LỜI PHẬT DẠY

THÂN NGHIỆP
Diễn đọc: Tạng Thư Phật Học

 

 

THÂN NGHIỆP
Biên soạn và Lời bàn: Thích Quảng Tánh

1- SÁT SANH – LỢI BẤT CẬP HẠI

Một thời, Thế Tôn đang du hành giữa dân chúng Kosala cùng đại chúng Tỷ kheo. Trong khi đi đường, Ngài thấy một người đánh cá, sau khi bắt cá, giết cá và đang ngồi bán cá. Thấy vậy, Thế Tôn liền bảo các Tỷ kheo:

Các Thầy nghĩ thế nào, này các Tỷ kheo, các Thầy có thấy hay nghe như sau: “Một người đánh cá, bắt cá, giết cá và đang bán cá; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được thọ hưởng hay được sống giữa các tai sản lớn?”.

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Này các Tỷ kheo, các Thầy nghĩ thế nào, có thấy hoặc nghe như sau: “Người đồ tể, sau khi giết các con dê, heo, bò… các loài thú rừng, giết rồi đem đi bán; do nghiệp ấy, do mạng sống ấy được thọ hưởng hay được sống giữa các tài sản lớn?”.

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Lành thay, này các Tỷ kheo! Ta cũng không thấy, cũng không nghe người đồ tể, sau khi giết các con dê, heo, bò… được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Vì sao? Vì người đồ tể giết các loài thú, với ác ý nhìn các loài thú bị giết; vì vậy người ấy không được hưởng, được sống giữa các tài sản lớn. Huống gì người với ác ý nhìn loài người bị giết, bị đem đi giết hại. Này các Tỷ kheo, như vậy là bất hạnh, đau khổ lâu dài cho vị ấy, sau khi mạng chung sanh vào đọa xứ, ác thú và địa ngục.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ III, chương 6, phẩm Cần phải nhớ, phần Con cá, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.42)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, mỗi người có một công việc, một nghề nghiệp riêng. Mặc dù, không có công việc nào là thấp hèn khi công việc ấy góp phần xây dựng và phát triển xã hội. Tuy nhiên, xét về phương diện tác nghiệp thì những nghề như đồ tể, đao phủ là những nghề tạo ra ác nghiệp, không có lợi ích cho tự thân ở đời này và đời sau.

Khi chọn việc giết hại lam nghề thì sự thuần thục nghề nghiệp sẽ làm cho hành động giết hại ngày càng thiện nghệ. Năng suất lao động tăng lên thì số lượng chúng sanh bị giết càng cao. Sự rèn luyện nhằm nâng cao tay nghề cùng với việc gia tâm học hỏi, nghiên cứu đã làm cho nghiệp giết ngày càng được tích lũy, nhuần nhuyễn và nặng nề thêm.

Điều quan trọng khác mà không mấy ai để ý là nghề giết hại tạo ra tâm lý thích giết, vui khi thấy bị giết, không hề ghê sợ cảnh vấy máu, tàn sát và chết chóc. Công nghệ giải trí hiện đại cũng góp phần đầu độc ác tâm con người bằng các thể loại phim kinh dị, game bạo lực v.v… Từ tâm lý đó, dễ dàng dẫn người ta đến hành vi giết người mà không hề run sợ.

Đã đến lúc nhân loại cần thức tỉnh để xét lại quan điểm “vật dưỡng nhơn” của mình. Chính sự giết hại, tàn sát sinh vật một cách dã man để cung cấp thực phẩm và thỏa mãn lợi nhuận đã tạo ra sự mất cân bằng sinh thái. Đồng thời, sự sát hại, ưa thích giết hại là nguyên nhân sâu xa của chiến tranh, khủng bố, xung đột, bạo lực và hận thù trên toàn cầu.

