SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 2
CHƯƠNG 4
Người nghe pháp được lợi ích lớn và trí tuệ thêm sâu rộng, có công năng làm cho tâm ý đều được điều hòa.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, tại các nước ở vùng Sư tử, lúc bấy giờ có người được viên ngọc Ma-ni to bằng đầu gối người. Viên ngọc này tốt đẹp nhiệm mầu, rất ít có trên thế gian. Người đó dâng viên ngọc lên vua. Nhà vua được viên ngọc ngắm nghía thật kỹ lưỡng và nói kệ:
Ngày xưa các vua chúa
Chứa báu cầu tiếng khen
Tập hợp nhiều khách khứa
Khoe của, tự hợm mình
Khi chết bỏ ngôi báu
Bỏ của, đi một mình
Chỉ có nghiệp thiện ác
Theo thân không lìa bỏ.
Ví như ong làm mật
Kẻ khác được, mình không
Tài sản cũng như vậy
Theo người, chẳng theo ta.
Ngày xưa, các vua chúa
Bị của báu lừa dối
Tích chứa để cho người
Chẳng một vật theo mình.
Ta nay phải làm gì
Để của báu theo ta?
Chỉ có ruộng phước Phật
Làm ra các công đức
Theo ta đến đời sau
Quả thiện không mất đi.
Khi sắp sửa qua đời
Tất cả đều lìa bỏ
Cả cung điện thân yêu
Các quan và tướng mạnh
Thương xót tiễn người đi
Đến mộ thì trở về,
Voi, ngựa, các xe báu
Vàng ngọc và kho tàng
Nhân dân cùng thành quách
Vườn hoa, chốn vui chơi
Âm thầm vào cõi chết
Chẳng mang theo được gì.
Nhà vua nói kệ xong liền đến chỗ tháp Phật, đặt viên ngọc quý lên đỉnh tháp. Viên ngọc chiếu sáng lấp lánh như một ngôi sao thật lớn, như khi mặt trời mọc chiếu sáng cả cung điện vua, lấp lánh rực rỡ gấp bội ánh sáng thường. Ánh sáng viên ngọc lúc nào cũng chiếu sáng như thế.
Một hôm, ánh sáng ấy bỗng biến mất. Nhà vua lấy làm lạ mới cho người đến xem thử. Người sứ đến nơi không thấy viên ngọc, chỉ thấy dưới chân tháp máu chảy đầy mặt đất. Ông đi theo vết máu, lần về phía rừng Ca-đà-la, chưa đến nơi đã thấy một người trộm ngọc nấp giữa bụi cây. Khi kẻ trộm lấy viên ngọc, hắn bị rơi từ trên bệ tháp xuống cho nên có vết máu. Sứ giả bắt ngay tên trộm dẫn đến cho vua.
Khi nhà vua vừa thấy tên trộm, trong lòng tức giận vô cùng, nhưng thấy hắn bị thương thì lại sinh tâm thương xót, nói:
–Này gã kia, ngươi rất ngu si mới trộm viên ngọc của Phật như vậy. Đời sau chắc chắn ngươi sẽ đọa vào đường ác.
Vua liền nói kệ:
Lạ thay rất ngu si
Vô trí gây ác lớn
Như người sợ gậy gộc
Ngược lại bị chém giết.
Sợ cái khổ nghèo cùng
Nên sinh tâm cuồng ngu
Không chấp nhận phận nghèo
Mãi chịu khổ vô cùng.
Lúc ấy có một vị quan nghe bài kệ này, bèn tâu với nhà vua:
–Những điều ngài nói chân thật, không hư dối.
Vị ấy liền nói kệ:
Tháp là báu của người
Kẻ ngu si trộm lấy
Người này vô lượng kiếp
Không được gặp Tam bảo.
Như xưa, có một người
Có tín tâm vui mừng
Hoa Tu-mạn trên tai
Đem dâng cúng tháp Phật
Ức kiếp sinh trời, người
Thọ rất nhiều vui sướng.
Tháp Thế Tôn mười lực
Trộm ngọc báu kiếm sống
Do nghiệp duyên như thế
Chìm đắm trong địa ngục.
Lại có một vị quan khác tức giận nói:
–Kẻ ngu này tội lỗi đã rõ ràng, cần gì phải trách mắng! Nên đem hắn đi giết.
Vua bảo vị quan:
–Ngài chớ nói như thế. Người đó cũng như người chết rồi cần gì phải giết nữa. Như người bị ngã xuống đất, ta nên đỡ họ lên.
Vua liền nói kệ:
Người này đã hủy hạnh
Hãy mau cứu giúp hắn
Ta phải ban tài sản
Khiến sám hối tu phước
Cho họ được xa lìa
Khổ nạn lớn đời sau.
Ta sẽ cho tiền của
Dạy họ cúng dường Phật
Nếu họ không hướng Phật
Tội không bao giờ tiêu.
Như người ngã xuống đất
Ta nên đỡ họ dậy
Gây tội vì tháp Phật
Cũng nhờ Phật, hết tội.
Nhà vua liền ban cho tên trộm tất nhiều tiền của và dạy cho ông ta đến tháp Phật làm các công đức. Lúc đó tên trộm suy nghĩ: “Vị vua này là người thấm nhuần giáo pháp Phật-đà. Tội lỗi của ta rất đáng bị xử tử mà nhà vua lại tha thứ. Ngài thật là bậc đại nhân xá tội nặng cho ta. Đức Như Lai Thích-ca vô cùng kỳ diệu mới điều phục, giáo hóa vị vua tà kiến làm những việc như vậy”.
