THÔI CƯ SĨ CHẠY GIẶC
Hạnh Đoan Tuyển Dịch

 

(Nhân ngày vía Bồ tát Quan Âm 19 tháng Hai năm Nhâm dần, xin chia sẻ một câu chuyện mầu nhiệm về lòng từ che chở chúng sinh của ngài:)

Sau khi đại chiến lần hai kết thúc, tuy tuyên bố giành lại được Đông Bắc, nhưng từ Trường Xuân đến vùng đất Bắc, chính phủ vẫn chưa phái binh đến tiếp thu kịp, nên vùng này bị nghẽn tắc mênh mông, vẫn còn quân địch chiếm cứ.

Cư sĩ Thôi Chấn Huy ở huyện Du Thọ, tỉnh Cát Lâm; vốn là một nhà tỷ phú, tài sản phong nhiêu, thời trung niên từng nhậm chức quan cao.

Ông biết địch quân chiếm lấn, không lâu sẽ nổ ra chiến tranh đẫm máu. Cho nên từ năm 1946, đã đem vợ con đi lánh nạn ở Trường Xuân.

Sau này thời cuộc ngày một căng, mùa hạ năm 1948, từ Đông Bắc cấp báo là Trường Xuân đang bị vây trùng trùng, lương thực đắt đỏ, phải bỏ ra một ức mới mua được một cân, mà vẫn gặp cảnh hàng hóa khan hiếm, dù có tiền vẫn không thể mua. Binh lính bên trong thì thiếu lương thực đạn dược, ngoài thì không có viện quân, còn dân thường thì nghèo nàn bịnh tật, ngày nào cũng có người chết.

Thôi cư sĩ nhìn thấy tình hình nguy hiểm, ráng phấn đấu tìm lối thoát. Ông cùng vợ yếu con thơ ngày mồng 3 tháng 7 âm lịch chạy theo đám người lưu vong, hướng con lộ lớn phía Nam bôn đào.

Họ đi ra khỏi tuyến phòng vệ của Quốc quân, thì đến đường Hồng Hi, gần đồn Mạnh Gia, thấy trước mặt toàn là căn cứ của bọn cướp đang vây bủa trùng trùng, phỉ quân đối với khách đi đường, nhất quyết không cho qua. Dân đào nạn bối rối, muốn quay về nội thành thuộc vùng phòng ngự của quốc quân, nhưng lại sợ bọn phỉ đuổi theo, nên chẳng dám quay về.

Cả đám dân lưu vong trên đường không thể tiến tới, khó bề quay lui, vạn phần khó xử, đành lúng túng quẩn quanh suốt con đường Hồng Hi, ngồi đó chờ chết.

Liên tục mấy ngày, họ chẳng biết làm thế nào cho ổn, cứ đứng bơ vơ giữa trời đất, cả vạn người bị vây khốn, mỗi ngày chứng kiến bên Đông một người ngã, bên Tây một người nhào, ai không bịnh thì cũng đói chết, thây người nằm đầy đất, tiếng khóc thảm thương. Người còn sống khát thì uống máu, đói thì nhai đỡ vỏ cây, nhưng dần dà cũng không còn gì để ăn.

Cả nhà Thôi cư sĩ có ba người đều bị vây khốn tại đây, tính ra đã hơn 11 ngày, con ông đói đến hôn mê.

Đêm 13 tháng 7 âm lịch, vầng trăng tỏa ánh sáng buồn thảm trên nền trời mờ nhạt. Càng về khuya, những người đào nạn càng trở nên dật dờ, lâm vào trạng thái nửa chết nửa sống.

Thôi cư sĩ cùng vợ con nằm tựa vào mái hiên bên vệ đường, lòng tê tái xót xa, ông rất sợ không cách chi thoát khỏi đại nạn này, bèn ngồi dậy, lấy tượng đồng Bồ-tát mình mang từ quê nhà ra, chắp tay rơi nước mắt khấn nguyện:

– Kính lạy Phật, dân Đông Bắc chúng con thường gọi Ngài là Bồ-tát Quan Thế Âm, là vị cổ Phật tôn kính! Con hiện giờ đang lìa quê đi chạy nạn, dù gia tài vạn phú, nhưng con chẳng hề mang theo vật gì ngoài thánh tượng của Ngài. Đệ tử cả đời tin Phật, nửa đời tụng kinh Kim Cang, dám nói là luôn thiết tha thành khẩn. Hôm nay đệ tử và gia quyến gặp phải kiếp nạn lớn, mấy ngày rồi chưa ăn uống được gì, chừng như cái chết đang lảng vảng trước mắt. Đức Phật Quan Âm ơi, xin Ngài hãy cứu mạng chúng con. Đệ tử già rồi, nếu chết đi cũng không có gì đáng tiếc, chỉ thương con thơ tuổi còn quá nhỏ, nó mà chết bây giờ thật là oan uổng…

Thôi cư sĩ nói xong cảm thấy quá thương tâm, mắt rưng rưng lệ, rồi chìm vào nửa tỉnh nửa mê. Bỗng ông thấy có một lão Tăng, dạy thế này:

– Họa lớn trước mắt, chúng sinh đáng thương, Thôi cư sĩ thờ Phật chí thành, đáng được cứu thoát. Giờ ngọ trưa mai ông hãy nhắm hướng Tây Bắc mà đi, là có thể thoát hiểm.