Vì lẽ ấy, người Phật tử không giết hại, không tán đồng việc giết hại, cực lực phản đối mọi hành vi giết hại đồng thời phát triển từ tâm, bảo vệ mọi sự sống. Nếu có nghề nghiệp khác thì không làm nghề giết hại; nếu đang làm nghề giết hại mà chưa thể giải nghệ được thì phải nhận thức sâu sắc ác nghiệp đang làm để tìm cách từ bỏ. Làm được như vậy, người Phật tử đã sống và thực hành theo lời Phật dạy.

 

2- QUẢ BÁO CỦA NGHIỆP GIẾT

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha. Lúc bấy giờ, Tôn giả Lakkhana và Tôn giả Moggallàna trú ở núi Linh Thứu. Rồi Tôn giả Moggallàna khi từ núi Linh Thứu bước xuống, đi qua một chỗ, liền mỉm cười.

Thấy vậy, sau khi khất thực xong, hai vị đi đến đảnh lễ Thế Tôn, Tôn giả Lakkhana hỏi Tôn giả Moggallàna: Do nhân gì, duyên gì khi từ núi Linh Thứu bước xuống, Tôn giả lại mỉm cười?

Này Tôn giả Lakkhana, khi tôi từ núi Linh Thứu bước xuống, tôi thấy một bộ xương đang đi trên trời. Các con kên kên, quạ và chim ưng đuổi theo cắn mổ nó và nó kêu lên đau đớn. Thấy vậy, tôi suy nghĩ như sau: “Thật vi diệu thay! Một kẻ như vậy lại trở thành một chúng sanh như vậy, một dạ xoa như vậy, một tự ngã như vậy”.

Rồi Thế Tôn gọi các Tỳ kheo:

Chúng sanh ấy, này các Tỷ kheo, là một đồ tể giết trâu bò ở Ràjagaha này. Do nghiệp của người đó thuần thục, sau khi bị nung nấu trong địa ngục nhiều năm, nhiều trăm năm, nhiều ngàn năm và với quả báo còn lại người đó cảm thọ với một tự ngã như vậy.

(ĐTKVN, Tương Ưng II, chương 8, phẩm 1, phần Đống xương [lược], VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.445)

LỜI BÀN:

Tội báo của nghiệp nhân giết hại chúng sanh, nhất là hành vi giết người phải gánh chịu nhiều thống khổ, đọa đày lâu dài trong địa ngục. Chưa hết, sau khi mãn phần thọ báo nơi địa ngục, chúng sanh ấy được sanh lên ngạ quỷ, bàng sanh hoặc làm người nhưng còn in hằn dấu vết của nghiệp sát nên chịu nhiều bệnh tật, đau đớn, bị tai nạn và yểu mạng.

Nhân quả của nghiệp giết hại rất phân minh và rõ ràng. Quan sát cuộc sống quanh ta với vô vàn dị biệt ve lẽ sinh tử để nhận ra phần nào sự vận hành của nghiệp. Có những cái chết khi đang còn trong trứng nước hoặc mới mở mắt chào đời. Không ít những mái đầu xuân xanh đã vĩnh viễn nằm xuống trong chiến tranh, các vụ xung đột đẫm máu, những tai nạn… Trong khi chết già và ra đi trong an lành là một phước báo mà không phải ai mong muốn cũng đạt được.

Nếu dư báo của nghiệp nhân giết hại không lớn đến nỗi phải yểu mạng thì thường chịu nhiều bệnh tật, đau đớn dai dẳng về thể xác. Có nhiều người, cuộc đời của họ gắn liền với bệnh viện và thuốc thang. Tai này chưa qua thì nạn khác đã đến, có khi phải chịu bệnh hoạn, tật nguyền suốt cả cuộc đời. Trong khi, có không ít người luôn khỏe mạnh và nếu có bệnh tật gì cũng nhanh chóng qua khỏi… Tất cả những biểu hiện liên quan đến sức khỏe và thọ mạng của một người đã phản ánh rõ nét nghiệp nhân người ấy đã gây tạo trong quá khứ và trong hiện tại, đời này.

Nghiệp báo sát sanh nặng nề như vậy nên những người con Phật luôn tôn trọng và bảo vệ sự sống. Thực tập ăn chay, mở rộng lòng từ, không giết hại chúng sanh và nỗ lực phóng sanh là cách gieo trồng phước báo tốt đẹp cho đời này và đời sau.

