CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 48

Học Xứ Thứ Tám Mươi Hai: VÀO CỬA CUNG VUA (Tiếp Theo)

Lúc đó các thương nhơn nghe rồi đều khiếp vía, nhất trí cùng nhau vào ngày mười lăm lễ Bao-sái-đà đến phía Bắc để gặp thiên mã liền thấy thiên mã từ biển hiện ra lên bờ ăn lúa tự nhiên. một thương nhơn vô trí không nhớ lời dặn của Sư-tử-dận liền nói với mọi người: “Đó chính là thiên mã vương Bà-la-ha, chúng ta nên đến chỗ thiên mã nói rằng chúng ta muốn đến bờ kia trở về châu Thiệm bộ”, Sư-tử-dận liền nói: “Không phải như vậy, phải đợi mã vương ăn no rồi cất đầu ngó bốn phương nói ba lần: ai muốn đến bờ kia trở về châu Thiệm bộ, lúc đó chúng ta mới lên tiếng”. Lúc đó mã vương đã ăn no liền cất đầu ngó bốn phương… cho đến câu mã vương bảo mọi người: “Các vị muốn trở về châu Thiệm bộ được an toàn thì phải nghe theo lời tôi dặn bảo: khi sắp qua đến bờ kia các La-sát nữ sẽ biến hóa xinh đẹp bội phần, dẫn theo con cái đến khuyến dụ các vị rằng: … nếu các người không ở lại thì hãy dẫn con trai, con gái của các người đi luôn. Nếu các vị nghe những lời khuyến dụ này mà sanh tâm luyến ái nghĩ đến vợ con, tham tiếc châu báu thì dù ở trên lưng tôi cũng sẽ rớt xuống biển, như trái cây chín muồi không thể dính trên cành. Lúc đó các La-sát nữ sẽ liện lại nguyên hình ăn thịt các vị. Nếu các vị không khởi tâm tham ái trên thì dù chỉ nắm được một sợi lông trên người tôi, cũng có thể đến bờ bên kia trở về châu Thiệm bộ an toàn”, nói rồi mã vương cúi mình xuống cho các thương nhơn leo lên hoặc nắm lấy bất cứ nơi nào trên người thiên mã, sau đó vọt mình lên hư không bay về hương châu Thiệm bộ. Lúc đó cây phướng khủng úy lay động, các La-sát nữ thấy rồi liền suy nghĩ: “Không lẽ người châu Thiệm bộ bỏ chúng ta trốn đi”, nghĩ rồi liền đến xem các phòng ốc thì không thấy còn một người nào. Các La-sát nữ liền biến thành mỹ nữ dẫn theo con cái ra bờ biển kiếm các thương nhơn, từ xa trông thấy các thương nhơn trên mình thiên mã liền bay theo sau khóc kể: “… Tại sao các người lại bỏ chúng tôi và các con, nếu các người nhàm chán chúng tôi thì hãy dẫn các con theo”. Lúc đó các thương nhơn nghe rồi đều sanh tâm luyến ái… ngay lúc đó liền từ trên mình thiên mã rơi xuống biển, các La-sát nữ hiện lại nguyên hình ăn thịt giống như lời Mã vương đã nói. Lúc đó chỉ còn mỗi một mình Sư-tử-dận ở trên lưng thiên mã được trở về châu Thiệm bộ an toàn.”

Phật bảo các Bí-sô: “Nếu đối với tự thân không khởi nghĩ: Nhãn tức là ngã, ngã có nơi nhãn cho đến nhĩ tỷ thiệt thân ý; sắc tức là ngã, ngã có nơi sắc cho đến thanh hương vị xúc pháp; địa giới là ngã, ngã có nơi địa giới cho đến thủy hỏa phong không và thức giới; sắc uẩn là ngã, ngã có nơi sắc uẩn cho đến thọ tưởng hành thức uẩn cũng như vậy. Này các Bí-sô, nếu có thể không khởi tưởng ngã và ngã sở, không chấp trước mình người, thọ hành chánh giáo, trái bỏ tà đạo thì không bị đọa lạc trong biển sanh tử, được an lạc thẳng đến thành Niết-bàn. Như thương chủ có trí nghe theo lời dặn bảo của thiên mã từ bỏ La-sát nữ mới có thể an toàn trở về châu Thiệm bộ”, Phật liền nói kệ:

“Những người không có trí,
Không tin lời Phật dạy,
Sẽ chịu khổ luân hồi,
Như ái La-sát nữ.
Nếu người có trí huệ,
Tin theo lời Phật dạy,
Ra khỏi biển sanh tử,
Như nghe lời thiên mã”.

