CĂN BẢN THUYẾT NHẤT THIẾT HỮU BỘ TỲ NẠI DA

Hán dịch: Đời Đường Tam Tạng Pháp Sư Nghĩa Tịnh 
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc Xuất Bản

 

QUYỂN 43

Học xứ thứ tám mươi: VÀO THÔN XÓM PHI THỜI KHÔNG DẶN LẠI BÍ SÔ (Tiếp Theo)

Ô-đà-di chứng quả rồi liền suy nghĩ: “Phật có đại ân với ta, ta nên làm viêc gì để báo ân, chỉ có làm Lợi-ích cho hữu tình mới có thể báo ân”, nghĩ rồi Ô-đà-di liền tùy duyên giáo hóa, lúc đó Phật bảo các Bí-so: “Trong các đệ tử Thanh văn của ta, giáo hóa các hữu tình được Thánh quả, Ô-đà-di là bậc nhất”. Nhiếp tụng:

Đại thiên, đại kế, châu,
Thầy thuốc, Tăng chúng, bụng,
Thang, thọ dụng, lưỡng bội,
Bạo ác và đồng niên,
Bát và người đấu nhau,
Mười ba việc như vậy,
Hóa độ mười tám,
Đều khiến thoát bể khổ.

1. Đại thiên: Lúc đó Ô-đà-di suy nghĩ: “Trong các hữu tình ai hệ thuộc nơi ta, được ta giao hóa trước”, liền quán biết một Bà-la-môn thờ cúng Đại thiên được hóa độ trước, nên sáng sớm hôm sau Ô-đà-di đắp y mang bát vào thành theo thứ lớp khất thực, thấy Bà-la-môn đó đang thiết cúng và tìm Bà-la-môn để cho thức ăn đã thiết cúng. Ô-đà-di đến trước Bà-la-môn nói: “Tôi là Bà-la-môn, đại sư của tôi là Bà-la-môn tối thượng”, Bà-la-môn nói: “Ông không phải là Bà-la-môn mà là sa môn đầu trọc”, Ô-đà-di nói: “Tôi cùng ông đến hỏi Đại thiên xem tôi có phải là Bà-la-môn hay không”. Lúc đó hai người cùng đến trước tượng Đại thiên, Ô-đà-di hỏi: “Tôi là Bà-la-môn phải không?”, tượng Đại thiện đáp: “Thánh giả Ô-đà-di thật là Bà-la-môn, đại sư của thánh giả là Bà-la-môn tối thượng”, Bà-la-môn thấy việc này rồi khen là việc chưa từng có liền sanh lòng tín kính, mời Ô-đà-di vào nhà cúng dường. Ô-đà-di thọ thực rồi nói pháp chỉ dạy khiến cho Bà-la-môn ngay nơi chỗ ngồi được Kiến đế, được Kiến đế rồi xin thọ tam quy và năm học xứ. Bà-lamôn bạch với Ô-đà-di: “Con nguyện trọn đời cúng dường tứ sự, cúi xin Thánh giả nạp thọ”, Ô-đà-di nói: “Tôi còn phải hóa duyên nhiều người khác nữa nên không thể nhận sự cúng dường này”, nói rồi bỏ đi.

2. Đại kế: Lúc đó Ô-đà-di cũng như trước quán liền biết một Bàla-môn khác thờ Đại thiên cũng được mình hóa độ, nên sáng hôm sau đến nhà Bà-la-môn đó thấy đang thiết cúng và tìm Bà-la-môn để cho thức ăn đã thiết cúng. Ô-đà-di đến trước Bà-la-môn đó nói: “Tôi là Bàla-môn, đại sư của tôi là Bà-la-môn tối thượng”, Bà-la-môn nói: “Ông không phải Bà-la-môn mà là sa môn đầu trọc, nếu thật là Bà-la-môn thì không có hình tướng như thế”, Ô-đà-di nói: “Hình tướng của Bà-la-môn như thế nào?”, đáp: “Bà-la-môn có búi tóc cao như cái mão”, Ô-đà-di nói: “Tôi chính là người ấy”, nói rồi đưa tay sờ lên đầu, trên đầu bổng hiện ra búi tóc lớn như cái mão, Bà-la-môn thấy việc này rồi sanh lòng tín kính khen là việc chưa từng có… giống như đoạn văn trên cho đến câu: Nguyện xin trọn đời cúng dường tứ sự, Ô-đà-di từ chối như trên rồi bỏ đi.

3. Hạt châu: Lúc đó Ô-đà-di cũng như trước quán liền biết một Bà-la-môn khác thờ Đại thiên cũng được mình hóa độ, nên sáng hôm sau đến nhà Bà-la-môn đó. Ô-đà-di biết vợ của Bà-la-môn rất thích ngọc quý nên hóa thân làm người bán ngọc vào nhà giới thiệu ngọc quý, sắc quang sáng đẹp rất khả ái, Bà-la-môn hỏi giá, Ô-đà-di nói: “Tùy ý ông nói giá”, Bà-la-môn nói giá chưa được một phần trăm nhưng Ôđà-di lại bằng lòng bán. Vợ chồng Bà-la-môn lấy làm lạ nói thì thầm với nhau: “Tại sao lại bán viên ngọc quý với giá rẽ như vậy”, Ô-đà-di biết căn cơ hai vợ chồng đã thuần thục nên hiện trở lại thân hình Bí-sô, hai vợ chồng sanh tín kính cúng dường các món ăn thượng diệu… giống như đoạn văn trên cho đến câu: Nguyện xin trọn đời cúng dường tứ sự, Ô-đà-di cũng từ chối như trên rồi bỏ đi.

