Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA

QUYỂN 3

Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023

 

NHƯ BẦN ĐẮC BẢO ĐỆ TAM THẬP THẤT

Trong phẩm trước, đức Phật nhiều lần nói đến năm ác khổ báo của thế gian nhằm khuyên nhủ, chế phục chúng sinh nên buông bỏ suy nghĩ ác và hành động ác. Phẩm nầy hoàn toàn nói đến thiện nhân thiện quả. Đây là Phật muốn nhiếp thọ chúng sinh, khích lệ họ tinh tấn theo thiện bỏ ác, nhổ gốc khổ sinh tử, đạt đến an lạc vô vi. Vô vi là Thường Tịch Quang, là Đại Bát Niết Bàn.

KINH VĂN:

Nhữ đẳng quảng thực đức bổn, vật phạm đạo cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, từ tâm chuyên nhất, trai giới thanh tịnh, nhất nhật nhất dạ, thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế. Sở dĩ giả hà? Bỉ Phật quốc độ, giai tích đức chúng thiện, vô hào phát chi ác. Ư thử tu thiện, thập nhật thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung, vi thiện thiên tuế. Sở dĩ giả hà? Tha phương Phật quốc, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa. Duy thử thế gian, thiện thiểu ác đa, ẩm khổ thực độc, vị thường ninh tức.

VIỆT DỊCH:

Các ông rộng trồng cội đức, chớ phạm đạo cấm, nhẫn nhục, tinh tấn, từ tâm, chuyên nhất, trai giới thanh tịnh, tu một ngày một đêm (ở cõi Sa Bà) hơn làm việc thiện suốt trăm năm nơi cõi Phật Vô Lượng Thọ. Vì cớ sao vậy? Cõi nước Phật ấy đều hành thiện tích đức, không có một chút ác. Tu thiện ở cõi [Sa Bà] này mười ngày mười đêm, hơn làm thiện một ngàn năm ở các cõi Phật khác. Vì cớ sao vậy? Các cõi Phật phương khác phước đức tự nhiên, không có chỗ để tạo ác. Chỉ có thế gian này thiện ít, ác nhiều, uống đắng, ăn độc, chưa từng yên nghỉ.

GIẢNG:

“Quảng thực đức bổn, vật phạm đạo cấm” (Rộng trồng cội đức, chớ phạm đạo cấm). Theo Hội Sớ, chữ “đức bổn” có hai nghĩa:

1.- Lục Độ là gốc của hết thảy công đức nên gọi là “đức bổn”. 2.- Tuyển trạch bổn nguyện của Phật A Di Đà gộp thành quả đức sáu chữ hồng danh, đầy đủ vạn đức; đấy chính là gốc của mọi đức nên gọi là “đức bổn”.

Chữ “thực” (植 zhí) là trồng, vun bồi. Ngài Vọng Tây giảng chữ “đạo cấm” là: “Vì Phật đạo, chế cấm các điều ác nên gọi là đạo cấm”. Bởi thế “đạo cấm” chính là Giới Độ trong Lục Độ.

“Nhẫn nhục, tinh tấn, từ tâm chuyên nhất, trai giới thanh tịnh, nhất nhật nhất dạ”: Chữ “nhẫn nhục” ở đây là Nhẫn Độ. Chữ “tinh tấn” là Tấn Độ. Chữ “Trai giới” được ngài Vọng Tây giảng như sau: “Trai giới là Bát (Quan) Trai Giới nên mới bảo là một ngày một đêm v.v…”

Thắng tại Vô Lượng Thọ quốc vi thiện bách tuế” (Hơn làm việc thiện suốt trăm năm nơi cõi Phật Vô Lượng Thọ): Như trong pháp hội Văn Thù Sư Lợi Thọ Ký của kinh Bảo Tích có nói:

“Nếu có chúng sinh ở cõi Phật ấy tu các phạm hạnh suốt cả ức trăm ngàn năm vẫn chẳng bằng ở cõi Sa Bà này, chỉ trong khoảng khảy móng tay khởi tâm từ bi đối với chúng sinh, công đức người nầy đạt được còn nhiều hơn thế. Huống là trong một ngày một đêm trụ trong tâm thanh tịnh”.

Kinh Tư Ích cũng dạy: “Nhược nhân ư tịnh quốc, trì giới mãn nhất kiếp, thử độ tu du gian, hành từ vi tối thắng” (Nếu người ở cõi thanh tịnh trì giới suốt một kiếp; người ở cõi nầy thực hành tâm Từ trong khoảnh khắc vẫn là tối thắng). Vì sao vậy? – “Bỉ Phật quốc độ, giai tích đức chúng thiện, vô hào phát chi ác” (Cõi nước Phật ấy đều hành thiện tích đức, không có một chút ác). Ý nói: Thế giới Cực Lạc tu thiện rất dễ, thế gian này tu thiện rất khó. Khó mà có thể tu được, như vậy là rất quý.

Kinh còn dạy: “Ngã kiến Hỉ Lạc quốc, cập kiến An Lạc độ, thử trung vô khổ não, diệc vô khổ não danh. Ư bỉ tác công đức, vị túc dĩ vi kỳ! Ư thử phiền não xứ, năng nhẫn bất khả sự, diệc giáo tha thử pháp, kỳ phước vi tối thắng” (Ta thấy trong cõi Hỉ Lạc và cõi An Lạc không có khổ não, cũng không có danh từ khổ não. Trong những cõi ấy mà tu các công đức, chưa đủ để gọi là hay. Ở chốn phiền não này mà nhẫn được sự không thể nhẫn, cũng dạy người khác pháp nhẫn này thì phước ấy mới thật là tối thắng).

