CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 45

Học Xứ Thứ Tám Mươi Hai: VÀO CỬA VƯƠNG CUNG (Tiếp theo)

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành này có ba trưởng giả: Một vị tên là Thiện dữ, một vị tên là Thiện hiệp, một vị tên là Giới thắng. Cả ba đều có đức riêng mà được tên, bố thí rộng rãi nên gọi là Thiện dữ; nói lời không hư dối nên gọi là Thiện hiệp; được mọi người tin phục nên gọi là Giới thắng; khéo nhẫn chịu khoan dung nên gọi là Thắng quang; lìa tâm tà dục là thái tử Ca-la. Lúc đó ở nước Kiều-tát-la cứ vào khoảng sau nửa tháng tám thì có bọn giặc mùa thu hoành hành cướp phá để có nhiều tài vật tùy ý thọ dụng trong một năm, một người trong bọn cướp nói: “Hiện nay trong thành này trưởng giả Thiện hiệp có nhiều của cải nhất, chúng ta nên đến chỗ trưởng giả nói rằng: Trước đây chúng tôi có gởi chỗ ông một ức kim tiền, nay cần nên đến lấy. Nếu trưởng giả nói không có thì chúng ta dẫn trưởng giả Giới thắng đến làm chứng”, người khác trong bọn cướp nói: “Trưởng giả Giới thắng há chịu làm chứng cho chúng ta hay sao?”, bọn cướp cùng bàn bạc: “Chúng ta sẽ uy hiếp bắt buộc ông ta phải làm chứng”, có người hỏi: “Uy hiếp như thế nào?”, một người nói: “Trưởng giả này khi đi đại tiện thường đi đến chỗ cách xa thôn ở trong rừng, chúng ta chờ lúc nào ông ta đi, chúng ta cầm dao bén núp ở trong bụi rậm, lúc đó chúng ta sẽ uy hiếp bắt buộc ông ta làm chứng cho chúng ta”. Sau đó bọn cướp y theo kế hoạch mà làm, lúc trưởng giả Giới thắng đi đại tiện, bọn cướp liền uy hiếp nói rằng: “Nếu thuận theo lời chúng tôi thì sống, nếu không thuận theo thì chết”, trưởng giả hỏi thuận theo như thế nào, bọn cướp nói: “Trước đây chúng tôi có gởi ở chỗ trưởng giả Thiện hiệp một ức kim tiền, nay muốn lấy lại nhưng sợ ông ta không chịu đưa nên muốn ông làm chứng cho chúng tôi”, trưởng giả liền hỏi là gởi thật hay gởi hư, bọn giặc cướp nói là gởi hư, trưởng giả nghe rồi liền suy nghĩ: “Ta thà chịu chết chứ không làm việc sái quấy này, há tránh cái khổ một đời mà chịu quả báo ác trong vô lượng kiếp”, nghĩ rồi liền nói kệ:

“Thà giữ theo pháp chọn cái chết,
Không làm trái pháp để sống còn,
Giữ theo pháp sẽ sanh cõi trời,
Trái pháp sẽ đọa vào địa ngục”.

Trưởng giả nói kệ rồi liền nói pháp yếu cho bọn cướp nghe: “Các ông nên biết, do đời trước tạo nghiệp ác làm những việc lừa dối nên nay tuy được thân người nhưng y thực thường thiếu thốn. Nếu nay tiếp tục làm ác nữa thì sau khi chết sẽ sanh vào cõi nào, trừ ba đường ác không còn nơi nào khác”, bọn giặc cướp nghe rồi liền khởi lòng tin cùng đến đảnh lễ trưởng giả nói rằng: “Chúng tôi ngu si không rõ thiện ác, muốn phi pháp vu báng, nhờ ông hiểu dụ thâm tâm vui mừng, vậy nay chúng tôi nên làm gì?”, trưởng giả nói nên quy y Tam bảo và thọ trì năm học xứ, bọn cướp liền xin thọ tam quy và năm học xứ rồi cáo từ.

Vua Thắng quang có một thái tử tên là Ca-la, dung mạo đoan nghiêm được mọi người yêu kính, vào ngày trưởng tịnh đến chỗ Phật thọ cấm giới, sau đó đến chỗ yên tĩnh nhiếp giữ thân tâm. Lúc đó có ma nữ đến khuyến dụ thái tử hưởng thọ dục lạc, thái tử nói: “Ngươi dùng tâm si mê hoặc chúng sanh, ta trì tịnh giới không theo đường tà”, ma nữ biết thái tử ý chí kiên cô, không toại lòng mong cầu nên biến mất. Lúc đó trưởng giả Thiện dữ đến chỗ Phật nghe pháp, vua Thắng quang cũng đến chỗ Phật, vì tôn trọng pháp nên trưởng giả không đứng dậy kính lễ vua giống như trường hợp của hai rồng ở trong giới trên, cho đến câu vua bảo tả hữu khi nào thấy trưởng giả đi ra thì truyền lịnh vua đuổi ông ta ra khỏi nước. Chư thiên vốn kính trọng trưởng giả, nghe nhà vua do sân giận mà nói lời này nên tức giận phóng ong độc vây chích nhà vua, vua chạy vào cung ong vẫn bay theo chích, sau đó vua chạy đến chỗ Phật, bạch hỏi Phật nguyên do, Phật nói rõ nguyên do và khuyên nhà vua nên sám tạ trưởng giả Thiện dữ, vua nghe lời Phật khuyên đến trước trưởng giả nói lời sám tạ vừa xong thì bầy ong bay tứ tán hết, mọi người trông thấy đều cho là hi hữu. Sau đó vua Thắng quang bạch Phật: “Thế tôn, con ở ngôi vị quốc vương mà lại sám tạ một thứ dân, há chẳng phải là hi hữu hay sao?”, Phật nói: “Quả thật là hi hữu”; Thiện dữ cũng bạch Phật: “Con nghèo không có của, có chi cho nấy, há chẳng phải là hi hữu hay sao?”, Phật nói: “Đây cũng là điều hi hữu”; lúc đó trưởng giả Giới thắng và thái tử Ca-la cũng có mặt, Giới thắng liền đem việc bị giặc mùa thu uy hiếp kể lại và bạch Phật: “Con bị uy hiếp mà vẫn không chịu làm việc sái quấy, há không phải là hi hữu hay sao?”, Phật nói: “Tuy gặp mạng nạn mà vẫn giữ tâm ngay thẳng, đây cũng là điều hi hữu”; Thái tử Ca-la bạch Phật: “Ma nữ đến dụ hoặc mà con vẫn giữ giới hạnh, há không phải là điều hi hữu hay sao?”, Phật nói: “Người ở trong cảnh giàu sang mà có thể thọ trì cấm giới, xa lìa tà dục thì đối với thế gian đây là hi hữu”, Phật do nhân duyên này nói kệ:

