OAN GIA
Tỳ kheo Thích Trí Siêu

 

Nhận diện và chuyển hóa

Nhận diện

Đức Phật dạy muốn hết khổ thì trước hết phải nhận diện ra khổ, nguyên nhân của khổ, và sau đó tìm đường thoát khổ.

Chúng ta đi chùa tụng kinh, niệm Phật, nghe giảng, học những giáo lý cao siêu như Tánh Không, Bát Nhã, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, nhưng về nhà vẫn đau khổ, phiền não với vợ chồng, con cái thì cần phải nhìn kỹ xem bản chất của họ là gì? Oan gia hay ân gia?

Oan gia là người làm mình phiền não, khổ sở. Ân gia là người giúp đỡ, an ủi, khuyến khích mình. Vấn đề nhận diện rất quan trọng, vì nếu không nhận diện ra thì chúng ta sẽ khổ hoài.

Xin lấy tạm thí dụ vợ chồng. Mình cưới một người vợ và mong chờ người vợ thương yêu mình. Nhưng sống một thời gian, người vợ không để ý tới mình mà lại say mê cờ bạc và còn ngoại tình với người khác.  Khi bị như vậy, người đời thường than: “Trời ơi! Khổ quá, tôi thương yêu, chiều chuộng, lo đi làm kiếm tiền, ở nhà cô ấy đem đi đánh bài hết”. Hoặc: “Tôi hết lòng thương yêu, săn sóc mà tại sao đối xử tệ bạc với tôi như vậy?” Gặp trường hợp này, mình phải nhìn lại xem người vợ này là gì? Oan gia hay ân gia?

Trong Kinh “Các Người Vợ” (thuộc Tăng Chi Bộ Kinh), Đức Phật có giảng về bảy loại vợ để răn dạy nàng Sujata, con dâu của ông Cấp Cô Độc. Bảy loại vợ gồm có:

1/ Vợ như kẻ sát nhân: tâm địa hiểm độc, không chung thủy trong hôn nhân, bỏ rơi và khinh bỉ chồng, tánh tình háo sát.

2/ Vợ như kẻ ăn trộm: tiêu xài hoang phí và làm suy sụp tài sản của chồng.

3/ Vợ như chủ nhân: lười biếng, hỗn xược, thô tháo, đàn áp và sai khiến chồng.

4/ Vợ như mẹ: thương yêu chăm sóc, giúp đỡ chồng, biết cách giữ gìn và làm giàu tài sản của chồng như một người mẹ lo lắng cho con cái.

5/ Vợ như em: thùy mị, khiêm tốn, biết tôn trọng, kính nể, tùy thuận chồng như đối với người anh trong gia đình.

6/ Vợ như bạn: niềm nở, vui vẻ, hòa thuận, cư xử bình đẳng và thủy chung với chồng như người bạn tốt.

7/ Vợ như nữ tỳ: mềm mỏng, nhẫn nhục, không sân hận. Dù bị chồng đối xử không đẹp nhưng vẫn nhường nhịn không tỏ thái độ lỗ mãng. Biết phục vụ và phục tùng chồng như đầy tớ đối với chủ.

Đức Phật xưa kia, khi nhìn vào một gia đình, ngài đã thấy và phân biệt ra được bảy loại vợ. Nói theo giáo lý oan gia thì ba loại vợ đầu là oan gia, còn bốn loại vợ sau là ân gia.

Bài kinh trên đức Phật nói về người vợ, nhưng từ đó chúng ta cũng có thể suy ra bảy loại chồng:

1/ Chồng như kẻ sát nhân: tâm địa hiểm độc, tính tình háo sát, hành hung, đánh đập vợ.

2/ Chồng như kẻ ăn trộm: ăn chơi, tiêu xài hoang phí tài sản của vợ.

3/ Chồng như chủ nhân: lười biếng, thô tháo, đàn áp, ăn hiếp vợ.

4/ Chồng như cha: thương yêu, săn sóc, giúp đỡ vợ như một người cha lo cho con cái.

5/ Chồng như anh: săn sóc, bảo vệ vợ như đối với người em trong gia đình.