Hòa thượng Tịnh Không giải thích danh từ Hỉ Lạc và An Lạc như sau: Nói cõi Hỉ Lạc là nói “chánh báo”, tức là môi trường nhân sự ở thế giới Cực Lạc. Nói cõi An Lạc là nói “y báo” tức môi trường vật chất ở Tây Phương Cực Lạc.

Ư thử tu thiện, thập nhật thập dạ, thắng ư tha phương chư Phật quốc trung, vi thiện thiên tuế”. (Tu thiện ở cõi [Sa Bà] này mười ngày mười đêm, hơn làm thiện một ngàn năm ở các cõi Phật khác). Kinh Thiện Sinh cũng nói: “Lúc Phật Di Lặc xuất thế, thọ giới suốt một trăm năm, không bằng (thọ giới) một ngày một đêm trong cõi ta (tức là cõi của Phật Thích Ca). Vì sao vậy? Trong thời của ta, chúng sinh có đủ cả năm thứ ô trược. Này thiện nam tử! Bát Trai Giới này chính là con đường dẫn tới trang nghiêm vô thượng Bồ Đề”.

Lại nữa Tha phương Phật quốc, phước đức tự nhiên, vô tạo ác chi địa. Duy thử thế gian, thiện thiểu ác đa, ẩm khổ thực độc, vị thường ninh tức”. (Các cõi Phật phương khác phước đức tự nhiên, không có chỗ để tạo ác. Chỉ có thế gian này thiện ít, ác nhiều, uống đắng, ăn độc, chưa từng yên nghỉ).

Đến đây, cụ Hoàng Niệm Tổ nói: Sở dĩ ông trích dẫn nhiều đoạn kinh như trên để nhằm chứng minh trong cõi Sa Bà này, ngay trong “ẩm khổ, thực độc, vị thường ninh tức” (uống đắng, ăn độc chưa từng dừng nghỉ) này mà hành nhân có thể trai giới thanh tịnh, nhẫn nhục, tinh tấn thì công đức của người này còn vượt xa những người tu hành trong các cõi Phật phương khác.

Ngài Vọng Tây bảo “ẩm khổ thực độc” “uống nước bát khổ, lại ăn ba độc vị”. Những lời trên đây đều là khích lệ chúng ta tu hành.

“Vị thường ninh tức” (chưa từng ngừng nghỉ). Chữ “ninh” là yên ổn, an ninh; chữ “tức” (息 xī) là thôi dứt, đình chỉ.

Con người ngày nay, dục vọng không có cảnh dừng! Không những không dừng mà còn tăng trưởng! Đến cuối cùng thì sao? – Không biết thương mình! Đương nhiên cũng không thương người khác. Có thương mình mới thương người. Không thương mình làm sao thương người! Cho nên họ cứ tha hồ tạo ác nghiệp mà không cần biết quả khổ sẽ đến ra sao!

Trong tác phẩm “Vô Lượng Thọ Kinh Sao”, ngài Vọng Tây viết:

“Hỏi: Nếu tu hành tại uế độ là thù thắng thì cứ “tu trong cõi nầy, sao lại nguyện sinh về Tịnh Độ?

Đáp: Như sách Yếu Tập viết: ‘Kinh này chỉ nói về sự tu hành khó hay dễ, chớ chẳng giảng về thiện căn thù thắng hay hạ liệt. Ví như kẻ nghèo hèn bố thí một đồng tiền, tuy đáng khen là hay, nhưng chẳng bao biện được các việc. Kẻ phú quý bỏ ra ngàn vàng, tuy chẳng đáng gọi là hay, nhưng lại có thể hoàn tất muôn sự. Việc tu hành trong hai cõi cũng giống như thế’. Nếu muốn mau chóng hoàn thành các việc thành Phật, lợi sinh thì phải chuyên cầu Tịnh Độ, lẽ nào lưu luyến uế độ, chẳng thể thành tựu nỗi Phật đạo”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích câu “như kẻ nghèo hèn bố thí một đồng tiền, tuy đáng khen là hay, nhưng chẳng bao biện được các việc. Kẻ phú quý bỏ ra ngàn vàng, tuy chẳng đáng gọi là hay, nhưng lại có thể hoàn tất muôn sự”. Ý nói: Kẻ nghèo hèn bố thí chỉ một đồng tiền, rất ít, số tiền này chẳng làm nên được việc gì, nhưng việc làm đó xuất phát từ tâm chân thành, tâm cung kính của họ, đó là việc rất đáng khen. Câu chuyện nầy có ghi chép trong Liễu Phàm Tứ Huấn: Có một người nữ nghèo cùng phát tâm cúng dường hai đồng tiền cho tự viện. Lão Hòa thượng đích thân làm lễ hồi hướng, cầu phước cho cô. Sau nầy, cô trở thành quý phi của Hoàng Đế. Một hôm đi ngang qua tự viện nầy, cô ghé lại cúng dường một ngàn lượng vàng. Lần này, lão Hòa thượng không hồi hướng mà bảo đồ đệ làm lễ hồi hướng cho cô. Cô rất kinh ngạc, thỉnh giáo Hòa thượng:

– Vì sao năm xưa con cúng có hai đồng tiền, Ngài lại hậu đãi con như vậy? Bây giờ con cúng dường một ngàn lượng vàng, Ngài lại bảo đồ đệ hồi hướng cho con?

Lão Hòa thượng nói:

– Năm xưa cô cúng hai đồng tiền, đó là phát xuất từ tâm chân thành của cô, tâm đó rất đáng quý. Hiện tại, cô làm quý phi, tiền của vô số, nhưng tâm chân thành, cung kính xưa kia không còn nữa, có chăng chỉ là tâm tự hào, hãnh diện, thiết nghĩ đồ đệ tôi hồi hướng cho cô cũng đủ rồi.

