PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN II
PHÁP

CHƯƠNG 10
NHỮNG MỤC TIÊU CỦA PHẬT GIÁO

(TT)

Phật quả

M.156 Phật quả do chứng đắc – hay có sẵn?

Đoạn này được (Duy-ma-cật) thuyết trước đức Di-lặc (Maitreya), mà truyền thuyết nói là vị Bồ-tát sẽ thành Phật tương lai xuất hiện trên trái đất này, sau khi giáo pháp của đức Phật Thích-ca lịch sử biến mất. Đoạn này nêu rằng tất cả chúng sanh đều có sẵn bản tánh giác ngộ; nếu đã có sẵn, thì điều cần biết là: phải làm gì để chứng đắc.

Thưa Ngài Di-lặc, Phật đã thọ ký rằng Ngài sẽ thành Vô thượng Chánh giác; đó là bằng Như tính sanh mà thọ ký, hay bằng Như tính diệt mà thọ ký? Như tính vốn không sinh, cũng không diệt. Như tính của tất cả chúng sanh là Như tính của hết thảy pháp, và đó cũng là Như tính của Di-lặc. Như vậy, nếu Ngài được thọ ký sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, thì hết thảy chúng sanh cũng được thọ ký sẽ chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Vì Như tính không hiển hiện bởi nhị nguyên, cũng không hiển hiện bởi đa nguyên.

Vậy thì, khi Di-lặc chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác, thì hết thảy chúng sanh đồng thời cũng chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng giác. Vì sao? Giác ngộ là chúng sanh tùy giác. Khi Di-lạc nhập cứu cánh Niết-bàn thì hết thảy chúng sanh cũng nhập cứu cánh Niết-bàn. Vì sao vậy? Vì chúng sanh chưa nhập cứu cánh Niết-bàn thì chư Như Lai cũng không nhập cứu cánh Niết-bàn. Chư Như Lai thấy tất cả chúng sanh đều đã nhập Niết-bàn vì tự tánh Niết-bàn. Vì thế, thưa Ngài Di-lặc, không nên dụ hoặc chư Thiên, không nên nói những điều vi bội này.

Không có ai an trụ trong bồ-đề, cũng không có ai thối lui. Di- lặc hãy nên khiến cho các thiên tử này xả bỏ những kiến chấp phân biệt bồ-đề này. Bồ-đề không thể được hiện chứng bởi thân, không thể được hiện chứng bởi tâm. Bồ-đề là tịch diệt của tất cả các tướng. Bồ-đề là không tăng chấp, vì lìa ngoài tất cả sở duyên. Bồ-đề là không sở hành, vì nó dứt tuyệt tất  cả tác ý. Bồ-đề là đoạn, vì đoạn tuyệt tất cả mọi kiến chấp. Bồ-đề là xả ly, vì xả ly phân biệt vọng tưởng. Bồ-đề là ly hệ, vì viễn ly tất cả động loạn. Bồ-đề là không y xứ, vì không y chỉ tất cả nguyện. Bồ-đề là thú nhập vô trước, vì không viễn ly mọi chấp thủ. Bồ-đề là an trụ, vì trụ pháp giới. Bồ-đề là tuỳ thuận, vì thuận với Như tánh. Bồ-đề là kiến lập, vì kiến lập thật tế. Bồ-đề là không hai, vì viễn ly ý pháp. … Sūtra, ch.3, sections 51–52, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.157 Phật quả là đạt đến sự hoàn hảo các đức tính của một vị Bồ-tát

Đoạn này cũng trích từ kinh như trên, xem Phật quả như là những biểu hiện đầy đủ các phẩm tính của Bồ-tát.

Bồ-đề tràng (đạo tràng) nghĩa là gì?  Này thiện nam tử,  ý   lạc (ý chí hướng thượng / trực tâm) là bồ đề tràng, vì đây không hư giả. Phát khởi gia hành là đạo tràng, vì thành biện nỗ lực. Tăng thượng ý lạc (thâm tâm) là đạo tràng, vì đạt được công đức thù thắng. Bồ-đề tâm là đạo tràng, vì không quên lãng hết thảy pháp.

Bố thí là đạo tràng, vì không cầu dị thục quả. Tịnh giới là đạo tràng, vì viên mãn như nguyện. Nhẫn nhục là đạo tràng, vì không có tâm gia hại đối với hết thảy chúng sanh. Tinh tấn là đạo tràng, vì lìa xa biếng nhác. Tĩnh lự là đạo tràng, vì tâm nhu thuận kham năng. Trí tuệ là đạo tràng, vì trực kiến các pháp.

