Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Ngài Hạ Liên Cư hội tập
Cụ Hoàng Niệm Tổ chú giải
Bửu Quang Tự đệ tử Như Hòa chuyển ngữ
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2563 -2019

 

II. PHÁT ĐẠI THỆ NGUYỆN ĐỆ LỤC

Phẩm thứ sáu này chân thật là trung tâm của toàn bộ kinh. Trong phẩm này, đức Bổn Sư A Di Đà Phật chính miệng ngài tuyên nói; đức Thích Ca Mâu Ni Phật chỉ vì chúng ta mà thuật lại. Phẩm kinh này xem như là “Đại hiến chương của thế giới Tây Phương Cực Lạc”. Trong phẩm này, Pháp Tạng Bồ Tát tuân lời Thế Gian Tự Tại Vương Phật, đối trước đại chúng tuyên thuyết đại nguyện thù thắng, diệu đức khó lường của mình. Sách Bình Giải nhận định: “Bốn mươi tám nguyện, công đức thành tựu chỉ qui vào một Chánh Giác, tức là câu Nam mô A Di Đà Phật”, đấy là hoằng thệ bổn nguyện hải, cũng là bi nguyện Nhất Thừa, là công đức Chánh Giác của Di Đà vậy.

KINH VĂN:

Pháp Tạng bạch ngôn: – Duy nguyện Thế Tôn , đại từ thính sát. Ngã nhược chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề thành Chánh Giác dĩ, sở cư Phật sát cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm, vô hữu địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú, quyên phi nhuyễn động chi loại. Sở hữu nhất thiết chúng sinh, dĩ cập Diễm Ma La giới, tam ác đạo trung, lai sinh ngã sát, thọ ngã pháp hóa, tất thành A Nậu Đa La Tam Miệu Tam Bồ Đề, bất phục cánh đọa ác thú. Đắc thị nguyện, nãi tác Phật. Bất đắc thị nguyện, bất thủ Vô Thượng Chánh Giác.

VIỆT DỊCH:

Pháp Tạng bạch rằng: – Kính xin đức Thế Tôn đại từ nghe, xét. Nếu tôi chứng được Vô Thượng Bồ Đề, thành Chánh Giác rồi, thì cõi nước tôi ở sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn, không có địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn. Tất cả hết thảy chúng sinh cho đến những kẻ từ trong cõi Diễm Ma La, trong ba đường ác sinh sang cõi tôi, nhận pháp hóa của tôi ắt thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, chẳng đọa vào đường ác nữa. Nguyện được như thế mới làm Phật, chẳng thỏa nguyện ấy, chẳng giữ lấy Vô Thượng Chánh Giác.

GIẢNG:

“Pháp Tạng bạch ngôn: – Duy nguyện Thế Tôn, đại từ thính sát” (Pháp Tạng bạch rằng: – Kính xin đức Thế Tôn đại từ nghe xét):“Thính” là tai nghe, “sát” là trong tâm suy xét. Pháp Tạng Bồ Tát thỉnh cầu Thế Tôn (tức Thế Gian Tự Tại Vương Như Lai) rủ lòng từ thương xót, lắng nghe mình thưa hỏi, soi xét tấm chân thành của mình. Tiếp đó, Pháp Tạng trình bày những đại nguyện của mình đã phát. “Ngã nhược chứng đắc Vô Thượng Bồ Đề, thành Chánh Giác dĩ, sở cư Phật sát, cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm” (Nếu tôi chứng được Vô Thượng Bồ Đề thành Chánh Giác rồi thì cõi nước tôi ở sẽ đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).

Theo chú giải của cụ Hoàng Niệm Tổ, bốn câu này bao trùm tất cả các đại nguyện: Nguyện lúc tôi thành Phật, cõi nước tôi ở có đầy đủ vô lượng công đức thắng diệu, đầy đủ vô lượng thanh tịnh trang nghiêm. Chữ “cụ túc” là đầy đủ, viên mãn, trọn vẹn không khuyết, không sót nên bảo là “cụ túc”. Những công đức trang nghiêm đầy đủ ấy đều siêu tình ly kiến, chẳng thể đem tâm suy lường, phân biệt mà có thể biết nổi; chẳng thể dùng ngôn ngữ, văn tự diễn tả nổi, nên bảo là “bất khả tư nghị” (chẳng thể nghĩ bàn).

Do đầy đủ vô lượng công đức chẳng thể nghĩ bàn nên có thể khiến cho chúng sinh nghe tên được phước, nghe danh hiệu phát tâm, mười niệm ắt sinh, mau chứng Bất Thoái, cõi nước tất cả vạn vật đều nghiêm tịnh, vi diệu đến cùng cực, sáng lạng như gương, chiếu khắp mười phương. Chúng sinh được quang minh chiếu đến đều an lạc, cấu diệt, thiện sanh. Mùi hương xông khắp, chúng sinh trong mười phương thế giới ngửi thấy đều tu Phật hạnh; thấy cây Bồ Đề liền chứng Vô Sanh Nhẫn. Thế giới Cực Lạc hiển hiện đẹp đẽ, mỗi hạt bụi, mỗi sợi lông đều viên minh cụ đức.

