PHẬT NÓI KINH VÔ LƯỢNG THỌ
_QUYỂN THƯỢNG_
Hán dịch: Đời Tào Ngụy_ Thiên Trúc Tam Tạng KHƯƠNG TĂNG KHẢI (Saṃgha-varman)
Việt dịch: HUYỀN THANH

 

Như vậy tôi nghe. Một thời Đức Phật trụ trong núi Kỳ Xà Quật (Gṛdhra-kuṭa) tại thành Vương Xá (Rāja-gṛha) cùng với chúng Đại Tỳ Kheo (Mahatā-bhikṣu-saṃgha) gồm một vạn hai ngàn người đến dự, tất cả đều đã đạt Thần Thông của bậc Đại Thánh.

Tên các vị ấy là: Tôn Giả Liễu Bản Tế (Ājñātakauṇḍinya), Tôn Giả Chính Nguyện (Aśvajita), Tôn Giả Chính Ngữ (Vāṣpa), Tôn Giả Đại Hiệu (Mahā-nāma), Tôn-Giả Nhân Hiền (Bhadra-jīta), Tôn Giả Ly Cấu (Vimala), Tôn-Giả Danh Văn (Yaśo), Tôn Giả Thiện Thật (?Diệu Tý: Subāhu), Tôn Giả Cụ Túc (Pūrṇa), Tôn Giả Ngưu Vương (?Maitrāyaṇī-putra), Tôn Giả Ưu Lâu Tần Lễ Ca Diếp (Urubilvākāśyapa), Tôn Giả Già Gia Ca Diếp (Gayā-kāśyapa), Tôn Giả Na Đề Ca Diếp (Nadīkāśyapa), Tôn Giả Ma Ha Ca Diếp (Mahā-kāśyapa), Tôn Giả Xá Lợi Phất (Śāriputra), Tôn Giả Đại Mục Kiền Liên (Mahā-maudgalyāyana), Tôn Giả Kiếp Tân Na (Mahā-kaphilena), Tôn Giả Đại Trụ (Mahā-kauṣṭhilya), Tôn Giả  Đại Tịnh Chí, Tôn Giả Ma Ha Chu Na (Mahā-cunda), Tôn Giả Mãn Nguyện Tử (Purṇamaitrāyaṇīputra), Tôn Giả Ly Chướng Ngại, Tôn Giả Lưu Quán, Tôn Giả Kiên Phục, Tôn Giả Diện Vương (Mukha-rāja), Tôn Giả Quả Thừa, Tôn Giả Nhân Tính, Tôn Giả Thiện Lạc, Tôn Giả Thiện Lai (Svāgate), Tôn Giả La Vân (Rāhula), Tôn Giả A Nan (Ānanda)…đều là bậc Thượng Thủ của nhóm này.

Lại cùng với Bồ Tát của chúng Đại Thừa đến dự. Bồ Tát Phổ Hiền (Samantabhadra), Bồ Tát Diệu Đức (Mañjuśrī), nhóm Bồ Tát Từ Thị (Ajita). Đây là tất cả Bồ Tát trong đời Hiền Kiếp (Bhadra-kalpa).

Lại có 16 vị Chính Sĩ thuộc nhóm Hiền Hộ (Bhadra-pāla) là: Bồ Tát Thiện Tư Nghị,  Bồ Tát Tín Tuệ, Bồ Tát Không Vô, Bồ Tát Thần Thông Hoa, Bồ Tát Quang Anh, Bồ Tát Tuệ Thượng, Bồ Tát Trí Tràng, Bồ Tát Tịch Căn, Bồ Tát Nguyện Tuệ, Bồ Tát Hương Tượng, Bồ Tát Bảo Anh, Bồ Tát Trung Trụ, Bồ Tát Chế Hạnh, Bồ Tát Giải Thoát…đều tuân theo Đức của Đại Sĩ Phổ Hiền (Samantabhadra), đủ vô lượng Hạnh Nguyện của các Bồ Tát, an trụ Pháp của tất cả Công Đức, bước dạo mười phương, hành Quyền Phương Tiện, vào Tạng Phật Pháp, cứu cánh bờ kia, ở vô lượng Thế Giới hiện thành Đẳng Giác. Ở cung Trời Đâu Suất (Tuṣita), rộng tuyên Chính Pháp. Buông bỏ cung Trời ấy, giáng Thần vào thai mẹ, sinh ra từ hông bên phải, hiện thành bảy bước, ánh sáng hiển diệu chiếu khắp mười phương, vô lượng cõi Phật chấn động theo sáu cách, phát tiếng tự xưng:

 “Ta sẽ ở đời làm bậc Vô Thượng Tôn (Anuttara-nātha). Thích (Śākra) Phạm (Brāhma) cung phụng hầu hạ, Trời (Deva) Người (Manuṣya) quy phục kính mến. Bày hiện tính toán, văn nghệ, bắn tên, cưỡi ngựa, thông suốt Đạo Thuật  đan chéo lẫn lộn ở đời, luyện tập thông thạo mọi Kinh Sách, dạo chơi ở vườn sau  giảng võ thi nghề, hiện ở  nơi có vị ngon sắc đẹp trong cung. Nhìn thấy sinh già bệnh chết, hiểu thấu việc chẳng phải thường của đời. Buông bỏ đất nước, tiền của, địa vị vào núi học Đạo. Sai khiến người hầu đem lễ phục, ngựa trắng, mão báu, chuỗi anh lạc…về cung. Buông bỏ áo quý báu, mặc quần áo Pháp, cắt bỏ râu tóc, ngồi ngay thẳng dưới gốc cây, siêng năng chịu khổ sáu năm, hành như chỗ ứng.

Hiện cõi năm Trược (Pañca-kaṣāya) tùy thuận chúng sinh. Bày có bụi dơ, tắm gội tại dòng nước vàng, chư Thiên đè cành cây xuống để vịn lấy ra khỏi ao, chim linh theo hầu đi đến Đạo Trường, cảm nhận điềm tốt lành, tỏ rõ công phúc, yên lặng tưởng nhận, bày cỏ trải tòa ngồi dưới cây Phật (Bodhi-vṛkṣa:cây Bồ Đề), tỏa ánh sáng lớn khiến Ma (Māra) hay biết. Ma đem quan thuộc (quyến thuộc quan binh) đi đến ép bức thử tài, dùng sức Trí Tuệ chế ngự đều khiến hàng phục, được Pháp vi diệu thành Tối Chính Giác. Thích Phạm khuyên cầu, thỉnh chuyển bánh xe Pháp (Dharma-cakra) Dùng bước dạo chơi của Phật (Buddha-vicaraṇa), rống tiếng rống của Phật (Buddha-nāda), gõ trống Pháp (Dharma-duṇḍubhi), thổi loa Pháp (Dharmaśañkhara), cầm cây kiếm Pháp (Dharma-khaḍga), dựng cây phướng Pháp (Dharmadhvaja), rung động sấm Pháp (Dharma-garjati), tỏa sáng ánh điện Pháp (Dharmavidyu), tưới dội cơn mưa Pháp (Dharma-varṣṇi), diễn Pháp ban cho, thường dùng Pháp Âm (Dharma-svara) đánh thức các Thế Gian. Ánh sáng chiếu khắp vô lượng cõi Phật, tất cả Thế Giới chấn động theo sáu cách. Thâu nhiếp hết Ma Giới (Māra-dhātu), lay động cung điện của Ma, chúng Ma sợ hãi không có ai không quy phục. Đánh xé lưới Tà, tiêu diệt các Kiến, tan các trần lao, hoại các hố rãnh Dục, giữ gìn nghiêm ngặt cái thành Pháp, mở toang cánh cửa Pháp, giặt rửa dơ bẩn, hiển rõ trong trắng, tỏa sáng Phật Pháp, tuyên truyền Chính Hóa 

Vào địa phận của các nước, được các món ăn hậu hĩ, gom chứa Công Đức, chỉ bày ruộng Phước. Muốn tuyên Pháp, hiện tươi  cười, dùng các thuốc Pháp cứu chữa ba khổ, hiển hiện vô lượng Công Đức của ý Đạo, trao cho Bồ Tát Ký thành Đẳng Chính Giác. Hiện bày Diệt Độ, cứu giúp không mỏi mệt, tiêu trừ các Lậu, gieo trồng mọi gốc Đức, đầy đủ Công Đức vi diệu khó lường. Dạo chơi các cõi nước Phật, hiện khắp Đạo Giáo, nơi đã tu hành ấy trong sạch không dơ. Ví như Huyễn Sư hiện mọi hiện tượng lạ: là nam, là nữ , không có điều gì chẳng biến hiện hiện được…đều  do  vốn  học sáng tỏ, tại  ý  tạo làm”

Các Bồ Tát này cũng lại như vậy, học tất cả Pháp, thông suốt điều đan chéo lẫn lộn, lựa ra đầu mối, nơi đã trụ an định chắc thật, không chỗ nào chẳng cảm hóa được. Vô số cõi Phật thảy đều hiện khắp, chưa từng ngạo mạn chỉ luôn thương xót chúng sinh…. tất cả đầy đủ Pháp như vậy. Ưa thích tìm hiểu sự màu nhiệm thiết yếu của Kinh Điển Bồ Tát, nổi tiếng đến bậc cầm cương chỉ lối (Đạo Ngự) khắp mười phương, vô lượng chư Phật đều cùng hộ niệm.

