PHẬT NÓI A NAN ĐÀ MỤC KHƯ NI HA LY ĐÀ LÂN NI
(Anantamukha-nirhāra-dhāraṇi-vyākhyāna-kārikā)
Hán dịch: Đời Nguyên Ngụy_ Bắc Ấn Độ Tam Tạng PHẬT ĐÀ PHIẾN ĐA
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Nghe như vậy: Một thời Đức Phật đi đến Duy Da Ly (Vaiśali), ở giữa rừng cây lớn có Tịnh Xá tên là Giao Lộ Trang Nghiêm cùng với chúng Đại Tỳ Khưu gồm 30 vạn người đến dự. Thời Đức Phật muốn buông bỏ thân mạng, ba tháng sau sẽ Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: nhập vào Niết Bàn)

Bấy giờ, Đức Phật bảo Hiền Giả Ma Ha Mục Kiền Liên (Mahā-maudgalyāyana), đi đến ba ngàn Đại Thiên cõi nước, hô gọi hết chủng Thanh Văn (Śrāvaka), Bích Chi Phật (Pratyeka-buddha) với người phát Ma Ha Diễn (Mahā-yāna: Đại Thừa) đều khiến đi đến tư họp.

Tức thời, Mục Kiền Liên nhận sự dạy bảo, cúi lạy bàn chân của Đức Phật, làm lễ rồi đi. Tự dùng Công Đức liền nhấc một chân đạp trên đỉnh núi Tu Di (Sumeru), nương theo Uy Thần của Đức Phật, liền ngồi suy nghĩ: “Nên làm Tam Muội (Samādhi) nào khiến cho ba ngàn Thế Giới nghe tiếng Ta thỉnh?”. Thời Tam Muội ứng tìm như điều đã nghĩ, tất cả mười phương nghe khắp tiếng thỉnh ấy, có trăm vạn Tỳ Khưu đi đến tu họp tại Tịnh Xá.

Hiền Giả Xá Lợi Phất (Śāriputra) lại phát niệm nói: “Ta cũng đang ở Tam Muội, muốn biết Tỳ Khưu ở chỗ xa, gần trong cõi Diêm Phù (Jambu-dvīpa) khiến cho tụ hội”. Tức như điều nghĩ nhớ, cũng đều tụ tập với biết nơi chốn. Thời có 40 vạn Tỳ Khưu đi đến tụ hội tại Tịnh xá.

Đức Phật lại bảo Bất Hiện Tướng Bồ Tát, Nhuyễn Thủ Bồ Tát, Khí Chư Cần Khổ Bồ Tát, Xuất Nhất Thiết Ưu Minh Bồ Tát, Trừ Nhất Thiết Cái Bồ Tát, Nhất Thiết Tôn Tự Tại Bồ Tát, Kỳ Âm Quảng Văn Biến Kiến Phổ An Bồ Tát, Chúng Hương Thủ Bồ Tát, Nhất Thiết Ngữ Báo Vạn Ức Âm Bồ Tát, Từ Thị Bồ Tát… “Này Thiện Nam Tử! Ông đi đến cõi nước của chư Phật nhiều như nhóm cát sông Hằng ở mười phương, trong các cõi ấy hô gọi hết người phát Bồ Tát Ý đã được A Duy Việt Trí (Avaivartika: bất thoái chuyển) với người chưa được, người đã được Vô Sở Tòng Sinh Pháp Nhẫn với người chưa được… đều khiến đi đến tụ hội tại Tịnh Xá Giao Lộ”.

Mười vị Bồ Tát đều nhận sự dạy bảo của Đức Phật, cúi lạy rồi đi đến khắp hằng sa cõi nước ở mười phương. Bấy giờ, 80 ức trăm ngàn vị Bồ Tát Nhất Sinh Bổ Xứ (Eka-jāti pratibodha) đến tụ hội, ức trăm ngàn vị Bồ Tát A Duy Việt Trí đến tụ hội, 30 ức vị Bồ Tát được Vô Sở Tòng Sinh Pháp Nhẫn đến tụ hội, 60 ức vị Bồ Tát Tịnh Ý Giải Thoát đến tụ hội. Bậc mới phát Ý lớn với bậc ứng Pháp làm chẳng thể tính đếm, thảy đều một loại trì giữ Uy Thần của Phật, đều từ mười phương bay đến chốn này, lễ Đức Phật, đều tụ hội rồi cùng ngồi xuống.

