CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 47

Học Xứ Thứ Tám Mươi Hai: VÀO CỬA CUNG VUA (Tiếp Theo)

Phật ở trong Trúc lâm thành Vương xá, lúc đó có một tráng sĩ sức địch cả ngàn người từ phương Nam đến gặp vua Ảnh-thắng, tự xưng mình là dũng kiện vô song; vua nghe rồi hoan hỉ phong chức vị đại tướng và ban nhiều bổng lộc. Lúc đó ở giữa hai nước Ma-kiệt-đà và nước Kiều-tát-la ở chỗ đồng hoang rộng lớn có bọn cướp năm trăm người thường giết hại thương khách nên ít ai dám đi ngang qua nơi đây. Vua Ảnh-thắng liền ra lịnh đại tướng dẫn binh đến đó dẹp giặc cướp, đại tướng vâng lịnh vua dẫn binh đến đó, vừa thấy bọn cướp liền một mình bắn tên giết chết một trăm tên cướp rồi bảo những tên cướp còn lại: “Các ngươi hãy buông vũ khí xuống và hãy nhìn xem những kẻ vừa bị tên bắn có ai còn sống không”, bọn cướp nghe rồi đến xem thì thấy những người bị tên bắn đều đã chết, biết vị đại tướng này giỏi về xạ pháp nên không dám đánh nữa, cùng xin đầu hàng để được sống. Đại tướng thương xót cho xây một thành mới nơi ranh giới giữa hai nước cho những tên cướp này ở, không làm kẻ cướp nữa, được gọi là thành Khoáng dã. Vì thế họ nhớ ơn và cùng lập quy chế: Nếu có tiệc cưới hỏi thì phải mời đại tướng ăn trước, họ ăn sau. Lúc đó có một người nhà nghèo cưới vợ nhưng không có đủ tiền làm tiệc chiêu đãi, người ấy suy nghĩ: “Ta nghèo không đủ tiền làm tiệc, không thể mời đại tướng ăn trước, ta nên đem vợ mới cưới này dâng cho đại tướng trước rồi về với ta sau”, nghĩ rồi liền bảo người vợ mới cưới đến nhà đại tướng trước rồi mới về nhà mình, từ đó về sau người trong thành đều làm theo như thế. Sau đó có một người nữ sắp lấy chồng liền suy nghĩ: “Người trong thành này từ lâu nay đã làm việc phi pháp, tự đem vợ đẹp của mình hiến dâng cho người hưởng trước, ta nên làm cách gì để chấm dứt việc làm phi pháp này”, nghĩ rồi người con gái này vào giữa ban ngày ở chỗ đông người cởi quần tiểu tiện, mọi người thấy rồi đều chê trách là không biết xấu hổ, người con gái này nói: “Đối với trượng phu có thể có xấu hổ, chứ đối với phụ nữ có gì là xấu hổ, vì nếu là trượng phu thì đâu có chuyện đem vợ mới cưới của mình đưa cho người hưởng trước”, mọi người nghe rồi cảm thấy xấu hổ liền cùng nhau bàn tính tìm cách giết đại tướng kia. Sau đó chờ khi đại tướng này vào trong ao tắm, họ đồng loạt cầm dao đâm chém giết chết đại tướng, đại tướng này lúc sắp chết liền suy nghĩ: “Do các ngươi tự ý làm quy chế, không phải là bổn ý của ta, ta vô tội mà bị chết oan”, nghĩ rồi liền phát tà nguyện: “Ta nguyện bỏ thân này thọ sanh làm Dược xoa bạo ác để ăn thịt hết nam nữ trong thành này”, nguyện xong thì chết, sau đó thọ sanh trong loài Dược xoa nương ở trong rừng Khoáng dã, do oán cừu đời trước nên gây não hại khiến cho nhiều người trong thành này bịnh chết. Người trong thành sau khi biết được nguyên do liền đến trong rừng sám tạ Dược xoa và giao ước hằng ngày luân phiên nạp một người cho dược xoa ăn thịt, hễ nhà ai đến phiên nạp mạng thì ngay trước cửa nhà có treo bảng báo, nhà đó tùy ý chọn một người hoặc chủ nhà hoặc cho con đến nạp mạng. Lúc đó đến phiên nhà của một trưởng giả nạp mạng, trưởng giả này nhờ khẩn cầu trăm thần miếu mới sanh được một trai nên khi nhìn thấy tấm bảng báo, người vợ liền thương khóc, trưởng giả nói: “Nghiệp thuộc như vậy biết phải làm sao, nàng không nên ưu sầu và sanh ái luyến, nên đem hài nhi nạp cho Dược xoa”, nói rồi liền bồng hài nhi đến để trong rừng nạp cho dược xoa rồi trở về nhà lên lầu cao khấn vái nói kệ:

“Linh kỳ đầy khắp trong thế gian,
Tự điều phục căn cứu chúng sanh,
Con vì hài nhi ai cầu khấn,
Xin đức từ bi cứu hộ con”.

