Nghĩ Về Bốn Ân
Viên Thắng

 

Mỗi khi bưng bát cơm đầy
Nhớ ơn Tam bảo, công thầy, mẹ cha.
Ơn người thí chủ gần xa
Con nguyện sống hạnh vị tha đáp đền.

Biết ơn và báo ơn là giáo lý nền tảng của người con Phật, cũng là nền tảng đạo đức nhân cách sống của con người trong xã hội; cho nên ân nghĩa là cái gốc vững chắc của đạo làm người.

Trong kinh đức Phật thường nói về bốn ơn lớn đó là: ơn cha mẹ, ơn thầy tổ, ơn đất nước và ơn tín thí để khuyên nhủ và răn dạy mọi người.

1. Ơn cha mẹ: Khi nói về công ơn cha mẹ thì không có bút mực nào để diễn tả hết được. Bởi vì tình thương cha mẹ dành cho con cái thật là vô bờ bến như trời cao, biển rộng. Chỉ có cha mẹ mới hy sinh suốt đời lo cho con cái, từ khi con còn nằm trong bụng mẹ, cho đến khi con ra đời rồi lớn dần theo năm tháng, cha mẹ nuôi con vất vả khổ nhọc biết dường nào. Bậc làm cha mẹ, ai cũng mong ước cho con mình ngày mai tương lai được tươi sáng; cho nên, công ơn cha mẹ thật là sâu nặng, cao cả bao la, không có gì sánh bằng. Vì thế, trong kinh Tâm Địa Quán, đức Phật ví công ơn cha mẹ như núi cao biển rộng:

“Ân cha lành như núi Thái,
Đức mẹ hiền sâu tợ biển khơi,
Dù cho dâng trọn một đời,
Cũng không trả hết ân người sinh ta”.

Do đó, phận làm con chúng ta phải luôn nhớ đến công ơn cha mẹ, không những lo lắng chăm sóc lo cho cha mẹ khi đau ốm hay tuổi già mà còn khuyên cha mẹ quy y Tam bảo, biết thực hành theo lời Phật dạy. Như thế mới gọi là người con báo hiếu cha mẹ trọn vẹn.

2. Ơn thầy tổ: Mỗi người chúng ta lớn lên biết đọc, biết viết tiếng mẹ đẻ, biết điều hay lẽ phải, biết sống đạo lý làm người, có nghề nghiệp ổn định trong cuộc sống là nhờ công ơn thầy cô dạy bảo. Vì thế, người xưa từng nói:

Dẫu rằng một chữ cũng thầy
Dẫu rằng nửa chữ cũng đầy ơn sâu
Ngày nay vào cuộc bể dâu
Lời thầy là những hạt châu soi đường.

Thế nên, công ơn của thầy cô giáo ở thế gian rất sâu nặng. Do đó, chúng ta cố gắng siêng năng, chăm chỉ học hành để mai này trở thành người hữu ích cho gia đình và xã hội, đó là chúng ta đền đáp công ơn thầy cô giáo.

Còn người xuất gia học đạo, khi mới bước chân vào chùa còn mái tóc xanh được thầy tổ truyền trao và chỉ dạy tỉ mỉ từng lời ăn tiếng nói, từng cử chỉ hành vi, oai nghi tế hạnh của người xuất gia để mai này trở thành bậc xuất trần thượng sĩ, cho đến khi chúng ta được đăng đàn thọ giới cụ túc, tác thành giới thân huệ mạng thì công ơn của thầy tổ thật là cao cả.

Do đó, chúng ta muốn đền đáp công ơn thầy tổ không gì bằng hãy tinh tấn tu học để mai này hành đạo, hoằng pháp lợi sinh, nguyện đem thân này làm lợi ích cho mình và cho mọi người; đó là chúng ta báo đáp chút công ơn thầy chỉ dạy:

Ơn giáo dưỡng một đời nên huệ mạng,
Nghĩa ân sư muôn kiếp khó đáp đền.