Từ tâm là đạo tràng, vì tâm bình đẳng với tất cả chúng sinh. Bi tâm là đạo tràng, vì nhẫn nại các khổ nhọc. Hỷ tâm là đạo tràng, vì là khoái lạc trong vườn pháp. Xả tâm là đạo tràng, vì dứt bỏ yêu ghét.

Thần thông là đạo tràng, vì thành tựu sáu thần thông. Giải thoát là đạo tràng, vì lìa vọng tưởng phân biệt. Phương tiện là đạo tràng, vì giáo hóa thuần thục chúng sinh. Bốn nhiếp sự[1] là đạo tràng, vì đoàn kết chúng sinh. Đa văn là đạo tràng, vì là kiên cố hành trì. Thiện tư duy là đạo tràng, vì quán sát như lý. Bồ-đề phần[2] là đạo tràng, vì xả bỏ các pháp hữu vi và vô vi. Chân đế là đạo tràng, vì không dối gạt thế gian. Duyên khởi là đạo tràng, vì đã diệt tận hữu lậu từ vô minh đến già- chết.[3] Phiền não tịch tĩnh là đạo tràng, vì biết như thật. Tất cả chúng sinh là đạo tràng, vì chúng sanh không tự tánh. Tất cả pháp là đạo tràng, vì hiện chứng tánh Không. Hàng phục chúng ma là đạo tràng, vì không khuynh động. Tam giới[4] là đạo tràng, vì không định hướng phải đến. Dũng mãnh sư tử hống là đạo tràng, vì không có gì để kinh sợ. Mười lực, bốn vô sở úy và mười tám pháp bất cộng của Phật là đạo tràng, vì không có gì khuyết điểm. Ba minh[5] là đạo tràng, vì diệt tận phiền não không sót. Một niệm chứng tri tất cả pháp là đạo tràng, vì thành nhất thiết trí.

Vimalakīrti-nirdeśa Sūtra, ch.3, sections 54–59, dịch Anh from Sanskrit by D.S.

M.158 Phật A-di-đà (Amitābha)

Đoạn này nói về cảnh giới kỳ diệu của đức Phật A-di-đà (Vô Lượng Quang / Vô Lượng Thọ), có thể vãng sanh về cõi Tịnh độ của Phật bằng chánh tín. Đoạn này cũng đề cập đến nhiều đức Phật khác trong khắp vũ trụ rộng lớn.

Lúc bấy giờ, đức Thế Tôn nói với Xá-lợi-phất, ‘Này Xá-lợi- phất, ở phương Tây, cách đây quá mười muôn ức cõi Phật, có một quốc độ gọi là Cực Lạc, có đức Như Lai, bậc A-la-hán, đấng Chánh đẳng Chánh giác hiệu A-di-đà, hiện đang ở đó, thuyết pháp…

Lại nữa, Xá-lợi-phất, trong cõi Phật đó, nhạc trời thường trỗi, đất bằng vàng ròng, ngày đêm sáu thời rưới hoa trời mạn-đà- la. Mỗi ngày đúng thời, trước mỗi bữa ăn, chúng sanh ở đó du hành đến các cõi nước khác và cúng dường muôn ức đức Phật… Lại nữa, Xá-lợi-phất, ở cõi Phật đó… có các loài  chim hót lên những lời Pháp, thảy đều do thần lực của đức Phật Vô Lượng Thọ. Này Xá-lợi-phất, cõi Phật đó được trang nghiêm bởi tất cả những thứ kỳ diệu này. Lại nữa, Xá-lợi- phất, ở cõi Phật đó, khi gió nhẹ thổi lay động các hàng cây báu và động mành lưới chuông báu, phát ra âm thanh vi diệu làm dịu tâm trí… Khi chúng sinh ở đó nghe những âm thanh đó, thảy đều sanh tâm niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng… Này Xá-lợi-phất, ông nghĩ sao,vì sao đức Phật đó có hiệu là ‘Vô Lượng Thọ’? Này Xá-lợi-phất, tuổi thọ của đức Phật đó và nhân dân ở cõi đó là vô lượng, vì thế nên hiệu là ‘Vô Lượng Thọ’. Đức Phật đó đã thành Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác tính đến nay đã được mười kiếp.

Này Xá-lợi-phất, ông nghĩ sao, vì sao đức Phật đó hiệu là

‘Vô Lượng Quang’? Này Xá-lợi-phất, đức Phật đó có ánh sáng chiếu sáng vô lượng, soi suốt các cõi nước trong mười phương không bị chướng ngại, vì thế nên hiệu là ‘Vô Lượng Quang’. Đức Phật đó có vô lượng vô biên Thanh văn đệ tử đều là bậc A-la-hán, chẳng phải tính đếm có thể biết được. Này Xá-lợi-phất, cõi Phật đó được trang nghiêm bởi tất cả những thứ kỳ diệu này.

