BÁT NHÃ ĐĂNG LUẬN THÍCH
Tác giả: Bồ tát Long Thọ (Kệ bản)
Bồ tát Phân Biệt Minh giải thích
Hán dịch: Đời Đường, Đại sư Ba La Phả Mật Đa La
Việt dịch: Cư sĩ Nguyên Huệ

 

QUYỂN 13

Phẩm thứ 22: QUÁN VỀ NHƯ LAI

Nay nơi Phẩm này cũng là nhằm ngăn trừ về đối tượng đối trị của không, khiến quyết định hiểu rõ về thân Như Lai của đệ nhất nghĩa đế nên nêu bày.

Người của Kinh Bộ cùng Tỳ-thế-sư nói: Các thể như sắc v.v… có tự thể là thể. Ví như Như Lai. Những gì là Như Lai? Nghĩa là tam muội kim cương, đạo giải thoát cùng khởi tâm sát-na thứ mười sáu không gián đoạn. Sát-na đầu khởi của môn sai biệt kia, tức gọi là trí. Trí này là trí của Như Lai nơi đệ nhất nghĩa. Đối tượng được nương dựa là ấm cũng gọi là Như Lai.

Luận giả nêu rõ: Nếu nương dựa nơi các thể của trí thuộc thế đế cùng Như Lai có tự tánh, điều ông muốn được nhận lấy, ở đây thành nghĩa của Tôi. Nay căn cứ theo đệ nhất nghĩa để quán về Như Lai. Nếu trí ấy là tự thể của ấm, là đã gồm thâu trong các ấm. Nay ngăn trừ chấp về Như Lai, cũng là ngăn trừ chấp về trí kia. Như kệ của Luận nói:

Phi ấm, chẳng lìa ấm

Ấm, Như Lai đều không

Phi Như Lai có ấm

Những gì là Như Lai?

Giải thích: Ấm là nghĩa tích tụ. Ấm chẳng phải là Như Lai: Tức tự Thể của Như Lai chẳng phải là ấm. Ở đây nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, ấm chẳng phải là Như Lai. Vì ấm là pháp sinh diệt. Ví như các ấm của phàm phu. Lại như bốn đại bên ngoài. Như thế, do tạo tác nên là nhân, tức nên nói rộng về nghiệm xét.

Lại nữa, các ấm chẳng phải là Như Lai. Tức đã ngăn trừ pháp sinh khởi của ấm này, là cũng ngăn trừ về pháp thật, cùng ngăn trừ về các ấm như sắc v.v… Lại nữa, nay đem trí làm một môn để ngăn trừ riêng về trí, theo trong đệ nhất nghĩa, chẳng phải là Như Lai. Vì là pháp sinh diệt. Vì là trí. Ví như trí của phàm phu.

Các ngoại đạo v.v… cho ngoài ấm có Như Lai. Do phương tiện này, thành lập ngã. Nay đáp lại chấp ấy. Nếu lìa ngoài ấm có Như Lai, là không nghiệm xét để có thể khiến tin hiểu. Như vậy, lìa ấm có Như Lai là không đúng. Đều không: Nghĩa là trong Như Lai không có ấm, trong ấm không có Như Lai. Trong Như Lai không có ấm: Ví như trong núi Tuyết không có cây thuốc, thì không được nói là có cây thuốc. Trong ấm không có Như Lai: Ví như trong rừng không có sư tử, thì không được nói là có sư tử. Phi Như Lai có ấm: Như người có đầy đủ tài sản gọi là có tài sản, không cho người không có đầy đủ gọi là có tài sản. Như thế, dùng năm thứ quán xét về Như Lai là chẳng thành. Như đã nói về phương tiện quán xét thời không có Như Lai. Ví như bắt được nhiều giặc, nhiều người cùng gọi đấy là giặc, nhưng khi nghiệm xét kỹ, lại là người tốt, không có giặc thật. Như thế thì lìa ngoài ấm, những gì là trượng phu? Những gì là tự tại? Tức ông đã nói về Như Lai là không thành. Điều được nêu bày không thành, nên cũng thiếu thí dụ. Thí dụ thiếu là lập nghĩa có lỗi.

Người của Kinh Bộ lại nói: Nhân nơi ấm nên giả nêu gọi là Như Lai. Tức điều nêu bày của chúng tôi là không có lỗi. Luận giả nêu rõ: Nghĩa này là không đúng. Điều ông nói tức có lỗi. Như kệ của Luận nêu:

Nhân ấm có Như Lai

Tức không có tự Thể

Nếu không có tự Thể

Sao nhân nơi tha có?

Giải thích: Đây tức cho có tự Thể, là bị lỗi như thế, nên tạo là nhận biết Như Lai không có tự thể. Ở đây nói nghiệm xét. Trong đệ nhất nghĩa, Như Lai không có tự thể, do là giả thiết lập. Ví như vòng lửa quay tròn. Là không thật. Ví như bình chén.

Người của A-tỳ-đàm nói: Trong đệ nhất nghĩa, bình chén có Thể thật. Vì có thể nhận biết. Ví như sắc.