Khi Xá Lợi Phất thấy chúng Bồ Tát có phẩm đệ sai khác, chẳng đồng nơi cư trú mà đều đồng loạt bay đến tụ hội, liền kinh sợ nói: “Theo nơi mà Thần Lực Công Đức của Phật đã an trí thì dùng nhóm nào mà đến tụ hội như vậy?!…”

Lúc đó, Xá Lợi Phất liền đứng dậy, rời khỏi chỗ ngồi, làm lễ Đức Phật, quỳ thẳng lưng, cài chéo bàn tay rồi bạch Phật rằng: “Con có điều nghi ngờ, nay muốn hỏi Đức Phật: khiến cho Bồ Tát tụ họp, khiến cho được niềm tin ngay thẳng, nghe Đức Phật nói đều được điều ấy, Kinh Pháp mà hằng hà sa đẳng Phật đã nói, sẽ khiến cho tất cả đều bình đẳng nghe với được thanh tịnh, khiến cho vố số người, mọi loại đã hỏi đều hay đáp trả, hành Pháp Hạnh nào thường chẳng mất Ý mau được Tối Chính Giác của con đường bình đẳng vô thượng vậy?…”

Đức Phật nói: “Lành thay! Lành thay! Xá Lợi Phất mới vì các Bồ Tát Ma Ha Tát cho nên muốn hỏi nghĩa ấy nhanh chóng như vậy sao?…”

Đức Phật nói: “Hãy nghe cho kỹ! Hãy khéo giữ nhớ! Ta sẽ vì ông tăng thêm Giải Thoát sâu xa khiến cho tất cả nghe, mau được Tối Chính Giác của con đường bình đẳng vô thượng”.

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Nhóm Bồ Tát này đã được ứng với Quyển Đà Lân Ni xong, chiếu sáng các Pháp đều vì tất cả các Pháp làm con đường. Tại sao thế? Vì dùng cho con người của Thế Gian vậy”.

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát có bốn việc, dùng sẽ được Pháp này. Nhóm nào là bốn?

1_ Chỗ hành của thân thường răn dạy cẩn thận

2_Lời mà miệng nói ra thường chí thành

3_Nơi nghĩ nhớ của Ý thường nhu thuận

4_Khéo quyền phương tiện cứu giúp tất cả.

Đây là bốn việc, dùng được Pháp đó vậy”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát lại có bốn việc được Bất Khả Tận Không Thân Tuệ. Nhóm nào là bốn?

1_Dùng thanh tịnh trụ thiêu đốt các cần khổ, giải tán sự dơ bẩn nghi ngờ (nghi cấu), độ thoát tất cả người dân trong Thế Gian

2_Dùng thanh tịnh trụ giữ gìn các Kinh Pháp Đạo, lợi ích cho tất cả

3_Dùng thanh tịnh trụ tạo làm Công Đức nhiêu ích tất cả

4_Tịnh các cõi nước, vượt qua tất cả, khiến được Phật Pháp

Đây là bốn việc Không Thân Tịnh Trụ Tuệ chẳng thể cùng tận vậy”

_Đức Phật bảo xá Lợi Phất: “Bồ Tát lại có bốn việc trì Đà Lân Ni Mục Khư (Dhāraṇī-mukha: Tổng Trì Môn) dùng vào sinh tử khiến mau chóng đạt được. Nhóm nào là bốn?

1_Đà La Ni Mục Khư, người đời gọi là Sắc, khiếnmau được Tịnh Pháp

2_Đà La Ni Mục Khư nhập vào nhẫn nhục

3_Đà La Ni Mục Khư nhập vào gốc rễ của tất cả tư tưởng

4_Đà Lân Ni Mục Khư nhập vào Pháp của tất cả chỗ làm thiện ác, khiến mau chóng đạt được.

Đây là bốn việc mau đạt được Đà Lân Ni Mục Khư này vậy”

_Đức Phật nói: “Bồ Tát mau chóng muốn đạt được A Nan Đà Mục Khư Ni Ha Ly Đà Lân Ni (Ananta-mukha-nirhāra-dhāraṇī). Trước tiên nên học hiểu 48 tên gọi. Nhóm nào là bốn mươi tám?

