LỜI PHẬT DẠY

KHẨU NGHIỆP
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

KHẨU NGHIỆP
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- NÓI VÀ IM LẶNG NHƯ PHÁP

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana, khu vườn ông Anàthapindika. Lúc bấy giờ, nhiều Tỷ kheo sau buổi ăn, sau khi đi khất thực trở về, ngồi hội họp tại rạp tròn có cây Kareri và câu chuyện sau đây được khởi lên:

“Này chư hiền, ai biết nghề gì? Ai học tập nghề gì? Nghề gì là tối thượng?”. Ở đây, một số người nói như sau: Huấn luyện voi là nghề tối thượng. Một số người khác nói: Huấn luyện ngựa là nghề tối thượng; Làm xe là nghề tối thượng; Nghề bắn cung là nghề tối thượng; Nghề đao kiếm là nghề tối thượng; Nghề tính toán là nghề tối thượng; Nghề viết bài là nghề tối thượng; Nghề làm thơ là nghề tối thượng; Nghề phỏng đoán các nguyên nhân tự nhiên là nghề tối thượng; Nghề điều khiển bộ máy quốc gia là nghề tối thượng… Câu chuyện giữa các Tỷ kheo chưa được nói xong thì Thế Tôn đến, nói với các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, các Thầy ngồi ở đây nói câu chuyen gì? Và câu chuyện gì giữa các Thầy chưa được nói xong?

Sau khi nghe các Tỷ kheo trình bày nội dung câu chuyện, Thế Tôn dạy:

Này các Tỷ kheo, chuyện này thật không xứng đáng cho các Thầy, là những thiện nam tử, vì lòng tin xuất gia, từ bỏ gia đình, sống không gia đình, khi các Thầy nói lên câu chuyện như vậy. Khi các Thầy ngồi hội họp với nhau, này các Tỷ kheo, có hai công việc cần phải làm: Nói pháp hay giữ im lặng của bậc Thánh!

(ĐTKVN, Tiểu Bộ I, chương 3, phẩm Nanda, Nxb TP.HCM ấn hành, 1999, tr.171)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống tu tập hàng ngày, ngoài thời gian dụng công tọa thiền, tụng kinh, bái sám, chúng ta thường quan tâm đến các vấn đề khác như: Phật sự, thời sự, xã hội, an ninh v.v… Tu học trong thời đại hiện nay, quan tâm, thảo luận để nhận định về các tình hình, diễn biến của xã hội là điều cần thiết. Song, điều khẩn thiết hơn cả đối với người xuất gia là hoằng pháp và điều phục chuyển hóa tâm để được an tịnh, giải thoát.

Thuyết pháp là một trong những nhiệm vụ quan trọng của người tu. Tuyên thuyết giáo pháp giải thoát và giác ngộ của Thế Tôn, ngoài việc dạy người còn có tác dụng tự răn nhắc chính mình thực hành giáo pháp. Mặt khác, sự thảo luận về giáo nghĩa Phật pháp giữa các Tỷ kheo với nhau hay cùng với chư vị cư sĩ sẽ giúp hội chúng hiểu biết sâu sắc hơn về những điều thâm áo của giáo pháp.

Khi không nói pháp thì nên an trú thân tâm trong chánh niệm, thực hanh sự im lặng của bậc Thánh. Đôi khi sự im lặng lại là một pháp thoại vô cùng hùng tráng, có sức thuyết phục lớn về thực hành uy nghi, niệm thân hành và khả năng định lực mạnh mẽ. Thế Tôn khuyến cáo người tu không nên nói chuyện tạp vì sa đà vào các vấn đề bên ngoài, dễ dàng dẫn đến hý luận và phóng dật, một trong những tác nhân cơ bản ảnh hưởng đến sự an trú và điều phục tâm.

Nói năng và im lặng như pháp là một biểu hiện cua chánh niệm cao độ, định lực vững vàng. Đây cũng là cơ sở, nền tảng quan trọng để thăng hoa tâm linh, thành tựu giải thoát.