6/ Chồng như bạn: vui vẻ, hòa thuận, cư xử bình đẳng, thủy chung với vợ như người bạn tốt.

7/ Chồng như nô bộc: mềm mỏng, nhẫn nhục.  Dù vợ đối xử không đẹp cũng vẫn nhường nhịn như đầy tớ đối với chủ.

Ba loại chồng đầu là oan gia, còn bốn loại sau là ân gia.

Sau khi nhận diện ra oan gia rồi thì chúng ta tìm tới nguyên nhân của khổ oan gia.

Nguyên nhân của khổ oan gia là luôn mong chờ, đòi hỏi oan gia phải thương yêu và đối xử tốt với mình. Kế đến là luôn tìm cách sửa đổi tánh tình của oan gia theo ý mình.

Một bà mẹ kia có ba đứa con gái, hai đứa lớn chuyên lợi dụng moi tiền bà nhưng bà rất thương chúng nó. Còn đứa út luôn lo lắng cho bà nhưng bà không bao giờ đoái hoài. Đến khi bà lớn tuổi bị bệnh thì hai đứa lớn, không có đứa nào tới chăm sóc hỏi thăm bà. Chỉ có đứa con út bỏ thì giờ tới săn sóc cho bà. Tuy vậy, bà nói thẳng là bà không thương và không chia gia tài cho nó.  Cả ngày bà cứ thèm khát, trông ngóng hai đứa con gái lớn tới thăm bà. Chờ mãi không thấy tụi đó đến, bà nhắn tin là bà có gia tài để lại, và thế là tụi nó đến ngay. Sau khi nhận gia tài của bà xong, tụi nó lại biến mất dạng. Còn đứa con út, không được một đồng nào mà vẫn một mực chăm sóc cho bà. Nhìn từ bên ngoài thật là bất công. Nhưng luật oan gia biểu hiện kỳ diệu như vậy đó.  Đứa con út thiếu nợ bà, nên nó tới để trả cho bà. Còn hai đứa lớn kia, chúng tới đòi nợ bà, lấy hết tiền của bà xong rồi bỏ đi. Chỉ tội cho bà già, không hiểu luật oan gia, cứ tưởng mình cho tiền, cho gia tài thì hai đứa con lớn sẽ thương yêu mình. Bà thèm tình thương của chúng. Bà thiếu nợ chúng tiền, trả nợ cho chúng mà tưởng là mình ban ơn rồi mong chúng cho lại bà chút tình.  Nhưng oan gia không có tình nghĩa gì hết! Họ tới để đòi nợ xong rồi đi.

Ai cũng biết có vay thì phải có trả, nhưng khi trả thì không vui hoặc trong lúc trả lại lầm tưởng là mình ban ơn (làm phước) rồi đòi người ta. Giống như trường hợp bà già ở trên. Bà thiếu nợ hai đứa con gái lớn, nên chúng nó tới đòi nợ. Trong lúc bà trả nợ tiền cho chúng thì bà lại mong chờ, đòi hỏi chúng đáp lại bằng tình, tức là phải chú ý, quan tâm tới bà.

Nợ tiền thì trả tiền.  Nợ tình thì trả tình. Nhưng nhiều khi không biết, thiếu tình mà lại đem tiền ra trả. Giống như trường hợp các ông chồng thương vợ, đi làm bao nhiêu tiền đem về đưa hết cho vợ, bảo thích mua cái gì thì mua. Đa số các bà vợ được chồng cho tiền mua sắm thì vui, nhưng cũng có bà không hài lòng mà đòi hỏi sự chú ý, chăm sóc, vuốt ve, hỏi thăm của chồng. Những bà vợ này cần tình chứ không phải tiền.

Chuyển hoá 

Sau khi nhận diện oan gia và nguyên nhân của khổ oan gia thì chúng ta phải tìm cách hóa giải nghiệp oan gia. Nếu là con nợ thì khéo trả, còn chủ nợ thì nên xả.

Thế nào là khéo trả? Đó là trả mà đừng vay thêm, tức là không gây thêm ân oán, bực tức, giận hờn với oan gia (chủ nợ).