“Nếu người địa vị cao,
Sám tạ kẻ thấp hèn,
Hoặc là ít tiền của,
Có chi đều cho nấy,
Dù gặp phải nạn chết,
Không sanh tâm khi dối,
Giàu có bỏ dục tà,
Cả bốn đều hy hữu”.

Lúc đó Thiện dữ, Giới thắng và Thái tử Ca-la cùng đến trước Phật hỏi nghĩa sâu xa, Phật tùy việc như lý trả lời; vua Thắng quang không lãnh hội được nên đảnh lễ Phật rồi ra về. Về đến trong cung ngồi chống cằm với vẻ lo buồn, phu nhơn Thắng man thấy vậy liền hỏi nguyên do, vua đem việc trên kể lại, phu nhơn nói: “Đó là do vua ít nghe nên không hiểu, khi nào rảnh rỗi việc nước nhà vua nên đọc kinh Phật”, vua nói: “Nay ta tuổi già không thể đọc tụng, việc nước lại nhiều không rảnh nghiên cứu kinh Phật; nêu phu nhơn Thắng man và phu nhơn Hành vũ đọc kinh Phật ban đêm thì ta sẽ nghe và thọ văn nghĩa”. Phu nhơn Thắng man nhân dịp đó liền tâu: “Thiếp sanh ở nước Kiều-tát-la, thánh giả Ô-đà-di cũng sanh ở nước ấy, thiếp sẽ đến chỗ Thánh giả để thọ kinh”; phu nhơn Hành vũ cũng tâu: “Thiếp sanh ở nước Ma-kiệt-đà, thánh giả Xá-lợi-tử cũng sanh ở nước ấy, thiếp sẽ đến chỗ thánh giả để đọc tụng”, vua nói: “Cứ theo ý muốn của hai người”. Sau đó vua Thắng quang đến chỗ tôn giả Xá-lợi-tử đảnh lễ rồi bạch rằng: “Phu nhơn Hành vũ muốn thọ kinh pháp nơi tôn giả, xin tôn giả từ bi giáo thọ”, Xá-lợi-tử nói: “Để tôi đến bạch Phật”, tôn giả liền đến bạch Phật, Phật nói nên làm, tôn giả trở lại nói cho vua biết là Phật đã cho phép. Kế đó nhà vua đến chỗ cụ thọ Ô-đà-di cũng bạch như trên… giống như đoạn văn trên cho đến câu Phật đã cho phép. Vua được hai tôn giả nhận lời rồi liền trở về báo cho hai phu nhơn biết, từ đó hai tôn giả hằng ngày vào trong cung giáo thọ hai phu nhơn.

Thời gian sau biên cương nước của vua Thắng quang phản nghịch, vua sai tướng soái cầm binh đánh dẹp nhưng đều bị bại trở về như thế đến bảy lần, vua liền suy nghĩ: “Ta phải thân chinh đánh dẹp”, nghĩ rồi vua liền nghiêm chỉnh bốn binh, ngay trong đêm đó xuất binh. Tôn giả Xá-lợi-tử khéo biết thời nghi còn Ô-đà-di thì không, ban đêm nghe tiếng binh mã liền giật mình thức giấc, tưởng là trời sáng liền vào trong cung, cung nữ vào báo phu nhơn, phu nhơn vội mặc áo sa mỏng ra nghinh đón, Ô-đà-di thấy phu nhơn y phục hở hang nên nhìn chăm chăm, phu nhơn cảm thấy xấu hổ nên vội trở vào trong mặc lại y phục khác rồi mới trở ra thọ học. Cung nhơn thấy vậy liền cùng bàn tán: “Tuy vua tín kính nhưng tình không có gián cách, Bí-sô không biết thời nghi, trời chưa sáng đã đến; nhà vua chưa cất vật báu va các loại báu khác liền vào trong cung”, Ô-đà-di giáo thọ xong thì trời sáng, sau đó phu nhơn sớt thức ăn đầy bát cho Ô-đà-di, Ô-đà-di nhận bát thức ăn chú nguyện cho thí chủ rồi ra về. Ra đến cửa cung gặp tôn giả Xá-lợi-tử vừa vào đến liền nói: “Trời vừa tờ mờ sáng tôi đã đến trong cung giáo thọ xong và nhận thức ăn mang về, tôn giả bây giờ mới đến không phải là quá trễ hay sao”, tôn giả nói: “Cụ thọ hãy ra về, Phật sẽ duyên việc này mà chế học xứ”. Sau đó các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật do nhân duyên này bảo các Bí-sô: “Người vào trong cung vua có mười lỗi:

Một là khi vua cùng phu nhơn đang ở một chỗ, nếu Bí-sô đến phu nhơn liền cười thì vua sẽ nghi ngờ phu nhơn và Bí-sô đã làm việc xấu.

