PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 7
ĐẠO ĐỨC 

Ba-la-mật của Bồ-tát

Sáu ba-la-mật của Bồ-tát là những đặc tính được phát triển ở trình độ cao để vị ấy có thể phát triển tâm từ bi và tiến gần hơn với Phật quả. Sáu ba-la-mật là bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định và trí tuệ.

M.100 Tu các ba-la-mật vì lợi ích của người khác

Bồ-tát ma-ha-tát khi chánh tu hành trong sáu ba-la-mật, luôn luôn tâm niệm như vầy: ‘Các hữu tình trong thế gian, tâm thường điên đảo, chìm đắm trong biển sanh tử, không thể tự thoát. Nếu ta không tu các hành thù thắng và các phương tiện thiện xảo, thì sẽ không thể cứu vớt chúng ra khỏi khổ luân hồi. Do vậy ta nên siêng tu các hành thù thắng và các phương tiện thiện xảo để cứu giúp những chúng sanh đó, và tu tập các ba-la-mật – từ bố thí ba-la-mật cho đến trí tuệ ba-la-mật – để chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, và giải thoát các hữu tình ra khỏi nỗi khổ lớn của luân hồi.’ Tâm niệm như vậy, Bồ-tát ma-ha-tát thí xả tất cả sở hữu nội thân và ngoại thân vì lợi ích của chúng sanh. Bồ-tát khi đã thí xả như vậy, lại tư duy: ‘Ta không có bất cứ thứ gì, nội hay ngoại, để thí xả. Vì sao vậy? Đó là vì mọi vật nội hay ngoại đều không có tự tánh,[1] không thể thí xả. Chúng không thật sự thuộc về ta.’ Do quán sát như vậy, Bồ-tát tu hành bố-thí ba-la-mật sẽ nhanh chóng viên mãn và sẽ chứng được vô thượng chánh đẳng bồ-đề.

Bồ-tát ma-ha-tát vì muốn giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử, không bao giờ phạm giới. Vì sao vậy? Bồ-tát ma-ha- tát ấy luôn tâm suy niệm: ‘Ta vì muốn giải thoát chúng sanh khỏi khổ sanh tử, nên cầu chứng vô thượng chánh đẳng bồ- đề, Ta quyết định không tước đoạt mạng sống của bất kỳ sinh vật nào, hoặc tạo bất kỳ điều ác nào trong mười nghiệp bất thiện, cho đến không tà kiến. Ta cũng quyết định không tìm cầu trong các đối tượng dục lạc, mong cầu lạc thú trong cõi trời, hoặc cầu làm Thiên đế Thích, Ma vương, Phạm vương. Ta cũng không cầu các địa Thanh văn, Độc giác, vì đó duy chỉ tự giải thoát. Do quán sát như vậy, Bồ-tát tu hành tịnh giới ba-la-mật nhanh chóng viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Bồ-tát ma-ha-tát ấy vì muốn giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử, không bao giờ sinh tâm sân hận. Giả sử thường xuyên bị chê bai, lăng nhục, tra tấn, khiển trách, đau tận xương tủy, vẫn không bao giờ phát khởi một niệm hận thù. Ngay cả khi bị đánh bằng gậy, bị ném đá, ngay cả khi thân thể bị chặt ra từng mảnh, chân tay bị đứt lìa, như vậy vẫn không bao giờ móng khởi một niệm ác tâm. Vì sao vậy? Đó là vì Bồ-tát ma-ha-tát ấy quán sát tất cả âm thanh như tiếng dội trong hang, sắc như chùm bọt nước, do quán sát như vậy, không ở trong điên đảo vọng khởi sân hận, huỷ hoại các thiện phẩm. Bồ-tát ma-ha-tát ấy do quán sát như vậy, tu hành an nhẫn ba-la-mật chóng viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Bồ-tát ma-ha-tát ấy vì muốn giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử, tinh tấn tầm cầu các pháp thiện thù thắng, cho đến khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác không bao giờ biếng nhác. Vì sao vậy? Đó là vì Bồ-tát ma-ha-tát ấy thường suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta biếng nhác, ta sẽ không thể cứu vớt tất cả chúng sanh ra khỏi nỗi khổ lớn của luân hồi, và cũng không thể đạt được trí Nhất thiết trí.’ Bồ-tát do quán sát như vậy, tu hành tinh tấn ba-la-mật chóng được viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Bồ-tát ma-ha-tát ấy vì muốn giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử, tu các định thù thắng,cho đến khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, không bao khởi tâm tán loạn câu hành với tham, sân, si. Vì sao vậy? Đó là vì Bồ-tát ma- ha-tát ấy thường suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta khởi tâm tán loạn câu hành với tham, sân, si, ta sẽ không thể làm bất cứ điều gì lợi lạc cho người khác, và cũng không thể chứng đắc Phật quả như mong cầu.’ Bồ-tát do quán sát như vậy, tu hành tĩnh lự (thiền) ba-la-mật chóng được viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Bồ-tát ma-ha-tát ấy vì muốn giải thoát chúng sanh ra khỏi khổ sanh tử, không lìa trí tuệ ba-la-mật, cho đến khi chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác, thường xuyên tinh tấn tu tập trí tuệ thù thắng vi diệu của thế gian và xuất thế gian. Vì sao vậy? Đó là vì Bồ-tát ma-ha-tát ấy thường xuyên suy nghĩ rằng: ‘Nếu ta lìa trí tuệ ba-la-mật, ta không thuần thục các chúng sanh, và cũng không thể đạt được trí Nhất thiết trí.’ Bồ-tát do quán sát như vậy, tu hành trí tuệ ba-la-mật chóng được viên mãn, chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Này Tu-bồ-đề, do nhân duyên này, tuy tất cả các pháp không có tướng, dụng chân thật; tự tánh đều rỗng không, nhưng các Bồ-tát ma-ha-tát siêng năng tu tập sáu ba-la-mật cầu chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, không hề ngơi nghỉ. Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol.7, text 220, p. 323a21-c13, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.101 Sáu ba-la-mật đồng hành