Thế nào là khéo xả? Nếu mình hay đòi hỏi, khó chịu, kiếm chuyện, bắt lỗi, chỉ trích, trách móc, ăn hiếp kẻ khác thì hãy dừng lại, đừng tiếp tục làm khổ kẻ khác, mà hãy tha thứ, hỷ xả cho họ.

Muốn vậy chúng ta phải tu tập, chuyển hóa trên ba phương diện: tâm ý, tình cảm, và hành xử.

1/ Trên phương diện tâm ý thì tập thay đổi cách suy nghĩ.

Trước đây ta cứ nghĩ vợ chồng, con cái là người thương của mình, nhưng nay ta tập suy nghĩ lại: họ chỉ là những chúng sinh có duyên nợ ân oán với mình, bây giờ trở lại dưới hình thức vợ chồng, con cái để đòi nợ hay trả nợ.

Hiểu như vậy nên chúng ta không còn mong chờ, đòi hỏi oan gia phải thương yêu và đối xử tốt với mình. Bởi vì công việc của oan gia là tới đòi nợ chứ không phải thương yêu mình.

Con người bản chất ích kỷ nên không biết lo cho kẻ khác, chỉ khi nào yêu thương ai thì mới lo lắng hy sinh cho người đó. Bởi vậy oan gia mới tái sinh dưới hình thức người thân thương để chúng ta lấy tình thương mà hóa giải hận thù.

Chúng ta đến trường đời này, đóng vai cha mẹ để yêu thương, dạy dỗ và hy sinh cho con cái, chứ không phải trông chờ nó báo hiếu.

Đóng vai vợ chồng để học sống hòa thuận, thương yêu, chia sẻ với một người khác.

Đóng vai con cái để học hiếu thảo và biết ơn công lao sinh thành dưỡng dục của cha mẹ. Đức Phật dạy “Phụ mẫu tại thế như Phật tại tiền”, nếu vô ơn bất hiếu với cha mẹ thì quả báo là con cái mình sẽ bất hiếu lại với mình.

2/ Trên phương diện tình cảm thì tập chuyển sự ưa ghét, ái luyến thành từ bi, hỷ xả .

Trước kia vì không biết vợ chồng, con cái là oan gia mà tưởng là người thương, là cục cưng, nên chúng ta ái luyến, bám víu, mong đợi. Nếu họ bỏ đi, hoặc hất hủi thì mình đau khổ. Thương không được thì đâm ra ghét. Thương và ghét đều bắt nguồn từ tình cảm ái luyến. Nay hiểu được oan gia không có nghĩa là vứt bỏ tình cảm mà là chuyển tình cảm ái luyến, ích kỷ, bi lụy thành tình cảm cao thượng, giải thoát. Thực tập các pháp quán Tâm Từ, quán Tha Thứ và quán Xả sẽ giúp chúng ta chuyển hóa và giải nghiệp oan gia.

3/ Trên phương diện hành xử thì tập kiên nhẫn, nhường nhịn, ái ngữ và tùy thuận.

Oan gia là người tới đòi nợ tiền, hoặc tình, nên thường kiếm chuyện, đòi hỏi mình đủ thứ. Nếu mình nổi giận, trách mắng và ăn thua đủ thì họ sẽ tức lên và làm khổ mình thêm. Do đó mình phải tập kiên nhẫn, nhường nhịn và đáp trả bằng lời nói dịu dàng (ái ngữ). Tùy thuận tức là cố gắng đáp ứng những đòi hỏi của họ mà không tỏ vẻ bực mình hay khó chịu.  Khi những đòi hỏi được đáp ứng thì chủ nợ sẽ hài lòng và từ từ thay đổi thái độ. Điều cần nhớ là không nên cằn nhằn, chỉ trích, bắt lỗi, mà ngược lại nên khơi dậy, khuyến khích những đức tính tốt của họ bằng cách khen tặng mỗi khi họ làm được điều gì tốt đẹp, dễ thương. Đến một ngày nào đó, bỗng nhiên chủ nợ thay đổi hoàn toàn, không còn khó dễ với mình nữa, hoặc trở nên dễ thương thì biết là nợ oan gia đã trả xong, và mình đã chuyển oan gia thành ân gia (xem chuyện “Tha thứ tích cực” ở chương “Các chuyện oan gia”).