Đạo lý này chúng ta cần phải hiểu: Phú quý tuy có thể bố thí cả ngàn lượng vàng, với số vàng nầy có thể giúp chúng ta giải quyết được nhiều vấn đề, nhưng chưa hẳn đó là việc đáng khen. Đây là ví dụ; cũng như thế giới Cực Lạc và thế giới Sa Bà hoàn toàn khác nhau. Thế giới Sa Bà tu thiện rất khó, nếu chúng ta nỗ lực tu được một chút thiện nhỏ, chư Phật, Bồ tát cũng đều hoan hỉ, tán thán. Ở thế giới Cực Lạc không có ác, ngay đến danh từ “ác” cũng  không có, chỉ toàn là thiện, nên người người ở đó đều là người thiện, cũng không có chi là lạ.

“Việc tu hành trong hai cõi cũng giống như thế”: Nếu muốn nhanh chóng thành Phật, lợi ích chúng sinh thì phải chuyên vui với Tịnh Độ, hà tất phải lưu lại uế độ. Ở uế độ này không thể làm Phật đạo, bởi chướng duyên trùng trùng. Cũng chính là nói ở thế giới Sa Bà này chúng ta không có khả năng giáo hóa chúng sinh mà phải vãng sinh về Tây Phương Cực Lạc mới có năng lực này.

Theo ngài Cảnh Hưng, cõi này tu một ngày một đêm hơn hẳn hành thiện cả trăm năm nơi cõi Tây Phương Cực Lạc, vì “ở đây tu khó thành”. Hơn nữa, “trong cõi kia, không lúc nào chẳng tu; còn cõi này duyên tu thiện rất ít nên (nói như vậy) chẳng mâu thuẫn nhau”. Theo cụ Hoàng, xét ra, thuyết của ngài Cảnh Hưng càng thù thắng hơn.

KINH VĂN:

Ngô ai nhữ đẳng, khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp, tất trì tư chi, tất phụng hành chi. Tôn ti, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu, chuyển tương giáo ngữ. Tự tương ước kiểm, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc, từ hiếu. Sở tác như phạm, tắc tự hối quá, khử ác, tựu thiện, triêu văn, tịch cải, phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo. Cải vãng tu lai, sái tâm, dịch hành, tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc.

VIỆT VĂN:

Ta vì thương xót các ông, hết lòng chỉ dạy, trao cho kinh pháp, phải hoàn toàn nhớ giữ tuân hành. Tôn ti, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu lần lượt dạy bảo nhau, cùng nhau kiểm điểm, hòa thuận đạo nghĩa, hoan lạc, từ hiếu. Nếu trót sai phạm, liền tự hối lỗi, bỏ ác, hướng thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng trì kinh giới, như nghèo được của. Sửa xưa tu nay, gội rửa thân tâm; tự nhiên cảm ứng, được như sở nguyện.

GIẢNG:

Thế Tôn bao lượt khuyên lơn, chỉ mong đại chúng phụng trì kinh giới, nên trong đoạn nầy, trước hết đức Phật bảo: “Thọ dữ kinh pháp” (Trao cho kinh pháp), khuyên chúng sinh thọ trì, tư duy, phụng hành đúng pháp. Sau đó, Phật lại khuyên “phụng trì kinh giới như bần đắc bảo” (phụng trì kinh giới như nghèo được của).

Sách Hội Sớ giảng câu “ngô ai nhữ đẳng, khổ tâm hối dụ” (ta vì thương xót các ông, hết lòng chỉ dạy) như sau: “Ngô ai’ là Như Lai đại từ, ‘nhữ đẳng’ là căn cơ được đức Phật rủ lòng thương. Năm thời giáo hóa, dạy cho bán giáo, mãn giáo nên bảo là khổ tâm hối dụ”.

Hòa thượng Tịnh Không giải thích: Đây là nói rõ “bán, mãn thùy giáo”. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật giảng kinh dạy học suốt bốn mươi chín năm, Ngài chia làm năm giai đoạn, gọi là năm thời: Giai đoạn thứ nhất là thời Hoa Nghiêm. Sau khi khai ngộ, đức Phật đem những cảnh giới Ngài thấy được nói ra một cách viên mãn. Cảnh giới khai ngộ đó chính là Kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, Phật giảng ở trong Định suốt ba tuần lễ. Đối tượng lúc ấy là bốn mươi mốt ngôi vị Pháp Thân Đại Sĩ. Cho nên, Tiểu Thừa trí tuệ kém, họ không thừa nhận Kinh Hoa Nghiêm. Họ nói Kinh Hoa Nghiêm là Bồ tát Long Thọ tạo ra, lấy danh nghĩa là Phật Thích Ca. Điều nầy thiết nghĩ cũng không cần phải bàn luận. Hơn nữa, nếu Bồ tát Long Thọ có thể tạo ra kinh Hoa Nghiêm, vậy ngài là Phật rồi. Phần nầy, phía trước chúng ta đã học qua, ở đây chỉ nói sơ lược.

Thời thứ hai là thời A Hàm, đức Phật giảng mười hai năm. Thời thứ ba là thời Phương Đẳng, Phật giảng tám năm. Thời thứ tư là thời Bát Nhã, Phật giảng hai mươi hai năm. Đến thời thứ năm là thời Pháp Hoa, Phật giảng tám năm. Cuối cùng là kinh Niết Bàn, đó cũng là Di chúc của Phật Thích Ca, chỉ giảng trong một ngày.

Năm thời thuyết pháp nầy đều nhằm thích ứng với các căn cơ của chúng sinh, từ thấp đến cao. Giáo pháp có bán (bán tự giáo) hay mãn (mãn tự giáo) nhưng đều là tùy duyên độ thoát nên bảo là “khổ tâm hối dụ, thọ dữ kinh pháp” (hết lòng chỉ dạy, trao cho kinh pháp). Nói “bán mãn thùy giáo”: Chữ “bán” là phân nửa, “mãn” là viên mãn. Hoa Nghiêm, Pháp Hoa là viên mãn, ngoài ra những kinh khác đều là một nửa, tức là học chưa xong. A La Hán, Bích Chi Phật chỉ học có một nửa, Bồ tát là viên giáo nhưng vẫn chưa thật sự viên mãn.

