ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẠP TẬP LUẬN
An Huệ Bồ-tát tập hợp
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 7

Phẩm 1 – 2: PHẨM ĐẾ TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Tùy phiền não, nghĩa là các phiền não đều là tùy phiền não, nhưng có tùy phiền chẳng phải phiền não. Nghĩa là trừ phiền não, ngoài ra các hành uẩn nhiễm ô gồm tất cả tâm pháp. Đây là thế nào? Là trừ tham v.v… 6 phiền não, ngoài ra các hành uẩn nhiễm ô bao gồm các tâm pháp như phẫn v.v… Lại nữa tham, sân, si là tùy phiền não tâm pháp, do tùy phiền não này theo não loạn nơi tâm khiến không lìa nhiễm, khiến không giải thoát, khiến không đoạn chướng, nên gọi là tùy phiền não. Như Thế Tôn nói: Các ngươi đêm dài bị tham sân si theo não loạn tâm hằng nhiễm ô.

Triền có 8 thứ, là hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ác tác, tật, xan, vô tàm, vô quý, thường thường tăng thịnh quấn quanh nơi tâm nên gọi là triền. Do các triền này thường tăng thịnh quấn quanh nơi tâm tất cả hành giả tu quán làm chướng ngại việc tu thiện phẩm. Tu thiện phẩm, nghĩa là tùy tu tạp tướng chỉ, cử, xả và khi y vào phạm hạnh nhiếp trì tịnh giới. Đây là thế nào? Nghĩa là khi tu chỉ thì hôn trầm, thùy miên làm chướng, vì ở trong nó đưa đến sự chìm lặn, khi tu cử thì trạo cử, ác tác làm chướng, vì ở ngoài nó dẫn đến tán loạn, khi tu xả thì tật, xan làm chướng, vì nó thường làm tâm dao động trong môn xan lẫn tật đố đối với việc thành tựu tự tha lợi, khi tu tịnh giới thì vô tàm, vô quý làm chướng, vì đủ 2 phạm này các học xứ không biết xấu hổ.

Bạo lưu có 4, là dục bạo lưu, hữu bạo lưu, kiến bạo lưu, và vô minh bạo lưu. Theo dòng cuốn trôi là nghĩa của bạo lưu vì thuận theo tạp nhiễm. Ban đầu là tập dục cầu, thứ hai là tập hữu cầu, sau 2 cái đó là tập cầu tà phạm hạnh, vì tương ưng với đạo lý năng y sở y. Kiến bạo lưu là năng y. Vô minh bạo lưu là sở y. Do có ngu si điên đảo suy cầu giải thoát và phương tiện..

Ách có 4 thứ, là dục ách, hữu ách, kiến ách, và vô minh ách. Chướng ngai ly hệ là nghĩa của ách, vì trái nghịch với thanh tịnh. Đây cũng theo thứ tự tập 3 cầu là tương ưng hiện hành.

Thủ có 4 thứ, là dục thủ, kiến thủ, giới cấm thủ, và ngã ngữ thủ. Chấp thủ tránh căn chấp thủ. Hậu hữu là nghĩa của thủ. Sở dĩ vì sao? Do tham trước dục hệ trói buộc đam nhiễm làm nhân, người tại gia thì đấu tranh giành giật nhau, căn bản của đấu tranh giành giật này là cái thủ thứ nhất. Do tham trước kiến hệ trói buộc đam nhiễm làm nhân, người xuất gia tranh cãi nhau, căn bản của tranh cãi này là 3 cái thủ sau. Sáu mươi hai kiến là kiến thủ. Các cấm giới khác nhau đa phần khổ hạnh là giới cấm thủ. Chỗ y chỉ Tát-ca-da kiến là ngã ngữ thủ. Do kiến thủ, giới cấm thủ các ngoại đạo tranh luận nhau, bởi chỗ chấp kiến không đồng nhất. Do ngã ngữ thủ các ngoại đạo tranh luận nhau, đối với ngã hữu tính chúng đều đồng kiến chấp nhưng do chấp thủ đó các ngoại đạo cùng tranh luận với chính pháp, vì chúng không tin có vô ngã. Như vậy căn bản của tranh luận chấp trước lại có thể dẫn lấy cái khổ dị thục hậu hữu nên gọi là thủ.

Hệ có 4 thứ, là tham dục thân hệ, sân nhuế thân hệ, giới cấm thủ thân hệ, và thật chấp thủ thân hệ. Vì có thể chướng ngại định ý tính thân nên gọi là hệ. Sở dĩ vì sao? Do đây có thể làm chướng ngại cái thân của tự tính định tâm nên gọi là hệ chứ hệ không phải chướng ngại sắc thân. Bởi vì sao? Vì là nhân có thể làm loạn 4 thứ tâm. Nghĩa là do tham ái tài vật là nhân khiến tâm tán loạn. Đối với việc đấu tranh, hành động bất chính là nhân khiến tâm tán loạn. Đối với giới cấm khó thực hành, khổ não là nhân khiến tâm tán loạn. Không như chính lý suy tìm cảnh giới là nhân khiến tâm tán loạn, vì chỗ y chỉ kia đều có chấp kiến khác biệt. Đối với cảnh sở tri, không như chính lý suy đạc các thứ vọng sinh chấp trước, nghĩa là duy chỉ đây là chân thật ngoài ra đều là ngu vọng. Do đó làm nhân khiến tâm tán động. Tán động ở đâu? Là ở nơi định tâm như thật trí kiến.

Cái có 5 thứ, là tham dục cái, sân nhuế cái, hôn trầm thùy miên cái, trạo cử ác tác cái, và nghi cái. Có khả năng làm cho thiện phẩm không được lộ rõ, là nghĩa của cái, vì che khuất tâm, làm chướng ngại các thiện phẩm khiến không chuyển.

Hỏi: Làm chướng ngại các thiện pháp ở những vị nào?

Đáp: Ở lạc xuất gia vị, giác chính hành vị, chỉ cử xả vị. Đối với khi thích muốn xuất gia thì tham dục cái làm chướng ngại, mong cầu thụ dụng cảnh giới môn bên ngoài, đối với sự xuất gia kia không sinh vui thích. Đối với khi giác ngộ chính hành thì sân nhuế cái làm chướng ngại. Đối với chỗ phạm học giới, người phạm hạnh chính khi phát giác do tâm sân nhuế không chính học. Đối với chỉ, cử 2 vị thì hôn trầm, thùy miên, trạo cử, ác tác cái làm chướng ngại như trước đã nói có thể dẫn đến tình trạng lặn chìm và tán loạn. Đối với xả vị, nghi cái làm chướng, vì xa lìa quyết định không thể xả được.