Nhưng nếu gặp trường hợp oan gia hạng nặng, hung dữ, chửi bới, đánh đập mình mỗi ngày thì làm sao?

Nếu gặp trường hợp như vậy thì nên bỏ trốn.

Giống như trường hợp ở Grand Prairie (phần trước). Người chồng trước khi bắn chết vợ, anh ta đã từng đánh vợ và hăm giết vợ. Nếu người vợ đó biết được đây là oan gia nặng thì phải tìm đường bỏ trốn. Trốn ở đây là trốn tạm thời.  Nghĩa là sao? Thí dụ như mình vay ngân hàng 200.000$. Nhưng bây giờ mình thất nghiệp không có tiền trả, và họ tới đòi dữ quá thì mình phải đi trốn.  Trốn đi phương xa làm ăn có tiền từ từ trả nợ sau. Nếu làm ăn khá, một năm kiếm được 200.000$, đem về trả cú một. Còn bây giờ mình không đi làm, không có tiền mà cứ đứng ỳ ra đó, oan gia đến đòi mà không trả thì người ta bực lắm. Mà bực thì người ta ghét và tìm cách hành hạ mình cho đã giận. Cuối cùng lên đến cực điểm thì có thể giết nhau.

Bởi vậy nếu gặp oan gia nặng, đòi nợ dữ quá thì mình nên chạy trốn tạm thời, tìm cách tránh xa như ly dị, ly thân, hay đi ở chỗ khác, đừng sống chung nữa. Tránh xa để lo tu tâm, sửa tánh, bố thí, làm phước, rồi từ từ dùng phước đó trả nợ cho oan gia sau.

Nếu bất đắc dĩ phải tránh xa, không thể chung sống với oan gia được nữa thì mình nên chia tay một cách hòa nhã, khéo léo, cám ơn những gì tốt đẹp mà họ đã ban cho mình. Giả như họ không làm được một chút gì tốt đẹp cho mình, thì mình cũng cám ơn họ đã cho mình một bài học oan gia nhớ đời.

Quán tâm từ

Nguyên nhân khiến chúng ta gây ra nghiệp oan gia là thiếu lòng từ đối với mọi người, chúng ta đã sống ích kỷ, chỉ biết lợi cho mình mà hại kẻ khác, gieo rắc ân oán, hận thù, làm kẻ khác đau khổ.  Do đó họ mới tìm đến để đòi nợ.  Bởi vậy, chúng ta phải tập phát triển lòng từ bằng cách thực tập quán tâm từ (hay rải tâm từ). Đây là một pháp thiền quán rất phổ thông trong truyền thống Phật giáo Nam tông, gọi là Metta Bhavana.

Hành giả ngồi thiền cho tâm vắng lặng và thầm cầu nguyện như sau:

“Cầu mong cho tôi được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.

Cầu mong cho người thân của tôi (cha mẹ, anh em…) được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não…

Cầu mong cho những người quen (tên…) được mạnh khỏe, bình an…

Cầu mong cho người xa lạ (tên…) được mạnh khỏe, bình an…

Cầu mong cho kẻ thù và oan gia của tôi … được mạnh khỏe, bình an…

Cầu mong cho tất cả chúng sinh được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, giận hờn, lo sợ, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn.”

Khi thực tập quán tâm từ, đầu tiên bạn hãy làm cho tâm vắng lặng bằng cách chú ý vào hơi thở của mình trong vài phút, buông xả tất cả lo nghĩ. Khi tâm vắng lặng thì ta mới có thể đưa những ý tưởng từ bi này vào tàng thức (A lại da thức), và từ đó mới có sự chuyển hóa thực sự. Chứ nếu bạn chỉ ngồi xuống rồi đọc thuộc lòng bài quán tâm từ như trả bài thì sẽ không có hiệu quả.