Vị Tăng nói xong thì chắp tay tụng chú Đại Bi, thôi cư sĩ cũng tụng theo rồi giật mình tỉnh dậy. Ông bèn kể lại điềm mộng cho vợ nghe. Vợ ông chán chường nói:

– Chúng ta sắp chết đói tới nơi rồi, vậy mà ông còn nói chuyện mộng mị được sao? Dẹp đi!

Bà nói chưa dứt lời, thì bỗng cảm giác bên mình nóng ấm, liền đưa tay sờ soạng thì phát hiện ra đó là MỘT TÚI BÁNH IN. Hai vợ chồng rất kinh ngạc, nhưng họ không dám lấy ăn liền, vì sợ đây là của ai đó cất giấu để dành.

Đợi một thời gian, không thấy ai tới lấy, họ nghĩ đây là khu vực bị nạn, không hề có thương nhân vãng lai buôn bán, giờ mới tin và cho rằng đây nhất định là thần thông Bồ-tát hiển linh cứu đói, thế là họ an tâm dùng cho no. Nhờ vậy mà tinh thần dần khôi phục, mắt con trai họ cũng đã tỉnh sáng, có thần.

Nhưng Thôi cư sĩ cứ ôm mãi thắc mắc khó giải: “Thật sự nếu muốn bôn đào an toàn thì nhất định phải đi về hướng Nam (ngược với hướng Bắc giặc đang chiếm đóng). Nhưng vì sao lão Tăng trong mộng cứ bảo mình phải đi về hướng bắc?”…

Trong lúc khởi niệm nghi ngờ, ông mệt mỏi thiếp đi, mơ màng thấy vị Tăng hiện đến bảo:

– Cư sĩ chớ nghi ngại, ngày mai hãy yên tâm đi về hướng đó, tự sẽ có điềm lành. Phải nhớ kỹ! Nhớ kỹ lời ta dặn nhé!

Ông Thôi giật mình thức giấc, tuy tin mà vẫn còn hồ nghi.

Sáng ra ông men theo khe Thạch Hổ thôn Tây, nhắm hướng Bắc mà chạy. Đi được nửa buổi, thì bị lính gác địch quân bắt đứng lại để tra xét.

Thôi cư sĩ liền thưa mình là nạn dân, sắp bị đói chết, nên phải liều mạng bôn đào. Ông còn kể lể mình là một Phật giáo đồ chân thật. Bình sinh ăn ở trung hậu, chỉ mong được phóng thích cho đi. Xin quý quan đừng giữ lại làm khó…

Hai bên còn đang đối đáp, thì bỗng vị trưởng quân đi tới, ông ta họ Trương, (không biết tên chi) dáng cao vừa tầm, thân hình gầy tong teo. Trương nhìn ngắm gia đình Thôi cư sĩ hồi lâu, rồi nói với thuộc hạ:

– Ta thấy lão này mặt mày lương thiện, không có gì đáng lo! Hãy dẫn họ vào chòi canh trước đi. Nếu mà có ai hỏi thì nhớ nói: “Đây là cha mẹ ta”, chờ đến nữa đêm thì thả cho họ đi…

Truyền lịnh xong, trước khi bỏ đi ông Trương còn dặn Thôi cư sĩ mấy lượt:

– Các vị chú ý nghe kỹ nha, nếu bị người bắt gặp và hỏi các vị đi đâu, thì nhớ nói cho khéo một chút, biết không?

Thôi cư sĩ nghe ông dặn dò, hiểu ông có lòng tốt chịu cứu mình, thật là vui quá ước mơ, trong lòng cảm kích vạn phần và bỗng nhớ đến giấc mộng đêm qua, thầm hiểu đây chính là nhờ oai thần uy lực của Bồ-tát Quan Thế Âm ngấm ngầm gia hộ, khiến ông gặp dữ hóa lành, trong chết được sống.

Đêm đó, viên sĩ quan kia còn đãi họ ăn no và tặng cho lương khô để đem theo. Khoảng 22 giờ, ông sai một binh sĩ hộ tống, đưa họ ra khỏi vòng vây. Họ đi mãi đến Đại Đồn phía nam Trường Xuân thì trời đà rựng sáng.

Binh sĩ hộ tống kia liền truyền lịnh mở cổng Hội Nông và sai nhân viên Hội Nông làm giấy Thông Hành Chứng, cấp cho gia đình Thôi cư sĩ. Xong việc, hai bên chia tay từ biệt, mạnh ai nấy đi theo hướng của mình.

Thôi cư sĩ dắt vợ và con thơ đi mãi đến Thẩm Dương, qua Cẩm Châu Luân đến Bắc Bình, không bao lâu thì tìm được công tử trưởng, lúc này đang là sĩ quan dưới trướng một vị đại tướng.

