CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ XUẤT GIA SỰ

Hán dịch: Đường Tam Tạng Nghĩa Tịnh
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 3

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Bí-sô Cận quân an cư ba tháng mùa mưa xong liền độ một đệ tử rồi cùng đệ tử này đi đến thành Thất-la-phiệt, đến nơi rửa chân xong liền đến chỗ Phật, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên. Thường pháp của chư Phật là khi có khách Bí-sô đến liền thăm hỏi từ đâu đến, hạ an cư ở đâu, Cận quân bạch Phật: “Thế tôn, con từ nước khác đến và đã an cư ba tháng mùa mưa ở đó”, Phật hỏi: “Vị thiện nam này là đệ tử của ai?”, đáp là của con, Phật hỏi: “Thầy đã xuất gia bao lâu?”, đáp: “Con xuất gia được hai năm, người đệ tử này con độ được một năm”. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô Cân quân này khởi lỗi đầu tiên, nay ta chế định cho các Bí-sô: không được chỉ mới xuất gia vài năm mà đã độ đệ tử và cho thọ Cận viên; nếu không ở chung với thầy thì nên tự cầu y chỉ. Người xuất gia chưa đủ mười hạ không được độ Cầu-tịch và truyền thọ Cận viên. Nếu có khách Bí-sô đến chưa quen biết thì không được cho y chỉ. Nếu Bí-sô đủ mười hạ, hiểu rành việc thông bít trong Giới kinh Biệt giải thoát thì mới được độ Cầu-tịch và làm thầy y chỉ… Nếu tự mình chưa điều phục mà lại điều phục người thì không có lý đó. Người ngu si không có trí huệ cũng không cho độ người, vì tự mình chưa chứng ngộ giải thoát tịch định và được Niết-bàn lại độ người khác là không có lý đó. Tự mình ở trong chỗ bùn nhơ chưa ra khỏi mà lại muốn độ người khác là không có lý đó.”

Lúc đó có Bí-sô già vô trí không thông hiểu giới luật lại độ một ngoại đạo và truyền thọ Cận viên, thọ giới rồi liền thỉnh cầu thầy giáo thọ, vị thầy do không hiểu biết gì nên không thể giáo thọ cho đệ tử, người đệ tử ngoại đạo này liền chê bai, không tín kính nữa. Các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Từ nay các Bí-sô phải đủ mười hạ mới được độ đệ tử và truyền thọ cận viên. Phải thành tựu năm pháp mới 3 được làm thầy y chỉ:

– Một là thọ cận viên được mười hạ trở lên,

– Hai là đệ tử nếu có bịnh, có thể chăm sóc,

– Ba là có nghi đệ tử phạm Ác-tác thì phải tùy việc cử tội,

– Bốn là nếu đệ tử có tà kiến phải chỉ dạy cho có chánh kiến.

– Năm là đệ tử nếu không ưa thích pháp, phải cố gắng nhiếp thọ khiến được an lạc trụ.

Lại có năm pháp: Một là đầy đủ giới, hai là đa văn, ba là trì kinh, bốn là trì luật, năm là trì luận.

Lại có năm pháp: Một là đủ giới không thiếu sót, hai là đa văn, ba là hiểu nghĩa kinh, bốn là hiểu rõ việc thông bít trong Tỳ-nại-da và năm là thông hiểu nghĩa trong tạng luận.

Lại có năm pháp: Một là đầy đủ giới, hai là đa văn, ba là trì kinh biết nghĩa, bốn là thông hiểu Tỳ-nại-da, năm là thông hiểu tạng Ma-trất -lý-ca.

Lại có năm pháp như trên, chỉ khác là có thêm chữ rất.

Lại có năm pháp như trên, chỉ khác là có thêm chữ thắng.

Lại có năm pháp như trên, chỉ khác là có thêm chữ có thể.

Lại có năm pháp: Một là giới thành tựu, hai là đa văn thành tựu, ba là thắng giải thoát thành tựu, bốn là chứng trí thắng giải thoát thành tựu, năm là trí huệ thành tựu.

Lại có năm pháp: Một là tín thành tựu, hai là giới thành tựu, ba là đa văn thành tựu, bốn là Xả thành tựu, năm là trí thành tựu.