Đoạn này cho thấy sáu ba-la-mật có thể tương trợ, dẫn nhiếp lẫn nhau ngay cả trong những hoàn cảnh khó khăn nhất. Tôn giả Thiện Hiện (Subhūti) lại bạch Phật: ‘Bạch Thế Tôn! Làm thế nào Bồ-tát ma-ha-tát an trụ nơi bố thí ba-la-mật mà dẫn nhiếp an nhẫn ba-la-mật? Phật dạy: ‘Này Tu-bồ-đề, Bồ- tát ma-ha-tát tu tập bố thí ba-la-mật với tâm không nắm chặt, bỏn xẻn, đem công đức ấy ban đều cho chúng sanh, hồi hướng đến quả vị Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Giả sử dù bị người nhận mắng chưởi, gia hại, lăng nhục, đối với người ấy, Bồ-tát không khởi tâm độc hại, tâm bị biến đổi;  duy chỉ khởi tâm từ bi, thương xót. Thay vào đó, vị ấy đối xử với họ bằng sự thân thiện, yêu thương và từ bi. Bồ-tát ma-ha- tát như vậy an trú nơi bố thí ba-la-mật dẫn nhiếp an nhẫn ba- la-mật.’

Mahā-prajñāpāramitā Sūtra, Taishō vol. 6, text 220, p. 791c14–17, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.102 Nhẫn ba-la-mật I

Giả sử bị chúng sanh gây hại bằng những sự đại cực ác, mà vẫn không hề khởi tâm sân dù trong một ý niệm, trọn không bao giờ đáp trả bằng những điều ác. Nếu khi có người đến tạ lỗi, tức thì chấp nhận. Khi nhìn chúng sanh, tâm thường hoan hỷ. Khi thấy chúng gây ác, sanh tâm thương xót. Tán thán quả của nhẫn, chỉ trích sân hận, và giảng nói về quả báo của sân hận mang lại nhiều khổ độc.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.18, p.1052c, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.103 Nhẫn ba-la-mật II

Đoạn này tán dương sự nhẫn nhục của đức Phật trong quá khứ khi Ngài đã từng bị chặt ra từng mảnh. Kinh nói rằng điều này có thể thực hiện được vì Ngài không có bất kỳ ý niệm nào về ‘tự ngã’ bị tấn công,[2] và nhấn mạnh sự không trói buộc vào mọi thứ.

Này Tu-bồ-đề, nhẫn nhục ba-la-mật của Như Lai tức phi ba- la-mật. Vì sao? Này Tu-bồ-đề, đó là vì, khi Ta bị vua Ca-lợi (Kaliṃga) cắt xẻo chi thể ta đứt lìa từng đoạn, Ta bấy giờ không có ý tưởng tự ngã, ý tưởng nhân xưng, ý tưởng chúng sanh, ý tưởng sinh mạng. Thật vậy, với Ta bấy giờ không có bất cứ gì là tưởng, hay vô tưởng. Vì sao vậy? Này Tu-bồ-đề, nếu lúc ấy Ta có tưởng tự ngã, Ta cũng phải có tưởng sân. Lúc ấy nếu Ta có tưởng nhân xưng, tưởng chúng sanh, tưởng sinh mạng, Ta cũng phải có tưởng sân. Vì sao vậy? Này Tu- bồ-đề, Ta nhớ lại, trải qua năm trăm đời Ta là vị Tiên tu nhẫn nhục (Kṣantivādin).[3] Trong các đời đó, Ta không có tưởng tự ngã, không có tưởng nhân xưng, không có tưởng chúng sanh, không có tưởng sinh mạng.

Tu-bồ-đề, vì thế nên Bồ-tát phải lìa tất cả tưởng[4] và phát tâm Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Bồ-tát không phát tâm trụ nơi sắc, không phát tâm trụ nơi thanh, hương, vị, xúc, pháp; không phát tâm trụ bất cứ nơi đâu. Vì sao vậy? Bất cứ cái gì có trụ đều là vô trụ.[5] Cho nên Như Lai nói rằng Bồ-tát bằng vô trụ mà bố thí.