Sau đó Thôi cư sĩ theo đoàn quân đi đến Giang Nam.

Mùa xuân năm 1949, thế cuộc chuyển xấu, bọn họ lại lên đường đào vong.

Khoảng hạ tuần tháng ba, công tử trưởng ở lại bảo vệ Bắc Kinh. Ông Thôi chia tay con, đi theo đoàn xe chở gia quyến quan binh qua Triết Giang, đến Phúc Châu. Lúc này có hằng trăm đội xe, cùng đi qua núi non hiểm trở, cùng ăn gió nằm sương, bọn họ lặn lội đào nạn trên đường, gặp biết bao biến cố.

Hành trình phải vượt đèo cao quanh co hiểm trở. Xe tới đây phải bò rất chậm để lên đỉnh núi. Sau đó xe lại chầm chậm bò xuống con đường đèo vòng vèo về đất bằng. Lộ trình gập ghềnh nghiêng ngã, nguy hiểm đáng sợ vạn phần, trong giai đoạn này, nhiều xe gặp chướng ngại, có xe bị hết dầu xăng, có xe lật nhào xuống vực sâu, còn thêm thảm nạn bị thổ phỉ tập kích. Có lúc đi qua con đường hẹp gặp rừng phát hỏa, bị lửa thiêu rụi… tài sản nhân mệnh, phải nói là bị thương hại rất nhiều.

Trong lúc xe Thôi cư sĩ đi vào con đường cheo leo ven núi, tại khúc quanh gấp, bên trái xe thình lình nghiêng mạnh va vào vách núi vang lên tiếng “rầm” thật lớn. Khi xe dừng lại, hành khách trong xe thấy Thôi cư sĩ đang ngồi phía bên trái (hướng va đập), hai giò thò còn thò ra ngoài xe, ai cũng nghĩ đùi ông nhất định bị dập nát. Nhưng thật lạ, dù ván của xe bị dập nát, nhưng đôi chân ông lại không hề gì, chẳng bị thương mảy may. Mọi người hỏi ông:

– Vì sao may như thế? Ông đáp:

– Tôi đang nhắm mắt chú tâm tụng kinh, đâu có biết là tai nạn đang xảy ra!

Hành khách trên xe chứng kiến hiện tượng lạ này, ai cũng tán thán Phật pháp thâm diệu.

Từ sau khi Đại Lục bị vây hãm, tháng 5 năm 1949 nhóm Thôi cư sĩ bôn đào sang Đài Loan đến Cơ Long. Lúc này trong tay họ không một xu dính túi, gia đình ông ngụ đỡ trước hàng hiên một thương điếm của bến xe, nhìn giống như ăn mày.

May nhờ vài người bạn tương trợ mà họ vượt qua khổ nạn.

Không bao lâu ông lại được Bồ-tát báo mộng, làm ăn kinh doanh từ nhỏ chuyển qua lớn, dần dần thành công, trở thành phú ông.

Hiện tại Thôi cư sĩ ngoài khai mở tiệm ra, ông còn mua riêng một cao ốc ba tầng lầu tọa lạc tại, số 1 hẻm Phúc Minh, đường Hiếu Tam thành phố Cơ Long, thờ Phật trang nghiêm đường hoàng. Con trai út của ông là Thôi Trung Phiên hiện đã tốt nghiệp đại học Đài Loan, đang giữ chức vị cực tốt trong xã hội. Cháu kết hôn chừng mấy năm thì sinh được một trai một gái, có thể nói nhà họ trải qua bao gian khổ, hết cơn bĩ cực tới hồi thái lai.

Thôi cư sĩ năm nay đã 74 tuổi, nhưng tinh thần thoải mái, thân thể khang kiện, so với hàng trung niên như chúng ta, trông bộ còn chí khí, cầu tiến hơn nhiều.

Quen biết nhau đã mười năm, lần nào gặp, ông Thôi cũng kể câu chuyện Bồ-tát cảm ứng cho tôi nghe, tôi rất xấu hổ. Vì mãi đến bây giờ mới viết ra.

Đây là câu chuyện ngàn thật muôn thật. Trong cảnh tai họa bủa vây mênh mông như ngày nay, cầu mong các pháp hữu thân ái của tôi hãy chí thành niệm thật nhiều, thật nhiều… thánh hiệu Bồ-tát Quan Thế Âm!

(Trích sách chưa in BIỂN TỪ MÊNH MÔNG)
Hán văn: Lý Mạnh Tuyền ghi – 18/11/1963
Hạnh Đoan dịch từ Bồ Đề Thọ Nguyệt San 134

**Để ý chi tiết khi chạy giặc ai cũng đói có thức ăn đâu mà uỷ lạo cho mình?

Vậy bịch bánh nóng ai cung cấp cho gia đình Thôi cư sĩ? Nên khi khổ, cấp bách cần niệm cầu Bồ tát Quan Âm là vậy.