BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 8

Phẩm thứ 12: QUÁN VỀ KHỔ

Lại nữa, khổ không có tự tánh, đối tượng được đối trị là không. Vì nhằm ngăn trừ lối chấp cố định nên có Phẩm này.

Ngoại nhân nói: Trong đệ nhất nghĩa có các ấm ấy. Vì sao? Vì do có khổ. Ở đây nếu không có, tức không có khổ kia. Như đầu thứ hai. Ấm là khổ. Như kệ của kinh nói:

Khổ tập cũng thế gian

Xứ kiến cùng kia có.

Do nghĩa này, nên trong đệ nhất nghĩa có các ấm ấy. Luận giả nói: Phân biệt hư vọng về khổ là không đúng. Như kệ nói:

Có người muốn cho khổ

Tự tạo cùng tha tạo

Cùng tạo, không nhân tạo

Quả ấy đều không đúng.

Giải thích: Trong đệ nhất nghĩa, có vô số vô lượng quán xét như lý. Tức những thứ kia đều không đúng. Vì sao quán xét, khổ không phải là tự tạo. Như kệ nói:

Khổ nếu do tự tạo

Tức không từ duyên sinh.

Giải thích: Do tự tạo là không dựa nơi nhân duyên. Vì thế khổ từ duyên khởi. Tức không có nghĩa này. Nhưng thuyết kia không đúng, lại muốn đạt được. Nghĩa này là thế nào? Nghĩa là từ duyên khởi. Như kệ nêu:

Do ấm hiện làm nhân

Ấm vị lai được khởi.

Giải thích: Trong đệ nhất nghĩa, các ấm nối tiếp gọi là Điềuđạt, chẳng phải là Điều-đạt tạo. Vì sao? Vì dựa nơi duyên khởi. Ví như một hữu, do ấm hiện tại làm nhân, dẫn dắt ấm sau sinh khởi. Nghĩa chính là như thế.

Lại nữa, người của Tỳ-thế-sư nói: Các căn như thân v.v…, giác tụ tuy riêng, nhưng ngã thì không khác. Người kia cho một trụ khắp cũng là tác giả tạo ra khổ ấy, là tự tạo. Nếu nói các hành nơi sát-na sát-na sinh diệt, là vô thường, thì thuyết này có lỗi. Mắc phải những lỗi gì? Tâm ấy, nơi sát-na khổ cùng sinh, chẳng tức khổ này nơi sátna tâm tạo, nên chẳng phải là tự tạo, cũng chẳng phải là tha tạo. Vì sao? Vì sự tạo tác nghiệp của tha là tự thọ nhận quả. Nghĩa này là không đúng. Ý của ông nếu muốn khiến tha tạo tác: Tức trái với tự Tất-đàn. Luận giả nói: Ở đây lập nghiệm xét. Ông nói trượng phu tức là người tạo tác, nghĩa ấy là không đúng. Vì sao? Vì do chúng là thường. Ví như hư không. Do thường nghiệm xét, nên nhân biết không phải là người tạo tác. Trượng phu tạo tác, tự thể của pháp bị phá, nghĩa lập có lỗi.

Lại nữa, nếu ông nhất định cho ngã tạo ra khổ này, tức không từ duyên khởi, có lỗi như thế. Nghĩa ấy là thế nào? Do trong pháp của Tôi gọi khổ là ngã. Ý của nghĩa là như vậy. Lại, nếu nói trượng phu tạo nghiệp tức là tự tạo, chẳng phải là không nhờ vào nhân duyên khác cùng tạo, sau có thể khởi, thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao? Vì do vô lượng nhân cùng Ta tạo khổ. Nên nhận biết như thế. Như cỏ khô cùng với phân bò v.v… là tạo duyên của lửa. Ý nghĩa chính là như vậy.

Lại nữa, khổ của Điều-đạt chẳng phải là do ngã của Điều-đạt tạo. Vì sao? Vì do khổ, nên như Da-nhã khổ. Ông trước nói: Nếu sátna nơi các hành không khác với người tạo tác, thì chỗ tạo nghiệp ấy tức là tự tạo. Nay sẽ đáp lại ông. Trong đệ nhất nghĩa, khổ là không thể nêu bày, nên Tôi không có lỗi. Trong thế đế kia, tướng do nối tiếp nên nhân quả không khác. Thế gian cùng thấy, nói như thế này: Như nói đèn của xứ kia đi đến nơi cây Am-la này, là tôi đã gieo trồng. Đây cũng như thế. Thời gian sau có tướng cùng với tư duy trước kia nối tiếp. Nhân quả không khác với trước có cùng tư duy. Sát-na này tạo gọi là tự tạo. Do sát-na trước tư duy đã tích tập nghiệp thiện bất thiện. Nghiệp kia lúc diệt, cùng với nghiệp sau làm nhân. Như ngọn lửa của đèn kia, trước làm nhân cho sau. Như vậy lần lượt nối tiếp cho đến có được quả, nên chẳng phải là không tạo tác mà được. Cũng chẳng phải là tạo tác rồi diệt mất. Nếu ý của ông cho các hành nơi sát-na, trước đã tích tập nghiệp, là không thọ nhận quả sau. Vì sao? Vì do chúng khác nhau, như sự nối tiếp riêng khác. Nghĩa này là không đúng. Như kệ nói:

Xứ xứ pháp duyên khởi

Chẳng tức là duyên kia

Cũng chẳng khác duyên kia

Chẳng thường cũng chẳng đoạn.

