SỐ 201
ĐẠI TRANG NGHIÊM KINH LUẬN
Tác giả: Bồ-tát Mã Minh.
Hán dịch: Đời Diêu Tần, Tam tạng Pháp sư Cưu-ma-la-thập.
Việt dịch: Linh-Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 11
CHƯƠNG 61
Người có chút ít trí tuệ thấy Đức Phật tướng hảo còn sinh tâm lành, huống gì người có trí tuệ phước đức lớn lao mà không sinh được tâm lành hay sao?
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, Đức Phật ngự tại nước Xá-vệ. Bấy giờ vua Ba-tư-nặc thỉnh Phật và chúng Tăng an cư chín mươi ngày mùa hạ. Nhà vua cho tập trung đàn bò ở gần tinh xá để vắt sữa cúng dường Đức Phật.
Lúc ấy, có một ngàn Bà-la-môn vì tham lấy sữa bò nên theo sát bên những người chăn bò. Những người chăn bò nghe Bà-la-môn tụng Vi-đà đều thông suốt lanh lợi, khéo léo phân biệt rõ ràng, có Bà-lamôn chỉ có danh mà thật sự không hiểu biết; lại có Bà-la-môn biết rõ chú thuật mà không hiểu sách Vi-đà, hoặc có Bà-la-môn hiểu rõ Vi-đà mà không biết chú thuật.
Sau khi Thế Tôn an cư bốn tháng mùa hạ xong(2), vào ngày Tự tứ, Vua ra lệnh cho những người chăn bò:
–Nay trẫm không cần sữa nữa, các ngươi xem nơi nào có đồng cỏ và nguồn nước thì thả bò ra!
Vua lại ra lệnh:
–Khi các ngươi đi thì phải đến từ giã Đức Phật, nếu Ngài có nói pháp các ngươi hãy lắng nghe.
Những người chăn bò suy nghĩ: “Đức Phật Thế Tôn có phải là
Bậc Nhất Thiết Trí hay không?” Nghĩ rồi, họ đến rừng Kỳ-đà, tới chỗ Đức Thế Tôn.
Bấy giờ Đức Thế Tôn ngồi dưới gốc cây, có đại chúng vây quanh. Biết những người chăn bò đi vào rừng, Ngài liền vì họ mà làm cho mỗi lỗ chân lông trên thân Ngài phát ra các thứ ánh sáng.
Ánh sáng đó chiếu khắp cả khu rừng giống như khối vàng sáng rực, lại giống như mưa dầu rơi xuống rót vào trong lửa. Những người chăn bò nhìn không biết chán, liền sinh ý nghĩ cho là ít có khó gặp và nói với nhau:
–Ánh sáng này giống như hoa Chiêm-bặc, đầy khắp trong rừng, là ánh sáng gì vậy?
Họ liền nói kệ:
Rừng này rất sáng đẹp
Ánh sáng chợt khác thường
Có phải rừng báu trời
Dời đến vườn này chăng?
Sáng rực như lầu vàng
Cũng như cờ thiên đế
Sáng hơn cả ánh chớp
Sáng rực hơn lửa dầu
Hay hai trời Nhật, Nguyệt
Xuống chơi trong rừng này?
Nói kệ xong, những người chăn bò đi đến rừng Kỳ-đà, tới chỗ Đức Thế Tôn. Thấy vầng sáng tròn bao quanh Phật như trăm ngàn mặt trời, ba mươi hai tướng tốt rực rỡ của Bậc Đại Nhân sáng chói rõ ràng, mỗi người đều vui mừng, sinh ý nghĩ cho là ít có, cùng nhau khen ngợi và nói kệ:
Thân vương tử họ Thích
Trang nghiêm rất sáng đẹp
Oai quang thật rực rỡ
Thấy Ngài sinh vui mừng
Thân tâm đều vui sướng.
Lành thay Đấng Thanh Bạch!
Vắng lặng không sợ hãi
Nói qua sắc tướng Ngài
Khéo đáng gọi Chủng trí
Thế gian đều truyền nói
Chân thật không luống dối
Đều gọi là Phật-đà.
Ai cũng đều gọi Phật
Ghi nhớ chặt vào tâm
Miệng cũng nói như thế
Sơ lược điều quan trọng
Không thể nói đầy đủ
Nói chung điều cốt yếu:
Mặt trời trong họ Thích
Tên thật xứng với tướng
Tướng cũng xứng với tên
Tướng hảo và phước lợi
Hiển hiện thật sáng tỏ.
Giống như các vật báu
Tự trang sức khắp mình
Oai đức thật sáng ngời
Vầng sáng tròn một tầm.
