CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 42

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Bảy: KHÔNG GỞI DỤC LÀM THINH BỎ ĐI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó Thập thất chúng muốn làm yết ma Xả trí cho Ô-ba-nan-đà nên cùng nhau hành trù rồi đến trước Thượng tọa-nan-đà xin được gạn hỏi… cho đến câu: “Muốn tác pháp yết ma Xả trí cho cụ thọ Ô-ba-nan-đà”, Nan-đà nói: “Ô-ba-nan-đà là bậc thượng tọa lớn tuổi, đâu thể liền tác pháp yết ma Xả trí”, Thập thất chúng bạch đại chúng: “Nếu ai cùng người ác làm bạn, đại chúng cũng tác pháp yết ma Xả trí luôn”. Nan-đà nghe rồi lo ngại liền lấy tấm thảm lông tụ lại trên chỗ ngồi của mình giống như hình người rồi lặng lẽ đứng dậy bỏ đi, lúc đó đại chúng tác pháp Xả trí cho Ô-ba-nan-đà. Sau đó Ô-ba-nan-đà đến chỗ Nan-đà khóc và báo cho Nan-đà biết mình bị Xả trí, Nan-đà nói: “Thầy không nên buồn, chúng không tập họp đủ thì tác pháp không thành, vì tôi không có mặt trong chúng lúc đó”. Các Bí-sô nghe rồi chê trách Nan-đà và đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô khi biết đại chúng như pháp bàn luận sự việc mà lặng lẽ từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi ra thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Sau đó khi các Bí-sô nhóm họp, những vị nuôi bịnh và thọ sự phải ngồi lâu trong chúng nên bỏ công việc của mình, do nhân duyên này Phật cho phép nếu có duyên sự nên dăn lại rồi đi ra. Lúc đó Phật khen ngợi người trì giới thiểu dục rồi bảo các Bí-sô: “Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau:

Nếu lại có Bí-sô khi biết đại chúng như pháp bàn luận sự việc mà lặng lẽ từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi ra, có Bí-sô ở đó mà không dặn lại thì phạm Ba-dật-để-ca, trừ nhân duyên khác”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Nan-đà. Đại chúng là đệ tử của Phật. Như pháp bàn luận là Tăng pháp yết ma gồm Đơn bạch, Bạch nhị và Bạch tứ. Từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi ra là ra khỏi thế phần tác pháp yết ma.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô biết đại chúng như pháp tác pháp, dùng ngôn luận để quyết trạch, có Bí-sô ở đó mà không báo, không dặn lại mà lặng lẽ từ chỗ ngồi đứng dậy bỏ đi ra, nếu đến chỗ mà còn nghe được tiếng nói thì phạm Ác-tác; nếu ra ngoại phạm vi này thì phạm Đọa. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Tám: KHÔNG CUNG KÍNH

Phật ở trong Trúc lâm bên ao Yết-lan-đạc-ca thành Vương xá, lúc đó có hai Bí-sô: Một vị tên là Tạp-sắc, một vị tên là Tượng-sư-tử, biết các Bí-sô tập họp trong nhà ăn là để tác pháp chấm dứt sự tranh cải. Hai Bí-sô này, một vị tùy thuận chúng, một vị không tùy thuận, không cung kính, chống trái lời dạy không chịu đến họp chúng, khiến cho sự việc càng rối rắm thêm. Các Bí-sô đều chê trách rồi đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô không cung kính thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Tạp sắc. Không cung kính có hai: Một là đối với đại chúng, hai là đối với riêng từng người, cả hai hạng trên không cung kính đều phạm Đọa.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu khi Bí-sô biết đại chúng nhóm họp bàn luận sự việc, kêu đến mà không chịu đến thì phạm Đọa; cho đến bảo đứng không đứng, bảo đi không đi… cũng như vậy, trái lời chúng dạy đều phạm Đọa. Nếu hai thầy kêu đến mà không đến thì phạm Ác-tác. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Học Xứ Thứ Bảy Mươi Chín: UỐNG RƯỢU

