PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 7
ĐẠO ĐỨC 

KIM CANG THỪA

Nghiệp thiện và bất thiện

V.41 Mười thiện nghiệp

Đoạn trích này là danh sách giản lược mười nghiệp đạo thiện như đức Phật đã thuyết (xem đoạn *Th.111), tránh xa những hành vi bất thiện và thực hành các pháp đối trị tích cực.

Mười nghiệp thiện bao gồm việc đoạn trừ mười nghiệp bất thiện và phụng hành các thiện pháp đối trị ác nghiệp. Thiện nghiệp thứ nhất thuộc thân là tránh sát sanh và ái hộ sanh mạng. Thiện nghiệp thứ hai thuộc thân là tránh xa lấy vật không được cho và rộng rãi bố thí. Thiện nghiệp thứ ba thuộc thân là tránh xa tà dâm và hộ trì giới luật.

Thiện nghiệp thứ nhất thuộc ngữ là đoạn trừ nói dối, nói lời chân thật. Thiện nghiệp thứ hai thuộc ngữ là đoạn trừ nói ly gián ngữ và hóa giải oán hận. Thiện nghiệp thứ ba thuộc ngữ là đoạn trừ ác ngữ và nói lời nghe êm tai. Thiện nghiệp thứ tư thuộc ngữ là đoạn trừ ý ngữ và tinh tấn niệm tụng.

Thiện nghiệp thứ nhất thuộc ý là đoạn trừ tham tâm và hành trì xả tâm. Thiện nghiệp thứ hai thuộc ý là đoạn trừ hại tâm và tu nhiêu ích tâm. Thiện nghiệp thứ ba thuộc ý là xả ly tà kiến và y chỉ chánh kiến.

The Words of My Perfect Teacher, pp.186, dịch Anh T.A.

Bố thí ba-la-mật

Những đoạn dưới đây mô tả ba loại bố thí ba-la-mật: tài thí, pháp thí và vô úy thí.

V.42 Tài thí

Tài thí có ba hạng: phổ thông bố thí, quảng đại bố thí và cực đại bố thí.

Phổ thông bố thí có nghĩa là cho kẻ khác các loại tài vật từ một chén trà hay một bát mạch. Miễn là người cho đi vật gì với ý lạc thanh tịnh, thì tài vật được thí xả lớn hay nhỏ không quan trọng…

Nói chung, nếu người ta sở hữu dù chỉ chút tài sản hay của cải, thì họ nắm giữ cho đến hơi thở cuối cùng, và vì vậy nó chẳng lợi ích gì cho họ trong đời này hay trong đời sau. Bất luận có bao nhiêu, họ cũng nghĩ rằng mình chẳng có gì và lớn tiếng ta thán rằng mình đang đói đến chết. Những người ấy ngay trong hiện tại đã cảm thọ quả đẳng lưu để thành ngạ quỷ.

Tránh những thái độ như vậy, ngươi nên nỗ lực hành bố thí, trên thì cúng dường Tam Bảo, dưới thì cho kẻ bần cùng khốn khó, và các việc như vậy. Như Milarepa nói, ‘Hãy nhường phần cơm từ miệng mình mà cho người đang đói.’ Nếu không, ngươi tư dục khống chế, dù cho ngươi có tất cả tài sản trên thế gian thì ngươi cũng chẳng bao giờ cảm thấy thỏa mãn. Dù khi có cơ hội cúng dường, bố thí, mà ngươi không sẵn lòng thí xả những gì mình có, nhưng lại nghĩ rằng, sau này khi có tài sản nhiều hơn trước rồi mới cúng dường, bố thí.

Pháp hành tài thí và các loại của cái khác được Phật dạy chủ yếu cho hàng tại gia Bồ-tát. Hàng xuất gia chỉ nên tu học thiểu dục tri túc. Với họ điều quan trọng nhất là quyết chí tinh cần hành trì ba tăng thượng học (giới, định, tuệ), dù  trong những điều kiện khó khăn như thâm sơn cùng cốc, am thất cô tịch.

