Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
THẬP PHƯƠNG PHẬT TÁN ĐỆ NHỊ THẬP TAM
Phẩm này gồm ba ý chính:
- – Mười phương chư Phật khen ngợi;
- – Thâm ý những lời khen của chư Phật;
- – Công đức chẳng thể nghĩ bàn của nhất niệm tịnh tín.
KINH VĂN:
Phục thứ A Nan! Đông phương hằng hà sa số thế giới, nhất nhất giới trung như hằng sa Phật, các xuất quảng trường thiệt tướng, phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn, xưng tán Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức. Nam, Tây, Bắc phương hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị. Tứ duy thượng hạ, hằng sa thế giới, chư Phật xưng tán diệc phục như thị.
VIỆT DỊCH:
Lại này A Nan! Hằng hà sa số thế giới ở phương Ðông, trong mỗi thế giới, (các vị) Phật như cát sông Hằng, mỗi vị đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang, nói lời thành thật, khen ngợi Phật Vô Lượng Thọ công đức chẳng thể nghĩ bàn. Chư Phật trong hằng sa thế giới nơi phương Nam, Tây, Bắc cũng khen ngợi như thế. Chư Phật trong hằng sa thế giới ở bốn phương phụ, trên, dưới cũng khen ngợi như vậy.
GIẢNG:
Trước hết, kinh đề cập đến “Đông Phương hằng hà sa số thế giới,nhất nhất giới trung như hằng sa Phật”. Phương Ðông là thuận theo thế tục: Mặt trời mọc từ phương Ðông. Các thế giới ở phương Ðông nhiều như số cát sông Hằng (Hằng hà sa số). Trong mỗi thế giới đều có hằng hà sa chư Phật. Mỗi đức Phật “các xuất quảng trường thiệt tướng phóng vô lượng quang, thuyết thành thật ngôn” (đều hiện tướng lưỡi rộng dài, phóng vô lượng quang nói lời thành thật).
“Quảng trường thiệt tướng” (Tướng lưỡi rộng dài) chính là một trong ba mươi hai tướng tốt, lưỡi rộng, dài, mềm mại, đỏ tươi, mỏng mảnh, thè ra có thể che cả mặt đến tận mí tóc. Trong sách Viên Trung Sao, Đại sư Cừ Am viết: “Hiện tướng lưỡi rộng dài nhằm biểu thị chẳng hư vọng. Từ vô lượng kiếp đến nay, miệng không phạm bốn lỗi nên cảm được tướng này”.
Sách Sớ Sao cũng nói: “Bởi Thế Tôn nhiều kiếp nói lời thành thật nên tướng lưỡi rộng dài khác lạ thường nhân. Nhưng (tướng lưỡi của Phật) lại có thường tướng và hiện tướng khác biệt. Nếu là thường tướng thì ngậm vào vừa khít trong miệng, thè ra thì che cả mặt đến tận mí tóc. Ðể khiến cho ngoại đạo sinh lòng tin, Phật đã từng hiện bày tướng như vậy. Còn nếu là hiện tướng thì có lớn, nhỏ sai khác”.
Kinh A Di Ðà chép: “Như thị đẳng Hằng hà sa số chư Phật, các ư kỳ quốc, xuất quảng trường thiệt tướng, biến phú tam thiên đại thiên thế giới, thuyết thành thật ngôn: ‘Nhữ đẳng chúng sinh đương tín thị Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” (Hằng hà sa số chư Phật như thế, mỗi vị ở trong nước mình, hiện tướng lưỡi rộng dài che khắp tam thiên đại thiên thế giới, nói lời thành thật: Chúng sinh các ngươi nên tin kinh Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Ðức được hết thảy chư Phật hộ niệm này):
“Xưng Tán Bất Khả Tư Nghị Công Đức Nhất Thiết Chư Phật Sở Hộ Niệm Kinh” là tên gốc của Kinh A Di Đà. Trước đây, Đại sư Cưu Ma La Thập khi dịch đã đổi tên thành Kinh A Di Đà. “Bất khả tư nghị công đức” chính là niệm Phật A Di Đà.