Vajracchedikā Prajñāpāramitā Sūtra, section 14, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.104 Tinh tấn ba-la-mật

Tầm quan trọng của không phóng dật (buông lung), và làm thế nào để hành sự tốt nhất.

Này thiện nam! Có bốn loại chủng tử của bồ-đề: 1. không tham tài vật; 2. không tiếc thân mạng; 3. tu hành nhẫn nhục; 4. thương yêu chúng sanh.

Có năm hành sự để tăng trưởng những chủng tử này: 1. không có ý tưởng tự khinh thường, nghĩ rằng, ‘Ta không thể chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.’ 2. tự thân thọ khổ, tâm không mệt mỏi; 3. cần hành tinh tấn không gián đoạn; 4. cứu vớt chúng sanh thoát vô lượng khổ não; 5. thường tán thán công đức vi diệu của Tam bảo. Người có trí tu hành bồ-đề phải tu tập năm sự như vậy. Lại có sáu hành sự để tăng trưởng mãnh liệt chủng tử bồ-đề, đó là sáu ba-la-mật, từ bố thí ba-la-mật cho đến trí tuệ ba-la-mật. Sáu pháp ba-la- mật đều là nhân nơi một pháp mà tăng trưởng, đó là tính không phóng dật. Bồ-tát phóng dật sẽ không thể làm tăng trưởng sáu hành sự này; chỉ không phóng dật mới có tăng trưởng.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.4, p.1037c5-16, dịch Anh T.T.S. and D.S.

Một người không biếng nhác, không vui thú trong ngồi hoặc nằm dài; cũng như lực khi làm các lợi ích của công việc quan trọng và các việc nhỏ, tâm cũng vậy, khi làm bất cứ việc gì đều mong thành tựu rốt ráo, mà không quan tâm đến đói  khát, nóng lạnh, thời hay phi thời; không khinh thường tự thân; không buồn rầu khi việc lớn chưa xong; khi đã làm xong, hài lòng bởi khả năng thành biện của mình, và tán dương kết quả có được do tinh tấn… Không bỏ dỡ nửa chừng khi công việc chưa hoàn thành.

Upāsaka-śīla Sūtra, Taishō vol.24, text 1488, ch.18, p.1053a1–9, dịch Anh T.T.S. and D.S.

M.105 ba-la-mật tác thành Phật quốc

Đoạn này giải thích rằng tu tập các ba-la-mật vừa tạo ra một thế giới tốt đẹp hơn ngay bây giờ và ở đây, vừa dẫn đến một quốc độ Phật thậm chí tốt đẹp hơn, ở đó Bồ-tát sẽ cư ngụ khi chứng đắc Phật quả, và đó sẽ là một cảnh giới lý tưởng cho các chúng sinh khác tái sanh về.

Phật bảo, ‘Này thiện nam, quốc độ của chúng sinh là quốc độ Phật của Bồ-tát. Vì sao vậy? Tùy theo mức tăng ích an lạc của chúng sinh mà Bồ-tát tiếp thọ quốc độ Phật; tùy theo loại chúng sinh được điều phục như thế nào mà Bồ-tát tiếp thọ quốc độ Phật như vậy; tùy theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh thâm nhập Phật trí mà tiếp thọ quốc độ Phật; tùy theo loại quốc độ nào thích hợp để chúng sinh làm trỗi dậy căn tính của Bồ-tát mà tiếp nhận quốc độ Phật. Vì sao vậy? Vì Bồ-tát tiếp thọ quốc độ thanh tịnh chỉ vì lợi ích của chúng sinh.

Này Bảo Tích, ví như một người có thể xây dựng đền đài nhà cửa trên khoảng đất trống, tùy ý không trở ngại; nhưng không thể xây dựng như vậy ở giữa hư không. Cũng vậy, Bồ-tát vì muốn thành tựu chúng sinh mà ước nguyện tiếp thọ quốc độ Phật. Ước nguyện tiếp thọ quốc độ Phật không thể tìm thấy giữa hư không.

Lại nữa, này Bảo Tích, quốc độ của ý chí hướng thượng (tăng thượng ý lạc độ / trực tâm) là Phật quốc độ của của Bồ-tát, khi Bồ-tát thành tựu bồ-đề, các chúng sanh đã tích tập tư lương của hết thảy thiện căn sẽ sanh về đó …

Quốc độ (xây dựng bằng) bố thí là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành bồ-đề, những chúng sinh nào có thể thí xả tất cả sẽ tái sinh vào đó. Quốc độ trì giới là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, chúng sinh tu hành mãn nguyện, và đã hộ trì mười thiện nghiệp đạo sẽ tái sinh vào đó. Quốc độ nhẫn là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh tự trang nghiêm bằng ba mươi hai tướng tốt, thành tựu nhẫn nhục nhu hoà tịch tĩnh sẽ tái sinh vào đó. Quốc độ tinh tấn là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ- tát thành Phật, chúng sinh nào cần mẫn tinh tấn trong tất cả thiện phẩm sẽ tái sinh vào đó. Quốc độ thiền-na là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh có tâm định tĩnh với chánh niệm chánh tri sẽ tái sinh vào đó.