Chỉ thành Phật mới là viên mãn. Cho nên mãn giáo chính là kinh Hoa Nghiêm và kinh Pháp Hoa, đây mới thật sự là viên mãn.

“Tất trì tư chi, tất phụng hành chi” (Phải hoàn toàn nhớ giữ tuân hành). Phật còn dạy: Đối với những kinh pháp đã được nghe đều phải “tất trì tư”: Chữ “tất” là hoàn toàn; chữ “trì” là thọ trì; chữ “tư” là chuyển ý niệm, không còn nghĩ việc khác, chỉ nghĩ đến giáo huấn, lời dạy của Phật. “Phụng hành” là tin kính, thật làm.; Đó là tự lợi.

“Tôn ti nam nữ, quyến thuộc bằng hữu, chuyển tương giáo ngữ”. Ý nói: Đối với tôn ti, nam nữ, quyến thuộc, bằng hữu, “chuyển tương giáo ngữ” (lần lượt dạy bảo nhau) chính là lợi tha. “Nếu chẳng thuyết pháp độ sinh thì không thể báo nỗi Phật ân”.

Tiếp đó, Phật khuyên “tự tương ước kiểm, hòa thuận nghĩa lý, hoan lạc từ hiếu” (cùng nhau kiểm điểm, hòa thuận đạo nghĩa, hoan lạc, từ hiếu). Chữ “ước kiểm” cũng giống như chữ “ước liễm” (約 斂 yāo liăn) là ràng buộc, kiểm soát; cũng có nghĩa là “đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân”.

“Hòa thuận nghĩa lý” (Hòa thuận đạo nghĩa). Ý nói: Lời lẽ, cử  chỉ vừa hợp với nghĩa, vừa thuận với lý. Hợp với nghĩa thì cử chỉ thích đáng. Thuận theo lý thì tự nhiên có chừng mực.

“Hoan lạc, từ hiếu”: Chữ “hoan” (歡 huān) là hoan hỉ; chữ “lạc” (樂 lè) là an lạc. Chữ “từ hiếu”, thế gian thường bảo “thượng từ hạ hiếu”; kinh cũng nói: “Ngã ai nhữ đẳng thậm ư phụ mẫu niệm tử” (Ta thương xót các ông còn hơn cha mẹ thương con), đấy là tâm đại từ. Chúng sinh trong sáu nẽo đều là cha mẹ ta, thệ nguyện cứu độ, đấy là tâm đại hiếu. Do đại bi nên khiến khắp tất cả được thoát khổ. Do đại từ nên khiến tất cả đều được hưởng vui. Ấy chính là đại hạnh của Bồ tát, cũng chính là nghĩa thật sự của “hoan lạc từ hiếu”.

 Hơn nữa, muốn “chuyển tương giáo ngữ” (lần lượt dạy bảo nhau), trước hết phải dùng Tứ Nhiếp để lôi cuốn chúng sinh (Tứ Nhiếp là: Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự). Cho nên, “hoan lạc từ hiếu” cũng chính là Tứ Nhiếp Pháp.

“Sở tác như phạm, tắc tự hối quá, khử ác, tựu thiện, triêu văn, tịch cải, phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo. Cải vãng tu lai, sái tâm, dịch hành” (Nếu trót sai phạm, liền tự hối lỗi, bỏ ác, hướng thiện, sáng nghe chiều sửa, phụng trì kinh giới, như nghèo được của. Sửa xưa tu nay, gội rửa thân tâm): Đoạn kinh văn nầy khuyên chúng sinh phụng trì kinh giới. Phẩm nầy mang tên “như bần đắc bảo” (như nghèo được của báu), nên câu “phụng trì kinh giới, như bần đắc bảo” chính là câu cốt lõi của phẩm nầy. Kẻ nghèo được của báu ắt diệt ngay các khổ, bởi báu đó là hoan hỉ, vô ưu. Ở đây, Phật dùng của báu để sánh ví diệu dụng của kinh giới.

Hơn nữa, kẻ nghèo khi có được của báu ắt sẽ toàn tâm, toàn lực giữ gìn không để mất, xem như đó là tính mệnh của mình. Chỗ này, đức Phật khuyên hành nhân được lãnh thọ kinh giới, phải khéo vâng giữ như bảo vệ đầu, mắt. Nếu lỡ sai phạm, phải mau sám hối, thề không tái phạm.

Câu “khử ác tựu thiện” (bỏ ác hướng thiện) và “cải vãng tu lai” (sửa xưa tu nay), ý nói: Bỏ những ác hạnh sai trái trong quá khứ, tu thiện nghiệp đúng đắn trong hiện tại.

“Triêu văn tịch cải” (Sáng nghe, chiều sửa) là thuận theo việc thiện, biết lỗi liền sửa. Chữ “sái tâm” (洒 心) là tẩy sạch cấu nhơ trong tâm. “Dịch hành”, chữ “dịch” (易 yì) là biến dịch (thay đổi).

“Sái tâm dịch hành” là dứt ác hướng thiện, bỏ tà theo chánh, hồi Tiểu hướng Đại, bỏ hư ngụy, giữ lấy cái chân thật. Được như thế sẽ tự nhiên cảm giáng, sở nguyện triếp đắc”, nghĩa là tự nhiên cảm ứng, Phật lực ngầm gia hộ, có nguyện ắt sẽ thành.

KINH VĂN:

Phật sở hành xứ, quốc ấp khâu tụ, mị bất mông hóa. Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời, tai lệ bất khởi, quốc phong dân an, binh qua vô dụng, sùng đức, hưng nhân, vụ tu lễ nhượng, quốc vô đạo tặc, vô hữu oan uổng, cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở.