Nghĩ rồi, tên trộm liền đến chỗ tháp, bò về phía chùa, chắp tay quy mạng, nói:
–Đức Thế Tôn đại bi cứu giúp thế gian, tuy đã nhập Niết-bàn mà vẫn còn có thể ban mạng sống cho con. Cả thế gian đều gọi Ngài là đấng Chân Tế, tiếng tăm Ngài vang khắp các thế giới và hôm nay Ngài đã cứu mạng sống cho con, cho nên Ngài được gọi là Đấng Chân Tế, thật không hư dối vậy.
Tên trộm nói kệ:
Thế gian gọi Chân Tế
Tên gọi thật không hư
Nay con được cứu giúp
Thật biết nghĩa Chân tế.
Thế gian đều dậy lửa
Rất nhiều sự đốt thiêu
Trăng từ bi mát mẻ
Chiếu tan khổ nóng bức.
Khi Như Lai tại thế
Tại nơi quỷ đồng trống
Cứu vớt Thủ trưởng giả
Việc này có khó chi,
Nay Phật đã Niết-bàn
Di pháp giúp nguy ách
Giúp con thoát khổ đau
Đây mới là rất khó.
Vì sao người họa sĩ
Khéo léo hợp Thánh tâm
Vẽ ảnh đưa tay phải
Nói lên sự an ủi
Người sợ hãi thấy Ngài
Còn được hết sợ hãi
Huống chi Phật tại thế
Sự cứu giúp rộng lớn
Nay con gặp khổ nạn
Tượng Ngài cứu giúp con.
CHƯƠNG 5
Người ít muốn tuy có của cải, tài sản nhưng tâm không mê đắm vẫn được gọi là ít muốn.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-tắc này có một người bạn thân tin pháp Bà-la-môn. Người bạn thân này tin pháp Bà-lamôn mặc áo xấu, hành khổ hạnh, nướng thân bằng năm nguồn nhiệt, thường ăn thức ăn dở, nằm trên phẩn dơ. Người bạn liền gọi vị Ưubà-tắc nói:
–Bạn hãy đến đây xem người Bà-la-môn. Có bao giờ bạn trông thấy người nào có hạnh cao cả, tự làm khổ thân cho trong sạch, ít muốn biết đủ như người này chăng?
Ưu-bà-tắc đáp:
–Thứ hạnh cao cả ấy chỉ có thể đánh lừa bạn mà thôi!
Hai người cùng đến hỏi người Bà-la-môn:
–Nay ông khổ hạnh để mong cầu điều gì?
Vị Bà-la-môn đáp:
–Nay tôi thực hành khổ hạnh vì muốn được làm vua.
Ưu-bà-tắc nói với bạn:
–Bây giờ người này đang cầu kho tàng châu báu ở thế gian, tha hồ giết chóc, ăn uống cao lương mỹ vị, nào cung nhân, kẻ hầu người hạ, khoái lạc cùng nữ sắc và các loại âm nhạc để tự vui chơi. Tuy làm quan lớn, trưởng giả có nhiều của cải báu nhưng không vừa ý, mới mong cầu tất cả châu báu của nhân dân trên khắp mặt đất. Người như thế mà gọi là ít muốn ư? Bạn chỉ thấy thân họ hành khổ hạnh, rồi cho là ít muốn mà không biết rằng ông có sự mong cầu không biết nhàm chán. Sao cho là ít muốn được?
Ưu-bà-tắc liền nói kệ:
Điều gọi là ít muốn
Chẳng phải cơm, áo xấu
Không có vật thường dùng
Mà cho là ít muốn.
Người này hiện tại đây
Tâm tham cầu không chán
Như sông biển bao la
Sao gọi là ít muốn?
Nay tu khổ hạnh này
Vì khát khao năm dục
Người này thật luống dối
Giả hiện tướng ít muốn
Vì tham nên tự khổ
Thật chẳng phải ít muốn.
Nói kệ xong, Ưu-bà-tắc lại nói:
–Nay người này có đủ các thứ tham dục, tức giận và si mê, không có được một phần nhỏ những công hạnh mà bậc Tiên thánh đã thực hành. Thế nên biết rằng, người ít muốn không phải là ở chỗ không có nhiều của cải vật chất. Vì sao mà biết? Vì như vua Tần-bà-sa-la giàu sang, có nhiều đất đai, voi ngựa và bảy báu, vẫn gọi là ít muốn. Vì sao? Vì tuy nhà vua có nhiều tài sản quý giá, nhưng tâm không tham đắm, chỉ ưa thích đạo Thánh. Do đó, tuy vua giàu sang, có bảy báu đầy ngập, nhưng tâm không mong cầu, nên gọi là ít muốn. Người tuy không có tài sản quý giá mà vẫn mong cầu không chán thì không được gọi là ít muốn biết đủ. Vị Ưu-bà-tắc liền nói kệ:
Nếu người không cơm áo
Lõa hình như Ni-càn
Làm những việc khổ nhọc
Cho đó là khổ hạnh
Thì ngạ quỷ súc sinh
Người nghèo các suy não
Những gian nan như thế
Lẽ ra gọi khổ hạnh.
Người này cũng như vậy
Luống tự mình khổ nhọc
Thân tuy làm hạnh khổ
Nhưng tâm lại tham đắm
Mong cầu không nhàm đủ
Không gọi là ít muốn.
Tuy có nhiều của cải
Nhưng tâm không đắm nhiễm
Tu hành vui Thánh đạo
Đó mới gọi ít muốn.
Thí như các nông phu
Gieo hạt giống xuống ruộng
Tham gặt được nhiều lúa
Không gọi là ít muốn.
Nếu thân bị ghẻ lở
Sẽ cần đồ chữa trị
Ý mong cầu Thánh đạo
Đó gọi là ít muốn.
