CẢM NIỆM NGÀY PHẬT ĐẢN
Hồi ký Hạnh Đoan
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

Đêm nay, thơ thẩn dạo quanh ngôi tự viện nhỏ nằm ven ngoại ô, tôi dừng lại ngắm hồ sen loang loáng ánh trăng.

Con trăng đầu hạ nằm chênh chếch sau mấy dãy lầu cao, trở nên lu mờ bên những cột đèn sáng rỡ. Phía xa một góc trời, mây đen đang từ từ giăng kín, báo hiệu một cơn mưa tầm tã. Mưa đầu mùa tháng Tư.

Thời tiết tháng Tư là vậy, cái nắng, nóng, và mưa luôn hoà quyện lấy nhau, vần xoay lưu diễn. Mưa và nắng đều cần cho nhân gian. Giữa những xô bồ tạp nham của dòng đời vẫn lẫn khuất sự yên tĩnh bên trong. Khi những ồn náo cuồng loạn ngừng bặt thì tịch nhiên hiện diện. Giống như chốn bùn nhơ sản sinh hoa sen tinh khiết, giữa cõi đời ô trược có được Bậc Thánh bi trí đản sinh

– không phải vào mùa Xuân ấm áp hay mùa Thu trong thanh – mà là mùa đầy côn trùng lúc nhúc, mùa nắng mưa đan xen, một thời tiết không lấy gì làm thơ mộng nhưng có thể biểu trưng cho nét mịt mù của trần thế.

Ngày nhỏ, mỗi lần học sử Phật, tôi thường phàn nàn thầm: “Sao ngài không giáng sinh ở nước Việt Nam để tôi được hãnh diện, hỉnh mũi đôi chút, để tôi tự hào rằng mình sinh ra ở đất Phật, hay Phật sinh ra ở đất mình” (?)… Nhưng rồi tôi lại bật cười khi nghĩ lại, cách đây mấy ngàn năm, nghĩa là lúc Phật đản sinh, nào biết lúc đó tôi đang mang hình hài, thân phận gì? Quốc tịch, màu da ra sao? Trong bao nước đang hiện diện trên thế giới này, biết tôi thuộc về xứ sở nào? Hay vẫn chưa làm người và đang chìm đắm đoạ lạc ở tận đẩu tận đâu? Thôi thì bây giờ cứ đồng cảm, chia sẻ với bốn câu thơ của cổ nhân:

Phật tại thế thời, ngã trầm luân
Kim đắc nhân thân, Phật diệt độ
Áo não thử thân đa nghiệp chướng
Bất kiến Như Lai kim sắc thân

Lúc Phật trụ thế, con trầm luân
Giờ được thân người Phật diệt độ
Buồn tủi phận con nhiều nghiệp chướng
Chẳng được thấy chân thân Như Lai

Thán oán vậy, chứ đối với Phật, Ngài nào có phân biệt chủng tộc quốc gia? Hễ đất nước nào có khổ đau, bất công nhiều, thì Ngài giáng sinh nơi đó…

Quả tình xã hội Ấn thời bấy giờ sự phân chia giai cấp, kỳ thị rất tàn độc. Ngoài hàng Bà-la-môn và Sát-đế-lợi được xếp vào thành phần tôn quý, thì giai cấp tiện dân “Thủ-đà-la” là bất hạnh đáng thương nhất. Trong chương 8 điều 270 và 277 của Bộ luật Manu (luật pháp thời đó) quy định: “Nếu hàng tiện dân dám buông lời xúc phạm các giáo sĩ Bà la môn hay hàng quý tộc thì sẽ bị cắt lưỡi, nếu dám gọi tên họ thì sẽ bị dùi sắt nung đỏ đâm vào cổ, còn nếu hàng quý tộc phán lịnh mà họ không nghe thì sẽ bị nấu đồng sôi đổ vào tai, vào miệng”… Có lẽ chưa có đất nước nào lại sản sinh bộ luật khắc nghiệt tàn độc với con người như vậy? Chỉ liệt kê sơ sơ cũng đủ hình dung được những thống khổ ngút trời rồi.

Ấn Độ là một nước đông dân, đa tôn giáo, đến độ vào năm 1944 ông Krishamurti từng nhận xét: “Đất nước này có hơn sáu trăm tôn giáo nhưng đau khổ, bất công vẫn còn dẫy đầy”… Có tìm hiểu tỉ mỉ thì mới thấy Phật giáng sinh vào quốc gia này quả rất cần thiết và hợp lý.

Chúng ta chỉ nghe kể và biết đến quang cảnh tưng bừng khi Phật đản sinh: có chư Thiên rải hoa, có nhạc trời trổi vang lừng, có nước trời tuôn xuống tắm gội và Ngài đi bảy bước trên hoa sen… song chúng ta không để ý nên chẳng hiểu thấu được nhiệm vụ, trọng trách, sứ mệnh gian nan cực cùng của Phật khi Ngài sinh vào đất nước đầy dẫy thần quyền, áp bức và bất công này. Dù Phật sinh vào hoàng tộc, song trí tuệ và lòng bi vô bờ đã thúc dẩy Ngài rũ bỏ hư vinh của vương vị lẫn chức quyền để lìa cung vàng tìm lối thoát cho mình và nhân loại, mong đem lại phúc lạc cho tất cả chúng sinh, Ngài quyết xoá sạch tệ nạn phân chia giai cấp thâm độc, mang đến an vui vĩnh hằng cho tất cả.