Giải thích: Tất-đàn của Tôi là như thế. Ông lập khác làm nhân, nghĩa này là không thành. Vì sao? Vì do tâm trước nơi sátna đã truyền lại nghiệp. Sự đối trị chưa sinh, nên nối tiếp cùng với quả, do công năng hơn hẳn đối với khác. Ví như dùng nước nhựa Tử khoáng ngâm hạt cây Ma-đa-lộng-già rồi đem gieo trồng, thời gian sau, trong hoa của cây kia có màu sắc Tử khoáng, không trái với thế đế.

Lại nữa, thuyết cho là có trượng phu, nói: Một biên tạo nghiệp. Một biên thọ nhận quả, nên không có lỗi như trên. Luận giả cho: Một biên kia không tạo mà được. Một biên này đã tạo rồi bị hoại mất. Do biên tạo nghiệp vĩnh viễn không đạt được quả, tức có lỗi này. Ngoại nhân nói: Ngã là một nên không có lỗi. Làm sao nhận biết là một? Là cùng với một số tương ưng. Luận giả nói: Ngã cùng với một số tương ưng, là không có nghĩa như thế. Vì sao? Vì do có. Ví như một số. Do nghĩa ấy nên khổ không phải là tự tạo, cũng không phải là tha tạo. Nghĩa này là thế nào? Như kệ nói:

Nếu ấm trước khác sau

Ấm sau khác với trước

Ấm này từ kia sinh

Nên nói tha tạo khổ.

Giải thích: Nếu người muốn cho khổ do tha tạo, thì thể của pháp không thành, nghĩa lập có lỗi, nhưng thật sự là không đúng. Vì sao không đúng? Ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, ấm sau của Điều-đạt đối với ấm trước không phải là tha. Vì sao? Vì là ấm của Điều-đạt. Ví như thể của tự ấm sau. Lại, thể của khổ kia nối tiếp không khác, nên lập nghĩa, thí dụ như trước, nên biết.

Lại nữa, chấp có người, nói như vầy: Nghiệp do tha đã tạo, tự thọ nhận quả, nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì các phần vị sai biệt đều là người tạo, nên gọi là tự tạo khổ, cũng gọi là tha tạo, là hai nhà đã lập, Tôi không có lỗi ấy. Luận giả nói: Ông chỉ có lời này, là cũng không đúng. Như kệ nói:

Nếu người tự tạo khổ

Lìa khổ không người khác

Những gì là người kia

Nói người tự tạo khổ.

Giải thích: Những gì là khổ? Là tướng của năm ấm. Lìa khổ ấm kia không riêng có người, vì sao nói người tạo ra khổ? Lại nữa, nếu ông chấp, nói người cùng với năm ấm chẳng một chẳng khác, nghĩa này là chẳng đúng. Vì sao? Vì chỉ ở nơi năm ấm nêu đặt tên gọi Điềuđạt. Không người có thể đạt được, do duyên khởi. Ví như bình chén v.v… Như thế, trong đệ nhất nghĩa, người kia không thành. Người đã không thành, là không có người tạo khổ. Lại nữa, kẻ khác tạo khổ, nghĩa ấy là không đúng. Như kệ nói:

Nếu kẻ khác tạo khổ

Nắm giữ cùng người này

Lìa khổ sao có tha

Mà nói tha tạo khổ.

Giải thích: Lìa khổ không có người, trước đã ngăn trừ. Người có Thể khác khiến chứng biết, do không nghiệm xét. Như thế, tự tạo khổ không thể được. Trước đã lập nghiệm xét hiểu các thứ chưa hiểu rõ. Thế nên kệ nêu:

Tự tạo nếu không thành

Xứ nào có tha tạo

Nếu người khác tạo khổ

Trở lại là tự tạo.

Giải thích: Không có tự tạo khổ, nhưng chỉ rõ nói tha tạo khổ, lời ấy là không đúng. Như sự nối tiếp khác quyết định về nghiệp báo, nói tha tạo khổ: Là không có nghĩa như thế. Vì vậy kệ nói: Xứ nào có tha tạo? Ý của lời nói là như vậy. Ông nói phần vị có sai biệt, còn người thì không khác: Đấy là vọng ngữ. Do nghĩa này, nên hoặc tự tạo khổ, hoặc tha tạo khổ, ở đây đều không đúng.

Lại nữa, Ni-kiền-tử khác nói như vầy: Người tự tạo khổ, nên khổ là tự tạo, nhưng khổ chẳng tức là người, gọi là tha tạo. Thế nên hai môn tự tạo tha tạo được thành.

Luận giả nêu kệ:

Tự tạo khổ không đúng.

Giải thích: Không có người tạo khổ. Nghĩa ở đây là như thế. Do khổ không có tự thể, vì người là vô thể. Nếu cho thể của khổ là người, thì nghĩa cũng không đúng. Vì sao? Kệ nêu:

Khổ không lại tạo khổ.

Giải thích: Như kệ trước nói:

Khổ nếu là tự tạo

Tức không từ duyên khởi.

Hai câu này, như nơi phần kia đã ngăn trừ. Ý của lời nói là như thế. Lại nữa, nếu khổ trở lại tạo khổ, tức là quả trở lại tạo quả. Lại khổ tự khởi, không đợi nhân duyên. Hai thứ này thế gian không thấy. Ông trước có nói: Khổ chẳng tức là người, người ấy tạo khổ gọi là tha tạo: Thuyết ấy là không phải. Như kệ nêu:

Nếu do tha tạo khổ.

Giải thích: Ý của Ngoại nhân muốn cho người là tha. Người này là vô thể, không có khả năng tạo khổ. Do đâu không tạo? Do người kia là không. Không tức là không vật, làm sao khởi tạo? Không khởi có Thể, là điều người trí không muốn. Thế nên kệ nói:

Không tha ai tạo khổ?