Lại có năm pháp: Một là đủ giới, hai là đa văn, ba là tinh tấn, bốn là niệm, năm là tuệ.

Lại có năm pháp: Một là đủ giới, hai là đa văn, ba là tinh tấn, bốn là định, năm là bát nhã.

Lại có năm pháp, bốn pháp đầu như trên, năm là ưa thích tịch tĩnh.

Lại có năm pháp:

– Một là thành tựu giới uẩn hữu học,

– Hai là thành tựu định uẩn hữu học,

– Ba là thành tựu tuệ uẩn hữu học,

– Bốn là thành tựu giải thoát uẩn hữu học,

– Năm là thành tựu giải thoát tri kiến uẩn hữu học.

Lại có năm pháp thành tựu vô học giống như thành tựu hữu học ở trên.

Lại có năm pháp: Một là biết có lỗi, hai là biết biểu thị, ba là biết ý biểu thị, bốn là biết xả, năm là biết tùy giải.

Lại có năm pháp: Một là biết có ngăn ngại, hai là biết không có ngăn ngại, ba là tùy lúc dạy bảo, bốn là cho y chỉ, năm là nhiếp thọ. Lại có năm pháp: Một là biết có phạm. hai là biết không phạm, ba là biết tội khinh, bốn là biết tội trọng, năm là biết rõ Ba-la-đề-mộc-xoa và rộng giảng giải.

Người thành tựu các loại năm pháp trên, đủ mười hạ mới được độ người xuất gia và cho thọ Cận viên, cho người y chỉ và giáo thọ. Nếu không như thế thì phải y chỉ người khác mà ở.”

Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, như Phật đã dạy phải thành tựu các loại năm pháp trên và đủ mười hạ mới được độ đệ tử…. Nếu Bí-sô tuy đã được sáu mươi tuổi hạ nhưng không thông hiểu Giới kinh Biết giải thoát, cũng không thành tựu năm pháp trên thì có nên y chỉ người khác mà ở hay không?”. Phật nói nên, lại hỏi y chỉ như thế nào, Phật nói nên y chỉ người già, lại hỏi nếu không có người già, Phật nói nên y chỉ người trẻ, chỉ trử lễ bái còn các việc khác đều phải tuân hành.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bí-sô ngu si vô trí, không hiểu rõ thiện ác lại độ một ngoại đạo cho xuất gia và cho thọ cận viên. Người này thường hay cùng các Bí-sô tranh cải rồi tự ý hoàn tục và đủ lởi chê trách các Bí-sô, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Kẻ ngu si vô trí bỏ thiện pháp luật để đến với tà kiến, ví như người bị cơn đói bức bách bỏ thức ăn ngon để ăn các thứ nhơ bẩn. Cho nên các Bí-sô không nên vội độ ngoại đạo làm đệ tử, chỉ nên độ thích tử. Nếu có Thích tử mặc y ngoại đạo đến cầu xuất gia thì nên độ để họ thành tánh Bí-sô. Trừ thích chủng ra, các ngoại đạo khác đều phải trải qua bốn tháng ở chung để xem xét rồi mới độ”. Lúc đó các Bí-sô không biết pháp cho ở chung và tiếp độ ngoại đạo như thế nào nên bạch Phật, phật nói; “Nếu có ngoại đạo đến cầu xuất gia trước nên hỏi họ các chướng nạn, nếu không có chướng nạn thì cho họ thọ tam quy và năm học xứ. Sau đó dẫn họ đến trong tăng bảo họ quỳ gối chắp tay bạch rằng:

Đại đức Tăng lắng nghe, con là ngoại đạo tên ___ nay cầu xin xuất gia, trong bốn tháng xin đem y phục trước kia của con cúng cho tăng già, cúi xin cho phép con (3 lần). Kế bảo họ đến chỗ mắt thấy nhưng tai không nghe rồi sai một Bí-sô tác bạch yết ma như sau:

Đại đức Tăng lắng nghe, ngoại đạo tên ___ cầu xin xuất gia, trong bốn tháng đem y phục trước kia cúng cho tăng già và Ô-ba-đà-da . Nếu Tăng đúng thời đến, Tăng nên chấp thuận… cho đến câu: Nếu ai không chấp thuận thì nói. Tăng đã chấp thuận vì im lăng, việc này tôi xin nhớ giữ như vậy.