 

3- SÁT SANH ĐỌA ĐỊA NGỤC

Một thời, Thế Tôn trú ở Ràjagaha dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, đầy đủ ba pháp này, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục. Thế nào là ba?

Tự mình sát sanh, khích lệ người khác sát sanh, tùy hỉ sự sát sanh. Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ kheo, tương xứng như vậy, bị rơi vào địa ngục.

Này các Tỷ kheo, đầy đủ ba pháp này, tương xứng như vậy, được sanh thiên giới. Thế nào là ba?

Tự mình từ bỏ sát sanh, khích lệ người khác từ bỏ sát sanh, tùy hỉ sự từ bỏ sát sanh. Đầy đủ ba pháp này, này các Tỷ kheo, tương xứng như vậy, được sanh thiên giới.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ I, chương 3, phẩm Loa thể, phần Sát sanh, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.546)

LỜI BÀN:

Ác tâm bức hại đồng loại và giết hại chúng sanh là tập khí sâu dày, vốn hằn sâu trong tâm thức của nhiều người. Những biểu hiện gây chiến, khủng bố, bạo lực luôn xảy ra trên thế giới ngày nay là thách thức không nhỏ cho toàn thể nhân loại. Cùng với việc giết hại súc vật hàng loạt làm thực phẩm cũng như hủy hoại môi sinh, săn bắt những loài thú quý hiếm khiến nhiều loai động vật tuyệt chủng đã dẫn đến nguy cơ phá vỡ cân bằng sinh thái, đe dọa sự sống con người.

Tàn hại sự sống dù là con người, sinh vật hay môi trường tự nhiên đều là làm ác. Cái ác này thể hiện nơi hành vi tự mình trực tiếp sát hại hoặc sai khiến, xúi giục, khuyến khích, ca ngợi người khác sát hại và vui vẻ, ưa thích, tán đồng đối với sự giết hại. Nói cách khác là trên cả ba phương diện thân miệng ý đều tạo nghiệp giết hại. Vì nhân ác giết hại luôn tràn ngập trong tư tưởng, lời nói và hành vi nên những người này khó tránh khỏi quả báo địa ngục. Và không cần chờ đến sự đọa lạc vào địa ngục trong lục đạo bởi “địa ngục trần gian” luôn hiện hữu ngay trước mắt đối với những người ác, chuyên gây hấn, sẵn sàng chém giết, xung đột…

Do đó, để thiết lập bình an cho mỗi người và xây dựng hòa bình trên toàn thế giới, nhân loại cần thực tập hạnh nguyện không sát sanh; nguyện từ bỏ giết hại, ca ngợi sự từ bỏ giết hại và vui vẻ với tất cả sự chấm dưt giết hại. Đồng thời, mỗi cá nhân cần tu tập rải tâm từ, thực hành ăn chay và nhất là thiền quán nhân duyên nhằm thấy rõ mối liên hệ chặt chẽ giữa con người, chúng sinh, thiên nhiên là bất khả phân để tôn trọng và giữ gìn sự sống cho mọi người, mọi loài.

Bình an cho mình cũng chính là bình an cho mọi người và mọi loài khác và ngược lại là một tuệ giác. Và chính tuệ giác này là nền tảng để xây dựng hạnh phúc trong hiện tại và vị lai.

 

4- NGUY HẠI CỦA LƯỜI BIẾNG

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm: “quá lạnh”, không làm việc; “quá nóng”, không làm việc; “quá trễ”, không làm việc; “quá sơm” không làm việc; “quá đói”, không làm việc; “quá no”, không làm việc. Trong khi những công việc phải làm thì không làm. Tài sản chưa có không xây dựng nên, tài sản đã có thì bị tiêu tán.

Này gia chủ tử, quen thói lười biếng có sáu nguy hiểm như vậy.