Quốc độ trí tuệ là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi Bồ-tát thành Phật, tất cả chúng sanh nhập chánh tánh đều sẽ tái sanh vào đó. Quốc độ bốn vô lượng là Phật quốc độ của Bồ-tát. Khi

Bồ-tát thành Phật, những chúng sinh an trú với từ, bi, hỷ, xả sẽ tái sinh vào đó…

Như vậy, thiện nam tử, tùy theo bồ-đề tâm của Bồ-tát như thế nào, như vậy là ý lạc (ý chí định hướng) của Bồ-tát. Tùy theo ý lạc (thâm tâm) như thế nào mà như vậy khởi gia hành. Tùy theo gia hành mà khởi tăng thượng ý lạc (ý chí hướng thượng). Tùy theo tăng thượng ý lạc mà khởi quyết trạch. Tùy theo quyết trạch mà khởi thắng hành. Tùy theo thắng hành mà khởi hồi hướng. Tùy theo hồi hướng như vậy khởi phương tiện. Tùy theo phương tiện thanh tịnh quốc độ. Tùy theo sự thành tựu chúng sinh mà quốc độ Phật thanh tịnh. Tùy theo thanh tịnh quốc độ như thế nào mà thành tựu chúng sanh như vậy. Tùy theo thanh tịnh chúng sanh như thế nào mà thanh tịnh trí tuệ như vậy. Tùy theo thanh tịnh trí tuệ mà thanh tịnh thuyết pháp. Tùy theo thanh tịnh thuyết pháp mà thanh tịnh trí và hành.’

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.1, sections 12–14, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.106 Chân thật Bồ-tát

Đoạn này phác họa trí tuệ vi diệu và tâm bi dũng mãnh của Bồ-tát chân thật.

Này các Hiền giả, Trí tuệ ba-la-mật là mẹ Bồ-tát, phương tiện thiện xảo đó là cha, hết thảy đấng Đạo sư, đều từ đấy mà sinh.

Lấy pháp hỷ làm vợ; từ và bi là hai con gái. Chân thật và Pháp, là hai người con trai. Tư duy nghĩa Không là nhà.

Đó là những anh hùng chiến thắng, đã diệt trừ oán địch phiền não; dũng mãnh công kích bốn thứ ma,[6] dựng cờ chiến thắng Bồ-đề tràng.

Thật thấy không sanh, không xuất sanh, vẫn cố ý thọ sanh,[7] xuất hiện trong hết thảy quốc độ, như mặt trời rọi khắp.

Phụng hiến trăm ức Phật, Đạo Sư, bằng tất cả cúng phẩm, tuy vậy thường không hề phân biệt, sở y[8] Phật và ta.

Thanh tịnh quốc độ Phật, như thanh tịnh sở hành chúng sanh. Đi cùng quốc độ như hư không, dù với các chúng sanh, không có tưởng chúng sanh.[9] Sắc, âm thanh, và oai nghi, của hết thảy chúng sanh, Bồ-tát lực vô úy, thị hiện trong sát-na.

Tuy giác tri Ma nghiệp, vẫn tùy chuyển theo Ma, vì đắc phương tiện ba-la-mật, thị hiện tất cả sự.

Hoặc thị hiện thân già, bệnh, chết, an trụ pháp như huyễn, để thuần thục hết thảy hữu tình.

Hoặc hiện lửa tận thế, đốt cháy rực cõi đất; khiến ai tưởng thường hằng, hiểu rõ pháp vô thường. … Hoặc tai kiếp tật dịch,[10] thị hiện cây cỏ thuốc, để cho người được uống, trị dứt các dịch bệnh.

Hoặc tai kiếp đói kém; hiện thân làm thức ăn; trước cứu người đói khát, sau dạy pháp giải thoát.

Hoặc tai kiếp đao binh; khơi dậy tâm từ bi, giáo hóa chúng sinh kia, để sống không tranh chấp.

Hoặc khi giữa chiến trận, bình đẳng hai phía địch, Bồ-tát bằng đại lực, khiến họ vui hòa hợp.

Quốc độ Phật vô lượng, địa ngục cũng vô biên, cố ý đi khắp cả, vì lợi lạc chúng sanh.

Hiện thân bàng sanh thú, trong hết thảy giống loài, đi khắp nơi thuyết pháp, nên được gọi Đạo sư.

Thị hiện thọ dục lạc, mà vẫn hiện hành thiền, làm rối loạn các ma, không cho chúng tự tiện.

Hy hữu như trong lửa, nở một đoá sen hồng; hành thiền trong ngũ dục, cũng hy hữu như vậy.[11]

Cố ý hiện dâm nữ, dẫn dụ người háo sắc; trước lấy dục câu móc, sau dẫn vào Phật trí.