Trong bốn tháng những việc mà ngoại đạo làm đều dồng như Cầu-tịch, mặc y của Thân giáo sư và ăn thức ăn của Tăng. Nếu trong bốn tháng này họ thay đổi nhận thức trước kia của họ thì nên cho xuất gia, nếu tâm họ không thay đổi thì nên đuổi họ trở về. Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, như Phật đã dạy là nếu họ thay đổi nhận thức trước kia mới cho xuất gia, nhưng làm sao biết được là họ thay đổi nhận thức trước kia của họ?”, Phật nói: “Ở trước mặt họ nên tán thán Tam bảo và công đức của Phật, đồng thời chê bai ngoại đạo. Nếu họ nghe như thế mà sanh tâm Hoan-hỉ thì nên cho họ xuất gia; ngược lại nếu họ không sanh tâm Hoan-hỉ, nghe chê bai ngoại đạo mà buồn thì không nên độ, nên đuổi họ trở về. Như vậy nếu họ nghe chê bai ngoại đạo mà tâm không sân hận, đó là thay đổi nhận thức trước kia. Nếu có ngoại đạo thở lửa đến cầu xuất gia thì nên độ và cho thọ cận viên, vì sao?, vì người thờ lửa tin vào ba loại nghiệp: Một là Hữu nghiệp, hai là Sở tác nghiệp, ba là Tác nhân nghiệp. Các thầy nên học như thế.”

