Mười Bài Thi Kệ Về Ân Mẹ
Sakya Minh-Quang dịch và giới thiệu

 

Ân thứ nhất: giữ gìn thai nhi
Nhân duyên nhiều kiếp đến thọ thai
Mẹ dưỡng nuôi con mảnh hình hài
Từng tháng dần thành nên ngũ tạng
Mỗi tuần lần đủ cả mắt tai
Thân thể nặng nề như đá núi
Đứng đi cẩn trọng sợ lo hoài
Áo xiêm trang điểm không màng nữa
Tiều tụy như vầy hỏi vì ai?
Ân thứ hai: khổ lúc gần sinh
Mang thai mười tháng lắm chua cay
Gần đến ngày sinh nỗi đọa đày
Sáng sáng thân như người bệnh nặng
Chiều chiều tâm tợ bóng đêm dày
Nhọc nhằn cho mẹ thân lao khổ
Lo lắng vì con lệ chảy dài
Buồn thương than với người thân thuộc:
Nếu chết, con mình ở với ai?
Ân thứ ba: sinh con quên khổ
Ngày mẹ lâm bồn ngày lâm nạn
Ruột đứt gan rời chẳng thở than
Mệt ngất từng cơn, đau quặn thắt
Máu tuôn lai láng cảnh kinh hoàng
Sinh xong biết được con an ổn
Hạnh phúc còn hơn mẹ được vàng.
Niềm vui tâm tưởng vừa an định
Nỗi đau thể xác xé ruột gan.
Ân thứ tư: nhường con bùi ngọt
Công cha nghĩa mẹ thực cao sâu
Lo lắng khi con mới ấm đầu
Ngon ngọt phần con luôn an hưởng
Đắng cay về mẹ chẳng than sầu
Tình sâu như biển, lòng không nỡ
Nghĩa nặng bằng non, nghĩ lại đau
Chỉ mong con được đời no đủ
Mẹ có nề chi kiếp dãi dầu.
Ân thứ năm: nhường khô nằm ướt
Mẹ nằm chỗ ướt chẳng phiền than
Miễn con khô ráo ngủ được an
Hai dòng sữa ngọt nuôi thân lớn
Đôi cánh tay mềm chắn gió hàn
Giật mình con khóc, mẹ thao thức
Đùa giỡn con cười mẹ hân hoan
Chỉ mong con được nhiều an lạc
An ổn riêng mình, mẹ chẳng màng.
Ân thứ sáu: thương yêu nuôi dưỡng
Mẹ là đất rộng suốt gần xa
Cha là trời lớn khắp bao la
Mẹ cha che chở như trời đất
Ân nghĩa rộng sâu tợ hải hà
Cho dù khuyết tật không chê bỏ
Nếu có lỗi lầm cũng thứ tha
Mang nặng đẻ đau tình cốt nhục
Nên luôn yêu quý đứa con nhà.
Ân thứ bảy: tắm giặt đồ dơ
Vốn xưa mặt tựa đóa phù dung
Yểu điệu xinh tươi khó tả cùng
Mày xanh làm lợt màu liễu biết
Má hồng thêm thắm cánh đào nhung
Tháng năm sầu khổ mòn nhan sắc
Tắm giặt đồ dơ chẳng ngại ngùng
Thương con giờ mẹ đâu còn quản
Đổi thay tiều tụy cả hình dung.
Ân thứ tám: trông ngóng con về
Chết phải lìa xa khổ vô vàn
Sống mà ly biệt héo sầu gan
Con đi ngàn dặm thân sương gió
Mẹ ở quê nhà tâm chẳng an
Ngày đêm trông ngóng sầu trăm mối
Ngồi đứng khóc than lệ muôn hàng
Như vượn mất con đau đứt ruột
Sầu thương làm mẹ nát tâm can.
Ân thứ chín: xót thương sâu sắc
Ân tình phụ mẫu tợ hải hà
Khó mà đền đáp nghĩa mẹ cha
Sẵn lòng thay thế khi khó khổ
Lo lắng chung cùng lúc phong ba
Cầu học con đi quên quê cũ
Vò võ mẹ nằm nhớ phương xa
Nhọc nhằn con chỉ trong chốc lát
Xót xa lòng mẹ khó phôi pha.
Ân thứ mười: thương con trọn đời
Cha mẹ ân tình tợ biển khơi
Thương con giây phút chẳng tạm rời
Ngồi đứng không quên tâm thắc thỏm
Gần xa luôn nhớ, dạ đầy vơi
Cho dù đến lúc mẹ trăm tuổi
Cũng vẫn còn lo con tám mươi
Tình mẹ bao la không bờ bến
Thương con đến hơi thở cuối đời.