Giải thích: Không có nghĩa của tha ấy. Ý của lời nói là như vậy. Do nghĩa này, nên tự tạo tha tạo, điều ấy đều không đúng. Thuyết cho cả hai cùng tạo nói: Do cả hai cùng tạo nên không có lỗi. Vì nhằm ngăn trừ lối chấp này, nên A-xà-lê nêu kệ:

Nếu mỗi mỗi tạo thành

Đáng nói hai tạo khổ.

Giải thích: Mỗi mỗi chẳng tạo, như trước đã ngăn trừ. Khổ chẳng phải tự tạo, cũng chẳng phải tha tạo. Thế nên ông nói cả hai thứ tạo khổ, nghĩa ấy là không đúng. Cũng không phải không nhân.

Vì sao? Vì chấp không nhân ấy, như nơi phẩm không sinh khởi đã ngăn trừ. Ở đây kệ nêu:

Tự tha hai không tạo

Không nhân sao có khổ?

Giải thích: Phẩm này trước giờ đã nói về việc ngăn trừ các chấp nơi khổ, nếu cho là không nhân, tức cũng không có khổ. Không nhân mà có khổ, tức không có nghĩa như thế. Do trong đệ nhất nghĩa, khổ không thể đạt được. Ý của lời nói là như thế. Vô số thứ quán xét như vậy về khổ kia là vô thể. Nơi phần đầu phẩm, Ngoại nhân nói: Có các ấm, do khổ là nhân, trong đệ nhất nghĩa, chấp này không thành. Như kệ nói:

Không quán riêng nơi khổ

Bốn thứ nghĩa không thành

Các pháp hiện có ngoài

Bốn thứ cũng đều không.

Giải thích: Như đạo lý đã nói ở trước, quán xét sắc v.v… bên ngoài kia cũng không có nghĩa ấy. Vì sao sắc không tự tạo? Hoặc có hoặc không, nhân đều không đúng, như trước đã nêu. Lại từ duyên khởi, nên tự thể của mầm cây không gọi là tự tạo tác. Nếu nói từ các đại tạo tác gọi là tha tác, thì nghĩa ấy không đúng. Vì sao không đúng? Vì các đại đối với sắc không gọi là tha. Vì sao? Vì do chúng là ngoài. Như tự thể của sắc. Lại, ngăn trừ về chấp thật có, vì sắc là không có tự thể, nên nghĩa của tha chẳng thành. Cũng chẳng phải là cùng tạo. Do mỗi mỗi không thành nên cũng chẳng là không nhân. Vì sao? Vì chấp không nhân ấy, trước đã ngăn trừ.

Như thế thì âm thanh v.v… cũng nên đối chiếu theo đấy để luận phá. Do đó, nơi phần đầu phẩm nói nhân do khổ, là có lỗi lầm, nghĩa ấy không thành. Nay trong phẩm này, vì muốn làm rõ về nghĩa khổ là không, thế nên được thành. Như trong Kinh Bát-nhã Ba-la-mật nói:

Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc chẳng phải là khổ, chẳng phải là vui. Như thế, thọ tưởng hành thức chẳng phải là khổ, chẳng phải là vui. Nếu sắc thọ tưởng hành thức chẳng phải là khổ, chẳng phải là vui, thì đó gọi là Bát-nhã Ba-la-mật.

Lại như trong Kinh Phạm Vương Vấn nói: Thế nào gọi là Thánh đế? Hoặc khổ hoặc tập hoặc diệt hoặc đạo không gọi là Thánh đế. Khổ tập diệt đạo kia không sinh khởi mới gọi là Thánh đế.

Lại nữa, trong thừa Thanh văn, Đức Thế Tôn nói: Có vị Tỳkheo thưa hỏi Đức Phật: Thưa Cù-đàm! Khổ là tự tạo chăng? Phật nói: Chẳng phải. Là tha tạo chăng? Phật nói: Không phải. Là cả hai cùng tạo chăng? Phật nói: Không phải. Là không nhân tạo chăng? Phật nói: Không phải.

Các Kinh như thế, ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Khổ.

 

Phẩm thứ 13: QUÁN VỀ HÀNH

Lại nữa, vì khiến người khác hiểu rõ về tất cả các hành với vô số sai biệt đều không có tự tánh, nên có Phẩm này. Ở đây Ngoại nhân đã dẫn kinh, lập nghĩa. Như kệ nói:

Đức Thế Tôn nói chúng

Pháp hư vọng cướp đoạt.

Giải thích: Làm sao nhận biết pháp như các hành kia là hư vọng? Vì các hành ấy, tự thể là không, dối gạt hàng phàm phu. Tà trí phân biệt, cho là có thể đạt được, nên là hư vọng. Lại, có thể vì chúng, nên sự nhớ nghĩ về cảnh giới của đệ nhất nghĩa đế bị sai lầm, mất nhân, nên là pháp hư vọng. Đức Thế Tôn thuyết giảng: Nghĩa là ở trong các kinh, Đức Phật đã nói với chư vị Tỳ-kheo: Pháp hư vọng cướp đoạt ấy, nghĩa là tất cả pháp hữu vi. Còn sự thật tối thượng là pháp Niết-bàn chân chánh. Như thế, các hành là pháp cướp đoạt, là pháp diệt hoại. Trong pháp Thanh văn đã thuyết giảng như vậy. Nơi kinh Đại thừa cũng nêu bày như thế: Các pháp hữu vi đều là hư vọng. Các pháp vô vi đều chẳng phải là hư vọng. Hai A-hàm (giáo pháp) này đều nêu rõ các hành là pháp hư vọng. Nghĩa ấy được thành. Luận giả nói: Ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, các pháp nội là không. Vì sao? Vì là pháp cướp đoạt. Như người huyễn hóa. Ngoại nhân nói: Lập nghĩa, nêu ra nhân không có sai biệt. Ông nói trong đệ nhất nghĩa, các pháp là không, là không thật có, là pháp cướp đoạt, cũng không thật có. Nêu ra nhân là thiếu nên nghĩa lập không thành, có lỗi lầm. Luận giả nêu kệ:

Nếu pháp vọng đoạt không

Có, sao gọi cướp đoạt?

