OAN GIA
Tỳ kheo Thích Trí Siêu

 

Chuyện nhân quả

Qua các chuyện oan gia ở trên, chúng ta thấy cảnh khổ nhất là đương sự vừa bệnh tật mà lại vừa phải trả nghiệp như trường hợp người chồng dị tật bán vé số nuôi vợ con, và ông lão 79 tuổi nuôi vợ bệnh và con bị tâm thần. Đây là khổ khổ, hai cái khổ chồng chất lên nhau: khổ thân và khổ tâm. Bản thân bệnh tật đã là khổ, cộng thêm khổ tâm vì phải tranh đấu kiếm sống nuôi vợ con.

Cảnh khổ thứ nhì là trường hợp người không bệnh tật nhưng phải nuôi người bệnh tật, nuôi chồng, vợ, con cái bị bại liệt hay tâm thần.

Cảnh khổ thứ ba là không ai bệnh tật cả nhưng lại mắng chửi, đánh đập nhau, làm khổ lẫn nhau.

Nói chung tất cả cảnh khổ xảy đến với chúng ta đều do luật nhân quả. Nhưng kẹt một điều là chúng ta không thể nhớ lại được mình đã tạo nghiệp gì trong kiếp quá khứ để bây giờ phải chịu quả báo bệnh tật, khổ thân, khổ tâm như vầy. Do đó mỗi khi gặp cảnh khổ, chúng ta thường than trời trách đất, v.v… Nhưng nếu biết được mình đã tạo nghiệp ác và nay phải trả quả thì có lẽ chúng ta sẽ bớt khổ hơn, biết chấp nhận hoàn cảnh của mình, cố gắng vươn lên, tạo nghiệp tốt để chuyển nghiệp.

Sau đây là vài chuyện nhân quả được trích dịch từ sách “Many Mansions” của tác giả Gina Cerminara.

Nhân vật chính trong sách là ông Edgar Cayce (18771945), được mệnh danh là “Nhà tiên tri ngủ”

(Sleeping prophet), người có khả năng “thần nhãn” (clairvoyance) thấy được kiếp trước của bệnh nhân khi ông rơi vào giấc ngủ thôi miên. Có nhiều bệnh nhân mà bác sĩ đã chịu thua, tìm đến nhờ ông soi kiếp. Mỗi lần như vậy, ông Cayce nằm lên giường, thở vài hơi thật sâu và rơi vào giấc ngủ. Sau đó một người phụ tá thôi miên, hướng dẫn ông nhìn vào cơ thể của bệnh nhân và khám bệnh.  Khi đó, ông nói rõ nguyên nhân vì sao bị bệnh và đưa ra cách chữa trị. Đa số các bệnh nhân đều được chữa lành theo lời chỉ dẫn của ông. Những trường hợp này đều được ghi chép vào hồ sơ và cất giữ cẩn thận. Tất cả có hơn ba chục ngàn hồ sơ được lưu trữ tại trung tâm A.R.E

(Association for Research and Enlightenment), ở Virginia Beach, cho bất cứ ai muốn đến tham khảo.

Quả báo về thân xác

1/ Một vị giáo sư nọ bị mù từ khi mới sinh ra. Ông nghe nói về ông Cayce trong chương trình phát thanh “Những phép lạ của tâm thức” nên đã tìm đến ông Cayce nhờ soi kiếp. Cuộc soi kiếp cho biết trong một kiếp quá khứ ở Ba Tư (Persia) khoảng 1000 năm trước Công Nguyên, ông là thành viên của một bộ lạc dã man có tục lệ lấy dùi sắt nung đỏ rồi thọc vào mắt những tù binh. Chính ông là người được giao phó công việc hành quyết này. Do ác nghiệp xưa mà kiếp này ông phải trả quả bị mù mắt khi mới chào đời.

2/ Một thiếu nữ nọ làm nghề sửa móng tay, bị chứng bại liệt cả hai chân từ khi mới lên một tuổi. Hai chân cô bị teo lại khiến cô không đi đứng được mà phải dùng nạng. Nguyên nhân nhân quả (karmic cause) của bệnh trạng cô bây giờ là do một tiền kiếp ở châu Đại Dương (Atlantis), trong kiếp đó, cô đã dùng tà thuật làm cho kẻ khác bại xuội tay chân, trở nên bất lực và tuân theo lệnh cô sai khiến. Bởi vậy kiếp này cô phải chịu quả báo về những gì mà cô đã gây cho kẻ khác.