1_A chi (AKHE: vô vi)

2_Mặc chi (MAKHE: bất vi)

3_Tam mạn đà mục chi (SAMANTA-MUKHE: phổ môn)

4_Tất đề (YUKTI: tinh cần)

5_Ni luật đề (DIRUKTI: tịch diệt)

6_Ba la nãi (PRABHE: chiếu quang)

7_Y lệ (HILI: thuận giáo)

8_Kiếp ti (KARPE: thường niệm)

9_Kiếp bát đà ly (KARPAṢI: sở niệm)

10_Sa ly (SĀLE: diệu thuật)

11_Đa la bạt ly (VARA-VATI: diệu cú)

12_Hy la (HILA: hữu tâm)

13_Hy lệ (HILI: vô ý)

14_Hy lật lệ (HILILE: Tâm vô sở niệm)

15_Chiên đề (CAṆḌE: giải thoát)

16_Già la nê (CAVADE: hành giả)

17_Phả già nê (CARADE: vô động)

18_A lan nê (ARALĀṂ: tha dư)

19_Niết vật đề (NIRMADE: vô thoát)

20_Niết thệ đề (NIRJATI: vô sinh)

21_Ni a la bãi mạt ly (NIRVAPADE-MALE: Vô cấu hạnh)

22_Du tha nê (ŚODHANE: nghiêm tịnh)

23_Ba la hột đà bạt nê (PRAKṚTI DĪPĀNE: vô vãng)

24_Bạo phi bãi chi hề (BHAVA VIBHAVANE: danh văn)

25_A sương kì (ASUṄGHE: ly hữu)

26_Đàm di (DAME: vô ngại)

27_Duy phất la khư khai bãi (VIPURĀ-PRABHE: điều định)

28_Tăng yết sạn (SUṬKARṢAṆI: trường quang minh)

29_Điệt đề ly (DHIDHIRE: thậm dũng)

30_Ma ha điệt đề ly (MAHĀ-DHIDHIRE: đại dũng)

31_Dạ xà phi đề (YAŚA-VATI: ta thán cú)

32_Át giá ly (ACALE: bất khả động)

33_Mạt già ly (MACALE: bất động)

34_Tam mạt già ly (SAMACALE: đẳng động)

35_Đề la san đề (ḌṚDHA-SAṂDHI: thứ kiên)

36_Tu hy đề (SURTHIRE: đế vãng)

37_A sương ca bãi ha ly (ASUṄGHE-PRABHE: vô ngại hạnh)

38_Tam mạn đà mục chi (SAMANTA-MUKHE: phổ tôn)

39_Ni ha la thuật đề (DĪHARA-ŚUDDHADE: tinh cần hạnh)

40_Tu di (SUME: tu di)

41_Đam phi bạt đề (RTHILE: trụ già)

42_Đê la đan di (RTHIME: kiên cường lực)

43_Đan ma bạt đề (RTHIMA-VARTTI: đắc cường lực)

44_Ma ha khư khai tử (MAHĀ-PRABHE: đại quang minh)

45_Bãi phú la lại di (VIPURĀ-RAŚMI: trường chiếu minh)

46_Tát hòa lữ nậu yết đề (SARVATRA ANUGATE: sinh sở hộ)

47_A na sất kì (ANACCHADE: vô đoạn)

48_Đà lân ni mục khư nhị na đề (DHARAṆI-MUKHE NIDANE: vô hữu)

Đức Phật hiện tại đã nói 48 tên của Thần Chú như vậy”.

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát nên niệm Đà Lân Ni. Như vậy hoặc Pháp thoát, hoặc Pháp chẳng thoát chẳng tác niệm đó, cũng chẳng biết, cũng chẳng rõ. Ở trong ấy: chẳng có chỗ tăng thêm, cũng không có chỗ giảm bớt, cũng chẳng thấy thoát, cũng chẳng thấy chẳng thoát, cũng chẳng thấy dấy lên, cũng chẳng thấy diệt, cũng chẳng thấy đương lai, quá khứ, hiện tại ngày nay, cũng chẳng thấy đến, cũng chẳng thấy đi, cũng chẳng cầu Phật, cũng chẳng chuyển ý, cũng chẳng phải tướng tốt, cũng chẳng phải giống tốt, cũng chẳng phải quyến thuộc, cũng chẳng phải có Giới, cũng chẳng phải Tam Muội, cũng chẳng phải Trí Tuệ, cũng chẳng phải giải thoát, cũng chẳng phải thấy Tuệ giải thoát, cũng chẳng phải ngồi, đi, cũng không có chỗ đắc, cũng chẳng phải trừ dơ, cũng chẳng phải Tuệ, cũng chẳng phải không có Tuệ, cũng chẳng phải dạy truyền, cũng chẳng phải tịnh tất cả, cũng chẳng có Ta (ngã), cũng chẳng có người, cũng chẳng phải làm Pháp, cũng chẳng phải tinh tiến, cũng chẳng phải Hành, cũng chẳng phải thanh tịnh, cũng chẳng phải Thân (Kāya: thân xác), cũng chẳng phải Tâm (Citta), cũng chẳng phải miệng, cũng chẳng phải đương lai, cũng chẳng phải quá khứ, cũng chẳng phải hiện tại ngày nay, cũng chẳng phải tự làm Thân, cũng chẳng phải làm Thân của người khác.