VIỆT DỊCH:

Phật đi đến đâu, quốc ấp thôn trang, đều được hóa độ. Thiên hạ hòa thuận, nhật nguyệt trong sáng, mưa thuận gió hòa, tai dịch không khởi, nước giàu, dân an, binh đao vô dụng, đức được tôn sùng, lòng nhân mạnh mẽ, chăm tu lễ nhường, nước không trộm cướp, không có oan uổng, mạnh không hiếp yếu, đều được an lành.

GIẢNG:

Đoạn kinh trên nói về từ đức vô lượng của Phật. Câu “Phật sở hành xứ” là chỉ nơi Phật hành hóa, tức là nơi Phật đến để lưu truyền chánh pháp. Chữ “quốc” (國 guó) là quốc gia; chữ “ấp” (邑 yì) là làng mạc, thành thị. Chữ “khâu” (丘 qiū) có hai nghĩa: Sách

Hội Sớ bảo là gò núi; sách Châu Lễ bảo: “Bốn ấp là một khâu”. Như vậy “khâu” có nghĩa là nơi dân chúng quy tụ lại sinh sống. Chữ “tụ” (聚 jù) là tụ lạc, thôn xóm. Ngài Vọng Tây bảo: “Làng nhỏ gọi là Tụ”.

“Quốc ấp khâu tụ” (Quốc ấp thôn trang) bất cứ nơi nào Phật đặt chân đến, không ai mà chẳng được sự giáo hóa của Phật, nên bảo là “mị bất mông hóa” (đều được hóa độ). Được tiếp thu từ sự giáo hóa của Phật, tất nhiên sẽ có cảm ứng những điều tốt lành. Bởi thế, thiên hạ hòa thuận” cho đến “các đắc kỳ sở” (đều được an lành). “Thiên hạ hòa thuận” là thế giới đại đồng, vạn bang hòa thuận, thiên hạ một nhà. Chữ “bang” là quốc gia. Rất nhiều quốc gia trên thế giới đều sống hòa thuận, đối đãi bình đẳng.

“Nhật nguyệt thanh minh, phong vũ dĩ thời” (Nhật nguyệt trong sáng, mưa thuận gió hòa): Đây là chỉ phong điều vũ thuận, không có các thiên tai như hạn hán, lũ lụt, gió bão, mưa đá, động đất v.v…

“Tai lệ bất khởi” (Tai dịch không khởi): Chữ “tai” (災 zāi) là tai hoạ; chữ “lệ” (厲 lì) là dịch lệ, ôn dịch. Ý nói: Chẳng những không có các tai nạn như: Núi lỡ, động đất, sóng thần, lửa, nước, đao binh v.v…mà cũng không hề có các thứ ôn dịch lan tràn.

Hiện nay, chúng ta quan sát tường tận: Phàm những nơi có thiên tai đều là không có thánh hiền giáo hóa. Được Phật giáo hóa, nơi này sẽ thái bình an nhiên vô sự. Quả đúng là như vậy.

Thiên tai là do ngũ dục dẫn khởi: Động đất là ngạo mạn, sóng thần là do tham, hoài nghi chánh pháp chiêu cảm nên hố tử thần, đất núi sụp lỡ. Lũ lụt là tâm tham, hỏa hoạn là sân khuể, đao binh là đầy đủ năm độc (tham, sân, si, mạn, nghi), ôn dịch cũng là do ác nghiệp chiêu cảm.

Thế nên, trên phương diện tình cảm, phải khống chế oán, hận, não, nộ, phiền. Không khống chế là tạo ác nghiệp. Thiên tai nhân họa đều là do tự làm tự chịu, không phải tự nhiên. Tự nhiên là thiện, là đẹp nhất. Không tự nhiên, thiên tai liền đến! Ngày nay, thiên tai thật sự đang ở trước mặt, ngoài niệm Phật ra, không có con đường thứ hai để đi!

“Quốc phong dân an” là quốc gia sung túc, sản xuất dồi dào, nhân dân an lạc.

“Binh qua vô dụng” (Binh đao vô dụng): Chữ “binh” (兵bǐng) là đao binh, tức là những khí giới có mũi nhọn chế bằng kim loại; chữ “qua” (戈 gē) là những loại kích có mũi tù (không nhọn).

Chữ “binh qua” thường được dùng để chỉ chiến tranh.

“Binh qua vô dụng” ý nói: Trong nước không có giặc cướp, phản nghịch; ngoài không bị nước khác xâm lấn, nên có thể bỏ việc võ, lo việc văn, xếp vũ khí không dùng đến nữa. Điều này phải dựa vào giáo dục.

Theo Hòa thượng Tịnh Không: Phật giáo, trước thời Tam đại của Trung Quốc (Tam đại là Hạ, Thương, Chu) đều không dùng vũ lực, chiến tranh. Họ dùng gì? _ Dùng nhân nghĩa, đạo đức, dùng giáo hóa mà đạt được chính quyền, được các nước xung quanh khen ngợi, kính trọng, tôn vinh là thiên tử. Họ tự nguyện xưng thần đến phục tùng, thỉnh giáo sự lãnh đạo của thiên tử.

Đến cuối thời nhà Chu, lơ là đối với việc giáo dục, nên xã hội động loạn, đấu tranh phát khởi, biến thành Xuân Thu chiến quốc, kéo dài khoảng gần năm trăm năm. Sau đó, nhà Hán mới thống nhất.