1. Giới thiệu văn bản

Mười bài thi kệ về ân mẹ, theo thể ngũ ngôn bát cú (tám dòng năm chữ) bên Hán văn, đã được bút giả dịch ra tiếng Việt bằng thể thơ thất ngôn bát cú (bảy chữ tám dòng) với tựa là Mười Công Ơn Mẹ. Đây là một trong những vần thơ tuyệt tác nói về ân tình mà mẹ đã dành cho con từ thuở cấn thai cho đến lúc mẹ trút hơi thở cuối cùng! Tác giả những bài thi kệ này vô danh, nhưng chắc chắn đó là một nhà thơ Phật tử nào đó, đã nhiệt tâm quảng bá tư tưởng hiếu đạo Phật giáo trong hoàn cảnh xã hội văn hóa phương Đông, chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo.

Về mặt mặt văn bản, mười bài thi kệ này có xuất xứ từ Phụ Mẫu Ân Trọng Nan Báo Kinh父母恩重難報經, hay Kinh Khó Đền Đáp Ơn Nặng của Cha Mẹ, gọi tắt là Kinh Báo Hiếu. Tuy dịch giả của bản kinh được ghi nhận là Cưu-ma-la-thập, nhưng một số Tôn đức thuở xưa như Đại sư Liên Trì cuối nhà Minh hay các học giả hiện nay đều chỉ ra kinh này được biên tập ở Trung Quốc, không có trong Đại Tạng Kinh. Tuy nhiên, so với bản kinh có tựa đề tương tự trong Đại Tạng Kinh là Phụ Mẫu Ân Nan Báo Kinh 佛說父母恩難報經 do An Thế Cao dịch, bản Kinh Báo Hiếu được nhiều người biết đến hơn trong cộng đồng Phật tử bình dân. Có lẽ, đây là vì ngoài nội dung hiếu đạo được trình bày một cách đơn giản, quan trọng hơn, bản kinh này còn có những bài kệ tụng mang nét đẹp thi ca, dễ hiểu dễ nhớ, nên đã đi sâu vào lòng của số đông Phật tử.

Theo thiển ý của bút giả, “Phật Pháp bất ly thế gian pháp”, trong năm thừa Phật Pháp vẫn có nhân thiên thừa là thế gian cọng pháp, tức có phần chia sẻ chung với pháp thế gian. Lại nữa, Đại Trí Độ Luận nói: “Phật Pháp chẳng phải chỉ là những gì đức Phật chính miệng nói ra, mà tất cả những lời lành và chân thật, những lời hay đẹp và vi diệu trong thế gian đều xuất phát từ trong Phật Pháp.” Cho nên, tuy bản kinh Báo Hiếu không phải do ngài Cưu-ma-la-thập phiên dịch, có người cho là ngụy kinh, nhưng vẫn không ngoài Phật Pháp! Ngụy kinh là vấn đề phức tạp, được bàn cãi nhiều giữa các học giả trong giới Phật học, có dịp bút giả xin trình bày ở chỗ khác. Ở đây chúng ta chú trọng đến “học Phật” (emulating the Buddha) hơn là “Phật học” (Buddhist studies). Trên thực tế, đứng về mặt nội dung và ảnh hưởng khuyến thiện, bản kinh này đã góp một phần quan trọng trong việc hoằng dương Hiếu đạo Phật giáo trong quần chúng xã hội từ xưa đến nay. Huống chi, hơn nửa thế kỷ từ khi có bản dịch tiếng Việt, những lời kinh về công ơn cha mẹ của kinh này đã đi sâu vào lòng người Phật tử Việt Nam, góp phần đưa Đạo vào Đời, giáo dục đạo đức tâm linh cho rất nhiều quần chúng Phật tử tại gia.