Duy chỉ Kinh Hoa Nghiêm nói đến cảnh giới chẳng thể nghĩ bàn: Sự sự vô ngại, một tức là nhiều, nhiều tức là một, lớn nhỏ dung chứa lẫn nhau, rộng hẹp tự tại, kéo dài hay rút gọn đều cùng một lúc, trùng trùng vô tận, viên minh cụ đức v.v…; nếu nói đầy đủ là mười huyền môn như trong phần phán giáo đã trình bày sơ lược. Trong kinh này, A Di Đà Phật chính là Tỳ Lô Giá Na Như Lai; Cực Lạc Tịnh Độ nào khác Hoa Tạng thế giới. Toàn thể y báo, chánh báo cõi Cực Lạc là cảnh giới sự sự vô ngại chẳng thể nghĩ bàn, thứ nào cũng đầy đủ trọn vẹn vô tận huyền môn, nên nói: “Cụ túc vô lượng bất khả tư nghị công đức trang nghiêm” (Đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn).

Bốn câu này được đặt ở đầu lời nguyện để biểu thị: Không nguyện nào trong bốn mươi tám nguyện sẽ trình bày sau đây, lại chẳng giống như vậy. Mỗi mỗi nguyện đều vì chúng sinh; mỗi mỗi nguyện đều hiển hiện bổn tâm diệu minh của Phật Di Đà; mỗi mỗi sự tướng đều là “thanh tịnh cú”, đều là “chân thật trí tuệ, vô vi Pháp Thân”.

Chúng ta thật sự học Phật phải thường để giáo huấn này trong tâm, phải xem nó là đệ nhất. Để thực hiện được điều này, trước nhất cá nhân phải là người tốt. Người tốt nhất là người phát Bồ Đề tâm, nhất hướng chuyên niệm Phật A Di Đà, chỉ đọc một bộ Kinh Vô Lượng Thọ, chỉ niệm duy nhất một câu Phật hiệu.

Nếu có thể buông bỏ hết danh văn lợi dưỡng, ngũ dục lục trần, “tham-sân-si-mạn”; làm tấm gương tốt cho tất cả mọi người; sau đó ảnh hưởng đến gia đình, đến xã hội, đến chánh pháp cửu trụ. Gia đình đó là gia đình Phật hóa, mọi người đều có thể thực hành theo lời giáo huấn của Phật trong kinh điển, hòa thuận thân ái, sẽ ảnh hưởng đến thân thích bạn bè, đến hàng xóm, đến cả sự nghiệp của họ.

Trong công ty, cửa tiệm thực hành được lời Phật dạy ngay trong cách xử sự đối với tất cả nhân viên; sự nghiệp này của họ sẽ là sự nghiệp của Tam Bảo, đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm chẳng thể nghĩ bàn. Mười năm, hai mươi năm, v.v… họ sẽ ảnh hưởng đến cả khu vực này, thành phố này. Lúc đó tôi tin rằng những gì Phật nói trong kinh đều xuất hiện, đó là vạn vật nghiêm tịnh, đầy đủ vô lượng công đức. Tôi ở Singapore ba năm, không đủ phước báo nên đã ra đi. Làm việc ở bên đó ba năm rưỡi đã khiến cho chín tôn giáo lớn ở Singapore đoàn kết thành một nhà như anh chị em. Lúc đó tổng thống Singapore vô cùng hoan hỉ. Hai vợ chồng tổng thống là người tốt, nay cả hai đều đã qua đời.

Năm 2000, chúng tôi từ Singapore đến Úc Châu. Sang năm, Học Viện chúng tôi thành lập tròn mười năm. Tổ chức, hoạt động của chúng tôi đích thật đều là theo mục tiêu này tiến lên. Trong mười năm, chúng tôi và cư dân trong thành phố nhỏ này dung hòa thành một như anh chị em. Cách làm của chúng tôi cũng là tùy duyên, hoàn toàn không có chút miễn cưỡng nào.

Mười năm trước, ngày thành lập Học Viện, chúng tôi mở bữa tiệc vào buổi tối, tiếp đãi dân chúng địa phương, là cư dân của ba con đường lân cận. Chúng tôi đã phát thiệp mời họ đến để chúng tôi ra mắt và đồng thời nói cho họ biết chúng tôi là một đoàn thể Phật giáo mới đến đây ở. Đối với họ, đây là điều rất mới mẻ, vì xưa  nay chưa từng tiếp xúc với Phật giáo. Thành phố nhỏ này chỉ có đạo Cơ đốc, không có Phật giáo, chúng tôi đến đây làm hàng xóm của họ. Mọi người dùng cơm rất hoan hỉ. Sau bữa cơm có nhiều người đến nói với tôi: Thầy ơi! Hoạt động này của thầy có thể tổ chức thêm vài lần nữa chăng? Tôi nói: Được thôi!