Hai là khi Bí-sô vào trong cung mà gặp lúc phu nhơn mang thai, vua ắt sẽ nghi ngờ Bí-sô cùng phu nhơn đã làm việc xấu nên mới có thai.

Ba là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc vua mất vật báu, vua sẽ nghi ngờ Bí-sô đã trộm lấy.

Bốn là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc việc cơ mật của vua bị tiết lộ ra ngoài, vua sẽ nghi ngờ là do Bí-sô tiết lộ.

Năm là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc vua đang giận thái tử mà thay đổi chức vị, thái tử sẽ nghi ngờ là do Bí-sô sàm tấu.

Sáu là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc thái tử bất nghĩa với vua cha, mọi người sẽ nghi ngờ là do Bí-sô hiểu dụ thái tử.

Bảy là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc đại thần mà vua quý trọng bị biếm truất, đại thần này sẽ nghi ngờ là do Bí-sô sám tấu.

Tám là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc các quan ở phậm trật thấp được vua cất nhấc lên thì mọi người sẽ nghi ngờ là do Bí-sô tiến cử.

Chín là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc vua thường đi chinh phạt, mọi người sẽ nghi ngờ là do Bí-sô luận thuyết.

Mười là khi Bí-sô vào trong cung gặp lúc vua thắng trận trở về mà quên không ban thưởng cho binh sĩ, mọi người sẽ nghi ngờ là do Bí-sô thuyết phục vua.

Do nhân duyên này nên các Bí-sô không được vội vào trong cung hoặc làm cho bốn binh không an là điều Bí-sô không nên làm”.

Nhiếp Tụng:
Phu nhơn cười, thai, báu,
Tiết lộ, giận thái tử,
Tổn, vua truất, tiến cử,
Thường chinh phạt, đoạt tài.