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr 534)

LỜI BÀN:

Ai cũng biết, lười biếng là một tật xấu. Biếng nhác là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, trì trệ, lạc hậu và làm gia tăng các tệ nạn xã hội. Trong mọi lĩnh vực đời sống xã hội, muốn thành công phải dẹp tan sự lười biếng, tích cực làm việc, nhận chân giá trị cao quý của lao động.

Khi sức khỏe không được tốt, uể oải và mệt mỏi phát sinh. Đây là phản ứng ức chế của cơ thể, không phải thói biếng nhác, cần nghỉ ngơi để phục hồi sức khỏe. Nhưng lúc mạnh khỏe lại không thích làm việc cùng với tâm lý ưa làm chơi mà ăn thiệt, xem thường lao động chính là thói lười biếng. Vì thế, những người lười biếng, thường tìm mọi lý do để trốn tránh lao động như nắng nghỉ, mưa ngủ, mát trời thì đi chơi…

Trong khi miệng ăn thì núi lở. Có của ăn của để to như ngọn núi mà chỉ ăn không ngồi rồi thì núi của ấy cũng sập, huống gì những kẻ trắng tay. Cũng chính vì nắng không ưa, mưa không chịu, viện đủ duyên cớ: quá lạnh, quá nóng, quá sớm, quá trễ, quá đói hay quá no… để nghỉ ngơi nên nghèo khổ, tệ nạn mới tràn lan.

Xã hội tôn vinh, ca ngợi lao động là vinh quang; nhà tư tưởng thì cho rằng lao động là cơ sở của tiến hóa; nhà Thiền luôn đề cao lao động, một ngày không làm thì một ngày không ăn…, mới biết giá trị của lao động. Người con Phật cần nhận thức sâu sắc lời dạy của Thế Tôn về sáu nguy hiểm của thói lười biếng để khắc phục. Nhất là giới trẻ, suy ngẫm về trách nhiệm của mình trước sự nghiệp của bản thân, trước sứ mạng phát triển của đất nước và tương lai của thế giới để vượt lên sự biếng nhác của tự thân bằng cách thực hành tinh tấn, “những điều tốt chưa sanh làm cho phát sanh, nếu đã sanh làm cho tăng trưởng; những điều xấu chưa sanh không cho phát sanh, nếu đã sanh phải làm cho đoạn diệt”.

 

5- QUÁN THÂN BẤT TỊNH

Một thời Thế Tôn trú ở Sàvatthi, tại Jetavana. Tại đấy, Thế Tôn gọi các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ví như một ung nhọt đã trải nhiều năm. Nó có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn. Từ đấy có cái gì chảy ra? Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thối rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy.

Ung nhọt, này các Tỷ kheo, là đồng nghĩa với thân này do bốn đại tác thành, do cha mẹ sanh ra, do cơm cháo nuôi dưỡng, vô thường, biến hoại, tan nát, có chín miệng vết thương, có chín miệng nứt rạn. Từ đấy có cái gì chảy ra? Chắc chắn bất tịnh rỉ chảy, chắc chắn hôi thối rỉ chảy, chắc chắn nhàm chán rỉ chảy.

Do vậy, này các Tỷ kheo, các Thầy hãy nhàm chán thân này.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bo IV, chương 9, phẩm Tiếng rống con sư tử, phần Một ung nhọt, VNCPHVN ấn hành, 1997, tr.116)

LỜI BÀN:

Con người sống trên đời có nhiều cái để quý giá nhưng quý nhất vẫn là tấm hình hài. Người ta thường ít khi cho và nếu có người biết ban tặng và chia sẻ thì dẫu rộng rãi đến mấy họ cũng cho những vật ngoài thân. Thân thể đối với mỗi người quý giá hơn vàng ngọc và bất khả xâm phạm. Cuộc sống con người vốn lao khổ, lo toan, thậm chí phải tranh đoạt, giành giật cũng không ngoài mục đích cung phụng và nuôi dưỡng thân này.