Hoặc thị hiện ấp chủ, thương chủ và tể quan, đại thần và liêu thuộc, vì lợi lạc chúng sinh.

Với chúng sanh nghèo khốn, hiện làm kho vô tận; rồi nhân ban phát thí, khiến phát Bồ-đề tâm.

Với kẻ tâm kiêu mạn, hiện làm đại lực sĩ, khuất phục các kiêu mạn, đưa về vô thượng đạo.

Hoặc thị hiện đứng đầu, giữa chúng sanh kinh sợ, trước bố thí vô úy; sau khiến phát đạo tâm.

Hoặc hiện Tiên ngũ thông, thanh tịnh tu phạm hạnh, để dẫn dắt quần sinh, trụ giới, nhẫn, tự chế.

Các Bồ-tát Đạo sư, thấy chúng sanh ở đây, đáng  cung kính phụng sự, hiện thân làm tôi tớ, hoặc đệ tử hầu cận.

Tùy theo phương tiện gì, khiến chúng sanh vui pháp, hiện tất cả tác sự, khéo học đại phương tiện.

Như thế, học vô biên, sở hành cũng không bờ; trí tuệ không biên tế, người độ vô số chúng.

Dù hết thảy chư Phật, trải qua vô lượng kiếp, tán thán công đức này, cũng không thể nói hết.

Pháp như vậy, ai nghe, mà không phát bồ-đề? Chỉ trừ kẻ vô dụng, hoặc si ám, vô tri.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.7, section 6, verses 1–2, 12–19, 24– 42, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Bồ-tát nguyện và Bồ-tát giới

M.107 Phổ Hiền hành nguyện

Đoạn này đặc biệt tập trung vào hạnh nguyện phụng sự tất cả chúng sanh.

Mười nguyện lớn này là gì? Thứ nhất là lễ kính chư Phật. Thứ hai là xưng tán các đức Như Lai. Thứ ba là cúng dường rộng khắp. Thứ tư là sám hối các nghiệp chướng đã tạo. Thứ năm là tùy hỷ công đức của người khác. Thứ sáu là thỉnh  Phật chuyển Pháp luân. Thứ bảy là thỉnh Phật ở lại trên thế gian. Thứ tám là thường tu tập theo lời Phật dạy. Thứ chín là hằng tùy thuận chúng sanh. Thứ mười là hồi hướng tất cả cho tất cả chúng sanh…

Này thiện nam, lại nữa, nói tùy thuận tất cả chúng sanh là như vầy: Có nhiều loại chúng sanh sai khác trong tất cả cõi nước ở mười phương pháp giới… Với những ai khổ đau vì bệnh, tôi sẽ làm một vị lương y tốt. Với những ai bị lạc đường thì tôi sẽ chỉ cho con đường chân chánh. Với những ai trong bóng tối, tôi sẽ mang cho ánh sáng rực rỡ. Với người nghèo khó, tôi sẽ hướng dẫn khám phá kho báu. Bồ-tát làm lợi ích cho chúng sanh bình đẳng như vậy.

Vì sao thế? Nếu Bồ-tát hằng tùy thuận chúng sanh cũng là hằng tùy thuận cúng dường tất cả chư Phật. Nếu tôn trọng phụng sự chúng sanh, cũng là tôn trọng phụng sự các đức Như Lai. Nếu khiến cho hết thảy chúng sanh phát sanh hoan hỷ, thì cũng khiến cho tất cả Như Lai hoan hỷ.

Vì sao thế? Đó là vì tự thể của các đức Như Lai là tâm đại bi. Nhân bởi chúng sanh khởi tâm đại bi. Nhân bởi tâm đại bi  mà phát tâm bồ-đề. Nhân bởi tâm bồ-đề mà thành Đẳng chánh giác.

Ví như trong hoang dã sa mạc có cây chúa to lớn; rễ có được nước, thì cành, lá, hoa trái sum sê. Cây Bồ-đề,[12] vua của các loài cây, mọc trong vùng sinh tử hoang vu cũng như vậy. Tất cả chúng sanh là rễ; tất cả chư Phật và Bồ-tát là hoa trái;  bằng nước đại bi tưới nhuần gốc rễ chúng sanh thì có thể trổ hoa trí tuệ ba-la-mật của chư Phật và Bồ-tát.

Vì sao thế? Vì chư Bồ-tát dùng nước đại bi mà làm lợi ích cho chúng sanh thì có thể thành tựu quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác. Cho nên, quả bồ-đề thuộc về chúng sanh. Nếu không có chúng sanh, thì hết thảy Bồ-tát không thể chứng đắc đạo quả Vô thượng Chánh đẳng chánh giác.

Này thiện nam tử, ông nên hiểu ý nghĩa này như vậy. Tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sanh, thì có thể thành tựu viên mãn đại bi. Vì tâm đại bi tùy thuận chúng sanh, do đó mà thành tựu cúng dường Như Lai. Bồ-tát tùy thuận chúng sanh là như vậy.