Lại nữa, Xá-lợi-phất! Những chúng sinh sinh về cõi Phật đó, thành Bồ-tát bất thối chuyển, nhất sanh bổ xứ; số Bồ-tát này rất đông, chẳng phải tính đếm có thể biết được, chỉ có thể dùng số vô lượng vô biên vô số để nói thôi. Này Xá-lợi-phất, chúng sanh nên phát nguyện cầu sanh về nước đó. Vì sao? Vì ở cõi Phật đó, họ sẽ cùng câu hội một chỗ với các bậc Thượng thiện nhơn như những bậc Bồ-tát này.

Này Xá-lợi-phất, chúng sanh có chút ít thiện căn phước đức thì không thể sanh về cõi của đức Phật Vô Lượng Thọ đó. Nếu có thiện nam tử hay thiện nữ nhơn nào nghe đến danh hiệu của đức Phật Vô Lượng Thọ, rồi chấp trì danh hiệu của đức Phật đó, trong một ngày đêm, hai ngày đêm, ba ngày đêm, bốn ngày đêm, năm ngày đêm, sáu ngày đêm, hoặc bảy ngày đêm, nhất tâm không tạp loạn, thời khi lúc lâm chung, đức Phật Vô Lượng Thọ cùng hàng Thánh chúng và hội chúng Bồ-tát hiện thân ở trước người đó. Người ấy lúc lâm chung tâm không điên đảo, liền được vãng sanh về cõi Cực Lạc của đức Phật Vô Lượng Thọ. Do đó, Xá-lợi-phất, vì những lợi ích như thế mà Ta nói rằng thiện nam tử, thiện nữ nhơn nên nhất tâm phát nguyện cầu sanh về cõi Phật đó.

Này Xá-lợi-phất, ở về phương Đông… phương Nam,phương Tây,… phương Bắc,… phương dưới,… phương trên, hằng hà sa số những đức Phật như số cát trong sông Hằng, bằng tướng lưỡi rộng dài trùm khắp các quốc độ của  mình mà nói lời chân thật như vầy: Các ngươi hãy tín thọ pháp môn này có tên là ‘Xưng tán công đức bất khả tư nghị được tất cả chư Phật hộ niệm’…

Này Xá-lợi-phất,ý ông nghĩ sao, vì sao kinh này được gọi là “Nhất thiết chư Phật sở hộ niệm”? Này Xá-lợi-phất, nếu có thiện nam tử, thiện nữ nhơn nào nghe kinh này và danh hiệu của chư Phật đó mà thọ trì, thời những người ấy đều được tất cả các đức Phật hộ niệm, được không thối chuyển nơi đạo Vô

thượng Chánh đẳng Chánh giác. Cho nên, này Xá-lợi-phất, ông nên có tín tâm nơi Ta cũng như nơi những đức Phật này. Sukhāvatī-vyūhaḥ (Saṃkṣipta-mātṛkā), (also known as the Smaller Sukhāvatī-vyūha Sūtra), dịch Anh from Sanskrit by D.S.

Tịnh Độ

Đoạn *M.158 mô tả những đặc tính kỳ diệu của cõi Tịnh Độ của đức Phật A-di-đà, và đoạn *M.114 mô tả sự quán tưởng về đức Phật A-di-đà.

M.159 Những đặc tính của cõi Tịnh Độ của Phật A-di-đà

Đoạn này đưa ra một số trong bốn mươi sáu[6] lời nguyện của Tỳ-kheo Pháp-tạng (Dharmākara), vị Bồ-tát được nói là đã thành Phật hiệu A-di-đà, những lời nguyện này nêu rõ những lợi ích mà Ngài sẽ đảm bảo tồn tại trong cõi Tịnh Độ của mình: Ngài phát thệ rằng bao giờ những nguyện mà chưa thành tựu thì Ngài quyết định chưa thành Phật.

1. Bạch đức Thế Tôn,[7] nếu ở quốc độ Phật của con còn những cảnh địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ, a-tu-la, con nguyện không thành Chánh giác.

2. Bạch đức Thế Tôn, nếu chúng sanh sinh trong quốc độ Phật của con, sau khi mạng chung mà còn rơi vào địa ngục, súc sanh, ngạ quỷ hoặc a-tu-la, con nguyện không thành Chánh giác.

5. Bạch đức thế Tôn, nếu những chúng sanh đã sinh ở quốc độ Phật của con mà hết thảy không có năng lực tối thượng thần thông tự tại,[8]để có thể chỉ trong một sát-na có thể vượt qua trăm ngàn ức triệu quốc độ Phật, con nguyện không thành Chánh giác.

6. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sanh đã sinh ở quốc độ Phật của con mà hết thảy không có được túc mạng thông, nhớ biết đời trước của mình, trăm ngàn ức triệu đời, con nguyện không thành Chánh giác.

7. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sinh trong quốc độ Phật của con, mà hết thảy họ không đạt được thiên nhãn thông, có thể thấy trăm ngàn ức triệu thế giới, con nguyện không thành Chánh giác.

8. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sanh sinh trong quốc độ Phật của con,mà hết thảy họ không đạt được thiên nhĩ thông, cùng một lúc có thể nghe được Chánh pháp trong trăm ngàn ức triệu cõi Phật, con nguyện không chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác.

9. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sanh sinh trong quốc độ Phật của con, mà hết thảy họ không có tha tâm thông, có thể biết tâm hành của những chúng sanh trong trăm ngàn ức triệu cõi Phật, con nguyện không thành Chánh giác.

10. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sanh sinh trong quốc độ Phật của con, mà còn khởi tâm niệm sở hữu, ngay cả với thân thể, con nguyện không thành Chánh giác.

11. Bạch đức Thế Tôn, nếu những chúng sanh sinh trong quốc độ Phật của con, mà không có được an trụ kiên cố trong chánh định tụ, cho đến cứu cánh tịch diệt, con nguyện không thành Chánh giác.

15. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu mà thọ mạng của con có hạn lượng, ngay cả khi là có hạn lượng chừng trăm ngàn ức triệu kiếp, con nguyện không thành Chánh giác.

16. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu có chúng sanh nào trong quốc độ Phật của con mà còn nghe đến từ “bất thiện”, con nguyện không thành Chánh giác.

18. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu có chúng sanh nào ở thế giới khác, phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nghe danh hiệu của con, chí tâm trì niệm danh hiệu con, những chúng sanh ấy trong lúc lâm chung mà con không xuất hiện trước mặt họ cùng với chư Thánh tăng bao quanh, để tiếp dẫn, con nguyện không thành Chánh giác.

19. Bạch đức Thế Tôn, nếu chúng sanh trong vô lượng vô số cõi Phật nghe danh hiệu của con, phát khởi thiện căn và hồi hướng công đức thiện căn muốn vãng sinh về quốc độ Phật của con mà không được vãng sanh về đó, chỉ niệm danh hiệu con mười lần,[9]con nguyện không thành Chánh giác. Ngoại trừ những chúng sanh phạm tội ngũ nghịch[10] và tội phỉ báng Chánh pháp.[11]

20. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu những chúng sanh sinh ở quốc độ Phật của con không phải chỉ một đời nữa là chứng đắc Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, con nguyện không thành Chánh giác.Ngoại trừ những Bồ-tát Đại sĩ, những người đã phát nguyện lớn, mặc áo giáp kiên cố, vì lợi ích và giác ngộ cho hết thảy thế gian, thực hành Bồ-tát đạo trong tất cả các cõi nước, vì thệ nguyện phụng sự tất cả chư Phật, an trú chúng sanh nhiều như số cát trong sông Hằng ở nơi Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác, nguyện tu thù thắng hạnh, và những người đã hoàn hảo sự tu tập vì lợi ích chung…

29. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu quốc độ Phật của con không soi chiếu vô lượng, vô số, không thể tính kể, không thể nghĩ bàn cõi nước Phật, như chiếc gương sáng soi hình khuôn mặt rõ ràng… con nguyện không thành Chánh giác.…

32. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu chúng sanh trong vô lượng, vô số, không thể tính kể, không thể nghĩ bàn cõi nước Phật được xúc chạm đến ánh sáng của con mà không tràn đầy an lạc siêu việt trời người, con nguyện không thành Chánh giác.

37. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, khi mà chúng sanh sinh ra trong quốc độ Phật của con mà không được hưởng an lạc của Tỳ-kheo A-la-hán lậu tận, an trú tĩnh lự thứ ba, con nguyện không thành Chánh giác.

44. Bạch đức Thế Tôn, khi còn chứng đắc bồ-đề, nếu chúng sanh trong quốc độ Phật của con khi nghĩ tưởng muốn nghe Pháp chân thật mà không được nghe, con nguyện không thành Chánh giác.

45. Bạch đức Thế Tôn, khi con chứng đắc bồ-đề, nếu các vị Bồ-tát ở quốc độ Phật của con, hoặc ở bất kỳ quốc độ Phật nào, khi nghe đến danh hiệu của con mà không được bất thối chuyển, con nguyện không thành Chánh giác.

