CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 46

Học Xứ Thứ Tám Mươi Hai: VÀO CỬA CUNG VUA

Lúc đó ở thành Thắng-âm, vua Đảnh-kế sau khi được vua cha truyền ngôi noi theo cha dùng chánh pháp trị nước, nhưng không bao lâu sau lại dùng phi pháp, hai đại thần Lợi-ích và Trừ-hoạn liền khuyên can vua: “Đại vương nên dùng chánh pháp trị nước đừng nên dùng phi pháp. Quốc dân ví như cây có hoa trái, phải đúng thời tưới bón không làm cho nó bị suy tổn thì hoa trái sẽ tươi tốt. Bá tánh cũng vậy, phải giáo dưỡng bằng chánh pháp thì việc thu thuế sẽ không có sai sót”. Tuy khuyên can nhiều lần như vậy, nhà vua vẫn không nghe theo còn sân hận nói với đại thần rằng: “Người trái nghịch lời của vua quán đảnh thì sẽ trị tội gì?”, nịnh thần liền nói: “Nên xử tội chết”, liền nói kệ:

“Nếu quan chống trái vua,
Như hàm răng chạm nhau,
Nên cho uống thuốc độc,
Trừ rồi mới an vui.
Đại thần có nhiều trí,
Thông hiểu các pháp luật,
Giàu mạnh có binh chủng,
Không trừ sẽ tự hại”.

Vua nghe rồi liền bảo nịnh thần: “Hai đại thần đó là do vua cha dặn dò, ta không thể gia hình, chỉ khiến họ từ nay về sau đừng đến gặp ta nữa”, vua liền truất phế và lập hai nịnh thần lên làm phụ tướng, nịnh thần được vua ân sủng, thường nói kệ xúi giục nhà vua:

“Rau diếp không chưng nấu,
Cho đến không xay giã,
Không cần gia công ép,
Thì làm sao được dầu?.

Quốc dân cũng vậy, phải nghiêm khắc trị phạt mới có thể trị an”, vua nghe rồi liền nói: “Từ nay việc quốc chính giao cho hai khanh lo liệu”, nịnh thần nghe rồi liền dùng phi pháp bức bách bá tánh. Lúc đó có thương nhơn từ thành Thắng-âm đến thành Vương xá buôn bán ghé thăm Bí-sô Tiên-đạo, Tiên-đạo liền hỏi:

“Vua Đảnh-kế Thắng-âm,
Đại thần và binh chủng,
Không bịnh, không khủng bố,
Dùng pháp cai trị chăng?”,

Thương nhơn đáp:

“Vua và các đại thần
Binh chủng đều an ổn,
Tuy không có khủng bố,
Nhưng phi pháp trị dân”.

Tiên-đạo nghe rồi liền hỏi: “Ai là đệ nhất đại thần, vua nghe lời ai bức bách bá tánh?”, thương nhơn đem sự việc trong thành Thắng-âm kể lại, Tiên-đạo nghe rồi liền bảo thương nhơn: “Ngươi trở về nói với quốc dân chớ nên ưu não, đợi ba tháng an cư xong, ta sẽ trở về khuyên can nhà vua”. Thương nhơn đảnh lễ rồi trở về thành Thắng-âm nói cho mọi người biết tin vui này, nịnh thần nghe được liền tâu vua Đảnh kế: “Đại vương biết chăng, lão vương sẽ trở về đây, chắc là muốn lấy lại quốc vị”, vua nói: “Vua cha đã xuất gia đâu còn cần vương vị”, nịnh thần tâu: “Có thể lão vương đã hối hận”, vua nói: “Vậy phải làm thế nào?”, nịnh thần nói nên giết, vua nói: “Ta làm sao có thể hại vua cha”, nịnh thần liền nói kệ:

“Dù cha mẹ anh em,
Hoặc con trai hay gái,
Niệm ác thành oan gia,
Cần phải chém đầu ngay,
Cho dù một ngàn người con,
Cùng đi chung một thuyền,
Một đứa là oan gia,
Tất cả phải chết chìm,
Giữ nhà giết một mạng,
Giữ thôn trừ một nhà,
Giữ thành trừ một thôn,
Giữ mình bỏ một nước”.

Do vua nghe theo lời khuyến dụ này nên nịnh thần ra lịnh cho sát thủ đi giết lão vương, các sát thủ này tuy bị sai phái nhưng không muốn đi giết, nịnh thần ba lần ra lịnh, ba lần hứa thưởng trọng hậu họ đều không chịu đi giết, nịnh thần nổi giận ra lịnh bắt giam tất cả quyến thuộc của họ, buộc lòng họ phải tuân lịnh đi giết lão vương. Lúc đó Bísô Tiên-đạo hạ an cư xong đến chỗ Phật đảnh lễ bạch rằng: “Thế tôn, nay con muốn trở về thành Thắng-âm”, Phật nói: “Tùy ý nhưng cần phải quán chiếu nghiệp lực khó trái”, Bí-sô Tiên-đạo đảnh lễ Phật rồi trở về phòng thu xếp lên đường. Giữa đường gặp sát thủ liền hỏi: “Các ngươi từ thành Thắng-âm đến phải không?”, đáp phải, Tiên-đạo liền hỏi những câu như đã hỏi thương nhơn trước kia, cho đến câu sát thủ nói: “Đại vương không muốn gặp lão vương”, Tiên-đạo nghe rồi liền nói: “Vậy thì ta trở lại thành Vương xá”, sát thủ liền nói kệ:

“Đại vương dõng mãnh định về đâu,
Đảnh-kế không muốn vua cha sống,
Ra lịnh chúng tôi tìm đến giết,
Mạng vua nay hết không đường thoát”.