Lúc đó Phật chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô mặt trời chưa mọc, vua dòng Sát-đế-lợi quán đảnh chưa cất vật báu và các loại báu mà vào trong cửa cung vua, trừ duyên khác, phạm Ba-dật-để-ca.
Lúc đó Phật ở trong Trúc lâm thành Vương xá bảo các Bí-sô: Trong châu Thiệm bộ có hai đại thành lẫn nhau có thạnh suy là Hoa-tử và Thắng-âm, khi thành Hoa-tử thạnh thì thành Thắng-âm suy, ngược lại khi thành Hoa-tử suy thì thành Thắng-âm thạnh. Lúc thành Thắngâm đang thạnh, có vị vua tên là Tiên-đạo dùng chánh pháp trị nước khiến nước được giàu đẹp, dân chúng an vui…, phu nhơn của vua tên là Nguyệt-quang dung mạo đoan chánh được mọi người yêu kính, thái tử tên là Đảnh-kế hai đại thần của vua tên là Lợi-ích và Trừ-hoạn. Lúc đó ở thành Vương xá nước Ma-kiệt-đà có vua tên là Ảnh-thắng cũng dùng chánh pháp trị nước an dân, phu nhân tên Thắng thân là tuyệt sắc giai nhân, thái tử tên là Vị-sanh-oán, đại thần tên là Hành vũ thuộc quý tộc của chủng tộc đại Bà-la-môn. Lúc đó vua Tiên-đạo ở thành Thắng-âm triệu tập thần dân hỏi rằng: “Có nước nào khác hưng thạnh an lạc như nước của ta chăng?”, trong chúng hội có một người buôn bán ở nước Ma-kiệt-đà nói rằng: “Đại vương, ở phương Đông có thành Vương xá thuộc nước Ma-kiệt-đà, vua tên là Ảnh-thắng, nước này cũng hưng thạnh và an lạc như nước của đại vương”. Vua nghe rồi sanh tâm ái niệm đối với vua Ảnh-thắng liền hỏi đại thần: “Trong nước kia không có thứ gì?”, đáp là không có vật báu, vua liền cho gọi chuyên gia vật báu đến chọn lấy vật báu quý nhất, đựng trong hòm vàng cùng sắc thư rồi sai sứ mang đến nước Ma-kiệt-đà đưa cho vua Ảnh-thắng và nói rằng: “Từ nay nhà vua hãy cùng vua Tiên-đạo kết giao thân hữu, nếu nhà vua cần gì vua Tiên-đạo sẽ giúp đỡ”. Sứ giả tuân lịnh vua đến trong thành Vương xá gặp vua Ảnh-thắng dâng sắc thư và bạch lại lời của vua Tiên-đạo, vua Ảnh-thắng xem sắc thư xong liền hỏi các đại thần: “Trong nước kia không có thứ gì?”, đáp là không có điệp tốt, vua liền bảo đại thần chọn thứ điệp thượng hảo đựng trong rương vàng rồi sai sứ mang đến trong thành Thắng-âm đưa cho vua Tiên-đạo cùng với sắc thư, trong đó nói rằng: “Đã xem thư của đại vương và nhận được trân bảo của quý quốc, rất tiếc là chưa được gặp mặt để bày tỏ chân tình, nếu nước của đại vương cần gì tôi sẽ giúp đỡ”. Lúc đó vua Tiênđạo xem thư xong rất hoan hỉ hỏi sứ giả về hình dáng và tánh hạnh của vua Ảnh-thắng, sứ giả tâu: “Vua Ảnh-thắng tướng mạo cao lớn như đại vương, dõng mãnh thích đích thân cầm quân chinh chiến”, vua Tiênđạo bảo thợ giỏi nhất dự theo kích cỡ của vua Ảnh-thắng may một áo giáp có năm đức: Một là khi trời nóng bức mặc vào thấy mát lạnh, hai là dao đâm không thủng, ba là tên bắn không xuyên qua được, bốn là khéo tránh các độc, năm là có thể phát sáng. Sau đó gởi áo giáp này cùng sắc thư cho vua Ảnh-thắng, trong thư nói: “Nay tôi tăng vua áo giáp có năm đức, nếu nhớ nghĩ đến tôi thì đại vương hãy mặc chớ có cho ai”, vua Ảnh-thắng xem thư xong rồi ngắm áo giáp, tâm sanh hy hữu liền gọi chuyên gia vật báu định giá trị của áo giáp, người này xem xét xong tâu rằng: “Áo giáp này quả là vô giá, nếu tính giá trị thì có thể là mười ức kim tiền”, vua nghe rồi liền suy nghĩ: “Người bạn phương xa tăng cho ta áo giáp vô giá, trong nước ta lại không có thứ gì sánh ngang bằng thì làm sao đáp trả”. Lúc đó đại thần Hành vũ thấy nhà vua ngồi chống cằm lo nghĩ liền hỏi nguyên do, vua nói rõ nổi lo nghĩ của mình, đại thần nghe rồi liền nói: “Xin vua chớ lo nghĩ, trong nước ta có một tặng vật rất tốt, đó chính là Phật Thế tôn được tất cả hữu tình tôn kính, mười thế giới đều không ai sánh bằng”, vua nói: “Tặng như thế nào”, đại thần nói: “Hãy vẽ tượng Phật trên một loại điệp thượng hạng rối sai sứ mang đến tặng”, vua nói: “Để ta bạch Phật, Phật dạy như thế nào ta phụng hành theo như thế ấy”. vua Ảnh-thắng liền đến chỗ Phật đem sự việc trên bạch Phật, Phật nói: “Lành thay diệu ý, đại vương nên vẽ, cách vẽ như sau: Nên vẽ chơn dung, dưới chơn dung viết Tam quy đầy đủ là từ nay đến trọn đời quy y Phật đà, lưỡng túc trung tôn; quy y Đạtma, ly dục trung tôn; quy y Tăng già, chư chúng trung tôn. Kế viết năm học xứ đầy đủ là không sát sanh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối và không uống các loại rượu. Kế viết mười hai duyên sanh lưu chuyển và hoàn diệt đầy đủ là do pháp này có nên pháp kia có, do pháp này sanh nên pháp kia sanh, từ vô minh duyên hành cho đến sanh lão tử; do pháp này không nên pháp kia không, do pháp này diệt nên pháp kia diệt, từ vô minh diệt cho đến sanh lão tử diệt. Hai bên chơn dung viết hai kệ tụng:

Người nên cầu xuất ly,
Siêng tu lời Phật dạy,
Hàng phục quân sanh tử,
Như voi xô nhà cỏ,
Ở trong pháp luật này,
Nên tu không phóng dật,
Khô được biển phiền não,
Dứt hết bờ mé khổ.

Vẽ xong trao cho sứ giả và dặn rằng: Khi ông đem tượng vẽ này đến nước đó, hãy ở chỗ rỗng rãi treo cờ phướn và hương thơm rồi mới mở tượng ra, nếu vua có hỏi thì nên đáp đây là hình tượng của Thế tôn, người đã bỏ ngôi vị Chuyển luân vương mà thành bậc Chánh giác. Nếu lại hỏi hàng chữ dưới có nghĩ gì thì nên đáp Quy y Tam bảo là nhơn xuất ly; nếu lại hỏi hàng chữ kế có nghĩa gì thì nên đáp đây là lời dạy thọ trì năm giới để được sanh thiên; nếu lại hỏi hàng chữ kế nghĩa gì thì nên đáp đây là mười hai duyên sanh nói rõ đạo lý nhơn quả luân chuyển và hoàn diệt của năm Đường trong ba cõi; nếu lại hỏi hai bài kệ có nghĩa gì thì nên đáp đây là kệ khuyên các hữu tình nên nương theo lời dạy tu hành có thể hướng đến bồ đề”.