Lúc đó, chúng tôi quyết định vào mỗi thứ bảy hàng tuần sẽ tổ chức buổi ăn tối ấm áp chiêu đãi miễn phí cư dân thành phố nhỏ Đồ Văn Ba này. Buổi cơm tối này đã thực hiện được mười năm. Bây giờ, trong thành phố này, các tôn giáo khác cũng đều đến tham gia; không những họ tham gia, mà còn đến biểu diễn, đây là vạn vật thanh tịnh trang nghiêm. Những người hàng xóm này rất yêu thương chúng tôi. Rất nhiều người muốn đến đây mua nhà nhưng họ không bán. Ở đây rất tốt! Họ thích chỗ này không nỡ đi nơi khác.

Đạo tràng này của chúng tôi ở Úc Châu rộng bao nhiêu tôi không biết chính xác. Nhưng, theo dự đoán của tôi có khoảng hai, ba ngàn mẫu Anh (một mẫu Anh là bốn vạn mét).

– Chúng tôi dùng chừng đó diện tích để làm gì?

– Để canh tác! Nghe đâu lương thực sẽ trở thành một vấn nạn, một số thực phẩm không được an toàn, không vệ sinh, đất đai đều bị ô nhiễm nghiêm trọng do thuốc trừ sâu, phân bón, nên những gì mọc lên từ lòng đất đều mang theo vi khuẩn tật bệnh. Đây là nhân loại tự làm tự chịu!

– Bây giờ phải làm sao?!

– Bất đắc dĩ phải tự mình canh tác!

Bản thân chúng tôi không giỏi trồng trọt, nhưng cũng đã có cách. Chúng tôi nhờ nông dân đến cày cấy trồng tỉa, chúng tôi trả công cho họ mỗi ngày, bởi thế họ rất vui. Mùa thu hoạch đầu tiên đó là mùa xuân năm nay, lúc đó tôi đang ở Úc Châu, thóc chúng tôi gặt hái được một vạn ba trăm ký. Năm nay (năm 2011) là năm đầu, chúng tôi trồng tiểu mạch, lúa nước, khoai tây, khoai lang, đậu phọng. Tất cả những thứ này có thể cung cấp đầy đủ lương thực thực phẩm.

Qui mô vườn rau của chúng tôi khá lớn, đã trồng hơn mười hai năm. Mỗi lần có Pháp hội có thể cung cấp cho một ngàn người ăn. Có tất cả hơn ba mươi giống rau, củ, quả khác nhau. Vườn rau này thanh tịnh trang nghiêm, không có thuốc trừ sâu, không có phân bón. Đối với những côn trùng nhỏ, chúng tôi đều câu thông với chúng, lễ kính chúng, xưng chúng là Bồ Tát; giao tiếp với chúng đều chấp tay cung kính gọi là: tiểu trùng Bồ Tát, chim chóc Bồ Tát, kiến Bồ Tát v.v… Trong vườn rau, chúng tôi dành riêng một mãnh, mỗi ngày cũng chăm bón rất cẩn thận, chuyên môn cung cấp cho những côn trùng, sâu bọ, chim chóc này.

Chúng tôi có rất nhiều cây ăn trái; có khoảng hai, ba chục loại khác nhau, chúng tôi chỉ định mấy cây cho chim chóc đến ăn; không chỉ định chúng tuyệt đối không xâm phạm. Mười năm không phải là thời gian ngắn, thù thắng vô cùng! Chúng tôi giao tiếp với các động vật nhỏ tốt hơn so với con người rất nhiều; chúng nghe lời và rất có thành tín.

Hy vọng những năm tới sẽ nhờ được những nông dân trồng tỉa thay. Chúng tôi sẽ học cách làm của họ, sau đó chúng tôi sẽ tự canh tác. Đây là phương thức giống như chủ trương của Đại sư Bách Trượng: “một ngày không làm là một ngày không ăn”. Chúng tôi tự làm tự ăn. Bởi việc làm không trở ngại việc niệm Phật, vừa làm việc vừa niệm Phật. Nông trường thanh tịnh trang nghiêm như một đạo tràng lớn, bạn thấy ý nghĩa chăng? Những nông sản thu hoạch được sẽ nhờ sức gia trì của Phật A Di Đà.. Thật rất tuyệt vời!