“Biến phú tam thiên đại thiên thế giới” (Che khắp tam thiên đại thiên thế giới), đó chính là “hiện tướng” thù thắng. So với Ðại kinh thì chẳng nói “biến phú” (che khắp) mà nói “phóng vô lượng quang”, cho thấy tướng lưỡi này chính là quang minh ấy; quang minh và tướng lưỡi không hai, không khác. Kinh nói: “Phóng vô lượng quang” cũng ngầm ý nghĩa pháp âm vang vọng khắp tam thiên đại thiên thế giới.
Sách Viên Trung Sao viết:
“Kinh Pháp Hoa chỉ nói đến cao, không nói đến rộng, nên chỉ nói (pháp âm) thấu đến trời Phạm Thế. Kinh này nói rộng mà chẳng nói đến cao nên bảo là ‘biến phú tam thiên đại thiên thế giới’. Cần biết, hai kinh đều nói giống nhau, chỉ vì giản lược kinh văn nên chỉ nêu một phương diện, nhưng cùng biểu thị chẳng hư vọng; hiện tướng này (chính là tướng lưỡi rộng dài) nhằm khiến cho người nghe sinh lòng tin mà thôi”.
“Trời Phạm Thế”: Chữ “Trời Phạm” là Đại Phạm thiên. Đỉnh của tam thiên đại thiên thế giới chính là Ma Hê Thủ La Thiên, cũng chính là đỉnh của cõi trời Sắc Giới. Vua của cõi này là Đại Phạm Thiên vương.
“Lại xét về nghĩa, thì kinh Pháp Hoa nói đến việc vượt ra ngoài tam giới theo chiều dọc (siêu dọc) nên chỉ nói đến cao. Kinh này nói cách vượt ngang (siêu ngang) khỏi tam giới, nên chỉ bàn về rộng; nhưng ngang chính là dọc, dọc chính là ngang, văn tuy giản lược, nhưng ý nghĩa tương đồng”. Giáo nghĩa này của sách Viên Trung Sao thật là tinh diệu, khiến người nghe sinh lòng tin sâu xa. Có thể nói: Tất cả tám vạn bốn ngàn pháp môn, đều siêu theo chiều dọc. Theo chiều dọc thì nhất định phải đoạn phiền não, việc này không dễ dàng, phải tu vô lượng kiếp! Chỉ có Tịnh Độ tông, đới nghiệp vãng sinh là siêu ngang thôi.
Từ Ân pháp sư lại bảo: “Ðể chứng thực việc nhỏ thì Phật hiện tướng lưỡi che cả mặt đến tận mí tóc. Nay kinh này nói che khắp đại thiên là để chứng thực đại sự”. Ngài còn bảo: “Bồ Tát đắc tướng lưỡi che mặt nên chẳng nói hai lời, toàn nói lời chân thật. Lưỡi mới chỉ che mặt đã chẳng hư vọng, huống là che được cả đại thiên!” “Chứng thật đại sự”: Chữ “đại sự” ở đây là chỉ pháp môn niệm Phật, phổ độ tất cả chúng sinh trong pháp giới, trong đó bao gồm cả tám vạn bốn ngàn pháp môn, pháp môn nào cũng được độ. Trong dọc có ngang, trong ngang có dọc, kỳ diệu chẳng thể nghĩ bàn!
“Thuyết thành thật ngôn” (Nói lời thành thật): Sách Di Ðà Sớ Sao nói: “Thành thật ắt là đáng tin vì “Thành” (誠) là chân thật, khẩn thiết, không trá ngụy. “Thật” (實) là chắc chắn đúng, chẳng dối. Ðó là sư tử hống, vô úy thuyết, dẫu ngàn vị thánh nhân xuất hiện cũng chẳng thể thay đổi được, muôn đời giữ lấy làm khuôn phép vậy”. Sách còn viết: “Thuần chân, dứt vọng, vạn kiếp vẫn như thế. Nói lời thành thật, còn gì hơn thế!” Như vậy, lời chư Phật khen “Vô Lượng Thọ Phật bất khả tư nghị công đức” (công đức chẳng thể nghĩ bàn) chính là lời cực chân, cực thật, ngàn đức Phật xuất thế cũng chẳng thể biến cải, muôn đời tuân thủ chẳng thể trái nghịch; Lời thành thật ở đây hàm nghĩa: Niệm Phật chắc chắn được vãng sinh về Cực Lạc; vãng sinh cũng đồng nghĩa với quyết định sẽ thành Phật.