Sukhāvatī-vyūhaḥ (Vistara-mātṛkā) (also known as the Larger Sukhāvatī-vyūha Sūtra), dịch Anh from Sanskrit by D.S.


KIM CANG THỪA

Hạnh phúc đời này và đời sau

V.77 Quả của thiện nghiệp

Đoạn tiếp theo đoạn nói về bản chất của mười thiện nghiệp (*V.41), và mô tả các quả do nghiệp này là những cảm nghiệm tương xứng với các nhân của chúng, theo quả đẳng lưu của nghiệp.

Quả dị thục do hành mười thiện nghiệp là ngươi sẽ được tái sanh vào một trong ba thiện thú (nhân loại, a-tu-la, và thiên).

Quả đồng hành đẳng lưu là đời đời kiếp kiếp ngươi hoan hỷ hành thiện, thiện căn càng lúc càng tăng trưởng. Quả cảm thọ đẳng lưu của mười thiện nghiệp như sau: đoạn trừ sát sanh, được trường thọ, ít bệnh. Không trộm cướp, lấy những thứ chẳng được cho, quả báo thọ dụng sung túc, không bị trộm cắp, giặc cướp. Đoạn trừ tà dâm, quả báo vợ chồng xinh đẹp, không có tình địch. Đoạn trừ vọng ngữ, được mọi người ca tụng và yêu chuộng. Đoạn trừ ly gián ngữ, được thân quyến bằng hữu ái kỉnh. Đoạn trừ ác ngữ, thường được nghe lời dịu ngọt êm tai. Đoạn trừ tạp uế ngữ, quả báo lời nói có uy lực. Đoạn trừ tham tâm, sở nguyện được viên mãn. Đoạn trừ hại tâm, quả báo tránh được tổn hại. Cuối cùng, đoạn trừ tà kiến, quả báo có được chánh kiến.

The Words of My Perfect Teacher, p.187, dịch Anh T.A.

Chứng ngộ tối hậu

V.78 Milarepa chứng đạo ca

Trong đoạn này, Milarepa ca bài ca chứng ngộ tối hậu mà Ngài đã đạt được khi an cư trên núi. Ngài hát về đức tự tín (vô sở úy) của Phật, đã vượt qua tất cả những nhị biên – phân biệt thời gian của quá khứ và tương lai, phân biệt sanh tử và Niết-bàn; và cả đến phân biệt thị phi: một khi chứng đắc cảnh giới bất nhị của Phật, lợi ích của chúng sinh sẽ được viên mãn tự nhiên mà không cần phải có những phân biệt theo quan niệm người đời.

Khi ta tu hành ở tha phương, ta đã đắc định giải pháp vô sanh; đoạn trừ tất cả đều thanh tịnh, hai chấp đời trước và đời sau, cứu cánh giải thoát khỏi sáu nẻo. Bởi cắt đứt hệ phược sanh tử, triệt ngộ các pháp bình đẳng tánh, thanh tịnh hai chấp khổ và lạc, giải thoát lãnh thọ thức hư giả.

Bởi chém đứt hai chấp thủ xả, khế nhập các pháp không biệt cảnh, đoạn chất sanh tử và Niết-bàn, giải thoát huyễn hành đạo và địa, viễn ly mong cầu và sợ hãi, vĩnh viễn đoạn nghi tâm an lạc.

One Hundred Thousand Songs of Milarepa, p.58. dịch Anh T.A.

Niết-bàn

V.79 Tự tánh giải thoát là Niết-bàn

Tiếp tục từ bản văn về trung đạo như là sự giải thoát khỏi hai cực đoan của sự tồn tại và không tồn tại (đoạn *V.32), đoạn này mô tả bản chất của Niết-bàn theo một cách tương tự.

Nhưng nếu hiện tượng (tất cả pháp) của luân hồi không phải hữu (bhāva) hay vô (abhāva, phi hữu, vô thể), thì Niết-bàn là hữu hay vô? Một số luận sư suy lý rằng Niết-bàn ắt phải là hữu. Tuy nhiên, không phải vậy. Như (Long Thọ) thuyết trong ‘Bảo Man Luận’, ‘Nếu Niết-bàn không phải là vô, thì làm sao có thể là hữu?’ (RV I.42a). Nếu Niết-bàn là hữu (bhāva), thì Niết-bàn phải là pháp hữu vi (saṃskṛta); và nếu là hữu vi, thì cuối cùng cũng phải diệt. Như thuyết trong ‘Căn bản Trung quán luận’ (của Long Thọ): ‘Nếu Niết-bàn là hữu, Niết-bàn hẳn hữu vi’, (MMK XXV.5) và tương tự. Niết-bàn cũng không thể là vô. Như được nói trong luận dẫn trên, ‘Vô cũng không thể’ (MMK XXV.7).