Phật bảo các Bí-sô: “Lúc đó La-sát nữ vợ của Sư-tử-dận không tìm được chồng, các La-sát nữ nói: “Chắc chồng của chị đã chạy thoát rồi, có thể đã trở về châu Thiệm bộ, chị nên đi tìm, tìm được thì tốt, nếu không tìm được chúng tôi sẽ ăn thịt chị”, vợ của Sư-tử-dận nói: “Tôi sẽ đến châu Thiệm bộ bắt chồng mang về”, nói rồi liền bay lên hư không trong khoảnh khắc đến châu Thiệm bộ, hóa làm Dược xoa hình dạng đáng sợ chận đường Sư-tử-dận, Sư-tử-dận liền rút kiếm chém, Dược xoa liền bỏ chạy, cứ như thế Dược xoa bám theo Sư-tử-dận không rời. Đến giữa đường Sư-tử-dận gặp lại bạn cũ, La-sát nữ hóa làm mỹ nữ dắt tay con đến trước người bạn cũ của Sư-tử-dận nói rằng: “Tôi là con gái của quốc vương ở châu Xích-đồng, cha mẹ gả tôi cho thương chủ Sư-tửdận, Sư-tử-dận dẫn mẹ con tôi trở về châu Thiệm bộ, giữa biển gặp phải cá ma kiệt phá vỡ thuyền, tất cả châu báu đếu mất hết, cho mẹ con tôi là vật bất thường nên từ bỏ. Xin làm ơn dẫn mẹ con tôi đến chỗ Sưtử-dận tạ tội”, người bạn này liền dẫn đến chỗ Sư-tử-dận nói rằng: “Này bạn, vợ của bạn dung mạo khả ái, lại là vương nữ, trên đời này khó kiếm được người xứng đôi như thế. Nếu vợ của bạn không có lỗi gì lớn thì không nên từ bỏ, hãy thu nhận lại nàng”, Sư-tử-dận nói: “Này bạn, nó chẳng phải là vương nữ mà chính là nữ vương La-sát bạo ác ở châu Xích-đồng chuyên ăn thịt người, không phải là vợ tôi”, nói rồi liền đem sự việc trên kể lại, người bạn nghe rồi không nói gì, chỉ đưa ít lương thực đi đường và tạp vật cho La-sát nữ rồi đi. Sau đó Sư-tử-dận về đến nhà, La-sát nữ dẫn con theo sau đứng ở ngoài cửa, mọi người nhìn thấy đứa con đều cho là giống Sư-tử-dận, La-sát nữ liền nói: “Do cháu phước đức quá mỏng nên bị cha cháu từ bỏ”, mọi người liền hỏi: “Chị từ đâu đến, là vợ của ai?”, La-sát nữ nói: “Tôi là con gái của quốc vương ở châu Xích-đồng… xin các vị dẫn mẹ con tôi đến chỗ cha mẹ của Sư-tử-dận để tôi sám tạ”. Mọi người nghe nói rồi liền dẫn đến chỗ cha mẹ của Sư-tử-dận và kể lại mọi việc như lời La-sát nữ kể, cha mẹ của Sư-tử-dận bảo con: “Nàng ấy là vương nữ thuộc dòng tộc cao quý, theo con từ phương xa tới đây lại dẫn thêm cháu nhỏ, thất đáng thương xót, con nên thương tưởng, không nên từ bỏ, làm điều trái với lương tâm”, Sư-tử-dận bái cha mẹ ba bái rồi nói: “Nó không phải là vương nữ mà là nữ chúa trong các La-sát nữ ở châu Xích-đồng, tất cả thương nhơn trôi giạt đến đó đều bị chúng ăn thịt, con nhờ phước dư mới được trở về đây gặp mặt song thân”, cha mẹ Sư-tử-dận nói: “Ta thấy người nữ này không có vẻ gì ác, con hãy cho nó vào nhà”, Sư-tử-dận nói: “Con biết nó chẳng phải là người nên không thể cùng sống chung, nếu cha mẹ thương thì tùy ý dung nạp, con đến ở chỗ khác”, cha mẹ Sư-tử-dận nói: “Cha mẹ vì con nên nói như thế, nếu con cho là khổ nạn thì tùy ý con bảo mẹ con nó tùy duyên”. Mẹ con La-sát bị đuổi bèn đến cửa cung vua, các quan vào tâu vua, nhà vua triệu vào để hỏi nguyên do. La-sát nữ vào trong cung, nhà vua vừa thấy liền sanh tâm nhiễm, hỏi La-sát nữ: “Thiện lai mỹ nữ, nàng từ đâu đến, đến đây có việc gì?”, La-sát nữ tâu: “Đại vương, tôi là cn gái của quốc vương ở châu Xích-đồng… giống như đoạn văn trên cho đến câu mẹ con tôi đến nhà của Sư-tử-dận, đã không thu nhận lại còn đuổi ra, nay tôi không nơi nương tựa nên đến đây bạch vua, xin thương xót kêu Sư-tử-dận đến cho tôi tạ tội”. Nhà vua nghe rồi liền sai sứ kêu Sư-tử-dận đến rồi hỏi: “Vương nữ này là vợ của ngươi đã có con, theo ngươi về đến đây, vì sao ngươi lại phi lý xua đuổi, dù cho có tội cũng nên dung thứ”, Sư-tử-dận tâu: “Đại vương, nó không phải là vương nữ mà là La-sát nữ bạo ác giết hại sanh linh”, nói rồi liền kể lại mọi việc cho đến câu: “Tôi nhờ phước dư nên được sống sót trở về đây, nó chưa chịu buông tha nên biến hình mỹ nữ theo đến đây”, vua nghe rồi liền nói: “Nếu ngươi không thương tưởng nữa thì hãy cho ta”, Sư-tử-dận tâu: “Tôi từng nghe hiếu với nhà trung với nước, nàng ta là đại họa, nếu đại vương đã ái niệm thì tôi không dám tán thành cũng không dám cản ngăn, sau này nếu có đại họa gì thì không phải là lỗi của tôi”. Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Người nữ đối với người nam là sợi dây trói buộc, là chỗ chìm đắm. Người tham nhiễm dung sắc sẽ không tin lời trung, không nghĩ đến tai họa. Các thầy nên biết: vua Sư tử đảnh sanh tâm ái nhiễm cho La-sát nữ vào hậu cung, Sư-tử-dận biết không ngăn cản được liền đến trước điện nói với quan phụ tướng: “Các quan nên biết, nhà vua ái nhiễm La-sát nữ cho vào hậu cung sẽ là đại họa, việc ấy không phải là lỗi của tôi”, nói rồi lau nước mắt ra về. Thời gian sau, nhà vua càng lúc càng say mê La-sát nữ, không nghĩ gì đến việc nước nên La-sát nữ nắm hết quyền hành trong vương cung khiến vua không tự tại. Đến một hôm vào nửa đêm, La-sát nữ bay lên hư không trở về châu Xích-đồng nói với các La-sát nữ: “Từ ngày từ biệt các chị em, tôi đến châu Thiệm bộ vào trong cung vua ở thành Sư tử kiếp, Đảnh vương nạp tôi làm hậu, nay tôi đã nắm hết quyền hành trong cung, các chị em hãy đến đó tha hồ ăn thịt”. Các La-sát nữ nghe rồi liền cùng nhau bay đến trong thành Sư tử kiếp ăn hết người trong cung, sáng hôm sau cửa thành không mở, trên vương cung thấy đầy diều hâu bay lượn trên không. Lúc đó các đại thần tập họp ở ngoài cửa thành kêu mãi, cửa thành vẫn không mở, tiếng kêu la vang khắp trong thành, mọi người trong thành nghe rồi đều kinh hoàng không biết tính sao. Sư-tử-dận nghe rồi liền rút kiếm chạy đến cửa thành bảo mọi người: “Trước đây tôi đã nói, vua nạp La-sát nữ là đại họa, nay cửa thành không mở, diều hâu bay đầy trên không, nhất định đại họa đã đến rồi”, các đại thần hỏi: “Phải tính thế nào?”, Sư-tử-dận bảo bắc thang cao để leo lên bờ thành xem thử, khi leo lên bờ thành nhìn vào trong cung, Sư-tử-dận thấy thây chết ngổn ngang liền nhảy xuống tụng thần chú dùng kiếm giết chết năm trăm La-sát nữ khiến chúng bỏ chạy tứ tán, bay vút lên không đi mất, mọi người ở ngoài thành đều trông thấy. Sau đó Sư-tử-dận mở cửa thành cho mọi người vào, thấy cảnh tượng như vậy ai nấy đều thương khóc. Hôm sau các đại thần tập họp cùng bàn tính, một đại thần nói: “Nhà vua nạp La-sát nữ tự chiêu lấy đại họa, do không nghe lời trung nên bị diệt vong”, đại thần khác nói: “Nhà vua đã chết, vương cung hoang tàn đổ nát, nước không thể không có vua, chúng ta nên suy tôn ai?”, một đại thần khác nói:”Phải tìm người có trí và dũng mới tôn làm vua”, đại thần khác nói: “Sư-tử-dận cùng năm trăm thương nhơn ra biển tìm châu báu, tất cả đều bị La-sát nữ ăn thịt, chỉ riêng Sư-tử-dận được sống sót trở về. La-sát nữ theo đến nhà vẫn không bị nó mê hoặc, nhà vua tuy nghe can ngăn vẫn không tin, lại còn thu nạp bị nó mê hoặc bỏ cả việc nước đến nỗi diệt vong, Sư-tử-dận một mình cầm kiếm leo vào thành giết các La-sát nữ, đây chính là người đại trí đại dũng, chúng ta nên suy tôn lên làm vua”. Các đại thần bàn xong cùng nhau đến chỗ Sư-tử-dận nói rằng: “Nhà vua đã chết, nước không thể không vua, chúng tôi nhất trí tôn người lên ngôi vua, xin người thương xót chấp nhận”, Sư-tử-dận nói: “Tôi chỉ là thương nhơn, đâu thể nhận ngôi vị quan trọng này, xin các vị hãy tìm người khác”, các đại thần và các quốc dân cứ thỉnh cầu mãi, Sư-tử-dận biết không từ chối được liền nói với mọi người: “Tôi thật không có tài, không có tâm đảm đương ngôi vị này, nay thuận theo ý mọi người thì xin cùng nhau lập lời thề: Sau khi tôi lên ngôi, mọi giáo lịnh đã ban hành không được trái phạm thì tôi mới nhận”, các đại thần cùng thề rồi liền cho tả hữu sửa sang lại cung điện cho trang nghiêm rồi dùng nước thơm làm lễ quán đảnh tôn Sư-tử-dận lên ngôi. Sau khi lên ngôi chỉ trong một ngày nhà vua đã giải quyết xong hàng vạn công việc, sau đó suy nghĩ: “Các thương nhơn đồng hành với ta trước kia đều bị La-sát nữ ăn thịt hết, lúc đó ta không đủ sức trừ diệt chúng, nay đã đến lúc ta phải tảo trừ chúng”, nghĩ rồi liền triệu tập các vị sư chú thuật cao sai sử được quỷ thần, kế tuyển chọn quân binh rèn luyện cung tên rồi ra lịnh chuẩn bị thuyền bè đi tảo trừ các La-sát nữ. Lúc đó ở châu Xíchđồng cây phướn Khủng úy lay động, các La-sát nữ thấy rồi nói với nhau: “Nhất định người ở châu Thiệm bộ tìm đến báo thù, chúng ta nên ra bờ biển xem thử”, nói rồi cùng nhau ra bờ biển thì thấy chiến thuyền lớp lớp tiến đến, vua Sư-tử-dận ra lịnh hạ neo, bốn binh đổ bộ lên bờ chiến đấu với La-sát nữ, các chú sư trì minh chú làm cho các La-sát nữ không thể chạy trốn, hơn phân nữa bị giết chết, số còn lại đều cầu xin tha chết, nhà vua bảo: “Hãy lập lời thề là từ nay phải di chuyển đến chỗ khác không được trở lại đây nữa, cũng không giết hại sanh linh nữa. Nếu thuận theo thì được sống”. Các La-sát nữ cùng thề xong bái từ nhà vua đi đến nơi khác, sau đó nhà vua cho phá ngục thành sắt, xây dựng lại thành mới rồi chiêu mộ dân đến đó lập nghiệp, châu Xích-đồng từ đó được gọi là châu Sư tử”.

Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Vua Sư-tử-dận thuở xưa chính là thân ta, vua Sư tử đảnh chính là Bí-sô già, La-sát nữ chính là Vô tỷ. Xưa kia vua Sư tử đảnh ái nhiễm La-sát nữ nên bỏ mạng, nay vì tham đắm Vô tỷ nên phải chết. Này các Bí-sô, xưa kia ta đã từng lìa bỏ La-sát nữ, ngày nay há lại toại tâm mong cầu của nó. Các thầy phải kheo tư duy: Người nữ là cảnh giới chìm đắm, nên khởi tưởng bất tịnh, thân sanh nhàm lìa, các thầy nên phụng trì lời ta dạy”. Các Bí-sô và đại chúng nghe Phật nói rồi hoan hỉ phụng hành, lễ Phật rồi lui ra.

Lúc đó Bà-la-môn Vô ưu dẫn Vô tỷ đến thành Kiều-thiểm-tỳ gả cho vua Ô-đà-diên, vua sắp xếp cho nàng ở trên lầu Diệu hoa có năm trăm thị nữ hầu hạ…. Sau đó vua phong cho Vô ưu làm phụ quốc đại thần, cùng ngày đó có hai người đến xin được phụng sự nhà vua: Một người chuyên kể chuyện vui, một người chuyên kể chuyện buồn. một hôm vua cùng hai phu nhân: Cám-dung và Vô tỷ ở chung một chỗ, Cám-dung nói: “Nam mô Phật đà, chúc nhà vua sông lâu không bịnh”, Vô tỷ chúc: “Nam mô Đại thiên, chúc nhà vua thọ mạng đầy đủ, không bịnh”. Sau đó vì ganh ghét nên Vô tỷ dèm pha Cám-dung trước mặt vua, vua nghe nhưng không nói gì; do vua luân phiên đến chỗ hai phu nhân dùng cơm, hôm đó tới phiên đến chỗ Cám-dung, Vô tỷ liền lập kế sai người bắt him đem tới dâng vua, vua liền bảo đem con chim này đến đưa cho Cám-dung làm món ăn, lúc đó Cám-dung thấy chim còn sống nên không nhận lấy làm món ăn, sứ giả đem chim trở về tâu vua, vua nghe rồi tự hỏi: “Vì sao lại không giết chim làm món ăn, chắc phu nhân nghĩ đến điều thiện nên không giết”, Vô tỷ liền tâu: “Nếu vì Phật và Tăng thì Cám-dung sẽ giết chim làm món ăn cúng dường”, vua nghe rồi liền nói: “Vậy hãy bảo Cám-dung làm món ăn cúng dường Phật và tăng”, Vô tỷ liền bảo sứ giả giết chết chim rồi mang đến cho Cám-dung, lúc đó Cám-dung thấy chim đã chết nên nhận lấy làm thức ăn, sứ giả trở về báo lại, vua nghe rồi liền nổi giận, cầm cung tên đến để bắn Cám-dung, Cám-dung từ xa trông thấy liền nhập định Từ, mũi tên bay đến nửa chừng thì rớt xuống đất, vua muốn bắn lại lần thứ hai, Cám-dung nói: “Vua chớ tự hại mình”, vua hỏi: “Nói Thế-là ý gì?”, Cám-dung nói: “Tôi đã chứng quả Bất hoàn lại không có tội, nếu nhà vua khởi ý ác chắc chắn sẽ chiêu lấy tội nặng”. Sau đó vua hỏi ra mới biết rõ sự thật liến đến sám tạ và hậu trọng Cám-dung hơn trước và khởi tưởng chị em, hằng ngày thường đến vấn an.