Câu “bất khả tư nghị công đức” đã giải thích trong phẩm thứ mười một.
“Chư Phật xưng tán diệc phục như thị”: Kế đó, kinh nói mười phương hằng sa chư Phật cũng đều ngợi khen đức A Di Ðà như thế.
Sách Hội Sớ nói: “Tuy chư Phật chứng đắc bình đẳng như một, nhưng cái lợi ích Niệm Phật được vãng sinh là diệu pháp bất cộng của Phật Di Ðà, nên chư Phật nhượng đức, dạy quy về một đức Phật. Ðấy là kết quả của lời nguyện thứ mười bảy vậy”. Ý nói: Phật, Phật đạo đồng, chẳng có cao thấp; nhưng pháp môn “Niệm Phật Vãng Sinh” chính là diệu pháp bất cộng của Phật Di Ðà, nên cái lợi ích đó cũng là bất cộng, chư Phật khác không có. Vì vậy, chư Phật kính nhường phẩm đức của A Di Đà Phật, cũng hiển thị công đức vô biên của tất cả chư Phật đều quy về một đức Phật Di Ðà, nhằm khiến mười phương chúng sinh đều nhập Di Ðà nguyện hải, vãng sinh thế giới Cực Lạc. Ðấy chính là nguyện thứ mười bảy “Chư Phật xưng tán” được thành tựu.
Ngày nay, người có tâm lượng giống như chư Phật, Bồ tát “nhượng đức” không nhiều, người có tâm ý của ma vương thì rất đông! Họ khổ thì muốn mọi người cũng phải khổ, thậm chí còn phải khổ hơn họ! Tâm niệm nầy là phản thường, không phải bình thường! Do vậy, mà thế giới mới loạn, tai ương ngập đầy!
KINH VĂN:
Hà dĩ cố? Dục linh tha phương sở hữu chúng sinh, văn bỉ Phật danh, phát thanh tịnh tâm, ức niệm thọ trì, quy y cúng dường. Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín, sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sinh bỉ quốc, tùy nguyện giai sinh, đắc Bất Thoái Chuyển, nãi chí Vô Thượng Chánh Đẳng Bồ Đề.
VIỆT DỊCH:
Vì sao thế? Vì muốn chúng sinh ở các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật ấy, phát tâm thanh tịnh, ức niệm, thọ trì, quy y, cúng dường. Cho đến phát được một niệm tịnh tín, đem tất cả căn lành chí tâm hồi hướng, nguyện sinh cõi ấy, tùy nguyện đều sinh, được Bất Thoái Chuyển, cho đến quả vị Vô Thượng Chánh Ðẳng Bồ Ðề.
GIẢNG:
Ðoạn kinh văn trên nói rõ vì sao chư Phật khen ngợi Phật A Di Đà: Vì muốn chúng sinh nghe danh hiệu Phật A Di Đà sinh lòng tin, phát nguyện cầu sinh thế giới Tây phương Cực Lạc, ắt chứng Vô Thượng Bồ Ðề.
“Dục linh tha phương sở hữu chúng sinh, văn bỉ Phật danh” (Muốn chúng sinh ở các phương khác, nghe danh hiệu đức Phật ấy). Sách Hội Sớ nói: “Ðây chính là nguyện thứ mười tám được thành tựu. Chỗ quy thú của cả bộ kinh chỉ cốt ở điểm này. Vì sao vậy? Tuy cả bốn mươi tám nguyện đều thù thắng, nhưng Niệm Phật Vãng Sinh là cốt yếu nhất. Tuy sự thành tựu của mỗi nguyện đều khó thể nghĩ tưởng, nhưng nguyện này thành tựu mới là bất cộng; vì vậy chư Phật ngợi khen”.