 

2- NÓI NHƯ HOA, NHƯ MẬT

Một thời Thế Tôn trú ở Savatthi, tại Jetavana, vườn ông Anàthapindika, dạy các Tỷ kheo:

Có ba hạng người này, này các Tỷ kheo, có mặt, xuất hiện ở đời. Thế nào là ba? Hạng người nói như phân, hạng người nói như hoa, hạng người nói như mật.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như phân? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người khi đi vào hội trường, hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con, hay khi đến các người đồng một tổ hợp, đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi có biết”; có biết, nói rằng: “Tôi không biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”. Do vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ kheo, được gọi là người nói như phân.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như hoa? Ở đây, này các Tỷ kheo, có hạng người khi đi vào hội trường hay đi vào hội chúng, hay đi đến giữa các người bà con, hay khi đến các người đồng một tổ hợp, đến giữa cung vua, hay bị dẫn như là người làm chứng, được nói: “Ngươi biết gì, hãy nói lên”. Người ấy không biết, nói rằng: “Tôi không biết”; có biết, nói rằng: “Tôi có biết”; không thấy, nói rằng: “Tôi không thấy”; có thấy, nói rằng: “Tôi có thấy”, không vì mình hay vì người, hay vì một vài lợi vật nhỏ mà đã cố ý nói láo. Người như vậy, này các Tỷ kheo, được gọi là người nói như hoa.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người nói như mật? Ở đây, này các Tỷ kheo, có người đoạn tận ác ngữ, từ bỏ lời nói ác ngữ. Lời nói của người ấy không hại, tai ưa nghe, khả ái, đi thẳng đến tâm, lễ độ, được nhiều người ưa thích, được nhiều người thích ý. Người ấy nói những lời như vậy, này các Tỷ kheo, đây gọi là hạng người nói như mật.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bo I, chương 3, phẩm Người, phần Nói như hoa, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.227)

LỜI BÀN:

Lời nói là phương tiện truyền đạt kinh nghiệm, kiến thức từ thế hệ này sang thế hệ khác; là sự biểu lộ sự nhận thức, tình cảm, sự quan tâm lẫn nhau của con người trong các mối quan hệ. Không có lời nói, cuộc sống này sẽ vô nghĩa, tẻ nhạt biết chừng nào. Thế nhưng, không phải ai trong chúng ta cũng đều khéo léo trong việc vận dụng lời nói của mình để mang đến hạnh phúc, an vui.

Có những lời nói dối trá, không đúng thời, thiếu suy nghĩ và nhất là được phát ra trong khi giận dữ, thù hằn sẽ trở thành độc dược, gây ra nhiều hiểm họa, tai ương. Một lời nói xuất phát từ chân tình, từ sự thật với tinh thần trách nhiệm và thiện chí sẽ trở thành diệu dược, giúp cho ta và người thêm dũng lực và sẽ vượt qua bao thử thách chông gai trong cuộc đời.

Những lời nói chân thật, thiện cảm được nhiều người lắng nghe và có tác dụng sẻ chia, hướng dẫn tha nhân từng bước trở về với chân thiện mỹ thật đáng trân trọng. Vận dụng lời nói trung thực, không ác ý, với tâm từ ái, khoan dung thì mỗi lời nói ra sẽ là những hoa sen tinh khiết, ngát thơm giữa cuộc đời.

 

3- MẮNG NHIẾC BẬC THÁNH

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Veluvana, Ngài cho gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào và những ai mắng nhiec, mạ lỵ các vị tu phạm hạnh, phỉ báng các bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại. Thế nào là năm?

Phạm tội bị tẩn xuất, chặt đứt con đường hướng thượng; hay phạm một tội nhiễm; hay cảm xúc bệnh hoạn trầm trọng; khi mạng chung tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ và địa ngục.

Này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nào và những ai mắng nhiếc, mạ lỵ các vị tu phạm hạnh, phỉ báng các bậc Thánh, vị ấy được chờ đợi năm sự nguy hại này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.715)

LỜI BÀN:

Ở bất cứ địa phương hay quốc gia nào, nếu có sự hiện diện của những vị tu phạm hạnh và các bậc Thánh thì đó là niềm vinh hạnh, may mắn và là phước báo cho địa phương hay quốc gia đó. Vì rằng, sự hiện hữu của các vị chân nhân sẽ tác động tích cực về phương diện đạo đức, tinh thần cho xã hội, góp phần định hướng cho con người kiện toàn nhân cách. Thế nhưng, không phải ai cũng thấy được vị trí, vai trò quan trọng của những bậc phạm hạnh, các vị Thánh để tôn trọng, đảnh lễ, cúng dường; đôi lúc, vài nơi những bậc Thánh vẫn bị mắng nhiếc, mạ lỵ thậm chí bị phỉ báng, giam giữ và bị giết hại.

Xúc phạm đến bậc Thánh là điều không nên nhưng lại thường xay

ra đối với những người vô minh ám chướng, nghiệp lực nặng nề, bất tín nhân quả. Thời Thế Tôn còn tại thế, chính Ngài cũng có đôi lần bị chửi mắng, bị vu cáo và mạ lỵ. Không chỉ dừng lại ở đó, Tôn giả Mục Kiền Liên, vị đại đệ tử thần thông bậc nhất của Phật, cũng bị phái Lõa thể quá khích mai phục, đánh đập cho đến chết.