Lúc đó nơi biên cảnh có phản nghịch, vua muốn thân chinh thảo phạt nên ra lịnh cho đại thần Vô ưu ở lại giữ thành, hai phu nhơn coi ngó nội cung, trước đi ra đi vua khuyên nhắc hai phu nhơn chớ có đố kị nhau, nhưng sau khi vua ra đi rồi Vô tỷ thường xúi giục cha tìm cách hại Cám-dung. Cám-dung ban đêm đọc kinh Phật và sao chép nên bảo đem những vật dụng cần cho việc sao chép như bối diệp, bút mực, đèn, vỏ cây nhen lửa… Đại thần liền bảo người hầu mang vào, ở trong vỏ cây nhen lửa lén để lửa than vào, đến nửa đêm gió thổi lửa than phát cháy, cháy lan lên trên lầu, mọi người trong thành thấy lửa cháy đều mang nước đến chữa cháy, nhưng đại thần Vô ưu ngăn không cho vào. Lúc đó Cám-dung cùng năm trăm thị nữ leo lên lầu, biết không thoát được nên nói với các thị nữ: “Ta cùng các ngươi, nghiệp của mình phải tự thọ lấy quả báo”, liền nói kệ:

“Tôi ở lỗ hổng thành,
Từ xa thấy Thế tôn,
Theo lời dạy tu hành,
Nên đã được Kiến đế”.