Như vậy, xá Lợi Phất! Pháp này gọi là Vô Thượng Tối Pháp trong tất cả Pháp, cũng thu góp các Pháp, cũng vào trong tất cả Pháp. Đây gọi là niệm các Phật Pháp, Đà La Ni này gọi là sự mãnh lược của Pháp gom tụ tất cả Pháp, đây gọi là hiểu rõ Chương Phẩm, thanh tịnh tất cả người, đầy đủ các Nguyện khiến cho được Danh Văn Giác Ý Tam Muội. Đây gọi là đều tự thành Bản Công Đức. Đây gọi là mầm giống của Pháp gom chứa cất dấu phát các Ý Căn, khiến rất tôn trọng, tướng tốt nghiêm trang không gì có thể lay động được. Nếu Thiên Ma đi đến cũng chẳng thể hại, không ai có thể cướp đoạt được, không ai có thể đến gần được.

Như vậy, Xá Lợi Phất! Có Bồ Tát nghe An Nan Đà Mục Khư Ni Ha Ly Đà Lân Ni này dùng làm đắc được A Duy Việt Trí (Avaivartika: chẳng thoái lùi) với con đường bình đẳng vô thượng. Tại sao thế? Vì nơi đây là chỗ hành của chư Phật, đều dùng đầy đủ làm tất cả Hạnh cần làm, phá hoại sinh già bệnh chết với các nghi ngờ,

Kiết Sử trong năm đường, khiến cho mau được Đà Lân Ni” Bấy giờ, Đức Phật nói Kệ rằng:

“Đừng tác niệm nói Pháp trống rỗng (Śūnya: không)