Lúc đó Phật dùng Phật nhãn quán chiếu biết rõ mọi việc, thương xót tất cả nam nữ trong thành Khoáng dã và cũng biết họ đến lúc được hóa độ nên du hành đến thành Khoáng dã nói diệu pháp cho Dược xoa khiến nó sanh tịnh tín, thọ Tam quy và năm học xứ. Sau đó Dược xoa nói kệ thỉnh hỏi Phật:

“Sao gọi là tối thắng tài của trượng phu,
Tu hành thế nào làm lợi lạc chúng sanh,
Bậc nhất trong các mùi vị là vị gì,
Tối thắng trong các mạng sống là mạng gì?”

Phật đáp:

“Tín là tối thắng tài của trượng phu,
Pháp thiện thường tu, lợi lạc chúng sanh,
Trong các mùi vị, thật ngữ bậc nhất,
Trong các mạng sống, huệ là tối thắng”.

Dược xoa hỏi:

“Thế nào đủ của báu,
Thế nào có danh xưng,
Thế nào được người kính,
Thế nào thêm bạn lành?”.

Phật đáp:

“Ưa thí đủ của báu,
Trì giới có danh xưng,
Thật ngữ được người kính,
Không xẻn thêm bạn lành”.

Dược xoa hỏi:

“Do đâu thế gian sanh,
Do đâu được danh xưng,
Do đâu được thành lập,
Do đâu bị suy tổn?”.

Phật đáp:

“Thế gian do sáu loài sanh,
Cũng do sáu được danh xưng,
Cũng do sáu được thành lập,
Cũng do sáu bị suy tổn.”

Dược xoa hỏi:

“Làm sao lìa ngu si,
Ngày đêm không trói buộc,
Đối duyên gì không trụ,
Không sợ nơi hầm sâu?”.

Phật đáp:

“Định huệ lìa ngu si,
Xả chấp không trói buộc,
Đối cảnh duyên không trụ,
Trì giới khỏi hầm sâu”.

Dược xoa hỏi:

“Ai qua được bộc lưu,
Ai vượt qua biển cả,
Ai lìa được các khổ,
Ai được tâm thanh tịnh?”.

Phật đáp:

“Tín qua được bộc lưu,
Cẩn thận qua biển cả,
Tinh cần lìa các khổ,
Có huệ, tâm thanh tịnh.
Ngươi nay cần nên hỏi:
Sa môn, Bà-la-môn
Lìa thật ngữ, bố thí,
Còn có thắng pháp chăng?”.

Dược xoa đáp:

“Nay con cần gì hỏi,
Sa môn, Bà-la-môn
Thế tôn đại trí huệ,
Hay nói chơn diệu pháp,
Con từ nay về sau,
Đi khắp trong thế gian,
Thường kính lễ Thế tôn,
Và kính trọng chánh pháp,
Thế tôn đại từ bi,
Giáng lâm trú xưa con,
Nay con chắc chắn biết,
Sẽ dứt đường sanh tử”.

Lúc đó Dược xoa mang hài nhi dâng lên Thế tôn, Thế tôn nhận rồi trao lại cho cha mẹ của nó, nói kệ rằng:

“Tay Mật tích trao cho tôi,
Tay tôi trao lại cha mẹ,
Do tay truyền trao cho nhau,
Nên gọi tên Khoáng-dã-thủ”.