Quả báo của sự chế nhạo

3/ Một người phụ nữ 34 tuổi, bị bệnh liệt (polio) khi mới sinh ra được 6 tháng, khiến cô bị què chân và vẹo xương sống. Cha của cô là một nông dân, chẳng những thờ ơ đối với tình trạng của cô, mà còn lấy hết tiền của cô dành dụm được nhờ nuôi gà. Số phận bạc đãi cô qua hai cuộc tình trắc trở. Người yêu đầu tiên của cô bị tử trận trong cuộc thế chiến thứ nhất. Sau đó cô đính hôn với một người khác, nhưng ông này bị đau nặng và khi vừa khỏi bệnh xong thì cưới ngay cô y tá đã săn sóc ông trong nhà thương.Ngoài những đau khổ về thể xác lẫn tình cảm trên đây, còn thêm cuộc sống cô độc ở miền quê, với cha mẹ suốt ngày cãi nhau, và một lần té ngã trên những bực thang bằng xi măng làm cho cô phải nằm liệt giường và thêm một thương tật khác ở xương sống. Không ai có thể tưởng nổi một cuộc đời bất hạnh hơn thế nữa!

Theo luật nhân quả, nguyên nhân của bệnh trạng này được tìm thấy trong hai kiếp trước ở đế quốc La Mã (Rome). Hồi đó, cô thuộc giòng dõi quý tộc Palatius, thường đến các đấu trường, ngồi xem đấu võ giữa hai tội nhân, hoặc giữa một tội nhân và một thú dữ. Sự thống khổ về thể xác hiện nay, phần lớn là do cô đã cười chế nhạo, khinh bỉ sự yếu đuối bất lực của các tù nhân bị thú dữ xé xác.

4/ Một thanh niên nọ 21 tuổi, theo đạo Thiên Chúa. Cha mẹ muốn cậu sau này trở nên một giáo sĩ, nhưng cậu không cảm thấy tiếng gọi thiêng liêng nên không nghe lời. Thật ra vấn đề chính của cậu là bệnh đồng tính luyến ái. Cậu đến nhờ ông Cayce soi kiếp, và biết rằng trong một tiền kiếp, dưới triều vua ở nước Pháp, cậu là một họa sĩ chuyên môn vẽ hài hước châm biếm. Cậu đã dùng tài vẽ của mình khui ra những chuyện đồng tính luyến ái trong triều đình để làm trò cười cho thiên hạ.

Bài học nhân quả cho thấy lên án hoặc chế nhạo kẻ khác về tật nào thì chính mình sẽ mắc phải tật đó.

Lạm dụng quyền

5/ Sau đây là trường hợp của một người có quyền thế trong thời kỳ xử án các phù thủy ở Salem, tiểu bang Massachusetts, Hoa Kỳ. Hồi đó y là một viên chức có trách nhiệm hành quyết những người đàn bà bị tình nghi là phù thủy. Tuy nhiên trong khi thừa hành chức vụ trừng phạt những người theo tà đạo để bảo vệ thuần phong mỹ tục và tín ngưỡng của đạo Thiên Chúa, con người mô phạm, đạo đức giả này đã lợi dụng quyền hành của mình để thỏa mãn sắc dục, cưỡng hiếp những phụ nữ bị giam cầm. Hiện nay y tái sinh là một thiếu niên 11 tuổi, con của một người đàn bà nghèo khổ, bị chồng bỏ rơi. Y thường bị chứng động kinh rất dữ dội, làm bại liệt nửa người bên trái, và mất luôn khả năng nói năng. Y không thể tự mình mặc quần áo, ăn uống hay tiểu tiện.  Hai vai của y đã còng, và sau một cơn động kinh kéo dài nhiều ngày, thân xác y bị co giựt liên hồi sau mỗi nửa giờ, kết quả là y không còn giữ nổi cái đầu trên cổ, lúc nào nó cũng vẹo xuống.

Chứng động kinh hiện nay chính là quả báo của sự cưỡng hiếp, hoang dâm vô độ mà y đã tạo khi xưa.