Những nông dân lân cận không biết vì sao cây cối chúng tôi lại mọc tươi tốt như thế. Họ rất hâm mộ, đó là do chúng tôi được danh hiệu Phật gia trì. Chúng tôi không dùng thuốc bảo vệ thực vật, cũng không dùng thuốc kích thích, bạn sẽ rất yên tâm khi sử dụng thực phẩm này. Do đây có thể biết: Ánh sáng trí tuệ chiếu soi tất cả những việc Phật; những việc làm ngày nay của chúng tôi đều là Phật sự, không gì không phải là việc Phật. Hy vọng cách làm này của chúng tôi sẽ thành công để có thể giúp đỡ những nông dân bản xứ, khuyến cáo họ không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng chất kích thích, cứ trồng tỉa theo phương pháp tự nhiên.

Mấy năm gần đây, người dân bản xứ đã ảnh hưởng cách trồng tỉa của chúng tôi. Họ đến tham quan vườn rau chúng tôi và rất hâm mộ:

– Sao cách trồng của thầy tuyệt hay đến thế, không dùng chất kích thích và thuốc bảo vệ thực vật mà cây cối vẫn tốt, lại càng tốt hơn?

– Chúng tôi đã đặt máy niệm Phật, niệm Phật Di Đà suốt hai mươi bốn trên hai mươi bốn giờ trong vườn rau.

Khi họ đến tham quan, đây là thứ âm nhạc du dương nhất, tất cả cây cối đều muốn nghe. Do vậy mà chúng tôi đã tặng máy niệm Phật này cho họ, để họ có thể đặt trong vườn nhà họ.

Chủng loại Phật sự có nghìn sai muôn khác, không phải cứ ngồi niệm Phật trong đạo tràng hay giảng kinh trong giảng đường mới gọi là Phật sự, không phải! Tất cả những hoạt động trong cuộc sống đều là Phật sự giúp chúng ta giác ngộ, cũng giúp chúng sinh giác ngộ.

Mục tiêu của chúng ta và nền tảng mười năm nay đã đặt vững vàng. Hoạt động sang năm trong thành phố nhỏ này, tất cả các tôn giáo đều đến tham gia. Thị trưởng ở đây ủng hộ lý tưởng này của chúng tôi, khuyến khích chúng tôi nỗ lực khiến thành phố nhỏ   này với cư dân chỉ có mười vạn người, sẽ tiên phong làm đến được một thành phố mô phạm hàng đầu trên toàn thế giới. Cư dân trong thành phố này đều là người một nhà, tương thân tương ái, chăm sóc lẫn nhau, quan tâm lẫn nhau, hợp tác lẫn nhau, hạnh phúc mỹ mãn. Đến thành phố này, bạn sẽ cảm thấy rất thân thiết hơn hẳn những nơi khác.

Đầu năm nay, tôi trở lại xem, nơi đây đã thay đổi thị trưởng mới, ông cũng có ý muốn đưa thành phố nhỏ này thành một thành phố mô phạm. Chúng tôi nói chuyện rất tâm đầu ý hợp. Tôi nói: Lý tưởng này của ông có thể thực hiện, chúng tôi sẽ toàn tâm, toàn ý phối hợp. Người trẻ tuổi này rất có tác phong, bên dưới là mở rộng để chúng ta học tập, làm điểm mô phạm. Hương này bay khắp mười phương, chúng sinh nghe được, tiếp xúc được đều tu hành theo Phật. Đây là nói thế giới Cực Lạc ảnh hưởng đến khắp mười phương thế giới. Trong thành phố nhỏ này, chúng ta có Học Viện là điểm nhỏ ảnh hưởng đến cả thành phố này.

Thành phố này làm thành công là một thành phố thực hành luân lý, đạo đức, thực hành nhân quả giáo dục tôn giáo, dần dần ảnh hưởng đến được cả khu vực thuộc châu Côn Sĩ Lan này. Mở rộng hơn là sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ nước Úc; sau đó ảnh hưởng đến toàn thế giới. Chúng ta sẽ dùng truyền hình vệ tinh, đưa thành phố này, mỗi ngày từng li, từng tí trong cuộc sống của người dân, phát ra trên toàn thế giới.

– Bạn có biết dụng ý là gì chăng?

-Là quảng cáo! Người trên toàn thế giới sẽ đều biết, đều đến đây tham quan học tập, du lịch khảo sát.

Thành phố này tương lai không làm gì khác, ngoài nghề tham quan du lịch, xây dựng thật nhiều khách sạn mi-ni, mở những tiệm ăn uống toàn là ẩm thực hữu cơ. Khách đến đây sẽ vô cùng tấp nập, sau khi trở về, nhất định sẽ tự động tuyên truyền. Trên thế giới còn có được một nơi tốt đẹp như thế, thành phố này sẽ nổi tiếng.