Thân thể đối với ta không những quý giá mà còn đẹp đẽ. Ta hằng nâng niu, trau chuốt, tỉa tót và chăm nom dung nhan, vóc dáng mỗi ngày. Ta không chỉ yêu quý thân mình mà còn yêu thích, khát khao chiếm hữu nét đẹp của thân thể người khác. Đó cũng là nguyên nhân làm tăng thêm khổ đau vốn chất chồng trong đời sống con người. Theo tuệ giác của Thế Tôn, thân thể con người chẳng khác gì một ung nhọt, một khối bất tịnh được nguỵ trang bởi lớp vỏ đẹp đẽ bên ngoài. Ung nhọt này có đến chín miệng (2 mắt, 2 tai, 2 mũi, miệng, tiểu tiện, đại tiện) thường bài tiết ra những thứ không sạch. Chỉ cần chểnh mảng vệ sinh của bản thân thôi thì tự khắc mỗi chúng ta chứng nghiệm được sự bất tịnh ấy.

Bình tâm mà quán sát thì dơ bẩn chính là thân này. Thân thể đích thực là ung nhọt, là đãy da chứa bên trong những thứ không sạch. Chỉ cần lớp da mỏng ấy bị trầy xước, bị bong ra thì lập tức bất tịnh tuôn chảy. Tuy nhiên, vì chấp ngã, luyến ái tự ngã quá sâu dày nên con người không nhận ra sự bất tịnh vốn dĩ ấy mới hằng tham luyến, yêu quý, say mê và tìm cầu. Do vậy, trong lộ trình hướng đến ly dục, đoạn trừ tham ái, điều quan trọng là phải nhận ra sự bất tịnh của thân.

Nhàm chán thân này không có nghĩa là phủ nhận nó, vì thân này chính là chiếc bè để qua sông sanh tử. Khi chưa qua sông mà vội buông bỏ chiếc bè, chắc chắn bị nước sông nhận chìm và cuốn trôi. Tuy nhiên, đừng quá vướng mắc và hệ luỵ với tấm thân giả tạm này quá làm ảnh hưởng đến sự nghiệp giải thoát. Đây chính là tuệ giác mà mỗi người con Phật phải quán sát để thành tựu trong sự nghiệp tu tập của mình.

 

6- TU TẬP NIỆM THÂN

Một thời Thế Tôn trú giữa dân chúng Sumbha, tại thị trấn Sedaka. Tại đấy, Thế Tôn dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, ví như có một số đông quần chúng, tụ họp lại nhìn một cô gái hoa hậu đang múa và hát với tất cả sự quyến rũ của mình. Rồi một người đến, muốn sống không muốn chết, họ noi với người ấy như sau: “Này ông, hãy xem đây. Đây là cát bát đựng đầy dầu. Ông hãy mang cái bát đựng đầy dầu ấy rồi đi vòng quanh đám quần chúng lớn và người con gái hoa hậu. Một người cầm kiếm giơ cao sẽ đi theo sau lưng ông. Tại chỗ nào, ông làm đổ một ít dầu, chính nơi ấy, đầu của ông sẽ bị rơi xuống”.

Này các Tỷ kheo, các ông nghĩ thế nào, người ấy có thể không chú ý đến bát dầu, phóng tâm hướng ngoại không?

Thưa không, bạch Thế Tôn.

Ví dụ này, này các Tỷ kheo, ta nói ra để nêu rõ ý nghĩa thân hành niệm. Do vậy, các ông cần phải học tập như sau: “Chúng ta sẽ tu tập thân hành niệm, làm cho sung mãn, làm cho tiếp tục an trú…”.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ V, chương 3, phẩm Nàlanda, phần Quốc độ, Nxb Tôn Giáo, 2002, tr 266)

LỜI BÀN:

Trong cuộc sống, có rất nhiều hành động được thực thi mà không hề có kiểm soát. Thân một đường mà tâm một nẻo là một thói quen cố hữu của con người. Đa phần, mọi người thường hướng tâm ra bên ngoài, ít ai chú ý đến các hành động của thân trong hiện tại. Vì thế, trừ một vài công việc cần sự tập trung cao, có thể xảy ra nguy hiểm thì mới thực sự chú ý, còn lại thì gần như quên lãng, nhất là những công việc thường nhật. Mấy ai ý thức được nguyên nhân của phần lớn các tai nạn, bất hạnh giáng xuống đời sống con người đều phát xuất từ những sơ ý này.