6/ Một trường hợp khác về sự lạm dụng quyền thế trong thời kỳ khủng bố những người theo đạo Chúa ở La Mã. Romus chỉ là một người lính thường, nhưng địa vị cao cấp của y đã giúp y kiếm được những món tiền khổng lồ so với số lương tháng của một binh sĩ La Mã. Cuộc soi kiếp không nói rõ y đã dùng cách nào, hoặc biển thủ công quỹ, tham nhũng hay bóc lột để kiếm tiền, nhưng y đã dùng phương tiện bất chính để mưu lợi, kiếm rất nhiều tiền của vật chất, nhưng mất mát rất nhiều về đạo đức. Trong kiếp hiện tại, hậu quả của Romus là sự nghèo đói, lầm than.  Nghề thợ may của y không đủ kiếm tiền nuôi vợ và năm đứa con. Chỉ nhờ vào lòng hảo tâm giúp đỡ của cha mẹ họ hàng mà gia đình y mới có thể sống tạm qua ngày trong một khu phố nghèo ở Luân Đôn.

Cô đơn

7/ Cô là một phụ nữ người Na Uy, 47 tuổi, có thân hình rất đẹp và duyên dáng, làm nghề thư ký ở thành phố New York. Cô đã trải qua hai đời chồng. Người chồng thứ nhất qua đời sau khi thành hôn chưa bao lâu. Cô tái giá với một người lớn tuổi hơn cô nhiều và cuộc hôn nhân này không có hạnh phúc nên cô đã ly dị rất sớm. Cô không có con cái, tất cả người thân trong gia đình đều đã qua đời và cô sống trơ trọi một mình. Nghề làm thư ký giúp cô có cơ hội tiếp xúc nhiều người, nhưng đó chỉ là xã giao bề ngoài. Cô mong ước tái giá lần nữa, nhưng dịp may không đến và cô vẫn cô đơn. Cô yêu cầu ông Cayce soi kiếp, mong tìm ra giải đáp cho những khúc mắc của cô: “Tại sao tôi bị cô đơn tẻ lạnh như vậy? Có lý do đặc biệt nào đó khiến tôi không thể tìm thấy một người tri kỷ trong hôn nhân? Tại sao tôi luôn thất bại như vậy?”

Cuộc soi kiếp cho biết tình trạng cô đơn của cô có một nguyên nhân sâu xa. Hai kiếp về trước, ở Na Uy, cô đã làm một điều sai lầm vô cùng tai hại đưa đến tình trạng bi đát hiện nay, đó là cô đã tự tử. Trong kiếp đó cô là mẹ của hai đứa con nhỏ, chồng cô vì một lý do nào đó đã bị cả làng trục xuất. Sau khi sinh đứa con thứ nhì, cô quá thất vọng và nhảy xuống vực sâu tự tử. Vì lý do đó, kiếp này cô thường có những lúc quạnh hiu, sầu thảm, cô đơn không thể chịu nổi.

Quả báo trong trường hợp này rất rõ ràng. Trong một lúc thất chí, cô đã tự tử, làm cho chồng con mất đi tình thương và sự săn sóc mà họ cần nơi người vợ và người mẹ. Cô đã xem thường bổn phận gia đình, thiếu tinh thần trách nhiệm đối với chồng con, bởi vậy kiếp này cô phải đối diện với chính sự bơ vơ mà cô gieo cho người khác. Chỉ khi nào bị thiếu thốn cái gì thì người ta mới biết giá trị của nó.

Tình trạng độc thân hoặc cô đơn là một cơ hội để tu sửa nội tâm và tiến hóa tâm linh. Nếu muốn có bạn thì ta phải cởi mở và thân thiện. Nếu muốn được thương thì ta phải ban rải tình thương.

Lời bình: Nhiều người khi bị thất tình, thất nghiệp, khổ đau, mắc nợ quá nhiều không trả nổi, hoặc bế tắc vì vấn đề nào đó thường nghĩ đến tự tử, cho rằng chết đi thì giải quyết xong vấn đề. Đây là một ý nghĩ hết sức nông cạn và vô cùng dại dột. Đó bởi vì họ không biết luật nhân quả, có vay thì phải có trả, không thể vay rồi chạy trốn, quỵt nợ. Kiếp này tự tử, tưởng là thoát nợ, nhưng món nợ sẽ trở lại kiếp sau với phân lời cao hơn, và sự thử thách nhiều hơn nữa.