Hán Võ Đế thông minh, dùng bí quyết của cổ thánh tiên hiền “kiến quốc quân dân, giáo dục vi tiên” làm mục tiêu, nên triệu tập các đại thần nghiên cứu phương thức để dạy dân. Đổng Trọng Thư đã giới thiệu đạo của Khổng Tử và Hán Võ Đế đã tiếp thu. Đây mới thật sự khiến Nho giáo trở thành phương châm giáo dục của Trung Quốc, phổ biến trên toàn quốc. Nhờ vậy mà địa vị của Khổng Tử được nâng cao hơn cả Chư Tử.

Từ nhà Hán đến nhà Thanh, hơn hai ngàn năm, đều phụng hành đạo của Khổng Mạnh, là dùng giáo dục, không dùng vũ lực.

Cũng thế, Đường Thái Tông, hai mươi tám tuổi lên ngôi Hoàng Đế, hãy còn rất trẻ, nhưng ông đã hiểu được: Vũ lực có thể đoạt chính quyền, nhưng không thể trị quốc. Trị quốc phải cần có văn hóa, có trí tuệ, có phương pháp, có kinh nghiệm… Ông ra lệnh cho Ngụy Trừng thành lập một tổ chức, chuyên tìm của báu trong cổ tịch. Từ trên mười ngàn điển tịch, rút gọn thành hơn một ngàn loại. Trong hơn một ngàn loại này, lại chọn ra sáu mươi lăm loại. Lại trong sáu mươi lăm loại này, chọn lựa những gì liên quan đến phương pháp, kinh nghiệm để tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ, ghi chép lại để ông xem. Đây chính là nguồn gốc của Quần Thư Trị Yếu mà Đường Thái Tông muốn đọc.

Bộ sách này phải dùng thời gian bốn, năm năm mới hoàn thành. Đường Thái Tông có được bộ sách này, không khi nào rời tay. Những vương công, đại thần, cán bộ quan trọng đều được tặng một cuốn. Lúc đó, chưa có thuật in ấn, đều viết bằng tay nên phân lượng không nhiều. Tất cả đều y theo bộ sách này làm phương châm và nguyên tắc để trị nước. Cho nên, thành tích chính trị của Đường Thái Tông rất khả quan. Khai Nguyên Trinh Quán thời nhà Đường trở thành triều đại có nền chính trị tốt nhất trong lịch sử. Đây đều là hiểu được “Kiến quốc quân dân, giáo dục vi tiên”.

Trong lịch sử Trung Quốc: Văn Cảnh thời nhà Hán; Khai Nguyên Trinh Quán thời nhà Đường; Khang Hy, Càn Long thời nhà Thanh là những thời đại nổi tiếng hưng thịnh trong lịch sử Trung Quốc, đều dựa vào giáo dục.

Quay nhìn lại thế giới ngày nay, sao biến thành thảm họa đến như vậy?! _ Do lý niệm giáo dục sai lầm! Dạy con người tự tư tự lợi, dạy tranh giành…! Trong Tam Tự Kinh nói rất hay: “Cẩu bất giáo, tánh nãi khiên” Nếu không dạy thật tốt, họ sẽ học hư, học sai hoàn toàn. Giáo dục ngày xưa dạy nhẫn nhịn, khiêm nhường. Mọi người đều nhường nhau, xã hội sẽ hòa bình.

Thử hỏi: Ngày nay có vị quan nào mà không tham ô? Nếu tham ô đều trị tội thì quan viên cả nước đều phải trị tội, như vậy thì thành thể thống gì?! Không thể làm như vậy! Bất luận họ tham bao nhiêu, bỏ qua tất cả, miễn về sau không tham là được. Có thể làm thống kê, điều tra tài sản, nhưng không nên trừng phạt. Phải có lòng thương xót, những lỗi lầm trước phải cho qua, bắt đầu hôm nay phải cố gắng học tập truyền thống văn hóa thánh hiền, như vậy là tốt. Sau khi học, họ sẽ hiểu, sẽ tự biết xấu hổ, không làm việc xấu nữa. Có người chất vấn hỏi tôi (tức Hòa thượng Tịnh Không) – Chế độ dân chủ phải chăng là tốt nhất?

– Tôi nói: Chế độ không quan trọng; quan trọng là giáo dục.

– Vì sao vậy?

– Vấn đề ngày nay là nhân tâm băng hoại. Nếu là người tốt, dù chế độ không tốt, họ vẫn có thể làm được việc tốt. Nếu là người xấu, cho dù chế độ có tốt, họ vẫn làm việc xấu mà thôi.

“Quốc phong dân an, binh qua vô dụng” quả thật là một xã hội vô cùng tốt đẹp, an định hòa thuận, không có đạo tặc, đêm không cần đóng cửa, trên đường không lượm của rơi.

Lần này tôi đến Nhật Bản giảng kinh, ở đó nửa tháng. Đó là một vùng nông thôn, đích thật còn giữ được cảnh tượng như trên. Tôi thấy bên đường có một chòi nhỏ bán rau. Trên rau có ghi giá tiền, không ai trông coi. Nếu bạn muốn mua rau thì cứ để tiền vào hộp, đây là chỗ thu tiền. Tối đến, người chủ mới đến thu về. Thật là hiếm thấy! Người người đều thành thật, không có tham tâm, không có ý niệm chiếm đoạt của người khác. Thấy vậy, tôi thật vô cùng hoan hỉ.

“Sùng đức hưng nhân”: Tôn sùng đạo đức gọi là “sùng đức”; phát huy chính sách nhân từ gọi là “hưng nhân”. Chính sách nhân từ là giúp nhân dân lìa khổ được vui.

“Vụ tu lễ nhượng” (chăm tu lễ nhường). Sách Hội Sớ giảng: “Tôn ti có trật tự là Lễ, nhường nhịn người khác là Nhượng”. Chữ “nhượng” (讓 ràng) còn có nghĩa là nhường bước, nhường sự tốt lành cho người, không giành lấy về mình. Đạo Thạnh Hòa Phu, ông là một thương nhân Nhật Bản, (trước đây đã đề cập qua). Trong thương nghiệp, ông hoàn toàn dùng nhân nghĩa, đạo đức để kinh doanh, nên kinh doanh của ông rất thành công. Ông không tranh mà chỉ nhường, nhưng càng nhường ông càng kiếm được nhiều. Đây là điều rất kỳ lạ! Hiện nay có rất nhiều người muốn học theo ông.