Vì trị ghẻ lở ấy
Cần nhận ít thuốc men
Tâm không tham đời sau
Đó thật là ít muốn.
Tâm ý không dua nịnh
Cũng không cầu danh lợi
Tuy có tài sản nhiều
Có tiếng tăm, đức thật
Đủ những việc như thế
Đó mới thật ít muốn.
CHƯƠNG 6
Tuy là người giữ giới, nhưng tâm mong cầu sinh lên cõi trời, cõi người để thọ hưởng sự vui sướng thì vẫn gọi là phá giới.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị Sa-môn và một vị Bà-la-môn kết hạ an cư trong khu rừng vắng. Lúc ấy vị Sa-môn thường qua lại chỗ Bà-la-môn, làm việc chung với nhau, ở chung trong trú xứ ấy nhưng không quá gần gũi hay xa cách. Vì sao? Vì nếu gần gũi quá sợ sẽ sinh ra kiêu mạn, còn nếu xa cách quá sẽ bị oán ghét.
Vị Sa-môn nói kệ:
Cắm chiếc gậy giữa trưa
Đứng, nằm đều không bóng
Cầm gậy nghiêng một bên
Bóng ấy sẽ ngã dài,
Người kia cũng như vậy
Nên không thân, không sơ
Khiến dần dần thông hiểu
Sau đó mới nói pháp.
“Vị Bà-la-môn này không có trí tuệ, chẳng biết kẻ ngu người hiền, nên cung phụng ông ta rất khổ. Vì thế, ta nay không nên gần gũi quá, cũng không nên xa cách quá. Vì sao? Vì phụng sự người ngu si đã khổ, mà không biết phải cung phụng cách nào cũng gọi là khổ.” Bằng những phương tiện gần gũi với nhau, dần dần qua lại và chuyện trò với nhau, lúc ấy vị Sa-môn hỏi Bà-la-môn:
–Vì sao ông đưa tay về phía mặt trời, nằm lõa hình trên tro bụi và ăn cỏ? Ngày đêm không nằm mà chỉ đứng có một chân? Ông hành khổ hạnh để mong cầu điều chi?
Người Bà-la-môn đáp:
–Tôi mong được làm vua.
Ít lâu sau người Bà-la-môn bị bệnh. Ông ta đến hỏi thầy thuốc cách chữa trị. Thấy thuốc bảo:
–Ông cần phải ăn thịt.
Lúc đó người Bà-la-môn nói với thầy Tỳ-kheo:
–Thầy có thể đến nhà đàn-việt xin cho tôi một ít thịt để tôi trị bệnh được không?
Thầy Tỳ-kheo nghĩ: “Bây giờ đã đúng lúc ta phải giáo hóa người này”. Thầy Tỳ-kheo liền hóa ra một con dê, đem cột bên cạnh người Bà-la-môn. Ông ta hỏi thầy Tỳ-kheo:
–Thầy tìm thịt cho tôi giờ để ở đâu?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Con dê chính là thịt.
Người Bà-la-môn vô cùng tức giận nói:
–Chẳng lẽ tôi phải giết con dê để ăn thịt sao?
Thầy Tỳ-kheo đáp bằng bài kệ:
Nay anh thương con dê
Vẫn còn chưa muốn giết
Nếu sau này làm vua
Bò dê và heo chó
Vịt gà cùng muôn thú
Giết hại nhiều vô lượng.
Anh ngự trên tòa cao
Đầu bếp dâng thức ăn
Nếu khi anh nổi giận
Sẽ sai người chém đầu
Hoặc sai chặt chân tay
Có khi sai móc mắt.
Nay anh thương con dê
Mà muốn giết hại nhiều
Nếu thật có Từ tâm
Nên bỏ ý làm vua.
Như người sắp bị giết
Sợ khổ, uống nhiều rượu,
Rừng hoa nở đẹp tươi
Lửa mạnh sẽ đốt cháy,
Lai như mang gông vàng
Tuy đẹp nhưng buộc ràng,
Ngôi vua cũng như vậy
Thường có tâm sợ hãi
Ra oai người theo hầu
Trang sức bằng châu báu
Không thấy họa về sau.
Phàm phu tham mong muốn
Đã gây các điều ác
Đọa lạc ba đường khổ
Như thiêu thân tham lửa
Lao vào tự đốt thân.
Tuy có vui năm dục
Tiếng tăm vang khắp nơi
Nhưng tâm thường sợ hãi
Rất lo và rất khổ
Giống như bắt rắn độc
Cầm đuốc ngược chiều gió
Không buông, họa sẽ đến
Cũng như khổ sắp chết.
Lúc nhà vua đi dạo
Đầu đội mũ chư Thiên
Châu báu như chuỗi ngọc
Phục sức thật trang nghiêm
Các xe quý, ngựa tài
Vua ngồi dạo khắp nơi
Người hầu cả trăm ngàn
Oai thế rất hùng mạnh,
Hoặc lúc có quân địch
Khoác áo giáp đẹp đẽ
Thắng thì giết hại nhiều
Thua thì mất thân mạng.
Xoa hương thơm vào mình
Còn quần áo ướp hương
Ăn các thức ăn ngon
Trăm vị rất tuyệt vời
Cần chi đều tùy ý
Không trái nghịch bao giờ
Đi, đứng hoặc ngồi, nằm
Cử động đều nghi sợ
Bạn thân cũng không tin
Dù có là bạn thân
Nhưng tâm thường sợ sệt
Thì sao gọi là vui!
Như cá nuốt mồi câu
Như liếm mật dao bén
Cũng như lưới giăng ra
Thú, cá tham mùi vị
Không thấy khổ sau đó,
Giàu sang cũng như vậy
Rồi chịu khổ địa ngục.