Hôn nhân

8/ Nàng là một phụ nữ rất xinh đẹp, lấy chồng vào năm 23 tuổi. Nàng có một vóc dáng, dung nhan của một nữ tài tử điện ảnh. Dầu ở tuổi 41, khi đến nhờ ông Cayce soi kiếp, vẻ đẹp của nàng vẫn khiến cho nhiều người phải quay đầu lại nhìn mỗi khi nàng bước vào chỗ đông người. Những người bạn giàu có sang trọng chắc sẽ phải ngạc nhiên nếu họ biết được đời tư của nàng.

Trong 18 năm kết hôn với một thương gia giàu có và tiếng tăm, nàng đã trải qua một kinh nghiệm khổ sở về tình ái. Chồng của nàng bị bệnh bất lực. Đối với một số đàn bà, nhất là những người không cảm thấy nhu cầu chăn gối thì sự bất lực của chồng không có gì bi đát lắm. Nhưng với người phụ nữ như nàng, vừa xinh đẹp, đa tình và đầy nhựa sống thì đó quả là một thảm kịch!  Thảm kịch này có thể chấm dứt dễ dàng bằng một cuộc ly dị, nhưng nàng không thể làm được, bởi vì nàng vẫn yêu chồng.

Trong những năm đầu tiên, có một thời kỳ tuyệt vọng, nàng tìm cách dan díu với những người đàn ông khác, không phải vì muốn phản bội chồng, mà chỉ để thỏa mãn nhu cầu sinh lý và tình cảm. Nhưng dần dần, nàng chế ngự được dục tình, một phần lớn nhờ nghiên cứu Thông thiên học (Theosophy) và thực tập thiền quán. Cuộc đời nàng trôi qua một cách bình lặng như vậy suốt 18 năm, trước khi có biến động xảy đến. Một trong những người yêu cũ của nàng trước kia lại xuất hiện. Trong bức thơ gửi ông Cayce, nàng kể như sau: “Khi chúng tôi gặp lại nhau, ngọn lửa tình trong lòng anh đã bừng dậy mãnh liệt, và tôi cũng đáp lại mối tình đó. Có lẽ tôi sẽ không ngần ngại tiếp tục ngoại tình với anh nếu anh không có gia đình. Tôi không muốn bỏ chồng vì những lý do mà ông có thể hiểu, và cũng vì chồng tôi đã tiến

bộ rất nhiều trong việc sửa đổi tánh tình. Có thể sự ham muốn xác thịt của tôi đối với người đàn ông nọ không phải là ái tình, mà chỉ do hoàn cảnh trớ trêu của gia đình tôi gây nên. Nhưng dù sao anh cũng là một người tốt. Anh đã yêu tôi từ hồi tôi còn nhỏ, nhưng tôi không hề hay biết mà chỉ nghe mẹ anh kể lại. Anh không dám tỏ tình với tôi vì cảm thấy chưa đủ sức lập gia đình.  Đến khi anh sẵn sàng thì đã quá muộn, vì tôi đã đính hôn với chồng tôi rồi. Thỉnh thoảng tôi cũng chăn gối với anh, bởi lẽ thấy anh quá say đắm tôi. Tôi hy vọng khi được thỏa mãn như vậy thì khát vọng dục tình của anh sẽ giảm đi. Nhưng sau cùng tôi đã đoạn tuyệt với anh vì tôi không muốn đóng trò giả dối với vợ anh. Bởi lẽ tôi quen biết và có cảm tình với bà ấy, nên không muốn làm cho bà ta khổ nếu bà biết được mối tình vụng trộm này”.

Cuộc soi kiếp cho biết: trong hai kiếp trước ở Pháp, vào thời kỳ Thánh Chiến (Crusades), người phụ nữ này tên là Suzanne Merceilieu, cũng là vợ của người chồng đang có hiện nay. Ông Merceilieu trong kiếp đó là người có óc phiêu lưu, và cuộc Thánh Chiến đã nung nấu chí giang hồ của ông. Và giống như một số người có lòng tin nhiệt thành, đời tư của ông lại không đi đôi với những nguyên tắc đạo đức mà ông tin tưởng và đề cao. Đối với ông, việc giải phóng Thánh địa của Đấng Cứu Thế (Saviour) thoát khỏi sự xâm lăng của những kẻ Ngoại Đạo (Infidel) là điều tối quan trọng. Nhưng việc áp dụng lòng bác ái mà Ngài đã dạy đối với vợ ông, thì dường như ông không bao giờ nghĩ đến!