Tiên-đạo nghe rồi liền hỏi: “Đảnh-kế cố tâm sai các ngươi đến giết ta sao?”, đáp phải, Tiên-đạo nghe rồi liền suy nghĩ: “Thế tôn có dạy nên phải quán chiếu nghiệp lực khó trái là chỉ cho việc này”, nghĩ rồi liền bảo sát thủ: “Các ngươi hãy tạm chờ một chút, ta đã là người xuất gia nhưng việc của người xuất gia ta vẫn chưa làm xong, các ngươi chờ ta giải quyết cho xong”, sát thủ chấp thuận, Tiên-đạo liền ngồi kiết già dưới gốc cây quán chiếu. Như lời Phật dạy người đa văn có năm Lợi-ích: Một là Uẩn thiện xảo, hai là Xứ thiện xảo, ba là Giới thiện xảo, bốn là Duyên khởi thiện xảo, năm là đối với điều cần giáo giới hay giáo thọ đều không nhờ đến người khác. Bí-sô Tiên-đạo có đủ năm Lợi-ích này, biết năm đường luân hồi không có tướng định, tất cả các hành đều là vô thường, như lý quán sát tư duy liền đoạn hết các phiền não chứng quả A-la-hán, xem vàng không khác đất như dao cắt mùi thơm không có hai tướng; tâm không vướng mắc như tay nắm hư không, được ba minh sáu thông và bốn vô ngại biện; trong ba cõi không còn chấp trước, lợi dưỡng và cung kinh thảy đều xả bỏ, được giải thoát lạc liền nói kệ:

“Đã đoạn các kiết phược,
Khéo nhổ các tên độc,
Bí-sô Tiên-đạo tôi,
Vẫn không khỏi vương pháp”.

Nói kệ rồi liền bảo sát thủ: “Điều ta cần làm nay đã làm xong, điều các ngươi muốn làm hãy tùy ý làm”, sát thủ nói: “Khi chúng tôi về nước nếu vua Đảnh-kế hỏi trước khi Lão vương chết có nói lại điều gì không thì chúng tôi nên đáp như thế nào?”, Tiên-đạo nói: “Các ngươi nên đáp là ta nói rằng:

“Ngươi tạo nhiều nghiệp ác,
Tham quốc vị giết cha,
Ta được thắng Niết-bàn,
Ngươi đọc ngục vô gián”.

Các ngươi nên nói thêm rằng: Ngươi tạo hai nghiệp vô gián, một là giết cha, hai là giết A-la-hán đã đoạn hết các lậu hoặc. Ngươi sẽ bị đọa vào ngục Vô gián chịu khổ cùng tột, hãy chí thành ân cần sám hối mới hy vọng nhẹ bớt”. Lúc đó Tiên-đạo muốn dùng thần lực nương hư không mà đi để con mình không vì việc này mà chịu tai ương, nhưng đối với cảnh sở cầu tâm sanh mê loạn, ngay cả hai chữ thần thông cũng không nhớ được huống chi là dùng thần lực, Tiên-đạo liền suy nghĩ: “Thế tôn bảo ta nên quán chiếu nghiệp lực không thể tránh khỏi”, liền nói kệ:

“Dầu cho trải trăm kiếp,
Nghiệp đã tạo không mất,
Khi nhân duyên hội đủ,
Tợ thọ lấy quả báo”.

Lúc đó sát thủ chém đầu vua, đầu vua vừa rơi xuống đất, chư thiên trên hư không nói kệ:

“Nghiệp lực không nghĩ bàn,
Xa mấy cũng kéo nhau,
Quả báo khi chín muồi,
Muốn tránh cũng khó thoát”.

Lúc đó Thế tôn ở trong Trúc lâm bỗng mĩm cười, trong miệng phóng ra ánh sáng hoặc chiếu lên hoặc chiếu xuống… giống như duyên khởi trong giới thứ bốn Ba-la-thị-ca, đoạn nói về tiền thân của cá Ma kiệt… cho đến câu nếu thọ ký đạo quả vô thượng bồ đề thì ánh sáng vào từ đảnh. Lúc đó ánh sáng xoay quanh Phật ba vòng rồi vào từ dưới chân, cụ thọ A-nan-đà liền bạch Phật: “Thế tôn, Như lai Ứng chánh đẳng giác vui vẻ mĩm cười không phải là không có nhân duyên”, liền nói kệ thỉnh Phật:

“Miệng phóng ra các ánh sáng diệu,
Chiếu khắp Đại thiên không phải một,
Cho đến các cõi trong mười phương,
Phật là thắng nhân của chúng sanh,
Hay trừ kiêu mạn và lo buồn,
Không nhân duyên Phật không mở lời,
Miệng mĩm cười ắt nói việc lạ,
Đấng mâu ni an tường xét nét,
Chúng con muốn nghe, xin Phật nói,
Như Sư tử vương cất tiếng diệu,
Xin hãy giải nghi cho chúng con,
Nếu không nhân duyên Phật bất động,
Phật từ bi miệng hiện mĩm cười,
Chúng con mong Phật nói nhân duyên”.