Vách tường của địa ngục
Mặt đất đều lửa cháy
Người tội ở trong đó
Lửa tuôn tự đốt thân
Chịu khổ đau vô cùng.
Anh phải tự suy nghĩ
Được hưởng vui thì ít
Chịu các khổ thì nhiều
Vì thế nên nhớ khổ
Chớ mong cầu giàu sang.
Anh hãy bỏ tâm muốn
Chỉ mong cầu giải thoát
Cái khổ đều dứt hết.
Người Bà-la-môn nghe xong, lặng im không đáp, sau đó chắp tay thưa:
–Bạch Tôn giả, ngài đã khéo dùng tài hùng biện làm cho tâm tôi được mở tỏ. Dù được làm vua cõi trời Tam thập tam thiên, tôi cũng không ham thích nữa.
Ông liền nói kệ:
Ý lành phương tiện khéo
Và trí sáng quan sát
Xóa nguyện tà của tôi
Chỉ bày đường chân chánh
Bạn lành phải như vậy
Được thế gian ngợi khen.
Thường nên gần bạn này
Không có họa tranh loạn
Khéo dẫn tâm ý tôi
Bỏ tà, về nẻo chánh
Chỉ tôi việc thiện ác
Giúp đạt được giải thoát.
CHƯƠNG 7
Lại nữa, người theo con đường tà sẽ bị các thứ khổ, còn người tu theo đường chánh thì tín tâm sẽ thêm lớn và được ngợi khen. Người có trí nên quán sát sự tà chánh.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một người tu một khổ hạnh nhỏ ở bên cạnh đường đi, nếu khi nào có người thì ông ta nằm trên gai nhọn, còn lúc không có ai, thì ông ta nằm ở chỗ khác. Có người thấy vậy bèn hỏi:
–Ông có thể nằm nhẹ nhàng trên gai nhọn, cần gì phải lăn lộn để cho thân thể bị thương nặng như vậy?
Người đó nghe xong vô cùng tức giận, nhảy bổ trên đống gai nhọn, lăn lóc dữ dội hơn trước. Khi đó, có một vị Ưu-bà-tắc đứng bên cạnh, người khổ hạnh trông thấy lại càng lăn lộn trên đống gai dữ dội hơn. Ưu-bà-tắc nói với ông ta:
–Trước đây ông chỉ bị gai nhỏ đâm, nay lại dùng gai tức giận để tự đâm mình. Vết gai trước đây chỉ gây xây xát, còn vết gai tham tức mới bị đâm sâu. Người nằm trên gai nhọn chỉ khổ một đời, còn khổ vì gai tham tức thì khổ đến vô lượng đời. Bị gai đâm chân, vết thương này dễ lành, còn vết gai tham tức trải qua vô lượng kiếp vẫn không lành. Thế nên hãy nhổ bỏ cái gai sân độc.
Vị Ưu-bà-tắc liền nói kệ:
Bây giờ ông nên nhổ
Gai sâu độc trong tâm
Hãy dùng dao trí bén
Chặt đứt gai tham tức.
Người nặng về tham tức
Đời đời không bỏ được
Người ngu nhiều tà kiến
Không biết đạo Chánh chân
Khổ thân nằm trên gai
Làm khổ muốn hết khổ
Người thấy nằm trên gai
Ai cũng muốn tránh xa.
Chỉ ông đối khổ này
Ôm giữ không buông bỏ
Ta thấy việc như vậy
Mới biết có tà chánh.
Vì thế xin quay về
Đấng Thế Tôn mười lực
Đại bi cứu các khổ
Mở bày con đường chánh
Vượt qua các nẻo tà
Dẫn đến tám đường chánh
Bọn ngoại đạo tà kiến
Bị khổ sở phỉnh lừa
Rất tin vào các khổ
Trôi lăn đến vô cùng
Những người có trí tuệ
Thấy thế tăng lòng tin.
Ngoại đạo rất ngu si
Khổ hết được giải thoát.
Đấng Xuất Thế đã dạy
Các vật đều đầy đủ
Được tu tám đường chánh
Nhờ tu nên giải thoát
Vì thế nên phải biết
An lạc được giải thoát
Chẳng phải như ngoại đạo
Chịu khổ được Niết-bàn.
Nương tâm mà gây ra
Các nghiệp thiện và ác
Ông phải hàng phục tâm
Sao lại làm khổ thân?
Thân là các kết sử
Tu sai các thứ khổ
Là người tu đạo khổ
Đường địa ngục sẵn chờ.
Trong chốn địa ngục ấy
Chém, chặt cùng phẩn dơ
Hừng hực thiêu đốt họ
Chịu đủ bao đau đớn
Tuy họ chịu các khổ
Vẫn không gọi khổ hạnh.
Người trí dứt ba nghiệp
Cấu uế đều xả bỏ
Phật Thích-ca chỉ dạy
Dạy tất cả mọi người
Nên cầu cam lộ trời
Lại giảng nói chỉ quán
Lại trang sức trí tuệ
Đó gọi chân khổ hạnh,
Cần gì luống nhọc thân
Gây các khổ vô ích
Khổ này rất dài lâu
Rộng sâu không bờ mé.
Như có đứa con ác
Không được nó nuôi nấng
Chỉ gây ra tội ác
Do đó chịu các khổ.
Lúc ấy ngoại đạo kia
Bèn nói như thế này:
Các Tiên tu khổ hạnh
Cũng được sinh cõi trời.