Bởi vậy trước khi từ giã vợ, lên đường tham gia cuộc Thánh Chiến, tiêu diệt kẻ Ngoại Đạo để bảo vệ Thiên Chúa Giáo, ông cũng muốn bảo vệ một chuyện khác: đó là sự trinh tiết của vợ. Ông đã bắt buộc vợ phải đeo cái đai trinh tiết (chastity belt). Cái đai này được làm bằng những mảnh sắt và da kết lại, bao bọc phần dưới thân mình của người đàn bà và được khóa lại bằng một ổ khóa với một chìa khóa riêng. Như vậy người đàn bà sẽ không thể giao hợp với ai khác ngoài chủ nhân có chiếc chìa khóa. Bằng cách đó, ông Merceilieu ra đi yên tâm rằng vợ ông sẽ giữ trinh tiết với ông.

Do bị cưỡng bức phải đeo cái đai trinh tiết ngoài ý muốn, bà Merceilieu rất khổ sở, căm hận và quyết tâm trả thù khi có dịp thuận tiện.

Lời bình: Luật nhân quả hay oan gia đã khiến hai người gặp lại nhau. Trước kia người chồng đã dùng một loại khí cụ gây chướng ngại về tình dục cho vợ, thì nay ông trả quả bằng cách chính ông bị bệnh bất lực trong kiếp này. Còn người vợ kia, trong kiếp này có đủ thuận duyên để trả thù, nàng có một sắc đẹp lộng lẫy, yêu kiều, vô cùng hấp dẫn. Nàng kết hôn với người đã làm khổ mình trong tiền kiếp và làm cho ông ta khổ sở thèm muốn dục tình mà không thỏa mãn được, chưa kể muốn điên lên vì ghen tuông khi thấy nàng lãng mạn, lẳng lơ với những người đàn ông khác.

Cha mẹ và con cái

9/ Một cô gái 12 tuổi, người Do Thái bị chứng động kinh từ nhỏ. Chứng bệnh này không những làm cô khổ sở mỗi khi lên cơn, mà còn làm cho cô bị bệnh tâm thần. Cha mẹ cô rất đau khổ khi thấy con gái bị như vậy. Qua cuộc soi kiếp thì cả ba người đã từng liên hệ với nhau trong một gia đình ở Bắc Mỹ, trong thời kỳ Cách mạng giành độc lập với Anh quốc. Cha mẹ cô lúc đó thấy theo phe Anh quốc có lợi về tiền bạc vật chất nhiều hơn là theo phe Cách mạng, nên họ hoạt động cung cấp tin tức cho Hoàng gia Anh. Người con gái trong kiếp đó, khá xinh đẹp, thông minh, nhưng rất lãng mạn. Đây là những yếu tố thuận lợi cho sự mưu toan của cha mẹ cô. Thay vì giữ cô ở nhà, cha mẹ lại khuyến khích cô ra ngoài dùng bản năng quyến rũ để thâu thập tin tức chính trị kiếm lợi cho gia đình.

Cha mẹ cô phải chịu trách nhiệm một phần lớn về cuộc đời phóng đãng của cô, nhằm mục đích lợi dưỡng vật chất. Kết quả là họ phải gánh chịu nuôi dưỡng săn sóc cô suốt kiếp này.

Riêng về cô con gái, chứng động kinh và bệnh tâm thần là quả báo của sự chơi bời dâm đãng vô độ trong kiếp trước.

Anh em

10/ Có hai anh em nọ cùng sinh tại Anh quốc. Trong cuộc Thế chiến thứ hai, do thất lạc cha mẹ nên cả hai được giao cho một người đàn bà Mỹ trông nom, khi đó là giám đốc một trường học ở tiểu bang New England. Người anh 10 tuổi, còn cô em mới 5 tuổi. Bà mẹ nuôi của hai em biết rành về tâm lý trẻ con, qua lý thuyết cũng như qua kinh nghiệm dạy trẻ, cảm thấy lo lắng về sự thù nghịch giữa hai anh em. Người anh khá thông minh, nhưng hung dữ và thường ăn hiếp em gái.  Bà yêu cầu ông Cayce soi kiếp cho hai đứa. Ông cho biết hai đứa trẻ này, trong một kiếp trước là người thuộc hai bộ lạc thù nghịch lâu đời và thường giao chiến với nhau ở Scotland. Sự thù nghịch này vẫn tồn tại trong tâm thức qua nhiều thế kỷ và biểu lộ qua hai đứa trẻ trong kiếp này.