“Quốc vô đạo tặc” là nhân dân đều tuân hành theo lẽ phải, vâng giữ pháp luật nên không có trộm cướp.

“Vô hữu oan uổng” (không có oan uổng), vì người nắm chức vị liêm minh công chánh, xem xét tường tận, chẳng phán án sai. “Cường bất lăng nhược, các đắc kỳ sở” (Mạnh không hiếp yếu, đều được sống yên). Ỷ mạnh hiếp yếu là nguồn gốc của mọi tai vạ trong thế gian. Như nước mạnh uy hiếp nước yếu; kẻ giàu bốc lột người nghèo, kẻ quyền thế rúc rỉa mồ hôi, nước mắt của dân v.v… Đức Phật xưa kia ngài đến đâu, nơi đó đều hưởng được lợi ích. Nhờ sự giáo hóa của Ngài mà “cường bất lăng nhược” (mạnh không hiếp yếu), ai nấy đều “các đắc kỳ sở” (đều được sống yên), kẻ có người không đều biết san sẻ cho nhau, chung sống hòa bình, thế giới đại đồng. Đủ thấy từ lực của Phật thật không thể nghĩ bàn!

KINH VĂN:

Ngô ai nhữ đẳng, thậm ư phụ mẫu niệm tử. Ngã ư thử thế tác Phật, dĩ thiện công ác, bạt sinh tử chi khổ, linh hoạch ngũ đức, thăng vô vi chi an. Ngô bát Nê Hoàn, kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy, phục vi chúng ác. Ngũ thiêu, ngũ thống, cửu hậu chuyển kịch. Nhữ đẳng chuyển tương giáo giới, như Phật kinh pháp, vô đắc phạm dã.

VIỆT DỊCH:

Ta thương xót các ông, còn hơn cha mẹ nghĩ đến con. Ta trong đời này làm Phật, chỉ thiện tránh ác, dứt khổ sinh tử, khiến được năm đức, đạt an lạc vô vi. [Sau khi] ta nhập Niết Bàn, kinh đạo dần diệt, nhân tâm dối trá, lại tạo nhiều ác. Ngũ thiêu, ngũ thống ngày càng sâu nặng. Các ông nên lần lượt khuyên bảo nhau, như lời Phật dạy, không được sai phạm.

GIẢNG:

“Ngô ai nhữ đẳng, thậm ư phụ mẫu niệm tử” (Ta thương xót các ông, còn hơn cha mẹ nghĩ đến con)

Sách Hội Sớ giảng như sau: “Cha mẹ chỉ hạn cuộc trong một đời, còn Phật thì vô lượng kiếp. Cha mẹ không bình đẳng, Phật luôn bình đẳng. Cha mẹ chán ghét con bất hiếu. Phật thương xót đứa phản nghịch. Cha mẹ nuôi nấng sắc thân, Phật trưởng dưỡng nội tâm. Vì thế, nói là “thậm ư” (còn hơn). 

“Ngã ư thử thế tác Phật”. Chữ “thử thế” (đời này) chỉ đời ác năm trược. “Dĩ thiện công ác, bạt sinh tử chi khổ” (chỉ thiện tránh ác, dứt khổ sinh tử). Phật thuyết pháp thiện, giáo hóa chúng sinh, hàng phục lỗi ác của họ để tiêu trừ “Ngũ thống” trong hiện tại và tận diệt “Ngũ thiêu” trong địa ngục. Chữ “ác” là chỉ năm điều ác.

“Linh hoạch ngũ đức, thăng vô vi chi an” (Khiến được năm đức, đạt an lạc vô vi). Chữ “ngũ đức” chính là năm điều thiện. Ý nói: Bỏ năm điều ác, quay lưng với trần cảnh, trở về với bản tâm giác ngộ, nhổ tận cội gốc khổ sinh tử, đạt đến thường lạc vô vi.

“Ngô bát Nê Hoàn, kinh đạo tiệm diệt, nhân dân siểm ngụy, phục vi chúng ác” (Ta nhập Niết Bàn, kinh đạo dần diệt, nhân dân dối trá, lại tạo nhiều ác): Chữ “Bát Nê Hoàn” chính là “bát Niết Bàn”; dịch nghĩa là “nhập diệt” hay “viên tịch”. Chánh pháp của Phật Thích Ca tồn tại năm trăm năm, Tượng pháp một ngàn năm, Mạt pháp một vạn năm. Khi cả ba thời này qua đi thì gọi là “kinh pháp diệt tận”. Trong kinh Pháp Diệt Tận có nói: Kinh Thủ Lăng Nghiêm bị diệt trước tiên, các kinh khác cũng dần dần bị diệt. Vì sao thế? – Các bậc Tổ sư thường nói: “Mở Tuệ nhờ Lăng Nghiêm, thành Phật nhờ Pháp Hoa”. Trong kinh Lăng Nghiêm, có một đoạn giảng về bốn loại thanh tịnh minh hối: Sát, đạo, dâm, vọng. Có thể nói, đó là kính chiếu yêu, nếu hiểu được thì yêu ma quỷ quái không thể nào gạt chúng ta được, cho nên kinh Lăng Nghiêm phải bị diệt trước. Lúc này, con người không còn nhận ra là yêu ma quỷ quái nữa mà tôn chúng là người tốt, là Phật, Bồ tát!