4. Thầy thuốc: Lúc đó ở thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn không kính tín Tam bảo, đang mắc bịnh tuy đã chũa trị nhiều năm nhưng vẫn không chữa khỏi nên Bà-la-môn không tìm thầy chữa trị nữa, mà chấp nhận chờ chết. Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được Bà-lamôn này nên hóa làm thầy thuốc đến trước nhà giới thiệu phương thuốc, gia nhân gọi vào, Ô-đà-di nói với Bà-la-môn: “Ông yên tâm, sức chú thuật của lương dược này không thể nghĩ bàn, chỉ trong chốc lát ông sẽ bình phục”, nói rồi liền tụng chú, xưng danh Tam bảo, Bà-la-môn nghe chú nguyện rồi, bịnh liền tiêu trừ bình phục như xưa, lúc đó Ô-đà-di hiện trở lại thành Bí-sô. Vợ chồng Bà-la-môn này sanh tín kính, khen ngợi là việc chưa từng có liền sửa soạn các món ăn ngon cúng dường… giống như đoạn văn trên cho đến câu: Nguyện xin trọn đời cúng dường tứ sự, Ô-đà-di cũng từ chối như trên rồi bỏ đi.

5. Tăng chúng: Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-lamôn không kính tín Tam bảo, tuy giàu có nhưng rất bỏn xẻn, không có tâm thí xả chỉ muốn tích tụ nhiều. Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được Bà-la-môn này nên thường đến nhà đó khất thực, nhưng dù nhọc công tới lui nhiều lần vẫn không được cho cái gì. Vào một ngày khác Ô-đà-di lại đến rồi cũng mang bát không trở về, ra đến cửa ngỏ thì gặp Bà-la-môn từ ngoài trở về, thấy tôn giả đi ra liền hỏi: “Bí-sô vào nhà tôi có xin được gì không?”, Ô-đà-di dùng mật ngữ đáp: “Ông đã từ chỗ không có thì lấy gì để cho”, Bà-la-môn nghe rồi liền nổi giận nói: “Nhà tôi giàu có, tài sản vô số, tại sao quyến thuộc của ông lại nói lời khinh tiện nhau như thế”, Ô-đà-di nói: “Vậy thì sáng mai chúng tôi sẽ đến nhà ông thọ thực được không?”, Bà-la-môn nhận lời, Ô-đà-di đến nhà khác khất thực rồi trở về trú xứ thọ thực, sau đó đến đảnh lễ Phật bạch rằng: “Thế tôn, có một Bà-la-môn không tin Tam bảo, tuy giàu có nhưng rất bỏn xẻn, không có tâm thí xả chỉ muốn tích tụ nhiều thêm, hôm nay bỗng nói với con sáng mai thỉnh Phật và Tăng đến nhà ông thọ thực”, Phật im lặng nhận lời. Sáng hôm sau trưởng giả Cấp-cô-độc và các trưởng giả khác nghe Bà-la-môn kia thỉnh Phật và tăng đến nhà thọ thực nên rũ nhau đến nhà Bà-la-môn đó xem thử, thì thấy Bà-la-môn đó không có sửa soạn gì cả liền hỏi Bà-la-môn: “Ông thỉnh cụ thọ Ô-đà-di và quyến thuộc tức là Phật và Tăng đến nhà thọ thực, vì sao sắp đến giờ mà không thấy sửa soạn gì cả?”, Bà-la-môn nói: “Tôi không muốn thí cho họ”, các trưởng giả nói: “Nếu hôm nay Phật và tăng đến nhà ông mà ông không cúng thí thì Đại vương Thắng quang sẽ trị phạt ông”, Bà-la-môn nghe rồi kinh sợ, cũng do căn lành đời trước khai mở nên Bà-la-môn xuất nhiều tài vật vội lo liệu mọi thứ và các món ăn ngon để cúng dường Phật và Tăng rồi cho người đến bạch Phật, Phật và Tăng đến nhà ngồi vào chỗ thỉnh, Bà-la-môn dâng thức ăn cúng dường, Phật và Tăng thọ thực xong trở về, Ô-đà-di ở lại nói pháp cho hai vợ chồng Bà-la-môn nghe, ngay nơi chỗ ngồi được Kiến đế… giống như đoạn văn trên.

6. Bụng: Lúc đó trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn cũng không kính tín Tam bảo, vợ của ông đoan chánh hiếm có người xứng đôi nên người chồng Bà-la-môn này rất yêu quý vợ. Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ nên đến cửa nhà của Bà-la-môn, Bà-la-môn thấy nhưng không muốn cho vào bèn bỏ đi tiểu tiện, Ô-đà-di khiến ông ta tiểu mãi rồi vào nhà gặp người vợ, người vợ này không thèm nhìn tới Ô-đà-di, Ô-đà-di khiến cho ruột của bà lòi ra ngoài. Lúc đó Bà-la-môn trở vào thấy thế liền kinh sợ sanh tâm nhàm lìa, ông liền đảnh lễ xin sám tạ, Ô-đà-di thu nhiếp thần biến khiến người vợ trở lại như cũ, hai vợ chồng sanh tín kính khen ngợi là việc chưa từng có, Ô-đà-di liền nói thân là bất tịnh… khiến hai vợ chồng nghe pháp rồi đều chứng sơ quả…

7. Lên thang: Trong thành Thất-la-phiệt có người vợ của một Bàla-môn tuy đoan chánh nhưng tâm không tín kính, Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ nên đến nhà đó. Lúc đó Bà-la-môn đi vắng, người vợ từ xa thấy Ô-đà-di đến liền tránh vào nhà trong, tôn giả theo vào; người vợ lên cầu thang, tôn giả cũng lên theo; người vợ liền xô cái thang khiến tôn giả té ngã xuống đất, tôn giả liền nhập Diệt tận định. Người vợ tưởng tôn giả đã chết liền trở xuống, thấy tôn giả không thở nên nắm tay kéo thật mạnh nhưng vẫn không làm cho nhúc nhích được, liền bảo các gia nhân cùng kéo dậy vẫn không làm cho nhúc nhích được. Lúc đó Bà-la-môn trở về thấy việc này rồi kinh hãi liền tự tay đỡ dậy, vẫn không làm cho nhúc nhích, cả nhà hoảng hốt không biết phải làm sao. Vừa lúc đó có một Ô-ba-sách-ca-là bạn của gia đình này đến thăm, nhìn thấy tôn giả như vậy liền nói với gia chủ: “Vị này là tôn giả Ô-đà-di, tôn giả đang nhập định thanh tịnh thù thắng chứ không phải chết, vì muốn giáo hóa mọi người nên mới đến đây, mọi người nên ân cần sám tạ”, Bà-la-môn nghe rồi liền nắm chân tôn giả ân cần cầu sám tạ, tôn giả xuất định rồi nói pháp khiến cho hai vợ chồng đều được sơ quả…