Nơi Đức Phật trụ đều đã được trụ, chỗ Đại Thánh lập đều đã lập được, đều hay tuyên bày Đạo Hóa của Như Lai, vì các Bồ Tát mà làm Đạo Sư, dùng Thiền Tuệ thâm sâu mở lối cho mọi người thông các Pháp Tính (Dharmatā), đạt tướng của chúng sinh, hiểu rõ các cõi nước, cúng dường chư Phật, hóa hiện thân ấy giống như ánh sáng điện.

Khéo học không sợ, hiểu thấu Pháp huyễn, xé hủy lưới Ma, cởi các trói buộc, vượt hơn Địa vị của Thanh Văn Duyên Giác. Được Tam Muội Không (Śūnya), Vô Tướng (Animitta), Vô Nguyện (Apraṇihita). Khéo lập phương tiện hiển bày ba Thừa (Tri-yāna), đối với bậc Trung, Hạ này mà hiện Diệt Độ, cũng không có chỗ tạo làm, không có sở hữu, chẳng khởi chẳng diệt, được Pháp bình đẳng (Samatā-dharma), đầy đủ thành tựu vô lượng Tổng Trì (Dhāraṇī) trăm ngàn Tam Muội (Samādhi). Các Căn (Indriya:giác quan), Trí Tuệ, Tịch Định (Định vắng lặng) rộng khắp, vào sâu trong Pháp Tạng của Bồ Tát, được Hoa Nghiêm Tam Muội của Phật, tuyên dương diễn nói tất cả Kinh Điển.

Trụ Định Môn thâm sâu đều nhìn thấy vô lượng chư Phật đời hiện tại, trong khoảng một niệm, không có chỗ nào không vòng khắp, cứu giúp các nạn nguy kịch, các sự hạn chế chẳng thể hạn chế, phân biệt hiển bày bờ mé chân thật, được Trí biện tài của các Như Lai, vào mọi ngôn âm khai hóa tất cả, vượt qua các Pháp đã có Thế Gian, tâm thường chân thật trụ nơi đường lối cứu đời, đối với tất cả vạn vật đều tùy ý tự tại.

Vì loài chúng sinh làm người bạn chẳng cần phải thỉnh mời, gánh vác quần sinh, nhận việc nặng nhọc, thọ trì Pháp Tạng (Dharma-garbha) thâm sâu của Như Lai, bảo hộ Chủng Tính của Phật thường khiến chẳng đứt, dấy lên Đại Bi (Mahā-kāruṇa) xót thương chúng sinh, diễn tranh biện hiền từ trao cho mắt Pháp (Dharma-cakṣu), lấp ba lối (3 đường ác) mở cửa lành, dùng Pháp Bất Thỉnh (chẳng cần thỉnh mời) ban cho các người dân (lê thứ), giống như người con hiếu thảo yêu kính cha mẹ, đối với các chúng sinh xem như chính thân mình, tất cả gốc lành đều đưa qua bờ kia, đều được vô lượng Công Đức của chư Phật, Trí Tuệ sáng suốt chẳng thể nghĩ bàn.

Bồ Tát như vậy gồm vô lượng Đại Sĩ  chẳng thể xưng tính, cùng một lúc đều đến dự hội.

Bấy giờ Đức Thế Tôn hiển các căn an vui ưa thích, dáng dấp thanh tịnh, dung mạo tỏa sáng lồng lộng.

Tôn Giả A Nan (Ānanda) nương theo Thánh Chỉ của Đức Phật, liền từ chỗ ngồi đứng dậy, trật áo hở vai phải, quỳ thẳng lưng, chắp tay rồi bạch Phật rằng: “Ngày nay Đức Thế Tôn hiển các căn an vui ưa thích, dáng dấp thanh tịnh, dung mạo tỏa sáng lồng lộng như tấm gương sáng, bóng ảnh trong sạch thông suốt trong ngoài, uy dung hiển hiện màu nhiệm siêu tuyệt không lường, chưa từng nhìn thấy, thù diệu như vàng ròng.

Thưa vâng! Bạch Đại Thánh! Lòng con nghĩ rằng “Ngày nay, Đức Thế Tôn trụ Pháp đặc biệt hiếm có. Ngày nay, đấng Thế Hùng trụ tại chỗ mà chư Phật đã trụ. Ngày nay, đấng Thế Nhãn trụ tại hạnh của Đạo Sư. Ngày nay, đấng Thế Anh trụ tại Đạo tối thắng. Ngày nay, đấng Thiên Tôn hành Đức của Như Lai.  Mỗi mỗi Đức Phật quá khứ hiện tại vị lai cùng nghĩ nhớ đến nhau được không ? Nay Đức Phật nhớ đến chư Phật ư? Vì sao ánh sáng uy thần lại tỏa sáng như thế?” 

Lúc đó Đức Thế Tôn bảo A Nan rằng: “Thế nào A Nan! Chư Thiên dạy ông đến hỏi Phật ư? Hay ông tự dùng Tuệ Kiến hỏi Uy Nhan vậy?”

A Nan bạch Phật: “Không có chư Thiên đến dạy bảo con. Con tự dùng chỗ thấy của mình thưa hỏi nghĩa này vậy”

Đức Phật nói: “Lành thay A Nan! Điều ông đã hỏi rất thú vị! Ông phát Trí Tuệ sâu xa, biện tài chân diệu, thương nhớ chúng sinh mà hỏi về nghĩa của Tuệ ấy. Do Như Lai dùng Đại Bi thương xót ba cõi cho nên hiện ra ở đời, mở sáng Đạo Giáo khiến khắp quần sinh được lợi của Chân Pháp, vô lượng ức kiếp khó gặp khó thấy, giống như hoa Linh Thụy (Udumbara-puṣpa) rất lâu mới hiện ra một lần. Nay điều ông đã hỏi có nhiều chỗ lợi ích, khai hóa tất cả chư Thiên, người dân

A Nan nên biết Trí ấy của Đức Như Lai Chính Giác rất khó đo lường, phần lớn là chỗ của bậc cầm cương chỉ lối, Tuệ Kiến không ngại, không thể cấm dứt. Dùng sức của một bữa ăn hay trụ Thọ Mệnh ức trăm ngàn kiếp vô số vô lượng. Lại vượt hơn con số này thì các Căn vẫn tươi đẹp chẳng bị tổn hại hủy nát, dáng dấp chẳng thay đổi, dung mạo vẫn sáng bóng không khác. Tại sao thế? Vì Như Lai có Định Tuệ rất thông suốt không có cùng cực, ở tất cả Pháp mà được tự tại

A Nan hãy lắng nghe! Nay Ta vì ông nói”

_Đáp rằng: “Thưa vâng! Con xin vui nguyện muốn nghe”

Đức Phật bảo A Nan: “Cách nay rất lâu xa, khoảng vô lượng chẳng thể nghĩ bàn vô ương số kiếp trong đời quá khứ, có Đức Như Lai Đĩnh Quang (?Dīpaṃkara:Nhiên Đăng) hiện ra ở đời, giáo hóa độ thoát vô lượng chúng sinh, đều khiến được Đạo…rồi mới nhận Diệt Độ

Tiếp có Đức Như Lai tên là Quang Viễn (?Prabhākara:Phát Quang)

Tiếp có Đức Phật tên là Nguyệt Quang (Candra-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Chiên Đàn Hương (Candana-gandha)

Tiếp có Đức Phật tên là Thiện Sơn Vương (Suparvata-rāja)

Tiếp có Đức Phật tên là Tu Di Thiên Quan

Tiếp có Đức Phật tên là Tu Di Đẳng Diệu

Tiếp có Đức Phật tên là Nguyệt Sắc (Candra-varṇa)

Tiếp có Đức Phật tên là Chính Niệm (Samyag-smṛti)

Tiếp có Đức Phật tên là Ly Cấu (Vimala)

Tiếp có Đức Phật tên là Vô Trước (Asaṅga)

Tiếp có Đức Phật tên là Long Thiên (Nāgābhibhū)

Tiếp có Đức Phật tên là Dạ Quang (Rātrī-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là An Minh Đỉnh ( ?Merukuṭa : Tu Di Phong)

Tiếp có Đức Phật tên là Bất Động Địa (Acala-bhūmi)

Tiếp có Đức Phật tên là Lưu Ly Hương Khí

Tiếp có Đức Phật tên là Lưu Ly Kim Sắc (Vaiḍūrya-suvarṇa-rūpa)

Tiếp có Đức Phật tên là Kim Tạng (Suvarṇa-garbha)

Tiếp có Đức Phật tên là Diễm Quang (Jyotiṣ-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Diễm Căn (Jyotiṣ-indriya)

Tiếp có Đức Phật tên là Địa Chủng

Tiếp có Đức Phật tên là Nguyệt Tượng (Candra-hasta)

Tiếp có Đức Phật tên là Nhật Âm (Sūrya-ghoṣa) Tiếp có Đức Phật tên là Giải Thoát Hoa (Vimukta-puṣpa)

Tiếp có Đức Phật tên là Trang Nghiêm Quang Minh (Pramaṇḍita-raśmiprabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Hải Giác Thần Thông (Sāgara-vara-buddhi-vikrīḍitābhijña)

Tiếp có Đức Phật tên là Thủy Quang (Udaka-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Đại Hương (Mahā-gandha)

Tiếp có Đức Phật tên là Ly Trần Cấu (Viraja)