Nói rồi cùng các thị nữ gieo mình vào đống lửa đồng thời mạng chung, chỉ có một mình thị nữ Khúc tích chui qua lõ tháo nước trốn được ra ngoài thoát chết. Sáng hôm sau đại thần Vô ưu cho thu lượm xác chết của các người nữ này bỏ vào rừng thây chết. một Bí-sô vào thành khất thực thấy việc này rồi trở về bạch Phật, Phật nói rõ nhân duyên này trong kinh Tăng ngũ rồi dẫn các Bí-sô đến rừng thây chết thấy hài cốt còn lại của năm trăm người nữ này rồi nói kệ:

“Thế gian bị si buộc,
Việc ác cho là thiện,
Tham ái trói người ngu,
Thường ở nơi ngục tối.
Bất thiện cho là thiện,
Quán sát đều rỗng không,
Phải khởi tâm nhàm lìa,
Chớ sanh tâm nhiễm đắm”.

Lúc đó các đại thần khác thấy Cám-dung chết rồi không biết làm sao, bèn triệu người chuyên kể chuyện buồn đến nói: “Ngươi đã từng thọ bỗng lộc của nhà vua, nay chính là lúc ngươi đến tâu cho vua biết phu nhơn Cám-dung đã chết”, người ấy nói với các đại thần: “Nên vẻ hình phu nhơn Cám dung với hình dạng của người nhảy vào trong lửa, sau đó lo liệu đầy đủ năm trăm con voi, năm trăm con ngựa, năm trăm đồng nam, năm trăm đồng nữ và nghiêm chỉnh bốn binh, lo liệu xong tôi sẽ đi”, các quan y theo lời lo liệu đầy đủ. Người kể chuyện buồn này mang bức họa dẫn bốn binh cùng voi ngựa… đến chỗ nhà vua đóng binh, cách doanh trại của vua không xa thì dừng lại, bảo sứ giả mang thư đến dâng lên vua, trong thư viết: “Tôi là đại vương của nước ___, chỉ có một đứa con nhưng lại bị thần chết dẫn đi mất, nay tôi đến nước này muốn dùng voi ngựa, châu báu để chuộc lại mạng sống cho con tôi, nếu vua đồng ý thì tốt, nếu không đồng ý thì tôi sẽ chiến đấu”. Nhà vua đọc thư xong liền cười, bảo sứ giả mời vua nước đó đến, đến rồi vua Ô-đà-diên liền thăm hỏi: “Người xưa nay có từng thấy ai bị thần chết dẫn đi mà có thể cầu xin được hay không?”, vua nước đó đáp: “Nếu người đã bị thần chết dẫn đi rồi không thể cầu xin được thì đại vương hãy mở bức vẻ này xem cho kỹ”, vua Ô-đà-diên mở ra xem rồi hỏi: “Cám-dung đã bị lửa đốt chết rồi sao?”, vua nước đó liền nói: “Phu nhơn đã chết, xin nhà vua tha thứ tội này, hạ thần sợ nhà vua ưu não nên lập bày kế này”, liền nói kệ:

“Tôi không phải vua, con chẳng chết,
Tôi là thần ăn lộc của vua,
Muốn tâu vua biết việc không may,
Cúi xin vua tha thứ tội này”.