Quả báo bệnh tật

Ngoài ông Cayce là người đặc biệt có khả năng thần nhãn, thấy được kiếp trước của người khác, gần đây cũng có nhiều người dùng khoa thôi miên để hướng dẫn bệnh nhân lùi về những kiếp quá khứ để tìm nguồn gốc căn bệnh, trong số đó có bác sĩ Brian Weiss, trưởng khoa về bệnh tâm thần ở bệnh viện

Mount Sinai Medical Center, Miami, tiểu bang Florida. Xuất thân là người công giáo nên ông không hề tin chuyện luân hồi, tái sinh. Nhưng vào năm 1980, trong lúc ông đang thôi miên một bệnh nhân tên là Catherine lùi về quá khứ, bỗng nhiên cô lọt về kiếp trước và nói ra những điều mà ông không thể ngờ được. Từ đó ông để tâm nghiên cứu về luân hồi và áp dụng phương pháp “Dẫn kiếp quá khứ” (Past life regression) để chữa bệnh. Câu chuyện của Catherine đã được ông viết thành sách tựa đề “Many Lives, Many Masters” (Nhiều Kiếp, Nhiều Thầy). Ngoài ra ông còn viết nhiều sách khác nói về kiếp trước, qua kinh nghiệm lâm sàng, thôi miên hơn 4000 bệnh nhân.

Dưới đây, tôi trích dịch một chuyện ngắn về quả báo bệnh tật từ sách “Same Soul, Many Bodies” (Một Linh Hồn, Nhiều Thể Xác) của ông.

Michelle là một phụ nữ khá đẹp, nhưng cô có vấn đề về đầu gối. Cô nhớ lại hồi nhỏ, đi tắm biển bị trượt chân té, đầu gối bên trái bị một tảng đá cứa rách.  Đến khi lên trung học, chơi thể thao, cô cũng bị té và phải mổ đầu gối trái. Sau này trưởng thành đi làm, mỗi khi bị áp lực hay lo nghĩ về công việc, cô cảm thấy hai đầu gối bị đau, nhất là đầu gối trái. Cô đã đi khám bác sĩ và làm đủ loại thử nghiệm như CAT scans, chụp quang tuyến X thì chỉ thấy đầu gối trái từ từ bị mất sụn. Rồi dần dần cô không đi đứng thẳng được nữa mà phải đi khập khiễng.

Cô đã tìm đến bác sĩ Brian Weiss hy vọng tìm ra nguyên nhân căn bệnh của cô.

Bác sĩ Weiss đã dùng phương pháp thôi miên và hướng dẫn cô về tiền kiếp. Trong lần dẫn kiếp đầu tiên, cô thấy mình là một phụ nữ tên Emma, sống ở miền Trung Tây Hoa Kỳ. Vào tuổi trung niên, cô bị một chiếc xe ngựa cán qua làm nát đầu gối trái và gẫy đầu gối phải khiến cô tàn tật suốt đời. Trong một kiếp khác, cô thấy mình là một chiến sĩ Nhật Bản bị trúng tên vào đầu gối trái trong khi giao chiến.

Hai lần dẫn kiếp đầu chỉ cho thấy sự liên hệ giữa kiếp quá khứ và hiện tại về vấn đề đầu gối của cô, nhưng chưa tìm ra nguyên nhân của bài học nhân quả. Do đó bác sĩ Weiss tiếp tục một lần khác. Lần thứ ba, ông hướng dẫn cô lùi xa hơn về một kiếp quá khứ ở Bắc Phi, trước thời kỳ La Mã. Trong kiếp này, cô là một người cai ngục trông coi một trại tù nổi tiếng tàn bạo. Hắn thích thú hành hạ tù nhân và làm cho họ tàn phế hai chân để khỏi tẩu thoát. Có lúc hắn dùng dao, kiếm chặt đứt gân chân tù nhân, có lúc hắn dùng đá hoặc búa đập nát đầu gối của họ. Hắn bẻ xương đùi, đóng cọc vào đầu gối. Nhiều tù nhân đã chết trong đau đớn vì các vết thương làm độc. Nhưng hắn rất thích thú khi thấy tù nhân bị đau đớn khổ sở như vậy.

Qua lần dẫn kiếp này, bác sĩ Weiss đã giúp Michelle hiểu ra nguyên nhân khiến cô bị đau đầu gối kinh niên.