Mỗi câu trong bài quán nên được lập đi lập lại nhiều lần chậm rãi trong tâm. Nói cách khác là Ý nghĩ điều gì, thì trái tim (tình) phải cảm nhận điều đó. Ý và Tình, hay óc và tim phải đi đôi với nhau.

Ngoài giờ thiền quán bạn vẫn có thể tiếp tục tu tập được quán tâm từ trong đời sống hàng ngày, thí dụ đi đường thấy một người nào đó có vẻ buồn khổ thì bạn khởi ngay trong tâm: cầu mong cho ông/bà được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, … xa lìa khổ nạn. Xa hơn nữa, mỗi khi giận người nào hoặc bị người đó làm phiền thì bạn cũng khởi lên câu nguyện kia: cầu mong cho anh/chị được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, v.v…thay vì khởi lên ý nghĩ giận hờn, thù ghét.

Tại sao chúng ta lại phải cầu mong cho kẻ thù và oan gia của mình được mạnh khỏe, bình an, thân không tật bệnh, tâm không phiền não, hằng ngày an vui, xa lìa khổ nạn? Tại sao không cầu cho oan gia của mình chết sớm cho mình đỡ khổ?

Nên biết rằng oan gia đi đòi nợ chúng ta, họ cũng khổ lắm, không có vui sướng gì.  Mỗi khi họ la hét, mắng chửi mình thì họ đâu có vui!  Có ai trong lòng đang vui lại đi kiếm chuyện, chửi bới kẻ khác? Chính chúng ta vô minh đã làm khổ họ đời trước, nên đời này họ mới tìm gặp để trả thù. Nếu đời này, chúng ta biết lỗi, đối xử tốt với họ, thành thật cầu mong cho họ an vui, hạnh phúc, và nếu sức thiền quán đủ mạnh thì lòng từ của ta sẽ lan tỏa đến họ và họ cảm nhận được. Khi được vui vẻ, hạnh phúc thì họ sẽ tha mình, không kiếm chuyện với mình nữa. Còn nếu chúng ta trù ẻo, mong cho họ chết thì họ sẽ bực tức và trút cơn sân hận vào mình, như thế có phải là dại không?

Quán Tha Thứ

Đời trước chúng ta đã tạo nghiệp oan trái, làm khổ người khác. Bây giờ họ trở thành oan gia não hại mình. Do đó chúng ta cần phải sám hối, xin lỗi, cầu xin tha thứ. Trong chùa thường có những buổi lễ sám hối, trong đó chúng ta lạy Phật 108 lạy hoặc 500 lạy hoặc 1000 lạy, v.v..Sự sám hối này là một nghi

thức sám hối tổng quát những tội lỗi mình đã tạo trong quá khứ mà không nhớ rõ chi tiết. Sự sám hối này thuộc về thân sám hối nhiều hơn là tâm sám hối.

Quán Tha Thứ thuộc về tâm sám hối, tức là chúng ta ngồi quán chiếu những lỗi lầm mà mình đã tạo cho kẻ khác, rồi cầu xin họ tha thứ cho ta. Đây chính là câu “tội từ tâm khởi, đem tâm sám”.  Tuy nhiên sám hối trong tâm, hay cầu xin người khác tha thứ trong tâm chưa đủ. Bởi vì tội lỗi bắt nguồn từ trong tâm (ý nghĩ), nhưng nó phát ra thân và miệng cho nên chúng ta phải sám hối cả thân và miệng, tức là tìm đến xin lỗi người mà mình đã làm tổn thương. Khi làm ai buồn mà mình đến xin lỗi tức là mình đã giảm bớt 50% nghiệp oan gia. Nếu người kia đồng ý tha thứ cho mình thì giảm nốt 50% còn lại. Do đó thực tập quán Tha Thứ thường xuyên sẽ giúp chúng ta giảm nghiệp oan gia quá khứ và bớt tạo nghiệp oan gia mới.