Tiếp có Đức Phật tên là Xả Yếm Ý

Tiếp có Đức Phật tên là Bảo Diễm (Ratnābhibhāsa)

Tiếp có Đức Phật tên là Diệu Đỉnh (Sukuṭa)

Tiếp có Đức Phật tên là Dũng Lập (Śuru-kuṭa)

Tiếp có Đức Phật tên là Công Đức Trì Tuệ (Mahā-guṇa-dhara-budhiprāptābhijña)

Tiếp có Đức Phật tên là Nhật Nguyệt Quang (Sūrya-candra-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Nhật Nguyệt Lưu Ly Quang (Sūrya-candra-vaiḍūryanirbhāsa)

Tiếp có Đức Phật tên là Vô Thượng Lưu Ly Quang (Uttapta-vaiḍūrya-nirbhāsa)

Tiếp có Đức Phật tên là Tối Thượng Thủ (Uttara-śirṣai)

Tiếp có Đức Phật tên là Bồ Đề Hoa (Bodhi-puṣpa)

Tiếp có Đức Phật tên là Nguyệt Minh (Candra-vidya)

Tiếp có Đức Phật tên là Nhật Quang (Sūrya-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Hoa Sắc Vương (Puṣpa-varṇa-rāja)

Tiếp có Đức Phật tên là Thủy Nguyệt Quang (Udaka-candra-prabha)

Tiếp có Đức Phật tên là Trừ Si Minh

Tiếp có Đức Phật tên là Độ Cái Hạnh

Tiếp có Đức Phật tên là Tịnh Tín (Śuddha-śraddhā)

Tiếp có Đức Phật tên là Thiện Tú (Sunakṣatra)

Tiếp có Đức Phật tên là Uy Thần

Tiếp có Đức Phật tên là Pháp Tuệ (Dharma-prajña)

Tiếp có Đức Phật tên là Loan Âm

Tiếp có Đức Phật tên là Sư Tử Âm (Siṃha-ghoṣa)

Tiếp có Đức Phật tên là Long Âm (Nāga-ghoṣa)

Tiếp có Đức Phật tên là Xử Thế

Như chư Phật này, thảy đều đã qua.

Khi ấy, tiếp có Đức Phật tên là Thế Tự Tại Vương (Lokeśvara-rāja) Như Lai (Tathāgata) Ứng Cúng (Arhate) Đẳng Chính Giác (Samyaksaṃbuddha) Minh Hạnh Túc (Vidyācaraṇasaṃpana) Thiện Thệ (Sugata) Thế Gian Giải (Loka-vid) Vô Thượng Sĩ (Anuttara) Điều Ngự Trượng Phu (Puruṣadamyasārathi) Thiên Nhân Sư (Śāstradeva-manuṣyanāṃ) Phật Thế Tôn (Buddha-lokanātha).

Thời có vị quốc vương nghe Đức Phật nói Pháp, tâm an vui ưa thích, phát ý Đạo Vô Thượng Chính Chân, liền vứt bỏ đất nước, buông bỏ ngôi vua, đi làm Sa Môn (Śaramaṇa), hiệu là Pháp Tạng (Dharmākara), tài cao Trí mạnh, vượt khác hẳn đời, đi đến chỗ của Đức Thế Tự Tại Như Lai, cúi đầu lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh theo bên phải ba vòng rồi quỳ thẳng lưng, chắp tay, dùng Tụng khen rằng:

_Dung nhan sáng lồng lộng
Uy Thần không cùng cực
Như vậy sáng rực rỡ
Không có gì ngang bằng
_Ánh sáng của Nhật, Nguyệt
Ma Ni (Maṇi), ngọc… tỏa rực
Thảy đều bị ẩn lấp
Giống như là đống mực.
_Dung nhan của Như Lai
Hơn đời, không có chuẩn (Vô Huân: không có tiêu chuẩn bình thường)
Đại Âm của Chính Giác (Saṃbodhi)
Vang truyền khắp mười phương
_Giới (Śīla), lắng nghe (văn:Śrūta), Tinh Tiến (Vīrya)
Tam Muội (Samādhi) với Trí Tuệ (Prajña)
Uy Đức không bạn sánh
Thù thắng rất hiếm có
_Xét kỹ sâu, khéo nhớ
Biển Pháp của chư Phật
Cùng tận nơi sâu kín
Nghiền ngẫm bờ đáy ấy
_Vô Minh (Avidya), Dục (Rāga), giận dữ (Dveṣa)
Thế Tôn tuyệt không có
Đấng Nhân Hùng Sư Tử
Thần Đức không thể lường
_Công Đức thật rộng lớn
Trí Tuệ rất sâu mầu
Tướng ánh sáng uy nghiêm
Chấn động khắp Đại Thiên
_Nguyện con được làm Phật
Ngang bằng Thánh Pháp Vương
Vượt qua hết sinh tử
Không gì chẳng giải thoát
_Bố Thí (Dāna), điều hòa Ý
Giới (Śīla), Nhẫn Nhục (Kṣānti), Tinh Tiến (Vīrya)
Các Tam Muội (Samādhi) như vậy
Trí Tuệ (Prajña) cao hơn hết
_Con thề được thành Phật
Hành khắp cả Nguyện này
Tất cả nỗi sợ hãi
Làm cho an ổn hết
_Giả sử khiến có Phật
Hàng trăm ngàn ức vạn
Vô lượng các Đại Thánh
Số như cát sông Hằng
_Cúng dường khắp tất cả
Chư Phật của nhóm này
Chẳng thể bằng cầu Đạo
Bền chắc chẳng chối từ
_Ví như cát sông Hằng
Thế Giới của chư Phật
Lại chẳng thể tính đếm
Vô số các cõi nước
_Ánh sáng đều chiếu soi
Khắp hết các nước này
Sức tinh tiến như vậy
Uy Thần khó thể lường
_Khiến con được làm Phật
Có cõi nước bậc nhất
Chúng trong ấy, kỳ diệu
Đạo Tràng rất siêu tuyệt
_Đất nước như Nê Hoàn (Nirvāṇa: Niết Bàn)
Không nơi nào sánh được
Con sẽ thương xót hết
Độ thoát khắp tất cả
_Chúng mười phương, sinh đến
Tâm vui thích, trong sạch
Đã đến nước của con
Được khoái lạc an ổn
_Cầu Phật, tin sáng suốt
Là Chân Chứng của con
Phát Nguyện ở nơi ấy
Sức tinh ròng, mong muốn
_Các Thế Tôn mười phương
Trí Tuệ không ngăn ngại
Thường khiến cho Tôn này
Biết Tâm Hạnh của con
_Giả sử khiến thân chỉ
Ở trong các khổ độc
Con luôn hành tinh tiến
Nhẫn chịu, không hối hận

Đức Phật bảo A Nan: “Tỳ Khưu Pháp Tạng ấy nói Tụng này xong, liền bạch Phật rằng: “Thưa vâng! Bạch Đức Thế Tôn! Con phát Tâm Vô Thượng Chính Giác. Nguyện xin Đức Phật vì con rộng tuyên Kinh Pháp, con sẽ tu hành nhiếp lấy nước Phật, thanh tịnh trang nghiêm vô lượng cõi màu nhiệm, khiến con ở đời mau thành Chính Giác, nhổ bứt gốc khổ não của sinh tử”.

Đức Phật bảo An Nan: “Thời Đức Phật Thế Tự Tại Vương bảo Tỳ Khưu Pháp Tạng: “Như chỗ tu hành trang nghiêm cõi Phật thì tự ông nên biết”.

Tỳ Khưu bạch Phật: “Nghĩa này quá sâu rộng, chẳng phải là cảnh giới của con! Nguyện xin Đức Thế Tôn rộng vì con diễn bày hạnh Tịnh Thổ của chư Phật Như Lai. Con nghe điều này xong, sẽ như Thuyết, tu hành thành mãn chỗ nguyện”.

Khi ấy Đức Phật Thế Tự Tại Vương biết Chí Nguyện cao minh sâu rộng ấy, liền vì Tỳ Khưu Pháp Tạng mà nói Kinh rằng: “ Ví như biển lớn, một người dùng cái đấu đong tát, trải qua kiếp số vẫn có thể đến đáy, lấy được vật báu màu nhiệm. Người có chí tâm, tinh tiến cầu Đạo chẳng ngưng nghỉ, khi gặp dịp ắt sẽ được Quả thì Nguyện gì mà chẳng được ?”

Lúc đó Đức Phật Thế Tự Tại Vương liền rộng nói việc Thiện ác của Trời Người, sự thô thiển màu nhiệm của cõi nước trong 210 ức cõi nước của chư Phật…ứng với Tâm Nguyện ấy đều hiển hiện rõ ràng.

Khi vị Tỳ Khâu ấy nghe Đức Phật đã nói về cõi nước nghiêm tịnh, thảy đều nhìn thấy từ xa, liền phát Nguyện vô thượng thù thắng. Tâm ấy vắng lặng, chí không có chỗ dính mắc, tất cả Thế Gian không có gì chẳng theo kịp, đầy đủ năm kiếp, suy nghĩ nhiếp lấy Hạnh trong sạch để trang nghiêm nước Phật”.

A Nan bạch Phật: “Cõi nước Phật ấy tồn tại (thọ lượng) được bao nhiêu?” Đức Phật nói: “Đức Phật ấy sống lâu (thọ mệnh) đến bốn mươi hai kiếp.