Sách Giáo Hạnh Tín Chứng giảng câu “văn bỉ Phật danh” (nghe danh hiệu Phật ấy) như sau: “Chữ Văn (聞) có nghĩa là chúng sinh nghe gốc ngọn sinh khởi của lời Phật nguyện mà chẳng có tâm nghi, thì đó mới là Văn”.
“Phát thanh tịnh tâm” . “Thanh tịnh tâm” chính là tín tâm không nghi, tín tâm trong sạch không có cấu nhiễm.
Sách Thắng Man Bảo Quật, quyển thượng nói: “Thanh tịnh tâm là tín tâm trong sạch, khởi tín tâm trong sạch còn có nghĩa là tâm không có phiền não xen vào thì gọi là tâm thanh tịnh”.
“Ức niệm thọ trì”: Chữ “thọ” (受) là tiếp nhận, tin nhận, chữ “trì” (持) là duy trì, giữ vững. Chữ “ức” (憶) là nhớ nghĩ, trong tâm thường nghĩ nhớ đến công đức của Phật. Chữ “niệm” (念) không phải là trên miệng niệm. Chữ “niệm” này trong văn tự Trung Quốc nghĩa là “kim tâm” (今心) chính là hiện tại trong tâm có thì gọi là “niệm”, không phải có ở trên miệng. Nếu ngày ngày không đọc tụng, nghiên tầm kinh điển thì làm sao có Phật và thế giới Cực Lạc ở trong tâm! Thế giới Cực Lạc là quê nhà của chúng ta. Niệm niệm đều phải nhớ đến việc về nhà, ngay cả trong lúc mơ ngủ cũng không lìa khỏi. Đó là trong tâm ta có Phật A Di Đà và thế giới Cực Lạc. Niệm Phật như vậy thì vạn người tu, vạn người vãng sinh.
“Thọ trì” (受 持) là tiếp nhận, duy trì; những gì trong kinh
Phật dạy, chúng ta đều phải tiếp nhận, duy trì vĩnh viễn không để mất.
“Quy y” (歸 依): Chữ “quy” là hồi đầu, quay về; chữ “y” là nương tựa. “Quy y” là thân tâm quy hướng, nương theo chẳng bỏ.
– Hồi đầu từ đâu?
– Từ phiền não mà hồi đầu, nương vào chánh giác; từ ác pháp, thập ác hồi đầu, nương vào thập thiện; từ phá giới mà hồi đầu, nương vào trì giới; từ sinh tử mà hồi đầu, nương vào Niết Bàn. Trong cuộc sống hàng ngày, mỗi niệm đều phải biết hồi đầu (quay về). Đức Phật lập ra ba tiêu chuẩn để hồi đầu, gọi là Tam quy y: Quy y Phật, quy y Pháp, quy y Tăng. Nhưng, ngày nay “Tam quy y” chỉ có trên hình thức, không có thực chất! Nói cách khác, chúng ta vẫn không có “Quy”, cũng không có “y”, việc này thật đáng thương! Bởi chúng ta chưa hiểu Phật, Pháp, Tăng là gì?! Nên biết: Phật là giác ngộ, Pháp là chánh tri, Tăng là thanh tịnh. Trong Đàn Kinh, truyền thọ Tam Quy, Lục Tổ Huệ Năng không nói quy y Phật, qui y Pháp, quy y Tăng mà nói là: Quy y Giác, quy y Chánh, quy y Tịnh. “Giác-ChánhTịnh” là thực chất của Tam Bảo.
“Cúng dường” (供養), là như sách Huyền Tán bảo: “Dâng tài, hạnh là Cúng; giữ gìn, giúp đỡ là Dường”. Chữ “tài, hạnh” ở đây chỉ hai thứ cúng dường:
– Một là “Tài Cúng Dường” tức là cúng những vật như hương, hoa, thuốc men, tài vật, đầu, mắt, tủy, não, núi, sông, đại địa v.v.
– Hai là “Pháp Cúng Dường” tức là tu hành đúng như lời Phật dạy để cúng dường.