Do việc này nên hài nhi mang tên là Khoáng-dã-thủ, dần dần lớn khôn; lúc đó ở thành khoáng dã chưa có vua, mọi người cho là đồng tử Khoáng-dã-thủ có đại phước đức, được Thế tôn hộ niệm nên đồng lòng tôn lên làm vua. Về phía Bí-sô ni Thế-la từ thành Thắng-âm dẫn con gái của đại thần Trừ-hoạn tên là Cám-dung giao cho trưởng giả Diệu-âm nuôi nấng, đến tuổi trưởng thành, dung mạo đoan nghiêm được mọi người yêu mến. Lúc đó vua Ảnh-thắng nước Ma-kiệt-đà, vua Thắng quang nước Kiều-tát-la, vua Minh-thắng nước Kiều-thiểm-tỳ, các vị Lật-cô-tỳ ở thành Quảng-nghiêm cùng các quý tộc khác đều sai sứ mang tín vật đến nhà trưởng giả Diệu-âm hỏi cưới Cám-dung. Trưởng giả thấy việc này rồi liền suy nghĩ: “Người đến hỏi cưới Cámdung phần nhiều là quốc vương, nếu ta không chấp thuận sẽ sanh oán hận gây não hại cho ta”, nghĩ rồi liền bảo Cám-dung: “Tùy ý con lựa chọn”. Lúc đó sứ giả của các quốc vương quý tộc đều tụ tập trong vườn hoa của trưởng giả Diệu-âm, trưởng giả liền đem y phục thượng diệu và châu ngọc vô giá trang sức cho Cám-dung, cho ngồi trên đại tượng, tay cầm vòng hoa đến trong vườn hoa, dặn Cám-dung rằng: “Nếu con muốn lấy ai làm chồng thì quăng vòng hoa này vào người họ”. Cámdung đến chỗ mọi người đang tụ tập hỏi rằng: “Sứ của vua Khoáng-dãthủ hiện ở đâu?”, mọi người chỉ rồi, Cám-dung liền quăng vòng hoa tới phía đó và nói rằng: “Đồng tử được Phật nhận từ tay của dược xoa sẽ là chồng tôi”, mọi người nghe rồi đều giải tán. Sau đó trưởng giả đem y phục thượng diệu trang sức cho Cám-dung rồi dùng voi ngựa khỏe đẹp chở châu báu, anh lạc với nhiều người hầu tiễn đưa Cám-dung đến thành Khoáng dã, đến nơi thì trời tối cửa thành đã đóng nên xe ngựa của Cám-dung phải ở ngoài cửa thành ngủ qua đêm. Do Thế tôn quán biết Khoáng-dã-thủ có thể được hóa độ, nếu để cho Khoáng-dã-thủ gặp được Cám-dung thì bị ái nhiễm ràng buộc ở trong sanh tử không thể xuất ly, không được Thánh quả; cho nên Thế tôn liền từ thành Vương xá đi đến thành Khoáng dã, gần đến cửa thành thì mặt trời lặn, Thế tôn liền ở trong một trại nuôi bò bỏ hoang ngủ qua đêm. Lúc đó Khoáng-dã-thủ nghe tin Thế tôn đã đến ở ngoài thành ngủ qua đêm trong một trại nuôi bò bỏ hoang nên trời vừa sáng liền ra thành đến kính lễ Thế tôn, ra tới cửa thành liền thấy đoàn xe ngựa của Cám-dung liền hỏi rõ nguyên do, Khoáng-dã-thủ nghe xong liền bảo tùy tùng rước vào cung rồi đi đến chỗ Phật thăm hỏi có an không, Phật nói: “Này Khoáng-dã-thủ, trong thế gian này người ngủ được an ổn nhất chính là Như lai”, liền nói kệ:

“Hay trừ được tội ác,
Không bị dục trói buộc,
Lìa nhiễm về viên tịch,
Nên ngủ được an ổn.
Trừ được bịnh nhiệt não,
Đoạn tất cả mong cầu,
Tâm thường được tịch tĩnh,
Người đó ngủ an ổn”.

Lúc đó Thế tôn liền nói pháp yếu khiến cho Khoáng-dã-thủ ngay nơi chỗ ngồi chứng được quả Bất hoàn. Sau đó Khoáng-dã-thủ đảnh lễ Phật rồi trở về trong cung nói với Cám-dung: “Tôi đã lìa dục, không còn ham muốn, nàng đã đến đây tùy ý đi hay ở, không ai ngăn cản”, Cámdung nói: “Tôi muốn ở lại làm người cấp thí cho Phật tử”. Khoáng-dãthủ sau đó cho xây cất một trú xứ ở ngoài thành cúng cho Phật và tăng, tứ sự cúng dường đầy đủ…, thời gian sau Khoáng-dã-thủ lâm bịnh qua đời, sanh lên cõi trời Vô nhiệt, khởi ba tâm biết rõ rồi đến chỗ Phật đảnh lễ, Phật hỏi: “Này Khoáng-dã-thủ, do nhơn gì được sanh lên cõi trời Vô nhiệt?”, thiên tử Khoáng-dã-thủ nói kệ đáp:

“Do con gặp Thế tôn,
Nghe Phật nói diệu pháp,
Và cúng dường tăng chúng,
Tâm không sanh nhàm đủ,
Thọ hành pháp thượng nhơn,
Xa lìa các tham ái,
Thường tu tập ba việc,
Nên sanh trời Vô nhiệt”.