Giống như núi vàng ròng
Thu hút mọi người nhìn
Chiêm ngưỡng không muốn rời
Được mọi người yêu kính.
Thể là Nhất thiết trí
Như người nói thật lớn
Mà xướng như thế này:
Bậc Nhất Thiết Chủng Trí
Nay ở trong thân này
Trí tuệ vượt thế gian
Chắc chắn ở trong đấy
Có trí công đức gì?
Chưa thấy trí như vậy
Thân tốt đẹp như thế
Chân thật kham nhận được
Khéo léo hơn tô vẽ,
Chưa từng thấy thân này
Không còn sinh nghi ngờ
Chẳng phải Nhất Thiết Trí
Hình dung đẹp như thế
Công đức ắt đầy đủ
Có hình tướng đẹp này
Không bao giờ vô đức
Nên phải hiểu chắc chắn
Không nên theo lời nói.
Bấy giờ những người chăn bò nói như vầy:
–Bạch Đức Thế Tôn, chúng con cần phải hiểu cho chắc chắn! Họ lại nghĩ: “Chúng ta là người chăn bò đâu có năng lực trí tuệ gì để hiểu rõ nhưng cũng nhất quyết hiểu biết cho kỳ được! Vậy làm sao để biết đây?” Rồi lại nói:
–Đối với việc chăn bò, chúng ta có thể biết rành rẽ, còn Đức Phật sinh trong cung vua, là người có năng lực trí tuệ, học hiểu tất cả các kỹ thuật, nhưng chắc có lẽ Ngài không biết cách chăn bò đâu?
Bây giờ chúng ta nên hỏi việc chăn bò, chắc chắn Ngài không biết!
Họ liền nói kệ:
Vi-đà và bắn cung
Y thuật và cúng tế
Thiên văn cùng thanh luận
Văn chương căn bản luận
Lập ra luận tế trời
Nguồn gốc của các luận,
Luận biện bác khéo léo
Luận khéo học dâm dật
Luận tìm cầu tài lợi
Luận dòng họ thanh tịnh,
Luận tất cả muôn vật
Luận mười thứ tên họ
Luận toán số, tính lường
Luận cờ vây, bài bạc,
Luận sách học nguyên bản
Luận âm nhạc, ca múa
Luận thổi ốc ca hát
Luận nhảy múa, hài hước,
Mánh khóe và trường lớp
Luận lắc các vòng hoa
Các bộ luận như thế
Đều thông suốt hoàn toàn.
Xoa bóp hết mệt nhọc
Phân biệt giá Ma-ni
Cách phân biệt y phục
Màu sắc và dấu in
Máy móc và keo dán
Thuật bắn gần hay xa,
Lại khéo biết chặt, cắt
Chạm trổ thành các tượng
Văn chương và viết, vẽ
Đều thông suốt tất cả.
Lại còn khéo biết cách
Hòa hương, làm tràng hoa
Khéo biết cách đoán mộng
Khéo biết tiếng chim muông
Khéo biết tướng nam nữ
Biết cách điều voi, ngựa,
Lại khéo biết tiếng trống
Cho đến cách đánh trống
Khéo biết cách chiến đấu
Biết rõ cách hòa giải,
Cách điều ngựa, múa giáo
Khéo biết cách chạy nhảy
Khéo biết cách bước đi
Khéo biết cách cứu giúp
Các cách thức như vậy
Tất cả đều biết rõ.
Các trí tuệ kỹ năng vượt bậc như thế vương tử đều thông suốt. Nếu Ngài biết những việc đó thì vì đó là sở học của Ngài, nên không có gì là lạ, còn nếu Ngài biết cách chăn bò là việc của hàng thứ dân cạn cợt thì biết Ngài quả thật là Bậc Nhất Thiết Trí.
Lúc bấy giờ người chăn bò hỏi Đức Phật:
–Bạch Đức Thế Tôn, có mấy phương pháp chăn bò, giúp đàn bò ngày càng tăng thêm về số lượng?
Đức Phật dạy:
–Có mười một phương pháp chăn bò, giúp đàn bò ngày càng tăng thêm về số lượng, không bị ít đi. Nếu không biết sắc, không biết tướng, không biết dậy sớm… cho đến quét dọn, không biết băng bó vết thương, không biết un khói, không biết dẫn chúng đi đường lớn, không biết cách làm cho đàn bò đi lại được thoải mái, không biết cách dẫn lội nước, không biết nơi thả bò cho tốt, không biết cách vắt sữa đừng để sót, không biết cách xử lý đối với chủ khi bò bị mất trộm.
