PHẬT THUYẾT PHÁP THÂN KINH
Hán dịch: Đời Triệu Tống, Đại sư Pháp Hiền
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
Khi ấy, Đức Thế Tôn ở giữa đại chúng, dùng âm thanh vi diệu bảo rằng:
–Chư Phật Như Lai có hai thân, đều đầy đủ hằng hà sa số công đức. Hai thân đó là Hóa thân và Pháp thân.
Hóa thân là thân từ cha mẹ sinh ra, đầy đủ ba mươi hai tướng tốt, tám mươi vẻ đẹp trang nghiêm. Dùng mắt trí tuệ quán sát khắp tất cả chúng sinh, người trí chiêm ngưỡng sinh lòng vui vẻ. Ba nghiệp thanh tịnh, mỗi một tướng đẹp có đầy đủ trăm phước. Như vậy nhóm họp cả trăm ngàn phước làm trang nghiêm tướng Đại trượng phu đều thâu gồm vào sắc uẩn. Lại đầy đủ mười Lực, bốn Vô sở úy, ba pháp Bất không, ba pháp Niệm trụ, ba pháp Bất hộ, bốn pháp Vô lượng; là bậc Trượng phu đầy đủ tất cả sức Na-la-diên tối thắng. Như vậy gọi là lược nói về công đức trang nghiêm viên mãn hoàn toàn của Bậc Như Lai Ứng Chánh Đẳng Giác. Đó gọi là Hóa thân.
Pháp thân của chư Phật Như Lai Ứng Cúng Chánh Đẳng Giác là không thể nghĩ bàn, không thể lường tính, không người nào có thể rộng nêu bày. Giả sử các bậc Duyên giác và các bậc Thanh văn lợi căn tối thượng như Tôn giả Xá-lợi-phất… hiểu rõ pháp sâu xa, đại trí, minh đạt, hiểu rõ về vô số nghĩa lý, nhưng cũng không thể thuyết giảng đầy đủ về công đức của Pháp thân.
Chư Phật Như Lai là Thầy trong ba cõi, là bậc Đại bi tạo lợi ích cho tất cả chúng sinh, bình đẳng hộ niệm không phân biệt. Chư Phật trụ nơi Thiền chỉ, Thiền quán, nhưng lại hiểu rõ ba pháp điều phục, khéo vượt qua bốn nạn, đầy đủ bốn Thần túc, ngày đêm thực hành pháp bốn Nhiếp, lìa năm dục, vượt khỏi các khổ nơi năm nẻo, đủ sáu phần pháp, sáu pháp Ba-la-mật, mở bày hoa bảy Giác chi, diễn giảng tám Con đường chân chánh, hiểu rõ chín loại Thiền định, đủ mười Trí lực, do trí lực này, tiếng tốt vang khắp mười phương, thế nên gọi là Đệ nhất nghĩa thiên.
Vào lúc nào và ở đâu, suốt ngày lẫn đêm quán sát pháp công đức bên trong của chư Phật, như vậy thì cũng không thể nói hết được. Thế nên ta nay lược nêu về pháp ấy. Đó là Pháp thân thuần nhất vô nhị, vô lậu, vô vi, cần phải tu chứng các pháp hữu vi từ vô vi sinh ra. Như vậy, pháp ấy là chân thật, không tịnh, không nhiễm, không niệm, không dựa, lìa các phương tiện mà lại làm chỗ nương tựa vững chắc cho chúng sinh. Chỗ tạo pháp hành cho tất cả chúng sinh là không có các lỗi lầm, là pháp hoàn toàn chân thật, lìa các sự ghi nhớ. Đối với vô biên pháp môn Tam-ma-địa, không động không lay mà được giải thoát. Do hai loại thiền chỉ và thiền quán ở nơi dục, lìa dục, được giải thoát. Dùng tuệ để giải thoát khỏi pháp vô minh, dục. Dùng niệm để biết rõ về pháp học, vô học. Dùng minh giải thoát để khéo thông đạt về tự tánh. Ở nơi các pháp có thể buộc niệm sâu xa. Khéo dùng hơi thở để sinh pháp quán hơi thở. Khéo dùng pháp chánh định để sinh pháp chánh định. Đối với tất cả các pháp không cầu, không chứng. Lìa hai pháp này thì không còn đối tượng được duyên dựa, không còn đối tượng tu tập, nhưng dùng Tận trí và Vô sinh trí để thành tựu trọn vẹn ba pháp cứu cánh, ba pháp thiện căn, ba môn phương tiện, lìa các vọng tưởng, đạt được sự sống chân thật, rõ ba loại tuệ, đó là Văn, Tư, Tu. Lìa ba tạp nhiễm là phiền não, nghiệp, khổ.