Một số kẻ ngược đường hành đạo, tích lũy tài vật một cách gian dối bằng thương nghiệp hay nông nghiệp,[1] hay các nghiệp bất thiện khác, rồi tự khoe rằng hành trì pháp, trên cúng dường Tam Bảo, dưới bố thí kẻ nghèo. Dù vậy, nếu không hành đúng pháp, thì cái gọi là chánh pháp cũng thành nguyên nhân cho ác đạo. Loại bố thí như thế hoàn toàn vô ích. Điều quan trọng nhất, do đó, là luôn giữ tâm thiểu dục tri túc.

Quảng đại bố thí, đó là cho kẻ khác đến cả những thứ vô  cùng quý hiếm hay trân quý với mình, như là ngựa khôn, voi chúa, con cái yêu quý.

Cực đại bố thí, chỉ cho việc bố thí thân thể, mạng sống, tứ chi hay các thứ khác của mình. Chẳng hạn như Vương tử Đại Lực thí thân mình cho hổ cái, Thánh giả Long Thọ dâng đầu mình cho Vương tử Sātavāhana, hay Công chúa

Mandhabhadrī thí thân mình cho hổ cái.[2] Điều này, tuy vậy, ngoại trừ hàng Bồ-tát đắc địa (không còn nhiều những giới hạn của phàm phu), hạng phàm phu bình thường không thể làm nổi. Hiện thời, chúng ta chỉ nên tự trong thâm tâm đối với thân mạng và tất cả vật thọ dụng đều không tham chấp mà hồi hướng đến lợi lạc cho chúng sanh, rồi nguyện rằng trong vị lai có thể thực sự hành bố thí được như vậy. The Words of My Perfect Teacher, pp.381–84, dịch Anh T.A.

V.43 Pháp thí

Pháp thí có nghĩa là làm tất cả mọi thứ để giúp người khác tu tập thiện pháp, – như quán đảnh, truyền pháp, truyền kinh, và các thứ khác. Tuy vậy, cho đến khi đoạn trừ tư dục (với những thứ như lợi lộc, danh dự), thì ta tuy mặt ngoài có làm việc lợi tha, ấy cũng chỉ là vang bóng mà thôi.

Thật sự, bố thí pháp cho chúng sanh là điều rất khó. Thuyết pháp cho người mà tự mình chưa thực tu thì không ích lợi gì cho người khác. Truyền giảng pháp để thu thập cúng dường và tài lợi, là điều mà Dampa, từ Ấn-độ,[3] gọi là ‘đem chánh Pháp làm món hàng kiếm lợi.’ Chừng nào mà tâm niệm tự tư tự lợi của mình chưa dứt sạch, ngươi chẳng nên vội làm việc lợi tha. Thay vào đó hãy nguyện rằng bất cứ khi nào các thiện thần nghe đến lời trì tụng kinh điển, và xưng tụng nguyện tán hay đọc tụng Phật ngôn, thì tâm họ sẽ được giải thoát. Sau khi niệm tụng các nghi quỹ như thủy thí hay thí thân, kết thúc bằng bài kệ quen thuộc rằng ‘Không làm các việc ác; vâng làm những điều lành, tự thanh tịnh tâm ý, đây lời chư Phật dạy.’ (Pháp Cú 183), chỉ như vậy cũng đủ để gọi là hành pháp thí.

Cho đến khi mà tư dục của ngươi hoàn toàn đoạn tận, thì bấy giờ chính là lúc hiến thân chủ yếu hành lợi tha mà chẳng yên nghỉ trong chỗ an nhàn tịch lạc, dù chỉ sát-na. Hãy nên hành trì như vậy.

The Words of My Perfect Teacher, pp.384–87, dịch Anh T.A.

V.44 Vô úy thí cho người và vật

Vô úy thí chỉ cho những hành vi như cứu hộ chúng sanh không được bảo vệ, che chở những kẻ không được che chở, hay hộ trì những ai không được hộ trì. Đặc biệt, vì Thế Tôn từng thuyết rằng trong tất cả các pháp thiện hữu vi, cứu hộ sanh mạng của hữu tình là công đức hơn cả, vậy ngươi nên tinh cần nỗ lực cứu hộ chúng sanh, bằng mọi phương tiện có thể, như cấm chỉ săn thú và đánh bắt cá trong phạm vi quyền hạn của mình, chuộc lại dê cừu đang trên đường đến lò mổ, cứu mạng cá, sâu, côn trùng, sắp sửa bị giết hại, và các việc như vậy.