Dù cho hư không giới tận diệt, chúng sanh giới tận diệt, nghiệp của chúng sanh tận diệt, phiền não của chúng sanh tận diệt, nguyện tùy thuận chúng sanh này của tôi không cùng tận. Niệm niệm tiếp nối liên tục, không gián đoạn, mà nghiệp thân, ngữ, ý, không hề mệt mỏi…

Lúc bấy giờ, Đại Bồ-tát Phổ Hiền muốn trùng tuyên nghĩa trên, bèn quán sát khắp mười phương và nói những kệ tụng này:

Tôi bằng thân, ngữ, ý thanh tịnh, kính lễ chư Phật ba đời,[13] trong khắp mười phương.

Bằng oai lực của hạnh nguyện Phổ Hiền, tôi phân thân hiện trước chư Như Lai,

Phân thân vô số như cực vi, tôi kính lễ vô số Phật, nhiều như cực vi trong thế giới,

Trong một cực vi có vô số Phật, vố số chư Bồ-tát bao quanh, vô tận pháp giới cũng như vậy, thấm nhuần bởi tất cả chư Phật…

Ban bố an vui cho chúng sanh, như thể trải qua vô số kiếp, lợi ích mười phương không cùng tận.

Tôi thường phụng sự các chúng sanh, cho đến tận các kiếp vị lai, thường tu hạnh lớn của Phổ Hiền, chứng đắc quả Vô thượng Bồ-đề.

Avataṃsaka Sūtra, Taishō vol.10, text 293, pp.844b24–29, 845c24–

25, 846a07–28, 846c29– 847a07, 847b13–16, ch.40, dịch Anh D.S.

M.108 Bồ-tát giới hệ Phạm võng

Đoạn này dẫn ra một tụ mười giới trọng và bốn mươi tám giới khinh của Bồ-tát. Bộ luật này phát triển ở Trung Hoa và được dùng cho hàng xuất gia sung cho giới luật tăng viện, và cũng được áp dụng cho những cư sĩ chí thành. Đây cũng là trường hợp ở Hàn Quốc. Ở Nhật Bản luật này dùng để thay thế bộ luật xuất gia.

Mười Giới Trọng[14]

Đức Phật nói với các Phật tử: ‘Có mười giới trọng của Bồ-tát. Nếu ai đã thọ giới Bồ-tát mà không tụng những giới này, người ấy không phải là Bồ-tát, không phải là hạt giống Phật. Chính Ta cũng tụng những giới này. Tất cả Bồ-tát quá khứ đã học (những giới này). Tất cả các Bồ-tát tương lai sẽ học (những giới này). Tất cả các Bồ-tát hiện tại cũng đang học (những giới này). Đã lược thuyết tướng mạo ba-la-đề-mộc- xoa của Bồ-tát, cần phải học như vậy, tâm kính cẩn phụng trì.’

1. Giới giết hại

Phật nói, ‘Phật tử không tự giết, khiến người giết, phương tiện giết, tán thán giết, thấy giết mà tùy hỷ, cho đến chú thuật giết, gây nhân giết, duyên giết, pháp giết, nghiệp giết, cho đến tất cả loài có mạng sống đều không được giết. Bồ-tát ấy cần phải khởi thường trụ tâm từ bi, tâm hiếu thuận, phương tiện cứu hộ hết thảy chúng sanh, thế nhưng lại mặc tình phóng tâm khoái ý sát sanh, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.[15]

2. Giới trộm cắp

Phật tử tự mình trộm, khiến người khác trộm, phương tiện trộm cắp, gây nhân trộm, duyên trộm, pháp trộm, nghiệp trộm, chú thuật trộm, cho đến quỷ thần, trộm cướp vật có chủ. Một cây kim, một cọng cỏ, hay tài vật đều không được trộm. Bồ-tát cần phải sanh khởi tâm từ bi, hiếu thuận, Phật tánh, trái lại trộm của người, Bồ-tát ấy phạm tội Ba-la-di.

3. Giới dâm[16]

Phật tử không tự mình dâm dục, khiến người khác dâm dục, cho đến với tất cả nữ nhân, đều không được cố ý dâm dục, tạo nhân dâm dục, duyên dâm dục, pháp dâm dục, nghiệp dâm dục, cho đến súc sanh mái, thiên nữ, quỷ nữ, thần nữ, cho đến phi đạo hành dâm. Bồ-tát thì phải sanh tâm hiếu thuận, cứu độ tất cả chúng sanh, đem tịnh pháp cho người, thế mà trái lại, khởi dâm với tất cả mọi người, không kể súc sanh, thậm chí với mẹ, chị, em gái, sáu thân, thảy đều hành dâm, không có tâm từ bi, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

4. Giới vọng ngữ

Phật tử không tự mình nói dối, khiến người khác nói dối, phương tiện nói dối, tạo nhân nói dối, duyên nói dối, pháp nói dối, nghiệp nói dối, cho đến không thấy mà nói thấy, thấy mà nói không; nói dối bằng thân, nói dối bằng tâm. Bồ-tát thì phải thường sanh chánh ngữ, chánh kiến, cũng khiến tất cả chúng sanh sanh chánh ngữ, chánh kiến, thế mà trái lại, khởi tà ngữ, tà kiến, tà nghiệp cho chúng sanh, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