8. Thọ dụng: Trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn cưới được con gái của gia môn vọng tộc làm vợ, người vợ nay rất xinh đẹp và rất tự hào về sắc đẹp của mình. Lúc đó Ô-đà-di quán biết mình có có thể hóa độ được người vợ này nên đến nhà đó, Bà-la-môn vắng nhà, người vợ không chào hỏi cũng không bố thí, tôn giả thuận theo cơ duyên đời trước của người vợ đó mà nói kệ:

“Ngươi nay thọ dụng nghiệp đời trước,
Hiện tại không có tâm thí xả,
Từng thấy mỹ nữ lệ ướt áo,
Không bao lâu nữa lại khóc than”.

Nói kệ xong liền bỏ đi. Người vợ này tuy nghe nhưng không hiểu được cú nghĩa, cho là sa môn mắng mình nên trong lòng sân não, khi Bà-la-môn về đến liền nói với chồng: “Vừa rồi có Sa-môn đến mắng nhiếc em, nếu sa môn kia sống thì em chết”, người chồng nghe rồi nổi giận rút kiếm đuổi theo muốn giết Ô-đà-di, Ô-đà-di liền hóa ra cái thất nhỏ ngồi bên trong, Bà-la-môn đến kêu mở cửa, tôn giả nói: “Hãy buông kiếm xuống, tôi sẽ mở cửa”, Bà-la-môn tuy buông kiếm nhưng trong lòng sân giận cực độ nghĩ là sẽ dùng tay đánh chết tôn giả, tôn giả nói: “Hãy bỏ cái ý sân giận bạo ác đó tôi mới mở cửa”, Bà-la-môn nghe rồi thầm nghĩ: “Đây là Thánh nhơn nên biết được ý của ta”, liền tự hối trách bỏ tâm ác hại, cửa thất liền mở, Bà-la-môn vào thất, tôn giả nói pháp khiến cho Bà-la-môn ngay nơi chỗ ngồi chứng được sơ quả, ông liền xin thọ Tam quy và năm học xứ. Lúc đó Ô-đà-di nói: “Tôi không phải mắng nhiếc vợ ông, chỉ nói bốn câu kệ muốn vợ ông suy nghĩ nhớ lại việc quá khứ, ông hãy lắng nghe: Thuở xưa có một người đàn bà nghèo thấy một mỹ nữ quý phái có kẻ hầu người hạ, được mọi người yêu mến nên trong lòng âu sầu suy nghĩ: “Làm thế nào để được như thế”, liền đem ý nghĩ của mình nói cho bạn là Ô-ba-sách-ca biết, người bạn nói: “Bạn sầu não vô ích, người nữ kia được quả báo đó là do gieo nhơn đời trước”, liền hỏi gieo nhơn như thế nào, người bạn nói: “Nên dâng cúng ẩm thực cho phước điền thù thắng rồi chí thành phát nguyện, đời sau sẽ được y như sở nguyện”. Người đàn bà này liền đem thức ăn dâng cúng cho một vị Độc giác và phát nguyện: “Nguyện đem căn lành cúng dường này đời sau sanh bất cứ nơi nào cũng không có nghèo khổ; nếu được thân người thì xinh đẹp được người yêu mến, thọ dụng đều đầy đủ”.

Vợ của ông do đời trước cùng dường phát nguyện nên đời này được quả báo xinh đẹp, thọ dụng đầy đủ, sanh trong nhà quý tộc được mọi người quý trọng; nhưng nếu ngày nay không có lòng tin thì đời sau sẽ được gì”. Bà-la-môn đã chứng quả lại nghe duyên đời trước của vợ mình, bèn thỉnh tôn giả về nhà cúng dường. Tôn giả thọ thực xong nói pháp khiến cho người vợ của Bà-la-môn cũng chứng được sơ quả…

9. Lưỡng bội: Trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn tuy giàu có nhưng rất bỏn xẻn. một hôm có việc phải đi xa nên trước khi đi tính kỹ khẩu phần để cho vợ thọ dụng rồi cất tất cả của cải vào trong kho khóa lại. Lúc đó Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được người vợ này nên đến nhà đó khất thực, người vợ đem phần cơm vừa đúng một thăng gạo của mình dâng cúng, nhưng sau đó lại thấy cơm và thức ăn vẫn còn nguyên như cũ. Sáng hôm sau Ô-đà-di dẫn thêm một Bí-sô nữa đến khất thực, người vợ này sau khi dâng cúng rồi trở vào vẫn thấy cơm và thức ăn còn nguyên như cũ. Cứ như thế mỗi ngày Ô-đà-di dẫn số người đến tăng lên gấp bội cho đến sáubốn người mà phần cơm và thức ăn của thí chủ vẫn còn nguyên như cũ. Khi Bà-la-môn về đến nhà hàng xóm liền mách lại việc người vợ của ông hằng ngày đều cúng dường cho cả trăm vị sa môn, Bà-la-môn nghe rồi liền quở trách người vợ, người vợ nói: “Em chỉ dâng cúng khẩu phần ăn mà anh để lại cho em, tài vật trong kho không hề đụng tới”, người chồng sau khi kiểm kho thấy quả thật như lời vợ nói liền muốn thử nghiệm thật hư. Lúc đó Ô-đà-di dẫn chúng Bí-sô đến nhà thọ thực như thường lệ, ăn xong ra về mà thức ăn trong nhà vẫn còn nguyên như cũ. Bà-la-môn thấy việc này rồi sanh tâm hy hữu liền thỉnh chúng tăng về nhà cúng dường, ăn xong nghe Ô-đà-di thuyết pháp đều được Kiến đế…