The Words of My Perfect Teacher, p.387, dịch Anh T.A.

Trì giới ba-la-mật

Những đoạn dưới đây mô tả ba phương thức thực hành trì giới ba-la-mật: phòng hộ ác hành, nhiếp tập thiện pháp và nhiêu ích hữu tình.

Giới phòng hộ ác hành, nghĩa là tránh xa tất cả mười nghiệp bất thiện bởi thân, ngữ, và ý, xem như nọc độc, chẳng làm lợi ích gì cho ai cả.[4]

The Words of My Perfect Teacher, pp.387–88, dịch Anh T.A.

V.46 Nhiếp tập thiện pháp

Giới nhiếp tập thiện pháp chỉ cho việc tận lực tạo tác hết thảy các thiện căn[5], bất cứ khi nào, ngay cả từ những việc nhỏ nhặt nhất. Thậm chí dân gian cũng có câu rằng: ‘dữ lành tạo tác mọi khi, bằng tay, bằng miệng, dù đi, dù ngồi.’ Đó là lý do tại sao, trừ phi ta quan tâm đến việc bỏ ác theo thiện bằng chánh niệm chánh tri mà quán sát tự thân mọi thời, trong bất kỳ việc gì mình làm,[6] ta sẽ có thể phạm những tội nghiệp nghiêm trọng ngay cả khi ta chỉ đùa giỡn. Lời rằng, ‘Chớ xem thường tội ác, nghĩ rằng nhỏ, vô hại. Đốm lửa tuy nhỏ, cũng đốt được núi rơm.’ (xem Pháp Cú 71).

Mặt khác, nếu ta bằng chánh niệm chánh tri mà hộ trì tự tâm trong mọi thời mọi việc, thì ta thậm chí có thể tích lũy được tư lương thiện nghiệp bất khả tư nghì ngay khi làm những việc thường nhật. Thậm chí cả một hành vi nhỏ nhặt như cởi nón để tỏ lòng (chắp tay) tôn kính với đống đá ma-ni[7] trên đường và nhiễu quanh thuận theo hướng phải, trong khi bằng sự nhiếp trì bởi ba thù thắng,[8] có thể dẫn ngươi thẳng đến  vô thượng bồ-đề. Như lời rằng, ‘Chớ khinh thường thiện nhỏ, nghĩ vô ích không làm. Giọt nước nếu rỉ mãi, dần dần đầy bồn lớn’ (Pháp Cú Dhammapada 122, *Th.72). Nhớ chuyện con lợn thuở xưa bị chó đuổi mà chạy nhiễu quanh bảo tháp, hay chuyện bảy con sâu bướm từ một chiếc lá rơi xuống dòng nước và bị dòng nước cuốn nhiễu quanh bảo tháp bảy vòng, cũng thành là nhân khiến chúng rốt cuộc đạt được giải thoát. Do vậy, trong mọi thời mọi xứ, ta phải tận lực đoạn trừ gốc  rễ nghiệp ác dù nhỏ nhiệm nhất và tạo tác tích lũy thiện căn dù nhỏ nhất mà ta có thể làm, rồi hồi hướng công đức ấy cho hết thảy chúng sanh. Ấy là bao hàm hết thảy học xứ và luật nghi của Bồ-tát.

The Words of My Perfect Teacher, pp.388–89, dịch Anh T.A.

V.47 Nhiêu ích hữu tình

Giới nhiêu ích hữu tình, có nghĩa là việc làm thực tế vì lợi ích của chúng sanh bằng vào y chỉ bốn nhiếp sự[9] – sau khi ta đã hoàn toàn đoạn tận tư dục như đã nêu ở trước.[10] Trong khi còn là hạng sơ học, điều này được thực hiện bằng hồi hướng cho hết thảy chúng sanh các công đức do hành trì các học xứ đoạn ác, hành thiện, được nhiếp trì bởi ba thù thắng[11]. The Words of My Perfect Teacher, p.389, dịch Anh T.A.