Giải thích: Ông cho lập nghĩa nêu dẫn nhân đều không thật có, nếu như thế thì đây đã là không, rốt cuộc có vật gì để có thể gọi là cướp đoạt? Do là vô thể. Ví như sừng thỏ. Thế nên hư vọng cướp đoạt, hai lời ấy chẳng phải là vô nghĩa. Lại có nghĩa gì khi phân biệt cảnh giới. Tự thể của chúng là không, là nghĩa hư vọng. Có chẳng như thật, dụ như bóng sáng, là nghĩa cướp đoạt. Nhân cùng với nghĩa được lập, hai thứ ấy chẳng đồng. Thế nên tôi không lập nghĩa có lỗi là nhân thiếu. Không có hai lỗi, nên nghĩa được mong muốn đã thành. Lại nữa, nói cướp đoạt, là Đức Thế Tôn nhằm nhổ bật hẳn gốc rễ của chướng phiền não cùng chướng trí, khiến chúng hoàn toàn được dứt trừ sạch, nên giảng nói như vậy. Như kệ nêu:

Đức Thế Tôn nói đây

Là hiển bày nghĩa không.

Giải thích: Nói cướp đoạt: Là cùng với không, thể là không khác. Như nói xứ kia có khói, đây nói xứ kia có lửa. Ngoại nhân cho: Nói hư vọng: Chẳng phải là vô nghĩa. Đây có nghĩa gì? Tức Đức Thế Tôn không nói các pháp là vô ngã. Nếu như thế thì vì sao nói là hư vọng? Như kệ nêu:

Thấy pháp biến đổi khác

Các pháp không tự Thể.

Giải thích: Kệ này nói về nghĩa gì? Nghĩa là thấy các pháp biến đổi, nên biết các pháp là vô thể. Do chẳng phải là thường trụ, nên Đức Thế Tôn nói chúng là hư vọng. Đạo lý là như thế. Lại như kệ nói:

Có Thể chẳng không Thể.

Giải thích: Vì sao gọi là có? Là tự thể có, như đạo lý của ông, nhưng điều ấy là không đúng, vì các pháp tức vô thể. Kệ nêu:

Do các pháp là không.

Giải thích: Các pháp không có ngã, ngã sở. Nghĩa của ông là như thế. Vì vậy nên nói các pháp là có thể. Nếu không như ở đây, kệ nói:

Tự Thể nếu chẳng có

Pháp nào là biến đổi?

Giải thích: Hiện thấy thể ấy có biến chuyển đổi khác, thế nên nhất định biết là có pháp biến đổi. Ở đây lập nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, các pháp có Thể. Vì sao? Vì thể biến đổi. Ở đây nếu không có Thể tức không có biến đổi. Như Thạch nữ. Do có Thể biến đổi, nghĩa là các nội nhập v.v… thế nên trong đệ nhất nghĩa, pháp có tự thể. Luận giả nêu kệ:

Nếu pháp có tự Thể

Làm sao có biến đổi?

Giải thích: Pháp có tự thể mà biến đổi: Nghĩa này là không đúng. Vì sao? Vì do tự thể nên không thể bị hoại. Nhưng nay hiện thấy thể kia biến đổi. Do đấy nên biết thể kia biến đổi, cùng với không có tự thể là không lìa nhau. Ông đã lập nhân tức tự mâu thuẫn.

Có người cho: Nghĩa của pháp hư vọng: Nghĩa là thấy không đúng như thật về pháp không có tự thể. Đây tức là nói về nghĩa vô ngã. Vì sao? Vì nói về tự thể, tức là tên của ngã. Thấy pháp biến đổi: Đây nghĩa là các pháp chuyển biến hoại diệt. Thế nên nói hư vọng, cùng với vô ngã, chẳng phải cho là nói về không. Do đấy, Thánh đạo chưa khởi, núi ngã kiến chưa đổ. Ngã và ngã sở nơi các pháp nội ngoại, như bóng sáng hiện rõ. Lúc Thánh đạo khởi, đối với các pháp ấy không còn phân biệt về ngã và ngã sở. Nếu nói các pháp là không tự thể: Như chỗ chấp của ngoại đạo về ngã, ngã này là vô thể, nên thành lập nghĩa ấy, tức thành là chỗ thành của tôi. Nhân như vậy là thành lập vô ngã, chẳng thành lập không cùng không có tự thể.