10. Bạo ác: Trong thành Thất-la-phiệt có người vợ của một Bàla-môn tánh bạo ác hay mắng nhiếc chồng, đến ngày tiết hội người chồng sợ vợ mắng trước mặt những người thân quen thì xấu hổ nên dắt đứa con đi tránh qua thôn khác. Lúc đó Ô-đà-di quán biết mình có thể hó độ được người vợ của Bà-la-môn này nên đến trước nhà đó gặp lúc bà ta đang nấu ăn, bà thấy tôn giả đứng gần đó liền nói: “muốn xin thức ăn à, cho dù ông cố sức mở to mắt như cái bát cũng không có thức ăn”, tôn giả liền mở to mắt như cái bát, bà ta lại nói: “Cho dù thân ông chia làm hai đoạn cũng không cho thức ăn”, tôn giả liền hóa thân làm hai đoạn. Lúc đó đứa tớ gái liền nói: “Nếu giết Bí-sô thì phạm hình pháp sẽ bị đày khổ sai chung thân”, bà ta kinh sợ muốn khiêng xác chết quăng xuống hầm, nhưng tôn giả nhập Diệt tận định nên bà ta không thể kéo đi được. Bà liền nắm chân tôn giả ân cần sám tạ, nguyện cầu tôn giả trở lại nguyên hình bà sẽ cúng dường theo ý muốn. Tôn giả liền trở lại nguyên hình, bà liền lấy bánh trong thẩu ra cúng, lúc bà đang lựa lấy cái bánh xấu để cúng thì bao nhiêu bánh trong thẩu đều ra theo tay bà, bà hỏi tôn giả: “Ông muốn lấy hết thẩu bánh hay sao?”, tôn giả nói: “Đồng phạm hạnh của tôi rất đông, nếu bà đích thân mang bánh đến cúng thì rất tốt”. Bà liền mang bánh đến nhà trưởng giả Cấp-cô-độc dang cúng Phật và Tăng mỗi vị một cái bánh nhưng bánh vẫn không hết, bà thấy việc này rồi sanh lòng kính tín khen là việc chưa từng có, tôn giả liền nói pháp khiến bà chứng được sơ quả, khi bà trở về nhà thấy thẩu bánh vẫn còn nguyên. Lúc đó người chồng dắt con trở về thấy bà khác trước, việc làm cũng khác thường bèn nói kệ:

“Chí em trước ngông cuồng,
Do đâu nay có khác,
Anh xem việc em làm,
Không giống như trước đây”.
Người vợ đáp:
“Xưa không phải em cuồng,
Nay cũng không ý khác,
Chỉ nhờ Thế tôn dạy,
Kiến đế chứng Dự lưu”.

Người vợ liền kể lại sự việc trên, người chồng nghe rồi khen là việc chưa từng có sanh tâm tín kính, liền đến trong rừng Thệ-đa thỉnh Ô-đà-di và Phật cùng Tăng sáng mai đến nhà thọ thực… Phật và Tăng thọ trai xong trở về trú xứ, Ô-đà-di ở lại nói pháp yếu khiến người chồng cũng được Kiến đế…

11. Đồng niên: Trong thành Thất-la-phiệt có năm trăm người con của các Bà-la-môn, đến ngày tiết hội mỗi người đều mang thức ăn đến trong Viên lâm ăn uống vui chơi. Lúc đó Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được các đồng niên này nên đến chỗ các đồng niên này đang vui chơi, mọi người thấy Ô-đà-di đến liền nói với nhau: “Bí-sô này từ chủng tộc nào xuất gia”, một người trong bọn nói: “Vị này thuộc dòng Bà-la-môn bỏ dòng tộc cao quý làm sa môn”, mọi người nghe rồi liền hỏi tôn giả: “Ông là con của vị đại thần thuộc dòng tộc cao quý, tại sao lại bỏ, xuất gia vào trong giới tạp loại ở chung với hạng người thấp kém, ăn không lựa chọn, ngồi không có thứ lớp”, tôn giả nói: “Bà-la-môn của thế gian có danh mà không có nghĩa, người mà tôi nương tựa là bậc Đại sư vô thượng, còn các Thánh chúng thì có thể trừ được tội ác, đây mới chính là Bà-la-môn chơn thật”. Các đồng niên nghe rồi liền vỗ tay cười, Ô-đà-di liền dùng thần lực biến tràng hoa trên đầu của họ thành xâu hành tỏi, bánh biến thành da bò, thức ăn ngon biến thành thịt bò, sữa và nước uống biến thành rượu đều là những món mà Bà-la-môn không ăn được; còn trong bát của tôn giả đều là thức ăn thanh tịnh. Tôn giả nói: “Các ngươi xem giữa ta và các ngươi ai là thanh tịnh, ai là ăn không chọn lựa”, các đồng niên nghe rồi liền nói với nhau: “Tôn giả đó đã dùng thần lực biến hóa ra như thế, chúng ta nên đến sám tạ”, nói rồi liền cùng nhau đến đảnh lễ và bạch rằng: “Thánh giả, chúng con ngu si vô ý thức, ỷ dòng họ của mình nên nói ra lời thô ác xúc phạm thánh giả, cúi xin Thánh giả từ bi cho chúng con sám tạ”, liền nói kệ:

“Da thịt, máu, tiện lợi,
Khổ vui, căn không khác,
Đều đồng thân cấu uế,
Bốn giai cấp khác gì.
Nếu thân lìa cấu uế,
Miệng cũng không phạm tội,
Người mà tâm thanh tịnh,
Chơn thật Bà-la-môn.
Pháp thắng diệu trang nghiêm,
Tu phạm hạnh điều phục,
Trừ được các nghiệp ác,
Chơn thật Bà-la-môn”.