Ưu-bà-tắc nói kệ
Trả lời ngoại đạo kia:
Các Tiên sinh cõi trời
Chẳng phải nhờ nằm gai
Do thí, giới, nói thật
Mà được sinh cõi trời.
Ông tuy sống khổ hạnh
Chẳng được lợi ích gì
Cũng như người nông phu
Mùa xuân không gieo giống
Đến thu chẳng có hạt
Để mà được thu hoạch.
Các ông cũng như vậy
Không gieo hạt giống lành
Chỉ tu các hạnh khổ
Cuối cùng chẳng được gì.
Hễ người muốn tu đạo
Phải nuôi dưỡng thân này
Dùng thức ăn uống ngon
Nuôi thân mạng đầy đủ
Khí lực có sung mãn
Mới tu Giới, Định, Tuệ.
Nhịn ăn chịu đói khát
Thân tâm đều lo buồn
Tâm không thể chuyên chú
Làm sao đạt Thánh quả?
Tuy ăn thức ăn ngon
Tâm chẳng đắm vị ngon
Chỉ giữ giới, nói thật
Bố thí, Nhẫn nhục, Định
Đó là những hạt giống
Sẽ được quả báo lành.
Thân tuy chịu đói khát
Mà tâm mong vị ngon
Nhân lành còn không có
Huống gì gặt quả ngon.
Nếu có tâm tàn hại
Khiến người khác sợ hãi
Nếu dứt tâm tàn hại
Cho người sự không sợ
Đó gọi là hành pháp.
Nếu còn tâm tàn hại
Gọi là không đúng pháp.
Các món ngon đầy đủ
Không có ý hại người
Vì không ý hại người
Nên không tổn hại họ.
Nếu khởi tâm Đại từ
Sẽ được quả lành lớn
Ông tuy tự nhịn ăn
Đói khát phải mê mệt
Cũng chẳng ích lợi gì.
Ngoại đạo nói thế này:
Nếu anh khởi từ tâm
Chưa hẳn đã lợi ích
Và được quả báo lớn
Nhịn đói mà ngủ nghỉ
Việc ấy cũng như vậy
Tuy không ích cho kia
Cũng được quả báo lành.
Ưu-bà-tắc đáp rằng:
Từ tâm trừ sân hại
Nhờ dứt trừ sân hại
Nên được quả báo lành.
Ông hành pháp khổ hạnh
Sự tức giận thêm lớn
Liền sinh thân miệng ác
Làm sao được quả lành?
Tâm từ không như thế
Nếu khi khởi tâm Từ
Thì dứt được sân hại
Vì không có sân hại
Nên sinh thân, miệng lành.
Vô ích hành khổ hạnh
Làm sao giống từ, thiện?
Thí như sư tử rống
Các thú chẳng dám gần
Như Lai vô ngại biện
Việc ấy cũng như vậy,
Tất cả các ngoại đạo
Không dám chống đối lại
Nói pháp dẹp ngoại đạo
Lặng im không đối đáp.
CHƯƠNG 8
Nghiệp thân, miệng không được tự tại chính là do nơi ý.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị Tỳ-kheo-ni đến nước Xa-già-la. Trong nước đó có một vị Bà-la-môn nướng thân trên lửa, mồ hôi từ trán, từ ngực, từ nách chảy xuống ròng ròng, cổ họng khô khốc, miệng lưỡi đều sưng dộp, không còn một giọt nước dãi. Bốn phía ông ta đều đốt lửa giống như nấu vàng, cũng như tóc vàng, cháy lên đỏ rực. Mặt trời mùa hạ rất nóng chiếu thẳng vào thân ông ta, lăn qua trở lại cũng không có chỗ tránh. Thân thể ông ta cháy đỏ như chiếc bánh trên chảo. Người Bà-la-môn này thường mặc áo vải thô, nướng thân bằng năm nguồn nhiệt.
Do đó mà người đương thời gọi ông là “Lũ hạt chích” (người mặc áo vải thô, nướng thân trên lửa).
Vị Tỳ-kheo-ni thấy việc ấy bèn bảo vị Bà-la-môn:
–Cái nên đốt thì ông không đốt. Còn cái không nên đốt thì ông lại đốt.
Người Bà-la-môn nghe nói vô cùng tức giận đáp:
–Này cô nàng trọc đầu xấu xí kia, cái gì nên đốt?
Vị Tỳ-kheo-ni nói:
–Ông muốn biết cái gì nên đốt phải không? Đó là ông chỉ cần đốt tâm tức giận của ông. Nếu đốt được tâm ấy thì đó gọi là đốt đúng đắn. Như chiếc xe trâu kéo, nếu xe không đi thì cần phải thúc trâu chứ không cần đánh xe. Thân này cũng như chiếc xe và tâm cũng giống như trâu kia. Do nghĩa này cho nên ông chỉ cần đốt tâm mà thôi, sao lại đốt thân? Lại nữa, thân như rừng cây, như tường vách, nó vô tri, dù có đốt thiêu nó cũng chẳng ích lợi gì.
Vị Tỳ-kheo-ni liền nói kệ:
Tâm như chủ thành
Chủ thành tức giận
Mới muốn tìm thành
Chẳng ích lợi gì!
Ví như sư tử
Có người kia dùng
Cung tên, ngói đá
Đánh, bắn sư tử
Thì sư tử kia
Rượt cắn người đó,
Không như chó ngu
Có người ném đá
Chó rượt ngói đá
Chứ không cắn người.
Nói về sư tử
Dụ cho người trí
Biết tìm cái gốc
Mà dứt phiền não,
Còn chó ngu si
Dụ cho ngoại đạo
Năm nguồn đốt thân
Không biết gốc tâm.
Bà-la-môn hỏi:
Sao gọi đốt tâm?