Luận giả nêu rõ: Các ông phân biệt về pháp là vô thể, nghĩa là như sừng thỏ. Vô thể như thế nên sinh sợ hãi. Ví như đứa bé ban đêm thấy bóng của mình cho là phi nhân nên vô cùng kinh sợ. Ông cũng như thế. Như ông đã nêu: Ngoại đạo chấp ngã, nên lập vô ngã này tức là thành chỗ thành của mình. Ông nay nên nghe cho kỹ. Nếu do lời nói hư vọng, cho là thành lập vô ngã cùng ngoại đạo đã chấp, ngã cũng không có tự thể, để tạo sự hiểu biết ấy. Như thế, như thế, tôi nay thành lập pháp không làm nhân để mở bày chỉ rõ cho ông. Ở đây cũng thành lập nghĩa người là vô ngã. Vì sao? Vì người này là vô ngã, cùng với pháp không kia là không lìa nhau. Như vậy là nhân ấy khiến người tin hiểu. Như người lập nghĩa, âm thanh là vô thường. Thế nào là nêu dẫn nhân? Nghĩa là người kia tạo tác, nên nói là người tạo tác. Khổ không vô ngã cũng được thành lập. Như thế là thành lập pháp hư vọng, chúng không có tự thể. Tức cũng thành lập nghĩa người vô ngã, do không lìa nhau. Như Ngoại nhân nói: Nghĩa hư vọng, đây là nêu rõ tự thể của các pháp là không trụ. nay đáp lại nghĩa này. Nếu pháp có thể giữ lấy. Kệ nêu:

Thể kia không biến đổi

Khác cũng không biến đổi

Như trẻ không tạo già

Già cũng không tạo trẻ.

Giải thích: Hai thứ thí dụ này như theo thứ lớp tương tợ cùng đối. Ở đây lập nghiệm xét. Tự thể của pháp trụ biến đổi, là không đúng. Vì sao? Vì không bỏ tự thể. Ví như trẻ, già. Nếu nói sát-na trước kia khác với tướng già trụ, gọi là biến đổi, thì điều ấy cũng không đúng. Vì sao? Vì tướng khác đã loại bỏ. Ví như già. Ngoại nhân nói: Như sữa không bỏ tự thể mà chuyển thành lạc (cao sữa). Do nghĩa này nên nhân chẳng phải là toàn bộ, nghĩa ấy là không đúng. Nay nên hỏi ông: Thế nào là lạc? người kia nói chính là sữa. Nếu sữa là lạc, không bỏ tự thể, làm sao phân biệt đây gọi là lạc. Nếu định phân biệt, như kệ nói:

Nếu Thể ấy tức khác

Sữa nên tức là lạc.

Giải thích: Do sữa không bỏ sắc, vị lực dụng tạo lợi ích, nên sữa không là lạc. Khác cũng không đúng. Vì sao? Như kệ nêu:

Khác sữa có vật gì

Có thể sinh lạc kia?

Giải thích: Không lạc có thể sinh khởi. Thể khác cũng không biến đổi. Ông nói nhân chẳng phải là toàn bộ, nghĩa ấy là không đúng. Có người khác nói: Tôi cũng không nói sữa không sinh lạc, tướng của lạc khác sữa, nhưng do sức hòa hợp tự tại, sữa đó đã bỏ tự thể, có thể sinh ra lạc. Luận giả nêu bày: Ông nói sức hòa hợp tự tại, sữa ấy đã bỏ tự thể, nên có thể sinh lạc, vậy thì không bỏ tự thể nhưng có thể sinh ra lạc chăng? Nếu như thế thì có lỗi gì? Nếu bỏ tự thể thì không được nói là sữa sinh ra lạc. Nếu không bỏ tự thể thì ở đây tức trái nhau. Vì sao trái nhau? Vì nếu là sữa thì làm sao gọi là lạc? Nếu là lạc thì vì sao là sữa? Nơi thế gian kia đều hiểu như vậy.

Hoặc có người nói: Sữa không sinh lạc, chỉ biến làm lạc. Nghĩa như thế, cũng đồng với trước đã ngăn trừ. Quán xét như thế, trong đệ nhất nghĩa, các pháp là khác, điều ấy đều không thành. Ông nói các pháp có Thể dùng đấy làm nhân, thì nhân đó chẳng thành. Ngoại nhân cho: Trong đệ nhất nghĩa, các pháp là chẳng không. Vì sao? Vì tướng ấy trái với pháp có. Như trí điên đảo cùng trí không điên đảo. Ở đây nếu không tức không trái với pháp. Như hoa nơi hư không. Do trái với chẳng không nên có pháp không. Vì nghĩa này nên như đã nói về nhân nơi các pháp chẳng không. Luận giả nêu bày: Nếu trong đệ nhất nghĩa có các thứ như ấm, trừ đấy ra có vật để lập là pháp không. Nhưng trong đệ nhất nghĩa thật sự không có một pháp nào là chẳng không. Như kệ nói:

Nếu một pháp chẳng không

Quán đấy nên có không

Không một pháp chẳng không

Xứ nào không đạt được?

Giải thích: Không, chẳng không, ở trong thế đế nương dựa nơi thể của pháp, phân biệt như thế. Nghĩa này là thế nào? Như có nhà cửa, có người ở, nên gọi là nhà chẳng không. Người không ở tức gọi là nhà không. Nay trong đệ nhất nghĩa không có một pháp nào là chẳng không, thì xứ nào có pháp không để có thể đạt được. Như ông vừa nói có cùng trái với pháp phân biệt làm nhân, nhân này không thành, chỉ vì nhằm ngăn trừ chấp trước nên giả nói là không. Lại nữa, như Luận Thập Thất Địa nói: Như đối tượng phân biệt, tự thể là không. Phân biệt thể không, thì các pháp không ấy chân thật là có. Thế nào là chân thật? Là không quán về người tạo tác.