Chu ngột có 3, là tham sân si. Do y chỉ tham sân si lấy những quen tập trước làm phương tiện nên thành tham v.v… tâm hành không điều thuận, không kham năng khó có thể giải thoát, khiến các chúng sinh khó đoạn được hành vi này nên gọi là chu ngột. Sở dĩ vì sao? Đối trị đạo chắc chắn khó có thể phá hoại. Đứng về nghĩa này nên lập là chu ngột. Trong vô lượng kiếp quen tập tham v.v… đã thành hạnh kiên cố rồi khó nhổ bỏ được giống như cái gốc cây trơ trụi.

Cấu có 3 thứ, là tham sân si. Do y chỉ tham sân si nên hủy phạm Thi-la học xứ. Do đó những người có trí cùng tu phạm hạnh hoặc ở nơi thôn xóm, hoặc ở nơi vắng vẻ thấy vậy nói rằng: Trưởng lão này làm việc như vậy, hành động hạnh như vậy bị xóm làng chê bai là nhiễm bất tịnh. Gọi là cấu, bởi tham sân si có thể hiện tướng phạm giới bất tịnh.

Thiêu hại có 3, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên thời gian lâu chịu nhiều sinh tử thiêu đốt não hại nên gọi là thiêu hại. Do từ vô thủy sinh tử lưu chuyển nhân tham sân si nên thường bị khổ sinh tử thiêu đốt não hại.

Tiễn có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên đối với hữu và hữu cụ khởi tâm truy cầu không dứt. Đối với Phật pháp tăng, khổ tập diệt đạo thường sinh nghi hoặc nên gọi là tiễn. Đối với ngứời có của cải Tam bảo, Tứ đế thì do ái nghi môn có thể làm bị thương như xuông tên bắn.

Sở hữu có 3, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên chứa để tiền bạc của cải, có lo sợ có ân oán, phần nhiều ở trong tán loạn nên gọi là sở hữu. Do nhiều chứa để của cải nên hằng tương ưng với sự lo sợ.

Ác hành có 3, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên hằng làm các ác hành thân ngữ ý nên gọi là ác hành. Do tham sân si có thể dẫn đến sát sinh v.v… các hành bất thiện. Lại nữa tức y vào tham sân si môn này, rộng sinh vô lượng ác bất thiện hành nên thiết lập 3 bất thiện căn. Sở dĩ vì sao? Bởi các hữu tình tham đắm mùi vị thế gian nên sở hữu là nhân làm các ác hành tham cầu tài lợi. Làm ác hạnh nên phân biệt thế gian, tướng oán là nhân làm các ác hạnh. Do ôm tâm sân nhuế không nhẫn chịu lỗi người, làm nhiều điều ác nên chấp trước thế gian, tà pháp làm nhân làm các ác hạnh. Do ôm tâm ngu si khởi kiến chấp điên đảo, nhân thờ phụng cúng tế v.v… làm các điều ác cho nên tham sân si này cũng gọi là ác hạnh, cũng gọi là bất thiện căn.

Lậu có 3 thứ, là dục lậu, hữu lậu, và vô minh lậu khiến tâm liên tục rót chảy tan không ngớt nên gọi là lậu. Đây là thế nào? Y ngoại môn rót chảy nên lập dục lậu. Y nội môn rót chảy nên lập hữu lậu. Y sở y 2 môn kia rót chảy nên lập vô minh lậu. Khiến tâm liên tục rót chảy tan không ngớt là nghĩa của lậu.

Quỹ có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên đối với hữu và những vật tư sinh, hằng khởi tâm truy cầu không biết chán đủ, thường bị các khổ nghèo thiếu bức não nên gọi là quỹ. Bởi tham sân si có thể khiến thân tâm hằng thiếu hụt.

Nhiệt có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên không như chính lý chấp trước các tướng chấp trước tùy hảo. Do chấp trước tướng và tùy hảo nên thiêu đốt bức não thân tâm nên gọi là nhiệt, vì không như chính lý vọng chấp tướng hảo thiêu đốt thân tâm.

Não có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên tùy theo các chỗ kia đắm trước ái lạc, nếu chúng biến hoại thì càng thêm sầu than gặp phải các thứ lo âu sầu khổ nhiệt não nên gọi là não. Do đối với sắc v.v… các việc khả lạc, ái trước đã sâu, nếu chúng biến hoại thì các hữu tình lại bị các thứ sầu khổ não loạn.

Tránh có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên cầm đao gậy nổi lên gây sự đấu tranh các thứ. Vì vậy tham v.v… gọi là tranh.

Xí nhiên có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên bị ngọn lửa tham lớn phi pháp thiêu đốt. Tham phi pháp, nghĩa là theo tham trước bất thiện nghiệp đạo, lại còn bị ngọn lửa tham lớn bất bình đẳng thiêu đốt. Tham bất bình đẳng, nghĩa là phi pháp phi lý tham cầu cảnh giới, lại còn bị ngọn lửa tà pháp lớn thiêu đốt. Tà pháp là ác thuyết pháp luật của các ngoại đạo. Bởi tham phi pháp v.v… có thể phát ngọn lửa lớn trong thân tâm hừng hực đốt cháy. Như lửa cháy hừng hực nên gọi là xí nhiên.

Trù lâm có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên trong các hành căn bản của sinh tử rộng nổi lên các nhiễm trước khiến các hữu tình, cảm các thứ thân lưu chuyển trong 5 thú, khiến các hữu tình ở trong bản hành sinh tử như trong rừng cây đại thụ rậm rạp khó có thể thoát ly ra khỏi. Cho nên tham v.v… gọi là trù lâm.

Câu ngại có 3 thứ, là tham sân si, do y chỉ tham sân si nên cố lưu luyến thân mạng tài sản không biết giác ngộ, ưa ở nơi hỗn tạp huyên náo, được chút thiện pháp liền sinh chán đủ. Do đó không thể tu các thiện pháp nên gọi là câu ngại. Y nơi tham sân si chiếu cố thân mạng tài sản v.v… câu thúc làm trở ngại hữu tình không được tự tại tu các thiện. Lại nữa, sự cố luyến thân v.v… là y vào 5 thứ tâm câu thúc trở ngại mà nói. Những gì là 5? Là cố luyến thân, cố luyến các dục lạc tướng tạp trụ. Thiếu sót sự tùy thuận giáo giới giáo thụ, đối với các thiện phẩm được chút ít cho là đủ, câu thúc trở ngại tâm nên gọi là tâm câu ngại. Có vô lượng các sai biệt nghĩa môn như vậy của phiền não.