Đối với tự thân của các bậc Thánh và những bậc chân tu phạm hạnh thì dẫu có bị mắng nhiếc, mạ lỵ, vu khống và phỉ báng đến mấy đi nữa thì các Ngài vẫn an nhiên, chấp nhận. Vì lẽ, dưới ánh sáng của tuệ quán, đó chỉ là dư tàn của duyên nghiệp nào đó trong quá khứ xa xôi nay còn lưu dấu mà thôi. Tuy các bậc Thánh vui vẻ chấp nhận mọi tai ương, oán đối đồng thời không bao giờ móng khởi tâm niệm oán hận hay trả thù nhưng vì xúc phạm đến Thánh nhân, chúng ta đã tự thiêu đốt phước đức của mình thành tro bụi, khi mất hết phước đức thì tất nhiên phải chịu đọa lạc, bị quả báo nặng nề.

Ngày nay, người tu hành tuy nhiều nhưng những bậc chân tu phạm hạnh và những bậc Thánh không nhiều, tuy nhiên không phải là không có. Chúng ta đa phần là người phàm, mắt thịt nên không thể nào phân định thánh phàm. Mặt khác, bậc chân nhân thì đa phần ẩn mình, không bao giờ tiết lộ thân phận. Do vậy, những người con Phật, sống theo lời Phật dạy thì phải hết sức cẩn trọng trong mọi hành vi của mình, đặc biệt là những phê phán, nhận định, bình phẩm về nhân cách và phẩm chất của người tu, để tránh mắc vào lỗi lầm và chịu nhiều quả báo oan uổng.

 

4- HÁI HOA TẶNG NGƯỜI

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha, xứ Veluvana. Bà la môn Akkosaka khi nghe tin Bà la môn dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia liền phẫn nộ, đi đến Thế Tôn. Sau khi đến, nói những lời không tốt đẹp, phỉ báng và mắng nhiếc Thế Tôn.

Được nghe như vậy, Thế Tôn nói với Bà la môn Akkosaka:

Này Bà la môn, khi có bà con hoặc khách bạn đến thăm, ông có sửa soạn các món ăn để tiếp đãi họ không?

Thưa Tôn giả Gotama, thỉnh thoảng có bà con hoặc khách bạn đến thăm, chúng tôi có sửa soạn các món ăn để tiếp đãi họ.

Nhưng này Bà la môn, nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy thuộc về ai?

Thưa Tôn giả Gotama, tất nhiên nếu họ không thâu nhận thì những món ăn ấy về lại chúng tôi.

Cũng vậy này Bà la môn, nếu ông phỉ báng chúng tôi; mắng nhiếc chúng tôi; gây lộn với chúng tôi mà chúng tôi không thâu nhận thì sự việc ấy từ ông chỉ về lại ông.

Này Bà la môn, ai phỉ báng lại khi bị phỉ báng, mắng nhiếc lại khi bị mắng nhiếc, gây lộn lại khi bị gây lộn, thì như vậy, này Bà la môn, người ấy được xem là đã hưởng thọ, đã san sẻ với ông. Còn chúng tôi, không cùng hưởng thọ sự việc ấy với ông, không cùng san sẻ sự việc ấy với ông, thì này Bà la môn, sự việc ấy về lại ông.

Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama. Con xin quy y Thế Tôn. Mong Tôn giả Gotama cho con được xuất gia tu học cùng Thế Tôn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Phỉ báng, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.352)

LỜI BÀN:

Dù nỗ lực để tự hoàn thiện mình đến mấy thì trong cuộc sống cũng khó có ai tránh khỏi những va chạm, hiểu lầm để rồi bị chỉ trích, phỉ báng. Đối với bậc Giác ngộ như Thế Tôn mà còn bị những hạng người cuồng ngôn, loạn ngữ chửi mắng huống là chúng ta.

Thường thì không ai chịu nổi những lời gây gổ, mắng nhiếc đến với mình, nhất là những lời nói khiếm nhã ấy lại có tính hồ đồ, vô căn cứ. Và, chúng ta sẽ quyết một trận khẩu chiến với họ cho hả giận, đôi khi còn dẫn đến xô xát, thậm chí gây ra những hậu quả đáng tiếc.

Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn thì những lời nói đến từ bên ngoài như thể là một món quà vốn dĩ quá ư hào phóng của người đời. Người nghe như người sắp được nhận quà, hoàn toàn chủ động trong việc nên hay không nên nhận món quà ấy. Khi trao tặng một vật gì cho ai mà họ không nhận, thì tất nhiên vật ấy vẫn là của mình. Quy luật này rất sòng phẳng và chua chát thay cho những ai có ý định ban tặng những món quà kém phẩm chất, vô giá trị.

Vì thế, trước những lời khen tặng, ca ngợi cũng như những lời trái tai, mắng nhiếc, gây gổ, người đệ tử Phật phải thật bình tĩnh, tiếp nhận một cách thanh thản và không nên vội vàng phản ứng. Vì rằng, chính sự vững chãi ấy đã hàm chứa câu trả lời. Đồng thời, trong cuộc sống người con Phật phải luôn mang những bông hoa tươi đẹp nhất của tâm hồn dâng tặng cho đời. Đây là việc làm khôn ngoan nhất, vì nếu lỡ không ai nhận hoa thì ta vẫn còn để tự tặng mình.

 

5- NÓI NĂNG CẨN TRỌNG

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, tại Venuvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại cho người nói nhiều. Thế nào là năm?

Nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho kẻ nói nhiều.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải. Thế nào là năm?

Không nói láo; không nói hai lưỡi; không nói lời độc ác; không nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người nói vừa phải.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Mắng nhiếc, phần Người nói nhiều, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.718)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, ngôn ngữ là một phương tiện đặc thù nhằm trao đổi thông tin, biểu đạt tình cảm, giúp con người hiểu biết và thương yêu. Tuy vậy, ngôn ngữ cũng có mặt trái của nó, nếu không khéo sử dụng thì có thể đem đến tai họa, chia rẽ, thù hận và đọa lạc.

Kinh nghiệm cuộc sống đã cho thấy rằng hiểm họa phát xuất từ lời nói (họa tùng khẩu xuất) thật khó lường. Một lời nói khi đã phát ra thì khó thu về, tác dụng nhanh đến nỗi xe tứ mã cũng không đuổi kịp (nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy). Vì thế, trước khi nói phải “uốn lưỡi bảy lần”. Nói cách khác, phải có chánh niệm trong lời nói.

Đối với người nói nhiều, huyên thuyên bất tận thì dễ dàng bị sơ suất, sai sót. Nói dài, nói dai… cuối cùng là nói dại bởi nói nhiều thì lỗi nhiều (đa ngôn đa quá). Người nói nhiều quá chac chắn sẽ rơi vào lầm lỗi và phải gánh chịu năm sự nguy hại của việc nói láo; nói hai lưỡi; nói lời độc ác; nói lời phù phiếm; sau khi thân hoại mạng chung sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Người biết nói vưa phải, chừng mực mới có thể tránh được lỗi lầm. Nói vừa phải là nói đúng người, đúng lời, đúng việc, đúng lúc và đúng nơi. Ý thức rất rõ về tâm trạng và lời nói của mình trước khi nói để “lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau” là chìa khóa để thực hành ái ngữ. Tu tập hạnh nói vừa phải cố nhiên là nên nói ít mà nghe nhiều. Nghe để hiểu, hiểu rồi thì dễ dàng nói lời chân thật, hòa giải, xây dựng, tha thứ và yêu thương.

Nhận chân được năm lợi ích của việc nói lời vừa phải, người con Phật thực tập nói năng trong chánh niệm, ý thức và sáng suốt. Lời nói phát ra dưới sự soi sáng của chánh niệm sẽ là hoa trái làm thơm mát cuộc đời. Vì thế, trong cuộc sống mỗi người con Phật luôn thực hành “im lặng và nói năng như Chánh pháp”.

 

6- KHÉO NÓI

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, đầy đủ bốn đức tánh này lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có tội và không bị người có trí chỉ trích. Thế nào là bốn?

Ở đây, này các Tỷ kheo, Tỷ kheo nói lời thiện thuyết, không nói lời ác thuyết; nói lời đúng pháp, không nói lời phi pháp; nói lời ái ngữ, không nói lời ác ngữ; nói lời chơn ngữ, không nói lời phi chơn. Đầy đủ bốn đức tánh này lời nói được xem là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có tội và không bị người có trí chỉ trích.