Luận giả nói: Bình chén v.v… là thật, cũng không thành, vì không có thí dụ. Nhưng bình chén cùng với nước v.v… là trong thế đế có sắc, trong đệ nhất nghĩa là không thật. Vì sao? Vì nếu pháp phân biệt là không, là thế đế. Cho đến sau cùng là chẳng không, cũng là thế đế. Người của A-tỳ-đàm lại nói: Như năm ấm là giả nêu, Như Lai cũng là giả nêu. Nhưng nói tự thể của Như Lai là tác giả, do lãnh hội như thế để thành lập Như Lai không có tự thể, tức trở lại thành nghĩa của Tôi. Vì sao? Vì các ấm là tạo tác. Nếu nói do tha làm duyên nên có Như Lai sinh khởi, thành lập như thế cũng không thí dụ có thể làm thí dụ. Như vậy, tất cả do tha làm duyên, đều có tự thể. Cũng như màu sắc của vòng lửa, là cảnh giới của nhãn thức không phân biệt. Như vậy, tất cả các thứ do tha làm duyên đều có tự thể. Tông của Tôi lập nghĩa là như thế. Luận giả nêu bày: Lửa ở trong không, trên dưới chuyển khắp, nhưng không có Thể của vòng lửa. Do thể của vòng lửa là không mà làm dụ là không đúng. Lửa v.v… có sinh khởi, trước đã ngăn trừ. Như thế, pháp thật cùng các thức như nhãn thức, các cảnh giới như sắc v.v… trước đều đã ngăn trừ. Như mắt cho đến sắc v.v… tất cả pháp cũng ngăn trừ như vậy. Nếu đợi nhân duyên mới sinh khởi, thì nghĩa của tự thể là không thành. Vì sao? Như kệ của Luận nói:

Pháp từ tha duyên khởi

Có ngã là chẳng đúng

Nếu đã không có ngã

Làm sao có Như Lai?

Giải thích: Đây tức cho do tha làm duyên, là giả nêu. Ví như người huyễn. Nếu Như Lai không có tự thể, thì sao có thể thành lập các thể là có tự thể. Thí dụ do ý như thế nên thí dụ được nêu ở trước tức là có lỗi. Lại nữa, ông nói Như Lai có tự thể, nên tất cả các thể được có tự thể, là cũng không đúng.

Ngoại nhân nói: Tuy không một vật có thể làm Như Lai, nhưng Như Lai là có, nên dụ của Tôi được thành, không có lỗi như trên.

Luận giả nêu rõ: Nghĩa này không đúng. Vì sao? Như kệ của Luận nói:

Nếu không có tự Thể

Làm sao có tha Thể

Nếu lìa tự tha Thể

Những gì là Như Lai?

Giải thích: Đây nghĩa là rốt ráo không có Như Lai. Nếu nói ngoài tự Thể tha Thể, riêng có Thể của Như Lai: Là trong đệ nhất nghĩa không thành, nên ông chẳng phải là không lỗi.

Độc-tử-bộ nói: Nhân nơi ấm thiết lập có Như Lai, nhưng không thể nói cùng với ấm là một, khác. Vì sao? Vì chẳng phải là tự thể của ấm nên chẳng một. Chẳng phải là không có tự thể của ấm, nên chẳng khác. Nếu nói như thế là Như Lai, thì nghĩa ấy được thành.

Luận giả nêu bày: Là thủ ấm của Như Lai nơi đệ nhất nghĩa được thiết lập chăng? Hay là chẳng phải thủ ấm của Như Lai nơi đệ nhất nghĩa được thiết lập? Nếu thủ ấm kia là Như Lai, thì thủ tức vô nghĩa. Nếu chẳng phải là Như Lai, tức nay nên hỏi về nghĩa ấy. Như kệ của Luận nói:

Trước, chưa thủ ấm kia

Đã có phi Như Lai

Nhưng nay là thủ ấm

Mới là Như Lai chăng?

Giải thích: Đây tức cho: Trước chưa thủ ấm, đã có ngã, ý của Ngoại nhân nêu bày là như thế. Luận giả nói: Nếu như vậy, như kệ của Luận nói:

Lúc chưa thủ ấm kia

Tức không có Như Lai

Chưa thủ: Không tự Thể

Làm sao sau thủ ấm?

Giải thích: Đây là lìa thủ thì Như Lai không thành. Vì sao? Vì Như Lai không có tự thể. Như Ngoại nhân đã chấp về ngã, không có Thể của ấm, thì ngã nơi thời gian sau thủ ấm của Như Lai là Như Lai. Luận giả nói: Nay ngăn trừ ngã này không thủ ấm của Như Lai vì ngã chẳng phải là Như Lai. Ví như vật khác không thủ ấm của Như Lai là Như Lai. Nếu chấp thủ ấm của Như Lai rồi, sau là Như Lai, thì các ông muốn được như thế chăng? Như kệ trên đã nói về lỗi. Nay nêu hỏi về Như Lai: Là thể của ấm hay là chẳng phải thể của ấm? Nếu là thể của ấm, thì đã đáp như trước. Nếu khác với thể của ấm, tức không có Như Lai. Vì sao? Vì chẳng phải là tự thể của ấm. Ví như sừng thỏ. Cũng như trước đã nêu: Trong đệ nhất nghĩa, Như Lai chưa khởi, trước đã có chẳng phải là Như Lai, không chấp thủ ấm của Như Lai, vì chưa khởi, trước không có Như Lai. Ví như chẳng phải là Như Lai. Như kệ của Luận nói:

Cũng như chưa có thủ

Không được gọi là thủ

Nếu lìa nơi thủ kia

Không xứ có Như Lai.