Tà hạnh, là tham sân 2 phiền não. Mê cảnh giới và kiến khởi tà hạnh, tu đạo sở đoạn kiến đạo sở đoạn theo thứ tự đó. Tham sân 2 thứ duyên thiểu tịnh tướng và tương vi tướng làm cảnh giới nên gọi là mê cảnh giới. Tuy cũng duyên hữu tình khởi tham sân, nhưng y cảnh giới môn khởi nên cũng gọi là mê cảnh giới. Mạn mê hữu tình và kiến khởi tà hạnh. Bởi ở nơi hạ liệt đẳng khởi chấp mình hơn, nên nơi hữu tình môn tà giải chuyển. Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, tà kiến mê cảnh sở tri khởi tà hạnh, y tăng ích tổn giảm môn tùy theo chỗ thích hợp. Kiến thủ, giới cấm thủ là mê các kiến khởi tà hạnh. Do nơi lỗi lầm các kiến lấy làm đệ nhất và giới cấm thanh tịnh nên nghi mê đối trị khởi tà hạnh. Ở trong các đế thành ra 2 cái hiểu, cho nên vô minh mê tất cả khởi tà hạnh. Lại nữa, 10 phiền não đều mê khổ tập khởi các tà hạnh, đó là chỗ sở y của nhân duyên kia. Sở dĩ vì sao? Khổ tập 2 đế đều là nhân duyên của 10 thứ phiền não, lại là chỗ sở y cho nên tất cả mê chỗ sở y của nhân duyên này khởi các tà hạnh. Lại nữa, 10 phiền não đều mê diệt đạo khởi các tà hạnh sợ do đây có thể sinh kia. Sở dĩ vì sao? Do sức của phiền não ưa đắm trước sinh tử, đối với pháp thanh tịnh khởi ý tưởng như đứng trên bờ vực thẳm mà sinh cả sợ hãi. Lại nữa, các ngoại đạo đối với diệt đạo đế, vọng khởi các thứ điên đảo phân biệt. Cho nên 10 hoặc đều mê diệt đạo khởi các tà hạnh.

Giới là thế nào? Là trừ sân , còn bao nhiêu tất cả thông tam giới hệ. Sân chỉ thuộc Dục giới hệ, vì sinh do duyên cảnh trái nghịch tổn hại. Lại nữa, tham ở Dục giới tương ưng với lạc hỷ xả. Giống như ở Dục giới ở sơ và nhị tĩnh lự cũng vậy. Ở đệ tam tĩnh lự tương ưng với lạc xả. Trở lên trên chỉ tương ưng với xả. Tham nơi Dục giới tương ưng với lạc là ở 5 thức thân, tương ưng với hỷ là ở ý thức thân, tương ưng với xả là ở mọi nơi. Ở vị cuối cùng tương tục, sở dĩ không cùng với khổ tương ưng, là do đây hân hành chuyển. Sân với khổ ưu xả tương ưng. Khổ tương ưng là ở 5 thức thân. Ưu tương ưng là ở 6 thức thân. Sở dĩ không cùng hỷ lạc tương ưng là do đây thích hành chuyển nên sân có thể bức não. Tự tương tục nên gọi là thích hành. Cùng với xả tương ưng là ở mọi nơi, như trước đã nói. Mạn ở Dục giới tương ưng với hỷ xả. Ở sơ và nhị tĩnh lự tương ưng với lạc xả và hỷ xả. Ở đệ tam tĩnh lự tương ưng với lạc xả. Trở lên chỉ tương ưng với xả. Mạn ở Dục giới không tương ưng với lạc vì 5 thức không có. Nếu vậy ở sơ và nhị tĩnh lự làm sao tương ưng với lạc? Tương ưng với ý địa lạc nên không lỗi. Làm sao ở đó có ý địa lạc? Do nói địa ấy có hỷ lạc. Như kinh nói: Thế nào là hỷ? Nghĩa là người đã chuyển y, y nơi chuyển thức tâm duyệt, tâm dũng, tâm thích, tâm điều, tâm an, thích, thụ, thụ sở nhiếp. Y nơi chuyển thức, tức y vào ý thức, vì ở Tam-mahứ-đa vị các thức khác không có. Thế nào là lạc? Nghĩa là người đã chuyển y, y vào thức A-lại-da nhiếp thụ sở y, sở y di, duyệt, an, thích, thụ, thụ sở nhiếp. Kinh này ý nói lạc thụ khi y vào sơ và nhị tĩnh lự sinh thì cùng tương ưng với các nhóm tâm tâm pháp như vậy. Do hân dũng hành trở lại khiến nhóm này được dũng duyệt. Lại khiến tự thể của thức A-lại-da sở y an lạc di thích. Do lạc thụ này làm 2 việc, cho nên thể tuy là 1 mà kiến lập 2 thứ hoặc hỷ hoặc lạc. Cho nên nói tương ưng này là mạn với lạc hỷ tương ưng. Giống như Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, kiến thủ, giới cấm thủ cũng vậy. Tà kiến ở Dục giới tương ưng với ưu, hỷ, xả, ở Sắc giới, Vô sắc giới, tùy chỗ có thụ đều cùng tương ưng. Thế nào là tà kiến ở Dục giới cùng ưu, hỷ tương ưng? Nghĩa là người trước tạo diệu hạnh ác hạnh thấy đây không quả mà sinh vui mừng hay lo âu. Sở dĩ không tương ưng với khổ lạc, do tất cả kiến đều ở nơi ý địa. Nghi ở Dục giới tương ưng với ưu xả. Ở Sắc giới, Vô sắc giới tùy chỗ có thụ đều tương ưng. Sở dĩ Dục giới không tương ưng với hỷ vì tâm không quyết định, nếu chưa diệt dứt thì không sinh. Trong Sắc giới, nghi, nghi thượng tĩnh lự thì do định lực của hỷ lạc duy trì dắt dẫn nên cũng được tùy chuyển. Cho nên ở đó cũng tương ưng với hỷ lạc.

Vô minh có 2 thứ là tương ưng và bất cộng tương ưng vô minh. Vì tương ưng với tất cả phiền não nên ở đó tùy chỗ có thụ đều được tương ưng. Bất cộng vô minh thì ở Dục giới tương ưng với ưu xả. Ở thượng giới thì tùy chỗ có thụ đều được tương ưng. Hỷ lạc tương ưng không tương ưng, lý nói như nghi. Vì sao các phiền não đều tương ưng với xả? Vì tất cả phiền não rơi vào trung dung vị mới mất hết. Sở dĩ vì sao? Phiền não sinh khởi lần lượt tương tục dần dần mờ nhạt, thế lực sắp hết rơi vào nơi trung vị, ở trong vị này ắt phải tương ưng với xả thụ.