Nói kệ xong đảnh lễ Phật rồi biến mất. Do các Bí-sô trong đêm thấy ánh sáng chiếu khắp rừng nên trời vừa sáng liến đến chỗ Phật thỉnh hỏi: “Thế tôn, Khoáng-dã-thủ từng tạo nghiệp gì vừa gặp mặt Cám-dung liền bỏ đi và chứng được quả Bất hoàn?”, Phật nói: “Này các Bí-sô hãy lắng nghe: Thuở xưa có hai người con của vị đại thần, người anh tên là Thủ-túc-võng-man, người em tên là Vô-võng-man; người anh đã tu đắc năm thông còn người em đang thọ học. Vị thầy dạy có một con gái tên là Diệu dung, dung mạo đoan trang đến tuổi trưởng thành muốn lấy Vô-võng-man làm chồng nên đến nói với Vô-võng-man: “Cha mẹ bảo tôi đến làm vợ anh”. Vô-võng-man không chấp thuận, Diệu dung nổi giận, Vô-võng-man bỏ trốn, Diệu dung đuổi theo yêu cầu làm chồng cô, Vô-võng-man vẫn không chấp thuận nên Diệu dung cầm dao muốn giết. Vô-võng-man biết không trảnh khỏi nạn này nên chắp tay niệm: “Nam mô Đại tiên Thủ-túc-võng-man”, vừa niệm xong, đại tiên liền hiện nắm tay Vô-võng-man đưa đến trong rừng ở trong một trại bò bỏ hoang, cho Vô-võng-man xuất gia, dạy tu thắng pháp chứng được năm thông. Này các Bí-sô, người anh tu đắc năm thông chính là ta, Vô-võng-man chính là Khoáng-dã-thủ, Diệu dung chính là Cám-dung. Xưa kia ta thấy người em sắp bị hại liền đến cứu, cho xuất gia dạy tu thắng pháp chứng được năm thông, xa lìa oán đối của người nữ ; nay lại khiến cho Khoáng-dã-thủ thoát khỏi bị Cám-dung ràng buộc mà được xuất ly. Cho nên các thầy ở trong pháp hữu lậu phải mau xa lìa.”

Lúc đó các Bí-sô vẫn còn nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì Khoáng-dã-thủ khi vừa mới sanh liền bị đem nạp cho Dược xoa ăn, lại được Thế tôn đến cứu thoát?”, Phật nói: “Các thầy lắng nghe: Thuở xưa trong một thành nọ có nhà vua thích ăn thịt, lúc đó có một người muốn cầu thân với vua nên đem con gà phụng hiến, vua liền sai người đưa xuống nhà bếp làm món ăn ngon cho vua, người hiến gà suy nghĩ: “Ta không nên để cho con gà vì ta mà bị giết”, nghĩ rồi liền đem số tiền gấp đôi giá tiền một con gà đến trong nhà bếp chuộc lại gà rồi đem phóng sanh và nguyện rằng: “Do ta đem phụng hiến nên con gà suýt bị giết chết, nguyện xin đời sau khỏi bị quả báo. Nay ta chuộc lại rồi đem phóng sanh, nguyện xin đời sau nếu khi gặp ách nạn sẽ được bậc Đại sư thù thắng đến cứu. Các thầy biết chăng, người hiến gà xưa kia chính là Khoáng-dã-thủ, do sức phát nguyện nên nay được ta đến cứu. Nên học như thế”.

Sau khi Khoáng-dã-thủ qua đời, Cám-dung trở về nhà của trưởng giả Diệu-âm, vua nước Kiều-thiểm-ty là Ô-đà-diên nghe Cám-dung chưa bị nam tử xúc chạm đã trở về nhà cũ, liền đến hỏi cưới làm vợ. Cưới xong cho Cám-dung ở cung Diệu hoa có ngàn thị nữ hầu hạ, hằng ngày vua chi ra một ngàn kim tiền để đáp ứng mọi thứ cần dùng. Trong số các thị nữ có một thị nữ tên là Khúc tích (do xương sống cong mà thành tên) hằng ngày cầm một ngàn kim tiền mua hương, nhưng chỉ mua hương có năm trăm kim tiền còn lại năm trăm lấy dùng riêng, lại lén tư thông với người chủ hiệu bán hương. Thời gian sau cả hai đồng tâm thiết cúng Phật và Tăng… Phật và Tăng ăn xong liền ngồi một bên nghe nói pháp, sau khi nghe pháp liền được sơ quả. Sau khi được Kiến đế, Khúc tích không xén bớt năm trăm kim tiền nữa mà mua đủ một ngàn kim tiền hương đem về, Cám-dung thấy hương nhiều hơn trước liền hỏi nguyên do, Khúc tích trình bày sự thật, Cám-dung nghe rồi cho là điều hy hữu nên bảo Khúc tích: “ta không tiện ra ngoài, ngươi hãy hằng ngày đến chỗ Thế tôn nghe pháp rồi về nói lại cho ta nghe”. Khúc tích vâng lời đến chỗ Thế tôn nghe pháp rồi trở về cung, lúc đó Cámdung ở trên tòa cao bảo Khúc tích nói lại, Khúc tích nói: “Lễ nghi nghe pháp không phải như vậy”, Cám-dung liền cho trải thắng tòa mời khúc tích lên tòa nói lại pháp, Cám-dung ngồi ở tòa thấp nghe, nghe pháp xong liền chứng quả Bất hoàn.