Vua Ô-đà-diên nghe rồi liền dẫn binh trở về, đến nơi liền ra lịnh cho pháp quan bắt Vô ưu, trét bột đá màu tía vào mình rồi bỏ trong lò sành đốt chết; kế ra lịnh bắt Vô tỷ cột tóc vào chân ngựa cho ngựa dẫm chết, nhưng pháp quan lại không nở giết Vô tỷ mà chỉ hạ ngục. Trải qua bảy ngày, vua nhớ Vô tỷ nên sầu não, đại thần thấy vậy bèn dẫn Vô tỷ đến chỗ vua, vua hỏi rõ sự việc khởi tâm nghi đến hỏi Thế tôn: “Thế tôn, do nhơn duyên gì Cám-dung đã được quả Bất hoàn lại cùng năm trăm thị nữ cùng chết cháy, chỉ có thị nữ Khúc tích được thoát chết?”, Phật nói: “Thuở xưa ở nước Bà-la-nê-tư có vua tên là Phạmma-đạt-đa, phu nhơn của vua rất được yêu quý và có thế lực. một hôm phu nhơn cùng năm trăm thị nữ đi dạo hoa viên, vào ao Phương trì tắm, tắm xong cảm thấy lạnh nên cần lửa sưỡi ấm. Cách đó không xa có một thảo am của một vị Độc giác nương ở, phu nhơn liền sai thị nữ đến đốt am tranh để sưỡi ấm, thị nữ đến thấy có một Thánh giả ở trong nên không nở đốt, phu nhơn liền tự mình đến đốt, các thị nữ khác thấy lửa cháy đều reo cười. Thánh giả ở trong am khởi tâm thương xót nên vọt lên hư không hiện thần biến, các người nữ này thầy rồi ai cầu sám tội, sau đó thiết thực cúng dường và phát nguyện…, phu nhơn xưa kia chính là Cám-dung, các thị nữ xưa kia chính là năm trăm thị nữ ngày nay, do dư báo của nghiệp lực nên ngày nay tuy chứng Thánh đạo nhưng vẫn cùng các thị nữ bị lửa đốt chết; thị nữ không nở đốt am chính là Khúc tích, nay được quả báo thoát nạn chết cháy. Thiện ác báo ứng đại vương nên biết”. Nhà vua lại hỏi: “Thế tôn, do nhơn duyên gì Khúc tích vừa nghe kinh liền tỏ ngộ, nhưng lại sống với thân phận thấp hèn?”, Phật nói: “Thuở xưa ở thành Ba-la-nê-tư có một trưởng giả tên là Thiện tục thường thỉnh năm mươi Thánh giả về nhà thọ thực, trong Thánh chúng có một vị mắc bịnh phong khi ăn do tay run nên bát trên tay muốn rớt. Lúc đó người con gái nhỏ của trưởng giả lấy vòng xuyến trên tay mình dùng để cột cái bát vào trong tay của Thánh giả cho khỏi bị rớt rối phát nguyện: “Nguyện đời sau khi được nghe diệu pháp tâm con không lay động, lãnh hội không quên”. Trong Thánh chúng cũng có một vị bị cong cột sống, một hôm thỉnh thọ thực không thấy vị ấy đến, người con gái nhỏ này hỏi cha vì sao vị ấy không đến, trưởng giả hỏi là vị nào, người con gái nhỏ này liền nhái lại bộ dạng của vị Thánh giả bị cong cột sống; người con gái này lại thường kêu người trong nhà là đứa ở. Do xưa kia phát nguyện nên ngày nay được quả báo Văn trì, vừa nghe kinh liền tỏ ngộ; do nhái theo điệu bộ của thánh nhơn nên ngày nay bị quả báo cong cột sống; do xưa kia coi thường người khác kếu là đứa ở nên ngày nay bị quả báo thường sanh trong hàng hạ tiện”. Nhà vua lại hỏi: “Do nhân duyên gì Vô tỷ bị hạ ngục bảy ngày mà dung mạo vẫn không thay đổi?”, Phật nói: “Thuở xưa có một Bà-la-môn nữ cùng một Sát-đế-lợi nữ kết bạn thân, Sát-đế-lợi nữ có tâm tín kính thường cúng dường cho các Bí-sô. một hôm Bà-la-môn nữ mời bạn đến nhà dùng cơm, lúc đó có một vị độc giác đến nhà khất thực, Sát-đế-lợi nữ bảo bạn cúng thức ăn, Bà-la-môn nữ không chịu cúng, Sát-đế-lợi nữ nói: “Nếu bạn không dâng cúng thì tôi trở về nhà”, Bà-la-môn nữ thấy vậy bèn dâng cúng thức ăn, người bạn lại bảo nên phát nguyện, liền nguyện: “Nguyện đời sau không mong thọ thắng báo, chỉ mong nếu gặp ách nạn đừng bị đói khát”. Do nguyện lực này nên ở trong ngục bảy ngày dung mạo vẫn không thay đổi.