Niệm thân hành là một pháp tu quan trọng nhằm kiểm soát tất cả những động tác của thân, giữ vững chánh niệm trong khi làm việc, đi lại và sinh hoạt. Nhờ ý thức sâu sắc về những hoạt động của thân thể mà con người có thể làm chủ được chính bản thân mình. Những ác nghiệp về thân, nhờ ý thức soi sáng nên dần được đoạn trừ. Mặt khác, niệm thân hành sẽ giúp tâm an trú, không phân tán, vì tâm luôn có mặt nơi các hoạt động của thân. Chánh niệm về thân hành sẽ đưa thân và tâm trở về an trú trong từng giây phút của hiện tại. Đây chính là sự minh triết trong đời sống.

Sở dĩ con người thiếu tập trung, không ý thức sâu sắc vào hành động là do thói quen hướng ngoại, để ý đến bên ngoài nhiều hơn là chú ý đến mình. Sự quên lãng ấy sẽ làm cho tâm lang thang vô định dẫn đến thất niệm. Khắc phục tình trạng thất niệm ấy bằng cách niệm thân hành; luôn tỉnh thức, sáng suốt và tự chủ trong mỗi mỗi cử chỉ, hành động. Ảnh dụ một người đàn ông sẽ trở thành tử tội nếu đánh rơi chỉ một giọt dầu khi bưng bát dầu đầy ắp, đi vòng quanh đám đông reo hò trước một người đẹp đang múa hát thật cụ thể và sinh động.

Ý thức về vô thường, mạng người trong hơi thở, hành giả niệm thân hành để sống tỉnh thức và trọn vẹn. Cho nên, niệm thân hành để làm chủ thân tâm là phương châm sống của mỗi người con Phật.

 

7- TÁC HẠI CỦA LỐI SỐNG XA HOA

Một thời, Thế Tôn trú ở Vesàli, tại Mahàvana, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, sống trên gối rơm là lối sống hiện nay của dân chúng Licchavi, không phóng dật, nhiệt tâm trong nhiệm vụ. Ajàtasattu, vua nước Magadha không có cơ hội, không có đối tượng (để xâm lăng).

Trong tương lai, này các Tỷ kheo, nếu dân chúng Licchavi trở nên nhu nhược, nằm trên những đồ nằm mềm mại, ngủ trên gối bông. Ajàtasattu, vua nước Magadha có cơ hội, có đối tượng (để xâm lăng).

Sống trên các gối rơm, này các Tỷ kheo, là nep sống hiện nay của các Tỷ kheo, không phóng dật, nhiệt tâm trong các nỗ lực. Ác ma không có cơ hội, không có đối tượng (để xâm lăng).

Trong tương lai, này các Tỷ kheo, nếu các Tỷ kheo trở nên nhu nhược, nằm trên những đồ nằm mềm mại, ngủ trên gối bông. Ác ma sẽ nắm được cơ hội, sẽ nắm được đối tượng (để xâm lăng).

Do đó, này các Tỷ kheo, phải học tập như sau: Chúng tôi sẽ sống trên gối rơm, không phóng dật, nhiệt tâm trong các nỗ lực.

(ĐTKVN, Tương Ưng Bộ II, chương 9, phần Cỏ rơm, VNCPHVN ấn hành, 1993, tr.467)

LỜI BÀN:

Nâng cao đời sống, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu là tiêu chí phấn đấu chung của cá nhân và xã hội. Tuy nhiên tránh sự đua đòi, xa hoa và lãng phí trong hưởng thụ cá nhân nhằm góp phần xây dựng xã hội, đất nước vững mạnh là điều quan yếu cần phải làm. Nhất là trong bối cảnh đất nước đang chịu sức ép, lăm le xâm chiếm lãnh thổ của ngoại bang thì việc khắc kỷ, hy sinh những quyền lợi cá nhân, dẹp bỏ các hiềm khích riêng tư để chung tay xây dựng và bảo vệ đất nước trở nên vô cùng khẩn thiết.