2. Giới thiệu dịch giả Kinh Vu Lan-Báo Hiếu

Hòa thượng Thích Huệ Đăng (1873-1953), người thành lập Thiên Thai Thiền Giáo Tông ở Bà Rịa vào năm 1935 trong phong trào Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam, đã dịch Kinh Vu Lan và Kinh Báo Hiếu Công Ơn Cha Mẹ ra thể thơ song thất lục bát. Hai bài kinh này thường được in chung, được gọi tắt là Kinh Vu Lan-Báo Hiếu. Hằng năm, vào mùa Vu Lan tháng bảy âm lịch, hầu như ở Việt Nam chùa nào cũng tụng kinh Vu Lan-Báo Hiếu. Hòa Thượng Thích Huệ Đăng rất sở trường về thơ song thất lục bát. Những vần thơ song thất lục bát của Ngài rất bình dị và nhẹ nhàng, đã đem hiếu đạo và Phật Pháp vào lòng người một cách tự nhiên. (Bút giả cũng rất hâm mộ bài Sám Hồi Tâm còn được biết đến là Sám Thảo Lư do Hòa thượng sáng tác cũng bằng thể thơ song thất lục bát.) Cho nên, nhờ công đức “dĩ văn tải đạo” của Hòa thượng, phần lớn người Phật tử Việt Nam đều quen thuộc với nội dung kinh Vu Lan-Báo Hiếu, thậm chí có người còn có thể đọc thuộc lòng.

Vì vậy, có thể nói, bản dịch hai bài kinh Vu Lan và Báo Hiếu đã góp công lớn trong việc khơi dậy và truyến bá hiếu đạo vào lòng người Phật tử Việt Nam trong hơn nửa thế kỷ qua. Cũng nhờ sự phổ biến của hai bản dịch này mà nhiều người chưa hiểu Đạo đã biết phát tâm cúng dường trai Tăng, hộ trì Tam Bảo, để tạo công đức hồi hướng cho mẹ cha. Cho nên, ở hai mặt đạo pháp và xã hội, Kinh Vu Lan-Báo Hiếu đều có sự đóng góp quan trọng.

3. Mười Công Ơn Mẹ Trong Kinh Báo Hiếu

Một nội dung quan trọng của Kinh Báo Hiếu đó là mười công ơn mẹ. Trong Kinh Báo Hiếu, Hòa thượng Thích Huệ Đăng đã phiên dịch như sau:

Thế Tôn lại bảo A-nan:
“Ơn cha nghĩa mẹ nhiều phần phải tin.
Điều thứ nhất, giữ gìn thai giáo
Mười tháng thường chu đáo mọi bề,
Thứ hai sanh đẻ gớm ghê
Chịu đau chịu khổ mỏi mê trăm phần,
Điều thứ ba, thâm ân nuôi dưỡng
Cực đến đâu bền vững chẳng lay,
Thứ tư ăn đắng nuốt cay
Để dành bùi ngọt đủ đầy cho con,
Điều thứ năm, lại còn khi ngủ
Ướt mẹ nằm, khô ráo phần con,
Thứ sáu sú nước nhai cơm
Miễn con no ấm chẳng nhờm chẳng ghê,
Điều thứ bảy, không chê ô uế
Giặt đồ dơ của trẻ không phiền,
Thứ tám chẳng nỡ chia riêng
Nếu con đi vắng cha phiền mẹ lo,
Điều thứ chín, miễn con sung sướng
Dầu phải mang nghiệp chướng cũng cam
Tính sao có lợi thì làm
Chẳng màng tội lỗi bị giam bị cầm,
Điều thứ mười chẳng ham trau chuốt
Dành cho con các cuộc thanh nhàn
Thương con như ngọc như vàng
Ơn cha nghĩa mẹ sánh bằng Thái Sơn.”