Có ba loại Chánh định là Không, Vô tướng, Vô nguyện, lại gọi là ba môn giải thoát, tức môn giải thoát Không, Vô tướng, Vô nguyện.
Ba loại pháp uẩn là Giới uẩn, Định uẩn, Tuệ uẩn.
Ba loại học pháp là Giới học, Định học, Tuệ học.
Có ba loại tu là tu Giới, tu Định, tu Tuệ hữu học, vô học, chẳng phải hữu học, chẳng phải vô học.
Có ba loại đạo là Kiến đạo, Tu đạo, Vô học đạo.
Có ba loại căn là Căn chưa nhận biết, Căn đã nhận biết và Căn nhận biết đầy đủ.
Có ba loại pháp hành, đó là Thánh hạnh, Thiên hạnh, Phạm hạnh.
Có ba loại phân biệt là Uẩn, Xứ, Giới.
Rõ ba pháp rồi được phước lợi lớn, chứng đắc giải thoát Niếtbàn tịch tĩnh. Ba niệm trụ chẳng không, Như Lai bình đẳng che chở, bảo hộ cho tất cả chúng sinh với ba loại pháp uẩn (giới, định, tuệ).
Có ba hạng chúng sinh là thượng, trung, hạ. Chư Phật, Như Lai gồm đủ ba pháp đại Bi, đó là Đại bi không duyên dựa, Đại bi vi diệu và Đại bi vì tất cả chúng sinh.
Có ba loại tự tại, đó là Thân tự tại, Thế gian tự tại và Pháp tự tại.
Có ba pháp Bất hộ là Thân nghiệp của các Đức Như Lai thanh tịnh, lìa pháp bất tịnh; Khẩu nghiệp thanh tịnh, lìa pháp bất tịnh; Ý nghiệp thanh tịnh, lìa pháp bất tịnh.
Có ba loại gươm bén đó là gươm bén của Văn, gươm bén của Tư, gươm bén của Tu.
Có ba loại tối thượng, đó là Định tối thượng, Tuệ tối thượng, Giải thoát tối thượng.
Có ba loại giới pháp, đó là Chánh đoạn, Lìa dục, Tịch diệt.
Có ba cõi là cõi Dục, cõi Sắc, cõi Vô sắc.
Có ba loại minh vô học, đó là Quá khứ Túc mạng minh, Vị lai Thiên nhãn minh, Hiện tại Lậu tận minh.
Có ba loại pháp Vô vi, đó là Chư hành vô thường, Chư pháp vô ngã, Niết-bàn tịch tĩnh.
Có ba loại Bồ-đề là Bồ-đề của Thanh văn, Bồ-đề của Duyên giác và Bồ-đề Vô thượng.
Có ba loại trí vô học, đó là Tận trí, Vô sinh trí, Chánh kiến trí. Ba ngôi báu (Tam bảo), ba quy y, ba trí tối thượng
Bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, bốn Tín tâm, bốn Cú giải thoát.
Có bốn loại pháp thiện, đó là Thiện đệ nhất nghĩa, Thiện tự tánh, Thiện phát khởi và Thiện tương ưng.
Bốn loại pháp Tu, bốn loại pháp Trí, bốn pháp Thánh đế, bốn Thiền định, bốn Luân tạng, bốn Pháp, bốn Y chỉ, nghĩa là thân cận thiện hữu, lắng nghe chánh pháp, buộc niệm tư duy, tu hành đúng như giáo pháp.
Lại có bốn duyên, đó là Nhân duyên, Đẳng vô gián duyên, Tăng thượng duyên, Sở duyên duyên.
Bốn gia vị hạnh, đó là Noãn vị, Đảnh vị, Nhẫn vị, Thế đệ nhất vị.
Có bốn loại đạo, đó là Phương tiện đạo, Vô gián đạo, Giải thoát đạo, Tối thắng đạo.