Giải thích: Đây tức cho lìa thủ không có Thể của Như Lai. Nay nên nói nghiệm xét. Trong năm ấm không có trượng phu, vì là tạo tác. Ví như bình chén. Như thế, pháp từ duyên khởi, không có trượng phu, vì là tạo tác. Ví như bình chén. Pháp vô thường không có trượng phu, vì là tạo tác. Ví như bình chén. Trong trí chánh trí tà trí nghi không có trượng phu, vì là tạo tác. Ví như bình chén. Trong nhân buồn vui thuộc về đế, không có trượng phu, vì là tạo tác. Ví như bình chén. Các nhân như thế nên nói nghiệm xét rộng. Độc-tử-bộ lại nói: Trong đệ nhất nghĩa có Như Lai. Nếu nói là không, thì Đức Phật đã không ghi nhận. Như ngoại đạo đã chấp về trượng phu, Như Lai tức ghi nhận nói là không. Nhưng chưa từng nói là không. Như Lai nếu nói là không, thì vì sao lại ghi nhận. Có người hỏi: Sau khi qua đời là không Như Lai chăng? Đức Phật cũng không đáp. Do đấy nên có Như Lai. Luận giả nêu bày: Như trong kinh chép, có một vị quốc vương đến thưa hỏi Đức Phật: Thế Tôn! Con có điều nghi, xin thỉnh vấn Đức Thế Tôn, kính mong Đức Thế Tôn vì con giải đáp trực tiếp, không cần nói rộng: Ngã trong thân là lớn hay là nhỏ. Là dài hay là ngắn? Sắc tướng vuông tròn đều giống với những gì? Là ở một nơi hay là hiện có khắp trong thân? Đức Phật nói: Đại vương! Vua được tự tại, tùy ý. Nay trở lại xin hỏi vua: Trong cung của đại vương, quả của cây Am-la tạo ra hương vị gì? Hình trạng sắc tướng lại giống với những gì? Vua thưa: Trong cung là trụ xứ của con không có cây Am-la. Vì sao lại hỏi về hương vị hình sắc của quả ấy? Đức Phật nói: Này đại vương! Trong thân có ngã, thì vua có thể hỏi về hình tướng lớn nhỏ dài ngắn. Nhưng trong thân này vốn không có ngã, làm sao khiến Ta trả lời về chỗ thưa hỏi của vua? Trả lời như thế tức là Đức Như Lai đã ghi nhận về vô ngã.

Ngoại đạo Đa-ma-la-bạt nói: Trong đệ nhất nghĩa có Như Lai. Vì đã nhận lấy sự thiết lập. Ở đây cho nếu nói là không, thì đối với điều trên không nhận lấy, nhưng là có thiết lập. Thế nào là có nhận lấy? Nghĩa là nhận lấy sự giải thoát vô thượng, huân tu các ấm nối tiếp, nên gọi là Như Lai. Như kinh đã nêu: Danh hiệu của Phật chẳng phải là do cha mẹ tạo, cho đến chẳng phải là do chư thiên tạo. Nghĩa ấy là như thế. Lại nữa, vì sao gọi là Phật? Nghĩa là lúc sau cùng chứng đắc giải thoát mới gọi là Phật. Do các sự việc như thế nên có Như Lai.

Luận giả nêu rõ: Như kệ trên nói:

Chẳng tức chẳng lìa ấm

Trong ấm không Như Lai

Trong Như Lai không ấm v.v…

Những gì là Như Lai?

Đây tức cho Như Lai, ở trong đệ nhất nghĩa này, rốt ráo không thể thủ đắc. Như kệ của Luận nói:

Một khác không Như Lai

Năm thứ cầu chẳng được

Vì sao nên dùng thủ

Thiết lập có Như Lai?

Giải thích: Đây tức cho trong đệ nhất nghĩa có tự thể. Vì sao có thể thiết lập? Nếu có thể thiết lập, tức chẳng phải trong đệ nhất nghĩa có tự thể. Hoặc nói như bình chén là giả thiết lập. Muốn được như vậy, nên nghĩa đã thiết lập của ông tức là không thành. Như ông đã nói, do thiết lập nên có Như Lai, thì ở đây lập nhân để nghiệm xét, trong đệ nhất nghĩa là không thành. Cũng cùng với nghĩa của nhân trái nhau. Vì sao là trái nhau? Nghĩa là nhận lấy sự thiết lập nên có bình chén, chỉ là có trong thế đế, chẳng phải là đệ nhất nghĩa.

Lại có người của Tự Bộ nói với Luận giả: Như kệ kia vừa nêu, nếu không có các thủ, làm sao có Như Lai, là nói không đúng. Tôi nay nói là có người thủ để nhận lấy. Nếu không có người thủ, thì cũng không có nhận lấy. Ví như tụ lông rùa. Thế nào gọi là nhận lấy? Nghĩa là pháp giải thoát vô lậu, không chung. Do vì năm ấm có đối tượng nắm giữ, vì thế như nhân đã nêu bày. Thế nào gọi là người thủ? Nghĩa là thân Như Lai có Như Lai ấy. Nên nghĩa đã lập của Tôi được thành. Luận giả nêu rõ: Nghĩa đó là không đúng. Như kệ của Luận nói:

Như Lai nhận sở thủ

Thủ ấy không thể đạt

Nhận cùng người thủ không

Cùng tất cả chủng không.

Giải thích: Đây tức cho thủ không có tự thể. Nghĩa của không có tự thể, như trước đã khiến hiểu rõ, không phải nói nữa. Tất cả chủng: Là chủng loại của tự thể, tha thể đều thấy biết đúng thật. Lúc quán xét môn tất cả chủng, ở trong đệ nhất nghĩa là không thể thiết lập, chỉ thuận theo thế đế nên có thiết lập. Thế nào là thiết lập? Nghĩa là Như Lai đã huân tu biển các công đức như mười lực, bốn vô sở úy, mười tám pháp bất cộng chưa từng có, không thể nghĩ bàn, được tất cả thế gian tôn kính cúng dường. Tác giả Trung Luận, nhân nơi năm ấm kia, tạo sự thiết lập ấy. Như kinh nói: Một người xuất thế, nhiều người được lợi ích, nhiều người được an lạc. Do nghĩa này nên gọi là giả thiết lập. Như Đức Thế Tôn nói: Ta là thiện tri thức chân thật của chúng sinh. Hết thảy chúng sinh có các thứ khổ như sinh lão v.v… Ta đều khiến được giải thoát. Lại nói: Những gì nên hiểu rõ, Ta đã hiểu rõ. Những gì nên nhận biết, Ta đã nhận biết. Những gì nên tu tập, Ta đã tu tập. Trong Kinh A Hàm nói như vầy: Nghĩa của Ta đã lập không cùng trái nhau với Như Lai. Thế nên trong thế đế đã tạo sự thiết lập ấy, không phải là đệ nhất nghĩa.