Người vui mừng nhất là Thị Trưởng, thành tích chính trị của ông đã thành công! Tương lai nếu chọn tổng thống, nhất định phải bỏ phiếu cho ông, ông vừa lên tổng thống, không phải sẽ dẫn dắt luôn cả đất nước này ảnh hưởng đến sự an định, hòa bình trên toàn thế giới sao? Từ đó cũng có thể hóa giải được tất cả mọi xung đột, mâu thuẫn.

Đây là Kinh Vô Lượng Thọ cống hiến cho chúng ta, dạy cho chúng ta, chúng ta học rồi phải thực hành, đó mới là chân thật công đức; lấy công đức này hồi hướng niệm Phật cầu sinh Tịnh Độ, Phật A Di Đà ở thế giới Cực Lạc cũng vô cùng hoan hỉ, tương lai sẽ đến tiếp dẫn bạn. Đây đích thật là lợi ích chúng sinh, thật sự phát huy Phật pháp.

Vô hữu địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú, quyên phi nhuyễn động chi loại” (Không có địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú, các loài ngọ nguậy, bay lượn, bò trườn): Câu này chính là nguyện thứ nhất “Quốc vô ác đạo nguyện”. Nguyện này nói lên bi nguyện của A Di Đà Phật. Trong hai nguyện đầu, ngài chỉ mong chúng sinh thoát khổ. Cái khổ trong ba ác đạo là nỗi khổ tàn khốc nhất.

Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác, ngầm nói với chúng ta: Người ở thế giới Tây Phương Cực Lạc không có tạo ác. Tất cả sự việc mà họ tiếp xúc đều là việc tốt, chẳng có ác duyên nên đoạn hẳn nhân ác, quả báo ác đương nhiên sẽ không có. Đây là thế giới Cực Lạc đầy đủ vô lượng công đức trang nghiêm bậc nhất không thể nghĩ bàn! Chỗ này nêu ra ba đường ác, chúng ta cũng nên tìm hiểu khái lược qua:

Địa ngục: Địa ngục là tiếng Hán, tiếng Phạn là Na-lạc-ca (Naraka) hay Nê-lê (Nairya) v.v…

Sách Đại Nhiếp Luận Âm Nghĩa nói: “Dịch ra, Nê Lê có bốn nghĩa: Chẳng thể vui sướng nổi, chẳng thể cứu vớt nổi, tối tăm và địa ngục”.

Tỳ Bà Sa Luận ghi: “Phía dưới châu Thiệm Bộ năm trăm du- thiện-na (tức do-tuần) có địa ngục”. Thông thường mọi người đều nghĩ địa ngục là cái ngục ở dưới đất. Nhưng, thật sự địa ngục là hóa sanh, là cảnh giới biến hiện ra. Địa ngục chẳng phải chỉ ở dưới đất mà trên núi, hoặc bên bờ biển, dưới đáy biển hoặc ở đồng hoang, dưới cội cây, giữa không trung đều có địa ngục.

Trên Kinh Địa Tạng nói chỉ có hai loại người có thể thấy địa ngục: Một là người tạo ác nghiệp địa ngục, quả báo hiện tiền họ phải thọ lãnh; hai là Bồ Tát đến địa ngục để độ chúng sinh. Nói chung, địa ngục có ba loại: Căn bản địa ngục, du tằng địa ngục và cô độc địa ngục.

  • Căn Bản Địa Ngục:

Tức là tám đại địa ngục (còn gọi là tám địa ngục nóng) và tám địa ngục lạnh. Tám đại địa ngục, tính từ phía dưới mặt đất Thiệm Bộ châu năm trăm do tuần, có địa ngục tên là Đẳng Hoạt. Từ đấy, lần lượt tính xuống đến địa ngục thứ tám tên là Vô Gián. Tám địa ngục ấy chồng lên nhau theo chiều dọc.

Theo Câu Xá Luận cũng như Đại Luận, tám địa ngục đó là:

1. Đẳng Hoạt địa ngục: Tội nhân trong ấy bị đâm, chém, xay, giã, khổ quá chết đi, chợt có cơn gió lạnh thổi qua, thịt da sinh lại, sống lại như trước (nên có tên là “Đẳng Hoạt nghĩa là “sống lại giống như trước”).

2. Hắc Thằng địa ngục: Trước hết dùng những sợi dây đen đủi (hắc thằng) trói chặt mình mẫy tội nhân, rồi mới cưa, chém.

3. Chúng Hợp địa ngục: Nhiều thứ hình cụ (dụng cụ tra tấn) độc ác cùng xô đến ép thân.

4. Hiệu Khiếu địa ngục: Bị các khổ bức bách, rú lên những tiếng đau đớn, than oán.

5. Đại Khiếu địa ngục: Bị khổ sở quá mức, vang tiếng kêu khóc ầm ĩ.