Phật ở trong Trúc-lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương-xá, ở trong thành này số Bí-sô kỳ túc ít hơn số Bí-sô trẻ. Lúc đó an cư ba tháng hạ xong, Phật muốn du hành đến Nam sơn nên bảo tôn giả A-Nan-đà: “Thầy nên thông báo cho các Bí-sô, ai muốn đi theo Thế tôn du hành thì nên sửa soạn y bát”, tôn giả vâng lời Phật dạy đi thông báo. Các Bí-sô kỳ túc nói với A-Nan-đà: “Tôi không thể theo Thế tôn du hành”, A-Nan-đà hỏi nguyên do, liền đáp là do già yếu. Các Bí-sô trẻ cũng nói là không thể đi theo, A-Nan-đà hỏi nguyên do, liền đáp: “Thầy của tôi đã không đi nên tôi phải ở lại chăm sóc”. Cuối cùng chỉ có số ít Bí-sô đi theo Phật du hành, lúc sắp đi Phật nhìn ngó hai bên xem các Bí-sô có chấp trì y bát như pháp không, thấy các Bí-sô đi theo không đông nên hỏi A-Nan-đà nguyên do, A-Nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Từ nay các Bí-sô được năm tuổi hạ trở lên, thành tựu năm pháp sẽ được tùy chỗ thọ học, du hành nhân gian không cần y chỉ. năm pháp gồm có: Một là biết có phạm, hai là biết không phạm, ba là biết tội trọng, bốn là biết tội khinh, năm là khéo trì Ba-la-đề-mộc-xoa và rộng giảng giải”. Lúc đó cụ thọ Ưu-ba-ly bạch Phật: “Thế tôn, nếu các Bí-sô dưới năm tuổi hạ nhưng thành tựu năm pháp thì có được du hành nhân gian tùy chỗ thọ học hay không?”, Phật nói: “Không được, nay ta chế định năm tuổi hạ trở lên và thành tựu năm pháp mới được tùy ý du hành, tùy chỗ thọ học. Nếu chưa đủ năm tuổi hạ, dù thông suốt tam tạng vẫn không được tùy ý du hành, tùy chỗ thọ học, phải nương ở với thầy và cần y chỉ”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Đại Mục-kiền-liên cho mười bảy thiếu niên xuất gia và truyền thọ Cận viên, trong số đó Ưu-ba-ly đứng đầu, đến nửa đêm họ đói bụng cùng kêu khóc vang dậy. Phật nghe tiếng trẻ khóc liền hỏi A-Nan-đà nguyên do, A-Nan-đà đem việc trên bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: “Nay ta chế định nếu ai chưa đủ hai mươi tuổi thì không được cho họ thọ Cận viên, thành tánh Bí-sô, vì sao?, vì chưa đủ hai mươi tuổi sẽ không thể chịu đựng được lạnh nóng đói khát, muỗi trùng cắn đốt và bịnh tật … Lại nữa khi bị thầy quở trách cũng không thể chịu đựng được các khổ não. Phải đủ hai mươi tuổi mới có chí khí mạnh, chịu đựng được sự quở trách và khổ cực… Vì chưa đủ tuổi mà cho thọ Cận viên mới có các lỗi trên, cho nên từ nay các Bí-sô không được truyền thọ Cận viên cho người chưa đủ hai mươi tuổi. Nếu có Cầu-tịch cầu thọ Cận viên, Bísô nên hỏi đã đủ hai mươi tuổi chưa, nếu không hỏi thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó trong thành có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu liền sanh được một trai, đứa bé này dần dần trưởng thành thì gia nghiệp của trưởng giả cũng dần dần tiêu tán hết. Trưởng giả suy nghĩ: “Ta nghèo khổ nên cầu xuất gia”, nghĩ rồi liền nói với con: “Ta nay già yếu không thể cùng con chấn hưng gia nghiệp, ta muốn ở trong thiện pháp luật xuất gia, ý con thế nào?”, đáp; “Cha xuất gia, con cũng xuất gia theo”. Nói rồi hai cha con cùng đi đến trong rừng Thệ-đa gặp các Bí sô cầu xin xuất gia, các Bí-sô liền cho Cả hai xuất gia và dạy cho Cả hai oai nghi hành pháp, vài ngày sau các Bí-sô bảo Cả hai rằng: “Hai ngươi biết không, nai không nuôi nai, thành Thất-la-phiệt này rộng lớn, dân đông đều kính tín Tam bảo, hai ngươi nên đi đến đó khất thực tự nuôi thân”. Cả hai nghe rồi liền chấp trì y bát cùng vào thành Thất-la-phiệt theo thứ lớp khất thực, đi đến ngã tư đường Cầu-tịch nhỏ thấy một