Tỳ-kheo-ni đáp:
Trí tuệ Tứ đế
Như bốn đống lửa
Tu đạo như trời
Phàm người trí tuệ
Với lửa Tứ đế
Mặt trời tu đạo
Dùng năm pháp này
Để đốt tâm kia.
Vì cái thân này
Không được tự do
Sao làm khổ thân?
Nếu muốn làm khổ
Hãy làm khổ tâm
Vì tâm là gốc
Làm khổ thân kia.
Đi đứng ngồi nằm
Chẳng phải thân làm
Chỉ vì tâm khiến
Chẳng phải do thân,
Lỗi tại nơi tâm
Sao làm khổ thân?
Nếu tâm lìa thân
Thân như gỗ, đá
Thế nên người trí
Nên trách tâm mình
Không làm khổ thân.
Ông đốt thân này
Bằng năm nguồn nhiệt
Cho là khổ hạnh
Nhờ đó đắc đạo
Thì người địa ngục
Chịu khổ vô lượng
Các thứ đau đớn
Cũng đắc đạo sao?
Bà-la-môn nói:
Việc khổ hạnh này
Là phát tâm làm
Được gọi tu đạo.
Chúng sinh địa ngục
Bị ép chịu khổ
Cho nên không được
Nói là tu đạo.
Tỳ-kheo-ni nói:
Nếu tự phát tâm
Mà được phước thì
Đứa bé chụp lửa
Cũng được phước sao?
Nhưng thật không được
Từ đó suy ra
Việc làm của ông
Năm nguồn đốt thân
Cũng không có phước.
Bà-la-môn nói:
Bé con, trẻ nít
Chưa hiểu biết gì
Cho nên không phước,
Còn tôi có trí
Tu khổ hạnh này
Năm nguồn đốt thân
Cho nên có phước.
Tỳ-kheo-ni nói:
Nếu cho có trí
Tu các khổ hạnh
Mà có phước thì
Người tìm chân châu
Gai đâm chảy máu
Mới lấy được châu
Cũng có phước sao?
Bà-la-môn nói:
Vì có tâm tham
Tuy bị chảy máu
Cũng không có phước.
Tỳ-kheo-ni nói:
Ông tu khổ hạnh
Tham vui cõi trời
Cũng không có phước
Nếu vì tham cầu
Thì không quả báo
Như người đi săn
Không được quả báo.
Như người bắt cá
Không được phước quả,
Nay ông thực hành
Hạnh khổ hạnh này
Cũng sẽ chẳng được
Cái vui cõi trời.
Nay vì sao ông
Thân tâm lăn lộn
Muốn hành khổ hạnh
Để hưởng vui trời ?
Trong pháp Phật ta
Không có loại pháp
Năm nguồn đốt thân
Hành pháp khổ hạnh
Để được vui trời,
Muốn được vui trời
Phải tu nói thật
Các công đức lành
Tuy tâm tham, sợ
Được sinh trời vui.
Ví như uống thuốc
Dù tham hay sợ
Đã uống thuốc rồi
Đều có công hiệu,
Nếu nói lời thật
Các công đức lành
Dù tham hay sợ
Ắt được vui trời.
Thời Bà-la-môn
Cạn lời hết ý
Không thể trả lời
Nên đứng im lặng.
Người đứng xung quanh
Đối với pháp Phật
Sinh tin, thanh tịnh
Rất mến chánh pháp
Nói với nhau rằng:
Lành thay! Pháp Phật
Có trí lực lớn
Sâu xa khó lường
Trí của ngoại đạo
Thật rất cạn cợt.
Ví như lửa hừng
Nếu táp vào người
Thì ai cũng sợ,
Ngọn lửa Phật pháp
Cũng lại như vậy
Chạm Bà-la-môn
Khiến y sợ hãi.
Hôm nay chúng ta
Được nghe pháp Phật
Luận nghĩa tối thắng
Đều nên quy ngưỡng
Cõi Niết-bàn Phật
Cung kính lễ bái
Nam-mô Thế Tôn.
Âm thanh êm dịu
Giảng nói chánh pháp
Người nữ trí cạn
Uống cam lộ Phật
Ở trước đại chúng
Nói pháp không sợ.
Đối với lời Phật
Ai không cung kính
Như Tỳ-kheo-ni
Trí tuệ nông cạn
Vẫn diệt kết sử.
Lời Đấng Mâu-ni
Nhất định khiến cho
Bà-la-môn này
Không thể đáp lại
Phải đứng lặng im.
CHƯƠNG 9
Dục như miếng thịt, bầy chim tranh nhau xâu xé. Người có trí biết rõ mối họa về tiền tài, của cải nên không tham đắm.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, tại nước Tu-bà-đa có một thầy Tỳ-kheo thấy chỗ bức tường đã đổ nát có kho tàng, trong đó có một cái chum đồng lớn, trong chum có nhiều tiền vàng. Thầy Tỳ-kheo dẫn một Ưu-bà-tắc nghèo đến chỉ chỗ vàng ấy và bảo:
–Ông hãy giữ lấy số tài sản quý báu này để làm của sinh sống.
Vị Ưu-bà-tắc hỏi thầy Tỳ-kheo:
–Thầy thấy kho báu này lúc nào?
Vị Tỳ-kheo đáp:
–Tôi mới thấy hôm nay.
Vị Ưu-bà-tắc nói:
–Chẳng phải hôm nay con mới thấy kho báu mà con đã thấy từ lâu lắm rồi, nhưng con không dùng. Xin thầy hãy nghe, con sẽ nói rõ sự thật về tai họa của những đồ quý báu này. Nếu ai giữ nó, nhà vua nghe được, người đó có thể sẽ bị xử tử, lưu đày hay giam cầm… những nỗi khổ như thế không thể kể hết.