Rồi Tôn giả Vangìsa từ chỗ ở trong hội chúng đứng dậy, chắp tay hướng về Thế Tôn nói lên bài kệ tán thán: “Ai nói lên lời gì, lời ấy không khổ mình, lại không làm hại người, lời ấy là thiện thuyết. Ai nói lời ái ngữ, lời nói khiến hoan hỷ, lời nói không ác độc. Những lời nói đúng pháp, và những lời chân thật, là lời nói bất tử”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 8, phần Khéo nói [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.415)

LỜI BÀN:

Lời nói là một phương tiện giao tiếp cực kỳ quan trọng trong đời sống con người. Thử hình dung nhân loại sẽ sống ra sao nếu thiếu vắng ngôn ngữ, lời nói. Tuy nhiên, lời ăn tiếng nói của con người vốn đầy đủ hai mặt; có những lời nói đem đến sự hiểu biết và yêu thương đồng thời cũng có những lời nói đem đến đổ vỡ, chia rẽ và thù hận. Vì thế, ông cha ta đã từng kinh nghiệm “lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”.

Nói cho vừa lòng nhau hay thiện thuyết là cả một nghệ thuật sống. Con người phải học tập, rèn luyện và tu dưỡng thân tâm trong một thời gian dài mới mong hoàn thiện lời ăn tiếng nói của mình. Vì ngôn ngữ bị chi phối bởi tư duy, “ý dẫn đầu các pháp”, nên muốn nói cho vừa lòng nhau tất phải dựa trên một tâm thái sáng suốt, định tĩnh và chan chứa tình thương. Thiếu đi những yếu tố này tức tâm không được kiểm soát, chánh niệm không có mặt thì khả năng ác thuyết, những lời nói gây khổ đau cho bản thân và mọi người có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Khéo nói ở đây không phải nói nhằm được lòng người để thủ lợi. Khéo nói là nói ra những lời đem lợi ích, an lạc đến cho mình và người, trong hiện tại và cả tương lai. Tu tập trọn vẹn giới không nói dối (không nói sai sự thật, không nói lời chia rẽ, không nói lời hung ác, không nói lời xu nịnh nhằm xiêu lòng người) thì người con Phật có thể đạt được khả năng thiện thuyết.

Khổ đau trong đời sống con người rất nhiều và nguyên nhân của những nỗi khổ ấy xuất phát từ lời nói cũng không phải là ít. Do vậy, tu tập chuyển hóa khẩu nghiệp để trở thành người khéo nói, thiện thuyết nhằm đem lại hạnh phúc, an vui cho tự thân và cộng đồng là trách nhiệm của mỗi người con Phật.

 

7- LỜI NÓI VÀ VIỆC LÀM

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại vườn ông Anàthapndika, gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có bốn loại mây mưa này. Thế nào là bốn? Có sấm, không có mưa; có mưa, không có sấm; không sấm và không mưa; có sấm và có mưa.

Cũng vậy, này các Tỷ kheo, có bốn hạng người được ví dụ với bốn loại mây mưa này, hiện hữu ở đời. Hạng người có sấm, không có mưa; hạng người có mưa, không có sấm; hạng người không sấm và không mưa; hạng người có sấm và có mưa.

Thế nào là hạng người như mây có sấm, không có mưa? Này các Tỷ kheo, có hạng người có nói mà không làm.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người như mây có mưa, không có sấm? Đó là hạng người có làm mà không nói.

Thế nào là hạng người như mây không sấm và không mưa? Này các Tỷ kheo, có hạng người không nói và cũng không làm.

Và này các Tỷ kheo, thế nào là hạng người như mây có sấm và có mưa? Đó là hạng người có nói và có làm.

Này các Tỷ kheo, có bốn hạng người giống như bốn loại mây này có mặt, hiện hữu ở đời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 4, phẩm Mây mưa, phần Mây mưa [1], VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.9)

LỜI BÀN:

Tương quan giữa lời nói và việc làm là một trong những thang giá trị nhằm thẩm định uy tín, danh dự của cá nhân hoặc tổ chức nào đó. Bởi thực hiện song hành giữa nói và làm là điều không đơn giản, đa phần người ta chỉ nói suông hoặc làm được phần nào những điều đã nói mà thôi.

Đáng chê trách là hạng người nói nhiều mà làm chẳng bao nhiêu, thậm chí là không làm được gì cả. Thuyết phục người khác bằng lời nói là điều khó song chỉ nói hay mà không làm thì chẳng có giá trị, lợi ích nào hết; trái lại còn tổn hại đến uy tín, danh dự trầm trọng. Trong cuộc sống, chữ tín vốn rất quan trọng, đánh mất chữ tín đồng nghĩa với đánh mất tất cả.

Ngược lại với hạng người “nổ” là hạng người không nói mà làm. Rất dễ thương, trầm tĩnh nhưng hạng người này khó thành công vì ít người hiểu và tin vào việc làm của mình, nhất là khi những việc làm ấy mới khởi sự hoặc còn dang dở. Dù sao thì hạng người này vẫn được trân trọng vì đã có làm và có thể làm được.