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó dưới chân núi Thất thâu ma la nước Kiều-thiểm-tỳ có nhiều xóm làng, nơi đó có một trưởng giả tên là Phù đồ giàu có nhiều của báu, cưới vợ chưa bao lâu thì sanh được một con gái, dung mạo đoan chánh ai thấy cũng yêu mến, đến tuổi lớn khôn được gả cho con trai của trưởng giả Cấp-cô-độc. Thời gian không lâu sau trưởng giả Phù đồ lại có thêm một con trai, dung mạo đáng yêu nên khi vừa mới sanh ra, người cha liền gọi là Thiện lai. Do duyên này nên thân tộc đặt tên là Thiện lai, nhưng đứa trẻ này bạc phước nên gia nghiệp ngày càng sa sút và khánh kiệt, cha mẹ cũng qua đời, không còn nơi nương tựa phải xin ăn nên người đương thời đều gọi là Ác lai, không gọi là Thiện lai nữa. Có một người bạn cũ của cha mẹ Ác lai thấy vậy bèn cho Ác lai một kim tiền dùng cho việc ăn mặc. Lúc đó Ác lai lần lần đến được thành Thất-la-phiệt, nô tỳ của người chị tình cờ trông thấy nhận ra Ác lai liền về báo cho chị của Ác lai biết. Người chị nghe rồi thương cảm vội sai gia nhân đem tiền bạc đến để giúp cho em về việc ăn mặc, nhưng vì Ác lai bạc phước nên bị giặc cướp đoạt hết. Người chị nghe rồi không biết phải làm sao, đành phó mặc cho số phận. Lúc đó trưởng giả Cấp-cô-độc thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực, đang lúc chờ Phật và tăng đến thì Ác lai và các bạn hành khất cùng kéo đến xin ăn. Trưởng giả từ xa trông thấy họ kéo đến liền bảo gia nhân ra xua đuổi vì Phật và Tăng sắp đến, bọn hành khất suy nghĩ: “Ông trưởng giả này vốn thương xót những người nghèo khổ cô độc, là chỗ nương tựa của chúng ta, tại sao hôm nay lại xua đuổi chúng ta như thế, phải chăng do nghiệp ác của Ác lai nên mới như thế”, nghĩ rồi liền cùng nhau khiêng Ác lai quăng vào đống phẩn, Ác lai bị đồng bọn khinh khi như vậy nên kêu khóc. Khi sứ giả đến báo đến giờ thọ thực, Thế tôn đắp y mang bát cùng đại chúng đi đến nhà trưởng giả, nhưng do lực đại bi nên Thế tôn đi đến chỗ Ác lai trước và bảo các Bíso: “Các thầy nên nhàm lìa sự lưu chuyển trong biển khổ vô biên và nên nhàm lìa các món tư sanh đưa đến sanh tử. Các thầy hãy nhìn người thọ sanh sau cùng, không còn lưu chuyển này thọ khổ não mà không tự gắng sức cứu lấy”, nói xong Phật bảo A-nan-đà: “Hôm nay thầy nên để dành nửa phần ăn cho Thiện lai này”, nói xong Phật cùng đại chúng đến nhà trưởng giả thọ thực. Trưởng giả thấy Phật và Tăng ngồi ổn định rồi liến dâng cúng thức ăn thượng diệu khiến tất cả đều được no đủ. Lúc đó do nghiệp ác của Thiện lai khiến cho A-nan-đà quên để dành lại nữa phần ăn cho Thiện lai, Thế tôn do được Niệm không quên, biết A-nanđà quên nên đã để dành nửa phần ăn của mình. A-nan-đà ăn xong mới sực nhớ, Phật bảo A-nan-đà: “Cho dù chư Phật trong bốn biển lớn của châu Thiệm bộ nói pháp thâm diệu, thầy đều thọ trì không quên sót; nhưng nay do sức bạc phước của Thiện lai nên khiến cho thầy không nhớ. Thầy hãy đi kêu Thiện lai đến đây”. A-nan-đà vâng lời Phật dạy đến kêu: “Thiện lai, Thiện lai”, Ác lai không tự nhớ đến tên Thiện lai trước đây nên im lặng, A-nan-đà liền nói: “Là con của trưởng giả Phù đồ trước kia tên là Thiện lai chứ không phải người nào khác”. Lúc đó Thiện lai liền nhớ lại nên nói kệ:

“Tôi mất tên Thiện lai,
Nay từ chỗ nào đến,
Phải chăng ác báo hết,
Nghiệp thiện từ đây sanh.
Phật đủ Nhất thiết trí,
Tất cả chúng đều nương,
Nhờ lời thiện ái kia,
Gọi Thiện lai đúng lý.
Tôi là kẻ vô phước,
Thân thuộc không ngó ngàng,
Tai họa khổ bức bách,
Há gọi là Thiện lai?”.

