ tư vậy.

Vua chúa, người dân gần gũi với người của nhóm này thời Trời, Rồng, Quỷ, Thần không có ai chẳng ủng hộ, trợ giúp cho vui vẻ vậy”.

Đức Phật bảo A Nan: “Khi Ta ở đời trước, thực hành bốn việc này, triển chuyển thọ nhận Phước, tự dẫn đến được thành Phật. Ta do điều này cho nên nói lại bốn việc ấy.

Này A Nan ! Ông nên rộng vì chư Thiên, vua chúa, thần dân mà nói. Hạnh tốt lành đã làm sẽ tự được Phước ấy, cuối cùng chẳng nên vứt bỏ. Ta sắp diệt độ nên đem bốn việc này giao phó cho ông”

A Nan nghe Kinh xong, vừa buồn vừa vui, cúi đầu mặt làm lễ Đức Phật (rồi lui ra).

PHẬT NÓI KINH BỐN VIỆC CỦA A NAN
_Hết_

30/09/2011