Ô-đà-di nghe kệ rồi, biết căn cơ của các đồng niên này đã thuần thục liền nói pháp yếu khiến cho năm trăm đồng niên này ngay nơi chỗ ngồi đoạn trừ phiền não được Kiến đế, lúc đó thân và thực ăn ở chỗ họ đều trở lại thanh tịnh như cũ…

12. Bát: Trong thành Thất-la-phiệt có một Bà-la-môn giỏi chú thuật nhưng không tin Tam bảo, thường dùng sức chú thuật để sai khiến quỷ thần đánh xe đưa ông đi theo ý muốn. Lúc đó Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được Bà-la-môn này nên đến trước nhà ông, thấy ông đang chú thuật sai khiến quỷ thần đánh xe đưa ông đi, lúc xe dừng lại để cho ông ta xuống đi tiểu, Ô-đà-di khiến ông ta tiểu mãi rồi giải chú thuật thả cho quỷ thần đi, khi Bà-la-môn trở lại thì không còn có quỷ thần đánh xe cho ông nữa, dù ông chú thuật cũng không hiệu nghiệm. Bà-la-môn biết là do Ô-đà-di làm nên nói: “Do ông giải thần chú nên không còn ai đánh xe cho tôi nữa, làm sao đây?”, Ô-đà-di mở bình bát bảo ông nhìn vào trong bát rồi nói: “Bát này sẽ là người cấp thị cho ông, tùy ông muốn gì trong bát liền hiện ra như thế ấy”, Bà-la-môn nghe rồi liền thử nghiệm, vừa nghĩ đến thức ăn trăm vị thì các món ăn đó đều hiện ra trong bát, Bà-la-môn thấy rồi khen là việc chưa từng có liền nói với Ô-đà-di: “Đây là diệu thuật, xin Thánh giả ban cho con”, tôn giả liền nói kệ:

“Minh chú không cho người,
Dùng chú đổi mới cho,
Có lúc được cung cấp,
Lúc được nhiều của báu,
Nếu không được như vậy,
Chết cũng không truyền trao”.

Bà-la-môn nghe kệ rồi nói: “Con không có diệu thuật dùng để trao đổi, cũng không có của báu để cung phụng, chỉ dùng thân này cung cấp hầu hạ, xin Thanh giả thương xót ban minh chú cho con”, tôn giả nói: “Nếu ông muốn được minh chú thì hãy ở trong pháp luật khéo giảng nói của Như lai xuất gia”, Bà-la-môn vì muốn được Minh chú nên nghe lời xuất gia, xuất gia rồi liền đòi minh chú, tôn giả nói: “Ông hãy nghe nghĩa của minh chú: Các hành đều vô thường, các pháp đều vô ngã, Niết-bàn chơn tịch diệt, minh chú ở trong bát này, nếu ông trong ba đêm siêng năng tư duy cú nghĩa, chắc chắn sẽ hiệu nghiệm”. Bà-la-môn này vì mong cầu thần nghiệm nên suốt trong ba ngày đêm nổ lực tư duy cú nghĩa, cuối cùng hiểu thấu diệu lý nguồn chơn, đoạn trừ các hoặc chứng quả A-la-hán. Chứng quả rồi người đệ tử này vội đến chỗ thầy đảnh lễ bạch rằng: “Bạch thầy, nay con thật được minh chú vô thượng, sanh tử đã hết, phạm hạnh đã lập, không còn thọ thân sau, biết đúng như thật”. Ô-đà-di nói: “lành thay, thầy là người chơn chánh báo ân Phật, mình người đều được lợi, không còn luân hồi trong ba cõi nữa”.

13. Tương phốc nhơn: Có một tráng sĩ từ phương Nam đến nước trung phương tìm người đấu sức, khi đến cửa thành Thất-la-phiệt liền cởi áo vỗ đùi rao lên rằng: “Tôi từ phương Nam đến, muốn tìm người đấu sức, nếu ai có khả năng thì cùng tôi đấu sức”, lúc đó trong thành không ai dám đối địch. Ô-đà-di quán biết mình có thể hóa độ được tráng sĩ này nên đến chỗ tráng sĩ nói: “Ông muốn tìm người đấu sức phải không?”, đáp phải, Ô-đà-di nói: “Tôi sẽ đấu sức với ông nhưng tôi giao hẹn hễ tôi đánh được thì ông cũng phải đánh được”, tráng sĩ liền nói: “hễ ông đánh được thì tôi cũng đánh được”, Ô-đà-di nói: “Sợ ông không đương nổi”, tráng sĩ nói: “Chờ khi đối địch mới biết ai mạnh yếu”, Ô-đà-di nói: “Tham sân si là ba điều tôi đã hàng phục được, ông hãy thử xem có đánh bại được chúng hay không?”, tráng sĩ nói: “Ba điều đó có sức mạnh áp đảo được mọi người, tôi làm sao địch lại được”, Ô-đà-di nói: “Ông phải xuất gia mới địch lại được chúng”. Tráng sĩ liền xuất gia nổ lực tư duy hàng phục ba độc, không bao lâu sau đoạn hết kiết hoặc chứng quả A-la-hán, chứng quả rồi liền đến chỗ Ô-đà-di bạch rằng: “Đại sư, con đã hàng phục được ba độc”. Như vậy tổng cộng mười ba việc Bí-sô Ô-đà-di ở trong thành Thất-la-phiệt đã giáo hóa mười tám người đều được giải thoát.