Có thể nói Phật là một nhà cách mạng đầy nhiệt huyết, hùng tâm và lý tưởng: “Dùng từ cảm hoá, dùng trí độ người”. Cuộc cách mạng của Ngài xem ra rất tuyệt vời vì không có bóng dáng của bạo lực, không hề gây đổ máu, song gieo ảnh hưởng cực kỳ rộng lớn, vang mãi đến ngàn sau, pháp nhũ của Ngài đến giờ vẫn không ngừng giúp ích cho đời sống của nhân loại.

Khi Phật tuyên bố (mọi người đều bình đẳng) là đã xác nhận Nhân quyền, mà còn xác nhận Phật quyền: (ai cũng có khả năng giác ngộ, Ta là Phật đã thành, các người là Phật sẽ thành)…

Những lời tuyên bố này vào thời bây giờ không khó nghe, song vào thuở ấy thì chẳng khác nào sấm nổ giữa trời quang. Vì giới quý tộc quen nắm quyền sinh sát trong tay, dù họ có đổ đồng sôi hay cắt lưỡi hàng tiện dân cũng chẳng có luật pháp nào kết án hay xử tội họ… Đã vậy, Phật còn thâu nhận giai cấp tiện dân vào Tăng đoàn, việc làm này tất nhiên gây chấn động khắp nước và gieo bất bình khủng khiếp cho giới thượng lưu vốn quen kỳ thị…

Song, kết quả minh chứng thật hùng hồn: Ưu Ba Ly là thợ hớt tóc thuộc hàng tiện dân, sau khi xuất gia không lâu đã chứng Thánh quả và nổi danh trong hàng Thập đại đệ tử Phật. Cả cô gái hạ tiện Ma Đăng Già từng xỉu lên xỉu xuống vì tình khi trót phải lòng Tôn giả A Nan, sau khi xuất gia cũng đã sớm chứng quả A la hán, một quả vị mà ngài A Nan mãi đến sau khi Phật nhập Niết bàn rồi mới với tới.

Vào thời điểm xa xưa ấy, sự xuất hiện của Phật giống như vầng dương chói lọi xua tan bao u ám, tối tăm, Ngài đã cứu rỗi biết bao mảnh đời đau khổ trên thế gian này. Ngài không hề dùng uy quyền, vương vị hay đặt ra luật lệ bất công để ép buộc người ta tuân theo, Ngài dân chủ cực kỳ khi tuyên bố: “Đến để nghe Ta nói chứ không phải để tin. Tin mà không hiểu là phỉ báng Ta”. Ngài còn khuyên: “Đừng tin bất cứ điều gì dù nó được thốt ra từ kinh điển, từ các bậc Thánh hay trong phong văn, nếu chưa trải qua sự phán xét của trí tuệ và sự thực nghiệm của bản thân…”. Phật đã làm cuộc cách mạng của mình với hành trang cực kỳ giản dị: một bát, ba y, lang thang khắp Ấn Độ, tuyên chiến với mọi bất công và đau khổ, bằng tấm lòng từ ái thiết tha và trí tuệ uyên thâm như biển, Ngài hành xử rất ôn nhu nhưng không kém phần dũng cảm và kiên quyết, giúp tháo gỡ rối rắm, bôi xoá khổ đau, đánh đổ tà kiến, dẫn dắt chúng sinh vào nẻo hạnh phúc chân thực.

Khi nghiên cứu sử và thấu hiểu được nỗi khổ của dân Ấn Độ thời ấy, tôi đã không còn ghen tị hay so bì rằng họ sướng, họ được sinh vào thời Phật nữa, vì hiện tại tôi đang ở trên một đất nước kinh điển có đủ, Phật pháp được hoằng truyền bằng phương thức tối ưu hơn hẳn mấy ngàn năm xưa.

Giáo lý Phật giờ đây được lưu truyền không chỉ trong nước Ấn mà đi khắp các quốc gia, tới đâu cũng tô bồi củng cố, làm sáng thêm nền văn hoá bản địa, con người nhờ đấy mà biết cải thiện bản thân, biết tạo hướng sống an lành cho mình, thăng hoa thần trí…

Cho dù “Bất kiến Như Lai kim sắc thân”… tôi vẫn thấy an ủi khi nhớ câu Phật đã từng dạy: “Người làm theo lời Ta là gần Ta nhất”.

Xin cảm ơn những chiếc xe hoa, những cờ, những đèn lồng đủ sắc màu treo giăng rực rỡ, những đóa sen mỹ miều… được tôn tạo từ những tấm lòng tận tuỵ kính thành mừng Phật đản của bao người con Phật, nhắc tôi nhớ rằng mình còn quá nhiều diễm phúc: Được tận mắt nhìn thấy sự chuẩn bị chu đáo, công phu và trang nghiêm của Tăng Ni và Phật giáo đồ toàn thế giới cùng hân hoan đón mừng đại lễ Phật đản, thật vinh dự và hạnh phúc biết bao nhiêu!

Hạnh Đoan – 12/4/2019 AL