Ngoại nhân lại nói: Trong đệ nhất nghĩa không muốn đạt được, là tự trái với tông kia. Luận giả nêu rõ: Nếu trong đệ nhất nghĩa có Như Lai khiến người tin hiểu, là ông không nêu ra nghiệm xét, nhưng cũng không thể phá bỏ điều Tôi đã lập. Tôi không phải trước đã thọ nhận đệ nhất nghĩa, sau đấy mới nói về ngăn trừ. Đối với các ngoại đạo đáng thương xót, như kệ của kinh nói:

Mười lực, luân vô cấu

Mặt trời toàn ba cõi

Vô lượng chúng quy ngưỡng

Chiếu khắp tối vô minh.

Ở đây, tức như người mắt bị bệnh, không tin có mặt trời. Hoặc có kẻ nói: Như Lai không có Nhất thiết trí, vì là người. Ví như những người khác. Lại có thuyết nói: Trí của Như Lai, chẳng phải là Nhất thiết trí, vì là trí. Ví như trí của phàm phu. Lại có người cho: Thân của Như Lai chẳng phải là nơi chốn nương dựa của Nhất thiết trí, vì là thân. Ví như thân của phàm phu. Luận giả nêu bày: Những lời nói ấy là sai trái. Nếu trong đệ nhất nghĩa, Như Lai không có Nhất thiết trí, nhưng khiến tin hiểu, là người, là trí của phàm phu, là thân phàm phu nhưng lại làm nhân, thì nghĩa của những nhân ấy đều cùng không thành. Vì pháp thân: Là vĩnh viễn lìa phận người, trí, thân, các thứ có hý luận, không thuộc về ba cõi. Là tụ pháp vô lậu xuất thế gian nên gọi là pháp thân.

Lại nữa, như lại có người nói: Như Lai không có Nhất thiết trí, vì là tạo tác, nói rộng như thế. Về các nhân, như trước đã lập cùng với những lỗi của chúng. Hoặc lại có người tạo thí dụ, nói: Thân của Như Lai, chẳng phải là nơi chốn nương dựa của Nhất thiết trí, vì là thân có hoại diệt. Ví như tử thi của phàm phu. Dụ này có lỗi, cũng đồng với trước đã ngăn trừ về thí dụ của môn trí nêu ra nhân. Nếu nói là chủ thể nhận lấy cùng có đối tượng duyên, tức cũng do nơi lỗi này nên nói.

Lại nữa, ông nói Như Lai không có Nhất thiết trí, ở đây có nghĩa gì? Là tất cả không nhận biết, có ít đối tượng nhận biết chăng? Hay là chỉ một thứ không nhận biết? Nếu Ngoại nhân nhận lấy câu hỏi trước, tức nên hỏi lại họ: Do đâu không nhận biết? Nếu ý của Ngoại nhân cho: Không thể nhận biết cảnh giới của các căn, thế nên nói là không nhận biết. Luận giả nói: Các căn ấy v.v… cũng có thể nhận biết. Vì sao? Vì có thể nhận biết về cảnh giới. Ví như cánh tay của mình. Nếu nhận câu hỏi sau: Ông trước lập nghĩa tức là tự phá bỏ. Vì sao? Vì ông trước dùng người để làm nhân. Há có người một sự việc không nhận biết chăng? Lại nữa, thế gian đều nhận biết, nên thế nào là nhận biết? Nghĩa là nhận biết Như Lai có sự hiểu biết chân thật. Thế nên ông dùng phàm phu v.v… làm dụ, là đều không đúng. Phàm phu của thế gian cũng ít có đối tượng nhận biết. Lại nữa, như chư thiên v.v… có thể nhận biết các sự việc quá khứ hiện tại vị lai thuộc về ba cõi cùng không thuộc về, và cho là Như Lai không nhận biết về sự việc này chăng? Nếu không nhận biết, thì trở lại thành nghĩa của Tôi. Vì sao thành nghĩa của Tôi? Tức chư thiên của ông do là đối tượng nhận biết của trí tà, nên so với Như Lai là chẳng đồng. Lại nữa, do trí này là ác nên gọi là vô trí chăng? Như ông đã thờ kính vị Đại sư, là có Nhất thiết trí hay là không có Nhất thiết trí? Nếu là vị Nhất thiết trí, thì Như Lai cũng là Nhất thiết trí. Nếu Sư của ông không có Nhất thiết trí mà nói Như Lai là người không có Nhất thiết trí, thì lời nói như thế là không thể tin. Vì sao? Vì Sư của ông chẳng phải là Nhất thiết trí.

Lại có ngoại đạo hiệu là Thông Mạn, nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai không ghi nhận về mười bốn mạn. Lại nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai không ghi nhận về cái chết của Tôn-đà-lợi. Lại nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai không ghi nhận sự việc Bà-la-môn nữ là Chiên-già đã tạo hủy báng đối với chính mình.