Lúc tôn giả Ô-đà-di hóa độ người vợ bạo ác của Bà-la-môn nói pháp khiến cho hai vợ chồng đều được Kiến đế, họ xin được trọn đời cúng dường tứ sự, tôn giả từ chối không nhận nên người vợ của Bà-la- môn nguyện xin làm chỗ ngồi dành riêng cho tôn giả ngồi thọ thực sau mỗi lần khất thực, tôn giả nhận lời. Thời gian sau bà lâm bịnh, trước khi chết bà dặn dò con trai và con dâu không được dẹp bỏ chỗ ngồi dành cho tôn giả Ô-đà-di ngồi thọ thực. Người mẹ qua đời được một thời gian thì người con trai vì đi đến phương khác kinh doanh nên để người vợ ở lại nhà, người vợ này do dục tâm hừng thạnh nên cùng tướng soái giặc tư thông. Tôn giả Ô-đà-di mỗi lần đến nhà đó vào chỗ ngồi đã dành sẵn cho mình ngồi thọ thực liền quán biết người vợ đó dục tâm hừng thạnh, nên thường nói pháp mục đích giúp bà ta lìa dục. Người vợ này biết được dụng ý của tôn giả, sợ khi chồng bà ta trở về, tôn giả sẽ nói lại cho chồng biết nên bà nghĩ cách giết chết tôn giả. Sau đó bà kể lại nổi lo sợ của mình và nói với tướng soái giặc: “Nếu Bí-sô này sống thì em chết”, rồi giả vờ đau bảo người hầu đến mời tôn giả Ô-đà-di đến cho bà gặp mặt, tôn giả nghe tin không kịp quán sát vội đến nhà bà ta, lúc đó tướng soái giặc sợ bị lộ việc vụng trộm của mình nên cầm dao giết chết tôn giả, đem thi hài bỏ nơi đống phân. Hôm đó là ngày bố tát, tất cả Bí-sô đều tập họp chỉ thiếu mỗi một Ô-đà-di, Thế tôn được niệm không quên liền bảo Đại chúng: “Trong số những vị giáo hóa hữu tình, Ô-đàdi là bậc nhất. Nay cụ thọ ấy đã bị người giết đem bỏ nơi đống phân, các thầy hãy làm lễ trưởng tịnh”, các Bí-sô trưởng tịnh xong, Phật liền bảo các Bí-sô đến chỗ Ô-đà-di bị giết để cúng dường lần cuối. Đêm đó Phật và đại chúng ra đến cửa thành, phóng ánh sáng chiếu khắp thành ấp, cửa thành tự mở, mọi người tưởng trời đã sáng nên đều thức dậy, chỉ có người tuần tra ban đêm là biết trời chưa sáng. Vua Thắng quang và phu nhơn… cũng đang kinh ngạc thì nghe môn nhơn vào tâu là Phật và Thánh chúng ra đến cửa thành, vua liền ra lịnh quần thần cùng phu nhơn và các cung nhơn ra đến cửa thành, đảnh lễ Phật rồi hỏi rõ nguyên do, Phật nói: “Trong số những vị giáo hóa hữu tình thì Ô-đà-di là bậc nhất, nay đã bị người giết đem xác bỏ nơi đống phân, ta cùng đại chúng muốn đến làm lễ trà tỳ cúng dường xá lợi”. Vua nghe rồi liền cho trang trí xe tang bằng bốn báu, cùng phu nhân và quần thần tháp tùng theo Phật đến chỗ đó, đem thi thể của tôn giả rửa sạch bằng nước thơm rồi để trên xe tang bốn báu rồi cùng tiễn đưa đến chỗ trà tỳ có cờ phướng, kỹ nhạc với hương trầm nghi ngút, đại chúng tụng kinh vô thường xong châm lửa hỏa thiêu thu lấy xá lợi để trong bình vàng rồi xây tháp ở ngã tư đường cúng dường. Sau đó tất cả mọi người đều trở về trú xứ của mình, Phật bảo các Bí-sô: Do đi phi thời nên mới chiêu lấy lỗi lầm này, nay ta chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô phi thời vào trong thôn xóm, phạm Ba-dật-để-ca”.

Sau đó các Bí-sô có trách nhiệm khán bịnh vì phi thời không được vào thôn xóm nên không thể đi nuôi bịnh, Bí-so thọ sự cũng không thể đi lo việc của Tăng, các Bí-sô đem việc này bạch Phật, Phật nói: “Nên dặn lại cho Bí-sô biết rồi đi, nên dặn như sau: Cụ thọ nhớ nghĩ, tôi có nhơn duyên thăm nuôi bịnh hoặc lo việc của Tăng nên phi thời vào trong thôn xóm, bạch cụ thọ biết cho. Vị được dặn nên đáp là Áo tỷ da.”.

Sau đó lại có Bí-sô gởi y bát trong nhà thế tục, phi thời bị lửa cháy, Bí-sô vội chạy đến để lấy lại y bát, giữa đường sực nhớ là chưa dăn lại Bí-sô nên không dám đi nữa bèn trở về, lúc đó y bát đều bị cháy hết, các Bí-sô bạch Phật, Phật nói trừ nhân duyên rồi bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, nên nói lại học xứ này như sau: “Nếu lại có Bí-sô phi thời vào trong thôn xóm mà không dặn lại Bí-sô khác thì phạm Ba-dật-để-ca, trừ nhân duyên”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho người trong pháp luật này. Phi thời là từ quá ngọ cho đến sáng hôm sau khi mặt trời chưa mọc. Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô lúc phi thời khởi tưởng là phi thời và nghi thì phạm Đọa; nếu là thời mà tưởng là phi thời và nghi thì Ác-tác, các trường hợp khác đều không phạm. Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.