6. Viêm Nhiệt địa ngục: Lửa bốc từ trong thân cháy ra, ngọn lửa tỏa khắp, cái khổ vì nóng bức khó lòng chịu đựng nổi.

7. Đại Nhiệt địa ngục: Sức nóng dữ dội nhất nên gọi là Đại Nhiệt.

8. Vô Gián địa ngục: Chịu khổ không gián đoạn, không lúc nào ngớt.

Ngoài tám địa ngục trên, lại có tám địa ngục lạnh như sau:

1. Ngạch Bộ Đà, Hán dịch là Pháo (phồng rộp lên). Thân bị rét cóng nên thân thể sưng phồng lên.

2. Ni Lạt Bộ Đà: Thân bị rét quá, mình mẫy nứt nẻ, vỡ ra.

3. A La La (bị lạnh quá, răng khua lộp cộp, phát ra tiếng rên hừ hừ).

4. A Bà Bà (cũng như trên).

5. Hổ Hổ Bà (như trên).

6. Ốt Bát La (hoa sen xanh): Bị lạnh quá mức, mình mẫy như nứt gãy, da vênh lên như cánh sen xanh.

7. Bát Đặc Ma (hoa sen đỏ): Thân thể gãy nát (tươm máu) như hoa sen hồng.

8. Ma Ha Bát Đặc Ma (hoa sen đỏ lớn): Thân thể gãy nát như hoa sen đỏ lớn.

  • Mười Sáu Du Tằng Địa Ngục:

Trong số tám đại địa ngục nói trên, mỗi địa ngục đều có bốn cửa. Ngoài mỗi cửa lại có bốn tầng ngục phụ mang tên Đường Ổi Tằng (tầng ngục nung vùi trong tro nóng), Thi Phẩn Tằng (tầng ngục phân dơ), Phong Nhận Tằng (tầng ngục mũi gươm, đao sắc nhọn), Liệt Hà Tằng (tầng ngục sông sôi sùng sục), tổng cộng mười sáu tầng, gọi chung là “mười sáu du tằng địa ngục”. Tính ra, tám đại địa ngục có tất cả một trăm hai mươi tám ngục phụ, cũng gọi là “Cận Biên địa ngục”.

  • Cô Độc Địa Ngục:

Ở giữa núi, đồng hoang, cội cây, không trung. Loại này có vô số, chịu khổ vô lượng. Khổ quả trong địa ngục là nặng nề nhất, một ngày đến tám vạn bốn mươi ngàn lần chết đi, sống lại, trải qua vô lượng kiếp. Sách Phụ Hành Ký nói: “Tạo tội ngũ nghịch, thập ác thì cảm lấy (quả địa ngục)”.

Ngạ quỉ: Loại này có mặt ở khắp mọi nơi, do lòng tham quá nặng mà cảm thọ quả báo này. Kẻ nào có phước đức thì làm thần trong rừng, núi, gò mã, miếu thờ. Kẻ không có phước đức ở chỗ chẳng sạch, không có thức ăn, luôn bị đánh đập, ngăn sông, lấp biển chịu khổ vô lượng. Sách Phụ Hành Ký nói: “Hạ phẩm Ngũ Nghịch Thập Ác cảm lấy (quả báo ngạ quỉ)”.

Súc sinh: Tân dịch là “bàng sanh” ngụ ý, các loài sinh vật có thân hình nằm ngang (tân dịch là cách dịch theo phong cách của ngài Huyền Trang, cựu dịch là cách dịch theo phong cách của ngài Cưu Ma La Thập. Ngài Huyền Trang chủ trương bám sát nguyên bản, không bỏ bớt chữ nào, dù kinh văn rườm rà đến cách mấy. Ngài La Thập chủ trương dịch thoát ý, chỉ gạn lọc lấy ý chính).

Tân Bà Sa Luận nói: “Do thân hình chúng nằm ngang nên cũng đi ngang. Hoặc do đi ngang nên thân hình cũng nằm ngang. Vì vậy, chúng được gọi là bàng sanh”. “Bàng”, nói một cách đơn giản có nghĩa là nằm ngang.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không: “Bàng” có nghĩa là tâm không chánh, hình của nó cũng không chánh nên đọa làm loài súc sinh. Tâm hành đoan chánh là chỉ cho hai cõi: Trời và người.

Sách Hội Sớ nói: “Loài này có mặt khắp nơi, đeo lông đội sừng, vảy, mai, lông mao, lông vũ, bốn chân, nhiều chân, sống dưới nước, trên mặt đất, bay trên không, ăn nuốt lẫn nhau, chịu khổ vô lượng”.

Sách Phụ Hành Ký bảo: “Tạo Ngũ Ngịch Thập Ác bậc trung cảm lấy quả này”.