phụ nữ đang chiên bánh bán liền đến xin, phụ nữ đó nói: “Đưa tiền tôi mới đưa bánh”, đáp là không có tiền, phụ nữ đó không chịu đưa bánh, Cầu-tịch nhỏ này liền kêu khóc lớn tiếng và nằm lăn ra đất, mọi người nhìn thấy như vậy đều chê trách rằng: “Tại sao Bí-sô lại độ đứa bé chưa ráo máu đầu như thế xuất gia”. Các Bí-sô nghe biết bạch Phật, Phật nói: “Do độ kẻ nhỏ tuổi xuất gia nên có lỗi này. Từ nay người chưa đủ hai tuổi không được cho xuất gia. Nếu có đồng tử đến cầu xuất gia, Bí-sô nên hỏi đã đủ hai tuổi chưa, nếu 30 không hỏi thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Ô-ba-Nan-đà có hai cầu tịch cùng nhau chơi đùa như phụ nữ chơi đùa với chồng, như người nam chơi đùa với người nữ. Các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Do độ hai cầu tịch cùng một lúc nên có lỗi này. Từ nay ai độ hai cầu tịch cùng một lúc thì phạm tội Việt pháp”. Sau đó có hai anh em cùng đến cầu xuất gia, các Bí-sô không dám độ, không biết làm sao nên bạch Phật, Phật nói: “Nếu là anh em cùng cầu xuất gia thì nên độ, không phạm. hai cầu tịch kia vì chưa đủ tuổi nên giữ lại một người để dạy bảo, còn người kia nên đưa đến một vị thân quen hay đại đức nào đó dạy bảo, đến khi đủ hai mươi tuổi thì cho họ thọ cận viên, nếu họ đã đủ hai mươi mà không cho thọ cận viên thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có một cư sĩ nuôi một nô bộc siêng năng phục dịch không có lười biếng, làm việc gì cũng hoàn tất. một hôm chủ nhà nổi giận, người nô bộc suy nghĩ: “Ông chủ thật khó phục dịch, ta nên trốn đi, nhưng quên nhà khó thể bỏ đi. Ta nghe nói các sa môn Thích tử được vua ân sủng, không bị tổn hại, ta nên đến đo xin xuất gia”, nghĩ rồi liền đi đến trong rừng Thệ-đa ở chỗ các Bí-sô xin xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và cho thọ Cận viên rồi chỉ dạy giáo pháp, vị này y theo giáo pháp tu hành, không bao lâu sau diệt trừ phiền não chứng quả A-la-hán. Lúc đó gia chủ sanh tâm hối, tự nghĩ: “Tên nô bộc của ta đã làm việc siêng năng không lười biếng, ta không nên tức giận khiến nó bỏ đi như vậy, nếu gặp lại nó ta sẽ xin lỗi”, nghĩ rồi đứng ở bên cửa thành chờ Bí-sô, khi Bí-sô đắp y mang bát vào thành khất thực, gia chủ thấy rồi liền nói: “Hiền thủ, ngươi tuy được xuất gia, nhưng nay không có ai phục dịch cho ta, hãy theo ta trở về”. Bí-sô liền bay lên hư không, thân hiện thần biến, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước… rồi trở xuống đất. Phàm phu hễ thấy được thần thông, tâm ý mau hồi chuyển như cây đại thọ bị ngã xuống đất, vị gia chủ này liền cúi mình đảnh lễ và bạch: “Thánh giả đã có công năng như vậy, con nguyện từ nay cúng dường tứ sự cho Thánh giả”. Từ đó tiếng đồn vang khắp và đến tai của vua Thắng-quang, vua liền ra lịnh cho quần thần: “Từ nay trong nhà của các quan, trưởng giả … có nô bộc muốn cầu xuất gia thì nên cho họ được xuất gia, không gây trở ngại”. Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả nuôi một nô bộc siêng năng làm việc… giống như trường hợp trên, chỉ khác ở chỗ nô bộc này sau khi xuất gia không có được chứng quả nên khi gia chủ nắm tay Bí-sô nói rằng: “Hiền thủ, ngươi tuy đã xuất gia nhưng nay không có ai phục dịch ta, hãy cùng ta trở về”, thì Bí-sô này nói: “Nếu ông xúc chạm tôi, ông sẽ bị chặt tay. Vua Thắng-quang có sắc lịnh xem Bí-sô đồng như vương tử”, trưởng giả gia chủ nghe lời này liền chê trách các Bí-sô: “Sa môn Thích tử phá hoại, tại sao lại cho nô bộc xuất gia”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu đã có lỗi