Phật bảo A-nan-đà: “Đúng vậy, không phải không nhân duyên mà Như lai Ứng chánh đẳng giác liền mĩm cười”, liền nói kệ:

“Đã đoạn các kiết phược,
Khéo nhổ các tên độc,
Bí-sô Tiên-đạo kia,
Vẫn không khỏi vương pháp”.

“Các thầy hãy lắng nghe: vua Đảnh-kế ở thành Thắng-âm do ác tri thức xúi giục nên đối với cha là Bí-sô Tiên-đạo đã chứng quả A-lahán, không có lỗi lầm mà lại nghịch hại, quyết định sẽ đọa ngục Vô gián”, A-nan-đà hỏi Phật: “Thế tôn, Bí-sô Tiên-đạo đã đắc quả A-lahán nay bị giết rồi ư?”, Phật nói đúng vậy, A-nan-đà nghe rồi thương cảm liền rơi nước mắt.

Lúc đó sát thủ mang đầu và y bát của Tiên-đạo trở về thành Thắng-âm đến chỗ nịnh thần trình báo, hai nịnh thần thấy rồi vui mừng đến chỗ vua Đảnh-kế tâu rằng: “Đại vương hãy vui mừng vì không còn oan gia nữa”, vua hỏi: “Ai là oan gia của ta?”, nịnh thần nói: “Chính là lão vương”, vú nghe rồi liền hỏi: “Tiên vương đã bị giết rồi sao?”, đáp là đã bị giết, vua hỏi: “Làm sao biết được?”, nịnh thần liền chỉ sát thủ nói: “Chính các sát thủ này đã giết chết lão vương”, vua liền hỏi sát thủ: “Tiên vương dẫn bao nhiêu quân binh đến đây?”, sát thủ đáp: “Lão vương đã xuất gia làm Bí-sô, một minh đi bộ trở về đây”, nói rồi liên dâng đầu và y bát của Bí-sô lên cho vua Đảnh kế, vua vừa nhìn thấy liền ngất xỉu, tả hữu rưới nước hồi lâu mới tỉnh lại. Lúc đó nhà vua khóc lớn hỏi sát thủ: “Trước khi tiên vương chết có dặn lại lời gì không?”, sát thủ đáp: Tiên vương trước khi chết có nói kệ bảo tôi về tâu lại Đại vương, kệ nói rằng: “Ngươi tạo nhiều nghiệp ác… giống như đoạn văn trên cho đến câu: Ngươi hãy chí thành sám hối mới mong nhẹ bớt tội”. Vua Đảnh-kế nghe rồi như tên bắn vào tim, dung sắc tiều tụy như cỏ lau bị chặt khô héo, liền sai sứ vời hai đại thần trước kia đến nói rằng: “Vì sao hai khanh thấy ta tạo nghiệp ác cực trọng mà không cản ngăn?”, hai đại thần nói: “Chúng tôi không thể gặp được nhà vua thì làm sao cản ngăn cho được”, vua Đảnh-kế liền truất chức hai nịnh thần và phục chức cho hai cựu đại thần, từ đó hai đại thần khuyên vua dùng chánh pháp trị nước. Hai nịnh thần bị thất sủng liền lập bày mưu kế muốn làm cho vua hồi tâm nên đến bên tháp của hai A-la-hán Để-sái và Bố-sái đào một cái hang nhỏ rồi bỏ hai con mèo con vào trong hang, hằng ngày đem thịt đến cho chúng ăn. Mỗi lần đem thịt đến đều kêu tên hai vị Ala-hán Để-sái và Bố-sái, hai con mèo nghe tiếng kêu liền chạy ra, hai nịnh thần lại nói: “Nếu hai ông tà siểm dối gạt thế gian, thọ y thực của người tín tâm cúng dường nên bị đọa làm thân mèo thì hãy ngậm lấy thịt đi quanh tháp của mình rồi trở vào hang”, hai con mèo ngậm lấy thịt đi quanh tháp rồi trở vào hang. Hằng ngày hai nịnh thần đều huấn luyện hai con mèo như thế cho đến khi thuần thục rồi đến chỗ mẹ của vua Đảnh-kếnói: “Thái phi, nay đại vương gầy ốm, Thái phi đâu thể bỏ mặc không hỏi tới?”, Thái phi nói: “Chính là do hai ngươi xúi giục nhà vua tạo nghiệp ác cực trọng như vậy, bây giờ ta phải làm gì đây”, hai nịnh thần nói: “Thái phi nên tìm cách khai giải nỗi lo buồn giết cha của Đại vương, chúng tôi sẽ giải trừ tâm hối hận giết A-la-hán của đại vương”, thái phi hỏi: “Hai ngươi giải trừ như thế nào?”, hai nịnh thần nói: “Đểsái và Bố-sái nói chứng A-la-hán mọi người đều biết, đó là khi dối mọi người; họ nói không thọ thân sau nhưng sau khi chết lại sanh trong loài mèo, do đây chứng biết không có A-la-hán”. Thái phi nói: “Nếu thật như thế thì hãy để nhà vua tự nghiệm