Lại nữa, tham ở Dục giới ở tại 6 thức thân. Giống như tham, sân vô minh cũng vậy. Tham ở Sắc giới thì tại 4 thức thân, vì ở đó không có tỹ thức thiệt thức. Ở Vô sắc giới thì chỉ ở tại ý thức thân. Giống như tham, vô minh cũng vậy. Mạn kiến nghi ở mọi nơi chúng chỉ ở tại ý thức thân, do chúng ở xứng lượng môn v.v… chuyển. Lại nữa tham sân mạn ở Dục giới duyên một phần sự chuyển. Giống như ở Dục giới, ở Sắc giới, Vô sắc giới cũng vậy. Mạn duyên một phần sự chuyển, nghĩa là tùy nơi một phần cao cử sinh, ngoài ra các phiền não khác ở tất cả mọi nơi duyên khắp tất cả sự chuyển.

Thế nào là chúng? Là 2 chúng phiền não: một chúng kiến đạo sở đoạn và một chúng tu đạo sở đoạn. Dục giới kiến khổ sở đoạn có đủ 10 phiền não. Giống như kiến khổ sở đoạn, kiến tập diệt đạo sở đoạn cũng vậy. Nếu mê đây khởi tà hạnh thì thấy đây tức đoạn được.

Hỏi: Nếu duyên đây làm cảnh tức là mê đây khởi tà hạnh ư?

Đáp: Không nhất thiết như vậy. Duyên vô lậu làm cảnh. Phiền não chỉ tùy tăng nơi việc hữu lậu. Nếu nơi đó là nhân duyên và sở y xứ, mê đây khởi tà hạnh là kiến khổ sở đoạn. Giống như kiến khổ sở đoạn, kiến tập diệt đạo sở đoạn cũng vậy tùy chỗ thích hợp.

Sắc giới có 4 thứ kiến sở đoạn đều mỗi thứ có 9 phiền não trừ sân. Giống như Sắc giới, Vô sắc giới cũng vậy. Như vậy chúng kiến đạo sở đoạn phiền não tính chung là 112.

Dục giới tu sở đoạn có 6 phiền não là: câu sinh Tát-ca-da kiến, biên chấp kiến, và tham sân mạn vô minh.

Những gì là tu sở đoạn? Câu sinh Tát-ca-da kiến, là Thánh đệ tử tuy kiến đạo đã sinh nhưng y chỉ đây nên ngã mạn hiện hành. Như kinh nói: Trưởng lão Đà-sách-ca phải biết ta trong 5 thủ uẩn không thấy có ngã ngã sở, nhưng trong 5 thủ uẩn có ngã mạn ngã dục ngã tùy miên chưa vĩnh đoạn, chưa biết khắp, chưa diệt, chưa thổ ra. Như người vú nuôi có chiếc áo bẩn mồ hôi, tuy dùng đất mặn nước v.v… giặt kỹ cho sạch bẩn mà chưa xông ướp hương mùi hôi vẫn còn vương vấn, phải dùng các thứ hương thơm xông thì mùi hôi mới hết. Như vậy các đệ tử Phật tuy dùng kiến đạo vĩnh đoạn cấu uế của phân biệt thân kiến, nhưng nếu chưa dùng tu đạo huân tập liên tục thì những tập khí chấp trước hư vọng tập quen từ vô thủy dẫn đến không phân biệt sự, ngã kiến tùy chuyển, phải dùng tùy đạo huân tập liên tục kia mới vĩnh diệt. Câu sinh biên chấp kiến, là gồm trong đoạn kiến. Đây do kiến, nên đối với Niết-bàn giới tâm thoái chuyển sinh rất sợ hãi bảo ta nay là ở đâu đây? Tham v.v… các phiền não tu đạo sở đoạn, là trừ các phiền não gồm trong kiến phẩm. Sắc giới tu đạo sở đoạn có 5 trừ sân. Giống như Sắc giới, Vô sắc giới cũng vậy. Như vậy tu đạo sở đoạn phiền não tổng kết có 16.

Đoạn như thế nào? Nghĩa là như sai biệt đoạn này do tác ý đoạn này từ cái này được đoạn. Như sai biệt đoạn này, là biến tri, là viễn ly, là đắc đối trị. Biến tri, là nhân duyên sự biến trí, tự thể biến trí, quá hoạn biến trí. Nhân duyên sự biến trí, nghĩa là biết phiền não tùy miên chưa vĩnh đoạn v.v… như trước đã nói. Tự thể biến trí, nghĩa là biết loại phiền não này sinh rồi rất não loạn tâm tính. Quá hoạn biến trí, nghĩa là biết loại phiền não này có thể dẫn đến tự hại, có thể dẫn đến hại người khác, có thể dẫn đến hại cả hai, có thể sinh lỗi hiện pháp, có thể sinh sinh lỗi hậu pháp, có thể sinh lỗi hiện pháp và hậu pháp, có thể khiến hữu tình thụ tội lỗi này sinh thân tâm ưu khổ. Viễn ly, là lỗi lầm kia tuy tạm sinh nhưng không kiên chấp. Do nhân duyên sự biến trí v.v… 3 thứ biến trí, nơi lỗi lầm đó đã sinh tất cả phiền não tâm không kiên chấp phương tiện xa lìa. Đắc đối trị, là chưa sinh thì khiến không sinh, đã sinh thì khiến đoạn dứt cho nên được đối trị đạo. Để khiến các phiền não chưa sinh hoặc đã sinh vĩnh viễn đoạn trừ không sinh nên tu trị đạo.

Hỏi: Những tác ý nào có thể đoạn trừ?

Đáp: Duyên chung tác ý quán tất cả pháp.đều là tính vô ngã, có thể đoạn phiền não. Duyên chung tác ý, nghĩa là hợp duyên tất cả pháp cùng hành tác ý.

Hỏi: Nếu chỉ có trí tổng duyên các pháp vô ngã có thể đoạn phiền não thì vì sao còn hiển thị các hành vô thường v.v…?

Đáp: Chẳng phải vì đoạn phiền não nên tu tập các hành ấy, mà chỉ vì tu trị vô ngã hành. Do y vô thường hành dẫn đến được khổ hành, y chỉ khổ hành dẫn đến vô ngã hành. Như kinh nói: Vô thường nên khổ, khổ nên vô ngã. Vì vậy kiến lập vô ngã hành này là vô thượng. Có 3 thứ vô thượng, là trí vô thượng, hành vô thượng, và giải thoát vô thượng. Trí vô thượng là trí vô ngã. Được trí này rồi thì không còn cầu gì khác. Hành vô thượng là thông hành tất cả một cách dễ dàng nhanh chóng, là đứng đầu tất cả các hành. Giải thoát vô thượng là vô học bất động giải thoát, là hơn tất cả giải thoát. Ba vô thượng này theo thứ tự là y chỉ kiến tu vô học đạo mà nói.

Hỏi: Từ đâu mà được đoạn?