Giới nhiêu ích hữu tình, gồm mười một điều, được nêu trong luận ‘Du-già Bồ-tát địa’ như sau: ‘Trợ bạn cho những hành vi có ý nghĩa, giải trừ thống khổ của các chúng sanh khổ đau, dạy dỗ những kẻ vô tri không rõ phương tiện, tri ân và báo ân, bảo hộ chúng sanh thoát khỏi các hiểm nạn, tiêu trừ ưu khổ của các chúng sanh đang đau khổ, bố thí nhu yếu cho những kẻ thiếu thốn, tập họp chúng hội các bạn đạo và tùy cơ mà dẫn nhập, khiến sanh hoan hỷ bằng chân thật công đức, khiến tịnh trị thích đáng và bằng năng lực thần thông mà uy trấn (các đối địch chánh pháp), và khuyến phát khát ngưỡng.’ The Jewel Ornament of Liberation, p.220, dịch Anh T.A.

V.48 Luật nghi giới

Đoạn này mô tả các loại và lý do để thọ biệt giải thoát giới là cơ sở thọ giới Bồ-tát.

Luật nghi giới (chỉ ác, phòng hộ) có hai sai biệt là cộng và bất cộng. Cộng giới là (một trong) bảy nhóm biệt giải thoát (giới). Như được nói trong luận ‘Du-già Bồ-tát địa’ rằng: ‘Luật nghi giới của Bồ-tát là biệt giải thoát giới mà vị ấy đã thọ. Có bảy loại: tỳ-kheo giới, tỳ-kheo-ni giới, thức-xoa-ma- na giới, sa-di giới, sa-di-ni giới, ưu-bà-tắc giới, ưu-bà-di giới.

Nên biết, các giới này gồm hai phần, tại gia và xuất gia.’[12] Những giới này ngăn ngừa tổn hại người khác cùng với căn của nó (sân). Biệt giải thoát giới chỉ phòng hộ vì tự lợi, trong khi Bồ-tát phòng hộ vì lợi tha. Như trong Kinh “Na-la-diên vấn’ có nói, ‘(Bồ-tát) Trì giới không vì mục đích vương quyền, không vì mục đích thượng sanh (sanh thiên), không vì mục đích Thiên đế Thích, hay vì Phạm Thiên thân, hay vì thọ dụng, hay để đắc Đại Tự Tại Thiên thân,[13] cũng không vì dung sắc. Cũng vậy, Bồ-tát trì giới không vì sợ đọa địa ngục, sợ sanh vào súc sanh, sợ Diêm-la giới. Bồ-tát trì giới vì để an lập trong Phật đạo; trì giới vì lợi lạc cho mọi chúng sanh.’ The Jewel Ornament of Liberation, pp.214–15, dịch Anh T.A.

An nhẫn ba-la-mật

Các đoạn sau đây được trích từ phẩm thứ mười bốn, luận ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’ của Gampopa, về an nhẫn ba- la-mật: nhẫn những điều khó nhẫn và khó hành, cho đến nhẫn các giáo pháp cao thâm.

V.49 Vì sao nhẫn

Đoạn này tư duy về những tai hại do thiếu nhẫn, và ngược lại.

Tuy có hành thí và giới nhưng không có nhẫn thì sân nộ vẫn dễ phát sanh. Nếu phát khởi sân, thì hết thảy thiện căn mà ta đã tạo bằng thí, giới, và các phương tiện khác trong một thoáng hoàn toàn tiêu hủy. [14] Như kinh ‘Bồ-tát tạng’ nói rằng, ‘Sân có thể tiêu hủy thiện căn được tích tập trong trăm ngàn đời.’ Cũng vậy, trong luận Nhập Bồ-tát hành nói, ‘Một niệm sân tâm khởi, hủy hoại mọi thiện hành, bố thí, lễ Như Lai, đã hành trong ngàn kiếp’ (BCA VI.1).

Lại nữa, trừ khi ngươi có nhẫn, nếu không ngươi sẽ bị sân cắm vào, gây ra một vết thương sâu trong tâm ngươi như thể bị một mũi tên độc xuyên qua, ngươi sẽ không còn có thể cảm thấy vui mừng, sung sướng, yên ổn trong lòng, ngươi sẽ không thể nào ngủ được. Như luận Nhập Bồ-tát hành nói, ‘Bị kẹp bởi sân khổ, tâm chẳng chút an bình. Chẳng được chút  hỷ lạc, khó ngủ, tâm bất định.’ (BCA VI.3). Và lại nữa, ‘Tóm lại, không ai có thể sống bình an với sân trong tâm mình’ (BCA VI.5b).