có thể trừ được nỗi sầu lo”, Thái phi liền đến chỗ vua Đảnh-kế thăm hỏi, Đảnh-kế nói: “Con làm sao không đau khổ, do con nghe lời xúi giục của hai nịnh thần nên tạo hai nghiệp vô gián. Tiên vương vô tội mà bị giết hại oan uổng”, Thái phi nói: “Con khỏi phải ưu sầu vì tiên vương vốn không phải là cha thân sanh của con nên không thành tội nghịch”, vua nói: “Cho dù không phải là cha thân sanh không thành tội nghịch, nhưng tội giết A-la-hán há không thành tội nghịch hay sao?”, Thái phi nói: “Việc này con nên hỏi người trí để biết rõ thực hư”. Sau khi trở về cung bà bảo hai nịnh thần: “Tội giết cha ta đã giải trừ, còn tội giết A-la-hán hai ngươi nên lo liệu”. Lúc đó vua Đảnh-kếnhóm họp bá quan và các vị tri thức, hai nịnh thần cũng có mặt, vua hỏi: “Trẫm nghe giết A-la-hán thành tội đại nghịch, việc ấy như thế nào”, có người nói: “A-la-hán thần thông tự tại, đạo nhãn thông sáng nếu biết có người hại mình sao không tránh?”, hai nịnh thần nói: “trên thế gian này không có A-la-hán, nay giết há thành tội nghịch hay sao?”, vua nói: “Ta và mọi người đều chứng kiến Để-sái và Bố-sái chứng A-la-hán hiện các thần biến trong hư không rồi nhập vô dư Niết-bàn, sao khanh nói là không có?”, hai nịnh thần nói: “Xin đại vương nghiệm xét để dứt nỗi sầu lo”, vua hỏi nghiệm xét như thế nào, hai nịnh thần nói: “Đó đều là hư ngụy dối gạt thế gian, họ nói không thọ thân sau sao lại thọ sanh trong loài mèo?”, vua hỏi: “Làm sao biết được?”. Lúc đó hai nịnh thần hướng dẫn nhà vua và đại chúng đến tháp của hai A-la-hán, tay cầm thịt đến chỗ hang gọi hai con mèo và nói với hai con mèo những lời đã huấn luyện chúng hằng ngày, hai con mèo nghe gọi chạy ra khỏi hang ngậm lấy thịt đi quanh tháp rồi trở vào hang. Nhà vua sau khi thấy việc này rồi liền khởi tâm tà không tin có A-lahán nên không cúng dường tứ sự cho các Bí-sô và Bí-sô ni nữa, các Bísô và Bí-sô ni đều tứ tán chỉ còn lại mỗi một Bí-sô Ca-đa-diễn-na và Bí-sô ni Thế-la ở lại thành này. Lúc đó Ca-đa-diễn-na đắp y mang bát vào thành khất thực gặp vua Đảnh-kế ra ngoài săn bắn, tôn giả sợ vua thấy Bí-sô sẽ không vui nên tránh đi đường khác, vua hỏi nịnh thần tại sao Bí-sô tránh đi đường khác, nịnh thần tâu: “Bí-sô nghĩ rằng: Đừng để bụi của kẻ giết cha phạm tội nghịch dính vào mình nên tránh đi đường khác”, vua nghe rồi liền nổi giận ra linh các binh sĩ ném đất vào mình Bí-sô, tôn giả liền hóa ra một ngôi nhà nhỏ ngồi trong đó, các binh sĩ ném đất tụ lại thành đống lớn. Sau đó hai đại thần Lợi-ích và Trừ-hoạn đến dẹp bỏ đống đất rồi hỏi tôn giả: “Người trong thành này làm việc không lợi ích sẽ thọ quả báo gì?”, tôn giả đáp: “Trong bảy ngày nữa, thành quách này sẽ bị mưa bụi đất lấp đầy”. Trước đó con trai của đại thần Lợi-ích tên là Cám-nhan làm thị giả cho tôn giả Ca-đa-diễn-na, con gái của đại thần Trừ-hoạn tên là Cám-dung làm thị giả cho Bí-sô ni Thế-la. Trong sáu ngày đầu mưa xuống châu báu, hai đại thần này lượm lấy châu báu chở đầy hai thuyền, nửa đêm trốn ra khỏi thành đến một thắng địa khác xây thành để ở, một thành tên là Lợi-ích, một thành tên là Trừ-hoạn. Đến ngày thứ bảy, Bí-sô ni Thế-la dùng thần lực cùng thị nữ đến thành Kiều-thiểm-tỳ, giao thị nữ cho trưởng giả Cù-sư-la nuôi dưỡng. Tôn giả Ca-đa-diễn-na thấy mưa bụi đất biết nghiệp lực không thể cứu được liền cùng Thiên nữ cựu trụ ở thành Thắng-âm và thị giả nương hư không đến một thôn xóm khác, dừng nghỉ trong một sân phơi lúa, do phước lực của