Lúc đó có một Bà-la-môn người nước Sa-ma tên là Vô-ưu, vợ tên là Xá-lợi, có một người con gái dung sắc tuyệt trần, được mọi người êu mến nên gọi là Vô tỷ, đến tuổi trưởng thành Vô tỷ suy nghĩ: “Nếu ai dung nghi đẹp như ta, ta mới chịu làm vợ”. Lúc đó Thế tôn vào thành Kiều-thiểm-ty theo thứ lớp khất thực rồi trở về bổn xứ, thọ thực xong vào trong rừng vắng tĩnh tọa. Bà-la-môn Vô ưu thấy dung nghi của Phật rồi liền suy nghĩ: “Trượng phu này thật xứng đôi với con gái ta”, nghĩ rồi liền trở về nhà nói với vợ: “Ta đã tìm được một người rất xứng đôi với con gái của ta, bà hãy trang sức cho con gái bằng các anh lạc để chuẩn bị làm lễ cưới”, bà vợ hỏi người đó là ai, Bà-la-môn nói là sa môn Kiều-đáp-ma, bà vợ nghe rồi liền nói kệ:

“Tôi từng ở trong nước,
Thấy Đại tiên khất thực,
Đi chỗ đất không bằng,
Theo chân Ngài cao thấp,
Bậc đại nhân như vậy,
Đâu nghĩ chuyện vợ con”.

Bà-la-môn Vô ưu nói:

“Xá lợi chẳng khéo nói,
Việc tốt nói thành xấu,
Dù tâm kia tinh tấn,
Có sức đại oai thần,
Nếu thấy gái Vô tỷ,
Liền sanh tâm ưa thích”.

Nói rồi Vô ưu liền dùng y phục thượng diệu và các anh lạc trang sức cho con gái thật đẹp, sau đó cùng đoàn tùy tùng đưa con gái đến chỗ Phật. Trên đường đi thấy dấu chân của Phật in trên đất có tướng thiên bức luân, Vô ưu chỉ cho vợ thấy và nói: “Đây là dấu chân của người chồng tương lai của Vô tỷ”, bà vợ thấy rồi liền nói kệ:

“Người nhiễm dục, dấu chân không thẳng,
Người sân nhiều, chỗ đạp đất cứng,
Người ngu si, dấu chân không rõ,
Dấu chân này của người lìa dục”.

Vô ưu nói:

“Xá lợi không khéo nói,
Việc tốt nói thành xấu,
Dù tướng kia thiên bức,
Có sức đại oai thần,
Nếu thấy gái Vô tỷ,
Liền sanh tâm ưa thích”.

Đi một đoạn nữa liền thấy phu cụ cỏ của Phật nằm, Vô ưu liền nói với vợ: “Đây là phu cụ cỏ của người chồng tương lai của Vô tỷ”, bà vợ thấy phu cụ cỏ không rối loạn liền nói kệ:

“Người nhiễm dục nằm nhiều lỗ hủng,
Chỗ người sân nằm, cỏ trải cứng,
Chỗ người si nằm, cỏ dọc ngang,
Chỗ nằm này của người lìa dục”.

Vô ưu nói:

“Xá lợi không khéo nói,
Việc tốt nói thành xấu,
Dù cỏ kia không rối,
Có sức đại oai thần,
Nếu thấy gái Vô tỷ,
Liền sanh tâm ưa thích”.

Khi đến chỗ Phật, Vô ưu nói kệ:

“Người hãy xem nàng này,
Sắc đẹp không ai sánh,
Cần vợ tôi trao cho,
Nghi dung đẹp tương tợ,
Cũng như trăng đêm rằm,
Trăng sao cùng chiếu sáng”.

Phật nghe kệ rồi liền suy nghĩ: “Nếu ta nói lời dịu dàng, người con gái này sẽ tình sanh quyến luyến, sau khi rời khỏi nơi đây sẽ nhơn đây mạng chung. Nay ta nên thị hiện sự chê hiềm mà nói với người cha”, nghĩ rồi Phật liền nói kệ:

“Ma vương hiến ba nàng,
Tuyệt sắc nhất thế gian,
Trang sức đầy anh lạc,
Ta còn không khởi dục,
Huống chi thân ti tiện,
Đầy chất bất tịnh này,
Muốn đến gần chân ta,
Cũng không có việc ấy”.

Vô tỷ nghe rồi tâm sanh buồn giận, nhìn cha rồi cúi đầu, Vô ưu nhìn con gái rồi nói kệ:

“Con tôi đẹp như hoa,
Tuyệt sắc không ai bằng,
Người nay tại sao lại,
Không có tâm yêu thương?”.

Phật nói:

“Người ngu si thế gian,
Đối cảnh sanh ái chấp,
Nếu thấy người đẹp này,
Tâm liền sanh điên đảo.
Ta là Phật thứ bảy,
Chứng được quả Vô thượng,
Như sen lên khỏi nước,
Không bị dục trần nhơ”.