Đáp: Không từ quá khứ đã diệt, không từ vị lai chưa sinh, không từ hiện tại cả hai đàng, mà từ các phiền não thô trọng được đoạn. Để đoạn các phẩm thô trọng như vậy như vậy nên sinh các phẩm đối trị như vậy như vậy. Nếu phẩm đối trị này sinh thì phẩm thô trọng này diệt. Hoàn toàn bình đẳng như ở thế gian sáng sinh thì tối diệt. Do phẩm ly hệ này khiến vị lai phiền não trụ không sinh trong pháp, thế gọi là đoạn.

Lại nữa, phiền não tăng thượng sinh nghiệp như thế nào? Nghĩa là hoặc tư nghiệp, hoặc tư dĩ nghiệp, gọi chung là nghiệp tướng. Lại nữa có 5 thứ nghiệp, là thủ thụ nghiệp, tác dụng nghiệp, gia hành nghiệp, chuyển biến nghiệp, và chứng đắc nghiệp. Thủ thụ nghiệp, là như mắt v.v… có khả năng thấy sắc v.v…. Tác dụng nghiệp, là như đất v.v… có khả năng duy trì kham nhiệm v.v… Hoặc các pháp tự tướng sở tức, nghĩa là nó có sắc chất làm cản trở sự biến hoại v.v… Gia hành nghiệp, là ý giải làm trước tiên khởi thân nghiệp v.v… Chuyển biến nghiệp, là như thợ kim hoàn chế tác các vật trang sức v.v… Chứng đắc nghiệp, là Thánh đạo v.v…, chứng Niết-bàn v.v… Nay trong nghĩa này, vai trò của ý có nhiều phân biệt trong gia hành nên cũng có phần nào gồm có 2 nghiệp là chứng đắc nghiệp và tác dụng nghiệp. Thế nào là tư nghiệp? Là phúc nghiệp, phi phúc nghiệp, và bất động nghiệp. Thế nào là tư dĩ nghiệp? Là thân nghiệp, ngữ nghiệp, và ý nghiệp. Lại nữa, 3 nghiệp thân ngữ ý này hoặc thiện, hoặc bất thiện. Bất thiện, là 10 bất thiện nghiệp đạo. Tức sát hại sinh mạng, không cho mà lấy, dâm dục tà hạnh, nói dối, nói lời gây chia rẽ, nói lời thô ác, nói lời thêu dệt, tham dục, sân nhuế, và tà kiến. Thiện, là 10 thiện nghiệp đạo. Tức là lìa bỏ sát sinh, cho đến lìa bỏ lời nói tạp uế, không tham, không sân, và chính kiến. Nay trong đây chỉ lấy nghiệp đạo làm rõ thân nghiệp v.v… Để tùy thuận kinh mà nói chỗ thắng hơn, còn các phương tiện của chúng v.v… cũng gồm trong thân v.v… các nghiệp. Cho nên trước 3 trong 4, sau 3 nghiệp đạo tùy theo thứ tự là thân nghiệp tướng, ngữ nghiệp tướng, và ý nghiệp tướng. Lại nữa sát sinh v.v… nên lấy 5 môn phân biệt tướng của nó. Nghĩa là vì sự việc, vì ý lạc, vì phương tiện, vì phiền não, và vì cứu cánh mà sát sinh. Nói đẳng sự, nghĩa là có hữu tình số và phi hữu tình số, tùy theo chỗ thích hợp mà dựa vào đó khởi sát sinh v.v… Ý lạc, nghĩa là đối với việc này khởi ý tưởng vui thích và khởi ý thích sẽ làm nghiệp đạo này. Phương tiện, nghĩa là tác dụng này hoặc tự mình hoặc do người khác mà phát khởi thân ngữ ý. Phiền não, là tham sân si, tùy chỗ thích hợp hoặc chung hoặc riêng rẽ. Cứu cánh, là các phương tiện kia viên mãn các nghiệp đạo như vậy như vậy, hoặc ngay lúc ấy hoặc lúc sau. Trong nghĩa này, sát sinh sự, nghĩa là hữu tình số. Ý lạc, là ý tưởng đó và ý phải sát hại. Phương tiện, là như dao gậy v.v… để làm việc sát hại. Phiền não, là tham v.v… Cứu cánh là các chúng sinh ấy vì do phương tiện nên hoặc chết liên tục, hoặc chết lúc sau.