Thật buồn cho hạng người bàng quan, chẳng quan tâm đến cái gì cả. Không nói cùng chẳng làm thì khác gì dửng dưng, vô trách nhiệm trước những việc cần phải nói, cần phải xắn tay vào cuộc. Cuộc sống quanh ta luôn cần những tác động tích cực, có tính xây dựng dẫu chỉ là một lời nói, hỗ trợ về tinh thần.

Một người có nhân cách, một tổ chức có uy tín bao giờ lời nói cũng đi đôi với việc làm. Làm được những điều đã nói thật không đơn giản nhưng nếu cố gắng, nhiệt tâm thì vẫn thưc hiện được. Đối với người học Phật thì nói và làm song hành lại càng cần thiết hơn vì bản chất của giáo pháp giải thoát vốn dĩ “thiết thực và hiện tại”.

 

8- TẠP THOẠI

Một thời, Thế Tôn trú tại Kapilavatthu, khu vườn các cây bàng, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, chớ có nói những câu chuyện về vua chúa, đại thần, binh lính, chiến tranh, ăn trộm, đồ ăn, thức uống, vải mặc, bà con, làng xóm, xe cộ, thành phố, đàn ông, đàn bà, súc sanh, lề đường, người đã chết…, về sự biến trạng của thế giới, về biến trạng của đại dương, về sự hiện hữu và không hiện hữu.

Những câu chuyện này, này các Tỷ kheo, không đưa đến mục đích, không phải căn bản cho phạm hạnh, không đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

Có nói chuyện, này các Tỷ kheo, các ông hãy nói chuyện: Đây là Khổ, đây là Khổ tập, đây là Khổ diệt và đây là Con đường đưa đến Khổ diệt.

Các câu chuyện này, này các Tỷ kheo, liên hệ đến mục đích, là căn bản cho phạm hạnh, đưa đến ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 12, phẩm Định, phần Lời nói, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr.609)

LỜI BÀN:

Thông tin là một nhu cầu quan trọng trong đời sống của con người. Mỗi người thường quan tâm đến những thể loại thông tin khác nhau, nếu thiếu thì xem như bị đói thông tin. Nhưng ngoài nhu cầu về những thông tin cần thiết thì đa phần, con người thích buôn chuyện. Thành ra, chuyện từ trong nhà ra ngoài phố, cho đến thế giới đó đây… gần như ai cũng biết. Chỉ có điều, người ta ít để ý đến chuyện của chính mình.

Chuyện của chính mình thì nhiều lắm nhưng chung quy không ngoài khổ. Đó là các cung bậc thăng trầm, buồn vui hỷ nộ… của đời sống. Vì chúng ta thường không thấy nguyên nhân chính của khổ là do tham ái nơi tự tâm nên có chuyện gì xảy ra thì âu cũng là hên xui, may rủi hay số phận mà không hề biết là do nghiệp quả của chính mình.

Đối với người con Phật, thấy rõ tham ái là cội nguồn của mọi khổ đau nên phải thao thức tìm phương cách chuyển hoa tham ái. Nếu chưa chuyển hóa được trọn vẹn thì ít ra cũng nhẹ nhàng, bớt tham, biết đủ. Vì thế tìm hiểu, học hỏi, trao đổi thông tin có tác dụng chuyển hóa thân tâm, xây dựng hạnh phúc, an vui là điều cần được ưu tiên hàng đầu.

Người học Phật cần chia sẻ những thông tin liên hệ đến giáo pháp thực sự có lợi ích cho mình và người. Nhất là những lúc đến chùa, tham dự các khóa tu thì mọi chuyện thế gian nên gác lại, buông bỏ hết. Cần phải tận dụng cơ hội hiếm hoi này để thực tập im lặng và nói năng như Chánh pháp. Bởi đối với người tu, những câu chuyện không liên hệ đến tu tập, ảnh hưởng đến an tịnh thân tâm đều được Thế Tôn xem là không lợi ích, tạp thoại, nói nhảm.

 

9- TÁN THÁN

Một thời, Thế Tôn trú ở Kosambi, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục. Thế nào là bốn?

Không suy tư, không thẩm sát, tán thán người không xứng đáng được tán thán. Không suy tư, không thẩm sát, không tán thán người xứng đáng được tán thán. Không suy tư, không thẩm sát, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ không đáng tin tưởng. Không suy tư, không thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ kheo, như vậy tương xứng bị rơi vào địa ngục.

Thành tựu với bốn pháp, này các Tỷ kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi trời.