này thì từ nay các Bí-sô không nên tùy tiện cho nô bộc xuất gia. Nếu họ đến cầu xuất gia nên hỏi: Ngươi không phải là nô bộc phải không. Không hỏi mà cho xuất gia thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành có một trưởng giả cho vay, có lúc chỉ lấy lãi, có lúc lấy cả gốc lẫn lãi. Sau đó trưởng giả gặp một người mắc nợ đòi cả gốc lẫn lãi, người này nghèo khó không thể trả cả gốc lẫn lãi nên trưởng giả bắt họ làm tờ cam kết hẹn ngày trả mới thả cho về. Người này suy nghĩ: “Ta vốn không thể trả nổi cả gốc lẫn lãi, ta nên bỏ đi nhưng quê nhà khó bỏ đi được. Ta nghe nói sa môn Thích tử được vua xem đồng như vương tử, ta nên đến đó cầu xuất gia”, nghĩ rồi liền đến trong rừng Thệ-đa ở chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và cho thọ cận viên. Sau khi được thọ Cận viên, người này phát tâm dõng mãnh siêng tu không gián đoạn, không bao lâu sau chứng quả A-la-hán. Lúc đó trưỡng giả cho vay sanh tâm hối hận suy nghĩ: “Số tiền nó mắc nợ trước kia đã trả cả gốc lẫn lãi, nếu gặp lại nó, ta sẽ xin lỗi”, nghĩ rồi liền đứng bên cửa thành chờ Bí-sô, khi Bí-sô đắp y vào thành khất thực, trưởng gia thấy rồi liền đến nắm tay nói rằng: “Ngươi tuy đã xuất gia nhưng vẫn trả ta cả gốc lẫn lãi, nay ngươi nên trở về nhà”. Bí-sô liền bay lên hư không, thân hiện thần biến, trên thân ra lửa, dưới thân ra nước… rồi trở xuống đất. Phàm phu hễ thấy được thần thông, tâm ý mau hồi chuyển như cây đại thọ bị ngã xuống đất, trưởng giả cho vay liền cúi mình đảnh lễ bạch rằng: “Thánh giả đã có công năng như vậy, con nguyện từ nay cúng dường tứ sự cho Thánh giả”. Từ đó tiếng đồn vang khắp và đến tai của vua Thắng-quang, vua liền ra lịnh cho quần thần: “Từ nay nếu có ai mắc nợ không thể trả được mà muốn xuất gia theo Phật thì không nên gây trở ngại cho họ”. Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một trưởng giả cho vay… giống như trường hợp trên, chỉ khác ở chỗ người mắc nợ này sau khi xuất gia rồi không có chứng được quả nên khi bị trưởng giả cho vay nắm tay nói rằng: “Người xuất gia rồi thì ai sẽ trả nợ cả gốc lẫn lãi cho ta, hãy theo ta trở về nhà”, thì Bí-sô này nói rằng: “Nếu ông xúc chạm tôi, ông sẽ bị chặt tay. Vua có sắc lịnh người mắc nợ không thể trả được nếu xuất gia thì tất cả nợ nần đều khỏi trả”. Người kia nghe lời này rồi liền chế trách các Bí-sô: “Sa môn Thích tử phần nhiều ôm lòng ngạo mạn, người đang mắc nợ lại độ cho xuất gia”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nếu có lỗi này sanh thì từ nay các Bí-sô không nên tùy tiện độ người mắc nợ. Nếu làm trái thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu thì sanh được một trai… dần dần trưởng thành. một hôm đồng tử này bị cha mẹ giận trách liền muốn trốn đi, tự nghĩ: “Quê nhà khó bỏ đi được. Ta nghe nói sa môn Thích được xem đồng như vương tử, ta nên đến đó cầu xuất gia”, nghĩ rồi liền đi đến trong vườn Cấp ở chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, các Bí-sô liền cho xuất gia và cho thọ Cận viên. Thời gian sau, người cha tìm con đến chỗ các Bí-sô hỏi thăm, các Bí-sô đáp là đã độ cho xuất gia, người cha liền chê trách rằng: “Có phải các Bí-sô thường cầm sẵn con dao đợi khi có người đến cầu xuất gia liền cạo tóc liền phải không? Vì sao phải cạo gấp như vậy?”, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Không được cạo tóc liền. Nếu có đồng tử ở gần đến cầu xuất gia, nên chờ đợi bảy, tám ngày sau mới được cạo tóc. Nếu là người phương xa đến cầu xuất gia thì có thể cạo tóc liền không phạm”.