Lại nữa, nếu ngươi không có nhẫn, mỗi khi ngươi sân, ngươi sẽ hiện vẻ phẫn nộ, khiến cho chồng, hoặc vợ, và hết thảy thân quyến cảm thấy buồn phiền và khó chịu. Họ sẽ không đến gần ngươi ngay dù khi ngươi có cho họ thực phẩm và tặng vật. Như lời rằng, ‘Người thân sẽ nản lòng. Họ có thể đến bên, bởi lợi mà ngươi cho, nhưng sẽ không tin ngươi.’ (BCA VI.5a).

Lại nữa, nếu ngươi chẳng có nhẫn, Ma vương sẽ tìm cơ hội để gây chướng ngại cho ngươi. Như lại được nói trong kinh ‘Bồ-tát tạng’ rằng, ‘Ai bị sân chế ngự, sẽ cho Ma vương cơ hội gây chướng ngại cho mình.’ Lại nữa, nếu ngươi không có nhẫn, sáu ba-la-mật của con đường dẫn đến Phật quả sẽ chẳng thể viên mãn và ngươi sẽ không thể chứng đắc vô thượng bồ-đề. Như được nói trong Thánh bát-nhã tập yếu (‘Phags pa bsduds pa) rằng, ‘Có sân, không có nhẫn, làm sao thành Chánh giác?’

Mặt khác, nếu ngươi có nhẫn, đó là tối thượng trong hết thảy thiện căn. Như nói rằng, ‘Không gì ác như sân; khổ hành không bằng nhẫn. Vậy ta phải nỗ lực, thực hành nhẫn mọi cách’ (Pháp Cú Dhammapada 184). Lại nữa, nếu ngươi có an nhẫn, ngươi thậm chí còn có tất cả các an lạc tạm thời (của thế gian). Như lời rằng, ‘Nhiếp tâm chiến thắng sân, đời này, đời sau vui.’ Lại nữa, nếu ngươi có nhẫn, ngươi sẽ chứng đạt vô thượng bồ-đề. Như trong kinh Phụ tử thỉnh tương phùng (Yab sras mjal ba) rằng, ‘Nếu ngươi luôn suy niệm về tâm từ, nghĩ rằng “sân không phải là con đường dẫn đến giác ngộ”, như vậy ngươi sẽ đạt đến giác ngộ.’

The Jewel Ornament of Liberation, pp.227–29, dịch Anh T.A.

V.50 Nhẫn là gì

Đoạn này đưa ra một định nghĩa ngắn gọn về nhẫn và nêu ba loại nhẫn, sau đó sẽ thảo luận trong ba đoạn văn tiếp theo. Tự tánh của nhẫn là không bận tâm. Như được nói trong ‘Bồ- tát địa’: ‘Nói ngắn gọn, tự tánh nhẫn (của Bồ-tát), do tâm không tạp nhiễm, chỉ thuần bi mẫn, không bận tâm.’

Có ba nhẫn: nhẫn nại không bận tâm những tổn hại người khác gây cho mình; nhẫn thọ các thứ khổ đau; và nhẫn chứng quyết định thắng giải pháp. Nhẫn thứ nhất phát sanh do thẩm sát bản tánh của chúng sanh gây tổn hại; nhẫn thứ hai do  quán sát tự tánh của khổ, và thứ ba tư trạch tự tánh không điển đảo của các pháp. Hai loại nhẫn đầu được tu hành trong thế tục đế, loại thứ ba trong thắng nghĩa đế.

The Jewel Ornament of Liberation, pp.229–30, dịch Anh T.A.

V.51 Kham nhẫn tổn hại

Bên cạnh việc mô tả bản chất của nhẫn thứ nhất, đoạn văn này giới thiệu một phương pháp tu tập nhẫn đối với chúng sinh được coi là người gây hại.