Khi Tỳ Khưu Pháp Tạng nhiếp lấy Hạnh trong sạch ở 210 ức cõi màu nhiệm của chư Phật. Như vậy tu xong, đi đến nơi Đức Phật ngự, cúi đầu lễ bàn chân của Đức Phật, nhiễu quanh Đức Phật ba vòng rồi chắp tay, đứng thẳng bạch rằng:“Thế Tôn! Con đã nhiếp lấy Hạnh trong sạch để trang nghiêm cõi Phật”.

Đức Phật bảo Tỳ Khưu: “Nay ông có thể nói. Thích hợp biết Thời đó, phát khởi vui thích. Có thể tất cả Đại Chúng, Bồ Tát nghe xong, tu hành Pháp này, khi Duyên đến sẽ đầy đủ vô lượng Nguyện lớn”.

Tỳ Khưu bạch Phật: “Xin Đức Phật lắng nghe xem xét! Như điều con đã Nguyện, sẽ nói ra đầy đủ.

1_ Nếu con được thành Phật mà cõi nước có Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh… thời con chẳng nhận lấy Chính Giác

2_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước, sau khi hết tuổi thọ lại rơi vào ba nẻo ác, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

3_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng đều có màu vàng ròng thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

4_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước có hình sắc chẳng giống nhau, còn có kẻ đẹp người xấu, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

5_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng đều hiểu biết Túc Mệnh (Pūrvanivāsānusmṛti- abhijñā), thấp hơn là biết việc trong trăm ngàn ức na do tha các kiếp, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

6_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng được Thiên Nhãn (Divya-cakṣur- abhijñā), thấp hơn là nhìn thấy trăm ngàn ức na do tha cõi nước của chư Phật, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

7_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng được Thiên Nhĩ (Divya-śrotam- abhijñā), thấp hơn là nghe điều mà trăm ngàn ức na do tha chư Phật đã nói, chẳng đều thọ trì, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

8_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng được Kiến Tha Tâm Trí (Cetaḥpayyāya-abhijñā) thấp hơn là  biết tâm niệm của chúng sinh trong trăm ngàn ức na do tha cõi nước của chư Phật, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

9_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng được Thần Túc (Ṛddhividdhi-abhijñā) ở khoảng một niệm, thấp hơn là  chẳng thể vượt qua trăm ngàn ức na do tha cõi nước của chư Phật, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

10_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước hoặc khởi tưởng nhớ tham lam, tính toán cho thân mình, thời con không nhận lấy Chính Giác.

11_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng trụ nhóm Định đều đến Diệt Độ, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

12_ Nếu con được thành Phật mà ánh sáng còn có lượng giới hạn, thấp hơn là chẳng chiếu hết trăm ngàn ức na do tha cõi nước của chư Phật, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

13_ Nếu con được thành Phật mà Thọ Mệnh còn có lượng giới hạn, thấp hơn là trăm ngàn ức na do tha kiếp, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

14_ Nếu con được thành Phật mà Thanh Văn (Śrāvaka) trong nước có thể tính toán đo lường cho đến chúng sinh, Duyên Giác (Pratyeka-buddha) của ba ngàn Đại Thiên Thế Giới ở trăm ngàn kiếp đều cùng chung tính đếm, biết được con số ấy, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

15_ Nếu con được thành Phật thì Thọ Mệnh của Người Trời trong nước không có lượng giới hạn, trừ khi kẻ ấy có Bản Nguyện tu rút ngắn tự tại. Nếu chẳng như thế thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

16_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước cho đến nghe có tên gọi chẳng lành, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

17_ Nếu con được thành Phật mà vô lượng chư Phật ở mười phương Thế Giới chẳng đều than hỏi, xưng tên của con thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

18_ Nếu con được thành Phật mà chúng sinh ở mười phương, chí tâm tin tưởng ưa thích, muốn sinh về nước của con cho đến mười niệm nếu chẳng được sinh, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác. Chỉ trừ kẻ vướng tội năm Nghịch, chê bai Chính Pháp.

19_ Nếu con được thành Phật mà chúng sinh ở mười phương, phát Tâm Bồ Đề tu các Công Đức, chí tâm phát Nguyện muốn sinh về nước của con. Lúc lâm chung thời nếu khiến chẳng cho Đại Chúng vây quanh, hiện trước mặt người ấy, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

20_ Nếu con được thành Phật mà chúng sinh ở mười phương, nghe danh hiệu của con, buộc niệm vào nước của con, gieo trồng các gốc Đức, chí tâm hồi hướng, muốn sinh về nước của con lại chẳng được kết quả thỏa thích, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

21_ Nếu con được thành Phật mà Người Trời trong nước chẳng đều thành đủ ba mươi hai tướng của bậc Đại Nhân, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

22_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát thuộc cõi Phật ở phương khác, đi đến sinh về nước của con, rốt ráo đều đến Nhất Sinh Bổ Xứ (ekajāti-pratibaddha). Trừ khi kẻ ấy có Bản Nguyện tự tại hóa độ, vì chúng sinh cho nên mặc áo giáp Hoằng Thệ, gom chứa gốc Đức, độ thoát tất cả, dạo chơi các cõi Phật, tu Bồ Tát Hạnh (Bodhisatva-cārya), cúng dường mười phương chư Phật Như Lai, khai hóa hằng sa vô lượng chúng sinh. Khiến lập Đạo Chính Chân Vô Thượng, vượt hơn hẳn tiêu chuẩn thông thường, Hạnh của các Địa (Bhūmi). Hiện tiền tu tập Đức của Phổ Hiền (Samanta-bhadra). Nếu chẳng như thế thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

23_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước, nương theo Thần Lực của Đức Phật, cúng dường chư Phật. Khoảng một bữa ăn mà chẳng thể đến vô lượng vô số ức na do tha cõi nước của chư Phật, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

24_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước ở tại trước mặt Đức Phật, hiện gốc Đức ấy. Các vật dụng mong cầu, muốn cúng dường, nếu chẳng như ý, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

25_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước chẳng thể diễn nói Nhất Thiết Trí (Sarva-jñāna), thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

26_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước chẳng được thân của Kim Cương Na La Diên (Vajra-nārāyaṇa), thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

27_ Nếu con được thành Phật. Người Trời trong nước, tất cả vạn vật nghiêm tịnh, sáng đẹp, hình sắc đặc biệt lạ thường, tận cùng màu nhiệm rất khéo léo không thể đo lường cho đúng được. Nếu các chúng sinh ấy cho đến người đạt được Thiên Nhãn (Divya-cakṣu) có thể hiểu thấu, phân tích được danh số ấy, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

28_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước cho đến người có chút Công Đức, chẳng thể  thấy biết cây của Đạo Trường ấy có vô lượng ánh sáng màu sắc, cao bốn trăm vạn dặm, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

29_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước, hoặc thọ nhận, đọc Kinh Pháp, phúng tụng, giữ gìn, giảng nói mà chẳng được Biện Tài Trí Tuệ, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

30_ Nếu con được thành Phật mà Bồ Tát trong nước được Trí Tuệ Biện Tài, nếu có lượng giới hạn thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

31_ Nếu con được thành Phật thì cõi nước trong sạch, thảy đều chiếu thấy tất cả vô lượng vô số chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương, giống như tướng mặt được nhìn thấy trong cái gương sáng. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

32_ Nếu con được thành Phật. Từ mặt đất trở lên trên cho đến hư không: cung điện, lầu quán, ao, giòng nước, cây hoa…hết thảy tất cả vạn vật của cõi nước đều dùng vô lượng loại báu, trăm ngàn thứ hương cùng chung hợp thành, nghiêm sức kỳ diệu, vượt hơn hẳn các Trời Người. Hương ấy xông ướp khắp mười phương Thế Giới, Bồ Tát ngửi thấy đều tu Phật Hạnh (Buddha-cārya). Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

33_ Nếu con được thành Phật. Loài chúng sinh trong vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương, nhận được ánh sáng của con tiếp chạm thân thể của kẻ ấy thì thân tâm mềm mại, vượt hơn hẳn các Người Trời. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

34_ Nếu con được thành Phật. Loài chúng sinh trong vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương, nghe tên gọi của con mà chẳng được Vô Sinh Pháp Nhẫn (Anutpattika-dharma-kṣānti), các Tổng Trì (Dhāraṇī) thâm sâu của Bồ Tát, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

35_ Nếu con được thành Phật. Vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương có người nữ nào nghe tên gọi của con lại vui vẻ, tin tưởng, ưa thích, phát tâm Bồ Đề, chán ghét thân nữ. Sau khi hết tuổi thọ, lại mang hình tượng người nữ nữa, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

36_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương, nghe tên gọi của con. Sau khi hết tuổi thọ, thường tu Phạm Hạnh (Brahma-cārya) cho đến thành Phật Đạo. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

37_ Nếu con được thành Phật. Chư Thiên, người dân trong vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Thế Giới Phật ở mười phương, nghe tên gọi của con mà đặt năm vóc sát đất, cúi đầu làm lễ, vui vẻ, tin tưởng, ưa thích tu Bồ Tát Hạnh thì chư Thiên, người đời không có ai chẳng cung kính. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