Lại nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai đã không quyết định ghi nhận thành Hoa Thị bị hoại. Lại nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai không nhận biết về sinh tử nơi đời trước, tự ngăn che vì không nhận biết. Lại nói: Như Lai không có Nhất thiết trí. Vì sao? Vì Như Lai không nhận biết sự việc như Đề-bà-đạt-đa sẽ phá hoại Tăng đoàn, nên đã độ cho xuất gia. Những sự việc không ghi nhận ấy là không nhận biết nên Như Lai không có Nhất thiết trí.

Luận giả nói rõ: Người Thông Mạn của ông đã lập nghĩa, nêu ra nhân cùng thí dụ là những nêu bày hư vọng. Nay so với lỗi kia, sao ông không nói? Ngoại đạo Ni Càn chấp có ngã, nhân, chúng sinh, thọ mạng, ông sao không nói? Người của Tỳ-thế-sư cho là có pháp thật, ông sao không nói? Người của Tăng khư cho là có tự tánh, ông sao không nói? Trong Vi Đà đã thuyết giảng về trượng phu với những sự việc như thế v.v… không thể ghi nhận, không thể nói rõ, nên gọi là không có Nhất thiết trí chăng? Vì là đều không nên không ghi nhận chăng? Lại nữa, ông nói: Không nhận biết về phần chung nên gọi là không nhận biết chăng? Đây tức là nhận biết. Những gì là phần chung? Là hết thảy các pháp đều không có tự thể, nhưng đã khiến vật được lãnh hội. Nên sau Phật Bát Niết-bàn, vào đời vị lai, các vị đệ tử Phật cũng dùng nghĩa không có tự thể để khiến chúng sinh hiểu.

Lại có ngoại đạo Di-tức-già nói: Nhà Phật đã nói về mười hai Bộ Kinh, chẳng phải là sự thuyết giảng của người Nhất thiết trí. Vì có tác giả. Ví như các Luận của Tỳ-thế-sư.

Luận giả nêu bày: Nếu có tác giả, ông nêu ra nghĩa của nhân là không thành. Vì sao? Vì thấy có chúng sinh có thể hóa độ. Như Lai không dụng công, tự nhiên hiện ra ngôn thuyết, cũng như trống trời, nơi không trung tự vang lên. Như trong pháp của Tôi, người tạo tác, người thọ nhận đều là không. Ông lập nghĩa có người tạo tác, nhân ấy là không thành. Vi Đà của ông có người tạo tác, tụng tập, ví như các Luận của Tỳ-thế-sư. Nhân đã lập của ông tức chẳng phải là toàn bộ. Nếu Ngoại nhân có ý như thế, cho văn nghĩa của Vi Đà không có người tạo tác. Nghĩa ấy là thế nào? Người tạo tác, về thời gian xa, không thể nhớ nghĩ. Luận giả nói: Nói như thế là không phải. Ông chỉ nói về nhân, không có thí dụ.

Lại, trong Vi Đà của ông nói: Trong một lực sơn tạo một lực Tỳ đà. Trong Tam ma sơn tạo Tam ma Tỳ đà. Xứ Ca bô tạo A thát tỳ đà. Vì sao nói là không có người tạo tác? Thế nên, nghĩa của Tông ông lập là không thành. Nếu nói hiểu rõ ấy, chẳng phải là người tạo tác, thì nghĩa hiểu rõ này trước đã ngăn trừ. Ông lập nghĩa hiểu rõ là không thể thành tựu. Vì sao? Vì văn nghĩa là pháp tạo tác. Như người theo thứ lớp thọ học, mở đọc văn tự, chương câu. Ví như văn câu nơi Luận của Tăng khư.

Lại nữa, văn câu của ông là pháp tạo tác, vì có vui thích, mong muốn. Ví như văn câu nơi Luận của Tăng khư. Lại, văn câu là pháp tạo tác, vì có thọ trì. Ví như văn câu nơi Luận của Tăng khư. Lại, văn câu là pháp tạo tác, vì có tụng tập. Ví như văn câu nơi Luận của Tăng khư. Các nhân như thế nên rộng làm nghiệm xét. Như ngoại đạo Ditức-già đã cho âm thanh của Vi Đà là thường, nay là ngăn trừ nghĩa ấy. Ông đã phân biệt về âm thanh, chẳng phải là tự thể của âm thanh. Vì sao? Vì là đối tượng giữ lấy của căn. Ví như sắc v.v…

Lại nữa, âm thanh chẳng phải là pháp liễu xuất, là nhân của hành có thể nương dựa. Như nói Đề-bà-đạt-đa đem bình chén đến. Tức dựa nơi âm thanh đem bình chén đến, không dựa nơi vật khác để đến. Ví như nói về đầu, nói về tay. Như thế là có. Lại nữa, âm thanh chẳng phải là pháp liễu xuất, là pháp của đối tượng được triệu tập. Ví như nói về đầu v.v… Như thế là có. Lại nữa, âm thanh chẳng phải là liễu xuất, là pháp của chủ thể thành lập. Ví như nói về đầu. Như thế là có. Lại nữa, âm thanh chẳng phải là pháp xuất sinh, là nhân của vui mừng giận dữ. Ví như nói về đầu v.v… Như thế là có. Do những nhân ấy, tức nên rộng làm nghiệm xét. Hoặc có người nói: Vào thời kiếp sơ, là các Thiên tử, cũng đồng với trước đã ngăn trừ.