Nếu không hiểu rõ các pháp như thế thì không gọi là biết cách chăn bò, còn như hiểu được pháp này thì gọi là biết cách chăn bò.
Nghe Đức Phật dạy những điều ấy, những người chăn bò vui mừng thưa như vầy:
–Bạch Đức Thế Tôn, những người chăn bò lâu năm còn không biết được những pháp ấy, huống gì lũ chúng con làm sao biết được mười một phương pháp này. Vì vậy nên biết Đức Như Lai Thế Tôn thật là Bậc Nhất Thiết Trí.
Những người chăn bò sinh tâm tin hiểu, xin Phật xuất gia. Đức Phật liền nói cho họ nghe:
–Có mười một pháp, Tỳ-kheo nên học… như trong kinh có nói rộng.
CHƯƠNG 62
Bậc Đại nhân chỉ mong giữ gìn đức hạnh chứ không cầu mong cúng dường và cung kính.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, sau chín mươi ngày hạ an cư trong vườn ông Cấp Cô Độc rừng cây thái tử Kỳ-đà tại nước Xá-vệ xong, Đức Như Lai định ra đi thì trưởng giả Tu-đạt-đa liền thỉnh ở lại nhưng Ngài không nhận lời.
Các Ưu-bà-di như bà Tỳ-xá-khư Lộc Tử Mẫu…, cũng cầu thỉnh Phật, nhưng Phật cũng không nhận. Các Ưu-bà-tắc và các quan đại thần, phụ tướng kỳ cựu… trong nước Xá-vệ cũng cầu thỉnh Đức Phật, các anh em vua Ca-tỳ-lê… và các vương tử Kỳ-đà, vua Ba-tư-nặc… cũng cầu thỉnh Phật nhưng Ngài cũng không nhận lời.
Không được toại nguyện vì Đức Phật không nhận lời, trưởng giả Tu-đạt-đa trở về nhà buồn bã khóc than.
Trước kia, khi Như Lai còn làm Bồ-tát, Ngài đến chỗ các đạo sĩ Ca-lan và Uất-đầu-lam-phất. Lúc từ giã đồ chúng của họ, Ngài còn buồn khổ, huống gì Tu-đạt-đa, là người đã thấy được Chân đế, là Ưubà-tắc phụng sự Đức Phật đã lâu làm sao tránh khỏi buồn rầu khi thấy Đức Thế Tôn ra đi. Như trong kinh Bản Hạnh có nói rộng.
Lúc ấy, Phúc-lê-già là người tớ gái của trưởng giả Tu-đạt-đa từ bên ngoài đem nước đến chỗ trưởng giả đổ vào bồn lớn. Chưa đổ xong thì thấy trưởng giả buồn bã than khóc, Phúc-lê-già liền đặt bình xuống đất, thưa với trưởng giả:
–Thưa trưởng giả, vì sao ngài buồn khóc như vậy?
Trưởng giả Tu-đạt-đa đáp:
–Đức Thế Tôn định đi nơi khác. Các đại trưởng giả, quốc vương, đại thần, đều cầu thỉnh nhưng Ngài không bằng lòng ở lại cho nên ta buồn khóc như vậy.
Đứa tớ gái thưa với trưởng giả:
–Thưa trưởng giả, trưởng giả không thể thỉnh Đức Phật ở lại trong nước được sao?
Trưởng giả nói:
–Ta đã hết sức cầu thỉnh và nhiều người, nhiều Bà-la-môn trong thành cũng đều cung thỉnh nhưng Ngài vẫn không nhận lời.
Các vua và các đại thần cung thỉnh Đức Như Lai, tất cả đều rất nhọc sức nhưng không thể làm cho Ngài ở lại. Nay Bậc Chân Tế của thế gian nhất định ra đi. Vì luyến tiếc, kính mến Ngài nên họ buồn bã không vui.
Trưởng giả nói tiếp:
–Không phải chỉ riêng mình ta buồn khổ mà mọi người trong nước Xá-vệ cũng không vui.
Trưởng giả liền nói kệ:
Người trong nước Xá-vệ
Già trẻ và trai gái
Tất cả đều lo buồn
Ví như lúc nguyệt thực
Mọi người đều lo sợ
Đều cùng nhau cầu thỉnh.
Khi nghe kệ xong, Phúc-lê-già vui mừng, hớn hở thưa với trưởng giả:
–Thưa trưởng giả, ngài nên vui vẻ, đừng lo buồn nữa! Con có thể thỉnh Đức Phật ở lại được.
Tu-đạt-đa liền nói:
–Từ quốc vương cho đến mọi người trong nước còn không thỉnh Đức Như Lai ở lại được, giờ đây ngươi dám nói có thể thỉnh Ngài ở lại, ta không tin!