Sau khi phu nhơn Thắng man biết được chính tướng soái giặc đã giết chết Bí-sô Ô-đà-di liền tâu vua cho quân đi bắt giặc để bảo hộ các Bí-sô khác, vua liền ra lịnh cho Hữu-ty đem quân đi bắt giặc. Bắt được tướng soái giặc rồi vua liền ra lịnh bỏ vào chảo dầu sôi để giết chết, các đồng bọn đều bị chặt tay, người nữ cùng tướng soái giặc tư thông đã hãm hại Ô-đà-di thì xử tội chết ngũ mã phanh thây. Lúc đó các Bí-sô đều có nghi thỉnh hỏi Phật: “Thế tôn, tướng soái giặc kia đã tạo nghiệp gì mà giết chết Ô-đà-di để chịu tội chết khốn khổ. Người nữ tư thông kia và các giặc đồng bọn cũng đều bị nhục hình?”. Phật bảo các Bí-sô: “Do nhà vua cùng tất cả những người trong cuộc kia đời trước đã tự tạo nghiệp, nay trở lại tự thọ. Các thầy lắng nghe: Thuở xưa ở thành Bala-nê-tư có vua tên là Phạm ma đạt đa, đại thần của vua là người thông minh hiểu rộng có năm trăm đệ tử, ví tham lợi nên tâu với vua rằng: “Thần nằm mộng thấy trong mười hai năm trời sẽ không mưa, quốc độ rối ren, dân chúng đói khổ, vương vị sẽ nguy khốn”, vua nghe rồi liền hỏi phương cách tránh tai ương, đại thần nói: “Nên giết năm trăm con bò cúng tế giống như đại hội thiết cúng của Bà-la-môn thì có thẻ tránh được tai ương”, vua liền ra lịnh tập trung năm trăm con bò lại một chỗ, bò rống kêu thảm thiết khiến nhà vua động lòng bi liền hỏi đại thần: “Phải giết cả bầy bò này hay sao?”, đại thần nói: “Trong bầy bò này nếu khi sắp giết mà con nào cùng làm việc dâm dục thì giết chết con đó”. Cứ như thế hễ đại thần nói bò này đáng chết thì năm trăm đệ tử đều nói là đáng chết, vợ của đại thần cũng nói là đáng chết thì con bò đó bị giết để cúng tế.

Này các Bí-sô, đại thần xưa kia chính là tướng soái giặc, vợ của đại thần chính là người nữ cùng tư thông, năm trăm đệ tử của đại thần chính là các giặc đồng bọn. Hai con bò bị giết xưa kia chính là vua Thắng quang và phu nhơn Thắng man, xưa bị chúng giết nên nay giết chúng trở lại. Tất cả loài hữu tình đã tự tạo nghiệp thì quả báo không mất, tuy trải qua trăm kiếp, khi nhân duyên hội họp thì trở lại thọ quả báo. Vì vậy các thầy nên tu phẩm thiện chớ tạo nghiệp ác. Này các Bí-sô, Ô-đà-di trước kia đã tạo nghiệp gì mà nay bị người giết chết rồi bị đem bỏ nơi đống phân? Thuở xưa, trong một thôn nọ có một thợ săn thường săn bắt cầm thú làm kế sinh nhai, lúc đó có một vị Độc giác du hành đến trong khu rừng đó nương ở khiến cho người thợ săn này không săn bắt được cầm thú như trước được nữa nên muốn tìm hiểu nguyên nhân vì sao. Lúc đó thợ săn tìm thấy dấu chân người liền noi theo dấu chân đến chỗ vị Độc giác đang ngồi tĩnh tọa, thợ săn suy nghĩ: “Chính là do người này nên khiến ta không săn bắt được cầm thú”, nghĩ rồi liền tra mũi tên độc vào cung bắn vào chỗ hiểm của vị Đôc giác. Vị Độc giác liền bay lên hư không biến hiện mười tám cách, thọ săn thấy rồi đảnh lễ cầu sám tạ, Độc giác thương xót nhận kia sám tạ rồi mạng chung, thợ săn trà tỳ nhục thân của Độc giác rồi thu lấy xá lợi xây tháp cúng dường và phát nguyện: “Nguyện nhờ công đức cúng dường này khiến đời sau không thọ báo địa ngục, sẽ gặp được bậc Đại sư thù thắng để thừa sự cúng dường”.

Này các Bí-sô, thọ săn xưa kia chính là Ô-đà-di xưa kia giết người nên trở lại bị người giết. Lại nữa Ô-đà-di này đời trước đã tạo nghiệp gì được chứng quả A-la-hán thừa sự nơi ta lại bị người giết chết rồi còn đem bỏ nơi đống phân, Phật cùng Tăng chúng, vua và đại thần, phu nhơn và các cung nhơn cùng sĩ thứ trong thành đều đến tiễn đưa đến chỗ hỏa thiêu rồi thu lấy xá lợi xây tháp cúng dường như thế? Thuở xưa có một người thợ gốm thấy một vị Độc giác thân mang bịnh tật đến khất thực liền xua đuổi kéo ra nơi đống phân, vị Độc giác do nhân duyên này mà mạng chung. Lúc đó có một vị Độc giác khác đi ngang qua trên không trung thấy thi hài của vị độc giác này nên hiện thân xuống dùng hương hoa cúng dường. Người thợ gốm sau khi biết đó là vị Độc giác liền tự hối trách, biết mình không có khả năng hỏa thiêu như pháp nên đến tâu vua làm lễ trà tỳ. Vua nghe vị Độc giác Niết-bàn phi lý như vậy nên ra lịnh cho quần thần và hậu cung thể nữ cùng sĩ thứ trong thành mang hương hoa đến cúng dường. Lễ trà tỳ xong, người thợ gốm làm cái bình màu vàng đựng cốt của vị độc giác rồi đến ngã tư đường xây tháp thờ và phát nguyện: “Nguyên nhờ công đức cúng dường này khiến cho đời sau không sanh vào cõi Nại-lạc-ca, được gặp bậc đại sư thù thắng, thân thừa sự thánh giáo không có nhàm chán, chứng được thần thông tự tại”.