Sách Di Ðà Sớ Sao viết: “Thanh Lương đại sư nói: ‘Ðại Hạnh hòa thượng đời Cao Tề tôn sùng niệm Phật, dùng bốn chữ để dạy dỗ: Hai chữ ức niệm chẳng rời nơi tâm; hai chữ xưng kính chẳng rời nơi miệng”. Ðấy chính là ý chỉ của câu “ức niệm thọ trì, quy y cúng dường” trong kinh này.
“Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín” (cho đến phát được một niệm tịnh tín):
Sách Sớ Sao nói: “Ðể vãng sinh Tịnh Ðộ phải có lòng tin. Ngàn người tin, ngàn người sinh, vạn người tin, vạn người sinh. Tin vào danh hiệu Phật thì chư Phật liền cứu, chư Phật liền hộ trì. Tâm luôn nhớ Phật, miệng thường niệm Phật, thân luôn kính Phật thì mới gọi là thâm tín. Dù phát tâm sớm hay muộn cũng chẳng hề trụ vào pháp nào của cõi Diêm Phù Ðề nữa. Cách thúc đẩy, phát khởi nầy là thiết yếu nhất”.
Ðoạn kinh này là đặc biệt nói tới “nhất niệm tịnh tín” và “chí tâm nguyện sinh”, đấy đều là công đức tùy tâm nguyện mà được vãng sinh chẳng thể nghĩ bàn. Sách Hội Sớ giảng chữ “nhất niệm” như sau: “Nghĩa là chánh nhân vãng sinh chỉ cốt ở tín tâm trong mỗi niệm, chẳng nệ là niệm nhiều hay ít”.
Sách Giáo Hạnh Tín Chứng cũng nói: “Một niệm có nghĩa là tín tâm không nhị tâm nên bảo là ‘nhất niệm’. Ðấy gọi là Nhất Tâm. Nhất tâm là cái nhân chân chính của thanh tịnh báo độ, đạt được kim cang chân tâm, vượt ngang khỏi năm đường tám nạn, ắt đạt được mười thứ lợi ích ngay trong đời hiện tại: Một là được quỷ thần, thánh chúng thủ hộ, cho đến điều lợi ích thứ mười là nhập Chánh Định Tụ”.
Mười thứ lợi ích của “Nhất tâm niệm Phật” nói trên, xin lược dẫn ra đây:
- – Được quỷ thần, thánh chúng thủ hộ;
- – Được đầy đủ chí đức như: Tịnh nghiệp tam phước, Lục hòa, Tam học, Lục độ, mười nguyện của Phổ Hiền Bồ tát v.v.
- – Chuyển ác thành thiện;
- – Được chư Phật hộ trì;
- 5.- Được chư Phật khen ngợi
- – Được tâm quang thường hộ: “Tâm quang” là tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng mới phát ra ánh sáng. Tâm này có đặc điểm; những người oán ghét, nợ nần, yêu ma quỷ quái đều không thể đến gần;
- – Thường sinh tâm hoan hỉ;
- – Tri ân báo đức: Luôn nhớ nghĩ đến công đức của Phật A Di Đà, ân đức của tất cả chúng sinh bằng cách chí tâm niệm Phật, mang tâm từ bi của Phật A Di Đà, áp dụng trong đời sống hàng ngày, đối nhân xử thế tiếp vật, đó là cách báo ân Phật và tất cả chúng sinh.
- – Thường thực tập tâm từ bi;
- – Được vào Chánh Định.
“Nãi chí năng phát nhất niệm tịnh tín” (Cho đến phát được một niệm tịnh tín): Theo Hòa Thượng Tịnh Không, câu này hết sức quan trọng! Chúng ta phải hết lòng tin tưởng pháp môn Tịnh Độ, phải hết lòng tin tưởng Phật Thích Ca, Phật A Di Đà, phải nên “tịnh tín”, tin tưởng một cách thanh tịnh. Chữ quan trọng nhất trong câu này chính là “nhất niệm tịnh tín”. “Tịnh tín” thì không khó, nhưng “nhất niệm tịnh tín” mới khó!
Trong Thiền tông Trung Quốc có câu rất hay: “thức đắc nhất, vạn sự tất” (hiểu được một chuyện thì vạn chuyện sẽ xong hết). Đến khi nào nhận thức của ta được “nhất” thì việc gì cũng đều viên mãn.