Phúc-lê-già thưa:
–Thưa trưởng giả, con chắc chắn làm được!
Nghe Phúc-lê-già nói, trưởng giả Tu-đạt-đa vui hẳn lên, liền hỏi:
–Ngươi có năng lực gì?
Phúc-lê-già thưa:
–Thưa trưởng giả, con không có năng lực gì hết mà chính Đức Thế Tôn có tâm Đại bi!
Vị ấy nói kệ:
Bậc Nhất Thiết Chủng Trí
Như người mẹ thương con
Mong dạy dỗ con mình
Tâm không hề mỏi mệt,
Chúng sinh đắm vào hữu
Phật thường muốn cứu vớt
Ví như mẹ mất con
Tìm cho được mới thôi.
Con nắm áo Đại bi
Chắc chắn Ngài trở về.
Phật không phân dòng họ
Giàu sang và đẹp xấu
Tài sắc hay tốt xấu
Chỉ xét có lòng tin
Người căn lành thành thục
Nếu thấy chúng sinh này
Liền thương xót cứu giúp.
Nay con giữ Phật lại
Nhân dân ở trong nước
Tất cả đều vui mừng.
Đang gánh nước, áo còn ướt đẫm chưa khô, Phúc-lê-già cùng với các bạn đi đến Kỳ hoàn. Lúc ấy nhà vua và mọi người đang ở tinh xá Kỳ hoàn, mọi người đều tránh đường để Phúc-lê-già đến chỗ Phật.
Các căn lành đã trồng trước kia, nay đều hiển hiện, Phúc-lê-già lớn tiếng thỉnh Phật và nói kệ:
Nhà vua và đại thần
Sát-lợi, Bà-la-môn
Tất cả người cao quý
Đều cúng dường Đức Phật.
Nay tâm con ao ước
Cũng muốn được cúng dường
Nay xin thỉnh cầu Phật
Mong Thế Tôn nghe cho.
Tuy biết các vị quý
Cầu thỉnh Đức Thế Tôn
Như Lai đại Từ bi
Xin nhận lời con thỉnh,
Tâm Thế Tôn bình đẳng
Không phân biệt cao, thấp
Kẻ nghèo hèn, thấp kém
Và cao sang, Đế Thích
Con sợ biển nghèo nàn
Lặn hụp trong các khổ
Chìm đắm mãi không thôi
Thường nghe tiếng khổ não,
Thế Tôn nên thương xót
Cứu vớt khỏi lửa nghèo
Nay con rất kính tin
Bậc hơn cả trong chúng.
Xin Đại Bi chứng biết
Mặt đất và hư không
Trong tất cả thế giới
Đều thấy biết tất cả
Không có gì không rõ
Chỉ Phật thấy đầy đủ
Tất cả đều biết hết,
Nay con không có gì
Cúng Phật và chúng Tăng
Chỉ có tin, nhận, hiểu
Thân này chẳng của mình
Thuộc người, không tự do
Không được theo Đức Phật
Cúi xin nhận lời con!
Nếu Phật bỏ đi xa
Tâm con như say cuồng
Sắc thân đã cúng dường
Nếu Phật ở lại đây
Con được kính Pháp thân
Pháp do Phật nói ra
Con đều thực hành được.
Lành thay! Cúi xin Ngài
Ở lại giáo huấn con.
Sang hèn không khác nhau
Chắc thật trong chúng sinh
Cùng tất cả thế gian
Làm người bạn không mời.
Màng lưới bao các ngón
Tay có bánh xe đẹp
Tất cả đều sợ hãi
Phật dùng tay an ủi.
Ai có tâm Đại bi
Bủa khắp cả thế gian
Đều là lời Chân tế
Lục sư xưng Chủng trí
Xưa đã điều phục họ?
Ai ở trước đại chúng
Tiếng Sư tử không sợ
Tiếng khen khắp ba cõi
Lay động khắp tất cả
Thế giới đều nghe biết?
Ai không có lỗi lầm?
Chỉ có Phật Thế Tôn.
Lành thay! Xin hòa vui
Tâm về nương Tam bảo
Giống như con nhớ mẹ.
Ngài vì các chúng sinh
Tu khổ hạnh khó làm
Chịu khó đi đến đây
Nói tám con đường chánh
Mở bày nẻo cam lộ
Người trí làm pháp khí.