Thiên nữ nên lúa trong sân đầy dẫy, người chủ nhà thấy rồi liền biết là do sức oai thần của Thiên nữ nên đem chìa khóa cửa giao cho Thiên nữ nói rằng: “Xin đừng bỏ đi cho đến khi nào tôi trở về”. Gia chủ này liền đến trong thôn tập họp mọi người trong thôn lại nói rằng: “Có Thiên nữ đến trong sân lúa nhà tôi, do phước lực của Thiên nữ nên lúa đầy sân. Nếu các vị lập con tôi lên làm thôn trưởng, tôi sẽ lưu giữ Thiên nữ để ủng hộ trong thôn thường an lạc”, mọi người nghe rồi đều chấp thuận lập con ông lên làm thôn trưởng, gia chủ này liền đến một chỗ vắng vẻ tự sát. Lúc đó tôn giả khất thực về đến trong sân lúa chia thức ăn cho Thiên nữ rồi nói: “Tôi phải đi trước, cô đã hứa với gia chủ thì phải ở lại đây”, Thiên nữ hỏi: “Tôi đã hứa gì?”, tôn giả nói: “Cô đã nhận chìa khóa của gia chủ, không được bỏ đi cho đến khi nào gia chủ trở về”. Lúc đó mọi người trong thôn mang hương hoa đến cúng dường Thiên nữ bạch rằng: “Xin Thiên nữ lưu thần ở lại đây, chúng tôi sẽ cung Cấp-đầy đủ”, Thiên nữ nói: “Nếu các vị muốn tôi ở lại thì hãy xây cất một ngôi chùa cho tôn giả và một ngôi miếu cho tôi, tứ sự cúng dường không để thiếu thốn”. Mọi người bằng lòng liền xây cất một ngôi chùa và một thần miếu tứ sự cúng dường đầy đủ, nửa đêm Thiên nữ đến chỗ tôn giả nghe diệu pháp, người trong thôn biết được liền chê trách cho là cùng Bí-sô làm việc phi pháp. Thiên nữ nghe rồi nổi sân chú nguyện cho người trong thôn đều bị bịnh, mọi người phải đến xin sám tạ mới hết bịnh. Tôn giả thấy việc này rồi liền cùng thị giả Cám-nhan nương hư không đi, để lại cho Thiên nữ cái chén đồng làm kỷ niệm. Thiên nữ bảo người trong thôn xây tháp để chén đồng trong đó gọi là tháp Chén đồng. Lúc đó Cám-nhan nắm chéo y của thầy nương hư không đi ngang qua một quốc độ, người ở dưới nhìn thấy đều gọi là lam-ba-để, quốc độ đó sau cũng được gọi là Lam-ba-để. Tôn giả mang Cám-nhan đến một nước nhỏ, vua nước đó mạng chung, người trong nước thấy tôn giả thần đức cao siêu nên đồng tôn Cám-nhan lên làm vua, tôn giả ở lại dạy cho Cám-nhan biết rõ việc nước rồi đi đến nước Ca-noa, nơi thân mẫu của tôn giả đang ở, tôn giả nói pháp cho mẹ khiến mẹ được Kiến đế. Khi ra đi tôn giả để lại cho mẹ cây tích trượng làm kỷ niệm, bà mẹ xây tháp thờ cây tích trượng này nên được gọi là tháp Tích trượng. Tôn giả đi đến nước Trung phương ngang qua Tuyết lãnh, chư thiên phương Bắc thỉnh tôn giả ở lại một thời gian. Khi ra đi tôn giả để lại đôi dép đan bằng dây gai làm kỷ niệm, chư thiên xây tháp thờ nên tháp được gọi là tháp Bố-la. Sau đó tôn giả qua sông Phược-xoa đến thành Bố-sái đã để lại tóc và móng tay cho người ở đây xây tháp thờ. Khi tôn giả trở về lại thành Thất-la-phiệt, các Bí-sô thăm hỏi có an lạc không, tôn giả nói là khổ vui đều có, các Bí-sô liền hỏi nguyên do, tôn giả đem sự việc trên kể lại cho các Bí-sô nghe rồi sau đó đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Thế tôn tuy biết rõ sự việc mà vẫn hỏi tôn giả có an lạc không, tôn giả liền đem sự việc trên kể lại, Thế tôn nghe rồi ngồi im lặng. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Bí-sô Tiên-đạo kia do nhân duyên gì bản thân làm quốc chủ thọ mọi khoái lạc lại từ bỏ tất cả nương theo Phật xuất gia, đoạn được các phiền não chứng quả A-la-hán mà vẫn không tránh khỏi bị giết bằng đao?”, Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô Tiên-đạo tạo nghiệp, khi nhân duyên thuần thục tự phải thọ lấy quả báo…”, Phật nói kệ:

“Dầu trải qua trăm kiếp,
Nghiệp đã làm không mất,
Khi nhân duyên hội ngộ,
Tự thọ lấy quả báo”.

Các thầy lắng nghe:

Thuở xưa lúc Phật không có ở đời, chỉ có một vị Độc giác ở thế gian, vì thương xót người nghèo khó nên thọ nhận vừa đủ, không tham cầu nhiều, là phước điền duy nhất ở thế gian. một hôm Độc giác đến ở trong một khu rừng, trong khu rừng này có một thợ săn thường đặt bẫy bắt nhiều hươu nai, nhưng từ khi có Độc giác đến ở thì không còn bắt được nữa. Thợ săn này noi theo dấu thân tìm đến chỗ vị độc giác bắn một mũi tên độc vào chỗ hiểm của vị độc giác, nhơn đó mạng chung. Thợ săn này sau khi biết được là bậc phước điền duy nhất ở thế gian liền dùng hương hoa cúng dường, hỏa thiêu xong xây tháp phụng thờ cầu xin sám hối, nguyện cầu được thoát khỏi quả báo trong ba đường, lại nguyện đời sau được gặp bậc Đại sư thù thắng thừa sự cúng dường. Người thợ săn này chính là Bí-sô Tiên-đạo. Do xưa kia bắn chết vị Độc giác nên trong nhiều đời thọ khổ nơi địa ngục, sau được làm người trong năm trăm đời thường bị giết bằng đao tiển, cũng do lời phát nguyện xưa kia nên nay gặp ta xuất gia, đoạn hoặc và chứng quả nhưng vẫn không thoát khỏi bị giết bằng đao kiếm mà nhập Niết-bàn.

Các Bí-sô còn có nghi thỉnh hỏi: “Thế tôn, do nhân duyên gì vua Đảnh-kế và tất cà người trong thành Thắng-âm cùng tôn giả Ca-đadiễn-na đều bị bụi đất lấp đè, còn hai đại thần kia lại mang được vật báu ra khỏi thành?”, Phật bảo các Bí-sô: “… Các thầy lắng nghe: Thuở xưa, trong một thôn xóm nọ có một trưởng giả cưới vợ không bao lâu thì sanh được một trai, sau đó sanh thêm một gái. Đến khi lớn khôn, người con trai có vợ, còn người con gái lại không có ai đến cưới hỏi. Lúc đó có một vị Độc giác du hành trong nhân gian đến thôn xóm này, khi vào trong thôn khất thực, người con gái này quăng y phấn tảo lên người của vị Độc giác thì ngay trong ngày hôm đó có người đến hỏi cưới, mọi người đều lấy làm lạ hỏi nguyên do, người con gái này đem việc trên kể lại, người anh nghe rồi liền cười, không bao lâu sau việc này loan truyền khắp trong thôn, những người nữ khó lấy chồng bèn tranh nhau quăng y phấn tảo lên người của vị Độc giác, Độc giác sợ mọi người gây tội nên bỏ đi nơi khác. Thời gian sau có một tiên nhơn đắc ngũ thông đến thôn, các người nữ liền quăng y phấn tảo, tiên nhơn cũng bỏ đi nên họ quay sang quăng lên người cha mẹ. Trong thôn có hai trưởng giả thấy thế liền nói với mọi người trong thôn: “Việc làm này là phi pháp sẽ chiêu lấy khổ báo”. Mọi người trong thôn tuy biết trưởng giả nói phải nhưng do tà kiến chuyển tăng nên không bỏ được.

Này các Bí-sô, người con gái của ông trưởng giả đó chính là vua Đảnh kế, mọi người sanh tà kiến trong thôn đó chính là dân chúng trong thành Thắng-âm. Hai trưởng giả can ngăn ngày xưa chính là hai đại thần Lợi-ích và Trừ-hoạn, do xưa can ngăn nên nay tránh khỏi nạn bị bụi đất đè. Người anhcủa người con gái xưa kia chính là tôn giả Ca-đadiễn-na, do xưa kia cười nên nay cũng bị bụi đất đè, nếu Ca-đa-diễn-na không chứng quả vô học ắt là bị bụi đất đè chết. Cho nên các Bí-sô, nếu tạo nghiệp thuần đen thì được quả dị thục thuần đen… cho đến câu nên học như thế”.