Thời gian sau trưởng giả Diệu-âm cúng dường Phật và Tăng thường sai một người nữ lo liệu việc này. Sau đó người nữ này lâm bịnh, khi sắp mạng chung có phát nguyện: “Nguyện phước đức lo liệu việc cúng dường cho Phật và Tăng này, sau khi mạng chung thác thai vào phu nhân lớn nhất của trưởng giả Diệu-âm, dung mạo tươi đẹp như Diệu dung, được vua Ô-đà-diên nạp làm hậu”, phát nguyện rồi liền mạng chung, thần thức thác sanh vào thai của đại phu nhơn. Trải qua chín tháng phu nhơn hạ sanh, lúc đó trong nhà rực sáng nên được gọi tên là Kiết tường huệ, đến khi lớn khôn do tín tâm sẵn có nên nhớ được việc đời trước. một hôm cụ thọ A-nan-đà đến nhà khất thực, Kiết tường huệ đảnh lễ rồi bạch: “Thánh giả, xin cho con gởi lời kính chúc Thế tôn và các Thánh chúng được ít bịnh, ít não khinh an”, sau khi trở về trú xứ A-nan-đà đem việc này bạch Phật, Phật hỏi A-nan-đà: “Thầy có biết Kiết tường huệ là ai không?”, đáp là không biết, Phật nói: “Chính là người nữ lo việc cúng dường cho Phật và Tăng trong vườn của trưởng giả Diệu-âm, do sức phát nguyện trước khi chết nên nay thác sanh vào nhà của trưởng giả”. Lúc đó Kiết tường huệ ở trên lầu cao thấy vua Ô-đà-diên, vua Ô-đà-diên vừa nhìn thấy liền gọi là Vô tỷ, sau đó gọi trưởng giả đến hỏi người con gái ấy là ai, trưởng giả nói là con gái, nhà vua nghe rồi liền sắm đủ nghi lễ đón về hậu cung và cấp cho năm trăm thị nữ hầu hạ. Lúc đó Kiết tường huệ muốn đến yết kiến Phật và Tăng nên bạch vua, vua tùy thuận ý của Kiết tường huệ liền sửa soạn phẩm vật cúng dường, nhà vua đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch rằng: “Thế tôn, Kiết tường huệ kính thỉnh Phật và tăng vào trong cung thọ thực bảy ngày”, Phật im lặng nhận lời, nhà vua kính lễ rồi ra về, đến trong cung nói cho phu nhơn biết để chuẩn bị các món ăn thượng diệu. Tới giờ thọ thực Thế tôn không đi, Xá-lợi-tử cùng chúng tăng đến trong cung thọ thực, chúng tăng tới cửa cung không dám bước vào, nhà vua thỉnh vào trong, Xá-lợi-tử suy nghĩ: “Thế tôn chế giới không cho vào cửa cung, nay vua mời nếu không vào thì trái phép, do nhân duyên này Phật sẽ tùy khai”, nghĩ rồi liền cùng chúng Tăng bước vào trong cung đến chỗ ngồi thọ thực, Kiết tường huệ và nhà vua tự tay dâng cúng thức ăn, thọ thực xong cụ thọ Xá-lợi-tử vì nói pháp, phu nhơn ngay nơi tòa ngồi được quả Dự lưu. Trải qua bảy ngày như thế xong chúng tăng ra về, đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đem việc trên bạch Phật, Phật bảo Xá-lợi-tử: “Lành thay, Như lai chưa khai mà thầy đã biết đúng lúc để tạo phương tiện”, nói rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nay học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu có Bí-sô, mặt trời chưa mọc vua Sát đế lị quán đảnh chưa cất của báu và các loại vật báu khác mà bước qua ngạch cửa cung vua, phạm Ba-dật-để-ca, trừ các duyên khác.”

Nếu có Bí-sô là chỉ cho Ô-đà-di, cửa cung có ba: Thành môn, cung môn và vương môn. Trừ duyên khác là trừ được thắng pháp như cụ thọ Xá-lợi-tử.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Trời chưa sáng, Bí-sô tưởng là chưa sáng và nghi mà bược qua khỏi cửa thành, phạm Ác-tác; chưa sáng tưởng là sáng và nghi cũng Ác-tác, cửa vua cũng vậy. Nếu bước qua cửa cung, tưởng và nghi đều phạm bổn tội; hai câu kế phạm Ác-tác; hai câu sau không phạm; nếu vương phi, thái tử, đại thần mời vào cũng không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.