Có thể hỏi rằng Niết-bàn thực sự là gì. Nói Niết-bàn, đó là vượt ngoài ngôn thuyết và tư duy vốn chấp hữu, chấp vô. Như trong ‘Bảo man luận’ nói: ‘Đoạn trừ chấp hữu và chấp vô, ta nói đó là Niết-bàn’ (RV I.42b). ‘Nhập Bồ-tát hành’ cũng nói, ‘Khi hữu vô không trụ trước tâm trí, khi ấy không có tướng tha thể, tịch tĩnh không sở duyên’ (BCA IX.26). Kinh ‘Phạm thiên sở vấn’ nói: ‘Niết-bàn viên diệu là tất cả tướng đều tịch tĩnh,[12] thoát ly mọi dao động.’ Kinh ‘Diệu pháp liên hoa’ nói: ‘Này Ca-diếp, liễu tri bình đẳng tánh (Không tánh) của hết thảy các pháp, đó là Niết-bàn.’

Do đó, Niết-bàn duy chỉ là sự tĩnh chỉ của tâm lưu chuyển, không phải là những pháp sanh, diệt, thủ xả, v.v… Do vậy, ‘Căn bản Trung luận’ nói: ‘Không thủ cũng không xả, không đoạn cũng không thường, không sanh cũng không diệt, ấy gọi là Niết-bàn.’ (MMK XXV.3). Bởi không sanh diệt, thủ xả  các thứ, nên Niết-bàn không phải là tự tác, không tác thành, không chuyển biến. Kinh ‘Hư không bảo’ cũng xác quyết rằng, ‘Không gì để đoạn trừ, không chút gì để lập; như thực thấy thật tánh, là chánh kiến giải thoát.’

The Jewel Ornament of Liberation, pp.287–89, dịch Anh T.A.

Sở hành của Phật

V.80 Tự nhiên hiển hiện

Chương cuối cùng của ‘Giải thoát trang nghiêm bảo’ mô tả các hoạt động tự phát của thân, ngữ, và ý đức Phật, sử dụng một số gợi ý từ Bảo tánh luận (Uttaratantra) (UT) để mô tả như thế nào đức Phật biểu hiện tất cả những hành động tự phát từ tâm vô phân biệt, đáp ứng nhu cầu đa dạng của chúng sinh.

Khởi đầu phát bồ-đề tâm, trung gian tu tập đạo và cuối cùng thành tựu Phật quả, thảy đều vì mục đích diệt trừ khổ và thành tựu lạc cho chúng sanh. Khi thành Phật, an trụ vô phân biệt[13] và vô công dụng hành (không dụng công). Tuy vô phân biệt và không dụng công, không nghĩ rằng Ta phải làm lợi ích cho chúng sanh, nhưng vẫn thành sự nghiệp lợi tha tự nhiên và không gián đoạn.

Điều này phát sanh như thế nào? Tổng yếu mà nói, vì lợi ích chúng sanh, Thân hành vô phân biệt; cũng vậy, lợi ích chúng sanh ngữ ý, hành vô phân biệt. Tổng yếu chư Phật ba sự nghiệp. Bằng thân, ngữ, ý vô phân biệt mà lợi lạc chúng  sanh, như được diễn tả bằng một số thí dụ trong Vô Thượng Mật Tục (Uttaratantra): ‘Như Thiên đế (Indra), trống, mây, và Phạm, như mặt trời, như ý bảo châu; Như Lai như tiếng vang, như hư không và đất.’ (UT XVII.13).

The Jewel Ornament of Liberation, pp.348–49, dịch Anh T.A.

V.81 Sở hành của Phật thân

‘Hiển hiện như Thiên đế’, đây là thí dụ thân Phật hoạt dụng vô phân biệt vì lợi ích chúng sanh. Thiên đế, chúa tể của chư thiên, ngự trong cung điện Chiến thắng, cùng với các thiên  nữ tùy tùng. Cung điện này được làm bằng tự tánh lưu ly thanh tịnh và trong sáng, vì vậy ảnh tượng của Thiên đế hiện ra bên ngoài cung điện. Từ dưới đất, những người nam nữ sống ở đây có thể thấy được ảnh tượng của Thiên đế cùng với các thọ dụng. Mong sớm được như vậy, những người này phát nguyện và hành thiện vì mục đích ấy, cho nên sau khi mạng chung tái sanh lên cõi ấy. Ảnh hiện (của Thiên đế) không có niệm phân biệt hay chuyển động, nhưng nó vẫn khích lệ tín tâm và phát nguyện hướng thượng với những ai nhìn thấy.