“Này các Bí-sô, người thợ gốm xưa kia chính là Ô-đà-di, do dư báo của ác nghiệp xưa nên trong năm trăm đời thường bị người giết rồi đem bỏ nơi đống phân. Nhờ diệu lực phát nguyện xưa kia nên nay được gặp ta thành tựu quả A-la-hán; lại nhờ công đức cúng dường ngày xưa nên nay sau khi Niết-bàn được Ta cùng đại chúng, vua và quần thần đến làm lễ trà tỳ cúng dường. Lại do duyên gì trong số những người giáo hóa hữu tình, Ô-đà-di là bậc nhất vì vào thời quá khứ lúc Phật Ca-diếpba ra đời, Ô-đà-di xuất gia trong giáo pháp của Phật là bậc đại pháp sư khéo nói pháp giáo hóa hữu tình có vô lượng ức số. Do nghiệp lực xưa nên nay là bậc nhất trong số những người giáo hóa hữu tình. Vì vậy các Bí-sô, nên quán sát quả báo thiện ác như bóng theo hình không mất, các thầy nên siêng tu nghiệp thiện, từ bỏ ác hạnh, nên học như thế”.

Nhiếp Tụng Thứ Chín:

Ăn, minh tướng nay biết,
Ống kim, lượng chân giường,
Dồn bông và tọa cụ,
Ghẻ, mưa, y Đại sư.

Học Xứ Thứ Tám Mươi Mốt: TRƯỚC VÀ SAU BỮA ĂN ĐẾN NHÀ NGƯỜI KHÁC KHÔNG DẶN LẠI

Phật ở trong vườn Cấp-cô-độc rừng Thệ-đa thành Thất-la-phiệt, trong thành này có một trưởng giả giàu có thọ dụng dư dã, lúc đó Ô-banan-đà khất thực đến nhà ông, trưởng giả đem cơm ra cúng thí, Ô-banan-đà liền nói về người thí được năm công đức: Sống lâu, sắc đẹp, sức khỏe, an lạc và tài ăn nói. Trưởng giả nghe rồi sanh hoan hỉ đảnh lễ và xin quy y Tam bảo thọ trì năm học xứ. Vào một ngày khác Ô-ba-nan-đà lại đến nhà trưởng giả, trưởng giả nói: “Thánh giả, nay tôi muốn thỉnh Phật và Tăng về nhà thọ thực, xin Thánh giả bạch Phật”, Ô-ba-nan-đà trở về trú xứ nhơn danh trưởng giả thỉnh Phật và Tăng. Đến ngày thọ thỉnh vào sáng sớm Ô-ba-nan-đà đến nói với trưởng giả: “Tôi có duyên sự tạm đến nhà khác trước, nếu tôi không đến ông khỏi phải dọn thức ăn”, nói rồi bỏ đi. Đến giờ Phật và Tăng đến nhà trưởng giả, các Bí-sô bảo ông xướng tùy ý, trưởng giả lại nói rằng: “Tôi đã vì đại chúng sửa soạn đầy đủ tất cả rồi”, Phật nói: Như vậy tức là thành xướng tùy ý rồi”, nhưng Phật và Tăng ngồi đã lâu, sắp đến giờ ngọ mà trưởng giả không dâng thức ăn cúng dường, Phật bảo A-nan-đà: “Thầy nên nhắc trưởng giả giờ thọ thực đã đến”, A-nan-đà liền nhắc trưởng giả, trưởng giả nói: “Thánh giả, Ô-ba-nan-đà chưa đến”, A-nan-đà nói: “Nếu Ô-ba-nan-đà không đến thì không dọn thức ăn ra dâng cúng hay sao?”, trưởng giả nói đúng vậy, A-nan-đà bạch Phật, Phật nghe rồi liền nói kệ:

“Hệ thuộc người đều khổ,
Tự do mới an vui,
Kiêm việc có thiếu sót,
Người trí không nên làm”.

Sắp qua giờ ngọ Ô-ba-nan-đà mới đến, lúc đó trưởng giả mới dọn thức ăn ra dâng cúng nên có Bí-sô ăn được một ít, có Bí-sô không ăn kịp miếng nào vì qua giờ ngọ. Phật nói kệ bố thí rồi cùng đại chúng ra về, Ô-ba-nan-đà ở lại nhà trưởng giả không về chùa cùng chúng tăng làm lễ bố tát, cũng không gởi dục đến khiến chúng tăng ngồi lâu mõi mệt, lúc đó các Bí-sô đều chê trách rằng: “Tại sao Bí-sô thọ nhà người thỉnh thực trước bữa ăn không đến sớm, ăn rồi cũng không về mà ở lại lâu trong nhà thế tục”, sau đó bạch Phật, Phật do nhân duyên này nhóm họp các Bí-sô… cho đến câu: … Chế học xứ này cho các Bí-sô như sau: “Nếu lại có Bí-sô thọ nhà người thỉnh thực, trước và sau bữa ăn lại đi đến nhà người khác thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Sau đó có Bí-sô nuôi bịnh và Bí-sô thọ sự trước và sau bữa ăn không dám đi nên phế bỏ công việc của mình, các Bí-sô bạch Phật, Phật bảo các Bí-sô: Trước kia là sáng chế, bây giờ là tùy khai, học xứ này nên nói lại như sau: “Nếu lại có Bí-sô thọ nhà người thỉnh thực, trước và sau bữa ăn lại đến nhà người khác mà không dặn dò lại thì phạm Ba-dật-để-ca”.

Nếu lại có Bí-sô là chỉ cho Ô-ba-nan-đà. Trước bữa ăn là trước giờ ngọ, nếu ghé qua hai nhà thì phạm Đọa; Sau bữa ăn là sau giờ ngọ, nếu ghé qua ba nhà thì phạm Đọa. Không đặn lại là không dặn lại thí chủ: Tôi đến nhà đó; hoặc không dặn lại Bí-sô: Tôi đến nhà đó.

Trong học xứ này tướng phạm như thế nào?

Nếu Bí-sô thọ nhà người thỉnh thực, trước bữa ăn ghé qua hai hà, sau bữa ăn ghé qua ba nhà mà không dặn lại thì phạm Đọa. Nếu Bí-sô này không phải là người đại diện cho thí chủ thỉnh thực thì không phạm; Không phạm nữa là người phạm ban đầu hoặc si cuồng tâm loạn bị thống não bức bách.