Luận giả nói: Kiến giải ấy của ông gọi là kiến chấp trước không. Ngoại nhân nói: Vì sao gọi Tôi là chấp trước không? Luận giả nêu rõ: Vì sao gọi Tôi là chấp trước không? Luận giả nêu rõ: Do tất cả pháp vô thể nên là không. Không chẳng phải là pháp thật, không nên chấp trước. Vì ngăn trừ chấp ấy nên như trước kệ trước nói: Nếu có một pháp là chẳng không, thì đây là cảnh giới của trí có phân biệt, đây là cảnh giới của trí không phân biệt. Nếu có một vật là không, thì đấy gọi là cảnh giới của trí không. Nhưng không có vật ấy. Do không vật nào là chẳng không, nên ở đây gọi là tất cả pháp đều không. Thế nên kệ nói: Xứ nào không đạt được?

Lại nữa, không một pháp nào là chẳng không: Câu này nói về gì? Người thấy chẳng không, là bị lửa không thiêu đốt. Kẻ không phân biệt kẻ ấy cũng bị thiêu đốt. Thế nên kệ nói: Xứ nào không đạt được?

Lại nữa, người hành hai hành, tạo phân biệt ấy. Như ngựa huyễn, là vô thể nên không. Ngựa như thật là có Thể nên chẳng không. Nhận biết này có sai biệt, nên người hành không hai. Do lúc hành Bát nhã Ba-la-mật không phân biệt, nơi cảnh giới của đệ nhất nghĩa, quán đúng như thật về tất cả pháp cũng như hư không, một tướng là vô tướng, thấy về không chỗ thấy. Nên kệ nói:

Không một pháp chẳng không

Xứ nào không đạt được?

Do nghĩa này nên nhân kia không thành. Ngoại nhân cho: Giả như khiến không thành và cùng trái nhau, ông nơi tất cả thời luôn ngăn trừ nơi chấp không. Ý của Tôi cũng thế. Do nghĩa ấy nên điều mong muốn được thành.

Luận giả nói: Chẳng phải do trí không dấy khởi, các pháp mới là không. Thể của pháp tự nó là không. Trí hiểu rõ về không như đèn soi chiếu, nhận biết không bình chén nào không phải là tạo tác. Vì sao? Vì bình chén ấy là vô thể. Chẳng thể khiến có. Thế nên ông nói là suy xét không đúng.

Lại có người nói: Ông nói là không, cùng với kẻ khác tạo lỗi nhưng nương dựa nơi không. Thấy không không có sức mạnh lại nói là không có không. Do vậy, ông cùng với nghĩa được mong muốn đã bị phá, cũng trái với tự tất đàn. Vì sao tự trái? Như trong Kinh Phạm Thiên Vương Vấn, kệ nói:

Nếu có người hiểu không

Đều là thấy pháp tánh.

Lại như nơi Kinh Lăng Già, kệ nêu:

Nếu lìa nơi hòa hợp

Không có Thể như thế

Thế nên không không khởi

Ta nói không tự tánh.

Như vậy là trái với giáo pháp của ông

Luận giả nêu bày: Ông không nghe chăng? Như trong Kinh Kim Cương Bát nhã Ba-la-mật nói: Hiểu rõ pháp môn của ta dụ như chiếc bè. Pháp đúng hãy còn nên bỏ huống chi là đối với phi pháp. Lại như trong Kinh Ma Ha Bát nhã Ba-la-mật nói: Chẳng quán sắc không, chẳng quán sắc chẳng không. Đây gọi là không kiến, cũng là chấp trước nên cần phải ngăn trừ. Nếu lại có người tạo phân biệt chẳng không, thì điều ấy cũng nên dứt bỏ. Do hai thứ chấp ấy là lỗi lầm lớn. Chẳng phải người xả bỏ không, có vô số lỗi như thế, vì lỗi lầm tai hại của các kiến chấp hoại loạn nơi tâm, nhưng Đức Như Lai vì các chúng sinh chưa lìa khổ kia, vì nhằm đoạn trừ chủng tử khổ nên khởi đại bi bậc nhất. Như kệ nói:

Như Lai nói pháp không

Vì xuất ly các kiến.

Giải thích: Kiến: Là như thân kiến v.v… Không: Nghĩa là đối trị về nội nhập không v.v… Như có chúng sinh căn thiện chưa thành thục, chưa được pháp nhẫn vô sinh thâm diệu, không hiểu về chánh đạo. Như kệ nêu: Những người có kiến không.

Giải thích: Thế nào gọi là người kiến không? Nghĩa là chấp trước nơi không, cho là có không ấy. Chấp trước về không này có lỗi lầm gì? Như kệ nói: Kẻ đó không thể trị.

Giải thích: Đức Như Lai nói chúng sinh chấp không kia là không thể chữa trị. Nghĩa này là thế nào? Như người uống thuốc hạ nhiệt, tác động nơi các bệnh, nhưng lại không ra mồ hôi, trở thành bệnh nặng. Thuyết giảng về pháp không như thế là trừ bỏ các ác kiến. Nếu trở lại chấp không, tức nói kẻ ấy là không thể chữa trị. Do nghĩa này nên xả bỏ không không có lỗi. Lại như có người xe bị chìm trong bùn. Vì muốn đưa xe ra khỏi nơi ấy, nên nói với người khác: Chẳng có gì cả, ông nên giúp tôi đưa xe ra khỏi chỗ này. Nhưng người khác kia, giúp đưa xe ra khỏi rồi, lại theo chủ xe ấy đòi điều “chẳng có gì cả” đó. Là do kẻ kia không hiểu ý của lời nói ấy, nên bị những người trí chê cười. Do thế các ông không nên chấp không cho đấy là có. Vì nghĩa này, nên nhân kia không thành, lỗi không lìa ông. Do nghĩa nhân đã nói của ông là không thành, Tôi lập tự nhân không có lỗi trước, cùng có sức mạnh. Thế nào là có sức mạnh? Tức nói các hành là không khiến người tin hiểu. Nghĩa của phẩm là như thế. Do đấy được thành. Như trong Kinh Bát nhã Ba-la-mật, Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Hết thảy pháp kia từ điên đảo khởi, hoàn toàn không có thật, là hư vọng chẳng như thật. Này Cực Dũng Mãnh! Nếu có người hành một pháp, người ấy là hành điên đảo, hành không như thật.

