KINH KIM QUANG MINH HỢP BỘ
Hán dịch: Đời Bắc Lương, Tam tạng Pháp sư Đàm-vô-sấm.
Hợp bộ: Sa-môn Thích Bảo Quý, chùa Đại hưng thiện, đời Tùy.
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh
QUYỂN 1
Sa-môn Thích Ngạn Tông, chùa Nhật nghiêm hiệu đính
BÀI TỰA
Kinh Kim Quang Minh là lời dạy vô cùng sâu sắc mang đầy đủ chữ nghĩa như trống vàng đánh trong mơ; lý cực chân không, bảo tháp vọt lên trên đất. Quả đủ ba thân, đền đáp báo xưa không thiếu; nhân mười Địa viên mãn, hiển hiện sở tu đầy đủ. Sở dĩ hiệu Kinh Vương được xưng đến thế thì mới biết người đời khen ngợi rộng rãi! Địa vị ấy rất khó lường!
Sa-môn Thích Bảo Quý ở chùa Đại Hưng Thiện gần với Đạo An đời nhà Chu là bậc sư tượng sáng suốt, thật đáng gọi là bậc lương tài, học tập nghiên cứu nhiều kinh điển, chưa từng hở tay, đáng gọi là thân tử của Cù-đàm, Nhan Uyên của Khổng Thị. Có điều chúng tôi nhìn thấy Sa-môn Chi Mẫn Độ ở triều Tấn xưa hợp hai Chi hai Trúc, năm bản Thủ-lăng-nghiêm của Bạch ngũ gia làm một bộ, phân làm tám quyển. Lại hiệp một Chi, hai Trúc, ba bản Duy-ma của ba nhà làm một bộ, phân làm năm quyển. Nay Sa-môn Tăng Tựu lại hiệp hai Sấm của La-thập và Gia-xá, bốn bản đại tập của bốn nhà làm một bộ phân làm sáu mươi quyển. Chẳng phải chỉ gom dòng nhỏ thêm cho biển cả mà cũng là tụ hạt cải, bồi đắp núi cao. Những hiệp kinh này, văn nghĩa đều sáng rõ đầy đủ. Ấy đã là dấu tích để lại của những bậc tiên triết. Chúng tôi liền nương theo đó và lấy làm quy củ, mà thấy có ba bản kinh Kim Quang Minh: Đầu tiên, tại đời Lương có ngài Đàmvô-sấm dịch làm bốn quyển, chỉ có mười tám phẩm. Tiếp đến đời Chu, ngài Xà-na-quật-đa dịch làm năm quyển, thành hai mươi phẩm. Sau đến đời Lương, ngài Tam tạng Chân Đế, ở Kiến Khang dịch bốn phẩm: Tam Thân Phân Biệt Nghiệp Chướng Diệt, Đà-la-ni Tối Tịnh Địa. Vì do không mãn nguyện cho mấy… nên đã tìm ra cái mất để bổ túc phần trước phân làm hai mươi hai phẩm. Tuần tự ấy quả thật rằng, Pháp sư Đàm-vô-sấm gọi là kinh Kim Quang Minh, về thiên, phẩm có phần khiếm khuyết. Lại lần theo văn mà đoán nghĩa thì cho là lời nói này có chứng cớ nhưng so sánh với các kinh thì không ổn định. Khi thức, lúc ngủ, chúng tôi thường ôm mãi trong lòng và thường than, kinh này bí mật thâm áo, làm sao phần sau tìm không thấy phẩm Chúc Lụy? Trước tuy ba người dịch mà nghi chưa được giải bày, mãi tưởng đến Phạm văn, nguyện rằng được gặp.
Vào thời Đại Tùy, kinh mới liền đến, vua lệnh cho sở, ty tiếp nối nhau phiên dịch, đến năm Khai Hoàng thứ mười bảy, một thời nọ Pháp Tịch khuyến thỉnh: Tam tạng Pháp sư nước Kiền-đà-la của Bắc Thiên Trúc, đây là bậc Chí đức, một lần nữa tìm bản sau cùng thì quả có phẩm Chúc Lụy, lại còn được phẩm Ngân Chủ Đà-la-ni. Vậy nên biết, nguồn pháp điển phân tán, phái riêng phân nhánh, thừa rót cuối dòng, lý khó toàn đủ. Nhờ Tam tạng Pháp sư Tuệ Tĩnh bổ xung thêm, ngài học nghiệp ưu viễn, kinh luận trong ngoài nhiều chỗ đều thông bác, tại kinh đô ở chùa Đại hưng thiện, liền vì phiên dịch, đồng thời hợp với những phẩm ra trước làm thành hai mươi bốn phẩm, chép làm tám quyển. Học sĩ Phí Trường Phòng ở thành đô chấp bút, Sa-môn Thích Ngạn Tông chùa Nhật nghiêm thông Phạm văn nên đã hiệu đính. Ngọc báu đã đủ, mừng rỡ kính sâu, nguyện đèn pháp này truyền kiếp vĩnh viễn.