Tôn giả A-nan-đà liền dẫn Thiện lai đến chỗ Phật đảnh lễ, Phật bảo A-nan-đà đưa nửa phần ăn đã để dành đó cho Thiện lai, Thiện lai thấy nửa phần ăn này liền rơi nước mắt nói rằng: “Tuy Thế tôn để dành nửa phần ăn cho con, nhưng chỉ chừng này thì làm sao đủ no”. Thế tôn nói: “Cho dù bụng ngươi lớn như biển cả, mỗi miếng nuốt lớn như núi Diệu cao thì ngươi cũng không ăn hết nửa phần cơm này. Ngươi hãy ăn đi, đừng có âu lo”. Đợi Thiện lai ăn xong, Phật hỏi: “Vật gì trong chéo áo của ngươi?”, Thiện lai liền mở ra xem thì thấy một kim tiền mới nhớ ra nên bạch Phật: “Kim tiền này là của bạn cũ của cha con cho, vì bạc phước khiến con không nhớ”, Phật bảo Thiện lai: “Ngươi hãy dùng kim tiền này đi mua bông sen xanh đến đây”. Sau khi Thiện lai đi mua bông, Phật và đại chúng trở về trú xứ. Lúc đó Thiện lai đến chỗ người bán hoa tên là Lam bà để mua hoa thì bị Lam bà xua đuổi, Thiện lai nói: “Phật bảo tôi đến mua bông sen xanh”, liền nói kệ:

“Đối với hoa sen xanh,
Tôi thật không cần dùng,
Đại sư Nhất thiết trí,
Bảo tôi mua đem đến”.

Lam-bà nghe rồi liền sanh kính ngưỡng, nói kệ:

 

“Mâu ni đại tịch tĩnh,
Trời người đều cúng dường,
Người là sứ giả Phật,
Cần sen tùy ý lấy”.

Lúc đó Thiện lai đưa kim tiền rồi lấy nhiều hoa sen xanh đem đến chỗ Phật, Phật bảo Thiện lai đem bông sen dâng cúng chúng Tăng, Thiện lai vâng lời dâng cúng nhưng các Bí-sô không chịu nhận, Phật bảo các Bí-sô: “Đối với thí chủ này, các thầy nên thương xót thọ nhận. Mùi hương của sen xanh có ích cho tỷ căn, ngửi nó không có lỗi”. Các Bí-sô vừa nhận hoa thì hoa liền hé nở, Thiện lai thấy sen xanh nở liền nhớ lại tiền thân của mình đã từng ở chỗ Phật tu Thanh xứ quán ảnh tượng hiện tiền. Phật liền nói pháp yếu chỉ dạy được lợi hỉ rồi bèn được Kiến đế, Thiện lai vui mừng nói kệ:

“Phật dùng phương tiện rất vi diệu,
Khéo dẫn dắt con được Kiến đế.
Ở trong cõi ác khởi niệm bi,
Như cứu voi già khỏi bùn sâu,
Con thuở nhỏ tên gọi Thiện lai,
Ác lai mới được gọi sau này,
Nay gọi thiện lai là không sai,
Do ở trong Thánh giáo Như lai”.

Nói kệ rồi liền đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế tôn, nay con muốn ở trong pháp luật khéo giảng nói của Như lai xuất gia lìa tục, tu phạm hạnh”, Thế tôn liền gọi: “Thiện lai Bí-sô, hãy tu phạm hạnh”, vừa nói xong râu tóc của Thiện lai liền tự rụng, pháp phục trên thân trở thành Bí-sô. Thiện lai phát tâm đại dõng mãnh đầu đêm sau đêm tư duy quên cả mõi mệt, đoạn trừ kiết hoặc chứng quả A-la-hán, liền nói kệ:

“Xưa ở chỗ chư Phật,
Chỉ giữ thân gạch sắt,
Nay nghe Thế tôn dạy,
Chuyển thành thân vàng ròng,
Con ở trong sanh tử,
Không còn thọ thân sau,
Phụng trì pháp vô lậu,
Thẳng đến thành Niết-bàn,
Nếu người ưa châu báu,
Và sanh thiên, giải thoát,
Phải gần thiện tri thức,
Sở nguyện đều như ý”.