Ông liền nói kệ:
Tôi thấy của báu này
Đã nhiều năm trôi qua
Của báu này độc hại
Còn hơn cả rắn độc
Vì thế đối với nó
Tôi không có tâm tham
Xem nó như rắn độc
Không tưởng là của quý.
Bị giam cầm lưu đày
Hoặc có khi phải chết
Tất cả các tai hại
Đều từ báu này ra
Gây ra các thứ khổ
Bị hại, rất đáng sợ
Thế nên đối kho báu
Tôi không dám tham gần.
Chúng sinh đắm vật báu
Cho đó là quý giá
Báu là vật nguy hại
Lầm tưởng là an vui
Có những lỗi như thế
Sao cho là quý báu?
Thân dơ bẩn như thế
Thích giữ gìn thân mạng
Rồi đây sẽ hoại diệt
Dùng trân bảo làm gì
Như bỏ củi vào lửa
Không khi nào nhàm đủ.
Tâm người cũng như vậy
Mong cầu không nhàm đủ
Nếu thầy thương xót con
Dạy con pháp ít muốn
Vì sao lại chỉ chỗ
Kho báu cho con thấy?
Hễ ít muốn biết đủ
Thì sinh lợi lạc lớn
Nếu người nhiều tham dục
Các căn thường tán loạn
Tham cầu không nhàm đủ
Hy vọng thêm khổ não,
Nhưng người đa dục này
Thường sinh tư tưởng dục
Tham lợi không cùng cực
Như miệng cá Ma-kiệt.
Chính người ít muốn kia
Không có khổ tham cầu
Tâm thường hoan hỷ luôn
Vui vẻ như ngày hội.
Khi Ưu-bà-tắc ca ngợi pháp ít muốn biết đủ, Tỳ-kheo kia sinh tâm ít có, khen ngợi:
–Lành thay! Lành thay! Đúng là bậc Trượng phu. Tuy thân không mặc pháp phục mà tâm đã xuất gia, thuận theo lời Phật, biết pháp ít muốn, ít muốn là pháp mà chư Phật đều khen ngợi.
Thầy Tỳ-kheo nói:
–Những lời ông đã nói, tóm lại, là những lời quở trách rất sâu sắc, làm cho tôi vô cùng hối lỗi. Ông hiện đang sống tại gia cùng vợ con, quyến thuộc và tôi tớ, đúng ra phải tham cầu để phát triển tài sản, vậy mà ông lại nghe lời Phật dạy, khen ngợi hạnh ít muốn. Dù cho người có lưỡi bằng sắt cũng không thể chê bai hạnh ít muốn biết đủ. Giờ đây, tôi tuy xuất gia, thân mặc pháp phục, tướng đồng với Samôn, nhưng thật không biết pháp Sa-môn mới xúi giục ông những việc đa dục, không biết khen ngợi pháp ít muốn mà Đấng Pháp Vương khen ngợi, trong khi pháp ít muốn là nguồn gốc của các điều thiện, như trong kinh Phật cũng dạy ít muốn là gốc của Sa-môn. Xưa kia, Đức Như Lai đi khất thực, nếu có thức ăn dư, Ngài ban cho các thầy Tỳ-kheo, hoặc bỏ xuống sông cho các loài vật ăn. Bấy giờ, có hai thầy Tỳ-kheo đi khất thực bị thiếu thức ăn nên trông có vẻ đói lắm. Họ từ bên ngoài đi vào, Đức Phật trông thấy, Ngài bèn hỏi: “Hiện Ta còn thức ăn, các thầy có dùng không?”
Một thầy nói: “Đức Như Lai Thế Tôn nói hạnh ít muốn có công đức lớn. Nay tại sao ta lại vì tham thức ăn này mà ăn ư?”. Thầy Tỳ-kheo thứ hai lại nói: “Rất khó được gặp thức ăn dư của Đức Như Lai Thế Tôn. Các Phạm thiên, Đế Thích, Thiên vương đều cung kính đội trên đầu thức ăn dư ấy. Bấy giờ, nếu ta ăn sẽ được lợi ích, sức khỏe an vui, nói năng lưu loát. Bởi vì thức ăn này rất khó được gặp, sao ta lại không ăn?”
Khi ấy Đức Thế Tôn ngợi khen thầy Tỳ-kheo không ăn: “Lành thay! Vị Tỳ-kheo tu theo lời Phật dạy, thực hành pháp ít muốn. Còn thầy Tỳ-kheo thứ hai này tuy nghe theo lời Phật mời, ăn thức ăn dư của Phật nhưng không được khen ngợi. Vì thế nên biết rằng pháp ít muốn là điều căn bản mà Đức Phật đã ấn khả và răn dạy.”
Ngài liền nói kệ:
Người muốn được pháp lợi
Phải thực hành pháp ít muốn
Pháp ít muốn như thế
Chính là chuỗi anh lạc
Trang nghiêm của bậc Thánh.
Đời này buông gánh nặng
Không lo, được vui sướng
Chính là cửa đầu tiên
Để vào nhà Niết-bàn.
Ngăn chận các ma quân
Phòng hộ, chắn các nẻo
Thoát ra cảnh giới ma
Được quyền lực vô thượng
Giữ giới như biển lớn
Ít muốn như sóng biển
Thường vì các công đức
Làm cái dù che kín
Kẻ mệt vì tham cầu
Được an nghỉ trong ấy.
Gần gũi người ít muốn
Cũng giống như sữa bò
Lạc, tô và đề hồ
Được lấy ra từ đấy,
Ít muốn cũng như vậy
Sinh ra các công đức
Người dang tay bố thí
Tay ấy là đẹp hơn
Người nhận rụt tay lại
Đẹp hơn lại hơn kia.