Vua Ảnh-thắng đảnh lễ Phật rồi ra về, y theo lời Phật dạy cho vẽ chơn dung và ghi đầy đủ những lời Phật dạy, dùng hương thơm ướp tôn tượng, cuốn lại để trong hòm vàng, đem hòm vàng để trong hòm bạc, kế đem hòm bạc để trong hòm đồng rồi dùng hương điệp thượng diệu gói kín hòm đồng chở trên hương tượng đưa đến thành Thắng-âm cùng với sắc thư, trong thư nói rằng: “Vua tặng cho tôi bảo giáp hiếm có trên đời, nay tôi họa tượng Thế tôn là bậc tối tôn trong ba cõi sai sứ mang đến, kính mong đại vương đích thân cúng dường. Cách Vương thành hai trạm rưỡi, vua nên cho sửa sang đường sá trang nghiệm, đích thân thống lãnh bốn binh với cờ phướn và lọng báu nghinh đón tôn tượng”. Vua Tiên-đạo xem thư xong liền nổi giận bảo các đại thần: “Vua nước Makiệt-đà khiunh thường ta, ta phải nghiêm chỉnh bốn binh đến chinh phạt nước Ma-kiệt-đà”, đại thần tâu vua: “Vua nước ấy không thể dùng quốc tín tùy tiện khinh thường xúc phạm đại vương, đại vương hãy làm theo như lời trong thư đến quan sát, nếu xứng ý đại vương thì tốt, nếu không xứng ý thì khởi binh cũng chưa muộn”. Vua nghe rồi liến bảo các đại thần làm theo như trong thư đã nói, khi đến nơi nghinh đón tôn tượng, mở ra xem thì đoàn thương nhơn của nước trung phường đều chắp tay đồng xướng lên câu nam mô Phật đà. Vua nhìn thấy tôn nghi lại nghe xưng hiệu Phật đà, lông trên thân đều dựng đứng liền hỏi: “Danh hiệu Phật đà phát xuất từ đâu?”, thương chủ nói: “Đại vương, ở nước trung phương có thành tên là Kiếp-tỳ-la bạc tốt đổ, vua tên là Tịnh phạn sanh một thái tử có đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp. Thầy tướng xem tướng thái tử nói thái tử nếu ở tại gia sẽ làm Chuyển luân thánh vương, bảy báu đầy đủ, có một ngàn người con, hàng phục bốn châu dùng pháp cai trị; nếu xuất gia sẽ chứng quả Vô thượng Ứng chánh đẳng giác, người trời gọi là Phật đà. Đây là chơn dung của Phật”, nhà vua lại hỏi hàng chữ phía dưới có nghĩa gì… lại hỏi câu kế nghĩa là gì… giống như đoạn văn trên, cho đến câu vua Tiên-đạo nghe thương chủ nói về đạo lý sanh diệt của mười hai duyên sanh, vua nhớ kỹ rồi trở về cung, đầu đêm y theo văn nghĩa suy nghĩ, cuối đêm xả hết các duyên, đến trời sáng ngồi kiết già đoan thân chánh niệm, hệ ý hiện tiền quán đạo lý sanh diệt của mười hai duyên sanh: Do pháp này có nên pháp kia có, do pháp này sanh nên pháp kia sanh… cho đến sanh duyên lão tử, ưu bi khổ não, như thế thuần đại khổ uẩn tích tập sanh khởi. Do pháp này không nên pháp kia không, do pháp này diệt nên pháp kia diệt… cho đến sanh diệt thì lão tử, ưu bi khổ não đều diệt, như thế thuần đại khổ uẩn tích tập đều diệt. Lúc đó vua Tiên-đạo thấu rõ đạo lý duyên sanh rồi ngay nơi chỗ ngồi được Kiến đế chứng quả dự lưu, vua vui mừng liền nói kệ tụng:

“Kính lễ Đại y vương,
Khéo trị lành tâm bịnh,
Thế tôn tuy ở xa,
Vẫn khiến mắt huệ sáng”.

Vua liền viết thư cho vua Ảnh-thắng, trong thư nói: “Tôi nhờ ân đại vương biết có Tam bảo, ngộ được lý duyên sanh, đã được Kiến đế, biển khổ chìm đắm có thể hy vọng ra khỏi, tôi vui mừng biết bao. Tôi rất muốn được gặp Bí-sô, xin vua làm cách nào cho họ đến nước tôi”, vua Ảnh-thắng xem thư xong liền đến chỗ Phật đảnh lễ rồi đem nội dung bức thư trên bạch Phật rồi nói: “Cúi xin Thế tôn từ bi phái Bí-sô đến nước đó”. Lúc đó Thế tôn suy nghĩ: “Ai có nhân duyên với dân chúng thành kia, đến đó giáo hóa được nhiều”, liền quán biết thánh giả Ca-đa-diễn-na có nhân duyên giáo hóa nên bảo thánh giả đi đến thành