Lúc đó trong thành Kiều-thiểm-tỳ có trưởng giả tên là Thiện tài giàu có đến hàng ức kim tiền, vào buồi sáng lớn tiếng ra lịnh cho các gia nhân làm việc, do nhà trưởng giả gần cung vua nên người trong cung đều nghe tiếng, vua nghe giọng nói đoán biết trưởng giả này giàu có đến hàng ức kim tiền, liền cho gọi đến hỏi: “Trong nhà khanh có bao nhiêu tiền của châu báu”, liền đáp là có hàng ức kim tiền, do nhà vua nghe giọng nói mà biết được người giàu có nên được gọi là Diệu-âm. Trưởng giả vốn là người không nói dối nên vua khen ngợi lập làm tướng quốc, giúp vua trị nước bằng chánh pháp nên đức ngời sáng che át các đại thần khác khiến họ sanh đố kỵ, dèm pha. Vua nghe rồi đem nửa ức kim tiền cho bá tánh vay, xuất thu đều do tướng quốc, khi vua tra xét thấy không sơ suất một đồng nào nên sanh hy hữu tăng thêm chức vị cho ông. Do Diệu-âm hiểu rõ tài thực đều là vô thường nên tạo một nghĩa đường cấp thí và bảo người giữ Nghĩa đường nếu thấy có ai khác lạ thì báo cho ông biết. Lúc đó có năm trăm ẫn sĩ ăn mặc cũ rách, sống thiểu dục, từ phương Nam xa xôi đến nước Kiều-thiểm-tỳ, giữa đường không tìm được nước uống liền đến một gốc cây to bảo thần cây cho nước uống, từ nơi cây ló ra một cánh tay có đeo vòng xuyến cầm bình rót nước cho họ uống, uống xong liền hỏi là thần gì, thần cây đáp: “Tiền thân tôi ở gần nhà trưởng giả Cấp-cô-độc làm thọ may, những người nghèo khổ nào không biết nhà trưởng giả ở đâu thì tôi chỉ cho họ. Lại do tôi thọ trì tám chi giới nên sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng nương ở cây này”. Năm trăm người này nghe rồi liền muốn đến nhà trưởng giả Cấp-cô-độc, trên đường đi ghé qua Nghĩa đường của trưởng giả Diệuâm, người giữ Nghĩa đường liền báo cho trưởng giả biết, trưởng giả liền cho người kêu đến hỏi, họ nói: “Chúng tôi từ phương Nam đến muốn đến nhà trưởng giả Cấp-cô-độc ở thành Thất-la-phiệt để thọ tám chi giới”, trưởng giả nói: “Các vị hãy ở lại đây, đợi ba tháng hạ xong tôi sẽ cùng đi”. Sau ba tháng hạ, trưởng giả cùng năm trăm người này cùng đến nhà trưởng giả Cấp-cô-độc trình bày sự việc, trưởng giả liền dẫn mọi người đến chỗ Phật đảnh lễ rồi ngồi một bên, Phật quán căn cơ của họ tùy cơ thuyết pháp. Năm trăm người đều xin xuất gia sau đó đoạn trừ các lậu hoặc chứng quả A-la-hán, trưởng giả Diệu-âm được quả Dự lưu rồi liền đảnh lễ bạch Phật: “Xin Phật thương xót đến nước Kiều-thiểmty, con sẽ cất một Tỳ-ha-la cúng cho Phật và thánh chúng”, Phật im lặng nhận lời rồi bảo cụ thọ Đại Chuẩn-đà cùng trưởng giả Diệu-âm trở về Kiều-thiểm-ty coi xây cất Tỳ-ha-la. Đại Chuẩn-đà vâng lời Phật dạy cùng Diệu-âm đến thành Kiều-thiểm-ty coi xây cất Tỳ-ha-la, xây cất xong sai người đến bạch Phật. Lúc đó Phật cùng đại chúng đắp y mang bát đến nhà của Diệu-âm ở thành Kiều-thiểm-tỳ, sau đó trưởng giả thỉnh Phật và tăng thọ nhận Tỳ-ha-la rồi thiết thực cúng dường, ăn xong cụ thọ Đại Chuẩn-đà và trưởng giả Diệu-âm cùng các quyến thuộc của ông đến đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên, Đại Chuẩn-đà bạch Phật: “Thế tôn, chúng con nên làm phước nghiệp gì để được quả lợi lớn, ngời sáng vô cùng, phước thường tăng trưởng, nối tiếp không dứt?”, Phật nói: “Có bảy loại phước nghiệp hữu sự và phước nghiệp vô sự, nếu các thiện nam thiện nữ tịnh tín thành tựu được thì trong tất cả thời, đi đứng nằm ngồi hay ngủ thức đếu được quả lợi lớn,… nối tiếp không dứt. Các người hãy lắng nghe bảy phước nghiệp hữu sự là:

Một là nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín đem vườn cúng cho Tăng bốn phương thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Hai là nếu ở trong vườn ấy xây chùa cúng cho Tăng bốn phương thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Ba là nếu ở trong chùa đó sắm sửa giường ghế … các vật cần dùng của sa môn thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Bốn là nếu ở trong chùa đó cúng dường thức ăn uống thuận theo thời đầy đủ cho Tăng thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Năm là nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín đối với Bí-sô khách mới đến và Bí-sô sắp đi cung cấp cúng dường thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Sáu là nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín đối với Bí-sô bịnh và người nuôi bịnh cung cấp cúng dường thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếpkhông dứt.

