Vu Lan Về Con Nhớ Mẹ Hơn
Viên Thắng

Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi nhớ mẹ khóc như trẻ con.
Mẹ ơi con đã già rồi, con ngồi ngớ ngẩn nhớ ngôi nhà xưa
[1].

Mẹ ơi! Thế là một mùa Vu lan nữa lại về, trên ngực con cài đóa hoa trắng, khiến con nhớ mẹ vô cùng. Mỗi lần con về thăm ngôi nhà xưa, nhìn ở bất cứ nơi nào, con cũng thấy hình ảnh mẹ ra vào; thế là con ngồi khóc nức nở. Giờ đây, con chỉ biết tìm mẹ trong ký ức, tìm mẹ ở trong cõi hư vô, mong được thấy bóng dáng mẹ hiền, nhưng chẳng thấy hình dáng mẹ, con lại khóc gọi mẹ như trẻ thơ, thật đúng như tục ngữ nói:

“Thêm một người quả đất sẽ chật thêm
Nhưng thiếu mẹ thế giới đầy nước mắt.”

Mẹ mất đã 5 năm rồi, mà sao con cứ ngỡ như ngày hôm qua. Nhớ những ngày con còn bé, mẹ vất vả chăm con từng chút một, từ miếng ăn giấc ngủ, chỗ ướt mẹ nằm, chỗ ráo con lăn. Những buổi trưa hè nắng nóng ở xứ miền Trung oi bức khó chịu, làm cho con không ngủ được cứ mãi khóc nhè; mẹ vừa quạt vừa ru con bằng những bài hát ru con ngọt ngào:

Gió mùa thu mẹ ru con ngủ
Năm canh chầy mẹ thức đủ vừa năm.

Lời mẹ ru đưa con vào giấc ngủ say nồng. Thế là mẹ lại nhẹ nhàng đứng lên tiếp tục vô số công việc nhà không tên. Vào mùa đông giá lạnh, con cuộn mình trong lòng mẹ để nghe mẹ kể rất nhiều câu chuyện cổ tích. Cả cuộc đời mẹ làm nông, chăn nuôi lam lũ, tảo tần, quẩn quanh sau lũy tre làng, dãi dầu một nắng hai sương để nuôi con khôn lớn. Cuộc đời mẹ chịu nhiều đắng cay tủi nhục vì chiến tranh loạn lạc. Vậy mà, tuổi thơ con bồng bột, nông nổi có lúc con trách móc giận hờn làm cho mẹ buồn, con không hiểu được nỗi đau thầm kín, chỉ có mình mẹ biết.

Giờ đây, con đã lớn khôn, cũng từng nếm trải qua đắng cay, ngọt bùi trong cuộc sống; con cũng từng vấp ngã trên đường đời rồi lại gượng đứng lên làm bài học kinh nghiệm cho mình. Con đi khắp mọi nơi, sống chung biết bao nhiêu người, trải nghiệm qua cuộc sống; những lúc con ngồi nhớ mẹ, chỉ có mẹ là thương con và bao dung tất cả lầm lỗi cho con. Lúc này, mỗi lần nhìn lên di ảnh mẹ, con mơ ước được một lần nghe tiếng mẹ gọi con, được ôm lấy mẹ và ăn những món ăn tự tay mẹ nấu cho con, được hít hà mùi của mẹ như ngày xưa. Dường như mẹ biết được nỗi khao khát trong lòng con, nên mẹ nhìn con mỉm cười, làm cho con càng nhớ mẹ xót xa.

Có lẽ cùng tâm trạng có người mẹ quê, cuộc sống cực khổ tảo tần, dãi dầu mưa nắng, chịu bao đắng cay, hy sinh cả cuộc đời vì mong cho con mình được tương lai tốt đẹp, nên thầy Thích Thiện Hữu cũng nói về mẹ mình:

“Đời của mẹ đã thành bài học sống
Đức hy sinh như nước khơi nguồn
Bao nỗi đắng cay mẹ chẳng chút u buồn
Lắm lời sỉ vả mẹ chưa từng ta thán?”