– Cái gì được gọi là viên mãn?
– Chứng được Vô Thượng Bồ Đề mới gọi là viên mãn.
– “Nhất” nghĩa là gì?
– Là “nhất tâm”, “nhất chân pháp giới”. “Nhất tâm” là năng chứng, năng nhập. “Nhất chân pháp giới” là sở chứng, sở nhập. “Năng” và “sở” là một, không phải hai. Cho nên, trong vũ trụ chỉ có “nhất” mới là thật. “Nhị, tam” thì đã biến thành hư vọng rồi! “Nhất” là như như bất động, là chân như tự tánh. “Nhị” là “nhị ý”, chính là Mạt-na và ý thức, thì đã rơi vào trong khởi tâm động niệm, đem chân như bổn tánh biến thành tám thức và năm mươi mốt tâm sở! “Tam” là “tam tâm”, chính là: Ý thức, Mạt-na và A-lại-da. Mạt- na gọi là “ý căn”, vừa động niệm thì biến thành “tam tâm, nhị ý”; không động niệm mới là “nhất”.
Ngày nay, chúng ta khó học được “nhất niệm”, phải từ “tịnh tín” mà bắt đầu. Thế nào gọi là “tịnh tín”? chúng ta học pháp môn nầy, nhất định không xen tạp. Đối với Tịnh tông, đối với Phật A Di Đà, y chánh trang nghiêm ở cõi Tây phương Cực Lạc, Phật A Di Đà tiếp dẫn tất cả chúng sinh về Cực Lạc, chúng ta đều tin tưởng, không một chút hoài nghi.
Đến phần sau, Thế Tôn dạy chúng ta phương pháp vãng sinh là “Phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm”, đây cũng là “nhất niệm tịnh tín”. Trong Đại Thế Chí niệm Phật Viên Thông Chương có dạy: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Tám chữ này rất quan trọng! “Đô nhiếp lục căn” là thâu nhiếp tâm lại một chỗ, đó chính là “quy y cúng dường”; “tịnh niệm tương kế”: Chữ “tịnh niệm”này là không hoài nghi, không xen tạp; “tương kế” là không gián đoạn. Không gián đoạn này không phải ở nơi miệng niệm, mà là ở nơi tâm. Nếu có thể thực hiện được tám chữ này, không ai mà không được vãng sinh. Còn vãng sinh được phẩm vị cao hay thấp. phải xem công phu niệm Phật của ta sâu hay cạn. Sâu, cạn này không phải nói mỗi ngày phải niệm được bao nhiêu câu Phật hiệu, mà là chúng ta đã buông bỏ được tập khí, phiền não bao nhiêu? Khế nhập được bao nhiêu? Đây gọi là “nhất niệm tịnh tín”.
Sách Di Ðà Sớ Sao viết: “Tín chính là tịnh tâm. Thành Duy Thức Luận nói: ‘Tín là thật đức có thể nhẫn được dục lạc một cách sâu xa. Tâm tịnh là tánh. Sao lại bảo là tịnh tâm? Là vì tâm thù thắng như thủy thanh châu lóng trong nước đục. Các nhiễm pháp lại đều có tự tướng. Chỉ do chẳng tin nên tự tướng bị vẩn đục, lại khiến cho tâm, tâm sở cũng bị vẩn đục, như vật cực dơ đã tự khiến mình dơ, lại còn làm dơ vật khác. Tín có thể chuyển biến điều ấy, nên tịnh là tướng’. Nay tu Tịnh Ðộ thì tâm tịnh là điều cốt yếu, nên Tín là nhiệm vụ cấp bách thật đã quá rõ vậy”.