Thế Tôn đã chỉ ra việc mạnh ai nấy làm giàu, chỉ lo hưởng thụ cá nhân, vun vén cho riêng mình, phó mặc việc chung đồng thời trở nên nhu nhược, hèn yếu chính là cơ hội tốt cho nước khác xâm lăng. Lịch sử đã minh chứng rõ nét về điều này, một khi quân vương vô đạo, quan lại thối nát vơ vét cho rieng mình, dân tình cơ cực oán thán, đất nước điêu linh thì ngoại bang tràn đến và khó tránh khỏi họa nô lệ.

Trong việc tu tập cũng vậy, nếu xu hướng theo vật dục và trở nên phóng dật là cơ hội tốt cho ác ma xâm chiếm. Phat hay ma ngự trị, xâm chiếm tâm của người tu tùy thuộc vào thái độ sống khắc kỷ hay phóng dật, tham ái ít hay nhiều, tinh cần hay giải đãi… Ngoại bang chỉ tràn vào khi đất nước suy vong, không cố kết được dân tình. Cũng vậy, ác ma chỉ tràn vào thân tâm khi lòng ta buông thả theo tham dục, danh lợi, hưởng thụ.

Vì thế, không hưởng thụ xa hoa, xả kỷ vị tha là phương thức sống đúng đắn, tốt đẹp cho mình và người, nhất là góp phần quan trọng để xây dựng đất nước vững mạnh, phồn vinh.

 

8- ĐI ĐÊM GẶP NHIỀU NGUY HIỂM

Một thời Thế Tôn trú ở Ràjagaha, tại Veluvana. Bấy giờ, Singàlaka, gia chủ tử, dậy sớm, ra khỏi thành Vương Xá, chắp tay đảnh lễ sáu phương.

Rồi Thế Tôn, buổi sáng vào thành Vương Xá khất thực, sau khi dạy Singàlaka về ý nghĩa đảnh lễ sáu phương, Ngài dạy thêm:

Này gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sáu nguy hiểm. Tự mình không được che chở hộ trì, vợ con không được che chở hộ trì, tài sản không được che chở hộ trì, bị tình nghi là tác giả các ác sự, nạn nhân của các tin đồn thất thiệt, tự rước vào thân nhiều khổ não.

Này gia chủ tử, du hành đường phố phi thời có sau nguy hiểm như vậy.

(ĐTKVN, Trường Bộ II, kinh Giáo thọ Thi Ca La Việt [trích], VNCPHVN ấn hành, 1991, tr.533)

LỜI BÀN:

Bóng đêm luôn đồng nghĩa với tối tăm, mù quáng, tội lỗi và vô vàn bất trắc, hiểm nguy đang rình rập. Vì thế mà người ta thường cảnh báo đi đêm ắt có ngày gặp ma. Thực ra ma chết, ma quỷ không đáng sợ mà chính các loài ma sống, ma men, ma cô… ma mãnh sống về đêm mới nguy hiểm và đáng sợ hơn. Bóng đêm tuy không mấy an toàn nhưng có sức hấp dẫn riêng nên khiến cho không ít người thích sống về đêm, thậm chí lấy đêm làm ngày.

Thường thì chúng ta ít ra đường vào đêm hôm khuya khoắt (phi thời), trừ khi có những công việc khẩn cấp. Nhưng nếu phải đi thì tâm lý chung là lo ngại vì không được an toàn. Thật vậy, trước hết là tính mạng bị đe dọa có thể do tai nạn, bị người xấu hành hung, bức hại. Kế đến là trong tình huống cô độc, một mình thì người đi đêm dễ dàng bị trấn lột, cướp bóc tài sản và nhất là đàn bà, con gái trong đêm hôm khuya khoắt, vắng vẻ lại càng nguy hiểm hơn. Ngoài ra, người đi đêm dễ dàng bị nghi ngờ làm những điều xấu ác, có thể bị bắt giữ, thẩm vấn và chịu nhiều rắc rối khác.