Thật vậy, khi nói về mẹ thì dường như ai cũng thốt lên: “Mẹ thật tuyệt vời, chúng con yêu thương mẹ nhiều lắm!” Hạnh phúc nhất ở thế gian này là con còn có mẹ! Điều bất hạnh nhất trần gian này là mẹ đã không còn. Đứa con dù có lớn đến mấy mà mất mẹ thì cũng như còn bé, cũng cảm thấy bơ vơ, lạc lõng, chẳng khác nào trẻ mồ côi. Chính vì thế, Vũ Hùng Việt đã thốt lên nỗi đau đớn khi không còn mẹ:

“Con mất mẹ rồi mất yêu thương.
Hoa trắng con cài lên ngực này
Con tim nức nở nhận niềm đau
Công ơn của mẹ chưa đền đáp.”

Bởi vì đứa con khi mất mẹ nên phải chịu cảnh mồ côi, thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ hiền. Khi con đi học, đi chơi hay đi làm về bụng đói meo, chỉ cần con réo gọi: “Mẹ ơi! Con đói bụng quá!” thì mẹ như bà tiên dịu hiền liền bưng đến cho con cơm dẻo, canh nóng, rau tươi…còn bốc hơi thơm lựng, trong cơn đói lả con vô tư ngồi ăn ngấu nghiến một lúc đã hết sạch. Mẹ ngồi âu yếm nhìn con ăn mà nét mặt rạng ngời hạnh phúc, rồi đứng lên làm cho con ly nước chanh mát lạnh. Đến khi con ăn uống no nê rồi chỉ nhìn mẹ mỉm cười mà chưa hề nói lời “con cảm ơn mẹ.” Lúc con tắm xong, quần áo con thay ra chưa giặt thì mẹ lại âm thầm giặt giũ sạch sẽ, phơi khô, xếp lại gọn gàng cho con…

Thế nên, ai mất mẹ rồi mới thấy được giá trị hạnh phúc khi còn có mẹ: “ Mồ côi, tội lắm ai ơi. Đói cơm khát nước biết người nào lo[2]”.

Đến lúc này, đứa con ấy mới giật mình thảng thốt: “Mẹ xa con thật rồi!”. Nỗi đau xé buốt con tim, con ân hận chưa làm được điều gì gọi là báo hiếu mẹ. Hai từ ‘giá như’ cứ mãi theo con day dứt.

Vậy mà, xã hội ngày nay có rất nhiều đứa con, vì chạy theo cám dỗ đời thường mà đánh mất lương tâm mình. Từ một đứa con hiền lành hiếu thuận với cha mẹ, nhưng khi bị bạn bè xấu lôi kéo trở thành đứa con ngỗ nghịch, ham mê ăn chơi trác táng, hút chích, cờ bạc, nhậu nhẹt, gái gú v.v… ngày đêm đắm mình trong mê muội, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Điều đáng buồn hơn, khi bọn chúng không còn tiền để ăn xài thì về nhà tra khảo bắt cha mẹ đưa tiền. Nếu cha mẹ không còn tiền đưa thì chúng sẵn sàng sát hại đấng sinh thành của mình. Những vụ án xảy ra thời gian gần đây đã khiến dư luận bàng hoàng, người người đau xót.

Do đó, mỗi mùa Vu Lan về, như một hồi chuông thức tỉnh thẩm sâu trong lòng những người con, như nhắc nhở về niềm hiếu hạnh. Cho dù chúng ta ở gần cha mẹ hay đi làm ăn xa, nhưng hãy cố gắng sắp xếp công việc, thời gian học tập để gần cha mẹ nếu có thể. Bởi vì khi mẹ không còn, nỗi đau tê tái khi trên ngực chúng ta cài đóa hoa hồng trắng:

Thu sang lá rụng sân chùa cũ,
Mà mẹ ra đi chẳng hẹn về,
Lắng tiếng chuông ngân hòa nhịp mõ,
Nghe lòng chết lịm nỗi đau tê
[3].

***

[1] . Mẹ Tôi, nhạc sĩ Trần Tiến.

[2] . Mừng Tuổi Mẹ, nhạc sĩ Trần Long Ẩn.

[3] . Tác giả Khương Vi