Đừng dễ dàng nói được, chẳng được

Tin thẳng Pháp, đừng nghi khoảng giữa

Tức mau chóng được Đà Lân Ni

_Sợ bị Không (Śūnya: trống rỗng) đấy gây trói buộc

Phân biệt Không (Śūnya: trống rỗng) được Phật mau chóng

Tuệ thiết yếu này không bến, đáy

Mau được gần gũi Đà Lân Ni

_Bồ Tát trì Đà Lân ni

Là tổng nhiếp các Pháp Tắc

Nghe Đạo Giáo của Phật mười phương

Với Trí Tuệ thảy đều đắc được

_Hiểu rõ Ni Ha Đà Lân Ni

Ví như ánh sáng lớn của mặt trời

Nhận Pháp Danh Quyết của chư Phật

Trong sạch thọ trì được Pháp Giải

Mục Khư Đà Lân ni này

Các nơi có được hiện trước mặt

Ở các Pháp là cao hơn hết

Thảy đều hộ giúp người Thế Gian

_Khiến Người, Phi Nhân ở mười phương

Trong một kiếp, hỏi nghĩa của Tuệ

Thảy đều giải rõ chỗ nghi ngờ

Kiếp ấy xong rồi, Trí chẳng tận

_Nếu nhận, tin tưởng nơi Kinh Đạo

Tinh tiến trì giữ Pháp Trung Chính

Gần sát Nhất Sinh Bổ Xứ ấy

Liền được làm con của Pháp Vương

_Nếu trì giữ Đà Lân Ni này

Tức vì thương xót tất cả người

Danh tiếng vang khắp Diêm Phù Lợi

Là nơi được Thế Tôn khen ngợi

_Nếu có người trì giữ Kinh này

Lúc chết thảy đều được nhìn thấy

Tám mươi ức câu lợi Đức Phật

Duỗi tay nhận sinh về Tôn Xứ

_Có học Đà Lân Ni này

Trong ngàn vạn ức Kiếp số

Tội ác tà ám đà gây tạo

Chỉ trong một tháng đều diệt hết

_Nếu Bồ Tát tạo làm Phước Thí

Trong vạn ức kiếp chẳng mệt mỏi

Chẳng như tu học Đà Lân Ni

Chỉ trong một tháng Đức (Guṇa) ngang bằng

_Thọ nhận đủ, nói Đà Lân Ni

Thảy đều được các Tam Muội Tuệ

Đã được, Ý lại chẳng chuyển dời

Sẽ được làm Phật có quốc độ

_Nếu người có cúng sự Kinh này

Nếu như ba cõi làm Ma Hạnh

Muốn gây nhiễu loạn, hoại Ý ấy

Trọn chẳng thể làm dao động được

_Tất cả trống rỗng (Śūnya: không) được hiểu rõ

Dùng điều này sinh vô số Phật

Như vậy nói năng không có khác

Đà Lân Ni này chẳng thể hết

_Ở nơi này được nghe việc này

Đề Hòa Kiệt trao cho Ta quyết

Như hằng hà sa số đẳng Phật

Ở lúc ấy, thời liền đều thấy

_Chân thật phụng trì Kinh Quyển này

Tất cả các Nguyện đều mau được

Vào Pháp của các cõi nước Phật

Tùy nơi thích hợp, hay hóa hóa độ

Thường thanh tịnh các cõi nước Phật

Nơi Chúng Tăng không có vết dơ

Hỏi tên, Pháp thâm u màu nhiệm

Kinh Quyển này thảy đều hay biết

_Nơi dâm dật đều dùng không có

Nơi suy tư có bảy Giác Chi

Tám mươi ức các Phật Đẳng

Đà Lân Ni đều cầm đem cho

_Thường dừng Tâm, đừng niệm sai lầm

Chẳng nên niệm, cẩn thận đừng niệm

Niệm như vậy, đừng có chẳng niệm

Sau này được Đức chẳng thể lường

_Thường nên hiểu rõ việc Kinh này

Cẩn thận đừng khiến có nghi ngờ

Như người đi vào trong biển lớn

Trọn chẳng nói vật báu khó được

_Nhận Phước Đức, Trời Người ưa thích

Việc như vậy, trọn chẳng xa lìa

Cũng sẽ mau chóng đạt được Phật

Do đấy cho nên niệm đừng lìa”

_Đức Phật bảo xá Lợi Phất: “Bồ Tát có bốn việc thực hành thì mau được Pháp Đà Lân Ni. Nhóm nào là bốn?

1_Xa lìa Ái Dục của Thế Gian

2_Chẳng nói sở trường, sở đoản của người khác. Người cũng chẳng được dịp thuận tiện

3_Có chỗ mong cầu chẳng nghịch với ý của người. Không có chỗ yêu tiếc để sau này chẳng hối hận

4_Ngày đêm tinh cần, thường chí cầu các Pháp

Đây là bốn việc

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát hành điều này thì mau được Đà Lân Ni”. Khi ấy, Đức Phật nói Kệ là:

“Xa mọi ác, lìa xa sắc dục

Tạo tội, thực hành đọa Địa Ngục

Không ba Độc, tai vạ chẳng sinh

Bỏ nơi yêu thích, được Kinh này

_Chẳng ganh ghét, đố kỵ người khác

Chẳng tự khinh thường thân tộc ấy

Tâm thường bình đẳng với tất cả

Nơi thân thể, được đoan chính lớn

_Thường vứt bỏ nơi thân yêu thích

Ở Thế Gian không giận, tranh biện

Chẳng cùng với người cùng theo việc

Liền được tiếp cận Đà Lân Ni

_Sáng sớm, ban đêm thường tinh học

Không có mong muốn nơi Ngoại Đạo

Thường làm điều này, cầu Thượng Pháp

Đà Lân Ni tự nhiên hiện ra”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát có bốn việc thực hành thì mau được Đà Lân Ni này. Nhóm nào là bốn?

1_Ở một mình tại chỗ Không Nhàn (Araṇya)

2_Trụ Pháp Nhẫn thâm sâu

3_Nếu có quà biếu, chẳng lấy làm vui

4_Chẳng yêu tiếc thân mạng, huống chi là tài bảo Đây là bốn việc

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát thực hành điều này thì đạt được Đà Lân Ni Khi ấy, Đức Phật nói Kệ rằng:

“Tại chốn Không Nhàn, niệm Chính Pháp

Chẳng nên khinh mạn nơi người khác

Cảnh sống chết như đeo mang lửa

Được thân người cần phải thực hành

_Thường trì giữ Ý tại Thâm Nhẫn

Tiền tài tiêu dụng nên dùng đủ

Ngồi Tông Thất khởi ý bình đẳng

Chẳng nên thiên vị Chủng Tính ấy

Chỉ cúng dường Phật cùng với Pháp

Trụ sức thiện lành, vượt nạn đời

Tức hủy hình, cạo bỏ râu tóc

Liền được Đức (Guṇa) nhập vào vi diệu

_Nên biết trống rỗng (Śūnya: không) với việc đời

Do đấy nên vứt bỏ sở hữu

Hành Giả ngu, tham lam tài lợi

Không có Giới, Nhẫn với Trí Tuệ

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát lại có bốn việc thực hành thì mau được Đà Lân Ni này. Nhóm nào là bốn?