Không cho mà lấy v.v… các việc và cứu cánh phải rộng phân biệt, ngoài ra như lý phải suy nghĩ. Việc không cho mà lấy, nghĩa là sở hữu của người khác , hoặc hữu tình số, hoặc phi hữu tình số. Cứu cánh là lấy làm sở hữu của mình. Việc dâm dục tà hạnh, nghĩa là không phải người nữ có thể làm việc đó, hoặc tuy có thể nhưng không đúng thân phận, không phải nơi, không phải lúc, không phải lượng, và không hợp lý như người nam, người bất nam. Cứu cánh là cả hai giao hợp suông rỗng. Việc nói lời lừa dối, nghĩa là thấy nghe hay biết nói là không thấy không nghe không hay không biết. Ý lạc là ý tưởng khác lạ muốn nói chuyện khác lạ. Cứu cánh là lúc, số đông, người đối thoại hiểu. Việc nói lời chia rẽ, nghĩa là các hữu tình hoặc hòa hợp hoặc không hòa hợp. Ý lạc là đối với người kia khởi ý trái nghịch ly cách và không hòa hợp. Cứu cánh là phá sự lãnh hội hiểu biết. Việc nói lời thô ác, nghĩa là các hữu tình có thể bị tổn hại. Cứu cánh là phát ra lời thô ác. Việc nói lời thêu dệt, nghĩa là có thể dẫn đến nghĩa không làm lợi ích. Cứu cánh là chính phát ra lời này. Việc tham dục, nghĩa là của cải của người khác. Ý lạc là khởi tưởng này và ái lạc. Phương tiện là suy nghĩ tính toán muốn làm sao thành của mình. Cứu cánh là quyết định lấy làm của mình. Việc sân nhuế, nghĩa là các hữu tình có thể bị tổn hại. Cứu cánh là quyết định làm hại.v.v… Việc tà kiến, nghĩa là thật hữu nghĩa. Ý lạc là đối với thật hữu khởi tưởng phi hữu và dục lạc kia. Cứu cánh là quyết định chê bai. Như kinh nói: Cố tư tạo nghiệp. Sao gọi là cố tư tạo nghiệp? Lược có 5 thứ: Người khác sai bảo nên cố tư tạo nghiệp, người khác thỉnh mời nên cố tư tạo nghiệp, không hiểu biết nên cố tư tạo nghiệp, căn bản chấp trước nên cố tư tạo nghiệp, và điên đảo phân biệt nên cố tư tạo nghiệp. Người khác sai bảo nên suy nghĩ tạo nghiệp, là như có một người tuy không do dục lạc nhưng bị người khác dùng sức mạnh sai bảo nên suy nghĩ làm nghiệp bất thiện. Người khác khuyên mời nên suy nghĩ tạo nghiệp, là như có một người tuy không do dục lạc nhưng người khác khuyên mời dắt dẫn chấp là lợi ích mà phát khởi suy nghĩ làm nghiệp bất thiện. Không hiểu biết nên suy nghĩ tạo nghiệp, là như có một người không hiểu biết phúc đức tội lỗi không chấp trước gì cả cứ tùy ý muốn mà phát khởi suy nghĩ làm nghiệp bất thiện. Căn bản chấp trước nên suy nghĩ tạo nghiệp, là như có một người bị tham sân v.v… các bất thiện căn trói buộc che lấp tâm, chấp trước quá mạnh phát khởi suy nghĩ tạo nghiệp bất thiện. Điên đảo phân biệt nên suy nghĩ tạo nghiệp, là như có một người y vào nhân bất bình đẳng thấy ái lạc tà pháp, vì muốn cầu đời sau được quả dị thục khả ái phát khởi suy nghĩ làm nghiệp bất thiện. Trong 5 thứ này, căn bản chấp trước cố tư tạo nghiệp và điên đảo phân biệt cố tư tạo nghiệp, 2 thứ này hoặc làm, hoặc tăng trưởng không thứ nào là không thụ dị thục. Hai cố tư tạo nghiệp sau, hoặc làm hoặc tăng trưởng nặng nên chắc chắn thụ dị thục. Tác, nghĩa là khởi tạo các nghiệp khiến nó hiện hành. Tăng trưởng, nghĩa là khiến tập khí tăng lên, nuôi lớn chủng tử dị thục trong thức A-lại-da. Như kinh nói: Quyết định thụ nghiệp, thế nào là quyết định? Nghĩa là tác nghiệp quyết định, thụ dị thục quyết định, và phần vị quyết định. Tác nghiệp quyết định, nghĩa là do nghiệp lực đời trước cảm được quyết định dị thục tương tục, cho nên trong khi sinh ắt tạo nghiệp này. Bởi vì sao? Vì kỳ hạn quyết định phải tạo nghiệp này hoàn toàn không thể vượt hạn mà tạo nghiệp này được. Cho đến sức thần thông lớn của chư Phật Thế Tôn cũng không thể làm ngăn trở khiến không tạo được, vì tùy theo sức quyết đinh của nhân, quả tương tục chuyển biến. Thụ dị thục quyết định, nghĩa là như trước đã nói cố tư tạo nghiệp. Phần vị quyết định, nghĩa là hiện pháp thụ v.v… phần vị quyết định nghiệp. Như do nghiệp này ở trong hiện pháp chắc chắn nhất định thụ dị thục. Do nghiệp này chắc chắn thụ dị thục ở đời sau. Do nghiệp này chắc chắn thụ hậu dị thục ở đời sau sau nữa. Lại nữa 10 bất thiện nghiệp đạo quả dị thục ở trong 3 ác thú tùy theo hạ trung thượng phẩm mà thụ dị thục bàng sinh, ngạ quỷ, Na-lạc-ca. Đẳng lưu quả, nghĩa là mỗi mỗi tùy theo tướng của nó ở trong cõi người cảm được tự thân đầy đủ hay suy tổn. Nghĩa là từ cõi ác chết đi sau sinh vào loài người, do sát sinh, trộm đạo v.v… tùy theo tướng đó mà cảm được tự thân đầy đủ hay suy tổn, như là thọ mạng ngắn ngủi, thường nghèo cùng v.v… tương ứng với đó. Tăng thượng quả, nghĩa là tùy theo mỗi tướng cảm được sở hữu ngoại sự suy tổn. Nghĩa là sát sinh v.v… đều tùy theo tướng đó mà cảm đến mùa màng v.v… các ngoại sự suy tổn, như là thiếu tốt tươi. Đó là các tăng thượng quả của sát sinh v.v… Như kinh nói: Quen tập trong tất cả 10 bất thiện nghiệp đạo, thường tập nhiều nên sinh vào Na-lạc-ca, bàng sinh, ngạ quỷ. Đó là dị thục quả của chúng. Nếu được đến đồng phần trong loài người thì do sát sinh nên bị đoản mạng, không cho mà lấy nên bị thiếu thốn của cải, dâm dục tà hạnh nên bị vợ không trinh tiết, do nói lời dối gạt nên bị nhiều phỉ báng, vì nói lời chia rẽ nên bị bạn bè lìa bỏ, nói lời thô ác nên thường bị nghe những điều không như ý, do nói lời thêu dệt nên không oai nghi nghiêm túc, do tham dục nên tham càng chuyển mạnh, do sân nên sân càng chuyển mạnh, do tà kiến nên si càng chuyển mạnh, các tà kiến là do si tăng thượng. Đó là đẳng lưu quả của chúng. Do quá thường tập nghiệp sát sinh nên tất cả ngoại sự thiếu tươi sáng. Không cho mà lấy nên gặp nhiều sương rơi mưa đá, dâm dục tà hạnh nên nhiều bụi bặm, nói dối nên nhiều xú uế, lời đâm thọc nên cao thấp hiểm trở, lời thô ác nên đất đai ngập mặn cằn cỗi xấu bẩn, lời thêu dệt nên thời tiết khí hậu thay đổi trái nghịch, tham dục nên cây trái thưa thớt, sân nhuế nên trái cây cay đắng, tà kiến nên trái cây cay đắng, hoặc hoàn toàn cây không ra trái. Đó là tăng thượng quả của chúng. Lại nữa dị thục quả của 10 thiện nghiệp đạo là thụ dị thục của trời và người trong cõi trời cõi người, đẳng lưu quả tức là ở nơi đó đều tùy theo tướng mà cảm được tự thân đầy đủ sung mãn, tăng thượng quả tức là ở nơi đó tùy theo tướng mà cảm được ngoại sự sung túc. Giống như bất thiện nghiệp đạo thiết lập dị thục quả v.v… 3 thứ sai biệt. Như vậy thiện nghiệp đạo hữu lậu ở trong cõi trời cõi người có 3 quả sai biệt tùy theo thích hợp cũng phải thiết lập. Lại nữa, thiện nghiệp bất thiện nghiệp ở trong thiện thú ác thú khi cảm sinh dị thục có 2 thứ sai biệt, là chiêu dẫn nghiệp và viên mãn nghiệp. Chiêu dẫn nghiệp là do nghiệp này có thể dẫn đến quả dị thục. Viên mãn nghiệp là do nghiệp này sinh rồi lãnh thụ quả ái bất ái. Lại nữa, có nghiệp do 1 nghiệp lực dẫn đến được một thân, nghĩa là do 1 nghiệp lực nuôi dưỡng chủng tử của 1 đời dị thục. Hoặc có nghiệp do 1 nghiệp lực dẫn đến được nhiều thân, nghĩa là do 1 nghiệp lực nuôi dưỡng chủng tử dị thục của nhiều đời. Hoặc có nghiệp do nhiều nghiệp lực dẫn đến được 1 thân, nghĩa là nhiều nghiệp sát-na sát-na thường nuôi dưỡng chủng tử dị thục của 1 đời. Hoặc có nghiệp do nhiều nghiệp lực dẫn đến được nhiều thân, nghĩa là nhiều sát-na nghiệp cung cấp nhu cầu cho nhau lần hồi nuôi lớn chủng tử dị thục của nhiều đời.