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với nguyên bản Hán văn, mười công ơn mẹ được Hòa thượng Thích Huệ Đăng trình bày ở phần trên chỉ là lược dịch tiêu đề, vài chỗ còn chưa sát với nguyên ý, và bỏ qua không dịch muời bài thi kệ về ân mẹ có trong nguyên tác. Trong nguyên bản Hán văn, mười ân mẹ được trình bày bằng mười bài tụng, mỗi bài làm theo thể ngũ ngôn bát cú (tám dòng, năm chữ), có sự đối ngẫu và nội dung phong phú hơn nhiều so với bản dịch.

Để bổ sung cho phần chưa đầy đủ này, bút giả đã phiên dịch mười bài tụng Hán văn từ thể ngũ ngôn bát cú qua thể thơ thất ngôn bát cú (tám dòng bảy chữ) trong tiếng Việt. Sở dĩ chọn dịch bảy chữ thay vì năm chữ, vì làm như vậy mới có thể diễn đạt hết nội dung súc tích bên Hán văn. Tuy nhiên, đây là thi kệ, tức nặng về kệ hơn thi. Kệ là dùng văn để chở Đạo, đưa Phật Pháp đi vào lòng người với tinh thần khế lý khế cơ như đức Phật đã từng làm, mà không phải là thơ văn thế gian: “Mua vui cũng được một vài trống canh.” (Truyện Kiều-Nguyễn Du)

4. Mười Bài Thi Kệ Về Ân Mẹ

Sau đây bút giả xin giới thiệu bản dịch thơ thất ngôn bát cú mười bài thi kệ ân mẹ, bao gồm phần phiên âm và chữ Hán để người đọc có cơ sở đối chiếu. Phiên dịch, nhất là dịch thơ, là sự tương tác với tác giả và sáng tạo của riêng mình. Cho nên, bút giả chú trọng việc dịch sát ý hơn dịch sát lời. Bút giả cũng cố gắng thể hiện phần đối ngẫu trong bản dịch của mình, mong đạt được mức độ tối đa theo tiêu chuẩn phiên dịch là tín, đạt, nhã.

Đệ nhất: Hoài thai thủ hộ ân / 一、懷胎守護恩
Lụy kiếp nhân duyên trọng / 累劫因緣重,
Kim lai thác mẫu thai / 今來托母胎,
Nguyệt du sanh ngũ tạng / 月逾生五臟,
Thất thất lục tinh khai / 七六精開。
Thể trọng như sơn nhạc / 體重如山嶽,
Động chỉ kiếp phong tai / 動止劫風災,
La y đô bất quải / 羅衣都不掛,
Trang kính nhạ trần ai. / 裝鏡惹塵埃。

Dịch thơ:

1. Ân thứ nhất: giữ gìn thai nhi
Nhân duyên nhiều kiếp đến thọ thai
Mẹ dưỡng nuôi con mảnh hình hài
Từng tháng dần thành nên ngũ tạng
Mỗi tuần lần đủ cả mắt tai
Thân thể nặng nề như đá núi
Đứng đi cẩn trọng sợ lo hoài
Áo xiêm trang điểm không màng nữa
Tiều tụy như vầy hỏi vì ai?