Bấy giờ căn lành của Phúc-lê-già đã thuần thục. Đức Phật Bà-già-bà phát ra tiếng Phạm âm, dùng kệ bảo Phúc-lê-già:
Ngươi đã khéo tìm cách
Làm cho Ta ở lại
Ngươi dùng lời móc câu
Chế ngự các voi mạnh,
Ngươi có chí bền vững
Có độ lượng rộng rãi
Đã dùng tâm tha thiết
Cầu thỉnh Ta ở lại
Giờ đây Ta làm sao
Không nhận ngươi thỉnh được?
Nếu xa quán tâm ngươi
Còn phải nên đi đến
Huống giờ đứng trước ngươi
Mà nỡ bỏ đi sao?
Ta không vì tài lợi
Giàu sang và tiếng khen
Vì thật tâm của ngươi
Ta sẽ ở đây lâu.
Thấy tâm ngươi thanh tịnh
Giống như ngựa tài giỏi
Trang sức yên và dây
Ai không cỡi dạo chơi?
Ta đã vì mọi người,
Vì gây nhân giải thoát
Cho nên lìa gia đình
Không bị lợi dưỡng buộc
Giống như con voi mạnh
Dùng tơ sao buộc được?
Lợi dưỡng cũng như vậy
Không thể ngăn cấm Ta.
Lúc Ta ở trong thai
Trong chỗ tối tăm kia
Còn nghĩ lợi chúng sinh
Huống nay thành Chánh giác?
Khổ hạnh chứa vô lượng
Vẫn thường tự khô cạn
Nếu không vì chúng sinh
Ta đã nhập Niết-bàn
Vì muốn độ chúng sinh
Cho nên ở lại đời.
Ta vì các chúng sinh
Nhảy xuống vực, vào lửa,
Ta vì giáo hóa họ
Không nệ các khổ não,
Cũng không từ khó nhọc
Làm mãn nguyện Lê-già
Cho nên phải ở lại.
Phúc-lê-già nên biết,
Ta giúp ngươi mãn nguyện
Ta vì độ chúng sinh
Gánh vác lũ rắn độc
Ta ở vì Phúc-già.
Chúng sinh thành Xá-vệ
Đều sinh tâm ít có
Cùng nói lời như vầy:
Vui thay! Phật ít có
Không nhận lời của vua
Không nhận lời đại thần
Lời thỉnh người trong thành,
Không vì lời người nữ
Dịu dàng và mềm mỏng
Phật là người giáo hóa
Thấy nàng có tâm lành
Nên quyết định ở lại.
Tất cả việc đi, ở
Biết Phật vì Phúc-già
Cho nên phải ở lại
Không vì các lợi dưỡng
Danh lợi và tài vật.
Phật không các kết sử
Vì người được giáo hóa
Đi đứng và nằm ngồi
Thường xem xét chúng sinh
Ngài vì các chúng sinh
Đáng đi thì đi ngay
Đáng ở thì cứ ở.
CHƯƠNG 63
Phải giữ gìn giới cấm, thà xả bỏ thân mạng chứ không bao giờ hủy phạm.
Tôi từng nghe:
Thuở xưa, có một thầy Tỳ-kheo theo thứ lớp đi khất thực, đến tiệm xâu ngọc đứng ở ngoài cửa. Lúc ấy người thợ đang xâu ngọc Ma-ni cho nhà vua, thầy Tỳ-kheo đi qua, màu y ánh vào viên ngọc làm cho nó có màu đỏ hồng. Người thợ vào nhà lấy thức ăn cúng dường thầy Tỳ-kheo, lúc ấy có một con ngỗng thấy viên ngọc màu đỏ giống như miếng thịt liền đến mổ và nuốt mất. Đem thức ăn cúng dường thầy Tỳ-kheo xong, người thợ tìm viên ngọc nhưng không thấy. Viên ngọc quý giá này là vật của vua. Nhà người thợ làm ngọc đã nghèo khổ nay lại làm mất ngọc quý của vua nên trong lòng khiếp sợ, bèn nói với vị Tỳ-kheo:
–Thầy ơi, hãy trả ngọc quý lại cho tôi!
Lúc ấy, thầy Tỳ-kheo suy nghĩ: “Viên ngọc ấy bị con ngỗng nuốt, nếu ta nói ra thì người thợ chắc chắn sẽ giết con ngỗng để lấy viên ngọc. Như vậy sự khổ sẽ đến với ta! Ta phải làm cách nào để tránh khỏi tai họa này?”
Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:
Nay vì giữ mạng ngỗng
Thân ta chịu khổ não
Không còn cách nào khác
Lấy mạng ta thay ngỗng.
Nếu cho người thợ biết
Rằng chính do ngỗng nuốt
Người kia chưa chắc tin
Mà còn giết con ngỗng.
Ta phải làm cách nào
Để cứu được thân mình
Lại không hại ngỗng kia?