Sau đây là bài quán Tha Thứ, cách thực tập cũng giống như quán Tâm Từ, tức là bạn ngồi thiền vài phút cho tâm lắng đọng rồi đọc thầm những câu sau:

“Nếu tôi đã từng làm ai đau khổ hay tổn thương bằng tư tưởng, lời nói hay hành động thì tôi xin tất cả hãy từ bi tha thứ cho tôi.

Tôi xin mở lòng từ bi tha thứ cho những người đã từng làm tôi đau khổ và tổn thương.

Tôi xin tha thứ cho những điều lầm lẫn vụng dại của tôi và nguyện cố gắng sửa đổi.

Cầu xin cho tất cả mọi người biết tha thứ cho nhau và không ôm ấp hận thù.”

Quán Xả

Sau đây là bài quán Xả:

“Tôi cố gắng giúp đỡ và làm vui lòng người khác, nhưng nếu họ vẫn không vui và đau khổ thì tôi biết chấp nhận vì hiểu đó là nghiệp quả của họ.

Tôi biết tôi không thể thay đổi tánh tình hay nghiệp quả của người khác nếu họ không muốn.

Tôi không còn muốn sự vật phải theo ý tôi, vì sự vật xảy ra theo luật nhân duyên và nhân quả.

Cầu mong cho tôi biết chấp nhận mọi sự việc xảy ra với tâm bình thản không ưa ghét, buồn giận, lo sợ.”

Khi sống chung với oan gia, chúng ta thường mong muốn, đòi hỏi oan gia phải thế này, thế nọ, thí dụ như cha mẹ muốn con cái phải hiếu thảo, biết lo lắng, cung phụng, thăm hỏi mình, v.v…  hoặc nếu là con cái thì muốn cha mẹ phải biết đạo, ăn chay niệm

Phật, đi chùa, đừng ham cờ bạc, ăn chơi phung phí, v.v… hoặc vợ muốn chồng như thế này, chồng muốn vợ như thế kia  Mỗi người muốn thay đổi kẻ khác theo ý mình. Nhưng kẹt một điều là oan gia có bao giờ chiều theo ý mình đâu? Họ không chiều ý mình mà ngược lại, bắt mình phải chiều theo ý họ. Ai cũng muốn điều khiển kẻ khác. Cứ thế hai bên giằng co làm khổ nhau.

Khi nhận diện ra oan gia, chúng ta cần phải khởi lòng từ, không còn mong chờ họ làm vừa lòng mình, mà ngược lại, cố gắng giúp đỡ làm cho họ vui lòng. Nhưng nếu mình đã cố gắng hết sức mà họ vẫn không vui, không hài lòng, thì mình phải biết chấp nhận vì biết họ đang lãnh thọ một nghiệp quả xấu.

Thí dụ như ngài Mục Kiền Liên rất có hiếu, biết mẹ tái sinh làm ngạ quỷ, ngày đêm đói khát, nên ngài dùng thần thông đem cơm đến cho mẹ ăn. Nhưng khi bà bốc cơm lên đưa tới miệng thì cơm biến thành than lửa không ăn được. Ngài Mục Kiền Liên đã làm hết sức mình, nhưng nghiệp của bà Thanh Đề quá nặng, khiến bà không ăn được.

Câu quán thứ hai giúp chúng ta bớt khổ khi oan gia, con cái, vợ chồng, cha mẹ không thay đổi tánh tình, chứng nào tật nấy. Thí dụ vợ hay chồng của mình có tánh nóng, hễ ai nói trái ý một chút là nổi giận. Mình đã cố gắng mọi cách để thay đổi họ, nhưng họ chứng nào vẫn tật nấy. Lý do là tự họ đâu có muốn sửa tánh nóng, hoặc không thấy lý do gì cần sửa tánh. Cũng giống như người thích uống rượu, hút thuốc, ai khuyên cách mấy cũng không bỏ. Chỉ trừ khi nào đi bác sĩ khám phá ra mình bị viêm gan, hoặc ung thư phổi thì may ra mới chịu bỏ rượu, bỏ thuốc. Hoặc nếu họ vẫn không chịu bỏ thì mình phải biết chấp nhận nghiệp quả sẽ đến là họ phải chết vì rượu và thuốc.