Lại nữa, Vi Đà là sự tạo tác của người ác phá giới, nói sát sinh để tế trời. Là xứ thân thuộc hành tà, uống rượu v.v… Ví như Luận Ba Tây Mục Già. Ngoại nhân nói: Trong Vi Đà nói kẻ sát sinh chẳng là phi pháp, do sức mạnh của chú, tế cầu tai ương được tiêu trừ nên không sợ tội sát sinh. Ví như dùng chú độc không hại người. Luận giả nêu rõ: Không cho mà lấy, hành hạnh tà v.v… là pháp cực ác. Nhưng chẳng phải là toàn bộ. Thế nên tạo tội sát sinh ấy là nhân dẫn đến đường ác. Tác ý sát sinh, chẳng phải là do lúc cuồng loạn giết hại. Ví như không đi vào nơi chốn dùng dê để cúng tế. Lại nữa, nếu nói dê v.v… là Phạm thiên sai khiến đến để làm vật cúng tế, thì nghĩa này không đúng. Vì chẳng phải vì cúng tế mà đến để nhận lấy sự sát hại. Vì sao? Vì là vật thọ thực. Ví như quả báo của nghiệp. Như thế là có, các nhân được quảng diễn như trên đã nói. Người kia như vậy là không điên đảo nơi tất cả pháp không có tự thể. Như Lai đã nói về sự cúng dường của hết thảy hàng trời người. Như Lai có đầy đủ các công đức như Nhất thiết trí, mười lực, bốn vô sở úy. Nên để sự việc này qua một bên. Nay trở lại nói về Tông gốc của Tôi. Như kệ của Luận nói:

Năm ấm đã thủ kia

Không từ tự Thể có

Nếu không có tự Thể

Làm sao có tha Thể?

Giải thích: Đây tức cho: Nếu không từ tự thể có, làm sao từ tha thể có. Vì sao? Vì không có tự thể, nên cũng không có tha thể. Nghĩa ấy như kệ của Luận nói:

Thể của pháp như thế

Thủ cùng người thủ không

Vì sao nên lấy không

Mà nói không Như Lai?

Giải thích: Tư duy quán xét về nhận lấy (thủ) cùng người nhận lấy, cả hai đều không, vì sao lấy không nói không là Như Lai, là không có sự việc ấy. Ngoại nhân nói: Vị kia trước đã nói: Tất cả các pháp đều không hý luận. Nay lại nói hết thảy pháp là không, trở lại là hý luận, tức trái với gốc đã nêu bày. Luận giả nêu rõ: Thật như điều đã hỏi. Vì sao? Như kệ của Luận nói:

Không tức chẳng nên nói

Phi không chẳng nên nói

Cùng chẳng cùng cũng thế

Thế đế nên có nói.

Giải thích: Nếu có người nói lìa nơi văn tuệ, nhưng có thể đối với tất cả cảnh giới đạt được đệ nhất nghĩa không, tức không nói hết thảy pháp là không, vì không có người như thế. Do nhằm tùy thuận nơi tụ phước trí của chúng sinh được hóa độ, nên nói các lời như không v.v…, là chỉ do thế đế thiết lập nên nói. Vì nhằm rửa sạch các thứ cấu uế của sự phân biệt bất thiện. Vì để phá trừ màng che của mắt nơi tà kiến si mê, nên nói tất cả cảnh giới là chẳng không. Vì sao? Vì nếu nói không là tăng trưởng tà kiến. Lại, vì nhằm phá trừ các màng che như chấp ngã v.v… nên nói tất cả cảnh giới là không. Trong đệ nhất nghĩa là như huyễn, như dợn nắng. Tự thể vô sinh, nên cả hai cùng không nói. Vì ngăn trừ kẻ khác lập nghiệm xét. Vì dứt bỏ lỗi đối với cảnh giới dấy khởi hai kiến. Vì nhằm đạt được đệ nhất nghĩa, nên nói là không hai. Như thế là để rửa sạch cấu uế của phân biệt bất thiện, nên nói các lời như không, vô tướng, vô tác, huyễn mộng v.v… Thế nên nói không diệt trừ tất cả kiến chấp. Như kệ của Luận nêu:

Nếu pháp có tự Thể

Thấy không có ích gì

Các kiến phân biệt buộc

Vì ngăn trừ kiến ấy.

Giải thích: Đây tức cho vật có tự thể thì thấy không là vô ích. Vì để phá trừ kiến chấp ấy, nên tán thán về không.

Ngoại nhân nói: Nếu cho cả hai cùng không nói, thì lời ấy tức có lỗi của hý luận. Luận giả nêu bày: Ông nói là sai trái. Vì nhằm ngăn trừ người khác phân biệt, nên nói cả hai đều không thể nêu bày. Không thể nêu bày nên không có lỗi. Ví như dùng âm thanh để ngăn dứt âm thanh. Lại nữa, nếu do đệ nhất nghĩa khiến tin hiểu, thì không có nghiệm xét như vậy. Nếu trụ nơi tâm của đệ nhất nghĩa, dùng trí của thế đế để nêu bày. Tức trong đệ nhất nghĩa, tất cả pháp là không. Người nói như thế là không lỗi. Như kệ sau nói:

Nếu không dựa thế đế

Không hiểu đệ nhất nghĩa.