Cũng vậy, những ai nhìn thấy thân tướng trang nghiêm, như đi, đứng, ngồi, nằm, thuyết Pháp, hay tọa thiền, của thân Phật, hiển hiện với các tướng hảo và các tùy hình hảo, tâm liền phát sanh thành tín ngưỡng mộ. Họ phát bồ-đề tâm và khởi sự hành đạo để thành tựu như vậy, rồi cuối cùng cũng đắc thành Phật quả – tuy thế mà hiện tướng bên ngoài của Phật thân không hề có niệm phân biệt hay chuyển động.

Như lời rằng, ‘Trong thiên cung lưu ly thanh tịnh, phóng chiếu thân Thiên đế Thích, khiến chúng sanh gieo trồng phước điền, diệu thân Năng Nhân cũng như vậy, (ai thấy thảy đều nhập bồ-đề)’ (UT XVII.29). Như vậy, Phật thân hành động vì lợi sanh mà không khởi niệm phân biệt.

The Jewel Ornament of Liberation, pp.349–50, dịch Anh T.A.

V.82 Sở hành của Phật ngữ

‘Như trống trời’, thí dụ cho Phật ngữ hành vô phân biệt vì lợi ích chúng sanh. Trên nóc cung điện Chiến thắng của Thiên  đế Thích có một chiếc trống trời gọi là “Trì pháp lực”, thành tựu bởi lực của thiện nghiệp mà chư thiên đã hành trong quá khứ. Dù không có niệm phân biệt nào, trống vẫn luôn bằng cách vang rền âm thanh bốn pháp ấn để cảnh giác chư thiên hay buông lung: ‘Các hành là vô thường. Các pháp đều vô ngã. Hữu lậu thảy là khổ. Niết-bàn là tịch tĩnh.’ Như  được nói rằng, ‘Chư thiên do thiện nghiệp đời trước, cảm sanh trống pháp (pháp cổ) trong thiên giới, không ngớt diễn xướng bốn pháp ấn, vô thường, khổ, vô ngã, tịch tĩnh, sách tấn chư thiên hay buông lung, dụng công, và trụ, và sắc tâm.’ (UT XVII.31-32).

Cũng vậy, dù không dụng công hay niệm phân biệt, Phật ngữ hiển hiện thuyết pháp cho chúng sanh hữu duyên tùy theo căn cơ cách thích hợp. Như nói rằng, ‘Như đây, [Pháp thân] biến mãn vô công dụng, viễn ly nhưng hành khắp mọi chốn. Phật ngữ biến mãn không ngoại trừ,vì chúng hữu duyên mà thuyết pháp.’ Như vậy là Phật ngữ hành vô phân biệt vì lợi sanh. ‘The Jewel Ornament of Liberation’, pp.350–51, dịch Anh T.A.

V.83 Sở hành của Phật ý

‘Như mây’, thí dụ cho Phật ý hành vô phân biệt vì lợi ích chúng sanh, như mây tụ trên trời mùa hạ mà không cố ý dụng công, mưa xuống đất rộng mà không có niệm phân biệt, tạo nên cây cỏ mùa màng sinh trưởng tốt tươi. Lời rằng, ‘Ví như mây trời hạ, liên tục không dụng công, đổ mưa khắp đại địa, giúp cây cối sanh trưởng.’ (UT XVII.42).

Cũng vậy, sở hành của Phật ý bằng vô phân biệt mà tuôn mưa Pháp xuống chúng sanh đáng hóa độ, khiến cho mùa thu hoạch của thiện được sanh trưởng và chín. Như lời rằng, ‘Như mưa đại bi vô phân biệt, tuôn xuống cơn mưa Tối thắng giáo, chín muồi mùa thiện của chúng sanh. (UT XVII.43). Như vậy là sở hành của Phật ý vô phân biệt vì lợi ích chúng sanh.

‘Như Phạm thiên’, Phạm thiên, vua của chư thiên, không di chuyển khỏi Phạm cung mà hiện thân trong tất cả thiên giới. Cũng vậy, Pháp thân bất động, những vì lợi ích của các sở hóa hữu tình mà thị hiện mười hai tướng thành đạo-Niết- bàn[Mười hai thị hiện’ của Phật: 1) giáng sanh từ trời Tuṣita, 2) nhập thai, 3) đản sinh, 4) thành thiện xảo nhiều ngành, 5) hưởng thụ ngũ dục, 6) xuất gia, 7) sáu năm khổ hạnh, 8) tọa bồ-đề tòa, 9) hàng phục Ma quân, 10) thành bồ-đề, 11) sơ chuyển pháp, 12) Niết-bàn viên tịch.]. Như nói rằng, ‘Không dụng công, không rời Phạm thế, Phạm hiện thân ngay trong thiên cung. Đấng Tối Thắng, Pháp thân bất động, thị hiện biến mãn khắp các cõi, thuyết pháp giáo hóa chúng hữu duyên.’(UT XVII.54).