Sau khi Thế tôn hóa độ các tôn giả Xá-lợi-tử, Đại Mục-kiền-liên, Đại Ca-diếp-ba, Tất lăng già phạt ta… những người không tín kính trong thế gian đều phỉ báng rằng: “Sa môn Kiều-đáp-ma là kẻ giặc trộm châu báu của thế gian, vì các bậc long tượng xuất hiện ở trên thế gian đều bị ông ta khuyến dụ xuất gia để lo việc cung cấp và hầu hạ”; thời gian sau Phật hóa độ ni và những người bần tiện như Tiểu lộ, Ngưu chủ, năm trăm ngư phủ bên sông Thắng huệ, Thiện lai… những người không tín kính trong thế gian lại phỉ báng rằng: “Sa môn Kiều-đáp-ma tham cầu đệ tử không có dừng nghỉ, những người bần tiện ngu si cũng hóa độ để sai vặt”. Thế tôn nghe rồi liền suy nghĩ: “Các đệ tử lớn của ta đức như núi Diệu cao, người đời không biết liền coi thường, vô cớ chiêu tội tự hại thân mình, ta nay nên phát khởi thắng đức của Thiện lai”, bởi vì thường pháp của Như lai là nếu trong các đệ tử người nào có thắng đức mà người đời không biết thì Phật dùng phương tiện để hiển dương thắng đức ấy. Lúc đó Phật bảo A-nan-đà: “Như lai muốn đến núi Thất thâu ma la, Bí-sô nào muốn cùng đi thì mang theo y bát” … Cho đến câu Phật cùng đại chúng đi đến núi Thất-thâu-ma-la. Tại đây có một con rồng độc nương ở trong rừng Yêm-bà, thường phun khí độc làm tổn hại hoa mầu ở các vùng phụ cận núi này. Khi mọi người nơi đây nghe Phật và đại chúng đến liền cùng đến đảnh lễ và cùng nghe diệu pháp rồi bạch Phật: “Cúi xin Thế tôn thương xót sáng mai đến nhà chúng con thọ thực”, Thế tôn im lặng nhận lời. Mọi người biết Phật nhận lời rồi liền trở về nhà, trong đêm đó chuẩn bị đầy đủ các món ăn thượng diệu để cúng dường Phật và Tăng, sáng ngày trải tòa sắp xếp mọi việc xong liền cho người đến bạch Phật giờ ăn đã đến. Phật cùng đại chúng đắp y mang bát đến chỗ thiết cúng… cho đến câu Phật nói pháp yếu khiến cho mọi người được lợi hỉ, lúc đó mọi người bạch Phật: “Thế tôn, chúng con thường nghe Phật có thể hàng phục Dược xoa cực ác như Dược xoa Khoáng dã… cho đến các rồng như long vương Nan-đà, Ô-ba-nan-đà cũng đều được hàng phục. Nay ở núi này có con rồng độc thường phun khí độc tổn hại các loài cầm thú và hoa mầu trong vòng một trăm dặm, người ngửi phải khí độc này hình sắc đen sạm không còn sắc sáng. Cúi xin Thế tôn thương xót hàng phục con rồng độc này”. Thế tôn nghe rồi liền bảo A-nan-đà: “Thầy nên hành trù, trong đại chúng vị nào hàng phục được con rồng độc này thì hãy lấy thẻ”, A-nan-đà vâng lời Phật hành trù nhưng trong đại chúng không ai lấy thẻ, Phật liền bảo Thiện lai: “Thầy hãy lấy thẻ đại diện cho Tăng đi hàng phục con rồng độc này”, Thiện lai vâng lời Phật lấy thẻ. Sáng hôm sau, Thiện lai chấp trì y bát vào thôn khất thực, thọ thực xong liền đến chỗ rồng độc ở, rồng độc từ xa thấy Thiện lai đến liền nổi giận khiên cho mây đen bao phủ bầu trời, sấm chớp vang rền chấn động đại địa rồi giáng mưa đá muốn hại Thiện lai. Thiện lai liền nhập định Từ khiến cho mưa đá biến thành bột hương Trầm thủy, Chiên đàn… từ trên không rơi xuống. Rồng độc càng nổi giận hóa hiện bánh xe kiếm với mâu giáo nhọn bay tới, Thiện lai liền biến thành hoa sen trời vi diệu từ không trung rơi xuống. Rồng độc liền phun khói độc, Thiện lai cũng phóng ra khói; rồng phun lửa, Thiện lại nhập định Hỏa quang khiến thân phóng ra lửa bao trùm chỗ ở của rồng khiến rồng độc không tránh