Đây là nhằm ngăn trừ về chấp chẳng không nên nói không, nhưng chẳng chấp giữ không, thế nên không lỗi. Như vậy, tự thể của Như Lai cũng không. Nếu có người nói: Như Lai hoặc thường hoặc vô thường, cũng thường cũng vô thường, chẳng phải thường chẳng phải vô thường. Thế gian là hữu biên, thế gian là vô biên, cũng hữu biên cũng vô biên, chẳng phải là hữu biên chẳng phải là vô biên. Nếu nghĩa của Như Lai được thành, thì nghĩa của Tôi cũng thành như thế. Nay nên đáp lại lời ấy, như kệ của Luận nói:

Ở trong pháp tịch diệt

Bốn lỗi như vô thường v.v…

Cũng ở trong tịch diệt

Bốn lỗi như vô biên v.v…

Giải thích: Ở đây tức cho tự thể của Như Lai là không, nên chủ thể nương dựa là vô thể, sự phân biệt của đối tượng nương dựa cũng là vô thể. Nếu ý của Ngoại nhân muốn dùng Như Lai nêu ra nhân, dẫn dụ để thành lập ngã, thì nghĩa ấy chẳng thành. Do đấy nên nhân, dụ chẳng đồng, cũng trái với nghĩa ở trước. Như nơi Kinh Văn Thù Sở Vấn nói: Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Văn-thù-sư-lợi: Chẳng sinh chẳng diệt gọi là Như Lai. Nếu có người cho: Trong đệ nhất nghĩa, Như Lai sau khi diệt độ không ghi nhận về có không. Thế nên có Như Lai. Không như Thạch nữ. Ở đây không có con, nói là không có con. Tôi nay đáp lại lời ấy. Ông dùng vô số tập khí phân biệt, huân tập nơi trí tuệ, nên chấp nói về Như Lai, là đều không đúng. Như kệ của Luận nêu:

Người kiến chấp thô trọng

Nói Như Lai có không

Như Lai sau diệt độ

Vì sao không phân biệt?

Giải thích: Đây tức cho Như Lai sau khi diệt độ, Như Lai là có chăng? Như Lai là không chăng? Cũng có cũng không chăng? Chẳng phải là có, chẳng phải là không chăng? Nghĩa ấy là chẳng đúng. Người hành tập đúng đắn, mắt trí được mở rộng, như kệ của Luận nói:

Tự Thể Như Lai không

Chẳng nên khởi tư duy

Sau diệt có Như Lai

Cùng không có Như Lai.

Giải thích: Đây tức là tuệ không phân biệt của cảnh giới vô thể. Do đấy nên ông trước nêu ra nhân, thí dụ là có lỗi. Vì sao? Vì có sắc thân là vô thường, thân ngôn giáo, pháp thân. Nhân quả của chủ thể hiện tướng, đối tượng hiện tướng, chủ thể giác ngộ, đối tượng được giác ngộ, không, vô tướng, vô tác, như huyễn, như mộng v.v… đều là phân biệt. Như kệ của Luận nêu:

Hý luận sinh phân biệt

Như Lai vượt phân biệt

Bị hý luận che ngăn

Không thể thấy Như Lai.

Giải thích: Ví như người mù bẩm sinh không thấy vầng mặt trời, kẻ không thấy Như Lai cũng lại như thế. Vì sao không thấy? Vì hý luận phân biệt đã ngăn che mắt tuệ. Đó gọi là chẳng thấy. Thế nào là thấy? Là có thể thấy pháp tánh là thấy Như Lai. Đó gọi là thấy. Lại như kệ của Kinh nói:

Có thể thấy duyên khởi

Đó gọi là thấy pháp

Nếu có thể thấy pháp

Tức là thấy Như Lai.

Lại nữa, sắc thân là Như Lai. Thân ngôn giáo cùng pháp thân cũng là Như Lai. Như kệ trước nói:

Hý luận sinh phân biệt

Như Lai vượt phân biệt.

Lại như trong Kinh Kim Cương Bát Nhã, kệ nói:

Nếu dùng sắc thấy Ta

Dùng âm thanh cầu Ta

Người ấy đi đường tà

Không thể thấy Như Lai.

Lúc hành quán xét như thế, Ngoại nhân đã lập tự thể của các thể, nói là có thành lập, dẫn Như Lai làm thí dụ, là không đúng. Như kệ của Luận nêu:

Do tự Thể Như Lai

Đồng tự Thể thế gian

Như Lai là vô Thể

Thế gian cũng vô Thể.

Giải thích: Đây nghĩa là lúc quán Như Lai, thì các ấm giới nhập là không có tự thể. Phân biệt tất cả tự thể đều là vô thể. Thế nào là phân biệt? Nghĩa là các pháp như chủ thể hiện tướng đối tượng được hiện tướng của ấm giới nhập, hoặc nhân hoặc quả, hữu thể vô thể, các pháp một khác v.v… phân biệt rộng như trên, thảy đều là vô thể. Các ấm giới nhập v.v… vì sao là vô thể? Như trong Phẩm Quán Về Ấm đã nói: Nếu lìa nhân của sắc kia mà có sắc là không đúng. Như đạo lý của đối tượng quán ấy, thì ấm là vô thể. Như Lai cũng vô thể. Lại, như trong Phẩm Quán Về Giới nói không vật là hư không. Ở đây, lúc quán xét về sáu giới như hư không v.v… chẳng phải là tự thể, chẳng phải là tha thể, chẳng phải là chủ thể hiện tướng, chẳng phải là đối tượng được hiện tướng. Tất cả các thể thảy đều là không. Đã nói về sắc là không có tự thể. Tiếp theo là quán về thức giới. Thức giới như thế cùng phân biệt là Như Lai, quán thức giới ấy, chẳng phải thể, chẳng phải vô thể, chẳng phải là chủ thể hiện tướng, chẳng phải là đối tượng được hiện tướng, là không có tự thể nên cũng không Như Lai.