Nếu người nói bố thí
Giá lời ấy khó lường
Người nhận nói: tôi đủ
Khó lường lại hơn kia.
Nếu muốn được pháp này
Nên gần người ít muốn.
Thế Tôn nói ít muốn
Tức là pháp Thánh chủng
Ít muốn không tài vật
Giới, văn, tuệ thêm lớn.
Pháp ít muốn như thế
Pháp thực của xuất gia
Tuy rằng có khát ái
Nhưng không thể làm não
Vừa an vui kiếp sau
Hiện tại cũng an ổn.
CHƯƠNG 10
Người biết đủ tuy nghèo mà giàu, người không biết đủ tuy giàu mà nghèo. Nếu Thánh trí đầy đủ thì đó là rất giàu.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một vị Ưu-bà-tắc bị người chê trách là nghèo mạt rệp. Nhưng vị Ưu-bà-tắc này ưa thích pháp biết đủ mà Phật khen ngợi, liền thuận theo pháp tướng mà nói kệ:
Không bệnh, được lợi nhất
Biết đủ giàu bậc nhất
Bạn lành thân thích nhất
Niết-bàn an vui nhất.
Ưu-bà-tắc nói kệ xong bèn bảo người kia:
–Như Đức Phật dạy biết đủ thì giàu, tại sao ông nói tôi là người nghèo nàn?
Ông ta lại nói kệ:
Tuy có các của báu
Vật thường dùng dồi dào
Mà không tin Tam bảo
Cũng gọi rất nghèo nàn.
Tuy chẳng có của báu
Và các vật thường dùng
Nhưng kính tin Tam bảo
Cũng gọi là giàu nhất.
Nay ta kính Tam bảo
Đức tin là của báu
Người vì duyên cớ gì
Bảo ta là kẻ nghèo?
Đế Thích, Tỳ-sa-môn
Tuy nhiều các vật báu
Nhưng khi họ bố thí
Không thể xả tất cả.
Tâm ta thích biết đủ
Đối các vật quý báu
Không có tâm tham đắm
Tất cả đều xả được.
Kho tàng người giàu sang
Có nhiều các châu báu
Nước, lửa và trộm cướp
Đều có thể xâm đoạt,
Khi người đó mất của
Thì rất là khổ não
Thầy thuốc và thuốc hay
Không thể trị khổ kia.
Ta lấy tín làm báu
Không ai chiếm đoạt được
Tâm ý thường an vui
Không lo buồn khổ não.
Nói kệ xong, Ưu-bà-tắc lại nói:
–Thế nên biết rằng: tuy có kho tàng, voi ngựa, bảy báu, các vật dùng mà không biết đủ thì cũng gọi là nghèo. Cho nên Phật dạy:
Người biết đủ giàu có nhất.
Mọi người nghe xong đều khen ngợi:
–Lành thay! Đúng là những lời dạy chân chánh, có đại trí tuệ, là đấng đại trượng phu.
Mọi người nói với nhau:
–Từ nay về sau ai tuy không có tài sản, vật báu nhưng có tín tâm, chúng ta gọi đó là người giàu có. Khổ nhọc để thu góp tiền của, đều cho là vui, vì muốn cung cấp cho gia đình, quyến thuộc, giúp họ không thiếu thốn. Những niềm vui như thế chính là thân vui trong hiện tại. Của báu tín tâm sẽ kéo dài trong nhiều đời là tài sản quý báu tha hồ dùng ở cõi trời, cõi người. Thế nên biết rằng lòng tin là tài sản vật báu bậc nhất. Với tài sản tín tâm này sẽ được thọ hưởng sự vui sướng trong khi còn sinh tử, không có các khổ não. Vàng bạc, châu báu có thể sinh ra tai họa, ngày đêm lo sợ người khác cướp lấy và có tám điều nguy hại. Vì tham đắm cho nên chịu khổ nhiều đời. Nhờ có tín tâm cho nên đạt được giới tài, thí tài, định tài, tuệ tài. Còn nếu không có tín tâm làm sao có được những tài sản như vậy. Vì thế nên tài sản tín tâm là bậc nhất. Ta có thứ tài sản này cho nên đối với mọi người, ta tự cho là rất giàu có. Thuở xưa, ta đã tích lũy nhiều nghiệp lành, do đó những điều mà ngày nay ta đạt được là nhờ vào tín tâm, biết đủ.
Họ liền nói kệ:
Nhờ có được tín tâm
Nên không gây điều ác
Tất cả các công đức
Do lòng tin làm ra
Tín như sông, mũi tên
Vút cuộn đi rất nhanh
Thường làm cho tâm ý
Mau thực hành pháp lành
Ai có nhiều của báu
Mà hơn người giàu tín
Tuy có nhiều của báu
Mất đi sẽ nghèo nàn
Khi người đó chết đi
Bỏ của đi một mình
Không theo đến đời sau,
Tài sản tín không mất
Luôn như bóng theo hình
Nhiều kiếp hưởng vui sướng.
Người đời chứa của báu
Hay sinh tâm tham dục
Tài sản tín không vậy
Ai thấy cũng vui mừng.
Đối với các của báu
Của báu tín trên hết
Trình bày rõ nghĩa này
Đấng Mâu-ni đã nói.
Thế nên ta chẳng nghèo
Của báu tin là hơn
Chỉ tín là của báu
Ngoài ra không gọi tài.
Bố thí với tín tâm
Tài vật được thêm nhiều
Bố thí không tín tâm
Quả báo chẳng là bao.