Có bốn quả Sa-môn, bốn thứ Thánh tộc.
Có bốn Tâm vô lượng: Từ, Bi, Hỷ, Xả.
Lại có bốn sinh, bốn Thánh trụ, bốn ký niệm, bốn oai nghi.
Có bốn môn xuất sinh, đó là Xuất, Nhập, Tịch tĩnh, Chánh giác.
Lại có bốn chứng vị: Năm uẩn hữu học, năm xứ giải thoát, pháp năm độ sinh, năm tưởng Thánh trí.
Có năm phần thiền định, đó là: Phần chánh đoạn, phần điều phục, phần ly quá, phần ly tướng, phần ly tánh.
Lại có năm loại phần tối thượng, năm hiện hành, phép tu thiền định, năm uẩn, năm giới.
Lại có năm thủ uẩn, sáu pháp công đức, sáu thông, sáu niệm, sáu thứ pháp, năm thứ ly dục, năm thứ pháp tu, sáu vị kiến đạo, sáu hạnh tương tục, sáu tưởng chứng minh.
Bảy Bổ-đặc-già-la (chúng sinh), bảy hạnh Đại trượng phu, bảy thức trụ, bảy Giác chi, bảy pháp không lỗi lầm, bảy pháp thiền định thọ dụng, bảy loại diệu pháp, bảy loại giới phần, bảy xứ thiện giải, bảy loại tu đạo, tám phần Chánh đạo, tám hạng người, tám loại giới biệt giải thoát.
Lại có tám giải thoát, tám xứ, tám trí, tám đạo, tám giới, tám hội và tám loại pháp thế gian.
Đức Như Lai chân thường tương tục, tinh tấn, thanh tịnh, không bị nhiễm vướng.
Lại có chín loại pháp tu định quá khứ, chín pháp tín tâm, chín pháp chứng đắc, chín diệt danh sắc, chín trụ chúng sinh, chín pháp thứ y, chín địa vô lậu, chín địa tu đạo.
Mười loại Bổ-đặc-già-la, đó là: Bốn hướng, bốn quả, chín là Duyên giác, mười là Đẳng Chánh Giác. Mười đại địa pháp thiện, mười loại pháp hữu học, mười Lực của Như Lai, mười đạo nghiệp thiện, mười đạo nghiệp ác, mười loại Thánh trụ. Mười tác pháp như lý.
Mười một pháp công đức tướng hảo tư niệm, mười một loại pháp khởi trí thiện giải đầy đủ, mười một loại pháp cụ túc giới.
Mười hai loại ngôn từ xuất sinh, mười hai xứ, mười hai duyên, mười hai sát-na hội chứng đắc Thánh pháp.
Mười ba pháp hỷ, mười ba địa tác nghiệp.
Mười bốn loại hóa tâm.
Mười lăm tâm kiến đạo.
Mười sáu tâm chánh niệm.
Mười bảy loại tướng hữu học.
Mười bảy tướng lạc dục.
Mười tám giới, mười tám pháp bất cộng.
Mười chín địa phân biệt, hai mươi hai căn, ba mươi bảy pháp phần Bồ-đề. Đó là: bốn Niệm xứ, bốn Chánh đoạn, bốn Thần túc, năm Căn, năm Lực, bảy Giác chi, tám Chánh đạo, bốn mươi bốn pháp trí. Lại có bảy mươi bảy pháp trí, một trăm sáu mươi hai đạo, gọi là tu địa.
Như vậy… vô lượng, vô biên pháp tương tục chân thường lìa các phiền não, sâu xa, rộng lớn, vi diệu khó suy xét. Bậc Đại trí tuệ nhận biết rõ đúng như thật. Nhưng pháp Phật này chính là pháp thù diệu của hằng hà sa số các Bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Đối với pháp bình đẳng ấy người nào cầu chứng trí Chánh đẳng giác như các Bí-sô, Bí-sô ni, Ưu-bà-tắc, Ưu-bà-di và các ngoại đạo Ni-kiền Tử… người nào đầy đủ trí tuệ nhận biết đúng như thật, lại thuyết giảng rộng rãi cho tất cả chúng sinh, cũng như Phật đã dạy khiến cho vô lượng, vô biên a-tăng-kỳ chúng sinh đều chứng đắc được Niết-bàn cứu cánh tịch tĩnh, vô úy.