Vô ưu nghe Phật nói rồi liền cùng vợ và Vô tỷ bỏ ra về, lúc đó có một Bí-sô già vốn là ngoại đạo xuất gia đứng cách Phật không xa nhìn thấy Vô tỷ liền sanh ái nhiễm liền nói kệ cầu xin Phật:

“Phật nhãn chiếu sáng khắp,
Xin nhận nàng Vô tỷ,
Cho con làm thê thất,
Tùy tình được thọ dụng”.

Phật nghe rồi im lặng không nói, Bí-sô già do tâm nhiễm bức bách liền bạch Phật:

“Y bát này của Phật,
Tích trượng và quân trì,
Cùng giới đều trả lại,
Con nay theo nàng ấy”.

Nói rồi xả y bát và học xứ đi đến chỗ Bà-la-môn Vô ưu nói rằng: “Cho tôi được cưới Vô tỷ làm vợ”, Vô ưu mắng rồi không thèm nói đến, Bí-sô già không toại được sở nguyện liền hộc máu mà chết. Lúc đó các Bí-sô đếu có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, do nhân duyên gì Vô ưu đem Vô tỷ phụng dâng, Thế tôn không nạp thọ?”, Phật bảo các Bí-sô: “Không phải là không có nhân duyên, các thầy lắng nghe: Thuở xưa có một người thợ rèn sanh được một con gái, con gái tuy tuổi đã lớn nhưng ông ỷ nơi nghề khéo của mình mà không chịu gả cho ai, nghề khéo của ông là để một cây kim trên mặt nước không chìm. Lúc đó có một đồng tử Bà-la-môn lại cao tay nghề hơn có thể dùng bảy cây kim xỏ vào một lỗ kim rồi để trên mặt nước không chìm. Đồng tử này muốn điều phục người thợ rèn kia nên đến trước cửa ngỏ nhà ông rao bán kim, người con gái nghe rao liền ra cửa chê cười nói:

“Ông là người ngu si,
Hoặc không có tâm thức,
Đến trước nhà thợ rèn,
Lớn tiếng rao bán kim”

Đồng tử liền nói kệ:

“Hiền thủ, tôi không ngu,
Không phải không tâm thức,
Muốn phá lòng kiêu mạn,
Nên đến rao bán kim,
Cha cô nếu biết tôi,
Tay nghề cao hơn nhiều,
Ắt đem cô gả cho,
Và cho cả gia sản”.

Người cha nghe rồi liền hỏi đồng tử: “Ngươi nói tay nghề cao hơn nhiều là thật hay hư?”, đồng tử liền dùng bảy cây kim xỏ qua một lỗ kim rồi để nổi trên mặt nước không chìm, người cha thấy rồi liền muốn đem con gái gả cho đồng tử làm vợ, đồng tử nói: “Ta thuộc tộc tánh Bà-la-môn cao quý há lại sánh đôi với con gái dòng họ thợ rèn sao?”, nói rồi liền bỏ đi.

Này các Bí-sô, đồng tử Bà-la-môn xưa kia là tiền thân của ta, người thợ rèn chính là Vô ưu, cô con gái chính là Vô tỷ. Xưa kia ta còn đầy đủ phiền não vẫn từ bỏ người nữa kia huống chi nay đã ly dục, là bậc Vô thương sư mà sanh tham nhiễm hay sao? các thầy nên học như thế.”