Có suy tư, có thẩm sát, không tán thán người không xứng đáng được tán thán. Có suy tư, có thẩm sát, tán thán người xứng đáng được tán thán. Có suy tư, có thẩm sát, tự cảm thấy không tin tưởng đối với những chỗ không xứng đáng được tin tưởng. Có suy tư, có thẩm sát, tự cảm thấy tin tưởng đối với những chỗ đáng tin tưởng.

Thành tựu với bốn pháp này, này các Tỷ kheo, như vậy tương xứng được sanh lên cõi trời.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 4, phẩm Không có rung động, phần Tán thán, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.714)

LỜI BÀN:

Tán thán, tôn vinh, ca ngợi là liệu pháp cần yếu để động viên và khuyen khích mọi người cố gắng hơn nữa trong công việc hiện tại. Tuy nhiên, sự cổ vũ nhiệt thành ấy phải dựa trên nền tảng tuệ giác như ngợi khen điều thiện, xưng tán chính nghĩa, tôn vinh cái đẹp… thì mới đem lại lợi ích thiết thực cho mình và người, trong hiện tại và ở tương lai.

Người đời thường tiết kiệm sự ca ngợi bởi chúng ta ít khi đánh giá cao sự cố gắng và thành công của người khác. Đôi khi có lời xưng tán nhưng với tâm dua nịnh, nhằm lợi mình. Thành ra, cuộc đời đầy dẫy tiếng tung hứng, khen chê nhưng tìm ra lời thành thật để an trú, nuôi dưỡng và thăng hoa đời sống không phải là chuyện dễ.

Song hành với ca ngợi là sự tin tưởng, thường chúng ta thán phục ai thì có xu hướng tin và hành động theo người ấy. Sự tin tưởng có liên hệ mật thiết đến đời sống của mỗi cá nhân và xã hội nên chúng ta phải thận trọng phát huy tuệ giác để soi sáng cho niềm tin của chính mình. Sự tin hiểu và dấn thân hành động đúng đắn mới đem lại lợi ích thiết thực.

Cuộc sống luôn cần sự ca ngợi và tin tưởng bởi đó là những chất liệu làm thăng hoa cá nhân và cộng đồng. Cho nên, mỗi người con Phật phải vận dụng trí tuệ để ca ngợi và tin tưởng đúng người, đúng việc, đúng nơi và đúng lúc.

 

10- NÓI KHÔNG LỖI LẦM

Một thời Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahavàna, dạy các Tỷ kheo:

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích. Thế nào là năm?

Nói đúng thời, nói đúng sự thật, nói lời nhu hòa, nói lời liên hệ đến lợi ích, nói lời với từ tâm.

Thành tựu năm chi phần, này các Tỷ kheo, các lời là thiện thuyết, không phải ác thuyết, không có phạm lỗi và không bị những người có trí chỉ trích.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Bà la môn, phần Lời nói, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.701)

LỜI BÀN:

Nói năng và hành xử sao cho vừa ý, đẹp lòng nhau là cả một nghệ thuật sống với nền tảng là sự chân thật, minh triết và từ bi. Đôi khi người ta hay ca ngợi một người nào đó sao khéo ăn nói vì biết cách thuyết phục người để làm lợi cho riêng mình, khiến người khác làm theo chủ ý của mình. Thực ra, hành vi và cách nói năng này không phải là thiện thuyết, khéo nói mà là ỷ ngữ, nói lời thêu dệt, phù phiếm, nịnh hót làm mê hoặc người.

Theo tuệ giác Thế Tôn, để trở thành người khéo nói, trước hết phải nói đúng lúc. Xác định đúng thời điểm để mở lời về một vấn đề nào đó rất quan trọng. Nếu cảm thấy chưa đúng thời thì không nên nói vì dù có nói ra cũng không mang đến kết quả.

Kế đến, khéo nói chính là nói thật vì không có gì mầu nhiệm, cao siêu hơn nói về sự thật. Đành rằng, không phải nói ra bất cứ sự thật nào cũng có lợi cho mình và người, cho nên phải chờ đúng lúc mới nói. Và một khi đã hợp thời thì quyết không bưng bít hay nói sai sự thật.

Mặt khác, lời nói phải nhẹ nhàng, hòa ái nhằm mang đến sự tin cậy và hòa hợp. Phải trưởng dưỡng nội tâm thanh thản thì mới có thể nói được lời thanh tao, nhẹ nhàng. Lời nói sẽ trở nên hay tuyệt khi mình và người đều được lợi ích. Quan trọng hơn lời nói phát ra vì lòng từ, vì tình thương, luôn mong muốn cho người được an lành, lợi lạc. Cho nên những ai biết “nói như hoa” đúng lúc, đúng với sự thật, nhu hòa, lợi ích và từ ái thì chắc chắn người này gặt hái được nhiều an vui, hạnh phúc.