38_ Nếu con được thành Phật thì Người, Trời trong nước muốn được quần áo sẽ tùy theo niệm liền đến. Như Đức Phật đã khen ngợi “Ứng Pháp thì quần áo màu nhiệm tự nhiên ở ngay trên thân”. Nếu có người phải cắt may, nhuộm, sửa, giặt dũ…thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

39_ Nếu con được thành Phật thì Người, Trời trong nước thọ nhận khoái lạc, chẳng như (?chẳng khác gì) vị Tỳ Khưu dứt hết sự dò rỉ (lậu tận), thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

40_ Nếu con được thành Phật thì Bồ Tát trong nước, tùy theo ý, muốn thấy vô lượng cõi Phật nghiêm tịnh sữ ứng thời như nguyện. Ở trong cây báu thảy đều chiếu thấy, giống như tướng mặt được nhìn thấy trong cái gương sáng. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

41_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con, đến khi được thành Phật mà các Căn bị hư thiếu xấu xí, chẳng được đầy đủ, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

42_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con, thảy đều đạt được Tam Muội Thanh Tịnh Giải Thoát. Trụ Tam Muội đó, trong một khoảng phát ý sẽ cúng dường vô lượng chẳng thể nghĩ bàn các Phật Thế Tôn mà chẳng mất Định Ý. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

43_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con. Sau khi hết tuổi thọ sẽ sinh vào nhà Tôn Quý. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

44_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con, vui vẻ hớn hở tu Bồ Tát Hạnh, đầy đủ gốc Đức. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

45_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con, thảy đều đạt được Tam Muội Phổ Đẳng. Trụ Tam Muội đó,đến khi thành Phật, thường thấy vô lượng chẳng thể nghĩ bàn tất cả Như Lai. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

46_ Nếu con được thành Phật.Bồ Tát trong nước tùy theo chí nguyện, mong muốn nghe Pháp thì tự nhiên được nghe. Nếu chẳng như thế, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

47_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con mà chẳng liền được đến bậc chẳng thoái chuyển, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

48_ Nếu con được thành Phật. Các chúng Bồ Tát trong cõi nước ở phương khác, nghe tên gọi của con mà chẳng liền được đến Pháp Nhẫn thứ nhất, thứ hai, thứ ba…đối với Phật Pháp chẳng thể liền được bậc chẳng thoái chuyển, thời con chẳng nhận lấy Chính Giác.

Đức Phật bảo A Nan: “Khi ấy, Tỳ Khưu Pháp Tạng nói Nguyện này xong, liền nói Tụng là:

_Con dựng Nguyện hơn đời (siêu thế)
Thảy đến Đạo vô thượng
Nguyện này chẳng đầy đủ
Thề chẳng thành Đẳng Giác
_Con ở vô lượng kiếp
Chẳng làm Đại Thí Chủ
Cứu khắp các nghèo khổ
Thề chẳng thành Đẳng Giác
_Con đến thành Phật Đạo
Danh tiếng vượt mười phương
Rốt ráo luống chẳng nghe
Thề chẳng thành Đẳng Giác
_Lìa Dục (Rāga), Chính Niệm sâu
Tịnh Tuệ tu Phạm Hạnh
Chí cầu Đạo vô thượng
Làm Thầy các Trời Người
_Thần Lực diễn Đại Quang (ánh sáng lớn)
Chiếu khắp cõi không cùng
Trừ ngu tối, ba cấu
Sáng suốt cứu mọi nạn
_Mở mắt Trí Tuệ ấy
Diệt mù mờ tối tăm
Đóng kín các đường ác
Thông đạt cửa nẻo lành (Thiện Thú)
_Công Phúc thành đầy đủ
Uy Diệu sáng mười phương
Nhật, Nguyệt dấu vầng sáng
Thiên Quang (ánh sáng của Trời) ẩn, chẳng hiện
_Vì chúng, mở Pháp Tạng
Rộng cho báu Công Đức
Thường ở trong Đại Chúng
Nói Pháp, Sư Tử rống
_Cúng dường tất cả Phật
Đầy đủ mọi gốc Đức
Nguyện, Tuệ đều thành đủ
Được làm Tam Giới Hùng
_Như Phật: Trí vô lượng
Thông đạt tràn khắp cả
Nguyện sức Công Đức con
Ngang Tối Thắng Tôn này
_Nguyện này nếu được Quả
Cảm ứng, động Đại Thiên
Trời Người ở hư không
Tuôn mưa hoa quý báu

Đức Phật bảo A Nan: “Tỳ Khưu Pháp Tạng nói Tụng này xong, lúc đó khắp mặt đất chấn động theo sáu cách, trời tuôn mưa hoa màu nhiệm rải tán bên trên mặt đất, tự nhiên âm nhạc trong hư không khen rằng: “Quyết định ắt  thành Vô Thượng Chính Giác”. Khi ấy Tỳ Khưu Pháp Tạng đầy đủ tu mãn Nguyện lớn như vậy, thành thật chẳng hư dối, vượt ra khỏi Thế Gian, ưa thích sâu xa sự vắng lặng.

Này A Nan! Tỳ Khưu Pháp Tạng ở chỗ của Đức Phật ấy,trong Đại Chúng của chư Thiên (Deva), Ma (Māra), Phạm (Brāhma), tám Bộ Rồng (Nāga), Thần (Devatā)…phát Hoằng Thệ này. Lập Nguyện này xong, một hướng chuyên chí trang nghiêm cõi màu nhiệm. Nước Phật đã tu, mở mang rộng lớn, thần diệu vượt bật. Tạo dựng lâu bền không có suy kém, không có biến đổi.

Ở chẳng thể nghĩ bàn triệu năm lâu dài Kiếp, gom chứa gầy dựng vô lượng Đức Hạnh của Bồ Tát. Chẳng sinh: cảm giác ham muốn (dục giác), cảm giác giận dữ (sân giác), cảm giác ganh ghét gây hại (hại giác). Chẳng khởi Dục Tưởng (rāga-saṃjña), Sân Tưởng (Dvesa-saṃjña), Hại Tưởng. Chẳng dính mắc Pháp của hình chất (Sắc:Rūpa), âm thanh (thanh:Śabda), mùi ngửi (hương:gandha), vị nếm (vị:Rasa), tiếp chạm (xúc:Spraṣṭavya). Thành tực sức Nhẫn, chẳng tính mọi khổ, ít ham muốn, biết đủ, không nhiễm dính giận dữ si mê .

Tam Muội thường vắng lặng, Trí Tuệ không ngăn ngại, không có tâm hư dối nịnh hót quanh co, dáng mặt hiền hòa, nói năng êm dịu, thưa hỏi ý người đi trước (bậc lớn tuổi có kinh nghiệm), dũng mãnh tinh tiến, chí nguyện không sờn, chuyên cầu Pháp trắng trong (thanh bạch).

Dùng Tuệ lợi quần sinh, cung kính Tam Bảo, phụng sự Sư Trưởng. Dùng mọi hạnh đầy đủ trang nghiêm lớn khiến các chúng sinh thành tựu Công Đức. Trụ Pháp Không (Śūnyatā:Tính trống rỗng), không có Tướng (Vô Tướng: Animitta), không có Nguyện (Vô Nguyện:Apraṇihita). Không có tạo tác (Abhisaṃskāra), không có sinh khởi (Anutpanna), quán Pháp như biến hóa.

Xa lìa lời nói thô thiển: hại mình, hại kẻ khác, cùng hại mình và kẻ khác. Tu tập lời nói hiền lành: lợi mình lợi người, cùng lợi cho mình và người khác.

Vứt bỏ đất nước, buông bỏ ngôi vua, bỏ hết tiền của sắc đẹp. Tự hành sáu Ba La Mật, dạy người khiến hành.

Vô ương số kiếp gom chứa Công Đức. Tùy theo nơi sinh ra, ngay ý mong muốn, vô lượng kho tàng báu tự nhiên ứng hiện. Giáo hóa an lập vô số chúng sinh trụ ở Đạo Chính Chân Vô Thượng.

Hoặc làm Trưởng Giả, Cư Sĩ, hào tính tôn quý. Hoặc làm  vua chúa dòng Sát Đế Lợi (Kṣatriya), Chuyển Luân Thánh Đế. Hoặc làm Thiên Chủ (Deva-pati) của sáu cõi Dục (Kāma-dhātu) cho đến Phạm Vương (Brāhma-rāja)…thường dùng bốn việc cúng dường, cung kính tất cả chư Phật. Công Đức như vậy chẳng thể xưng nói.

Miệng tỏa hơi thơm tinh khiết như hoa Ưu Bát La (Utpāla: hoa sen xanh), các lỗ chân lông trên thân tuôn ra mùi thơm Chiên Đàn (Candana), hương thơm ấy xông ướp khắp vô lượng Thế Giới. Sắc mặt đoan chính, tướng tốt thù diệu. Bàn tay thường tuôn ra vật báu không tận, quần áo, thức ăn uống, hương hoa thần diệu quý báu, các lọng, phướng, phan, vật dụng trang nghiêm. Việc của nhóm như vậy vượt hơn các Người Trời, ở tất cả Pháp mà được tự tại”.

A Nan bạch Phật: “Bồ Tát Pháp Tạng  đã được thành Phật rồi nhận lấy Diệt Độ?

Là bậc chưa thành Phật?  Ngày nay, hiện tại là ai?”