Thắng-âm giáo hóa vua Tiên-đạo cùng quyến thuộc và dân chúng nơi ấy. Thánh giả vâng lời Phật dạy sáng hôm sau sau khi thọ thực xong liền dẫn năm trăm Bí-sô đi đến thành Thắng-âm. Vua Ảnh-thắng liền viết thư báo cho vua Tiên-đạo biết, trong thư nói rằng: “Do đại vương muốn gặp Bí-sô nên Phật đã sai Thánh giả Ca-đa-diễn-na cùng năm trăm Bí-sô đến, đại vương nên ân cần nghinh đón tưởng đồng như Đại sư; ở trong thành nơi chỗ yên tĩnh nên xây cất một ngôi chùa có năm trăm phòng, ngọa cụ đầy đủ, thức ăn và những thứ cần dùng nhà vua nên lo liệu trước …”, vua Tiên-đạo xem thư rồi liền làm theo như trong thư đã nói ra nghinh đón các Bí-sô vào thành, thiết lập đạo tràng thỉnh Bí-sô an tọa, lúc đó có vô lượng trăm ngàn đại chúng vân tập, thánh giả Ca-đa-diễn-na tùy cơ duyên của quần chúng mà nói pháp yếu khiến đại chúng đều được lợi hỉ hoặc chứng quả dự lưu… cho đến phát tâm thú hướng đại thừa. Trong thành Thắng-âm có hai trưởng giả Để-sái và Bổ-sái đến chỗ thánh giả bạch rằng: “Thánh giả, nay con muốn xuất gia trong pháp luật khéo thuyết giảng, ở chỗ thánh giả tu phạm hạnh”, thánh giả quán biết tâm của họ đã thuần thục bèn cho xuất gia và thọ viên cụ, rồi quán căn khí của họ mà nói pháp yếu, cả hai nghe pháp rồi ngày đêm tư duy quán chiếu không biết mõi mệt, đoạn trừ tất cả hoặc chứng quả A-la-hán. Lúc đó cả hai liền bay lên hư không hiện các thần biến như thân tuôn ra nước lửa… rồi nhập Vô dư Niết-bàn, thân tộc của họ hỏa thiêu rồi thu lấy xá lợi xây tháp cúng dường. Lúc đó vua Tiênđạo hằng ngày đến chỗ Thánh giả nghe pháp yếu rồi trở về cung bảo các cung nhơn nên đi nghe pháp, các cung nhơn nói: “nội nhơn chúng tôi không thể ra ngoài, nếu Thánh giả Ca-đa-diễn-na được vào trong cung nói pháp thì chúng tôi sẽ nghe”, vua nghe rồi liền đến chỗ Thánh giả đảnh lễ bạch rằng: “Các cung nhơn muốn được nghe pháp, cúi xin thánh giả từ bi tạm vào trong cung nói pháp để họ được toại nguyện”, thánh giả nói: “Đại vương, Thế tôn chế giới không cho Bí-sô vào trong cung nói pháp cho người nữ nghe”, vua liền hỏi ai có thể vào trong cung nói pháp cho người nữ, thánh giả nói là Bí-sô ni, vua Tiên-đạo nghe rồi liền viết thư cho vua Ảnh-thắng, trong thư nói: “Các cung nhơn muốn được nghe pháp, vua hãy làm cách nào thỉnh các Bí-sô ni đến nước tôi”, vua Ảnh-thắng xem thư xong liền đến bạch Phật, Phật nghe rồi liền suy nghĩ: “Bí-sô ni nào có nhân duyên với các cung nhơn trong thành kia, có thể giáo hóa họ được giải thoát”, liền quán biết Bí-sô ni Thế-la có nhân duyên nên bảo Bí-sô ni Thế-la đi đến thành Thắng-âm. Bí-sô ni Thế-la vâng lời Phật dạy sáng hôm sau cùng năm trăm Bí-sô ni đi đến thành Thắng-âm, vua Ảnh-thắng cũng như trước viết thư báo cho vua Tiên-đạo biết ra nghinh đón và xây cất chùa ni có năm trăm phòng, thiết lập đạo tràng cho ni thuyết pháp khiến người nghe được ngộ giải, phát tâm bồ đề, từ đó Bí-sô ni hằng ngày vào trong cung thuyết pháp cho các phi hậu nghe.

Vua Tiên-đạo giỏi về đàn tranh, phu nhơn Nguyệt-quang giỏi múa hát, vua từng tự tay đàn cho phu nhơn múa, một hôm lúc phu nhơn đang múa vua thấy phu nhơn có tướng vô thường, đến ngày thứ bảy ắt sẽ mạng chung, vua thấy rồi liền sanh ưu não khiến cây đàn rơi xuống đất, Nguyệt-quang liền hỏi nguyên do, vua nói: “Ta thấy nàng có tướng chết xuất hiện nội trong bảy ngày sẽ chết nên ưu sầu”, Nguyệt-quang bạch vua: “Nếu như vậy thì xin đại vương phóng xả cho thiếp xuất gia”, vua nói: “Chúng ta cùng lập lời ước hẹn, ta sẽ để nàng được toại ý. Nếu sau khi xuất gia đoạn được phiền não chứng quả A-la-hán thì ta không còn trông mong gì; nhưng nếu nàng vẫn còn kiết hoặc mà mạng chung, nàng sanh vào cõi nào cũng phải về báo cho ta biết”, Nguyệt-quang đồng ý, vua Tiên-đạo liền dẫn phu nhơn đến chỗ Bí-sô ni Thế-la bạch rằng: “Thánh giả, phu nhơn Nguyệt-quang muốn xuất gia trong pháp luật khéo thuyết giảng, xin Thanh giả thương xót thu nhận”, Thế-la nói: “Lành thay đại vương”, nói rồi liền cho Nguyệt-quang xuất gia và thọ viên cụ. Thế-la biết Nguyệt-quang sắp mạng chung nên dạy Nguyệtquang tu pháp quán vô thường, Nguyệt-quang vâng theo lời dạy hành trì, đến ngày thứ bảy mạng chung sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng. Thường pháp của chư thiện là khi mới sanh lên cõi trời thường quán ba điều: Từ cõi nào chết, hiện sanh vào cõi nào và đã từng làm nghiệp gì. Lúc đó Nguyệt-quang quán biết mình từ cõi người chết, hiện sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng và đã ở trong Phật giáo tịnh tu phạm hạnh. Quán biết rồi Thiên nữ liền lấy chuỗi anh lạc trang nghiêm thân và hoa trời thượng diệu đi đến chỗ Thế tôn kính lễ và cúng dường. Đêm đó Thiên nữ đến chỗ Phật, ánh sáng chiếu khắp Trúc lâm rải hoa cúng dường, đảnh lễ Phật rồi ngồi một bên nghe Phật thuyết pháp, Phật quán căn cơ của Thiên nữ nói pháp khiến chứng quả Dự lưu, Nguyệt-quang liền nói kệ:

“Thế giới nhơn thiên đều cúng dường,
Hay trừ nghiệp hoặc, sanh lão tử,
Trong trăm ngàn đời khó được gặp,
Nay con được gặp thật hy hữu,
Con nương Đại sư trừ kiết hoặc,
Con nay đã được nhãn thanh tịnh,
Vượt qua biển khổ lên bờ kia,
Vào được thành cứu cánh Niết-bàn”.

