Báo Hiếu Phải Phát Bồ Đề Tâm
Thích Đức Trí

 

Vu Lan Báo Hiếu là thể hiện nếp sống tốt đẹp của người học Phật. Hiếu là ý nghĩa của đạo đức, và cũng là phẩm chất của đời sống hạnh phúc và giác ngộ. Vu Lan không phải là một ngày lễ hội thông thường trên bình diện tín ngưỡng mà đó là một thông điệp nhắc nhở chúng ta biết tri ân và báo ân đối với cha mẹ, nhắc nhở chúng ta tu tập trong tinh thần tự lợi và lợi tha. Theo tinh thần Phật Giáo, phát Bồ Đề Tâm là năng lực báo hiếu có hiệu quả nhất.

Nếu như có ai đó đến ngày lễ Vu Lan, tới chùa đốt vài nén nhang, khấn vái lâm râm, cài một hồng trên áo và bỏ một ít tiền vào thùng phước điền, tưởng vậy là đã thực hiện xong ý nghĩa báo hiếu, đó quả là sự thiếu sót trầm trọng. Vì làm vậy chưa đúng tiêu chuẩn báo hiếu theo tinh thần lời Phật dạy.

Bông hồng màu đỏ trong mùa báo hiếu, đó là sự nhắc nhở mọi người rằng hạnh phúc cho chúng ta khi còn có cha và mẹ để được phụng sự, cha mẹ là ruộng phước điền lớn nhất để chúng ta gieo mầm phúc đức. Đức Phật dạy rằng: “Gặp thời không có Phật xuất thế thì cúng dường cha mẹ giống như cúng dường Phật vậy.” Cha mẹ chúng ta còn sống thì chính là Phật đang ở tại nhà mình, do vậy phải hết lòng cung kính phụng dưỡng.

Bông hồng màu trắng nhắc đến những ai đã mất mẹ, đó là điều đáng buồn, nhưng không hẳn là chúng ta không còn có phương thức nào để báo hiếu. Vì theo quan điểm đạo Phật, sống không phải là bắt đầu, chết không phải là chấm dứt tất cả. Nếu chúng ta có lòng hiếu thảo, có đời sống đạo đức thì vẫn thực hiện trọn vẹn trách nhiệm của người con đối với các bậc cha mẹ. Đối với cha mẹ qua đời thì hãy phát tâm tu tạo phước đức, làm các điều lành để hồi hướng siêu độ cho cha mẹ được sanh về cảnh an lạc.

Báo Hiếu là lý tưởng của Bồ Tát Đạo, khi chúng ta học kinh Vu Lan Bồn, Kinh Báo Hiếu Phụ Mẫu và Kinh Địa Tạng thì thấy rõ được phương pháp báo hiếu đúng theo tinh thần Phật dạy. Trong kinh ấy, chúng ta nhận thức rõ được ý nghĩa của nhân quả chi phối đời sống con người. Nếu như sống với tâm ô nhiễm thì chắc chắn chiêu cảm đời sống khổ đau trong ác đạo, nếu sống với tâm thanh tịnh, biết phụng sự Tam Bảo thì được cảnh sống an lạc trong hiện tại và tương lai. Chúng ta ý thức sâu sắc rằng, giáo lý nhân quả thuyết minh hiện trạng đời sống nhân sanh và mọi diễn biến vũ trụ vạn vật. Ở trong Kinh Vu Lan Bồn nhắc đến Bà Thanh Đề, mẹ của Ngài Mục Kiền Liên, do hiện kiếp tham lam và bỏn xẻn nên sau khi chết đọa lạc vào cảnh giới ngạ quỷ. Trong Kinh Địa Tạng có hai hình ảnh nổi bật đó là mẹ của Thánh Nữ Bà La Môn vì tội hủy báng Tam Bảo mà đọa lạc vào địa ngục; mẹ của Quang Mục Bồ Tát do hiền kiếp sát sanh hại vật không tin nhân quả, sau khi chết cũng bị đọa vào địa ngục thọ khổ báo. Kinh Địa Tạng cũng được xem là kinh báo hiếu trong Phật môn “Phật môn chi hiếu kinh”, nhấn mạnh phương pháp báo hiếu mà còn thuyết minh ý nghĩa tính chất nhân quả trong hai lĩnh vực thiện ác của chúng sanh. Nhận thức đúng đắn nguyên lý nhân quả mới có thái độ báo hiếu thiết thực nhất.