đi đâu được, chỉ có chỗ Thiện lai đang đứng là mát mẻ, nên rồng độc đến chỗ Thiện lai cầu xin cứu hộ. Thiện lai nói: “Ngươi đời trước đã tạo nghiệp ác nên bị đọa trong loài bàng sanh, đời này lại tạo nghiệp ác, sau khi mạng chung sẽ sanh vào cõi nào, sẽ nương tựa nơi đâu, chắc chắn là sẽ đọa vào địa ngục”, rồng độc liền nói: “Xin nghe theo lời dạy bảo”, Thiện lai nói: “Ngươi nên thọ Tam quy và năm học xứ, trọn đời không được phạm”, rồng độc nghe lời liền thọ Tam quy và năm học xứ, thề trọn đời không phạm, thệ nguyện rồi đảnh lễ Thiện lai và biến mất. Hàng phục rồng độc xong, Thiện lai trở về đến chỗ Phật đảnh lễ rồi bạch: “Thế tôn, con đã hàng phục được rồng độc, nó đã thọ Tam quy và năm học xứ”, Phật bảo các Bí-sô: “Trong các đệ tử Thanh văn của ta, hàng phục rồng độc, Thiện lai là bậc nhất”. Lúc đó mọi người ở chung quanh núi này nghe biết rồng độc đã được hàng phục đều rất vui mừng khen ngợi là việc chưa từng có, cùng đến bạch Phật: “Thế tôn, nhờ có Thanh lực đã trừ được rồng độc, chúng con muốn đuợc cúng dường, cúi xin Phật nạp thọ”, Phật nói: “Mọi người nên biết, chính Thiện lai Bí-sô con của trưởng giả phù đồ đã hàng phục được rồng độc, khiến nó cải ác theo thiện, thọ tam quy và năm học xứ, không phải là sức của ta. Mọi người nên đem những phẩm vật này cúng dường cho Thiện lai”. Mọi người nghe rồi liền mang các phẩm vật đến chỗ Thiện lai đảnh lễ rồi bạch: “Thánh giả đã thương xót chúng con, dùng vô úy bố thí khiến cho chúng con được an cư lạc nghiệp. Xin Thánh giả chỉ dạy chúng con nên làm gì”, Thiện lai nói: “Các vị nên cúng dường Tam bảo”. Mọi người nghe Thiện lai nói rồi liền thỉnh Phật và Tăng cúng dường trong bảy ngày, Phật im lặng nhận lời, mọi người biết Phật đã nhận lời rồi liền đảnh lễ trở về nhà, ngay trong đêm đó họ lo liệu đầy đủ các món ăn thượng diệu cúng dường Phật và tăng như thế suốt trong bảy ngày. Lúc đó có một Bà-lamôn là bạn cũ của cha Thiện lai do thường trù rủa rồng độc, sợ rồng độc hại nên bỏ đi đến thành Thất-la-phiệt đổi tên sinh sống, nay vì công việc phải đến nơi này, nghe tin Thiện lai đã hàng phục được rồng độc nên rất vui mừng, liền đến chỗ Thiện lai bạch rằng: “Thánh giả, chúng tôi vì sợ rồng độc hại nên bỏ đi đến nơi khác sinh sống, nay nghe Thánh giả khởi tâm từ bi hàng phục rồng độc, chúng tôi rất vui mừng muốn cúng dường, xin Thánh giả thương xót sáng mai đến nhà tôi thọ thực”, Thiện lai nói là đã thọ thỉnh của mọi người trong thôn xóm này rồi, Bà-la-môn nói: “Nếu vậy thì ngày trở về xin hãy đến thọ tôi cúng dường trước”, Thiện lai nhận lời. Lúc đó mọi người ở dưới chân núi này thỉnh cúng dường bảy ngày đã mãn, họ đảnh lễ Phật và xin được nghe diệu pháp, Phật nói pháp yếu chỉ dạy cho họ được lợi hỉ, ngay nơi chỗ ngồi đều dứt nghi chứng sơ quả. Sau đó Phật và tăng trở về thành Thấtla-phiệt, trưởng giả Cấp-cô-độc đến đảnh lễ Phật và thỉnh Phật cùng Tăng sáng ngày mai đến nhà ông thọ thực, Phật im lặng nhận lời. Lúc đó Bà-la-môn kia nghe tin Phật và tăng đã trở về liền đến chỗ Thiện lai nhắc lại lời hứa trước là thọ ông thỉnh thực, Thiện lại bạch Phật, Phật nói: “Nếu đã hứa thì nên phó thỉnh”. Thiện lai đến nhà Bà-la-môn, Bàla-môn dâng cúng các món ăn thượng diệu khiến được no đủ, vì muốn cho Thiện lai được tiêu hóa nên Bà-la-môn rót một ít rượu mạnh vào trong