Sau đó Thiên nữ đến chỗ vua Tiên-đạo ở thành Thắng-âm, vua đang ngủ trên lầu cao, Thiên nữ khảy móng tay đánh thức vua dậy, vua thấy Thiên nữ thân quang chiếu sáng nên sợ hãi hỏi là ai, Thiên nữ nói: “tôi là Nguyệt-quang”, vua bảo Thiên nữ đến cùng nằm chung, Thiên nữ nói: “Đại vương, nay tôi được sanh lên cõi trời Tứ đại vương chúng, cõi trời và cõi người khác nhau không thể ngủ chung. Nếu vua muốn cùng ở chung thì nên xuất gia, nếu vua đoạn trừ hết kiết hoặc thì tôi không còn hy vọng, nhưng nếu vua còn kiết hoặc sau khi mạng chúng sẽ sanh lên cõi trời Tứ vương thiên, chúng ta sẽ gặp nhau”. Thiên nữ nói rồi liền trở về thiên cung, vua nghe rồi buồn vui xen lẫn nên suốt đêm không ngủ, nghĩ đến lời Thiên nữ nói liền muốn xuất gia. Vua suy nghĩ: “Ta hãy lập thái tử Đảnh-kế lên ngôi, giao phó việc nước rồi xuất gia”, nghĩ rồi liền triệu hai đại thần đến nói rằng: “Hai khanh nên biết, ta đối với Đảnh-kế tình thâm, đối với hai khanh nghĩa nặng, nay ta muốn xuất gia nhường ngôi cho Đảnh kế, hai khanh nên khuyên làm điều thiện, ngăn làm điều ác”. Hai đại thần nghe rồi đều rơi lệ, vua bảo Đảnh kế: Trước nay con đếu nghe theo lời ta dạy, nay con nên nghe theo lời khuyên nhắc của hai đại thần dùng pháp trị nước, ta muốn bỏ tục xuất gia”, thái tử nghe rồi liền khóc, vua Tiên-đạo dặn dò xong mọi việc liền phổ cáo khắp trong dân chúng biết, dân chúng nghe phổ cáo rồi nghĩ đến ân đức của vua đều buồn khóc. Sau khi lập thái tử lên ngôi, vua thiết hội vô già thí cho sa môn, Bà-la-môn và những người nghèo khổ rồi cùng một thị giả đi bộ đến thành Vương xá. Sau khi đến thành Vương xá trụ trong một khu vườn tạm nghỉ rồi bảo thị giả đến chỗ vua Ảnh-thắng báo cho vua biết, vua Ảnh-thắng nghe rồi liền suy nghĩ: “Vua Tiên-đạo là vua dòng Sátđế-lợi quán đảnh, ta không nên để vua một mình vào thành, nên nghinh đón nhà vua đúng theo nghi thức”, nghĩ rồi vua cho sửa sang đường sá đích thân dẫn bốn binh đến nghinh đón vua Tiên-đạo, hai vua cùng ngồi trên một thớt voi vào thành Vương xá. Sau khi vua Tiên-đạo tắm rửa và ăn uống xong, vua Ảnh-thắng liền hỏi nguyên do, vua Tiên-đạo nói: “Tôi muốn đến chỗ Phật cầu xuất gia và thọ viên cụ, tịnh tu phạm hạnh, chí cầu giải thoát”, vua Ảnh-thắng nghe rồi liền nghiêng mình chắp tay nói: “Lành thay Phật đà, lành thay Đạt-ma, lành thay Tăng già! có đại oai lực và đại từ bi đã khiến cho vua dòng Sát-đế-lợi quán đảnh từ bỏ ngôi vị thù thắng đến chỗ Phật cầu xuất gia, thọ viên cụ tu hạnh Bí-sô”. Lúc đó vua Ảnh-thắng dẫn vua Tiên-đạo đến chỗ Phật, Phật đang nói pháp cho vô lượng trăm ngàn tứ chúng, vua Ảnh-thắng cùng vua Tiên-đạo đến đảnh lễ Phật rồi đứng một bên, vua Ảnh-thắng bạch Phật: “Thế tôn, đây là vua Tiên-đạo ở thành Thắng-âm đi bộ đến đây, muốn xuất gia trong pháp luật khéo thuyết giảng của Như lai và thọ viên cụ tu hạnh Bí-sô. Cúi xin Thế tôn từ bi thu nhận”, Phật liền nói: “Thiện lại Bí-sô, hãy tu phạm hạnh”, nói vừa dứt lời trên thân nhà vua râu tóc tự rụng, pháp phục che thân với bát trên tay, oai nghi tấn chỉ như Bí-so một trăm tuổi, từ đây Bí-sô Tiên-đạo nương ở trong chúng tu phạm hạnh. Một sáng nọ, Bí-sô Tiên-đạo vào thành khất thực, các sĩ nữ nghe biết đều đến chiêm ngưỡng, sau khi được thức ăn rồi trở về bổn xứ thọ thực, lúc đó các quan tả hữu của vua Ảnh-thắng cùng đến chỗ Bí-sô Tiên-đạo kính lễ và nói kệ:

“Đại vương thành Thắng-âm,
Bỏ trăm ngàn thành ấp,
Nay xin thức ăn thừa,
Há không khổ nhọc ư?
Trước dùng mâm vàng ròng,
Trang nghiêm bằng các báu,
Nay chỉ mang bát sứ,
Há không khổ nhọc ư?
Trước ăn gạo trắng thơm,
Món ngon tùy sở thích,
Nay ăn thức ăn thô,
Há không khổ nhọc ư?
Trước mặc vải Ca thi,
Diệu điệp và lụa là,
Nay mặc y phấn tảo,
Há không khổ nhọc ư?
Trước ở cung điện đẹp,
Có rất nhiều thị vệ,
Nay một mình dưới cây,
Há không khổ nhọc ư?
Trước nằm giường nệm sang,
Mềm mại tùy tình muốn,
Nay nằm phu cụ cỏ,
Há không khổ nhọc ư?
Trước cùng Hậu trong cung,
Hoan lạc tùy tâm muốn,
Nay ngủ nghỉ một mình,
Há không khổ nhọc ư?
Trước cỡi voi vô giá,
Ngựa báu và xe vàng,
Nay chân không đi bộ,
Há không khổ nhọc ư?
Xưa kho tàng đầy ắp,
Thọ dụng tùy ý muốn,
Nay không có gì cả,
Há không khổ nhọc ư?”.

Bí-sô Tiên-đạo nghe rồi nói kệ:

“Những việc khó điều phục,
Tôi đều đã điều phục,
Khất thực để nuôi thân,
Như bò mang ách xe”.

Vua Ảnh-thắng nói kệ:

“Nay ngài có ý gì,
Nói lời ưu sầu này,
Trong tâm ngài muốn gì,
Tôi thảy đều cung cấp”.

Bí-sô Tiên-đạo nói:

“Những người ưa thích pháp,
Tâm không có lưu luyến,
Nếu người không biết pháp,
Từ tối vào nơi tối.
Đại vương nên nghe kỹ,
Nay tôi nói chánh pháp,
Do hiểu được chánh pháp,
Sanh thiên, được Niết-bàn.
Thân này không đáng yêu,
Có một đức nên biết,
Trụ cảnh khéo điều phục,
Tùy tâm liền được an.
Cho dù sống trăm năm,
Mạng sống rồi cũng hết,
Tại sao vì vợ con,
Mãi tham ăn đắm của.
Vợ con như oan gia,
Của báu thường sợ mất,
Nay tôi đều xả bỏ,
Giải thoát các ưu não,
Mạng người khi sắp hết,
Chú dược không cứu được,
Các Thánh và thần tiên,
Không ai chống cự được.
Tuy trời có oai lực,
Cõi đẹp, tuổi thọ cao,
Khi tướng suy hiện tiền,
Phải chết không cứu được.
Các vua được tự tại,
Có oai lực vô địch,
Tiếng tăm, vật báu nhiều,
Cuối cùng cũng phải chết.
Dù có tu khổ hạnh,
Dũng mãnh hơn mọi người,
Dù nhiều binh chúng mạnh,
Há thoát khỏi khổ chết?
Chẳng phải trong biển, hư không,
Cũng chẳng phải giữa núi đá,
Hoặc ở bất cứ chỗ nào,
Lại không bị thần chết hại.
Chẳng phải trong biển, hư không,
Cũng chẳng phải giữa núi đá,
Hoặc ở bất cứ chỗ nào,
Lại không bị nghiệp lực hại.
Chết rồi thân sình trướng,
Da thịt rã dần dần,
Chỉ còn bộ xương trắng,
Có gì là đáng yêu,
Bộ xương dần tiêu tán,
Còn lại đầu lâu rỗng,
Hình sắc rất đáng sợ,
Còn gì yêu thích nữa.
Xứ nóng ở cung mát,
Nếu lạnh ở nhà ấm,
Thường giữ gìn thân mạng,
Vẫn không tránh được chết.
Nếu ai làm điều thiện,
Sẽ thọ quả báo thiện,
Vua quan không xâm hại,
Cho nên siêng tu phước.
Làm mười ác chết rồi,
Vợ con đều không khóc,
Việc tống táng tùy nghi,
Gọi đó là ác chết.
Làm mười thiện chết rồi,
Vợ con đều nhớ nghĩ,
Tống táng đều như pháp,
Gọi đó là thiện chết.
Khi sanh một mình đến,
Khi chết một mình đi,
Tự mình chịu khổ vui,
Không ai cùng chia sớt.
Khi thần chết tới bắt,
Cha con không cứu được,
Thân thuộc và châu báu,
Không thể chuộc mạng được.
Sanh già và bịnh chết,
Ngày đêm thường truy đuổi,
Không thể trốn tránh được,
Cuối cùng vua chết kéo.
Người trí thấy điều này,
Buông xả cầu xuất gia,
Xa lìa biển phiền não,
Không còn thọ bào thai.
Tôi bỏ các oán khổ,
Được thành tánh Bí-sô,
Ra khỏi ngục sanh tử,
Thú hướng thành Niết-bàn”.

Vua Ảnh-thắng nghe Bí-sô Tiên-đạo nói diệu pháp rồi cung kính bạch rằng: “Thánh giả, đường dài sanh tử khó thoát ly, tôi ở vương vị cùng nếp sống tịch tĩnh trái nhau, chỉ có tùy hỉ, chưa thể thoát khỏi ràng buộc”, nói rồi kính lễ cáo từ ra về.