Hỏi: Nếu một hữu tình thành tựu nhiều nghiệp thì thứ tự thụ quả dị thục như thế nào?

Đáp: Ở trong thân hữu tình ấy, nghiệp nặng thành thục trước, hoặc khi sắp chết hiện ra trước, hoặc trước đã tập nhiều, hoặc đã làm trước tiên, những dị thục đó thành thục trước. Như kinh nói có 3 thứ nghiệp, là phúc nghiệp, phi phúc nghiệp, và bất động nghiệp. Phúc nghiệp, là nghiệp thiện của Dục giới hệ. Phi phúc nghiệp, là nghiệp bất thiện. Bất động nghiệp, là nghiệp thiện của Sắc giới, Vô sắc giới hệ.

Hỏi: Vì sao nghiệp thiện của Sắc giới Vô sắc giới hệ gọi là bất động?

Đáp: Như các thú trong Dục giới viên mãn nghiệp thiện bất thiện, gặp duyên chuyển được dị thục các thú khác không phải nghiệp thuộc Sắc Vô sắc hệ. Có việc như vậy vì chỗ thụ dị thục giới địa quyết định. Vì vậy cho nên đứng về mặt không thể di chuyển với dị thục gọi là bất động. Lại nữa ở trong định địa nên nói là bất động.

Hỏi: Như trong kinh nói vô minh duyên hành, nếu phúc, phi phúc và bất động sao phúc và bất động hành duyên vô minh sinh?

Đáp: Có 2 thứ ngu, là ngu đối với dị thục và ngu đối với nghĩa chân thật. Do ngu dị thục nên phát khởi hành phi phúc, do ngu nghĩa chân thật nên phát khởi hành phúc và bất động. Do ngu dị thục nên phát khởi hành phi phúc, nghĩa là do nó hoàn toàn là tính nhiễm ô, khi hợp với vô minh ắt không chấp nhận tin hiểu, vì hành tướng của dị thục là chính kiến. Do ngu nghĩa chân thật phát khởi hành phúc và bất động, nghĩa là nghĩa chân thật tức 4 Thánh đế, ngu si đối với đó, gọi là ngu nghĩa chân thật. Người chưa kiến đế tuy khởi thiện tâm, do tùy miên kia theo trói buộc nên gọi là ngu si. Do sức mạnh đó không biết như thật cái khổ trong 3 cõi liền phát khởi tính nhân hậu hữu. Phúc hành, bất động hành không phải người đã kiến đế có thể phát khởi nghiệp này, vì ngu không có nghĩa chân thật. Cho nên nói nghiệp kia nhân đây sinh. Lại nữa sát sinh nghiệp đạo là do tham sân si làm phương tiện do sân làm cứu cánh. Giống như sát sinh, thô ác ngữ, sân nhuế nghiệp đạo cũng vậy. Sát sinh, tham làm phương tiện là vì da, thịt v.v… sân làm phương tiện là vì trừ oán v.v…, si làm phương tiện là vì cúng tế v.v… Do sân cứu cánh, là lìa bỏ tâm không từ bi thì chắc không sát hại hữu tình khác. Lời thô ác v.v… như lý nên biết. Nghiệp đạo không cho mà lấy, tham sân si làm phương tiện, do tham làm cứu cánh. Giống như không cho mà lấy, dục, tà hạnh, tham dục cũng vậy.

Hỏi: Tham dục v.v…sao dùng tham v.v… làm phương tiện?

Đáp: Trước nói tham dục nghiệp đạo đối với của cải của người quyết định lấy làm của mình làm tính. Nếu đối với của cải này trước khởi các tham khác, gia hành truy cầu muốn làm của mình, tức lập đây là tham phương tiện. Nếu trước khởi sân, tức là sân phương tiện. Nếu trước khởi si, nghĩa là đối với vật của người lấy làm của mình không có tội lỗi gì hết, là si phương tiện. Như vậy, ngoài ra như lý nên biết. Hư cuống ngữ nghiệp đạo tham sân si làm phương tiện, trong 3 thứ tùy theo lấy 1 làm cứu cánh. Giống như vọng ngữ, ly gián ngữ, ỷ ngữ cũng vậy. Tà kiến nghiệp đạo tham sân si làm phương tiện, do si làm cứu cánh.