Một là có tám phẩm chữ khai mở nhập vào trong sự hiểu biết sáng suốt của Trí Tuệ. Nhóm nào là tám?

Thứ nhất tên là Ba (PA) đưa tất cả Pháp dính mắc khiến vào trong Pháp trống rỗng (Śūnya-dharma: Không Pháp)

Thứ hai tên là La (LA). Đức Như Lai hoặc hiện tướng tốt, chẳng hiện tướng tốt, đưa Pháp Thân (Dharma-kāya) vào trong các Pháp

Thứ ba tên là (BA). Hoặc Pháp Si (ngu muội), hoặc Pháp Hiệt (sáng suốt) khiến vào trong Pháp Giải Tuệ (Tuệ hiểu biết)

Thứ tư tên là Ca (KA) biết nơi quy thú của các ương tội, khiến vào trong Phước Công Đức

Thứ năm tên là (JA) biết sinh, già, bệnh, chết tức ở đấy nhập vào trong vô sắc (Arūpa)

Thứ sáu tên là Đà (DHA) là các Địa, Thế Gian đều trống rỗng (Śūnya: không) chẳng kinh quái, nhập vào trong Vô Nguyện

Thứ bảy tên là (ŚA) ngưng dừng các Pháp khiến nhập vào trong Pháp trong mát (thanh lương)

Thứ tám tên là Xoa (KṢA) biết tất cả Pháp trống rỗng (Śūnya: không)

Đây là tám

_Lại có bốn việc

1_Thường nghĩ nhớ tám phẩm chữ

2_Nếu viết Kinh này thì nên chân thật viết

3_Nếu trì Kinh này thì nên chân thật trì giữ, đọc đến 15 ngày

4_Nên như Pháp hành niệm tám phẩm chữ

Đây là bốn việc

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát nên dùng Hạnh này sẽ mau được Đà Lân Ni Khi ấy, Đức Phật nói Kệ là:

“Thường nên nhớ niệm tám Phẩm chữ

Viết giữ Quyển, chân thật phụng hành

Thiết yếu nên học khai hóa người

Được Trí Tuệ, mau gần gũi Phật

Ắt thấy khắp cả Phật mười phương

Đều ở hiện tại, đứng trước mặt”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Bồ Tát lại có bốn việc, niệm Đà Lân Ni được Pháp Lợi. Nhóm nào là bốn?

1_Thường là nơi mà Phật Thế Tôn mười phương đã nghĩ nhớ

2_Chỗ làm chẳng bị Ma có thể phá hoại Ý ấy

3_Các tội của mạng đời trước đều làm cho tiêu hết

4_Khởi đầu chẳng chặt đứt thuyết của Chí Thành, các chỗ thưa hỏi đều hay Phát Khiển

Đây là bốn việc

Này Xá Lợi Phất! Bồ Tát được Pháp Lợi của Đà Lân Ni”.

Khi ấy, Đức Phật nói Kệ là:

“Là nơi chư Phật thường nghĩ nhớ

Chúng Ma chẳng được dịp thuận tiện

Tội đã tạo làm đều tiêu diệt

Vì tất cả giải chỗ nghi ngờ”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Đời quá khứ lâu xa, cách nay vô ương số kiếp, lại gấp bội vô số lâu dài chẳng thể trọn hết, chẳng thể tính đếm được số kiếp. Lúc đó, ở đời có Đức Phật hiệu là Bảo Cụ Túc Hữu Đức Hạnh Vương Như Lai vượt qua bốn đường, chẳng thọ nhận Bình Đẳng Giác, an định ở trên Trời, hiệu là Thiên Trung Thiên. Đức Phật ấy vì tất cả nói Pháp không có gì có thể vượt hơn được, khi Bát Niết Bàn (Parinirvāṇa: vào Niết Bàn) thời có vị Kim Luân Vương tên là Đà Lâu, chủ của bốn thiên hạ, người con có tên tự là Vô Niệm Danh Văn Cụ Túc, mới 16 tuổi. Khi ấy, Thái Tử đi đến chỗ của Đức Phật, nghe Đức Phật ấy nói Đà Lân Ni Kinh. Nghe xong, vui vẻ liền được Kinh này. Được xong, phúng học, thường niệm phụng trì, tinh tiến chẳng ngủ, hông chẳng chạm giường chiếu bảy ngàn năm, chẳng nhớ Ái Dục bảy ngàn năm, chẳng nhớ tài bảo bảy ngàn năm, chẳng hỏi việc khác bảy ngàn năm…thường ở một mình, ngưng dừng Ý chẳng nghiêng động bảy ngàn năm. Bấy giờ, đều nghe 99 ức chẳng thể tính đếm Phật nói Pháp Trí Tuệ. Nghe xong, liền bỏ đất nước, buông vương vị, đi làm Sa Môn chín vạn chín ngàn năm, phụng hành A Nan Đà Mục Khư Ni Ha Ly Đà Lân Ni. Lại vì tất cả nói, ngay trong một đời giáo hóa người dân trong Thế Gian, khiến cho 80 ức vạn na thuật người đều khiến phát Ý Vô Thượng Bình Đẳng Đạo, đạt được A Duy Việt Trí (bất thoái chuyển)