Lại như Kinh Phạm Vương Sở Vấn nói: Người ngu thế gian chấp trước các đế. Vì pháp ấy chẳng phải là thật cũng chẳng phải là hư vọng.

Các Kinh như thế ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Hành.

 

Phẩm thứ 14: QUÁN VỀ HỢP

Lại nữa, vì khiến tin hiểu về đối tượng được đối trị của không về các pháp có hợp đều không tự tánh, nên có phẩm này.

Ngoại nhân nói: Ông cho tự tánh của tất cả pháp đều không. Nói như thế là trái với đạo lý chân chánh. Những gì là đạo lý? Như Đức Phật đã nêu giảng: Có căn, trần, thức, ba thứ hòa hợp, gọi đó là xúc. Do nghĩa này, nên chỗ nêu bày trước của ông là trái nhau. Như Tôi đã lập, trong đệ nhất nghĩa, các pháp là có Thể. Vì sao? Vì do sự hòa hợp ấy làm nhân, gọi là hợp. Ở đây nếu không có thì Đức Như Lai đã không giảng nói nhân ấy gọi là hợp. Ví như không nhân nơi lông rùa nói là y phục. Do Đức Phật nói có tham sân si v.v…, ba kiết như vậy, gọi đó là hợp. Vì Tôi nói nhân là phù hợp với đạo lý chân chánh. Do vậy các pháp không phải là không có tự thể.

Luận giả nêu rõ: Ông tuy có nói điều ấy nhưng nghĩa thì không đúng. Như kệ nêu:

Thấy, nên thấy, người thấy

Ba ấy đều khác phương

Hai, hai cùng đối chiếu

Tất cả đều không hợp.

Giải thích: Thấy cùng có thể thấy và người thấy kia, hai thứ, hai thứ cùng đối chiếu lại đều không hợp. Tức tất cả không hợp. Do như thế nên kệ nói:

Nên biết nhiễm, người nhiễm

Cùng pháp bị nhiễm kia

Phiền não khác, nhập khác

Ba thứ đều không hợp.

Giải thích: Nhiễm: Nghĩa là tướng dục. Phiền não: Nghĩa là khả năng làm nhiễm ô chúng sinh nối tiếp, nên nói nhiễm v.v… là phiền não. Khác: Là sân v.v… Đây cũng có ba thứ, là sân, kẻ sân giận cùng đối tượng bị sân giận. Nhập khác: Là như mắt v.v… trước đã nói. Ở đây nói khác (còn lại) tức là tai, mũi, lưỡi, thân, ý. Vì sao gọi là nhập? Vì là môn xứ phát khởi của tâm tâm số pháp, nên gọi là nhập. Đây cũng có ba thứ: nghe, có thể nghe, người nghe, cho đến nhận biết, có thể nhận biết và người nhận biết. Phiền não nhiễm kia cùng với nhập khác, hai thứ, hai thứ cùng đối chiếu, lại đều không hợp. Lại, tất cả không hợp, như có thể thấy v.v… là không hợp, nên biết. Nay vì khiến kẻ khác hiểu rõ, không nghi, nên kệ nêu:

Khác cùng khác có hợp

Khác ấy không thể được

Cùng những có thể thấy

Tướng khác đều không hợp.

Giải thích: Có thể thấy v.v…: Nghĩa là thấy, có thể thấy, người thấy. Như vậy, nhiễm, người nhiễm, có thể nhiễm đều không cùng hợp. Ở đây nói nghiệm xét. Là trong đệ nhất nghĩa, người thấy không cùng với có thể thấy và tướng thấy hợp. Vì sao? Vì chúng không khác. Nếu vật không khác thì trọn không cùng hợp. Ví như tự thể.

Có người nói: Khác cùng khác hợp. Ở đây là nhiễm v.v… nối tiếp. Nếu ở xứ khác tức không cùng hợp. Do xứ riêng khác kia cùng sự nối tiếp riêng tùy chuyển không gián đoạn, nên gọi là hòa hợp. Nhân này được thành. Luận giả nói: Nếu có thể thấy v.v… trước ở nơi xứ riêng, sau ở tại một xứ gọi là hợp, thì nhân ấy không thành, cũng không nghiệm xét, nên ông nói là chẳng phải. Pháp kia là như thế, nên kệ nêu:

Chẳng riêng có thể thấy

Tướng khác không thể được

Cùng tất cả pháp khác

Khác cũng không thể được.

Giải thích: Như trước đã nói về đạo lý. Các thứ nghe, có thể nghe, người nghe. Sân giận, có thể sân giận, người sân giận v.v… nghĩa đều không hợp.

Ngoại nhân nói: Ông cho ngã cùng mắt có thể thấy v.v… là không khác, nghĩa này là không thành, nên nhân không thành.

Luận giả nêu bày: Chẳng phải là nhân không thành. Vì sao? Như kệ nêu:

Khác cùng khác làm duyên.

Giải thích: Đợi khác nên gọi là khác. Kệ nói:

Lìa khác không có khác.

Giải thích: Do chủng tư là duyên khởi, đợi chủng tư ấy nên gọi là mầm cây là khác. Kệ nêu:

Nếu là từ duyên khởi

Đây không khác duyên kia.