Câu quán thứ ba không những giúp cho ta bớt khổ với oan gia, mà còn bớt khổ với mọi sự việc không may, bất hạnh xảy ra.

Thực hiện được câu quán thứ tư là coi như giải thoát, bởi chư tổ thiền xưa kia tu hành cũng chỉ mong đạt tới trạng thái “bát phong suy bất động”, tức là tám gió đời (được-mất, khen-chê, vinh-nhục, sướng-khổ) thổi mà tâm không lay động. Sống ở đời mà tâm bình thản, không ưa ghét, buồn giận, lo sợ thì đó là giải thoát ngay trong cõi Ta Bà rồi.

Cách quán Tha Thứ cũng giống như quán Tâm Từ, tức là bạn phải ngồi xuống, chú ý vào hơi thở cho tâm lắng xuống, tạm gác bỏ những lo âu phiền não ra ngoài chừng năm phút, rồi sau đó lập lại những câu quán nhiều lần cho nó “thấm” vào tâm, thấm vào A lại da thức.

Tàng thức hay A lại da thức là tâm thức sâu thẳm bên trong, nó chứa đựng tất cả những hạt giống nghiệp, nói kiểu mới là chứa những chương trình tâm ý (mental program). Chính những chương trình tâm ý này khởi động và sai sử chúng ta tạo nghiệp qua ý nghĩ, lời nói, hành động. Do đó muốn chuyển nghiệp thì phải chuyển được A lại da thức. Còn nếu chỉ quán sơ sơ, đọc sơ sơ như trả bài thì đó chỉ tác động trên mặt ý thức nông cạn, không đủ để chuyển nghiệp.  Bởi vậy, khi chúng ta tu hành, tụng kinh, niệm Phật, ngồi thiền mà không đưa được những “chương trình tâm ý tốt” vào A lại da thức thì khó có sự thay đổi. Gốc rễ tham, sân, si, phiền não vẫn còn nguyên trong kho tàng thức.

Hiệp ước sống chung  

Khi thương yêu nhau thì ai cũng muốn sống chung với nhau. Nhưng khi sống chung thì luôn sinh ra phiền não, bởi vì ai cũng muốn sai sử, điều khiển người khác theo ý mình. Bởi vậy từ gia đình ra đến xã hội, hễ nơi nào có nhiều người tụ họp, sinh hoạt chung thì cần phải có những quy luật, giới luật, luật lệ, hiệp ước để mọi người nương theo, không ai ăn hiếp hay lấn lướt kẻ khác.

Trong một gia đình cũng vậy, để sống yên vui hạnh phúc, chúng ta có thể áp dụng và thực tập “tám điều hiệp ước sống chung[1]” sau đây:

1/ Truyền thông 

Đa số những chuyện buồn giận đều do hiểu lầm, không nói hoặc nói không rõ. Khi thương cũng như khi buồn đều cần bày tỏ nói ra với ái ngữ và chánh ngữ để thông cảm lẫn nhau.

Sống chung mà mạnh ai nấy sống, không ai nói chuyện với ai thì sớm muộn gì cũng tan rã. Mục đích của truyền thông (communication) là làm cho hai bên hiểu và thông cảm  lẫn nhau. Muốn vậy thì phải biết nói và biết lắng nghe. Nhưng nói những gì? Và nghe làm sao? Nhiều người nói suốt ngày nhưng nói toàn những chuyện vô ích, chuyện trên trời dưới đất, chuyện thị phi, tốt xấu của người khác, còn chuyện tình cảm quan trọng thì không biết nói. Suốt ngày nghe nhạc, coi ti-vi, xem video, kiếm chuyện giải trí, chạy theo sự ồn ào náo động bên ngoài để lấp vá sự trống vắng trong tâm hồn nhưng lại không biết lắng nghe người thương của mình tâm sự. Chúng ta cần phải tập bày tỏ ý kiến, ý nghĩ, tình cảm, nội kết của mình cho người kia hiểu và thông cảm, không nên lặng lẽ âm thầm chịu đựng khổ đau một mình.