Do đó, kinh A Di Ðà Cổ Âm Thanh Vương Ðà Ra Ni dạy: “An Lạc thế giới, sở hữu Phật pháp bất khả tư nghị, thần thông hiện hóa, chủng chủng phương tiện, bất khả tư nghị. Nhược năng hữu tín như thị chi sự, đương tri thị nhân bất khả tư nghị, sở đắc nghiệp báo diệc bất khả tư nghị” (Trong thế giới An Lạc, tất cả Phật pháp chẳng thể nghĩ bàn, thần thông biến hóa, các thứ phương tiện chẳng thể nghĩ bàn. Nếu ai tin được những việc như vậy, thì nên biết người ấy là chẳng thể nghĩ bàn, đạt được nghiệp báo cũng chẳng thể nghĩ bàn). Sách Yếu Giải cũng nói: “Chỉ có bậc đại trí mới có thể tin chắc thật”.
Sách An Lạc Tập dựa theo sách Luận Chú lập ra ba tâm: Một là Thuần Tâm tức là tín tâm sâu dày; hai là Nhất Tâm tức là tín tâm thuần nhất; ba là Tương Tục Tâm tức là tín tâm liên tục chẳng tạp các niệm khác, lại còn bảo: “Nếu có thể liên tục thì chính là nhất tâm. Nếu có thể nhất tâm thì chính là thuần tâm. Ðủ cả ba tâm này mà lại chẳng vãng sinh thì quyết chẳng có lẽ ấy”.
Tóm lại, các kinh, luận: Sớ Sao bảo “Tín chính là tịnh tâm”. Cổ Âm Kinh bảo tin được những việc như thế là chẳng thể nghĩ bàn; Yếu Giải bảo tín chính là đại trí; An Lạc Tập bảo “đủ cả ba tâm ấy mà lại chẳng vãng sinh thì quyết chẳng có lẽ ấy”. Các thuyết trên cùng chỉ rõ tín tâm thanh tịnh là quý nhất.
Kinh này lại thêm hai chữ “nhất niệm”, thành ra “nhất niệm tịnh tín”, đủ thấy tín tâm này chính là “bách xích can đầu, hựu tấn nhất bộ” (chính là nơi đầu sào trăm thước tiến thêm bước nữa), há có thể suy lường nổi ư! Câu: “Tín tâm bất nhị, bất nhị tín tâm, ngôn ngữ bặt dứt, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai” trong sách Tín Tâm
Minh của Tam Tổ Tăng Xán thiền tông thật có cùng ý chỉ với kinh này. Nói cách khác, hai tâm tức không phải tín tâm. Tín tâm phải là nhất tâm. Nhất tâm tức không hai. “Ngôn ngữ đạo đoạn, phi khứ kim lai” (Ngôn ngữ bặt dứt, chẳng phải quá khứ, hiện tại, vị lai). Đây đúng là “nhất niệm tịnh tín”, lời nói hay suy nghĩ không thể nào duyên tới.
– Không phải quá khứ, không phải hiện tại, cũng không phải tương lai, vậy đó là cái gì?
– Xưa nay vốn như vậy!
Nói cách khác, “nhất niệm tịnh tín” tức là tự tánh của chúng ta, tông môn gọi là minh tâm kiến tánh. Tự tánh tâm thanh tịnh vốn sẵn có, nó không thuộc thời gian, gọi là ba đời; cũng không thuộc không gian là có cự ly xa gần, mà xưa nay tự tánh vốn là như vậy. Hội Sớ gọi điều kiện chủ yếu để được vãng sinh là tâm tịnh tín.
Giáo Hạnh Tín Chứng xưng tụng tín tâm là “cái nhân chân thật của thanh tịnh báo độ”. Cả hai sách cùng bảo “nhất niệm chính là nhất tâm” (Sách Ma Ha Chỉ Quán, quyển năm bảo: “Nhất tâm có đủ mười pháp giới”. Mười pháp giới chính là pháp giới. Do đó, nhất tâm chính là thật thể của vạn hữu, cũng chính là Chân Như). Nhất tâm còn được gọi là Kim cang tâm, có khả năng mở toang con mắt trí tuệ trong tâm mỗi người.
“Sở hữu thiện căn, chí tâm hồi hướng, nguyện sinh bỉ quốc” (Đem tất cả căn lành, chí tâm hồi hướng nguyện sinh cõi kia): chí tâm chính là tâm chí thành được nói trong Quán Kinh.