Nếu nói người khác lấy
Nói như vậy không được
Dù cho mình không lỗi
Cũng không nên nói dối.
Ta nghe Bà-la-môn
Vì sống được nói dối
Ta nghe Tiên thánh nói
Thà xả bỏ thân mạng
Không bao giờ luống dối.
Phật nói kẻ cướp ác
Bị cưa cưa đứt thân
Dù chịu sự đau đớn
Không bao giờ hủy pháp,
Nói dối được toàn mạng
Vẫn còn không nên làm
Thà có tâm giữ giới
Mà xả bỏ thân mạng.
Nếu ta nói dối thì
Những vị cùng phạm hạnh
Chê bai ta phá giới
Khinh chê ta như vậy
Giống như đốt tâm ta.
Vì những lý do ấy
Không nên phá giới cấm
Nay phải chịu khổ lớn
Ta phải nên học như
Ngỗng uống sữa pha nước
Chỉ uống hết phần sữa
Còn chừa lại phần nước
Nay ta cũng phải vậy
Bỏ ác mà lấy thiện.
Trong kinh dạy như vầy
Người trí và trẻ ngu
Tuy cùng làm một việc
Nhưng không theo việc ác
Người lành bỏ điều ác
Như ngỗng uống sữa nước.
Nay ta bỏ thân mạng
Vì mạng sống ngỗng kia
Bởi vì ta giữ giới
Để thành đạo giải thoát.
Khi nghe kệ ấy xong, người thợ xâu ngọc nói với thầy Tỳ-kheo:
–Trả viên ngọc lại cho tôi! Nếu không trả lại thì thầy phải chuốc lấy khổ não, không thể bỏ qua được.
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Ai lấy ngọc của ông!
Và thầy đứng im lặng. Người thợ nói:
–Ở đây không có người nào khác, ai lấy viên ngọc ấy?
Khi đó người thợ xâu ngọc liền đóng cửa lại rồi nói với thầy Tỳ-kheo:
–Bây giờ, thầy cứ ngoan cố đi!
Thầy Tỳ-kheo nhìn khắp bốn phía nhưng không biết nhờ cậy ai. Giống như con nai đi vào vườn mà không biết lối ra, thầy Tỳ-kheo không cầu cứu được ai cũng lại như vậy.
Bấy giờ thầy Tỳ-kheo tự thúc liễm thân, sửa y phục ngay ngắn.
Người thợ lại nói:
–Bây giờ, ông có muốn đấu với ta không?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Tôi không muốn đấu với ông! Tôi tự đấu với bọn giặc kết sử kia. Sở dĩ như vậy là vì tôi e rằng khi đánh nhau thân thể sẽ lộ liễu ra ngoài, mà Tỳ-kheo chúng tôi dù cho có khốn khổ nhưng lúc lâm chung y phục vẫn thường tự che kín, không để lộ thân thể.
Thầy Tỳ-kheo lại nói kệ:
Thế Tôn biết hổ thẹn
Nay ta tu học theo
Cho đến lúc qua đời
Không để lộ thân thể.
Người thợ nói với thầy Tỳ-kheo:
–Vậy thầy không tiếc thân mạng hay sao?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Theo pháp xuất gia của tôi thì đến khi giải thoát cũng thường giữ gìn thân mạng, dù ở trong chỗ hiểm nạn vẫn giữ gìn thân mạng.
Nay tôi nhất định bỏ thân này để chúng xuất gia khen ngợi tên tôi.
Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:
Khi tôi bỏ thân mạng
Ngã xuống như củi khô
Khiến cho người ngợi khen
Vì ngỗng mà bỏ thân
Cũng khiến cho người sau
Đều buồn bã thương tiếc.
Xả bỏ thân mạng này
Người nghe siêng tinh tấn
Tu hành theo đạo chân
Giữ vững các giới cấm
Nếu có ai hủy giới
Nguyện cho ưa giữ giới
Bấy giờ người thợ nói với thầy Tỳ-kheo:
–Vừa rồi, ông đã nói những lời tà vạy không chân thật mà lại muốn cho người khác khen ngợi tên mình.
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Ông cho rằng tôi mặc chiếc y nhuộm này là hư dối hay sao?
Tại sao phải khoe khoang cái tốt? Vì không tà vạy nên tự vui mừng, cũng không phải vì muốn người khác khen ngợi tên tôi mà chính là muốn cho Đức Thế Tôn biết rõ tâm chí thành của tôi.