Nhẫn thứ nhất, nhẫn nại những oán hại mà người khác gây ra cho bản thân, hoặc cho quyến thuộc bằng đánh đập, hủy báng, nhục mạ, hoặc vạch lỗi giấu kín của mình; hoặc nhẫn nại những điều người khác gây ra chướng ngại ước muốn của mình. Nhẫn nại như vậy có nghĩa là chi? Có nghĩa, không bị nhiễu loạn, không trả thù, và không ôm chặt oán hận. [Tu tập nhẫn]

Luận Bồ-tát địa nói, nhẫn cần được tu bằng năm quán tưởng. Luận viết, ‘Quán tưởng kẻ gây hại như thân quyến của mình, quán tưởng chúng sanh ấy chỉ là pháp, quán tưởng vô thường, quán tưởng khổ, và quán tưởng nhiếp thọ.’

Quán tưởng kẻ gây hại như thân quyến của mình: Ngươi nên nghĩ, ‘Chúng sanh hiện đang làm hại ta đã từng là mẹ ta, cha ta, chị ta, anh ta, hay thầy ta trong một đời quá khứ. Kẻ ấy ắt từng giúp đỡ ta trước đây bằng vô số phương tiện, vậy ta không được trả thù việc họ làm hại mình.’ Do vậy mà nhẫn với kẻ gây hại bằng quán tưởng kẻ ấy là thân quyến của mình.

Quán tưởng chúng sanh ấy chỉ là pháp: Ngươi nên nghĩ, ‘Kẻ gây hại này tùy thuộc vào nhân duyên; đó chỉ là niệm tưởng, đó chỉ là pháp. Trong đó thật sự không có gì là tự ngã, là hữu tình, là mạng căn, không có cái gì là chúng sanh mà đánh đập, hủy báng, nhục mạ, hoặc vạch lỗi kín của ta.’ Nỗ lực tu nhẫn bằng tư duy như vậy.

Quán tưởng vô thường: Ngươi nên nghĩ, ‘Chúng sanh là vô thường, thảy đều phải chết. Nguy hại lớn nhất có thể xảy ra là mất mạng, và vì mọi người đều sẽ phải chết dù thế nào đi nữa, đừng nên hại mạng của ai.’ Nỗ lực tu nhẫn bằng tư duy như vậy.

Quán tưởng khổ: Ngươi nên nghĩ, ‘Hết thảy chúng sanh đều chịu ba loại khổ.[15] Ta phải nỗ lực loại trừ chứ không nên gây thêm khổ.’ Nỗ lực tu nhẫn đối với kẻ gây tổn hại bằng quán chiếu kẻ ấy như là người chịu khổ.

Quán tưởng về nhiếp thọ: Bởi ta đã khởi phát bồ-đề tâm, ta nên làm lợi lạc cho hết thảy chúng sanh. Ta phải gánh vác cho hết thảy chúng sanh như (gánh vác) cho thê tử. Gánh vác cho họ như vậy, chẳng lý nào lại trả thù một chuyện nhục mạ cỏn con.’ Nỗ lực tu nhẫn bằng tư duy như vậy.

The Jewel Ornament of Liberation, pp.230, 233–35, dịch Anh T.A.

V.52 Nhẫn thọ khổ

Loại nhẫn tiếp theo là chịu đựng những khổ nhọc trong Phật đạo, được cho là timh tấn dũng mãnh.