3. Ơn đất nước: Khi nói về ơn đất nước có lẽ mọi người liền nghĩ đến hình ảnh những vị nguyên thủ của quốc gia ngày đêm suy nghĩ lo cho nhân dân và đất nước được ấm no, hạnh phúc; hay các chiến sĩ ở nơi đầu sóng ngọn gió ngoài biển khơi, hoặc ở nơi rừng sâu núi thẳm ngày đêm canh giữ vùng biên giới của tổ quốc, thật cảm động biết bao:

Một ba lô cây súng trên vai,  người chiến sĩ quen với gian lao,
ngày dài đêm thâu vẫn có những  người lính trẻ,
nặng tình quê hương anh canh giữ nơi  miền đất mẹ
[1]

Có lẽ ai cũng biết sự hy sinh thầm lặng khổ nhọc của các chiến sĩ ở nơi rừng sâu hay biển đảo xa, cũng như ngay trong lòng thành phố. Các anh luôn đặt nhiệm vụ vì cuộc sống bình yên của nhân dân lên hàng đầu. Có những chiến sĩ sẵn sàng hy sinh hạnh phúc của riêng mình để lo việc chung của đất nước. Chính vì thế mà từ xưa đến nay biết bao mồ hôi, xương máu của ông cha ta đã đổ xuống vì nghĩa lớn. Có những chàng trai ra đi mãi mãi không trở về, gởi thân mình vào trong lòng đất mẹ quê hương để bảo vệ chủ quyền thiêng liêng đất nước.

Hôm nay chúng ta được học tập, làm việc trong thời bình, nhưng đời sống xã hội vẫn còn xảy ra rất nhiều tệ nạn, cho nên các chiến sĩ vẫn phải chịu vất vả, hy sinh quên mình vì cuộc sống bình yên của nhân dân. Do đó, mỗi người chúng ta cố gắng học tập và làm việc đem lại sự lợi ích cho gia đình và xã hội, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, đó là chúng ta đền ơn tổ quốc.

4. Ơn tín thí: Trong cuộc sống đời thường giữa người với người có sự tương quan sinh tồn với nhau. Người lao động trí óc nhớ ơn người lao động chân tay làm ra hạt gạo, rau củ, cho đến việc chăn nuôi v.v…để cung cấp lương thực mỗi ngày. Người lao động chân tay nhớ ơn người sáng tạo ra xe cộ, máy móc hiện đại cho đến các vật dụng trong đời sống. Do đó, chúng ta phải biết ơn lẫn nhau.

Còn người xuất gia học đạo là phải từ giã song thân, bà con làng xóm vào chùa tu học, gia tài chỉ có ba y với bình bát. Do đó, người học đạo nhờ ơn tín thí cúng dường các vật dụng nhu cầu cần thiết như y phục, thức ăn uống, giường chõng, ngọa cụ, thuốc thang để yên tâm tu học, thành tựu giới, định, tuệ.

Vì thế, bài phục nguyện mỗi ngày sau giờ cúng quá đường là để nhắc nhở chúng ta: “Cơm ngày ba bữa thường nhớ công ơn khó khổ của người nông phu. Thân mặc ba y thường nhớ nghĩ sự nhọc nhằn của người may dệt. Thuốc thang giường chõng bởi do sự nhịn ăn bớt mặc của tín thí…”

Vì thế, biết ơn và báo ơn là thể hiện đạo đức làm người, cũng là một yếu tố rất quan trọng, nó thể hiện sự văn minh, lịch sự, nếp sống, tính cách và phần nào có thể đánh giá được phẩm chất, giá trị bản thân con người. Đức Phật dạy về bốn ơn lớn là một chân lý rất thiết thực trong đời sống xã hội. Chúng ta thấy người con luôn hiếu kính với cha mẹ thì luôn gặp thuận lợi trong công việc, vì luôn được người khác giúp đỡ. Còn kẻ bất hiếu thì luôn thất bại trong cuộc sống và thường xuyên bị cạm bẫy cuộc đời cuốn trôi, rồi sống trong đau khổ, lầm mê. Cho đến ba ơn còn lại cũng như vậy. Cho nên ông cha ta có câu: “Uống nước nhớ nguồn”.

Là người con Phật, chúng ta luôn luôn nhớ đến bốn ơn lớn. Bởi vì, đạo lý làm người việc biết ơn, báo ơn là đạo đức phẩm chất của con người. Chúng ta hãy cố gắng trau dồi những phẩm chất cao quý này để làm gương cho con cháu thực hành theo. Như thế mới xứng đáng là người con Phật.

***

[1] . Hát Về Anh, nhạc sĩ Thế Hiển.