Theo Hòa Thượng Tịnh Không, cách nói này có thể sai, thay vì “Tạo Ngũ Nghịch Thập Ác bậc hạ” mới đúng (đường súc sinh do tạo Ngũ Nghịch Thập Ác nhẹ hơn một chút so với đường ngạ quỉ, nên mới sắp đàng sau ngạ quỉ), ngạ quỉ mới là bậc trung. Cho nên, chỗ này có thể là sai lầm, đem ngạ quỉ cho là bậc hạ, còn súc sinh cho là bậc trung.

Nên biết, bất luận đường nào trong lục đạo, chúng ta đều đã từng ở đó, khẳng định không phải chỉ một lần mà rất nhiều lần. Đời này đến nhân gian đầu thai, quên hết mọi chuyện trong quá khứ. Nếu có thể biết được chuyện trong đời quá khứ của mình, đời này chúng ta sẽ không dám làm điều sai trái. Vì sao? Vì chịu khổ đã quá nhiều rồi!

Hiện nay người phương Tây cũng như người phương Đông dùng phương pháp thôi miên, có thể khiến bạn nhớ lại đời quá khứ. Đây là sức mạnh con người gia trì, không phải Phật, Bồ Tát gia  trì, cũng không phải quỉ thần gia trì. Sức mạnh này có thể khiến bạn trở về quá khứ và thuật lại những chuyện trong quá khứ. Cảnh giới thôi miên như mộng nhưng không phải mộng, nó cũng rất rõ ràng. Khi nói ra, người bên cạnh dùng máy ghi âm ghi lại, đợi khi bạn tỉnh dậy, mở cho bạn nghe, chính bạn nói về một đời, hai đời, ba đời, bốn đời v.v… trong quá khứ của mình.

Tôi có nghe một bài báo cáo về thôi miên, bà ta có thể nói đến mười mấy đời trong quá khứ; niên đại hơn bốn ngàn năm, bảy tám mươi đời, quả thật không đơn giản. Trình độ thôi miên này rất ít thấy, đôi lúc cũng có thể phát hiện, đều xem nhân duyên.

Tóm lại, nếu muốn không đọa địa ngục, bạn phải tu tâm từ bi, tâm yêu thương tất cả mọi chúng sinh. Tâm yêu thương càng mở rộng, tâm sân hận liền bị tiêu trừ, dứt được nghiệp nhân địa ngục. Muốn xa lìa cõi ngạ quỉ, cần phải có tâm cảnh giác cao độ, trong cuộc sống thường ngày phải “tri túc thường lạc”, quyết không mong cầu quá đáng, sẽ trải qua đời sống an vui, tự tại. Lòng tham con người không biên giới, đó là khổ hải vô biên, biết “tri túc” thì khổ sẽ không còn.

Ngày xưa, thời kỳ học Phật, tôi thân cận thầy Lý Bỉnh Nam mười năm. Lúc đó ông đã ngoài bảy mươi, tôi mới ba mươi tuổi. Con người ông thật “tri túc thường lạc”. Suốt mấy mươi năm chưa hề thấy ông đổi bộ y phục thứ hai. Khi ông vãng sinh, chúng tôi xem thấy mới biết được áo lót và vớ của ông đã đắp vá nhiều lần.

Hiện tại, bạn đến Đài Trung xem qua phòng trưng bày kỷ niệm thầy Lý sẽ rõ việc này. Ai vá cho ông? Chính ông tự mình vá lấy. Đời sống của ông thật an vui không gì bằng. Không phải ông không có tiền, chính ông có tiền, học trò lại thường hay biếu tặng, cúng dường ông rất phong phú. Nhưng vừa qua tay, sau khi họ đi rồi, ông liền ban tặng cho tôi. Hiện tại, tôi vẫn còn giữ hai bộ áo lót cao cấp do thầy ban tặng, tôi vẫn không nỡ mặc đến, vẫn gìn giữ mãi đến ngày nay.

Từ thức ăn cho đến quần áo mặc, qua tay liền tặng cho người. “Tri túc thường lạc”! Nhu cầu đời sống đủ rồi, quyết không yêu cầu quá đáng. Suốt đời ông, nửa ngày ăn một bữa, ăn rất ít, nhưng sức làm việc của ông, ba bốn người không thể sánh bằng. Sau này tôi mới chân thật hiểu thông. Tôi nghĩ: Thân thể con người là một cái máy; muốn vận hành cái máy này phải tiêu hao năng lượng, phải bổ sung năng lượng bằng cách cung cấp thức ăn, uống cho cơ thể. Thế nhưng, năng lượng tiêu hao ở mỗi người khác nhau. Có người tiêu hao năng lượng quá nhiều, cần phải bổ sung số lượng lớn. Có người lại tiết kiệm năng lượng, chỉ cần chút ít thì đủ rồi.