Nhẫn thọ khổ, đó là không phiền muộn với những khổ nhọc trên đường tu tập viên mãn vô thượng bồ-đề mà nhẫn thọ với tâm hoan hỷ thản nhiên. Theo luận Bồ-tát địa, có tám loại khổ cần phải nhẫn thọ – như khổ xứ sở, và vân vân. Cụ thể như sau. Khi xuất gia, phải nhẫn thọ các khổ cực trong việc tìm cầu pháp, y thực, và các thứ khác. Rồi có những khổ cực do phải nỗ lực cúng dường, thừa sự, và cung kính Tam Bảo và các thượng sư, nghe Pháp, thuyết Pháp, xướng tụng, tu tập, và để hành trì du-già chẳng ngại thức khuya dậy sớm; cũng như những cực khổ do phải nỗ lực thi hành mười một pháp đã nêu trước đây nhằm làm lợi lạc cho chúng sanh.[16] Tất cả những điều khổ nhọc trên cần phải nhẫn thọ mà quản chút gì khó nhọc, mỏi mệt, nóng lạnh, đói khát, hay chút gì tâm tình nhiễu loạn; như nhẫn thọ khổ do trích huyết để trị chứng bệnh trầm kha. Hay là, như được nói trong Nhập Bồ- tát hành: ‘Để ta thành tựu bồ-đề, khổ do tu ấy có hạn; như đau khi mổ vết thương, để rút ra mũi tên độc’ (BCA VII.22). Nếu tu nhẫn như vậy, ngươi sẽ là dũng sĩ chiến thắng trong chiến trường sanh tử, tiêu diệt quân địch phiền não. Trong thế gian, chiến sĩ nổi tiếng do giết những địch tầm thường, nhưng vẫn phải chết, dù vậy, lại được gọi là ‘dũng sĩ’.Nhưng đó không thực sự là dũng sĩ. Vì chỉ như đâm gươm vào xác chết. Như được nói trong Nhập Bồ-tát hành, ‘Diệt trừ tất cả khổ, hàng phục sân, phiền não, như vậy là trượng phu, đó là chân dũng sĩ, còn các ‘dũng sĩ’ khác, chỉ như người chém xác’ (BCA VI.20).

The Jewel Ornament of Liberation, pp.235–36, dịch Anh T.A.

V.53 Pháp nhẫn

Loại nhẫn thứ ba và cuối cùng có nghĩa là lãnh thọ pháp do hiện quán Thánh đế và chứng ngộ tự tánh của các pháp. Nhẫn là sát-na vô gián phát sanh trí nhận thức Thánh đế. Cụ thể, đó là tỏ ngộ Không tánh. Định nghĩa ngắn của Gampopa được bổ sung bởi một câu chuyện minh họa từ ‘Thượng sư khẩu giáo’.

Nhẫn hiểu giáo pháp, theo như ‘Bồ-tát-địa’, có nghĩa là ‘có thắng giải (tin tưởng) nơi tám pháp, như công đức của Tam bảo và vân vân.’ Lại nữa, nó có nghĩa là có thắng giải và nhẫn tự tánh Không của hai tự ngã[17] trong chân như. The Jewel Ornament of Liberation, pp.235–36, dịch Anh T.A.

Đức Thánh Chủ (Atiśa) có lần được hai vị tỳ-khưu Ấn-độ đang hành mười hai hạnh đầu-đà đến diện kiến.[18] Trước hết Ngài giảng cho họ nhân vô ngã và cả hai đều rất hoan hỷ. Nhưng khi Ngài bắt đầu nói cho họ về pháp vô ngã thì họ trở nên kinh hãi và thỉnh Ngài đừng nói như vậy. Khi họ nghe Ngài dẫn các kinh điển (Đại thừa) uyên áo, thì họ bịt tai lại.

Ngài Atiśa thương cảm mà nói họ rằng: ‘Trừ khi các ngươi không bằng vào từ bi, bồ-đề tâm, mà tự tu tập tự tu luyện về từ bi bằng bồ-đề tâm, đối với chánh pháp thậm thâm (Không tánh) chưa từng khởi thành tín, mà chỉ bằng vào hộ trì một phần tịnh giới, thì ngươi không thể thành tựu bất cứ sự gì.’ ‘The Words of My Perfect Teacher’, pp.397–98, dịch Anh T.A.

Tinh tấn ba-la-mật

V.54 Gia hành tinh tấn

Dù rằng ngươi cảm thấy có tâm cầu pháp tu pháp, nhưng nếu ngươi cứ trì hoãn ngày này qua ngày khác, thời ngươi sẽ uổng phí hết một đời người. Ngươi phải thôi uổng phí đời mình khi mà vẫn còn muốn tu trì chánh pháp. Như Đại Sư Padma Karpo, tổ sư nổi danh của phái Drukpa Kagyupa, nói như vầy: ‘Đời người như loài thú, được dẫn đến lò mổ, mỗi mỗi từng khoảnh khắc, cái chết càng đến gần. Nếu ngươi cứ trì hoãn, việc nay đến ngày mai, thời lâm chung nằm đó,  khóc hối chẳng ích gì.’