Người học Phật chân chính, sống đúng theo pháp Phật, một lòng sắt son phụng sự Tam Bảo, thì người đó mới hiểu rõ ý nghĩa báo hiếu. Muốn có công đức báo ân cha mẹ là phải phát Bồ Đề Tâm. Đó là cái tâm rộng lớn hướng đến lý tưởng làm Phật mà thực hiện hạnh nguyện cứu giúp và dìu dắt chúng sanh cùng tu đạo giải thoát.

Phương pháp cứu tội nhân trong địa ngục, theo Kinh Vu Lan chép rằng mẹ Ngài Mục Kiền Liên, bà Thanh Đề bị đọa trong địa ngục, Mục Kiền Liên dù là tu chứng lục thông, thần thông đệ nhất cũng không có phương cách gì cứu mẹ. Đức Phật dạy Ngài Mục Kiền Liên phát tâm rộng lớn hiến cúng dường phẩm vật lên Đức Phật và Hiền Thánh Tăng, nhờ phước đức và oai lực đó mà bà Thanh Đề được sanh về cõi an lành.

Trong Kinh Địa Tạng, Thánh Nữ Bà La Môn phát tâm cúng dường Tam Bảo, nhất tâm niệm đức Phật Giác Hoa Định Tự Tại, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi cảnh địa ngục khổ đau. Thánh nữ đã phát nguyện: “Nguyện cùng tận thì gian vị lai, có bao kẻ tội khổ, con xin tìm đủ cách mà làm cho họ giải thoát”.

Cũng tương tự như thế, Ngài Quang Mục phát tâm cúng dường chùa tháp, nhất tâm niệm Phật, nhờ công đức đó mà cứu mẹ thoát khỏi địa ngục. Từ đó Quang Mục phát tâm rộng lớn cứu độ chúng sanh đang khổ đau thoát khỏi cảnh đau khổ. Thánh Nữ Bà La Môn và Quang Mục Bồ Tát đều là tiền thân của Ngài Địa Tạng hành Bồ Tát Đạo. Do vậy muốn có năng lực cứu độ chúng sanh trong địa ngục, điều căn bản là phải phát lòng từ bi rộng lớn với tâm bình đẳng mới chuyển hóa nghiệp thức người đã mất. Lòng từ bi là ý nghĩa căn bản của Bồ Đề Tâm, của nguyện lực hạnh Bồ Tát Đạo, là nhân tố cứu khổ ban vui cho mọi loài chúng sanh và thành tựu giác ngộ viên mãn.

Đức Phật dạy rằng: “Dù tại gia hay xuất gia, dù Thanh văn hay chư Phật đều có bổn phận đền ơn cha mẹ, vì tâm hiếu là tâm Phật”. Báo hiếu là điều kiện cốt lõi của đạo lý giải thoát. Trong Kinh Nguyên Thủy hay Kinh Đại Thừa, Đức Phật nhấn mạnh rằng biết hiếu thảo với cha mẹ là tạo được vô lượng phước đức. Ở trong Kinh Địa Tạng nhấn mạnh rằng, bất hiếu với cha mẹ là đọa địa ngục A Tỳ, ai hiếu kính cha mẹ sẽ được phước đức thù thắng. Ở trong Kinh Quán Vô Lượng Thọ, Đức Phật nhấn mạnh rằng người nào phát tâm niệm Phật cầu vãng sanh nhất định phải tu tam phước, hiếu thuận với cha mẹ là điều phước thứ nhất trong ba phước giúp cho người thành tựu nguyện lực vãng sanh.

Chúng ta hãy noi gương của Đức Phật, sau khi thành đạo lên cung trời Đao Lợi thuyết pháp cho thánh mẫu Ma Gia, về hoàng cung thuyết pháp cho vua cha là vua Tịnh Phạn trước lúc lâm chung. Ngài Xá Lợi Phất là đệ nhất trí tuệ trong hàng đệ tử Phật, một cuộc đời theo Phật xuất gia đến năm ngài 80 tuổi, trước khi ngài nhập diệt, từ giã cõi đời giả tạm này, đã đảnh lễ xin Phật về nhà thuyết pháp độ mẹ già 100 tuổi rồi mới nhập Niết Bàn. Ngài Địa Tạng báo hiếu cho mẹ là phát nguyện cứu độ chúng sanh bị đọa lạc trong khắp chốn địa ngục khổ đau qua vô số kiếp. Học Phật tức là học phát tâm như tâm của Phật và Bồ tát, học báo hiếu cha mẹ như các Ngài đã báo hiếu. Năng lực báo hiếu của chúng ta có ý nghĩa thiết thực hay không thì trước hết mỗi người nên tự hỏi mình đã phát tâm Bồ đề hay chưa? Đây là vấn đề chúng ta cần lưu ý.