2/ Tương trợ

Biết ưu điểm và khuyết điểm của nhau để bổ sung và giúp đỡ nhau. Khi mới yêu, ai cũng phô trương cái hay cái đẹp của mình còn cái xấu dở thì dấu đi. Sau khi ở chung, những cái xấu kia mới lòi ra và lúc đó bất mãn buồn bực. Nhân vô thập toàn, ai cũng có ưu điểm và khuyết điểm, điều quan trọng là biết chấp nhận và nâng đỡ nhau. Thí dụ chồng có sức khỏe làm việc nặng nhọc nhưng không có tài giao thiệp, vợ thì đảm đang khéo ăn nói, mỗi khi cần giao thiệp với người ngoài thì vợ nên thay thế chồng. Bồng em thì khỏi nấu cơm, nấu cơm thì khỏi bồng em.

3/ Trung thành 

Cam kết trung thành với nhau, không lừa dối, ngoại tình, v.v…Đây chính là giới thứ ba trong năm giới căn bản của người Phật tử, giới không tà dâm. Có trung thành thì tình yêu mới bền vững lâu dài.

4/ Thương yêu

Không nên lầm lẫn thương yêu với ái luyến. Thương yêu là mong muốn người kia được an vui hạnh phúc, biết chấp nhận người kia như họ là. Tình thương thực sự phải giống như tình mẹ thương con, dù con đẹp hay xấu, khôn hay dại, người mẹ đều thương, chấp nhận và không bao giờ bỏ con. Đây là tình thương vô điều kiện. Thương mà cứ bắt người kia phải chiều theo ý mình thì đó là ích kỷ, chỉ thương mình chứ không biết thương kẻ khác.

5/ Tôn trọng 

Tôn trọng tự do, không gian và nhân tính của người thương. Không nên kiểm soát điều khiển, biến người kia thành nô lệ phải tuân theo ý của mình. Thương nhau thì phải tôn trọng không gian của nhau, không xâm lấn, đàn áp, hành hung.

6/ Biết hỏi và biết cám ơn

Mỗi khi muốn điều gì thì phải cam đảm bày tỏ, hỏi xin, yêu cầu và tôn trọng, chấp chận sự đáp ứng của người kia. Thí dụ chồng muốn đi xi nê nhưng không biết vợ có thích không? Tốt nhất là bày tỏ ý muốn của mình, nếu vợ thích thì cùng đi, còn vợ không thích vì một lý do gì đó thì chồng không nên nài ép hoặc giận dỗi. Và khi người kia làm một điều gì tốt cho mình thì phải biết tri ơn, nói lời cám ơn.

7/ Chia xẻ

Chia xẻ với nhau về ý kiến, tình cảm, vật chất, không thủ lợi ích kỷ. Cho phép và chấp nhận người kia đi vào cuộc đời của mình, tìm hiểu mình, không giấu diếm.

8/ Cởi mở, làm mới 

Sống chung một thời gian, không ai tránh khỏi nhàm chán buồn tẻ vì bận làm ăn, lo cho con cái, không có thì giờ vui chơi giải trí như hồi mới quen nhau. Do đó cần phải biết cởi mở, làm sống lại tánh hồn nhiên, dễ thương, thông cảm của thuở ban đầu. Mỗi người ngồi xuống thành thật viết ra những khía cạnh đáng yêu và đáng ghét của bao năm sống chung rồi trao đổi với nhau. Kế đó cùng bàn luận và tìm những giải pháp thích nghi ngõ hầu đáp ứng được ước muốn chung của hai người.

Hạnh phúc cần được xây dựng và duy trì, chứ không phải đợi người kia cho ta hạnh phúc. Nếu chờ đợi người kia cho ta, chiều ý ta thì đó không phải tình yêu mà là tình đòi, tình nợ, hai bên đòi qua đòi lại, không ai biết cho, biết hiểu để cuối cùng thành tình sầu, tình hận, thành oan gia kiếp sau đi tìm nhau đòi tiếp.

 

[1] Trích từ sách “Ý Tình Thân”, Thích Trí Siêu