Bảy là nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín có thể tùy thời lạnh nóng, gió mưa… mà cúng dường cho Tăng khỏi phải khổ sở, an thân tiến tu thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín kỳ hạn kết nguyện hành bảy phước nghiệp hữu sự này không gián đoạn thì được phước vô lượng. Được phước như vậy, được quả lợi như vậy, chiêu cảm được thân thắng diệu như vậy cũng chỉ có thể gọi là Đại phước tụ. Như năm con sông lớn hòa hợp một chỗ đồng chảy ra biển cả, đó là sông Kinh già, sông Diễm mẫu, sông tát la dụ, sông A-thị-la-phạt-để, sông Mạc-hy. Lượng nước của năm con sông này không thể lường biết được, chỉ có thể gọi là Đại thủy tụ”.

Lúc đó cụ thọ Đại Chuẩn-đà xin Phật nói rõ bảy phước nghiệp vô sự, Phật nói: “Có bảy phước nghiệp vô sự nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín nào thành tựu được thì trong tất cả thời, đi đứng nằm ngồi hay thức ngủ đều được quả lợi lớn… nối tiệp không dứt. Bảy phước nghiệp vô sự là:

1. Nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín nghe có Như lai hay đệ tử của Như lai nương ở nơi thôn xóm nào liền khởi tâm hoan hỉ muốn xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

2. Nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín nghe Như lai hay đệ tử của Như lai muốn đến nơi này liến sanh tâm hoan ly cấu xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

3. Nếu có thiện nam thiện nữ tịnh tín nghe Như lai hay đệ tử của như lai đi bộ đến liền khởi tâm hoan hỉ muốn cầu xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

4. Nếu có thiện nam thiện nữ tịnh tín nghe Như lai hay đệ tử của Như lai sắp đến thôn xóm thành ấp nào đó liền sanh tâm hoan hỉ cầu xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

5. Nếu có thiện nam thiện nữ tịnh tín đên chỗ như lai hay đệ tử của như lai kính lễ, gặp mặt rồi sanh tâm hoan hỉ cấu xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

6. Nếu có thiện nam thiện nữ tịnh tín đến chỗ như lai hay đệ tử của như lai nhất tâm lắng nghe diệu pháp, nghe pháp rồi sanh tâm hoan hỉ cầu xuất ly thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

7. Nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín sau khi nghe pháp rồi có thể thọ trì Tam quy và năm học xứ thì sẽ được quả lợi lớn… nối tiếp không dứt.

Bảy loại phước nghiệp vô sự này nếu thiện nam thiện nữ tịnh tín kỳ hạn kết nguyện hành trì không gián đoạn thì được phước vô lượng… chỉ có thể gọi là Đại phước tụ. Như năm con sông họp lại một chỗ… chỉ có thể gọi là Đại thủy tụ”.

Thế tôn nói pháp rồi liền nói kệ:

“Năm sông trong sạch tẩy sạch vật,
Như bến chứa báu dẫn các dòng,
Khiến người và thú được nương nhờ,
Các sông tranh chảy không ngừng dứt.
Nếu ai hay tu phước hữu sự,
Và phước vô sự sanh hoan hỉ,
Thắng phước thường chảy về người này,
Như nước các sông chảy ra biển.”

Cụ thọ Đại Chuẩn-đà và trưởng giả Diệu-âm cùng đại chúng trời người nghe Phật nói pháp rồi đảnh lễ hoan hỉ phụng hành. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi hỏi Phật: “Thế tôn, trưởng giả Diệu-âm này từng tạo nghiệp gì mà vua chỉ nghe giọng nói liền biết là người có ức kim tiền, nhơn đó được gọi là Diệu-âm?”, Phật bảo các Bí-sô: “Thuở xưa ở thành Bà-la-nê-tư suốt mười hai năm không mưa, có một trưởng giả tên là Thiện hiệp sai người thủ kho xuất kho bố thí phẩm vật và cúng dường thức ăn uống cho một ngàn vị Độc giác. Người lo việc báo giờ thọ thực thường dẫn theo một con chó đến chỗ các vị Độc giác báo giờ, một hôm bận nhiều việc nên quên, gần tới giờ ngọ, con chó chạy đến báo giờ, các vị Độc giác nghe tiếng chó sủa biết là đến giờ thọ thực nên cùng đi đến chỗ thỉnh thực. Lúc đó con chó lại chạy đến chỗ người lo việc cúng dường thức ăn sủa mấy tiếng, người kia nghe tiếng chó sủa liền biết các Thánh giả đã đến, vội đem thức ăn uống ra dâng cúng.

Này các Bí-sô, trưởng giả Thiện hiệp là tiền thân của ta, người thủ kho là trưởng giả Cấp-cô-độc, người lo việc báo giờ thọ thực là vua Ô-đà-diễn na, con chó báo giờ chính là trưởng giả Diệu-âm, do xưa kia sủa báo giờ cho các Độc giác nên nay được giọng nói tốt. Tất cả đều do nhân duyên đời trước nay thọ quả báo”. Các Bí-sô nghe rồi đều hoan hỉ tín thọ.