thức uống, Thiện lai không biết nên uống, trên đường trở về rượu thấm dần bị say nên ngã xuống đất. Thế tôn được Niệm không quên nên hóa ra một thảo am ở chỗ Thiện lai nằm, che kín khiến người không nhìn thấy. Sau khi thọ thực ở nhà trưởng giả Cấp-cô-độc xong, Phật đến chỗ Thiện lai, chỉ Thiện lai rồi bảo các Bí-sô: “Các thầy hãy nhìn xem thiện lai, nếu trước kia có thể hàng phục được rồng độc thì nay không thể điều phục được một con lươn nhỏ. Này các Bí-sô, uống rượu có sự mất mát lớn như thế”, nói rồi Phật đưa bàn tay có luân tướng sờ đầu Thiện lai và bảo rằng: “Này Thiện lai, tại sao không quán sát kỹ trước khi dùng, đến nỗi chịu khốn đốn như thế này”. Thiện lai tỉnh rượu liền theo Phật trở về, sau đó Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô uống các loại rượu, phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Thiện lai. Các loại rượu là rượu làm bằng men gạo hay đại mạch hoặc làm từ hoa quả… khi uống có thể làm cho người say.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô uống các loại rượu có thể khiến cho người say thì phạm Đọa, uống loại rượu không làm say thì Ác-tác. Nếu Bí-sô thấy các loại rượu kia có sắc rượu, hơi rượu và vị rượu có thể làm say mà uống thì phạm Đọa; không làm say thì Ác-tác. Nếu Bí-sô uống các loại rượu có sắc rượu và hơi rượu có thể làm say thì phạm Đọa; không làm say thì phạm hai Ác-tác. Nếu Bí-sô uống loại rượu chỉ có sắc rượu có thể làm say thì phạm Đọa, không làm say thì phạm một Ác-tác. Nếu ăn bả rượu mà say thì phạm Đọa, không say thì Ác-tác; nếu ăn men rượu phạm Áctác. Phật bảo các Bí-sô: “Nếu các thầy xem ta là Đại sư thì không nên uống tất cả các loại ruợu, cũng không bảo người uống, cho đến không dùng cọng cỏ chấm rượu nhỏ vào miệng, nếu cố trái thì phạm tội Việt pháp”. Nếu Bí-sô uống loại rượu được nấu chín thì không phạm, nếu thầy thuốc bảo dùng rượu thuốc hoặc dùng rượu thoa chà thân thì không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, Thiện lai Bí-sô trước kia đã tạo nghiệp gì mà được sanh trong nhà giàu có, sau lại nghèo khổ đến nỗi phải xin ăn gọi là Ác lai, bị đồng bọn quăng vào đống phân, lại do tạo nghiệp gì được gặp Phật, đoạn phiền não và được chứng quả?”, Phật bảo các Bí-sô: “Các thầy lắng nghe: Thuở xưa lúc Phật chưa ra đời, có một vị độc giác xuất hiện trong thế gian tuy có tâm từ bi nhưng không nói pháp. Lúc đó có một trưởng giả vào trong vườn hưởng thọ hoan lạc bổng thấy vị Độc giác này liền nổi sân bảo gia nhân: “Hãy đuổi kẻ ác lai ấy”, gia nhân không nở đuổi nên trưởng giả tự nắm kéo vị Độc giác này xô ngã vào đống phân rồi nói: “Sao ngươi không đến cùng làm bạn với những người ăn xin”. Vị Độc giác thương xót trưởng giả nên vọt mình trên không trung biến hiện mười tám cách, trưởng giả thấy rồi tâm sanh hối hận như đại thọ sụp đổ cúi mình sụp lạy bạch rằng: “Thánh giả là phước điền chơnthật, xin thương xót con vô trí, xin hiện thân xuống cho con sám tạ chớ để con phải chịu trầm luân”. Vị Độc giác thương xót hiện thân trở xuống thọ kia sám hối, trưởng giả liền sửa soạn các món ăn thượng diệu cúng dường vị Độc giác và phát thệ nguyện từ bỏ nghiệp ác rằng: “Với thiện căn cúng dường này xin nguyện đời sau con được sanh trong nhà phú quý, được thừa sự bậc Đại sư thắng thượng khai ngộ cho con hướng đến giải thoát”.