Đệ nhị: Lâm sản thọ khổ ân / 第二、臨產受苦恩
Hoài kinh thập cá nguyệt / 懷經十個月,
Nan sản tương dục lâm / 難產將欲臨,
Triêu triêu như trọng bệnh / 朝朝如重病,
Nhật nhật tợ hôn trầm / 日日似昏沈。
Nan tương hoàng bố thuật / 難將惶怖述,
Sầu lệ mãn hung khâm / 愁淚滿胸襟,
Hàm bi cáo thân tộc / 含悲告親族,
Duy khủng tử lai xâm. / 惟懼死來侵。

Dịch thơ:

2. Ân thứ hai: khổ lúc gần sinh
Mang thai mười tháng lắm chua cay
Gần đến ngày sinh nỗi đọa đày
Sáng sáng thân như người bệnh nặng
Chiều chiều tâm tợ bóng đêm dày
Nhọc nhằn cho mẹ thân lao khổ
Lo lắng vì con lệ chảy dài
Buồn thương than với người thân thuộc:
Nếu chết, con mình ở với ai?

Đệ tam: Sanh tử vong ưu ân / 第三、生子忘憂恩
Từ mẫu sanh nhi nhật / 慈母生兒日,
Ngũ tạng tổng trương khai / 五臟總張開,
Thân tâm cụ mân tuyệt / 身心俱悶絕,
Huyết lệ tợ đồ dương / 血流似屠羊。
Sanh dĩ văn nhi kiện / 生已聞兒健,
Hoan hỷ bội gia thường / 歡喜倍加常,
Hỷ định bi hoàn chí / 喜定悲還至,
Thống khổ triệt tâm trường. / 痛苦徹心腸。

Dịch thơ:

3. Ân thứ ba: sinh con quên khổ
Ngày mẹ lâm bồn ngày lâm nạn
Ruột đứt gan rời chẳng thở than
Mệt ngất từng cơn, đau quặn thắt
Máu tuôn lai láng cảnh kinh hoàng
Sinh xong biết được con an ổn
Hạnh phúc còn hơn mẹ được vàng.
Niềm vui tâm tưởng vừa an định
Nỗi đau thể xác xé ruột gan.

Đệ tứ: Nhân khổ thổ cam ân / 咽苦吐甘恩
Phụ mẫu ân thâm trọng / 父母恩深重,
Cố hoài một thất thời / 顧憐沒失時,
Thổ cam vô tiêu tức / 吐甘無稍息,
Nhân khổ bất tần mi / 咽苦不顰眉。
Ái trọng tình nan nhẫn / 愛重情難忍,
Ân thâm phục bội bi / 恩深復倍悲,
Đản linh hải nhi bão / 但令孩兒飽,
Từ mẫu bất từ cơ. / 慈母不辭飢。

Dịch thơ:

4. Ân thứ tư: nhường con bùi ngọt
Công cha nghĩa mẹ thực cao sâu
Lo lắng khi con mới ấm đầu
Ngon ngọt phần con luôn an hưởng
Đắng cay về mẹ chẳng than sầu
Tình sâu như biển, lòng không nỡ
Nghĩa nặng bằng non, nghĩ lại đau
Chỉ mong con được đời no đủ
Mẹ có nề chi kiếp dãi dầu.

Đệ ngũ: Hồi can tựu thấp ân / 第五、回乾就濕恩
Mẫu nguyện thân đầu thấp / 母願身投濕
Tương nhi di tựu can / 將兒移就乾
Lưỡng nhũ sung cơ khát / 兩乳充饑渴
La tụ yếm phong hàn / 羅袖掩風寒
Ân mẫn hằng phế chẩm / 恩憐恆廢枕
Sủng lộng tài năng hoan / 寵弄才能歡
Đản linh hải nhi ổn / 但令孩兒穩
Từ mẫu bất cầu an. / 慈母不求安

Dịch thơ:

5. Ân thứ năm: nhường khô nằm ướt
Mẹ nằm chỗ ướt chẳng phiền than
Miễn con khô ráo ngủ được an
Hai dòng sữa ngọt nuôi thân lớn
Đôi cánh tay mềm chắn gió hàn
Giật mình con khóc, mẹ thao thức
Đùa giỡn con cười mẹ hân hoan
Chỉ mong con được nhiều an lạc
An ổn riêng mình, mẹ chẳng màng.