Không phải không có nguyên nhân khi người xưa nói “tai họa từ miệng mà ra”. Do vậy, tu tập để chuyển hóa những lời nói thô ác trở nên thiện lành nhằm tránh xa những xung đột, bất hòa, khổ não là điều cần thiết trong đời sống hàng ngày của mỗi người con Phật.

 

11- MỘT ĐIỀU NHỊN, CHÍN ĐIỀU LÀNH

Một thời Thế Tôn ở Ràjagaha, tại Veluvana, chỗ nuôi dưỡng các con sóc.

Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nghe như sau: “Bà la môn thuộc dòng họ Bhàradvàja đã xuất gia với Thế Tôn, từ bỏ gia đình, sống không gia đình”.

Phẫn nộ, không hoan hỷ, vị ấy đi đến Thế Tôn, sau khi đến, có những lời không tốt đẹp, ác ngữ, phỉ báng và nhiếc mắng Thế Tôn.

Được nghe nói vậy, Thế Tôn giữ im lặng.

Rồi Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja nói với Thế Tôn:

Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục. Này Sa môn, Ông đã bị chinh phục!

Thế Tôn (nói kệ):

Kẻ ngu nghĩ mình thắng

Khi nói lời ác ngữ

Ai biết chịu kham nhẫn

Kẻ ấy thật thắng trận

Những ai bị phỉ báng

Trở lại phỉ báng người

Kẻ ấy làm ác mình

Lại làm ác cho người

Những ai bị phỉ báng

Không phỉ báng đối lại

Người ấy đã thắng trận

Thắng cho mình cho người

Vị ấy tìm lợi ích

Cho cả mình và người

Và kẻ đã phỉ báng

Tự hiểu, lắng nguội dần

Bậc y sư cả hai

Chữa mình, chữa cho người

Quần chúng nghĩ là ngu

Vì không hiểu Chánh pháp.

Được nghe nói vậy, Bà la môn Asurindaka Bhàradvàja bạch Thế Tôn: Thật vi diệu thay, Tôn giả Gotama!… Nay con quy y Tôn giả Gotama, quy y Pháp và Tăng. Mong cho con được xuất gia với Tôn giả Gotama.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ I, chương 7, phẩm A la hán, phần Asurindaka, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.356)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống hàng ngày, không ít người có thói quen sử dụng ngôn ngữ ác độc, lời lẽ khiếm nhã để chửi mắng, thóa mạ nhằm trấn áp, chinh phục đối phương. Họ hả hê, thỏa dạ và xem mình là kẻ chiến thắng khi người kia chịu lép, im lặng không đấu khẩu hoặc nhẫn nhịn trước những phát ngôn thô bỉ, dữ dằn. Cũng vì thế mà lời qua tiếng lại, mắng nhiếc, chửi rủa luôn xảy ra từ trong nhà cho đến phố chợ và không ít những bất hạnh, tang thương trong cuộc sống đã bắt nguồn từ đây.

Tuy nhiên, theo tuệ giác Thế Tôn, người biết im lặng, kham nhẫn, không chửi mắng trở lại khi bị chửi mắng, không phỉ báng lại khi mình bị người khác phỉ báng… mới thực sự là người chiến thắng. Bởi sự đấu khẩu trở lại ắt sẽ dẫn đến sự xung đột và chắc chắn mình và người kia đều bị thiệt hại, thương tổn nặng nề. Sự thắng trận, theo Thế Tôn, là nhờ nhẫn nhịn nên tránh được những thiệt hại về thân mạng, danh dự và tài sản không đáng có do sân si gây hấn, xung đột tạo nên. Mặt khác, sự kham nhẫn ấy là liệu pháp hữu hiệu nhất để dập tắt nóng giận nơi người kia và thức tỉnh họ hồi tâm.

Thường thì người ta chỉ hối hận khi đã muộn, khi mọi sự đã rồi. Con người vì vô minh nghiệp lực che lấp nên cho rằng nhẫn nhịn là bạc nhược, không sáng suốt, là kẻ ngu. Kỳ thật, Đức Phật luôn dạy rằng, nhẫn nhịn là phương thức trị liệu nóng giận hiệu quả nhất cho mình và người để cả hai cùng được an lạc. Vì thế, ông cha ta đã đúc kết kinh nghiệm của tiền nhân nên luôn răn nhắc hàng hậu thế: “Một điều nhịn, chín điều lành”.