Các Bí-sô lại thỉnh hỏi Phật: “Vì nhân duyên gì Bí-sô già kia lại vì Vô tỷ mà chết?”, Phật bảo các Bí-sô: “Bí-sô già ấy không phải chỉ đời này vì Vô tỷ mà chết, từ thuở xa xưa cũng đã vì Vô tỷ mà phải chết, các thầy lắng nghe: Thuở xưa trong một thành tên là Sư tử kiếp, vua tên là Sư tử đảnh là bậc đại pháp vương, trong nước dân chúng sống no ấm an vui, không có oán địch chiến tranh, không có người ác dua nịnh hại nhau, cũng không có tai họa và các bịnh khổ… Trong thành có một thương chủ tên là Sư tử giàu có thọ dụng đầy đủ… giống như duyên khởi trong giới thứ tám Tăng-già-phạt-thi-sa nói về Thật-lực-tử, chỉ khác người con trai của thương chủ trong giới này tên là Sư-tử-dận… cho đến câu thương chủ Sư tử hằng ngày trông coi gia nghiệp quên ăn bỏ ngủ, Sư từ dận thấy cha vất vả khó nhọc như vậy liền thưa với cha: “Vấn đề miệng bụng, mỗi người phải tự giải quyết, con ngồi không ăn của cha là điều không nên. Nay con muốn vào trong biển tìm cầu châu báu”. Người cha nói: “Con không cần khổ nhọc tìm cầu, trong kho của nhà ta có nhiều vàng bạc châu báu tùy ý con thọ dụng”, Sư-tử-dận nói: “Con rất muốn ra biển tìm đến Bảo châu”, người cha thấy con đã quyết ý nên nói: “Cha thuận theo ý nguyện của con, nếu gặp cảnh khổ gì thì con phải nhẫn chịu”. Sau đó người cha cho đánh trống thông báo cho các thương chủ xa gần trong thành ấp biết: “Các thương chủ nên biết, ai có thể cùng đi với thương chủ Sư-tử-dận ra biển tìm châu báu thì nên chuẩn bị lo liệu hàng hóa và hành lý, khi qua các trạm quan thuế sẽ khỏi đóng thuế”. Lúc đó có năm trăm thương nhơn nghe thông báo rồi liền đến chỗ thương chủ Sư-tử-dận cùng ước hẹn ngày khởi hành xong, mỗi người đều trở về từ tạ cha mẹ thân quyến rồi chuyên chở hàng hóa đến để cùng thương chủ Sư-tử-dận lên đường. Trải qua các thành ấp cuối cùng đến bến cảng, thương chủ lấy năm trăm kim tiền thuê thuyền ra biển và tìm thuê năm người: Một người có thể nhìn xa hiểu rộng, một người có thể lái thuyền, một người có thể sửa chữa thuyền, một người có thể lặn sâu, một người là thuyền trưởng lèo lái con thuyền ra biển tìm Bảo châu. Khi thuyền sắp nhổ neo, thuyền trưởng nói với mọi người: “Trong biển cả nguy an không phải một: Hoặc gặp gió bão bất ngờ đưa thuyền tấp vào vách núi, hoặc bị răng cưa của cá Kình đâm lủng thuyền phải chìm. Khi gặp nạn gấp mọi người phải có phương tiện cứu hộ như phao nổi để phòng thân”’, các thương nhơn nghe rồi cùng nói với nhau: “Trong biển cả an nguy khó biết trước, chúng ta nên theo lời thuyền trưởng chuẩn bị phao nổi để phòng thân”. Khi thuyền vào biển cả gặp phải cá Ma kiệt lớn phá vỡ thuyền, mọi người đều nương phao nổi trôi theo làn sóng, do mạng số chưa hết nên gặp cơn gió Bấc thổi trôi giạt vào bờ phía nam ở châu Xích-đồng. Trên châu này có nhiều La-sát nữ ở, chúng có thể biến hình theo ý muốn, nếu thấy các thương nhơn bị vỡ tàu trôi giạt đến, chúng sẽ dùng lời dịu ngọt cám dỗ. Trên thành trì của La-sát nữ có dựng hai cây phướn: Một tên là Khánh hỉ, hai tên là Khủng úy, khi hai cây phướn này lay động là báo điềm tốt hoặc xấu. Khi các thương nhơn trôi giạt đến nơi này thì cây phướn khánh hỉ lay động, các La-sát nữ nói với nhau: “Chúng ta hãy ra bờ biển, chắc là có người từ châu Thiệm bộ trôi giạt đến đây”. Chúng hóa làm mỹ nữ đoan trang cùng nhau ra bờ biển nhìn quanh bốn phía, thấy có nhiều người nương phao nổi đang trôi giạt vào bờ liền hóa nhiều anh lạc trang sức trên người với nhiều vật thực mang đến, nói với các thương nhơn rằng: “Thiện lai các hiền thủ, các vị đã trôi giạt theo sóng biển rất là khổ sở, hãy về nhà chúng tôi nghỉ ngơi”. Trong thành này đã có nhiều thương nhơn trôi giạt tới trước đều bị nhốt trong thành sắt để các La-sát nữ ăn thịt dần dần. Lúc đó các La-sát nữ đưa các thương nhơn mới trôi giạt tới này về nhà chúng rồi nói với mọi người: “Nhà cửa, y phục, thức ăn và các vật dụng ở đây các vị cứ tùy ý thọ dụng. Chúng tôi không có chồng, nếu các vị không chê bai thì chúng tôi nguyện cùng kết đôi”, sau đó chúng dẫn mọi người tham quan các vườn hoa đẹp và chỉ các kho tàng châu báu và nói với mọi người: “Tất cả vật báu trong đây như vàng bạc, lưu ly, chơn châu, ma ni, xa cừ, mã não… các vị cứ tùy ý thọ dụng, và hãy cùng chúng tôi chung sống chớ có nghi ngờ gì. Trên châu này chỉ có thành phía nam là các vị không nên đến”

Lúc đó Phật bảo các Bí-sô: “Ta không thấy có một thứ gì làm mê say khiến thế gian bị tham nhiễm ràng buộc hơn là nữ sắc. Các thầy nên biết, người nữ có thể làm cho tất cả người nam chìm đắm, người nam khi thấy người nữ liền mê muội hoang dâm mất chí hướng, phẩm thiện thắng diệu sẽ không còn giữ nơi tâm. Cho nên các thầy phải cầu giải thoát, siêng năng tu tập hạnh ly dục, đối cới các cảnh nhiễm khởi pháp quán bất tịnh, nên học như thế”.