Này các Bí-sô, trưởng giả xưa kia chính là Thiện lai, do xưa kia não hại vị Độc giác xô ngã vào đống phân nên trong năm trăm đời thường phải ăn xin, bị người đời gọi là Ác lai và bị đồng bọn quăng vào đống phân. Do xưa kia cúng dường phát nguyện nên được sanh trong nhà phú quý, được xuất gia trong pháp luật của ta, đoạn hoặc được chứng quả. Này các Bí-sô, nghiệp của mình đã tạo trở lại tự thọ quả báo không mất, cho nên các thầy nên tu thiện hạnh chớ làm ác hạnh, nên học như thế”.

Học Xứ Thứ Tám Mươi: VÀO THÔN XÓM PHI THỜI KHÔNG DẶN LẠI BÍ SO

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, lúc đó có một Bà-la-môn từ nơi khác đến cưới vợ trong thành này rồi trở về lại trú xứ, không bao lâu sau sanh được một con gái, đến khi lớn khôn, người cha dẫn đến nhà cậu ở thành Thất-la-phiệt. Người con gái này muốn đến rừng Thệ-đa kính lễ, vừa ra cửa liền gặp các Bà-la-môn, cư sĩ, phụ nữ cũng đến đó nên cùng đi. Lúc đó Ô-đà-di đứng ở trước cửa chùa thấy các người nữ này liền dẫn đi tham quan các nơi cuối cùng đến phòng của mình, Ô-đà-di thấy đồng nữ này xinh đẹp liền khởi tâm nhiễm xúc chạm thân cô và ôm hôn khiến đồng nữ này động lòng muốn cùng làm việc phi pháp, Ô-đà-di từ chối nên đồng nữ nổi giận tự cào vào thân mình. Khi về đến nhà liền nói với cha là bị Bí-sô Ô-đà-di xúc phạm, người cha tức giận tập họp năm trăm Bà-la-môn lại cùng đánh Ô-đà-di suýt chết rồi dẫn đến chỗ vua. Lúc đó Thế tôn tuy biết nhưng nghĩ đây là bài học sau cùng cho việc làm của Ô-đà-di nên không can thiệp, chỉ dùng thần lực nhắc nhở nhà vua nên khéo quán sát xét xử, chớ có vội vàng. Nhà vua được Phật nhắc nhở nên kêu đồng nữ đến hỏi thật hư, đồng nữ nói là thật đã bị xúc phạm; vua liền bảo phu nhơn Thắng man tìm hiểu đồng nữ thật có bị xúc phạm hay không, đồng nữ vẫn như trước nói là thật đã bị xúc phạm. Thắng man liền kêu một cung nữ già xét nghiệm, sau khi xét nghiệm cung nữ già này nói không có bị tổn thương, vẫn còn trong trắng. Phu nhơn bạch vua, vua nghe rồi nổi giận ra lịnh pháp quan trị phạt khổ hình Bà-la-môn và đồng nữ đó rồi khiển trách Ô-đà-di, vì muốn hiển bày Thánh giáo của Như lai nên thả cho về. Thắng man bảo sứ giả mời Ô-đà-di đến khuyên rằng: “Đại đức, Thế tôn đại từ bi phụ trong vô số kiếp phát đại thệ nguyện kiên trì tu phạm hạnh, bỏ ngôi vị luân vương, quốc thành thê tử, quyết chí ly dục để cứu vớt muôn loài. Chúng con ở thế tục còn cầu mong xuất ly, Thánh giả ở trong Thánh pháp luật xuất gia sao lại làm hệ lụy chánh pháp, do tâm nhiễm ái làm ác hạnh khiến thế tục mất lòng tín kính. Từ nay về sau Thánh giả nên cải hối”. Ô-đà-di nghe lời này rồi hết sức hổ thẹn, sau đó đến chỗ cụ thọ Xá-lợi-tử muốn cải hối, Xá-lợi-tử liền quán căn cơ nói pháp và giáo thọ, Ô-đà-di nghe rồi thâm tâm khắc trách, phát tâm dõng mãnh đoạn trừ các hoặc, không bao lâu sau chứng được quả A-la-hán.