Vị Tỳ-kheo liền nói kệ:
Đệ tử của Đức Phật
Vì giữ gìn giới cấm
Xả bỏ thân khó bỏ
Khiến những người thế gian
Sinh tâm chưa từng có,
Đối các vị xuất gia
Giờ tuy chưa sinh tâm
Tương lai ắt sẽ sinh.
Khi ấy, người thợ trói thầy Tỳ-kheo lại rồi dùng gậy đánh và hỏi:
–Viên ngọc ở đâu? Trả lại cho tôi!
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Tôi không lấy ngọc!
Người thợ khóc lóc, trong lòng ăn năn lại càng thêm khổ não vì để mất ngọc của vua, liền nói kệ:
Chao ôi, cái nghèo này!
Ta biết nghiệp lành, dữ
Nên sinh tâm ăn năn
Chao ôi, cái nghèo này!
Do tham nên làm ác.
Người thợ khóc lóc, đảnh lễ dưới chân thầy Tỳ-kheo rồi thưa:
–Xin thầy vui lòng trả viên ngọc lại cho tôi! Thầy chớ tự thiêu đốt mà cũng đừng thiêu đốt tôi!
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Thật sự tôi không lấy!
Người thợ nói tiếp:
–Tỳ-kheo này thật ngoan cố, chịu đau đớn như vậy mà vẫn không chịu nói ra!
Bị cái nghèo ép ngặt mà không lấy lại được viên ngọc, người thợ lại càng tức giận đánh đập. Hai tay và cổ đều bị trói, nhìn khắp bốn phía không biết kêu ai, thầy Tỳ-kheo chắc chắn phải chịu chết một cách luống uổng, liền nghĩ như vầy: “Sống, chết, chịu khổ đều phải như thế, ta nhất quyết không nói ra, không để trái phạm giới luật. Nếu ta phạm giới sẽ chịu khổ địa ngục còn hơn cái khổ hiện giờ”.
Thầy Tỳ-kheo nói kệ:
Phải nhớ Nhất Thiết Trí
Lấy đại Bi làm thể
Vì tôi tôn trọng Phật
Nên nhớ lời Phật dạy,
Lời của Phú-na-già
Lại phải nên nhớ nghĩ.
Tiên nhẫn nhục trong rừng
Chặt bỏ cả tay, chân
Và tai, mũi của mình
Mà tâm không tức giận.
Tỳ-kheo phải nhớ nghĩ
Trong kinh Phật có dạy
Rằng các thầy Tỳ-kheo
Dầu bị cưa sắt cưa
Thân thể và chân tay
Cũng không sinh tâm ác,
Chỉ chuyên tâm nhớ Phật
Nghĩ mình đã xuất gia
Và nhớ nghĩ giới cấm.
Tôi ở đời quá khứ
Vì dâm, trộm bỏ thân
Như thế không thể đếm,
Dê, nai và lục súc
Bỏ thân không thể tính,
Khi ấy luống chịu khổ
Vì giới bỏ thân mạng
Hơn sống mà phá giới.
Dù cho muốn giữ mình
Rồi cuối cùng cũng chết
Không bằng giữ gìn giới
Cứu mạng sống vật khác.
Bỏ thân nguy ách này
Để cầu thân giải thoát
Tuy xả bỏ thân mạng
Nhưng có các công đức
Có được vô sở đắc.
Người trí giữ thân mạng
Mạng ấy có công đức
Người ngu bỏ thân mạng
Luống uổng không được gì.
Khi đó thầy Tỳ-kheo nói với người thợ xỏ ngọc:
–Giữ tâm Từ bi thật là khổ thay!
Người thợ khóc lóc, buồn rầu nói kệ:
Mặc dù tôi đánh thầy
Nhưng hết sức khổ não
Lo sợ vua trách phạt
Lại muốn tra khảo thầy
Nay thầy bỏ khổ ấy
Cũng khiến ôi bỏ ác.
Thầy là người xuất gia
Phải dứt bỏ tham dục
Nên bỏ tâm tham ái
Hãy trả ngọc cho tôi!
Thầy Tỳ-kheo mỉm cười nói kệ:
Tôi tuy có tâm tham
Nhưng không hề tham ngọc.
Ông hãy nghe tôi nói
Tôi tuy tham tiếng khen
Nhưng người trí ca ngợi,
Cũng tham cả giới cấm
Cho đến pháp giải thoát
Con đường đến bất diệt
Là điều tôi tham nhất.
Đối với ngọc của ông
Thật không có tâm tham.
Tôi mặc y phấn tảo
Khất thực là sự sống
Sống ở dưới gốc cây
Tôi cho đó là đủ
Vì những lý do nào
Lại đi làm kẻ cướp?
Ông nên khéo xem xét!