Sách Tứ Thiếp Sớ (Quán Kinh Sớ của tổ Thiện Ðạo) nói: “Chí (至) là chân; Thành (誠) là thật. Ý nói: Tất cả chúng sinh khi tu các hạnh giải nơi thân, khẩu, ý nghiệp đều phải thực hiện bằng tâm chân thật; chẳng được bề ngoài làm ra vẻ hiền, thiện, tinh tấn, bên trong ôm lòng hư giả, tham, sân, tà ngụy, gian trá trăm chiều, ác tánh khó lay, sự như rắn rết. Tuy khởi tam nghiệp nhưng chỉ đáng gọi là sự lành tạp độc, cũng gọi là hạnh hư giả, chẳng thể gọi là nghiệp chân thật”.
“Hồi hướng” là hồi tự hướng tha, là đem tất cả thiện căn chính mình tu tập, hướng đến chúng sinh, cũng như hướng đến Phật đạo.
“Nguyện sinh bỉ quốc” (Nguyện sinh sang cõi kia). Đây chính là một trong ba tâm được nói trong Quán Kinh: “Nhất giả chí thành tâm, nhị giả thâm tâm, tam giả hồi hướng phát nguyện tâm, cụ tam tâm giả, tất sinh bỉ quốc” (Một là tâm chí thành, hai là thâm tâm, ba là tâm hồi hướng phát nguyện. Ðủ cả ba tâm, ắt sinh sang cõi kia).
Sách Hội Sớ nói: “Hồi hướng có tự lực hồi hướng và tha lực hồi hướng. Nếu đem nhân hạnh của chính mình để hồi hướng đến cái quả trong mai sau đó là tự lực. Chuyên cậy vào Phật nguyện, chẳng cậy đến sức lực của chính mình gọi là tha lực”.
Kinh Ðại Phẩm Bát Nhã nói: “Bồ Tát như thị hồi hướng, tắc bất đọa tưởng điên đảo, kiến điên đảo, tâm điên đảo. Hà dĩ cố? Thị Bồ Tát bất tham trước hồi hướng cố. Thị danh vô thượng hồi hướng” (Bồ Tát hồi hướng như vậy sẽ chẳng đọa vào tưởng điên đảo, kiến điên đảo, tâm điên đảo. Vì cớ sao? Vì Bồ Tát ấy chẳng tham đắm mà hồi hướng. Ðó gọi là vô thượng hồi hướng).
Tịnh Ðộ là tha lực pháp môn, sáu chữ hồng danh Di Ðà và Nhất Thừa nguyện hải đều là tha lực. Nương vào Phật nguyện hồi hướng vãng sinh chính là vô thượng hồi hướng. Vì vậy, sinh được một niệm tịnh tín, đem tất cả thiện căn chí thành hồi hướng thì “tùy nguyện giai sinh” (tùy nguyện đều sinh) như sách Hội Sớ đã khai thị: “Chỉ cốt tin được trong một niệm, chẳng nệ niệm nhiều hay ít”.
Sách Yếu Giải cũng bảo: “Nếu tín nguyện kiên cố thì dẫu khi lâm chung mười niệm hay một niệm cũng quyết định được vãng sinh. Nếu không tín nguyện thì dù có trì danh đến mức gió chẳng thổi lọt, mưa chẳng ướt nổi, khác nào tường đồng vách sắt, cũng chẳng thể vãng sinh!”
Sách Vô Lượng Thọ Kinh Khởi Tín Luận của cư sĩ Bành Tế Thanh, thời Càn Long cũng bảo “nhất niệm” có cùng ý nghĩa với “chí tâm hồi hướng”. Luận bảo:
“Một niệm chí tâm hồi hướng liền được vãng sinh. Hành giả nếu có thể một niệm chân thành tin nhận thì cần gì phải bận tâm đến những thứ phụ trợ khác. Hết thảy chúng sinh nổi trôi trong sinh tử chỉ nghĩ đến một niệm nầy, không nghĩ gì khác; dẫu cho đến lúc ngộ được Chân Tánh, trở về nguồn gốc, thành Ðẳng Chánh Giác, vẫn chỉ có một niệm này, không có niệm nào khác”.