Thời lại có Trưởng Giả Tử tên là Nguyệt Anh ở trong Đại Chúng nghe Đà Lân Ni này, nghe xong khuyến trợ trì giữ. Phước Đức khuyến trợ vui vẻ này đến 90 vạn ức cõi Phật, cúng dường chư Phật thành lập Công Đức. Ở nước Phật như thế đều được các Đà Lân Ni, liền đạt được Nhất Sinh Bổ Xứ, làm Phi Hành Bồ Tát”

Đức Phật nói: “Các Bồ Tát ở trong ba kiếp này cúng dường chư Phật như thế, vượt qua ba kiếp xong đạt được Tối Chính Giác của Đạo bình đẳng vô thượng. Trưởng Giả Tử nguyệt Anh lúc đó tức là Đề Hòa Kiệt Phật, con của vua Đà Lâu tên Vô Niệm Danh Văn Cụ Túc tức là A Di Đà Phật vậy”

_Đức Phật bảo xá Lợi Phất: “Ta ở trong kiếp Bạt Đà (Bhadra-kalpa: Hiền Kiếp) cùng với các Bồ Tát nói Đà Lân Ni. Người nghe Kinh này có vui vẻ lớn, dùng khuyên tất cả, đem chỗ cho làm ấy khuyến trợ Phước vượt qua 40 vạn kiếp, lại thêm siêng năng chịu cực thì sau này sẽ được Đạo (Mārga), tự ban cho Ý ấy. Như lại cúng dường 90 vạn ức Phật xong, sẽ được Tối Chính Giác của Đạo bình đẳng vô thượng”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Nếu có Bồ Tát cuối cùng nghe được Đà Lân Ni này, phụng trì khuyến trợ, đại hoan hỳ thì Đức ấy như vậy. Nếu có Bồ Tát nhân vào Đức vui vẻ, hoặc dùng Tâm Từ (Maitra-citta) vì Kinh rơi nước mắt, lông trên thân dựng đứng lên đều sẽ được Đạo bình đẳng vô thượng, dẫn đến trong A Duy Việt Trí (Bất Thoái Chuyển), phương tiện viết chép, hoặc trì giữ, hoặc học, hoặc phúng, hoặc tụng, hoặc đọc.

Này xá Lợi Phất! Nhóm đó có Phước chẳng thể đo lường, chẳng thể xưng, chẳng thể nói. Tất cả người dân không ai có thể tính đếm, không ai có thể biết trọn hết được” Khi ấy, Đức Phật nói Kệ rằng:

“Nếu nghe xong, thêm khuyến trợ

Với viết giữ, phúng tụng đọc

Các Thiên Nhân tính đếm Đức ấy

Không thể biết được Phước Hữu Cực (Thần ngầm giúp cực lớn)

_Nơi sinh ra thường thấy Phật

Nơi Kinh sâu, được Tuệ chứng

Bền giữ Pháp, không thể động

Liền mau được Minh Giải Giác (giác ngộ hiểu rõ ràng)