Phẩm 1: TỰA
Tôi nghe như vầy:
Một thuở Đức Phật ở trong núi Kỳ-xà-quật tại thành Vương xá. Lúc đó Đức Như Lai đang du hóa nơi vô lượng pháp tánh sâu xa của các Đức Phật vượt qua sở hành thanh tịnh của các Bồ-tát. Kinh Kim Quang Minh là vua trong các kinh. Nếu có người nghe được thì có thể suy tư nghĩa lý sâu xa vi diệu vô thượng. Kinh điển như vậy này thường được sự hộ trì của bốn Đức Phật trong bốn phương. Những gì là bốn? Đó là:
Đức Phật A-súc ở phương Đông.
Đức Phật Bảo Tướng ở phương Nam.
Đức Phật Vô Lượng Thọ ở phương Tây.
Đức Phật Vi Diệu Thanh ở phương Bắc.
Tôi nay sẽ nói các pháp Sám hối… công đức do pháp này sinh ra là không có gì sánh bằng, có thể dứt trừ các khổ và diệt trừ hết nghiệp bất thiện.
Nhất thiết chủng trí
Là pháp căn bản
Vô lượng công đức
Đối tượng trang nghiêm.
Diệt trừ các khổ
Ban vui không lường.
Các căn chẳng đủ
Tuổi thọ giảm dần
Bần cùng khốn khổ
Chư Thiên lìa bỏ
Gần gũi tranh cãi
Phép vua giam cầm
Những người giận dữ
Tài sản tổn hao
Lo buồn kinh sợ
Sao xấu tai ương
Trúng tà trúng độc
Biến quái nối liền
Ngủ thấy ác mộng
Ngày thì buồn phiền.
Nên tắm gội sạch
Nghe kinh điển này
Chí tâm thanh tịnh
Y phục sạch sẽ
Lắng nghe kinh này
Tu hành sâu xa
Uy đức kinh này
Tiêu trừ tất cả
Những ác như vậy.
Khiến được Niết-bàn
Bốn vua Hộ thế
Đem các quyến thuộc
Cùng chúng Dạ-xoa
Số nhiều không lường
Đều đến ủng hộ
Người trì kinh này.
Thiên thần Đại Biện
Thần sông Ni-liên
Thần Quỷ Tử Mẫu
Thần đất Kiên Lao
Vua trời Đại Phạm
Trời Tam thập tam
Đại thần Long vương
Khẩn-na-la vương
Chúa Ca-lâu-la
A-tu-la vương
Cùng các quyến thuộc
Đều cùng đến đó
Ủng hộ người này
Ngày đêm không rời.
Nay ta giảng nói:
Hành hóa vi diệu
Bí mật sâu xa
Của các Thế Tôn
Trăm ngàn ức kiếp
Rất khó được gặp.
Nếu được nghe kinh
Hoặc vì người nói
Hoặc tâm tùy hỷ
Thiết lễ cúng dường
Những người như vậy
Trong vô số kiếp
Thường được chư Thiên
Tám bộ chúng kính.
Tu hành như vậy
Phát sinh công đức
Chẳng thể nghĩ bàn
Tích phước vô lượng
Cũng được mười phương
Chư Phật Thế Tôn
Bồ-tát thâm hành
Ủng hộ giữ gìn.
Mặc y phục sạch
Dùng thượng diệu hương
Từ tâm cúng dường
Thường không xa lìa
Thân ý thanh tịnh
Không có cấu bẩn
Hoan hỷ vui mừng
Ưa thích kinh này
Nếu được nghe kinh
Chắc hẳn sẽ biết
Được làm thân người
Sống đời chân chánh.
Nghe xong sám hối
Ghi nhớ trong lòng
Bậc Thiện căn này
Chư Phật khen ngợi.