5. Giới buôn bán rượu

Phật tử không tự mình buôn bán rượu, khiến người khác  buôn bán rượu, tạo nhân buôn bán rượu, duyên buôn bán rượu, pháp buôn bán rượu, nghiệp buôn bán rượu. Tất cả rượu đều không được buôn bán, vì rượu nhân duyên gây tội. Bồ-tát thì nên phát sanh tuệ thông suốt cho tất cả chúng sanh, thế nhưng trái lại, làm sanh tâm điên đảo cho tất cả chúng sanh, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

6. Giới nói lỗi người

Phật tử không được tự mình nói lỗi, khiến người nói lỗi của Bồ-tát xuất gia, Bồ-tát tại gia, các tỳ-kheo, tỳ-kheo-ni, gây nhân nói lỗi, duyên nói lỗi, pháp nói lỗi, nghiệp nói lỗi. Bồ- tát khi nghe những ác nhân ngoại đạo hoặc ác nhân trong hai thừa nói những điều phi pháp phi luật trong Phật pháp, thì phải thường sanh tâm từ, giáo hóa bọn người xấu ấy, khiến sanh tín tâm nơi Đại thừa; thế mà trái lại, tự mình nói những điều lỗi lầm trong Phật pháp, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

7. Giới tự khen mình chê người

Phật tử không được tự khen mình chê người, khiến người khác khen mình chê người, tạo nhân khen mình chê người, duyên khen mình chê người, pháp khen mình chê người, nghiệp khen mình chê người. Bồ-tát thì phải nên thay chúng sanh chịu lấy hủy nhục, chuyện xấu nhận về mình, chuyện tốt nêu cho người, nếu tự phô trương đức của mình và che giấu việc tốt của người khiến người bị chê bai, phạm tội ba-la-di.

8. Giới bủn xỉn

Phật tử không được tự mình bủn xỉn, khiến người khác bủn xỉn, gây nhân bủn xỉn, duyên bủn xỉn, pháp bủn xỉn, nghiệp bủn xỉn. Bồ-tát khi tất cả những người nghèo đến xin, phải nên tùy nhu cầu mà cung cấp tất cả, thế nhưng, bằng ác tâm, sân tâm, thậm chí một đồng tiền, một cây kim, một cọng cỏ, cũng không cho; có người đến cầu pháp, không nói cho một câu, một bài kệ, một pháp nhỏ bằng hạt bụi, trái lại còn nhục mạ, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

9. Giới giận dữ và bạo hành

Phật tử không được tự mình sân, khiến người khác sân, gây nhân sân, duyên sân, pháp sân, nghiệp sân. Bồ-tát thì phải nên làm phát sanh những sự việc thuộc thiện căn vô tránh trong hết thảy chúng sanh, thường sanh tâm bi. Thế mà trái lại, đối với hết thảy chúng sanh, cho đến phi chúng sanh, bằng ác khẩu mà nhục mạ, gia dĩ dùng tay đánh đập, thậm chí dùng dao, gậy, mà ý vẫn chưa nguôi; người trước cầu xin hối lỗi, dùng lời thân thiện mà sám tạ, nhưng vẫn không cởi bỏ, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di.

10. Giới phỉ báng Tam bảo

Phật tử không được tự mình phỉ báng Tam bảo, khiến người phỉ báng Tam bảo, gây nhân phỉ báng, duyên phỉ báng, pháp phỉ báng, nghiệp phỉ báng. Bồ-tát thì phải nên cảm thấy như mình đang bị một trăm mũi nhọn đâm vào khi nghe ngoại  đạo hoặc ác nhân nói dù chỉ một lời phỉ báng đến Phật,[17] hà huống chính miệng mình phỉ báng, không sanh tâm tin, tâm hiếu thuận, thế mà trái lại, trợ kẻ xấu, kẻ tà kiến phỉ báng, Bồ-tát ấy phạm tội ba-la-di. Kết luận

Thưa các nhân giả học thông, đây là mười Ba-la-đề-mộc-xoa của Bồ-tát mà các nhân giả cần phải học, không được phạm bất cứ một giới nào trong đây dù chỉ nhỏ bằng hạt bụi, hà huống phạm đủ cả mười giới…