Đệ lục ân: bộ nhũ dưỡng dục ân / 第六、哺乳養育恩
Từ mẫu tượng đại địa / 慈母像大地
Nghiêm phụ phối ư thiên / 嚴父配於天
Phú tái ân đồng đẳng / 覆載恩同等
Phụ nương ân diệc nhiên / 父娘恩亦然
Bất tắng vô nộ mục / 不憎無怒目
Bất hiềm thủ túc luyên / 不嫌手足攣
Đản phúc thân sanh tử / 誕腹親生子
Chung nhật tích khiêm liên. / 終日惜兼憐

Dịch thơ:

6. Ân thứ sáu: thương yêu nuôi dưỡng
Mẹ là đất rộng suốt gần xa
Cha là trời lớn khắp bao la
Mẹ cha che chở như trời đất
Ân nghĩa rộng sâu tợ hải hà
Cho dù khuyết tật không chê bỏ
Nếu có lỗi lầm cũng thứ tha
Mang nặng đẻ đau tình cốt nhục
Nên luôn yêu quý đứa con nhà.

Đệ thất: Tẩy địch bất tịnh ân / 第七、洗滌不凈恩
Bản thị phù dung chất / 本是芙蓉質
Tinh thần kiện thả phong / 精神健且豐
Mi phân tân liễu bích / 眉分新柳碧
Kiểm sắc đoạt liên hồng / 臉色奪蓮紅
Ân thâm thôi ngọc mạo / 恩深摧玉貌
Tẩy trược tổn bàn long / 洗濯損盤龍
Chỉ vị liên nam nữ / 只為憐男女
Từ mẫu bất cải dung. / 慈母改顏容

Dịch thơ:

7. Ân thứ bảy: Tắm giặt đồ dơ
Vốn xưa mặt tựa đóa phù dung
Yểu điệu xinh tươi khó tả cùng
Mày xanh làm lợt màu liễu biết
Má hồng thêm thắm cánh đào nhung
Tháng năm sầu khổ mòn nhan sắc
Tắm giặt đồ dơ chẳng ngại ngùng
Thương con giờ mẹ đâu còn quản
Đổi thay tiều tụy cả hình dung.

Đệ bát: Viễn hành ức niệm ân / 第八遠行憶念恩
Tử biệt thành nan nhẫn / 死別誠難忍。
Sinh ly thật diệc thương / 生離實亦傷
Tử xuất quan sơn ngoại / 子出關山外
Mẫu ức tại tha hương / 母憶在他鄉
Nhật dạ tâm tương tùy / 日夜心相隨
Lưu lệ sổ thiển hàng / 流淚數千行
Như vượn khấp ái tử / 如猿泣愛子
Thốn thốn đoạn can trường. / 寸寸斷肝腸

Dịch thơ:

8. Ân thứ tám: trông ngóng con về
Chết phải lìa xa khổ vô vàn
Sống mà ly biệt héo sầu gan
Con đi ngàn dặm thân sương gió
Mẹ ở quê nhà tâm chẳng an
Ngày đêm trông ngóng sầu trăm mối
Ngồi đứng khóc than lệ muôn hàng
Như vượn mất con đau đứt ruột
Sầu thương làm mẹ nát tâm can.