Lại nữa, như kinh nói có nghiệp chung, có nghiệp không chung, có nghiệp thế mạnh, có nghiệp thế yếu. Thế nào là nghiệp chung? Là nếu nghiệp có thể khiến các khí thế gian các thứ sai biệt. Thế nào là nghiệp không chung? Là nghiệp có thể khiến hữu tình thế gian các thứ sai biệt. Hoặc lại có nghiệp khiến các hữu tình lần lượt tăng thượng. Do nghiệp lực này nói các hữu tình trông vọng nhau làm tăng thượng duyên, vì chúng có sức tăng thượng lẫn nhau nên cũng gọi là nghiệp chung. Do thế lực này các loài hữu tình lần lượt làm các tâm tâm pháp biến đổi làm sinh nhân cho nhau. Cho nên kinh nói: Như vậy hữu tình với các hữu tình khác trông nhau v.v… mà không thụ dụng không dễ được. Thế nào là cường lực nghiệp? Nghĩa là Bổđặc-già-la có sức mạnh đối trị nên tư sở tạo các nghiệp bất thiện. Do bị sức đối trị nhiếp phục nên khiến phải thụ nghiệp Na-lạc-ca chuyển thành hiện pháp thụ, ứng hiện pháp thụ nghiệp chuyển khiến không thụ. Sở dĩ nghiệp này gọi là cường lực vì có sức mạnh có thể đối trị nghiệp. Năng trị nghiệp này so với sở trị nghiệp có sức mạnh hơn khiến nó cảm các khổ dị thục chuyển biến diệt. Lại nữa cố tư sở tạo tất cả thiện nghiệp so với bất thiện nghiệp, sức đối trị mạnh đều gọi là cường lực. Y cứ nghiệp này nên Bạc-già-phạm nói: Các thánh đệ tử của ta có thể dùng cái nghiệp rộng lớn vô lượng khéo huân tập vào tâm. Các nghiệp sở tạo tác hữu lượng, nghiệp này không thể dắt dẫn không thể lưu trú cũng không thể khiến rơi vào trong số ấy. Lại nữa Bổ-đặc-già-la có sức đối trị yếu nên tư sở tạo các nghiệp bất thiện so với các thiện nghiệp đều gọi là cường lực. Lại nữa, cố tư tạo nghiệp dị thục quyết định bất đoạn bất tri gọi là cường lực nghiệp. Trong đây ý nói tất cả thiện bất thiện nghiệp không có sai biệt, chỉ dị thục quyết định. Các sức Thánh đạo không đoạn được gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa các bất thiện nghiệp của Dục giới hệ tính của nó đều mạnh, vì chúng được nhiều phiền não, tùy phiền não làm trợ bạn. Lại nữa, trước đã quen tập gọi là cường lực nghiệp, bởi huân tập nhiều nơi tương tục nên lại y vào cường vị gọi là cường lực nghiệp do ở tuổi thanh tráng niên tạo các nghiệp sắc mạnh chấp trước tịnh tín phát sinh. Lại nữa các nghiệp sở tạo không thể trị gọi là cường lực nghiệp, do không có pháp Niết-bàn làm sức đối trị không thể đè bẹp các nghiệp ấy gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa do ruộng nên phát cường lực nghiệp, nghĩa là các nghiệp hại mẹ v.v… Lại do tâm gia hành nên phát cường lực nghiệp, nghĩa là phát đại nguyện mạnh mẽ đối với vô thượng Bồ-đề v.v… Nghiệp do đây sinh có sức rất mạnh gọi là cường lực nghiệp. Lại nữa do 9 thứ nhân phát cường lực nghiệp, là ruộng, sự, tự thể, sở y, tác ý, ý lạc, trợ bạn, nhiều tu tập, với nhiều chúng sinh cùng làm. Do 9 nhân này phát cường lực nghiệp. Ruộng, là đủ công đức lớn có thể làm ruộng phúc. Sự, là vật bố thí nhiều và tốt. Tự thể, là giới thắng hơn thí, tu thắng hơn giới v.v… Sở y, là người đã lìa dục làm các phúc nghiệp. Tác ý, là sắc mạnh tịnh tín đều hành tác ý. Ý lạc, là có ý thích muốn mong cầu Niết-bàn. Trợ bạn, là cùng nhiếp thụ rộng tu tập các việc phúc nghiệp khác. Nhiều tu tập, là thường thường tu tập hoặc thường thường tư duy suy tìm. Với nhiều chúng sinh cùng làm, là tự mình làm, chỉ dạy người làm, thấy người làm thì tùy hỷ. Trái với đó là liệt lực nghiệp.

Như Thế Tôn nói: Nếu nói các Bổ-đặc-già-la trượng phu kia tùy theo nghiệp như vậy như vậy hoặc làm hoặc tăng trưởng trở lại thụ dị thục như vậy như vậy. Nếu có điều đó thì không cần phải tu thanh tịnh phạm hạnh, cũng không thể biết chính lúc hết các khổ tác khổ. Nếu nói các Bổ-đặc-già-la trượng phu kia tùy theo thuận sở thụ nghiệp như vậy như vậy hoặc làm hoặc tăng trưởng trở lại thuận sở thụ dị thục như vậy như vậy. Nếu có điều đó thì không cần phải tu thanh tịnh phạm hạnh, cũng không thể biết chính lúc hết các khổ tác khổ. Kinh nói như vậy có mật ý gì? Trong đây ý của Phật là muốn ngăn chận tà thuyết như thế. Nghĩa là lạc câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được lạc câu hành dị thục. Khổ câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được khổ câu hành dị thục. Bất khổ bất lạc câu hành nghiệp trở lại có thể cảm được bất khổ bất lạc câu hành dị thục. Cho nên nói như vậy. Nếu nói các Bổ-đặc-già-la trượng phu kia tùy theo nghiệp như vậy như vậy hoặc làm hoặc tăng trưởng trở lại thụ dị thục như vậy như vậy. Nếu có điều đó thì không cần phải tu thanh tịnh phạm hạnh, cũng không thể biết chính lúc hết các khổ tác khổ. Vì sao lại không cần phải tu thanh tịnh phạm hạnh? Bởi vì các phiền não rất sắc mạnh phải do trí tuệ tự cố gắng, cùng với ưu khổ hộ trì cấm giới. Nếu đời sau, khi thụ dị thục ấy lại cùng với ưu khổ thì sự hộ trì cấm giới chẳng có nghĩa cũng chẳng lợi ích gì. Lại như hủy phạm cấm giới hoan lạc với vợ người, nếu đời sau khi thụ dị thục ấy trở lại được cùng hoan lạc thì sự tinh cần viễn ly trở thành vô ích. Cho nên nói nếu có điều đó thì không cần phải tu thanh tịnh phạm hạnh. Vì sao cũng không thể biết được chính lúc hết các khổ tác khổ? Chính do như vậy tu tập phạm hạnh chiêu khổ dị thục, cho nên Thế Tôn để ngăn chận tà thuyết ngoại đạo chủ trương lạc câu hành nghiệp trở lại thụ lạc dị thục, khổ câu hành nghiệp trở lại thụ khổ dị thục, bất khổ bất lạc câu hành nghiệp trở lại thụ bất khổ bất lạc dị thục, dị thục nhân dị thục quả nhất định tương tự, cho nên nói kinh này. Lại để khai mở chính thuyết nói lạc câu hành nghiệp thì nếu thuận lạc thụ sẽ trở lại thụ lạc dị thục, thuận khổ thụ sẽ trở lại thụ khổ dị thục, thuận bất khổ bất lạc sẽ trở lại thụ bất khổ bất lạc dị thục. Khổ câu hành nghiệp thì thuận lạc thụ sẽ trở lại thụ lạc dị thục, thuận khổ thụ sẽ trở lại thụ khổ dị thục, thuận bất khổ bất lạc thụ sẽ trở lại thụ bất khổ bất lạc dị thục. Bất khổ bất lạc thụ câu hành nghiệp thì thuận lạc thụ sẽ trở lại thụ lạc dị thục, thuận khổ thụ sẽ trở lại thụ khổ dị thục, thuận bất khổ bất lạc thụ sẽ trở lại thụ bất khổ bất lạc dị thục. Lạc câu hành nghiệp có 2 thứ, là thiện và bất thiện tùy chỗ thích hợp sẽ thuận với khổ thụ, lạc thụ, bất khổ bất lạc thụ trở lại cảm được lạc v.v… các dị thục trong đời sau. Giống như vậy, khổ câu hành nghiệp, bất khổ bất lạc câu hành nghiệp đều có 2 thứ, tùy thuận lạc v.v… thì cảm được lạc v.v…các dị thục, tùy chỗ thích ứng của nó. Như thế gọi là mật ý của kinh này.

HẾT QUYỂN 7