Vì thế, để tránh nguy hiểm cho bản thân và sự lo lắng của gia đình, chúng ta không nên về nhà quá khuya. Luôn quán niệm “bóng đêm đồng lõa với tội ác” để đề phòng và tự răn nhắc mình. Thực hành điều nay vốn chẳng khó, song vì chủ quan và vô ý nên bị mang họa vào thân, làm khổ cho gia đình. Do vậy, cần tự khắc đối với bản thân, tập thói quen về nhà đúng giờ, không la cà đêm hôm ngoài đường. Việc này tưởng chừng như nhỏ nhặt nhưng nếu được thực thi nghiêm túc sẽ góp phần to lớn trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình và giữ gìn an ninh trật tự xã hội.

 

9- BỎ ÁC, LÀM LÀNH

Một thời Thế Tôn trú ở Kimbilà, dạy các Tỷ kheo:

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành. Thế nào là năm?

Tự mình chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí quở trách; tiếng ác đồn khắp; khi mạng chung, tâm bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào cõi dữ, ác thú, đọa xứ, địa ngục.

Này các Tỷ kheo, có năm nguy hại này cho người ác hành.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành. Thế nào là năm?

Tự mình không chỉ trích mình; sau khi suy xét, các bậc trí tán thán; tiếng tốt đồn khắp; khi mạng chung, tâm không bị mê loạn; sau khi thân hoại mạng chung, sanh vào thiện thú, thiên giới, cõi đời này.

Này các Tỷ kheo, có năm lợi ích này cho người thiện hành.

(ĐTKVN, Tăng Chi Bộ II, chương 5, phẩm Ác hành, phần Người ác hành, VNCPHVN ấn hành, 1996, tr.741)

LỜI BÀN:

Thời Đường, Bạch Cư Dị có lần hỏi Thiền sư Ô Sào về đại ý Phật pháp và được trả lời một cách giản dị rằng “Không làm các việc ác, hãy làm các việc lành”. Bạch Cư Dị không mấy hài lòng về câu trả lời ấy vì trẻ lên ba cũng nói được. Ô Sào đã lưu ý rằng dù vậy nhưng người già tám mươi cũng chưa chắc đã làm xong. Thế mới biết chuyện “bỏ ác, làm lành” quan trọng và không dễ làm.

Ác hành là suy nghĩ ác, nói lời ác và hành động ác, tạo ba nghiệp bất thiện. Người làm ác tất bị lương tâm cắn rứt, luôn mang nỗi bất an, hối hận và lo sợ. Mặt khác, người làm ác bị pháp luật trừng trị, nhẹ hơn thì bị xã hội phê phán, tiếng xấu đồn khắp, thân bại danh liệt. Quan trọng hơn, những việc ác đã gây tạo trong đời sẽ kết thành cận tử nghiệp xấu ác và theo đó sẽ bị sanh vào cõi dữ ở tương lai.

Thiện hành là suy nghĩ thiện, nói lời thiện và hành động thiện, tạo ba nghiệp thiện. Ai sống trong sạch thì cõi lòng thanh thản, tâm thư thái an nhiên, không lo lắng, dằn vặt và sợ hãi. Ăn hiền ở lành thì mọi người đều khen ngợi, tiếng tốt đồn xa. Nhất là, một đời làm các điều thiện sẽ kết tụ nghiệp lành, làm cho cuộc sống hiện tại luôn bình an, đến khi từ giã cuộc đời chết trong thanh thản và tái sanh vào cõi lành.

Bỏ ác, làm lanh là đạo lý sống của những người con Phật và của tất cả mọi người. Nhân quả luôn chính xác và rõ ràng. Mỗi người đều có một hoàn cảnh cuộc sống khác nhau, điều đó phản ánh đích thực nghiệp nhân của chính họ. Do vay, muốn hạnh phúc và bình an trong cuộc sống ở hiện tại cũng như trong tương lai, mỗi người phải tự gây tạo nhân lành cho chính mình.