Đệ cửu: Thâm gia thể tuất ân / 第九、深加體恤恩
Phụ mẫu ân tình trọng / 父母恩情重
Ân thâm báo thật nan / 恩深報實難
Tử khổ nguyện đại thọ / 子苦願代受
Nhi lao mẫu bất an / 兒勞母不安
Văn đạo viễn hành khứ / 聞道遠行去
Liên nhi dạ ngọa hàn / 憐兒夜臥寒
Nam nữ tạm tân khổ / 男女暫辛苦
Trường sử mẫu tâm toan. / 長使母心酸

Dịch thơ:

9. Ân thứ chín: xót thương sâu sắc
Ân tình phụ mẫu tợ hải hà
Khó mà đền đáp nghĩa mẹ cha
Sẵn lòng thay thế khi khó khổ
Lo lắng chung cùng lúc phong ba
Cầu học con đi quên quê cũ
Vò võ mẹ nằm nhớ phương xa
Nhọc nhằn con chỉ trong chốc lát
Xót xa lòng mẹ khó phôi pha.

Đệ thập: Cứu cánh liên mẫn ân / 第十、究竟憐愍恩
Phụ mẫu ân thâm trọng / 父母恩深重
Ân liên vô yết thời / 恩憐無歇時
Khởi tọa tâm tương trục / 起坐心相逐
Cận viễn ý dữ tùy / 近遙意與隨
Mẫu niên nhất bách tuế / 母年一百歲
Trường ưu bát thập nhi / 長憂八十兒
Dục tri ân ái đọan / 欲知恩愛斷
Mệnh tận thủy phân ly. / 命盡始分離

Dịch thơ:

10. Ân thứ mười: thương con trọn đời
Cha mẹ ân tình tợ biển khơi
Thương con giây phút chẳng tạm rời
Ngồi đứng không quên tâm thắc thỏm
Gần xa luôn nhớ, dạ đầy vơi
Cho dù đến lúc mẹ trăm tuổi
Cũng vẫn còn lo con tám mươi
Tình mẹ bao la không bờ bến
Thương con đến hơi thở cuối đời.
Nam-mô Đại Hiếu Mục-kiền-liên Bồ-tát.

5. Kết luận

Bài viết này chủ yếu giới thiệu bản dịch mười bài thi kệ về ân mẹ của bút giả, còn phần giảng giải xin dành ở bài viết khác. Bút giả cũng trình bày sơ lược sự nghiên cứu và nhận định của riêng mình về nguyên bản cũng như phần dịch về mười ân mẹ trong Kinh Báo Hiếu của Hòa thượng Thích Huệ Đăng để làm tài liệu tham khảo.

Bút giả dịch lại Mười Công Ơn Mẹ trong Kinh Báo Hiếu với lòng tôn kính và tri ân Hòa Thượng Thích Huệ Đăng, một vị Cao tăng cận đại của Phật giáo Việt Nam. Ngài cũng như nhiều vị Tôn đức đi trước đã mở ra con đường hoằng Pháp mới trong thời kỳ Chấn Hưng Phật Giáo Việt Nam nửa đầu thế kỷ 20. Bổn phận của hàng hậu học là phải tráng nhựa hay đổ bê tông, và mở rộng lớn thêm con đường hoằng Pháp này trong thời đại và hoàn cảnh hiện nay. Như vậy, chúng ta mới không cô phụ tấm lòng và công đức của tiền nhân trong muôn một. Đây là việc làm kế thừa và phát triển, đóng góp một phần công sức mình vào kho tàng văn học Phật giáo Việt Nam, cũng như đời sống tu học hằng ngày của người Phật tử tại gia. Bút giả đã hoàn tất bản dịch này vào năm 2000, in trong quyển Nghi Thức Tụng Niệm, sau này là Nghi Thức Huân Tu Hằng Ngày do bút giả phiên dịch và biên soạn. Mong rằng những ai đọc được, không những thưởng thức phần văn chương của bản dịch, mà còn có thể cảm nhận sâu sắc hơn về công ơn cha mẹ qua nội dung, để làm tròn hiếu đạo làm con.

Nam-mô Thường Tri Ân Bồ-tát Ma-ha-tát.