Cho nên, tôi xét nghĩ: Năng lượng rốt cuộc tiêu hao ở chỗ nào? Công việc của thầy mỗi ngày rất đa đoan, bận rộn, lại còn phải tiếp xúc với rất nhiều khách. Thầy là một Trung y rất giỏi, ngày ngày khám bệnh cho người. Sức làm việc của thầy rất cao, nhưng bổ sung năng lượng thì rất ít. Như vậy, tiêu hao năng lượng chắn chắc chín mươi lăm phần trăm là tiêu hao nơi vọng tưởng, nghĩ nhớ xằng bậy. Cho nên, phàm phu mỗi ngày ba bữa ăn vẫn cảm thấy chưa đủ. Tôi đem quan điểm này báo cáo với thầy, thầy khẳng định không sai. Chính là như vậy!

Người tu hành tâm càng thanh tịnh, họ ăn uống sẽ càng ít. Trên kinh, chúng ta xem thấy, thời Thích Ca Mâu Ni Phật, các tỳ kheo giữa ngày ăn một bữa; A-la-hán bảy ngày mới đi khất thực một lần, bảy ngày ăn một bữa. Bích Chi Phật, nửa tháng đi khất thực một lần, hai tuần ăn một bữa. Họ cũng giảng kinh nói pháp, cũng đi khắp nơi độ hóa chúng sinh. Đây là nói rõ: Công phu càng cao, tâm càng thanh tịnh, tiêu hao năng lượng càng ít. Việc này chúng ta không thể bắt chước, bắt chước sẽ sinh bệnh! Không phải nói học để cho dễ coi! Họ mỗi ngày ăn một bữa vì họ có công phu, có bản lĩnh. Chúng ta đầy dẫy những vọng tưởng mà có cách nghĩ sẽ làm như họ thì hoàn toàn sai lầm!

Cho nên, bất cứ việc gì đều có đạo lý, phải làm cho rõ ràng, tường tận mới có hiệu quả. Muốn xa lìa cõi súc sinh, bạn phải là người có trí tuệ. Ngu si là nghiệp nhân của cõi súc sinh. Có nhiều đồng tu không tường tận đối với việc này, họ nói: Tôi rõ rồi nhưng tôi không làm được! Rõ, mà không làm được, lời nói này không thể tin tưởng! Chỉ do bạn chưa đủ thấu triệt mới không làm được, đây là thật!

Cho nên, trong Phật pháp, sự việc này đích thật là “biết khó, hành dễ”. Trên Kinh Pháp Hoa nói: Long nữ tám tuổi thành Phật, đây là nói rõ “hành dễ”. Phật pháp Đại thừa nói: Chúng sinh và Phật chỉ khác nhau ở một niệm; một niệm chuyển đổi, chúng sinh liền thành Phật. Đức Thích Ca Mâu Ni Phật vì sao phải nói pháp suốt bốn mươi chín năm, giảng kinh hơn ba trăm hội? Đây là nói rõ “biết khó”, phải dùng thời gian dài đến như vậy mới có thể tường tận, thông hiểu thấu đáo. Có người hỏi:

– Hiểu rõ rồi sao còn phải buông bỏ?

– Sau khi rõ rồi, mới hiểu được “Bất khả đắc”, không buông bỏ cũng phải buông bỏ. Kinh Kim Cang nói: “Tam tâm bất khả đắc”. Cái bạn năng đắc, bất khả đắc! Vạn pháp duyên sinh! Phàm là pháp duyên sinh đều không có thật thể. Cho nên, ngay thể tức không thì không thể có được! Năng đắc, sở đắc đều không thể được! Đây là chân tướng sự thật. Thích Ca Mâu Ni Phật đã nói sự việc này suốt hai mươi năm, đệ tử ngài mới khai ngộ được: Không còn khởi tâm phân biệt; chấp trước mới trải qua được đời sống chân thật giác ngộ của chư Phật, Bồ Tát vĩnh ly ác đạo.

Ngày nay, chúng ta đọc đoạn kinh văn này: “Vô hữu địa ngục, ngạ quỉ, cầm thú quyên phi nhuyễn động chi loại”, chân thật là không thể nghĩ bàn! Đây là một trong bốn mươi tám nguyện thù thắng của Phật A Di Đà. Nếu trong ý niệm chúng ta vẫn dẫy đầy “tham-sân-si” thì Phật hiệu cho dù có niệm tốt thế mấy cũng không thể vãng sinh! Vì sao? Thế giới Tây Phương Cực Lạc không có ba đường ác. Nếu một mặt niệm A Di Đà Phật; một mặt vẫn khởi “tham- sân-si”, vậy thì không được! Niệm Phật phải niệm cho ra được tâm thanh tịnh, tâm bình đẳng, tâm từ bi thì mới quyết định vãng sinh.