Bốn mươi tám giới khinh

Đã thuyết mười Ba-la-dề-mộc-xoa rồi, nay sẽ thuyết bốn mươi tám giới khinh. Tóm tắt nội dung: 1. Giới không kính thầy bạn; 2. Giới uống rượu; 3. Giới ăn thịt; 4. Giới ăn năm  vị cay;[18] 5. Giới không dạy người sám tội; 6. Giới không cúng dường hoặc thỉnh Pháp; 7. Giới không đi nghe Pháp; 8. Giới quay lưng lại với Đại thừa và theo Tiểu thừa; 9. Giới không chăm sóc người bệnh; 10. Giới chứa khí cụ sát sanh; 11. Giới đi sứ; 12. Giới tham gia kinh doanh buôn bán; 13. Giới huỷ báng người; 14. Giới phóng hỏa; 15. Giới dạy giáo pháp một cách xuyên tạc; 16. Giới vì lợi mà giảng Pháp sai; 17. Giới cậy thế lực để thu được nhiều hơn cho mình; 18. Giới giảng dạy những điều mà ta không hiểu; 19. Giới lưỡng thiệt (nói hai chiều); 20. Giới không phóng sanh; 21. Giới giận dữ trả thù và bạo lực; 22. Giới kiêu mạn không thỉnh Pháp; 23. Giới khinh mạn và tự hào mà bóp méo sự thật; 24. Giới không thực hành và học tập lời dạy của Phật; 25. Giới giảng dạy mà không hiểu nhu cầu của người nghe; 26. Giới tích trữ mọi thứ cho mình; 27. Giới thọ biệt thỉnh; 28. Giới biệt thỉnh Tăng; 29. Giới tà mạng; 30. Giới không quan sát ngày trăng tròn và trăng non;[19] 31. Giới không cứu giúp và giải thoát chúng sanh; 32. giới làm tổn hại chúng sanh; 33. Giới giải trí bất thiện; 34. Giới nghĩ đến việc theo Tiểu thừa, thậm chí chỉ trong một thời gian ngắn; 35. Giới không phát nguyện vì mong cầu của chúng sanh mà thực hành Bồ-tát đạo; 36. Giới không phát thệ; 37. Giới mạo hiểm đi vào những chặng đường khó khăn; 38. Giới trái trật tự tôn ty trong lúc tụ họp;[20] 39. Giới không tu phước và huệ; 40. Giới không bình đẳng thuyết giới; 41. Giới vì lợi mà giảng dạy; 42. Giới vì người ác thuyết giới; 43. Giới không khiêm tốn trong việc nhận quà tặng; 44. Giới không tôn kính kinh điển; 45. Giới không giáo hóa chúng sanh; 46. Giới thuyết pháp không đúng pháp; 47. Giới tạo ra luật trái với giáo pháp; 48.

Giới phá hủy giáo pháp.

Brahmā’s Net Sūtra / Fan wang jing, Taishō vol.24, text 1484, p.1004b11-5a24, dịch Anh T.T.S. and D.S.

***

[1] Nghĩa là chúng vốn trống rỗng, không có sự tồn tại độc lập và bản chất vốn có.

[2] Xem tiêu đề phía trên *Th.170 và so sánh với *Th.210.

[3] Tên này có nghĩa là ‘người thuyết về nhẫn’.

[4] Tức là bất kỳ tri giác giả thi thiết tên gọi.

[5] Tức là người ta phải có tính bình đẳng (xả) không an trụ và bất cứ đối tượng nào, của các giác quan hay ý thức, nhưng nhận biết tất cả pháp đều là không thật.

[6] Xem phần Bảng chú giải thuật ngữ và tên riêng.

[7] Vì biết rằng cõi sinh tử trong sáu cảnh không khác với Niết-bàn vô sinh.

[8] Có thể ý muốn nói sở y của chấp thủ.

[9] Tức là không có tự tánh của chúng sanh.

[10] Vào những thời tiểu kiếp bị ảnh hưởng bởi bệnh tật, đói kém hay binh đao, cf. cuối bài *Th.32, về thời kỳ cực suy thoái trong xã hội trước khi con người bắt đầu thấy lỗi của mình.

[11] Vì không tồn tại thực hữu.

[12] Một thuật ngữ chỉ cho loại cây mà dưới gốc cây đó đức Phật đã chứng đạo quả Giác ngộ; ở đây nó được dùng theo nghĩa tượng trưng.

[13] Quá khứ, hiện tại và vị lai.

[14] Những giới này tương đương với năm giới đầu của Tám giới (*Th.113) – ngoại trừ giới thứ năm ở đây liên quan đến buôn bán chất làm say hơn là uống các chất làm say (điều này ít vi phạm hơn) – cùng với bốn khía cạnh của chánh ngữ và bố thí.

[15] ‘Bị thất bại’ trong đời sống cộng đồng, dẫn đến phải bị tẫn xuất (xem *V.84, và tiêu đề ở trên *Th.193). Vi phạm bất kỳ một trong mười giới trọng được liệt kê ở đây thì gọi là phạm tội ba-la-di.

[16] Cách diễn đạt của giới này chỉ cho những vị Tăng và Ni và bất kỳ ai sống đời sống không gia đình. Những người khác nên tránh hành vi tình dục sai trái.

[17] Quan điểm thoải mái hơn được trình bày ở *Th.16.

[18] Tỏi, ba loại hành và tỏi tây.

[19] Tức là những lễ đặc biệt diễn ra trong những ngày này.

[20] Kính trọng theo trình tự của cấp bậc thọ giới bồ-tát, cho dù là xuất gia hay cư sĩ. Tuy nhiên, theo luật của tỳ-kheo, trình tự là theo cấp bậc đã phát nguyện thọ giới tỳ-kheo.