Đức Phật bảo A Nan: “Bồ Tát Pháp Tạng ngày nay đã thành Phật, hiện tại ở phương Tây cách đây mười vạn ức cõi, Thế Giới của Đức Phật ấy tên là An Lạc (Sukhāvatī)”

A Nan lại hỏi: “Đức Phật ấy thành Đạo cho đến nay đã trải qua bao nhiêu thời?”

Đức Phật nói: “Thành Phật đến nay đã trải qua mười kiếp. Cõi nước của Đức Phật ấy có bảy báu tự nhiên là: Vàng (Suvarṇa), bạc (Rūpya), Lưu Ly (Vaiḍūrya), San Hô (?Sphaṭika: Pha lê, thủy tinh), Hổ Phách (?Lohita-mukta:Xích châu), Xà Cừ (Musāra-galva:có chỗ dịch là San Hô), Mã Não (Aśma-garbha)…hợp thành mặt đất

Lại cõi nước ấy không có núi Tu Di (Sumeru) với Kim Cương (Vajra) vây quanh, tất cả các núi (Parvata). Cũng không có biển lớn, biển nhỏ, khe, ngòi, giếng, suối…do Thần Lực của Đức Phật cho nên muốn thấy liền thấy. Cũng không có Địa Ngục, Quỷ đói, súc sinh, lối nẻo của các nạn. Cũng không có bốn mùa Xuân, Hạ, Thu, Đông…chẳng lạnh chẳng nóng thường điều hòa vừa ý”

Bấy giờ A Nan bạch Phật rằng: “Thế Tôn! Nếu cõi nước ấy không có núi Tu Di thời Tứ Thiên Vương (Cātur-māhā-rāja-deva) với Đao Lợi Thiên (Trayāstriṃśadeva:Tam Thập Tam Thiên) y theo đâu để trụ?”

Đức Phật hỏi A Nan: “ Diễm Thiên (Yāma-deva) thứ ba cho đến Sắc Cứu Cánh Thiên (Kaniṣṭha) đều y theo đâu mà trụ?”

A Nan bạch Phật: “Hành Nghiệp, Quả Báo chẳng thể nghĩ bàn”.

Đức Phật bảo A Nan: “Hành Nghiệp, Quả Báo chẳng thể nghĩ bàn, Thế Giới của chư Phật cũng chẳng thể nghĩ bàn. Các chúng sinh ấy có Công Đức, sức Thiện, trụ tại Địa của Hành Nghiệp cho nên hay như thế vậy”

A Nan bạch Phật: “Con chẳng nghi ngờ Pháp này, chỉ vì chúng sinh thời tương lai, muốn trừ nghi hoặc ấy cho nên hỏi nghĩa này”

Đức Phật bảo A Nan: “Ánh sáng uy thần của Đức Phật Vô Lượng Thọ là  tối tôn bậc nhất, ánh sáng của chư Phật chẳng thể theo kịp. Hoặc có ánh sáng Phật chiếu đến trăm Thế Giới Phật, hoặc ngàn Thế Giới Phật. Lấy điều thiết yếu mà nói thì chiếu đến hằng sa cõi Phật ở phương Đông. Phương Nam, phương Tây, phương Bắc, bốn phương bàng, phương bên trên, phương bên dưới cũng lại như vậy. Hoặc có ánh sáng Phật chiếu đến bảy thước (xích:thước Tàu). Hoặc chiếu đến một do tuần, hai, ba, bốn, năm Do Tuần. Như vậy chuyển gấp bội cho đến chiếu soi một cõi Phật.

Chính vì thế cho nên Đức Phật Vô Lượng Thọ (Amitāyu-buddha) có hiệu là: Vô Lượng Quang Phật (Amitābha-buddha), Vô Biên Quang Phật (Amita-prabhāsabuddha), Vô Ngại Quang Phật (Apratihata-raśmi-prabha-buddha), Vô Đối Quang Phật (Asamāpta-prabha-buddha), Diễm Vương Quang Phật (Prabhā-śikhotṣṛṣṭaprabha-buddha), Thanh Tịnh Quang Phật (Śuddha-prabha-buddha), Hoan Hỷ Quang Phật (Pramodanīya-prabha-buddha), Trí Tuệ Quang Phật (Prajñā-prabhabuddha), Bất Đoạn Quang Phật (Nibandhanīya-prabha-buddha), Nan Tư Quang Phật, Vô Xứng  Quang  Phật, Siêu Nhật Nguyệt Quang Phật (Candra-sūrya-jihmīkaraṇa-buddha).

Cõi ấy có chúng sinh gặp ánh sáng này thì ba Cấu được tiêu diệt, thân ý mềm mại, vui vẻ hớn hở, sinh ra tâm lành. Nếu ở chốn cần khổ tại ba đường (địa ngục, quỷ đói, súc sinh) nhìn thấy ánh sáng này đều được ngừng nghỉ, không bị khổ não nữa, sau khi hết tuổi thọ đều được giải thoát.

Ánh sáng của Đức Phật Vô Lượng Thọ rực rỡ chiếu sáng các cõi nước Phật ở mười phương, không có chốn nào không nghe biết. Chẳng phải chỉ có Ta ngày nay khen ngợi ánh sáng ấy mà tất cả chư Phật, Thanh Văn, Duyên Giác, các chúng Bồ Tát đều cùng nhau khen ngợi cũng lại như vậy.

Nếu có chúng sinh nghe Công Đức Uy Thần của ánh sáng ấy, ngày đêm xưng nói, chí tâm chẳng đứt thì tùy theo ước nguyện được sinh về nước ấy. Là nơi mà các Bồ Tát, Thanh Văn, Đại Chúng  cùng nhau khen ngợi, xưng Công Đức ấy cho đến sau khi được Phật Đạo thời vì khắp chư Phật Bồ Tát ở mười phương khen ngợi ánh sáng ấy cũng như ngày nay vậy”

Đức Phật nói: “Ta nói Ánh sáng của Đức Phật Vô Lượng Thọ có Uy Thần lồng lộng thù diệu …suốt ngày đêm, trọn một kiếp cũng chẳng thể hết”.

Đức Phật bảo A Nan: “Đức Phật Vô Lượng Thọ có thọ mệnh lâu dài chẳng thể xưng tính. Ông nên biết như vậy.

Giả sử vô lượng chúng sinh ở mười phương Thế Giới đều được thân người, đều khiến thành tựu Thanh Văn Duyên Giác, đều cùng nhau tập hội, lặng nghĩ suy xét (thiền tư), một lòng dốc hết Trí Lực ấy ở trăm ngàn vạn kiếp đều cùng nhau tìm tính, đếm số kiếp lâu dài của thọ mệnh ấy thì cũng chẳng thể biết cùng tận điểm cuối cùng của hạn lượng ấy. Thọ mệnh dài ngắn của chúng Thanh Văn, Bồ Tát, Trời, Người cũng lại như vậy, chẳng phải là chỗ hay biết của sự tính đếm thí dụ.

Lại số Thanh Văn, Bồ Tát ấy rất khó đo lường, chẳng thể xưng nói. Thần Trí thông suốt, uy lực tự tại, có thể nắm giữ tất cả Thế Giới ở trong lòng bàn tay”.

Đức Phật bảo A Nan: “Hội đầu tiên (sơ hội) của Đức Phật ấy có số chúng Thanh Văn chẳng thể xưng tính, Bồ Tát cũng thế. [Nếu người có] khả năng như Đại Mục Kiền Liên nhiều đến trăm ngàn vạn ức vô lượng vô số, ở a tăng kỳ na do tha kiếp cho đến Diệt Độ đều cùng nhau xét tính, vẫn chẳng thể hiểu cùng tận số lượng nhiều ít ấy.

Ví như biển lớn, sâu rộng vô lượng. Giả sử có người chia chẻ một sợi lông ra làm trăm phần, đem một phần lông thấm lấy một giọt nước. Ý ông thế nào? Chỗ giọt nước ấy đối với biển lớn thì chỗ nào nhiều hơn?”

A Nan bạch Phật: “Chỗ giọt nước ấy so với biển lớn thì lượng lớn nhỏ, chẳng cần phải là người khéo tính toán số dùng ngôn từ thí dụ, cũng có thể biết được vậy”

Đức Phật bảo A Nan: “ Như nhóm Mục Kiền Liên ở trăm ngàn vạn ức na do tha kiếp tính đếm Thanh Văn Bồ Tát ở hội đầu tiên ấy, thời con số biết được giống như một giọt nước, còn chỗ chẳng biết thì như nước của biển lớn.

_Lại cõi nước ấy có các cây bảy báu tràn đầy khắp cả Thế Giới như: cây vàng, cây bạc, cây lưu ly, cây pha lê, cây san hô, cây mã não, cây xà cừ. Hoặc có cây do hai báu, ba báu cho đến bảy báu chuyển cộng hợp thành.

Hoặc có cây bằng vàng, lá hoa quả bằng bạc Hoặc có cây bằng bạc, lá hoa quả bằng vàng.

Hoặc có cây bằng lưu ly, lá hoa quả bằng pha lê…cũng thế.

Hoặc có cây bằng thủy tinh, lá hoa quả bằng lưu ly…cũng thế.

Hoặc có cây bằng san hô, lá hoa quả bằng mã não…cũng thế.

Hoặc có cây bằng mã não, lá hoa quả bằng lưu ly…cũng thế.

Hoặc có cây bằng xà cừ, mọi thứ báu làm lá hoa quả…cũng thế.