Người thợ nói với thầy Tỳ-kheo:
–Thầy chớ nói nhiều?
Thế rồi người thợ lấy dây trói thêm và đánh đập nữa. Vì dây xiết mạnh quá nên mắt, tai, miệng, mũi của thầy Tỳ-kheo đều chảy máu. Khi ấy, con ngỗng liền đến uống máu; người thợ tức giận đánh con ngỗng chết. Thầy Tỳ-kheo hỏi:
–Con ngỗng còn sống hay chết?
Người thợ đáp:
–Con ngỗng sống hay chết đâu có gì đáng hỏi?
Thầy Tỳ-kheo hướng về chỗ con ngỗng, thấy nó đã chết bèn rơi nước mắt không vui mà nói kệ:
Tôi chịu các khổ não
Mong cho ngỗng được sống
Nay mạng tôi chưa chết
Mà ngỗng chết trước tôi.
Tôi mong cứu mạng nó
Mới chịu khổ như vầy
Sao nó lại chết trước
Mục đích tôi không thành!
Người thợ hỏi thầy Tỳ-kheo:
–Con ngỗng đối với thầy có liên can gì, sao thầy buồn bã như thế?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Vì không được mãn nguyện nên tôi không vui! Nãy giờ tôi có ý muốn chết thay cho ngỗng nhưng giờ nó đã chết làm cho tôi không được như ý nguyện.
Người thợ lại hỏi:
–Thầy muốn nguyện điều gì?
Thầy Tỳ-kheo đáp:
–Khi Đức Phật còn làm Bồ-tát, vì chúng sinh Ngài đã chịu chặt bỏ chân tay không hề tiếc thân mạng. Tôi muốn học theo hạnh của Ngài.
Vị Tỳ-kheo nói kệ:
Thuở xa xưa Bồ-tát
Bỏ thân thế mạng ngỗng
Tôi cũng làm như thế
Muốn bỏ mạng thay ngỗng.
Tôi có tâm cao thượng
Muốn ngỗng được toàn mạng
Do ông giết chết ngỗng
Tâm nguyện tôi không tròn.
Người thợ hỏi:
–Thầy nói điều ấy tôi vẫn chưa hiểu, thầy nên giải thích rõ ràng nguyên nhân.
Bấy giờ, thầy Tỳ-kheo nói kệ đáp:
Tôi mặc y màu đỏ
Sắc ngọc tựa màu thịt
Ngỗng cho đó là thịt
Liền đến nuốt ngọc ngay.
Tôi cam chịu khổ đau
Vì muốn giúp ngỗng kia
Bị tra khảo rất khổ
Mong nó được toàn mạng.
Tất cả các chúng sinh
Phật đều xem như con
Người không có công đức
Ngài cũng đều thương xót.
Cù-đàm là Thầy tôi
Làm sao giết chúng sinh
Tôi là đệ tử Ngài
Nỡ nào lại sát hại!
Nghe kệ xong, người thợ liền mổ bụng ngỗng lấy viên ngọc ra rồi khóc nức nở thưa với thầy Tỳ-kheo:
–Vì cứu mạng con ngỗng mà thầy không tiếc thân mình, làm cho tôi không biết mà gây ra những việc không đúng pháp này.
Người thợ liền nói kệ:
Thầy chứa việc công đức
Như lấy tro phủ lửa
Tôi vì quá ngu si
Thiêu đốt mấy trăm thân.
Thầy rất là xứng đáng
Tiêu biểu cho Đức Phật
Tôi vì quá ngu si
Không chịu xem xét kỹ
Bị lửa si thiêu đốt.
Xin thầy tạm ở lại
Cho tôi được sám hối
Giống như ngã xuống đất
Chống đất để đứng dậy
Đợi tôi cúng chút ít.
Khi ấy, người thợ chắp tay hướng về thầy Tỳ-kheo, lại nói kệ rằng:
Kính lễ hạnh thanh tịnh
Cung kính giữ vững giới
Gặp nạn khổ dữ dội
Không hề phá hủy giới.
Không gặp việc dữ này
Giữ giới nào có khó
Cần phải gặp việc khổ
Mới giữ gìn giới cấm
Đây mới gọi là khó.
Vì ngỗng thân chịu khổ
Không hủy phạm giới cấm
Việc này thật khó có!
Sám hối xong, người thợ đưa tiễn thầy Tỳ-kheo ra về.
2. Nguyên bản: ư hạ tứ nguyệt an cư dĩ ngật. Có lẽ sai sót trong nguyên bản vì đoạn trên có câu thời Ba-tư-nặc vương thỉnh Phật cập Tăng ư cửu thập nhật hạ tọa an cư.