‘Như mặt trời’: tia sáng mặt trời có thể khiến cho các loại hoa, hoa sen các thứ vô vàn chúng loại, cùng nhất tề nở rộ, mà không có niệm phân biệt. Cũng vậy, ánh sáng diệu pháp của Phật, bằng vô phân biệt và vô công dụng hành, cũng làm nở rộ những đóa hoa sen của vô lượng chủng loại tín giải của chúng sanh đáng hóa độ. Như nói rằng, ‘Mặt trời, ánh sáng vô phân biệt, hoa sen các loài đồng nở rộ; cũng vậy, mặt trời vô phân biệt, Như Lai ánh sáng vi diệu pháp,chúng sanh sở hóa nở tâm hoa.’ (UT XVII.58-9).

Thí dụ khác, như mặt trời rọi bóng đồng nhau trong mọi chậu nước trong, Phật cũng thị hiện đồng thời cho tất cả các sở hóa có kiến thanh tịnh. Như lời rằng, ‘Do đây, vô lượng nhật quang của Thiện Thệ, rọi bóng đồng thời mọi chậu nước, của hữu tính sở hóa thanh tịnh.’ (UT XVII.62).

‘Như như ý bảo châu’, dù như ý bảo châu tự thân không có niệm phân biệt, không dụng, mà viên mãn ước nguyện của ai thỉnh cầu. Cũng như vậy, nương theo Phật, các hàng Thanh văn (đệ tử) thành tựu mục đích theo sở nguyện. Như lời rằng, ‘Như ý châu vô phân biệt, đồng thời viên mãn mọi sở nguyện, những ai an trụ sở hành cảnh; cũng vậy, Phật như ý bảo châu, viên mãn như nguyện vô phân biệt, cho ai mong cầu nghe diệu pháp.’ (UT XVII.67-8).

Âm vang, đại địa, và hư không cũng là những thí dụ cho sở hành vô phân biệt của Phật vì lợi ích chúng sanh.

The Jewel Ornament of Liberation, pp.351–54, dịch Anh T.A.

***

[1] Bố thí, ái ngữ, lợi hành và đồng sự (cùng nhau làm việc, cùng nhau hướng tới mục tiêu chung).

[2] Xem cước chú *M.10.

[3] Đó là Mười hai nhân duyên: xem phần giới thiệu ở trước *Th.156.

[4] Đó là toàn bộ sự tồn tại có điều kiện: xem ‘Tam giới’ ở Bảng Chú Giải Thuật Ngữ và Tên Riêng.

[5] Biết rằng mọi thứ là vô thường, khổ và vô ngã.

[6] Bốn mươi bảy hoặc bốn mươi tám ở những bản dịch khác.

[7] Lời Pháp Tạng (Dharmākara), tiền thân Phật A-di-đà, xưng hô và phát nguyện trước đức Phật quá khứ hiệu Tự Tại Vương.

[8] Như ở *Th.141: các năng lực thần thông và minh dựa trên thiền định thường đạt được khi sắp giác ngộ.

[9] Theo Đàm Loan (476-542), vị tổ đầu tiên của Tịnh Độ tông ở Trung Quốc, điều này có nghĩa là mười niệm chuyên chú không gián đoạn của A- di-đà và cũng là mười lần trì niệm liên tục tên của Ngài (bằng cách niệm Namo’mitābhāya Buddhāya (theo tiếng Sanskrit), Nan-mo A-mi-tuo Fo (theo tiếng Trung Quốc), Namo Amida Butsu (theo tiếng Nhật), Nam-mô A- di-đà Phật: thể hiện sự kính trọng đến đức Phật A-di-đà).

[10] Cố ý giết mẹ, cha, hoặc một vị A-la-hán, làm thân Phật chảy máu, hoặc gậy nên sự chia rẽ trong Tăng đoàn.

[11] Việc đánh số và thiết lập lời nguyện của Phật A-di-đà hơi khác một chút giữa bản tiếng Sanskrit và bản tiếng Trung. Như vậy, lời nguyện nổi tiếng được biết đến là Bản Nguyện Thứ Mười Tám của Phật A-di-đà ở Phật giáo Đông Á được gộp kèm nội dung của lời nguyện thứ hai mươi của văn bản tiếng Trung, được đánh số mười chín trong bản tiếng Phạn.

[12] Tương đương với ‘vô hý luận’ trong *Th.182.

[13] Tức là phát sanh tự nhiên (vô công dụng hành) không cần phải suy nghĩ gì.