Do vậy, đừng lãng phí giây phút nào nữa mà trì hoãn tu trì chánh pháp. Cũng như kẻ trí thấy rắn trên đùi, hay như mỹ  nữ mà tóc bị bén lửa, tức khắc phải buông bỏ hết thảy thế sự mà khởi tu hành chánh Pháp. Nếu không thế, ngươi sẽ bị vây bức bởi các thế sự vô tận tiếp nối nhau như sóng cả, và thời giờ tu hành Pháp không khi nào đến. Thời giờ ấy chỉ đến khi ngươi hạ quyết tâm buông bỏ hết thảy thế sự tế toái. Như tôn giả Longchen Rabjam[19]nói rằng, ‘Thế sự chẳng hồi kết, cho đến lúc ta vong, nhưng nếu ta buông xả, chúng tức thì dừng ngay’, hay như ‘Sở tác như trò chơi, của ấu nhi con trẻ; còn tiếp thì chẳng dừng, nhưng rời đi thì dứt.’

Nên một khi ngươi khởi tưởng tu hành chánh Pháp, thấy khích lệ bởi vô thường (tưởng) và khởi ngay tu trì mà chẳng hề biếng lười dễ dãi dù chỉ phút giây. Đó là điều mà ta gọi là ‘gia hành tinh tấn’.

The Words of My Perfect Teacher, pp.399–400, dịch Anh T.A.

***

[1] Chắc chắn không tránh khỏi giết hại chúng sinh, bao gồm cả côn trùng sâu bọ.

[2] Ba điển hình về bố thí bất nghịch ý rất nổi tiếng từ văn học Đại thừa. Đại Lạc Vương tử là một tiền thân của đức Phật, đã thí thân mình cho một con hổ đói trên bờ vực ăn (Jātaka-māla, chuyện số 1, Suvarṇa-bhāsottama Sūtra, ch.18). Ngài Long Thọ (Nāgārjuna) được cho là đã hy sinh cái đầu của mình theo lời yêu cầu của vương tử Sātavāhana trẻ tuổi, người mong muốn trở thành vua sau cái chết của phụ vương mình, mà sinh lực có liên hệ với Long Thọ.

[3] Đại thành tựu giả Ấn-độ tên Padampa Sangye (Dam pa sangs rgyas), đã viếng Tây Tạng nhiều lần trong thế kỷ XI đến thế kỷ XII và lập ra truyền thừa mật tục tại đây.

[4] Mười nghiệp bất thiện đối nghịch với mười nghiệp thiện được liệt kê trong *V.41 và *Th.111.

[5] Xem *Th.102.

[6] Cf. *Th.103.

[7] Một đống những viên đá nhỏ có ghi khắc các chữ của thần chú Oṃ maṇi padme huṃ (thần chú của Quán Thế Âm (Avalokiteśvara, Bồ-tát đại bi tâm), phổ biến ở Tây Tạng.

[8] Ba thù thắng của mọi thiện nghiệp là: khởi đầu, thù thắng do phát bồ-đề tâm để nhiếp trì các thiện căn đã tu; trung gian, thù thắng do chánh hành vô duyên, tức không bị nhiễm bởi ý niệm phân biệt, và cuối cùng, thù thắng do kết hành hồi hướng công đức cho chúng sinh.

[9] Đó là: bố thí, ái ngữ, lợi hành, và đồng sự (cf. *Th.229).

[10] Xem *V.43.

[11] Giải thích trong cước chú của *V.46.

[12] Giới thệ thọ của những người tại gia thuộc phần giới tại gia, phần kia là giới xuất gia.

[13] Indra, Brahmā và Śiva là các vị thần thế gian.

[14] Chẳng hạn, như vì tức giận mà giết người.

[15] Về ba loại khổ, xem *V.20 và *Th.152.

[16] Xem *V.47.

[17] Đó là nhân vô ngã và pháp vô ngã. Xem *V.75 và 76.

[18] Điều này đề cập đến mười hai quy tắc chính trong giới tỳ-kheo. Có ba điều liên quan về thức ăn, ba về quần áo, và sáu về nơi ở và nghỉ ngơi.

[19] Xem *V.22.