Giải thích: Chẳng phải là trong đệ nhất nghĩa, có thể thấy khác với mắt. Vì sao? Vì lời nói sai biệt có quán. Ví như tự thể của có thể thấy. Nếu pháp từ duyên khởi, thì không khác với duyên kia. Nếu nói là khác, tức nên lìa chủng tư này, thì mầm từ thứ khác xuất sinh. Như lửa không quán tự tánh của thể khác là nóng. Như thế, người thấy không quán xét có thể thấy. Người nghe không quán xét có thể nghe. Người nhiễm không quán xét về nhiễm. Như lửa không đợi nơi lạnh, mà tự thể là nóng, nên khác ấy không thành. Vì sao? Vì ở trong thế đế không có nghĩa ấy. Ngoại nhân nói: Người thấy cùng với mắt v.v… là khác, nên không cần cùng quán xét. Vì sao? Vì do cùng riêng khác. Ví như bò, ngựa. Ở đây, cảnh giới hiển hiện gọi là tướng của thức.

Đây là người thấy. Người thấy này, các hành tụ hiện có là chỗ dựa của nhãn thức, sắc thanh tịnh dùng làm cảnh. Đây gọi là mắt. Hình sắc cùng hiện sắc, đây gọi là có thể thấy. Như Tôi đã nói về nhân có sức mạnh, nên người thấy, mắt v.v… nghĩa khác được thành.

Luận giả nói: Lời nêu bày ấy không đúng. Trong đệ nhất nghĩa, bò ngựa hai thể là không thể được.

Lại có người cho: Do tưởng sai biệt nên quả nhân riêng khác. Người thấy, mắt, nghĩa khác được thành. Trở lại đồng với chỗ đáp ở trước. Lại nữa, người Tỳ-thế-sư nói: Thể của pháp có khác, cùng với vật hòa hợp. Luận giả nói: Nếu ông muốn khiến thể của pháp có khác cùng với vật hợp, cũng nên không có vật thứ hai, tự nhiên có khác. Do người kia lập khác có Thể riêng. Ở đây tạo nghiệm xét. Không có pháp khác cùng với vật hòa hợp. Vì sao? Vì thể của vật. Ví như thể của vật trở về trước, chưa có ngôn thuyết. Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, khác không có tự thể. Vì sao? Vì do có chung riêng. Ví như thể của sắc.

Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, khác không phải là khởi nói cùng nhân của trí giác. Vì sao? Do nhân ngôn thuyết của trí giác ấy có sai biệt. Ví như thể của sắc. Lại nữa, khác ấy là ở tại trong khác hay là ở trong chẳng khác? Đây có lỗi gì? Nếu ở trong khác, như kệ nói:

Trong khác không có khác.

Giải thích: Nếu pháp khác kia trước đã là khác, nhưng nói ở đây khác, hướng trong khác kia, tức là vô nghĩa. Pháp khác là không, chỗ lập nghĩa khác của Tỳ-thế-sư là không thành. Còn nếu ở trong không khác mà có, thì điều ấy cũng không đúng. Như kệ nói:

Trong không khác cũng không.

Giải thích: Ở đây tức là tự thể, nhưng có lỗi của khác. Như người kia đã nói. Nghĩa của nhân bị phá, pháp khác không thành.

Ngoại nhân nói: Một khác là hai biên. Ông nay ngăn trừ về khác, pháp khác tức không. Khác này nếu không, nên thọ nhận chẳng khác. Thế nên ông bị lỗi là trái với tất đàn.

Luận giả nói: Như pháp khác không, đã khiến kẻ khác hiểu. Pháp không khác không, như kệ nêu:

Do nơi pháp không khác

Pháp không khác cũng không.

Giải thích: Quán về khác nên có không khác. Đã ngăn trừ về khác, nên không khác cũng không. Làm sao ngăn trừ? Nay nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, người thấy, có thể thấy không thể là khác. Vì sao? Vì ngôn ngữ quán có sai biệt. Ví như tự thể của có thể thấy. Như thế là có, quả, nhân, cảnh giới của trí nghi, các nhân ấy, ở đây nên nói rộng.

Một khác kia như vậy là cùng ngăn trừ. Do một v.v… không thành như kệ nói:

Một pháp tức không hợp

Khác pháp cũng không hợp.

Hoặc có người nói: Có sự nhiễm cùng người nhiễm như thế hợp. Vì sao? Vì do có lúc hợp. Như hai thứ nước, sữa.

Lại nữa, trong đệ nhất nghĩa, có người nhiễm hợp. Vì sao? Vì quán ngôn thuyết có sai biệt. Ví như người ăn cùng với tướng ăn hợp. Luận giả nêu kệ:

Lúc hợp cùng đã hợp

Người hợp cũng đều không.

Giải thích: Như trước đã nói về phương tiện nơi pháp khác cùng hợp là không có nghĩa như thế. Do Ngoại nhân kia, nơi phần đầu phẩm đã nói về nhân, tức cùng với các lỗi đã có. Vì khiến cho người khác hiểu rõ: Hợp là không có tự thể, là nghĩa của phẩm, thế nên được thành. Như trong Kinh Bát nhã Ba-la-mật nói: Đức Phật nói với Bồ-tát Cực Dũng Mãnh: Này thiện nam! Sắc không hợp không lìa. Như thế, thọ tưởng hành thức không hợp không lìa. Nếu sắc cho đến thức không hợp không lìa, thì đấy là Bát nhã Ba-la-mật.

Các Kinh như vậy ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Hợp.

HẾT – QUYỂN 8