“Lúc đó các thương nhơn cùng các La-sát nữ chung sống, trải qua nhiều năm họ đều có con, một hôm Sư-tử-dận bỗng suy nghĩ: “Tại sao các người nữ này không cho chúng ta đi đến thành phía Nam?”, Sư-tửdận liền chờ cho vợ ngủ say, nửa đêm len lén đi đến thành phía Nam tìm hiểu nguyên do, đến nơi bỗng nghe có tiếng của nhiều người kêu khóc bi thương: “Khổ thay, đau đớn thay! cha mẹ anh em ở châu Thiệm bộ…”. Sư-tử-dận nghe rồi kinh sợ, lông trên thân đều dựng đứng, tiếp tục đi về phía trước thấy một thành sắt lớn cao ngất kiên cố nhưng chung quanh không có cửa, cũng không thấy dấu vết của người và súc vật. Ở phía Bắc của thành này có một cây Thi-lợi-sa cao hơn bờ thành, Sư-tử-dận leo lên cây nhìn vào trong thành thấy có người liền hỏi vọng tới: “Các người là ai tại sao kêu khóc ở trong đây và nói là nhớ cha mẹ anh em ở châu Thiệm bộ?”, họ nghe rồi liền đáp vọng lên: “Chúng tôi là người ở châu Thiệm bộ, vào trong biển cả tìm châu báu không may gặp cá Ma kiệt lớn phá vỡ thuyền… giống như đoạn văn trên cho đến câu chúng tôi cùng các người nữ trên châu này chung sống với nhau trải qua nhiều năm đều đã có con. Khi các người nữ này thấy cây phướn khánh hỷ lay động biết có người từ châu Thiệm bộ bị đắm tàu trôi giạt đến, liền đem chúng tôi nhốt vào trong thành này để ăn thịt dần dần. Khi sắp ăn thịt, chúng hiện trở lại thân La-sát, dung mạo đáng sợ với móng vuốt dài, răng nanh nhọn, chúng xé người ra ăn hết không để sót một chút gì, cho đến máu rơi trên đất, chúng cũng quẹt lên liếm hết. Mỗi ngày chúng ăn một người trong thành này, chúng không phải là người mà chính là quỷ La-sát. Các ông phải khéo tự phòng vệ, không bao lâu nữa các ông cũng sẽ như chúng tôi”. Sư-tử-dận nghe rồi khiếp vía liền hỏi người kia: “Có cách nào khiến các vị và chúng tôi thoát được khổ ách này để được bình an trở về châu Thiệm bộ không?”, người kia nói: “Không có cách nào cả, chúng tôi ở trong đây đã cùng nhau đào một cái hầm xuyên qua lòng đất ở bên dưới thành sắt này thì thành sắt này lại nới rộng thêm gấp mấy lần nên không thể nào thoát ra được; chúng tôi muốn leo lên bờ thành để ra ngoài thì thành lại cao thêm, cho nên chúng tôi biết không thể nào thoát ra được, chỉ còn đợi chết mà thôi, nhưng các ông thì có thể”, Sư-tử-dận liền hỏi là cách gì, người kia nói: “Cứ vào ngày mười lăm lễ Bao-sái-đà, trong hư không có chư thiên nói: Hỡi người châu Thiệm bộ, các ngươi không có trí huệ, cố chấp ngu si, vào ngày mười lăm lễ Bao-sái-đà không biết đi về phương Bắc để tìm đường thoát ly. Vào ngày đó có thiên mã vương tên là Bà-la-ha từ biển hiện lên, lên bờ du ngoạn và ăn lúa tự nhiên hương, có uy lực lớn. Ăn xong thiên mã cất đầu lên ngó bốn hướng nói ba lần như sau: ai muốn đến bờ bên kia trở về châu Thiệm bộ. Các ông đợi thiên mã nói xong mới được lên tiếng nói rằng: Chúng tôi muốn đến bờ kia trở về châu Thiệm bộ, xin cứu giúp chúng tôi. Lúc đó thiên mã nói thế nào các ông làm theo như thế ấy, thì có thể trở về châu Thiệm bộ”. Sư-tử-dận nghe nói rồi hết lòng ghi nhớ, khen ngợi là việc chưa từng có rồi leo xuống theo đường cũ trở về và nằm ngủ như cũ. Trời vừa sáng Sư-tử-dận liền đến bảo năm trăm thương nhơn: “Các vị hãy đến trong vườn ___ tập họp để bàn việc, vợ và con không nên có mặt”, các thương nhơn nghe rồi liền cùng đến tập họp, Sư-tử-dận liền đem sự việc trên kể lại rồi nói với mọi người rằng: “Những người nữ ở nơi đây đếu là quỷ La-sát, các vị hãy cẩn thận tự phòng hộ”.