_Thường định Ý, chẳng tăng giảm

Thật chẳng mất Đà Lân Ni

Tưởng vô sắc (không có hình sắc) lập tướng tốt

Làm Thế Hùng không ai hơn

_Trưởng Giả Tử nghe Kinh này

Nơi sinh ra, biết Túc Mệnh

Thường được thấy vô số Tôn

Như ước nguyện, liền được Phật

_Nếu người muốn mau được Phật

Với mau lìa xa chúng Ma

Muốn được trăm tướng Công Đức

Thường niệm đây, được chẳng lâu

Như hằng sa cõi Thế Tôn

Trong ấy tràn đầy châu báu, cho

Chẳng bằng người viết giữ Kinh này

Ví dụ cuối cùng chẳng ngang bằng”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Nếu có Bồ Tát trì ý, niệm học Đà Lân Ni thời có ngọn núi tên là Hề Ma Bàn, có tám vị Quỷ Thần ở trong núi ấy, thường cùng nhau ủng hộ, mở chí ý của người. Nhóm nào là tám? Vị thứ nhất tên là Dũng Cường Quỷ Thần, vị thứ hai tên là Chiếu Minh Thập Phương Quỷ Thần, vị thứ ba tên là Đa Sở Nhiêu Ích Quỷ Thần, vị thứ tư tên là Long Vương Đại Lực Quỷ Thần, vị thứ năm tên là Chí Thành Hành Quỷ Thần, vị thứ sáu tên là Năng Điều Bất Điều Quỷ Thần, vị thứ bảy tên là Đồng Nam Quỷ Thần, vị thứ tám tên là Khoái Tý Quỷ Thần. Đây là tên của tám vị Thần. Nếu người học Kinh này muốn khiến cho vị Thần đi đến thì tự tắm gội sạch sẽ, mặc quần áo mới, ngay lúc Kinh Hành thời thường giữ gìn ý Từ (Maitra) hướng đến tất cả rồi lại giữ Tâm đoan chính đọc Đà Lân Ni, nên tùy theo Kinh này phụng trì bền chắc, tức mau chóng mở hiểu, được Trí Tuệ vậy. Lúc đó, Quỷ Thần liền đứng ngay trước mặt”

_Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Lại có tám vị Bồ Tát ở trên Dục Thiên (Kāmadeva) thường đều hộ giúp người dân, trao cho Kinh Đạo. Nhóm nào là tám? Vị thứ nhất tên là Chiếu Minh Thập Phương Thiên Tử, vị thứ hai tên là Thế Minh Thiên Tử, vị thứ ba tên là Trí Quang Thiên Tử, vị thứ tư tên là Nhật Quang Thiên Tử, vị thứ năm tên là Thượng Thẩm Thiên Tử, vị thứ sáu tên là Mãn Sở Nguyện Thiên Tử, vị thứ bảy tên là Tinh Vương Thiên Tử, vị thứ tám tên là Tập Hạnh Ý Thiên Tử. Đây là tên của tám vị Thiên Tử thường đều hộ giúp người dân, khuyên niệm trì Kinh này, khiến mau định Ý được Đà Lân Ni. Người cầu Kinh này thường nên tinh chí, niệm một Pháp của Đà Lân Ni Giáo phụng hành, không khuyết thiếu Kinh Giới, nói năng chí thành, Hạnh ấy cũng thế, thường nên hiếu thuận với các Tôn Giả, nhìn tất cả người như Phật không có khác. Các nơi yêu trọng, chẳng dùng Tâm khinh thường, thường nhớ ngược lại tức được Thiện Báo với được con mắt Thâm Nhẫn với được thấy Pháp Vô Sở Tùng Sinh

_ Đức Phật nói Kinh xong thời 32 hằng hà sa đẳng Bồ Tát đều đạt được Đà La Ni, lập Bất Thoái Chuyển Địa. 60 ức Thiên Tử được Vô Sở Tùng Sinh Pháp Nhẫn. Ba vạn hai ngàn vị Trời với Người phát Ý Vô Thượng Bình Đẳng Đạo. Khi ấy, ba ngàn Đại Thiên Quốc Thổ chấn động theo sáu cách, tuôn mưa hoa Trời, Không Hầu (Vīṇa) nhạc khí chẳng đánh tự kêu vang.

Thời Xá Lợi Phất tiến lên phía trước hỏi Đức Phật rằng: “Bạch Đức Thế Tôn! Đây gọi là Kinh gì? Phụng hành như thế nào?”

Đức Phật bảo Xá Lợi Phất: “Kinh này tên là A Nan Đà Mục Khư Ni Ha Ly Đà Lân Ni mau khiến cho người dân được Nhất Thiết Trí (Sarva-jñā)”

_Đức Phật nói Kinh xong, thời Xá Lợi Phất với vô số Bồ Tát ở mười phương, Trời cùng với Người, Kiền Đạp Hòa, A Tu La với bậc Trì Thế đều vui vẻ, tiến lên phía trước, cúi lạy bàn chân của Đức Phật rồi lui ra

PHẬT NÓI KINH A NAN ĐÀ MỤC KHƯ NI HA LY ĐÀ LÂN NI

_Hết_

30/06/2015