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một trưởng giả cưới vợ chưa bao lâu liền sanh được một trai. một hôm, trưởng giả nói với vợ: “Hiền thủ, nuôi con đến lớn ắt phải nhiều tốn kém, nay ta muốn đi đến phương xa khác buốn bán cầu lợi”, nói rồi liền ra đi nhưng sau đó không thấy trưởng giả trở về. Người vợ ở nhà tảo tần nuôi con đến lớn và cho con đến trường để học ngoại điển, không ngờ người con này học không tiếp thu được gì cả trong khi các bạn đồng học đối với các luận điển đã có đều học thông suốt. Người mẹ liền đến trường gạn hỏi thầy giáo nguyên do, thầy giáo nói: “Đối với người học có hai việc khiến cho học nghiệp được thành tựu: Một là biết hổ thẹn, hai là biết sợ hãi. Con trai của bà không có hai đức tánh này”, người mẹ nói: “Nếu nó không chịu cố gắng học thì thầy cứ cho nó roi”. Thầy giáo nghe theo lời người mẹ, khi thấy đồng tử này không chịu học liền quở trách và đánh roi, đồng tử khóc rồi chạy về mách mẹ, không ngờ lại bị người mẹ đánh thêm, đồng tử suy nghĩ: “Ta thật khổ, không mách mẹ thì chỉ bị thầy giáo đánh, về mách lại còn bị mẹ đánh thêm. Ta không thể chịu đựng được khổ này, ta nên trốn đi”. Đồng tử liền đi đến trong rừng Thệ-đa, gặp một Cầu-tịch đang hái hoa liền khen: “Thật sung sướng thay”, Cầu-tịch hỏi nguyên do, liền đáp: “Vì thầy được xuất gia”, liền hỏi: “Vậy sao ngươi không xuất gia?”, đáp: “Đâu có ai độ cho tôi”, Cầu-tịch nói: “Ngươi đến đây, tôi sẽ dẫn đến gặp thầy tôi”. Cầutịch liền dẫn đến gặp thầy bạch rằng: “Ô-ba-đà-da, vị thiện nam này muốn xuất gia”, vị thầy liền cho xuất gia. Sau đó người mẹ đến trường hỏi thầy giáo: “Con tôi đâu?”, đáp: “Bị tôi đánh, nó liền bỏ về nhà”, người mẹ nói: “Nó về nhà lại bị tôi đánh thêm nên nó bỏ đi, không biết đã đi đâu”. Người mẹ liền đi khắp nơi tìm kiếm nhưng không tìm thấy, cuối cùng đứng bên cửa thành Vương-xá nhìn ngó Đông tây, bỗng thấy hai cầu tịch tay cầm bát đi đến, một Cầu-tịch chính là con mình liền đấm ngực kêu khóc: “Đứa con ngu si này, ta tìm kiếm khắp nơi không gặp, tai sao con lại xuất gia trong nhóm sa môn bần tiện này”, nói rồi liền nắm tay con kéo lôi về nhà và bắt phải hoàn tục, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Do không xin phép cha mẹ liền cho xuất gia nên mới có lỗi này, Từ nay các Bí-sô nếu có người đến cầu xuất gia, không xin phép cha mẹ mà liền cho kia xuất gia thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong Trúc-lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương-xá, trong thành có một Bà-la-môn cưới vợ chưa bao lâu thì sanh được một trai, dần dần trưởng thành bỗng mắc bịnh nặng, tìm đến nhiều thầy thuốc nhưng không hết bịnh, người mẹ bảo con: “Con nên đến cầu xin trưởng giả Thị phược ca trị bịnh”. Người con liền đến chỗ trưởng giả xin trị bịnh, trưởng giả nói: “Bịnh của ngươi rất nặng, rất khó trị; nhưng y thuật của ta chỉ dùng để trị cho hai hạng người: Một là Phật và Tăng chúng, hai là người ở trong cung vua. Vì thế ta không rảnh trị bịnh cho ngươi, ngươi hãy về đi”. Người con trở về nói lại cho mẹ nghe, người mẹ nói: “Vậy con nên xuất gia”, người con nói: “Con là chủng tộc Bàla-môn, sao lại phải xuất gia trong Sa môn tạp chủng đó?”, người mẹ nói: “Con xuất gia để được trị bịnh, hết bịnh thì hoàn tục có khó gì”, người con nói: “Xuất gia sẽ bị cạo tóc, con phải làm sao?”, người mẹ nói: “Cạo rồi thì tóc cũng mọc lại, con sợ gì chứ !”. Người con liền đến trong Trúc-lâm ở chỗ các Bí-sô cầu xuất gia, được xuất gia rồi ngay trong đêm ấy người này không chịu vào phòng, vị thầy hỏi nguyên do, liền đáp là có bịnh, vị thầy hỏi: “Tại sao ngươi không nói cho ta biết?”, đáp: “Vì không thấy thầy hỏi”, vị thầy nghe rồi rất tức giận. Sáng hôm sau có người đệ tử cũ đến viếng thăm, thấy thầy không vui liền hỏi nguyên do, vị thầy nói: “Chỗ ở của ta lại là chỗ nuôi bịnh, người có bịnh đều tụ lại đây”, đệ tử nói: “Như Thế tôn dạy có hai việc: Một là không nên làm quá sức mình, hai là đã độ rồi thì không nên bỏ. Nay thầy đã độ rồi thì biết làm sao”. Đúng lúc đó có y vương Thị phược ca đến, vị thầy hỏi y vương: “Bịnh của Bí-sô này có thể chữa được không?”, đáp: “Bịnh này quá nặng, nếu vua Thắng-quang cấp thuốc đầy đủ thì tôi sẽ chữa được”. Bí-sô này sau khi hết bịnh liền đấn bạch thầy: “Con vì có việc mong cầu nên mới xuất gia, nay đã toại nguyện con muốn trở về nhà”, vị thầy hỏi: “Con đã đắc A-la-hán chưa?”, đáp chưa, lại hỏi: “Con đã đắc quả Bất lai, Nhất lai hay Tu đà hoàn chưa?”, đáp đều chưa, lại hỏi: “Nếu vậy tại sao lại muốn về nhà”, đáp: “Con vì muốn trị bịnh nên mới xuất gia, nay bịnh đã lành nên muốn trở về”, vị thầy nói: “Trong pháp xuất gia có bốn quả thù thắng, con đều không được. Con nên ở lại trả tiền thuốc cho người, nếu không sau này bịnh phát trở lại, chắc chắn sẽ chết không nghi”. Người này không nghe lời liền bỏ về nhà, sau đó đem hoa quả… đến báo đáp Thị phược ca, Thị phược ca hỏi nguyên do, liền nói là muốn báo đáp, Thị phược ca nói không nhớ, liền đem việc trên kể lại, Thị phược ca nghe rồi nói rằng: “Ngươi đã xuất gia trong pháp luật thiện thuyết đáng lẽ phải chứng được bốn quả sa môn, nhưng ngươi thọ của tín thí lại rơi vào đường ác”. Sau đó Thị phược ca đến chỗ Phật đem việc trên bạch Phật và nói: “Thế tôn, các Bí-sô cho người bịnh nặng xuất gia và thọ cận viên sẽ làm cho tài vật trong kho của vua tổn giảm, thân con cũng lao nhọc. Cúi xin Thế tôn chế định các Thánh giả đừng cho người bịnh nặng xuất gia”, Phật im lặng nhận lời, Thị phược ca biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi lui ra. Phật tự nghĩ: “Do độ người bịnh nặng nên có lỗi này”, liền bảo các Bí-sô: “Từ nay không được độ người có bịnh nặng. Nếu có người đến cầu xuất gia nên hỏi hỏi bịnh gì không, nếu không hỏi liền độ thì phạm tội Việt pháp”.