Hoặc có cây báu với vàng tía (tử kim) làm gốc, bạc trắng làm thân, lưu ly làm cành, thủy tinh làm nhánh nhỏ, san hô làm lá, mã não làm hoa, xà cừ làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với  bạc trắng làm gốc, lưu ly làm thân, thủy tinh làm cành, san hô làm nhánh nhỏ, mã não làm lá, xà cừ làm hoa, vàng tía làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với  lưu ly làm gốc, thủy tinh làm thân, san hô làm cành, mã não làm nhánh nhỏ, xà cừ làm lá, vàng tía làm hoa, bạc trắng làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với  thủy tinh làm gốc, san hô làm thân, mã não làm cành, xà cừ làm nhánh nhỏ, càng tía làm lá, bạc trắng làm hoa, lưu ly làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với san hô làm gốc, mã não làm thân, xà cừ làm cành, vàng tía làm nhánh nhỏ, bạc trắng làm lá, lưu ly làm hoa, thủy tinh làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với mã não làm gốc, xà cừ làm thân, vàng tía làm cành, bạc trắng làm nhánh nhỏ, lưu ly làm lá, thủy tinh làm hoa, san hô làm thật (?quả trái)

Hoặc có cây báu với xà cừ làm gốc, vàng tía làm thân, bạc trắng làm cành, lưu ly làm nhánh nhỏ, thủy tinh làm lá, san hô làm hoa, mã não làm thật (?quả trái)

Hàng hàng cùng thẳng tắp, thân thân cùng ngó vào nhau, cành cành cùng bằng nhau, lá lá cùng hướng vào nhau, hoa hoa cùng thuận nhau, quả quả cùng đối xứng nhau, màu sắc tươi tốt, sáng rực… chẳng có thứ gì có thể so sánh hơn được. Khi gió mát thổi thời phát ra năm âm thanh, cung thương vi diệu tự nhiên cùng hòa với nhau.

Lại cây Đạo Tràng của Đức Phật Vô Lượng Thọ cao bốn trăm vạn dặm, chu vi của gốc cây rộng năm ngàn do tuần, cành lá tỏa bày bốn bên đến hai mươi vạn dặm, tất cả mọi báu tự nhiên hợp thành. Dùng Nguyệt Quang Ma Ni (Candra-bhāsa-maṇi), báu Trì Hải Luân (Sāgara-vara-maṇi-ratna), vua của mọi báu để trang nghiêm. Chung quanh cành nhành rũ treo chuỗi Anh Lạc báu, trăm ngàn vạn màu sắc, mọi loại biến đổi khác nhau, tỏa vô lượng ánh sáng rực rỡ chiếu sáng không cùng tận (vô cực).

Bên trên cây ấy có lưới mành bằng báu trân diệu che phủ, tất cả trang nghiêm tùy ứng mà hiện ra. Khi gió nhẹ thổi qua thì lay động phát ra Pháp Âm (Dharma-svara) màu nhiệm, lan truyền khắp tất cả nước Phật ở mười phương. Người nghe tiếng ấy, được Pháp Nhẫn sâu xa, trụ Bất Thoái Chuyển cho đến thành Phật Đạo, chẳng còn gặp khổ hoạn (Tai vạ, tật bệnh gây đau khổ).

Mắt nhìn thấy hình sắc ấy, tai nghe tiếng ấy, mũi biết mùi hương ấy, lưỡi nếm mùi vị ấy, thân tiếp chạm ánh sáng ấy, tâm dùng Pháp duyên thì tất cả đều được Pháp Nhẫn thâm sâu, trụ Bất Thoái Chuyển , cho đến thành Phật Đạo, sáu căn trong suốt, không có các não hoạn (tai vạ, tật bệnh gây bực bội).

Này A Nan! Nếu Người, Trời của nước ấy nhìn thấy cây này sẽ được ba Pháp Nhẫn. Một là Âm Hưởng Nhẫn, hai là Nhu Thuận Nhẫn, ba là Vô Sinh Pháp Nhẫn. Đây đều là sức uy thần, sức Bản Nguyện, Nguyện đầy đủ, Nguyện sáng tỏ,.

Nguyện bền chắc, Nguyện cứu cánh của Đức Phật Vô Lượng Thọ”.

Đức Phật bảo A Nan: “Bậc đế vương (Rājendra) trong Thế Gian có trăm ngàn âm nhạc. Từ Chuyển Luân Thánh Vương cho đến cõi Trời thứ sáu (Tha Hóa Tự Tại Thiên:Paranirmita-vaśa-vartino-deva), càng lên trên thì kỹ nhạc âm thanh triển chuyển hơn hẳn gấp ngàn ức vạn lần. Sáu vạn loại nhạc âm trên cõi Trời thứ sáu chẳng thể bằng các cây bảy báu của nước Vô Lượng Thọ, chỉ một loại âm thanh đã gấp hơn ngàn ức lần, cũng có vạn loại kỹ nhạc tự nhiên

Lại tiếng nhạc ấy không có gì chẳng phải là Pháp Âm: trong trẻo, vui thích, thương xót, vi diệu, hòa nhã….là (âm thanh) bậc nhất trong âm thanh của mười phương Thế Giới.

Lại giảng đường, tinh xá, cung điện, lầu quán đều do bảy báu tang nghiêm, tự nhiên hóa thành. Lại dùng trân châu, Minh Nguyệt Ma Ni, mọi báu… đan chéo nhau che trùm bên trên

_Bên trong, bên ngoài, bên trái, bên phải có các ao tắm, hoặc mười do tuần, hoặc hai mươi, ba mươi cho đến trăm ngàn do tuần…dài, rộng, sâu, cạn thảy đều bằng nhau. Nước tám Công Đức trong vắt tràn đầy hương thơm thanh tịnh, có vị tinh khiết như Cam Lộ (Amṛta).

Ao bằng vàng ròng, đáy trải cát bạc trắng Ao bằng bạc trắng, đáy trải cát vàng ròng

Ao bằng thủy tinh, đáy trải cát lưu ly Ao bằng lưu ly, đáy trải cát thủy tinh

Ao bằng san hô, đáy trải cát hổ phách Ao bằng hổ phách, đáy trải cát san hô

Ao bằng xà cừ, đáy trải cát mã não Ao bằng mã não, đáy trải cát xà cừ

Ao bằng ngọc trắng, đáy trải cát vàng tía Ao bằng vàng tía, đáy trải cát ngọc trắng

Hoặc hai loại báu, ba loại báu cho đến bảy loại báu chuyển nhau hợp thành

_Trên bờ ao ấy có cây Chiên Đàn (Candana-vṛkṣa), hoa lá rũ bày, tỏa hơi thơm xông ướp khắp. Hoa Ưu Bát La (Utpāla:hoa sen xanh) của cõi Trời, hoa Bát Đàm Ma (Padma:hoa sen hồng), hoa Câu Vật Đầu (kumuda:hoa sen đỏ), hoa Phân Đà Lợi (Puṇḍarika:hoa sen trắng) với ánh sáng đủ màu, tươi đẹp phủ đầy trên mặt nước

Các Bồ Tát với chúng Thanh Văn của cõi ấy, nếu muốn vào ao báu mà ý muốn khiến nước ngập đến bàn chân thì nước liền ngập đến bàn chân, muốn khiến đến đầu gối liền đến đầu gối, muốn khiến đến eo lưng thì nước liền đến eo lưng, muốn khiến đến cổ thì nước liền đến cổ, muốn khiến rưới rót lên thân thì tự nhiên rưới rót lên thân, muốn khiến trở lại như cũ thì nước liền quay trở lại như cũ. Điều hòa lạnh ấm, tự nhiên tùy theo ý, mở Thần đẹp Thể, rửa sạch trừ bợn nhơ của tâm, trong sáng, lắng sạch trong như không có hình.

Cát báu tỏa sáng, không có chỗ sâu nào không chiếu sáng đến. Sóng nhẹ vòng quanh, lưu chuyển cùng nhau rưới rót, an lành thong thả đi không trở lại, chẳng chậm chẳng nhanh. Sóng nổi lên vô lượng tiếng màu nhiệm tự nhiên tùy theo chỗ ứng ấy không có ai chẳng nghe thấy. Hoặc nghe tiếng Phật (Buddha-śabda), hoặc nghe tiếng Pháp (Dharma-śabda), hoặc nghe tiếng Tăng (Saṃgha-śabda),  hoặc tiếng Tịch Tĩnh (Māveṇika-śabda), tiếng Không (Śūnya-śabda) Vô Ngã (Anātma-śabda), tiếng Đại Từ Bi (Mahā-maitrī- Kāruṇa-śabda), tiếng Ba La Mật (Pāramitā-śabda). Hoặc tiếng Pháp: mười Lực (Daśa-bala-śabda) vô úy (Abhaya-śabda), Bất Cộng, các tiếng Thông Tuệ (Vaiśarādya-śabda), tiếng không có chỗ tạo làm (Asaṃskāra-śabda), tiếng chẳng khởi diệt, tiếng Vô Sinh Nhẫn (Anutpattika-kṣānti-śabda) …cho đến tiếng mọi Diệu Pháp của Cam Lộ Quán Đỉnh (Amṛtābhiṣeka-śabda). Tiếng của nhóm như vậy xứng với người đã nghe ấy, vui vẻ vô lượng, tùy thuận theo nghĩa thanh tịnh, lìa Dục, vắng lặng, chân thật. Tùy thuận theo Pháp: Tam Bảo, Lực, Vô Sở Úy, Bất Cộng. Tùy thuận thông tuệ đường lối mà Bồ Tát Thanh Văn đã hành. Không có tiếng thuộc nạn khổ của ba đường (Tam Đồ: Địa ngục, quỷ đói, súc sinh) mà chỉ có tiếng khoái lạc tự nhiên. Chính vì thế cho nên nước ấy có tên là Cực Lạc (Sukhāvatī)