Lại như nơi Phẩm Quán Về Nhập nói nhập là không tự thể, đã khiến mở bày hiểu rõ. Lìa các nhập này thì không có người thấy riêng được thành. Như vậy, cho cảnh giới của các nhập là Như Lai, nghĩa đều không thành. Lại như nơi Phẩm Quán Về Củi Lửa đã nêu rõ về không – khác đều ngăn trừ, tức củi cùng với lửa đều không có tự thể. Như thế, nếu cho trí là Như Lai cùng cho ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp, từ bi hỷ xả, mười lực, bốn vô sở úy, ba mươi bảy đạo phẩm, sáu Ba-la-mật, các tụ công đức là Như Lai, cho đến pháp tánh, pháp giới, pháp trụ, thật tế, chân như, Niết-bàn. Các pháp như vậy, cùng với thân Như Lai là một là khác, chẳng phải một chẳng phải khác, những pháp ấy đều không có tự thể, nên Như Lai cũng không có tự thể. Lại, như trong Phẩm Quán Về Duyên đã nói không sinh khởi tức đã ngăn trừ chấp về sinh khởi, cũng ngăn trừ chấp Như Lai có sinh khởi, vì không có tự thể. Lại, như nơi Phẩm Quán Về Đi Đến đã ngăn trừ chấp có đến đi, làm rõ là không có tự thể, nên Như Lai cũng không có tự thể. Do đấy nên Ngoại nhân lập nghĩa đều không thành, vì các pháp đều không có tự thể. Cũng trái với nghĩa của nhân đã nêu ra ở trước. Như kệ vừa dẫn nói: Như Lai là vô Thể, Thế gian cũng vô Thể. Vì vậy, nơi phần đầu của Phẩm đã nói về lỗi nơi nghĩa của Ngoại nhân đã lập, để khiến tin hiểu. Tự nói về pháp thân có nghĩa thành lập, cũng khiến tin hiểu. Do nghĩa ấy nên nghĩa của Tôi được thành. Như trong Kinh Lăng Già nói: Đức Phật nói với Bồ-tát Đại Tuệ: Thân của Như Lai, chẳng phải là thường, chẳng phải là vô thường, chẳng phải là nhân, chẳng phải là quả, chẳng phải là hữu vi, chẳng phải là vô vi, chẳng phải là giác, chẳng phải là giới, chẳng phải là tướng, chẳng phải là vô tướng, chẳng phải là ấm, chẳng phải là lìa ấm, chẳng phải là ngôn thuyết, chẳng phải là vật của đối tượng được ngôn thuyết, chẳng phải là một, chẳng phải là khác, đều không hòa hợp, cho đến không có đối tượng chứng đắc, không có đối tượng duyên, vượt quá tất cả hý luận, nên gọi là Như Lai.

Lại như trong Kinh Như Lai Tam Mật nói: Đức Thế Tôn nói với Bồ-tát Tịch Tuệ: Thân của Như Lai là ngang bằng với thân hư không. Là thân không gì sánh. Là thân tối thắng hơn hẳn hết thảy thế gian. Là thân hiện bày khắp tất cả chúng sinh. Là thân không thể thí dụ. Là thân không tương tợ. Là thân thanh tịnh không cấu uế. Là thân không nhiễm ô. Là thân tự tánh thanh tịnh. Là thân tự tánh không sinh. Là thân tự tánh không khởi. Là thân không cùng với tâm ý thức hòa hợp. Là thân của tự thể như huyễn như dợn nắng, như trăng trong nước.

Là thân thuộc đối tượng quán xét của không, vô tướng, vô nguyện. Là thân hiện hữu đầy khắp mười phương. Là thân bình đẳng với hết thảy chúng sinh. Là thân vô biên vô tận. Là thân không động không phân biệt. Là thân đối với trụ chẳng trụ đều đạt được không hoại. Là thân của thể vô sắc. Là thân không thọ tưởng hành thức. Là thân không phải do địa giới thủy giới hỏa giới phong giới cùng hợp thành. Thân như thế, chẳng phải thật chẳng phải sinh cũng chẳng phải là đối tượng được tạo thành của các đại. Là pháp phi thật phi phi thật. Hết thảy thế gian đều không thể nhận biết. Không từ mắt sinh. Không dựa vào tai nghe. Không là đối tượng nhận biết của tỷ thức. Không phải là do lưỡi tạo thành. Cũng không cùng với thân tương ưng.

Lại như nơi Kinh Xá Lợi Phất Đà La Ni đã nói: Chỉ tu nhất tâm niệm Phật. Không do sắc để thấy Như Lai. Không do vô sắc để thấy Như Lai. Không do tướng tốt, không do vẻ đẹp, không do giới định tuệ, giải thoát, giải thoát tri kiến, không do sự sinh, không do gia thế, không do tộc họ, không do quyến thuộc, cho đến chẳng phải là tự tạo, chẳng phải là tha tạo. Nếu có đạt được như thế, đó gọi là niệm Phật.

Lại như trong Kinh Phật Địa, kệ nói:

Pháp như không khởi là Như Lai

Hết thảy pháp cùng Như Lai đồng

Tuy trí phàm phu vọng chấp tướng

Nhưng thường hành ở trong pháp không

Căn lực vô lậu gương các đức

Trong ấy hiển hiện tượng Như Lai

Nhưng thật không có Thể chân như

Cũng chưa từng có thân Như Lai

Thế gian hiện thấy tượng trong gương

Từ gốc không nơi tướng qua lại.

Lại như kệ nơi Kinh Lăng Già nói:

Phật do ấm duyên khởi

Không xứ có người thấy

Nếu nói không người thấy

Sao có thể quan sát?

Các Kinh như thế ở đây nên nói rộng.

Đã giải thích xong Phẩm Quán Về Như Lai.

HẾT – QUYỂN 13