“Nhân dân siểm ngụy” (nhân dân dối trá).  Chữ “siểm” là a dua, xu nịnh; chữ “ngụy” là dối trá. Lòng người dâm tà, xảo quyệt, nên “phục vi chúng ác” (lại làm điều ác). Do vậy mà “ngũ thiêu, ngũ thống” (năm sự đốt, năm sự khổ), càng hừng hẫy hơn lên, nên bảo là “cửu hậu chuyển kịch” (ngày càng sâu nặng). Vì thế, Phật dạy ngài Di Lặc cùng toàn thể hội chúng phải nên “chuyển tương giáo giới” (lần lượt khuyên nhau) tin nhận, phụng hành lời Phật dạy, không được sai phạm. Đó chính là phương pháp duy nhất để thoát khổ nạn luân hồi.

KINH VĂN:

Di Lặc Bồ Tát hiệp chưởng bạch ngôn: – Thế nhân ác khổ, như thị, như thị. Phật giai từ ai, tất độ thoát chi, thọ Phật trọng hối, bất cảm vi thất.

VIỆT DỊCH:

Di Lặc Bồ Tát chắp tay thưa rằng: – Người đời ác khổ quả đúng như vậy, đúng là như vậy. Phật đều thương xót, độ thoát tất cả. Con xin vâng lãnh lời dạy ân cần của Phật, không dám sai trái.

GIẢNG:

Di Lặc Bồ tát cung kính chắp tay nhận lãnh lời dạy của Phật, thưa rằng: “Thế nhân ác khổ, như thị, như thị” (Người đời ác khổ quả đúng như vậy, đúng là như vậy). Đức Phật do tâm bình đẳng, tâm đại từ bi vô lượng, nên đối với những kẻ hung ác cùng cực như thế, Phật vẫn lân mẫn, thương xót cứu độ tất cả, nên nói “Phật giai từ bi, tất độ thoát chi” ( Phật đều thương xót, độ thoát tất cả).

Phẩm hai mươi hai “Quyết Chứng Cực Quả” của kinh nầy có câu: “Nhược hữu thiện nam tử, thiện nữ nhân, nhược dĩ sinh, nhược đương sinh giai tất trụ ư Chánh Định chi tụ, quyết định chứng ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” ( Nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhân, hoặc đã sinh, hoặc sẽ sinh đều trụ trong Chánh Định Tụ, quyết định chứng Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Nghĩa là: Người hiện tại phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm thì tương lai nhất định sinh về Tây Phương Cực Lạc, nhưng ngay lúc này họ đã thuộc vào Chánh Định Tụ.

Kinh A Di Đà cũng dạy: “Nhược hữu nhân dĩ phát nguyện, kim phát nguyện, đương phát nguyện, dục sinh A Di Đà Phật quốc giả, thị chư nhân đẳng, giai đắc bất thoái chuyển ư A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề” (Nếu có kẻ đã phát nguyện, đang phát nguyện, sẽ phát nguyện muốn sinh về cõi của Phật A Di Đà, thì những người ấy đều được bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác). Nghĩa là: Người hiện đang phát nguyện vãng sinh đều đã bất thoái chuyển nơi Vô Thượng Bồ Đề. Do vậy, ngài Di Lặc mới nói là “tất độ thoát chi”.

Sách Di Đà Yếu Giải viết: “Không luận là chí tâm, tán tâm, hữu tâm, vô tâm, hiểu hay không hiểu, chỉ cần danh hiệu của Phật Di Đà hoặc danh hiệu của sáu phương Phật và tên kinh này một phen thoáng qua tai thì dẫu cho ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do đấy mà được độ thoát. Giống như nghe tiếng trống có bôi thuốc độc thì xa hay gần đều chết cả. Ăn chút kim cang quyết định không tiêu vậy”.

Chữ “chí tâm” là chuyên tâm, không có tạp niệm. “Tán tâm” là có tạp niệm. “Hữu tâm” chính là tâm cầu sinh Tịnh Độ. “Vô tâm” là người khác niệm cũng niệm theo. Câu “dầu ngàn vạn kiếp sau, rốt ráo sẽ do đấy mà được độ thoát”. Ý nói: Nhờ thiện căn thoáng nghe được Phật hiệu, đã gieo được hạt giống Phật vào trong tâm thức của A Lại Da, sẽ vĩnh viễn không bao giờ mất. Khi gặp duyên, hạt giống nầy sẽ lại hiện hành, họ sẽ tin và sẽ chịu làm theo. Cho nên, gieo hạt giống Phật cho tất cả chúng sinh là điều rất quan trọng.

Kế đến là dùng ví dụ “Như văn đồ độc cổ, xa gần đều mất”. Câu chuyện nầy được viết trong kinh Phật. Đấy là thời chiến tranh, như hiện nay dùng gas, dùng loại vũ khí nầy. Ăn kim cang dù ít cũng không tiêu nổi, cũng giống như Phật hiệu chỉ thoáng gieo vào tâm loạn, thì tâm loạn đó cũng không thể không thành Phật. Đây chính là ý chỉ “tất độ thoát chi”, khẳng định là độ được tất cả chúng sinh.

Sau cùng, Di Lặc Bồ tát bạch: “Thọ Phật trọng hối, bất cảm vi thất” (vâng lãnh lời dạy ân cần của Phật, không dám sai phạm).

Ngài đã đại diện cho tất cả hàm linh trong hiện tại cũng như vị lai mà thưa Phật lời ấy: “Bất cảm vi thất” (không dám sai phạm).

Bành Tế Thanh nói: “Tịnh Độ là cõi chí thiện. Cầu sinh Tịnh Độ là công phu chí thiện. Không thâm nhập pháp môn Tịnh Độ thì không thể viên mãn nổi điều thiện, không thể diệt sạch điều ác”. Thế nên, chúng ta phải tuân lời Phật dạy, tín nguyện trì danh, cầu sinh Tịnh Độ.