_A Nan! Các kẻ sinh về cõi nước Phật ấy đều có đầy đủ sắc thân trong sạch, các âm thanh màu nhiệm, Thần Thông, Công Đức như vậy. Cung điện cư ngụ, quần áo, thức ăn uống, mọi hương hoa màu nhiệm, vật dụng trang nghiêm…giống như vật tự nhiên của cõi Trời thứ sáu (Tha Hóa Tự Tại Thiên:Paranirmita-vaśa-vartino-deva)

Nếu lúc muốn ăn thời vật dụng đựng thức ăn (ứng khí) bằng bảy báu: vàng, bạc, lưu ly, xà cừ, mã não, san hô, hổ phách, Minh Nguyệt trân châu… tự nhiên hiện trước mặt. Mọi cái bát như vậy tùy theo ý mà đến tự nhiên đầy tràn thức ăn uống có trăm mùi vị. Tuy có thức ăn này, nhưng thật ra không có người ăn. Chỉ nhìn thấy hình sắc, ngửi mùi thơm…dùng ý để ăn thì tự nhiên no đủ, thân tâm mềm mại, không có chỗ dính mắc mùi vị. Việc xong rồi liền biến mất , đến thời lại hiện ra.

Cõi nước Phật ấy trong sạch, an ổn, khoái lạc vi diệu. Tiếp đến nơi Vô Vi (Abhisaṃskāra), Đạo của Nê Hoàn (Niết Bàn:Nirvāṇa)

Các Thanh Văn, Bồ Tát, Người, Trời của cõi ấy có Trí Tuệ cao minh, thông suốt Thần Thông… đều đồng một loài hình, không có dạng khác. Chỉ vì thuận theo phương khác cho nên có tên gọi của Người Trời. Dáng mặt đoan chính vượt hơn đời, hiếm có. Dung nhan, sắc đẹp vi diệu… chẳng phải Trời, chẳng phải Người đều thọ nhận thân của hư vô tự nhiên, Thể của Vô Cực”.

_Đức Phật hỏi A Nan: “Ví như Thế Gian để người xin ăn nghèo túng bên cạnh bậc Đế Vương thì hình dáng, dung mạo có thể nói cùng loại chăng?”

A Nan bạch Phật: “Giả sử khiến người này ở ngay bên cạnh vị Đế Vương thì gầy gò xấu xí, không thể dùng làm ví dụ được, trăm ngàn vạn ức chẳng thể tính ngược lại được. Sở dĩ như thế, vì người xin ăn nghèo túng là hạng thấp kém cùng tận, áo chẳng đủ che thân, ăn chỉ muốn giữ mạng, đói rét khốn khổ, lẽ sống của con người hầu như đã hết…đều vì đời trước chẳng gieo trồng gốc Đức, gom chứa tiền của chẳng đem bố thí, giàu có lại càng keo kiệt, chỉ muốn nói khoác cho được lòng tham, tham lam (cầu: 求) không biết chán, chẳng tin tu thiện, phạm điều ác chất chứa như núi. Như vậy khi hết tuổi thọ, tiền tài vật báu  tiêu tan, thân khổ gom chứa sự ưu não của việc đã làm, đối với chính mình không có ích  mà đồ dùng lại thành của người khác, không có việc lành có thể nương cậy, không có Đức có thể  nương nhờ. Thế nên khi chết bị rơi vào nẻo ác , chịu sự đau khổ lâu dài này. Khi hết tội, được ra khỏi thì sinh làm kẻ thấp hèn, ngu dốt hèn mọn. Tách ra khỏi sự xấu nhất thì bảo là đồng với loài người.

Sở dĩ bậc Đế Vương của Thế Gian có địa vị độc tôn trong con người đều do đời trước gom chứa Đức. Đã làm các việc: Từ, Tuệ, bồ thí rộng rãi, nhân ái cứu giúp, tin tưởng tu thiện, không có kiện cãi lầm lỗi. Do đó khi hết tuổi thọ, tương ứng Phước nên được sinh lên nẻo lành, được sinh lên Trời hưởng Phước Lạc này. Do phần dư thừa của điều thiện đã gom chứa, nên ngày nay thường được làm người, sinh vào nhà vua chúa, tự nhiên tôn quý, nghi dung đoan chính, được mọi sự yêu kính phụng sự, tùy theo tâm được ăn ngon mặc đẹp. Do Phước của đời trước đi theo nên hay đến chốn này”.

Đức Phật bảo A Nan: “Ông đã nói thế. Tính như Đế Vương tuy là bậc tôn quý trong loài người, có hình sắc đoan chính. Nhưng nếu so sánh bậc Chuyển Luân Thánh Vương thì rất là hèn mọn xấu xí, giống như  so sánh người ăn xin ngay bên cạnh bậc Đế Vương.

Bậc Chuyển Luân Thánh Vương có uy tướng thù diệu đứng nhất trong thiên hạ. Nhưng nếu so sánh với Đao Lợi Thiên Vương lại rất xấu ác gấp vạn ức lần, chẳng thể đem ví dụ được.

Nếu khiến Thiên Đế so sánh với vua của tầng Trời thứ sáu, thì gấp trăm ngàn ức lần chẳng thể xếp cùng loại được.

Nếu vua của cõi Trời thứ sáu so với Bồ Tát Thanh Văn trong nước của Đức Phật Vô Lượng Thọ thì từ ánh sáng, khuôn mặt, dáng dấp, sắc đẹp… đều chẳng thể theo kịp, trăm ngàn vạn ức lần chẳng thể tính nổi”

Đức Phật bảo A Nan: “Các Trời, Người của nước Vô Lượng Thọ: quần áo, thức ăn uống, hoa, hương, chuỗi Anh Lạc, các lọng, phướng, phan, âm thanh vi diệu, chỗ cư ngụ, nhà cửa, cung điện, lầu gác…xứng với hình sắc, cao, thấp, lớn, nhỏ của người ấy. Hoặc một loại báu, hai loại báu cho đến vô lượng mọi báu đều tùy theo ý mong muốn, ứng theo niệm liền đến.

Lại đem mọi báu, áo màu nhiệm rải bày khắp mặt đất ấy, tất cả Trời Người dẫm lên  mà đi. Vô lượng lưới báu che trùm khắp bên trên Đức Phật; đều dùng sợi chỉ vàng, trân châu, trăm ngàn thứ báu kỳ diệu quý báu khác thường..để trang nghiêm tô điểm. Giáp vòng bốn mặt, rũ treo chuông báu tỏa ánh sáng, màu sắc rực rỡ  hết sức  trang nghiêm lộng lẫy.

Gió Đức tự nhiên thong thả khởi động nhẹ nhàng. Gió ấy điều hòa, chẳng lạnh, chẳng nóng, ấm, mát, mềm mại, chẳng chậm, chẳng nhanh…thổi các lưới mành với mọi cây báu, diễn  phát vô lượng Pháp Âm vi diệu, lưu bày vạn loại hương Đức ôn hòa thanh nhã. Nếu có người ngửi được mùi hương ấy thì tập khí trần lao tự nhiên chẳng khởi. Gió chạm thân ấy đều được khoái lạc, ví như vị Tỳ Khưu được Tam Muội Diệt Tận.

Lại gió thổi rải hoa tràn khắp cõi Phật, tùy theo thứ tự của màu sắc mà chẳng tạp loạn, mềm mại, sáng bóng, thơm tho ngào ngạt. Bàn chân dẫm lên trên  đám hoa ấy sẽ lún sâu xuống dưới bốn thốn (4 tấc Tàu), tùy theo nhấc bàn chân lên thì hoàn trả lại như cũ. Hoa dùng xong rồi thì mặt đất liền mở tách ra, theo thứ tự biến hóa mất, trong sạch không có dấu vết. Tùy theo thời tiết, gió thổi rải tán hoa sáu lần như vậy.

Lại hoa sen bằng mọi thứ báu tràn đầy Thế Giới, mỗi một hoa báu có trăm ngàn ức cánh, ánh sáng của cánh hoa ấy có vô lượng loại màu sắc: màu xanh có ánh sáng xanh, màu trắng có ánh sáng trắng. Màu sắc của ánh sáng: đen huyền, màu vàng, màu đỏ, màu tím cũng thế…đỏ lừng, chói lọi, rực rỡ, sáng tỏ như mặt trời mặt trăng. Trong mỗi một ánh sáng hiện ra ba mươi sáu (36) trăm ngàn ức Phật với thân màu vàng tía, tướng tốt đặc biệt khác lạ. Mỗi một chư Phật lại phóng ra trăm ngàn ánh sáng, vì khắp mười phương nói Pháp vi diệu. Chư Phật như vậy, mỗi mỗi vị đều đặt để vô lượng chúng sinh vào Chính Đạo của Phật.

 

KINH VÔ LƯỢNG THỌ
_QUYỂN THƯỢNG (Hết)_

Trang: 1 2