Phật ở trong rừng Ni-cù-đà thành Kiếp-tỷ-la, lúc đó vua Tịnhphạn bảo trong dòng họ Thích, mỗi nhà nên cho một người xuất gia. Bà con thân thuộc đến thăm nghe thuyết pháp Hoan-hỉ rồi khởi lòng tin cầu xuất gia, trong số đó hoặc là cha, anh, chồng, con… nên người nhà buồn thương kêu khóc, vua Tịnh-phạn nghe biết liền hỏi nguyên do, thân quyến của những người xuất gia nói rõ nguyên do. Vua nghe rồi liền đến chỗ Phật bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn cho tôi một ước nguyện”, Phật hỏi: “Đại vương muốn điều gì?”, đáp: “Ước nguyện này là vì dòng họ Thích, nếu Thế tôn làm Chuyển luân thánh vương thì người trong dòng họ Thích đều đi theo, nhưng Thế tôn lại xuất gia nên điều mà chúng tôi mong mõi lại không được toại. Lại nữa, Nan-đà là Lực chuyển luân vương, Thế tôn lại độ cho xuất gia nên chúng tôi cũng mất hy vọng;

La-hổ-la có đại oai đức sẽ lên ngôi vua, Thế tôn cũng độ cho xuất gia, chúng tôi cũng tuyệt vọng. Thế tôn, cha mẹ đối với con tình thương sâu nặng, cúi xin Thế tôn chế định nếu cha mẹ chưa cho phép không nên độ cho xuất gia”. Phật im lặng nhận lời, vua biết Phật đã nhận lời liền đảnh lễ rồi ra về, Phật tự nghĩ: “Do không hỏi ý kiến của cha mẹ liền độ cho xuất gia nên có lỗi này”, Phật liền bảo các Bí-sô: “Từ nay nếu có người đến cầu xuất gia trước nên hỏi cha mẹ đã cho phép chưa, nếu cha mẹ đã cho phép mới được độ cho xuất gia, nếu không hỏi mà liền độ thì phạm tội Việt pháp”. Lúc đó có người từ xa đến cầu xuất gia nói là cha mẹ đã cho phép, nhưng các Bí-sô không dám độ liền bạch Phật, Phật nói: “Nếu có người từ xa đến, cha mẹ đã cho phép thì nên độ, không hỏi không phạm”.

 

Trang: 1 2 3 4