PHẬT ĐIỂN PHỔ THÔNG
DẪN VÀO TUỆ GIÁC PHẬT

Nhiều tác giả
Chủ biên bản dịch Việt: LÊ MẠNH THÁT – TUỆ SỸ
Phiên dịch: Thích Hạnh Viên, Thích Nữ Khánh Năng, Thích Thanh Hòa, Pháp Hiền, Nguyễn Quốc Bình
Sản xuất & Ấn hành: Tạng Thư Phật Học
Diễn đọc: Huệ Tâm, Thùy Duyên

 

PHẦN III
TĂNG

CHƯƠNG 12
NHỮNG ĐỜI SỐNG GƯƠNG MẪU

(TT)

KIM CANG THỪA

Đại thành tựu giả

Sáu đoạn dưới đây chủ yếu trích từ ‘Truyện 84 Đại thành tựu’ (Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas), một bộ truyện tích minh họa cho pháp hành Phật giáo Kim cang thừa. Tám mươi bốn ‘đại thành tựu tiên’ này sống tại Ấn-độ giữa thế kỷ thứ tám và mười hai. Sống cuộc đời vượt ngoài khuôn sáo. Họ là những người đặc biệt, nam và nữ, đã đạt được những thành tựu (siddhi) về cả thần thông và giác ngộ xuất thế mà bất chấp những khuôn sáo người đời và thâm nhập tinh túy của thực tại. Mỗi vị trong số họ đạt được những thành tựu của mình theo những cách riêng biệt, chuyển hóa đời sống cá nhân của mình thành con đường dẫn đến giác ngộ. Truyện cuối cùng nói về Tsongkhapa (1357-1419), tổ sư phái Gelukpa của Phật giáo Tây Tạng.

V.86 Truyện Thượng sư Lūyipa

Vị Đại Thành Tựu Giả này được biết tới bởi đã vượt qua lòng kiêu hãnh về gia thế quý tộc của mình.

Lūyipa (Lô-y-ba) có tên này bởi Ngài ăn lòng cá. Chuyện kể rằng: Có một quốc vương xứ Sri Lanka, quyền uy sánh ngang Bắc châu Tài chủ Tỳ-sa-môn (Vaiśravaṇa) thiên vương. Vương cung của ông được trang nghiêm khắp nơi bằng các thứ châu báu, trân châu, vàng, bạc, và các thứ trân bảo. Ông có ba người con trai. Khi ông băng hà không lâu, người ta hỏi các chiêm tinh gia rằng ai trong các vị vương tử sẽ kế thừa vương vị. Họ tính toán và nói rằng: ‘Nếu vương tử thứ hai  lên ngôi, vương quốc sẽ hùng mạnh, bá tánh sẽ an vui, và sẽ có nhiều lợi lạc khác.’ Do vậy, vương quyền của vua cha được trao cho vương tử thứ hai. Anh và em của Ngài cùng thần thuộc đều tôn Ngài lên ngôi, nhưng Ngài lại không muốn làm vua[1] mà hòng trốn đi. Hai vị vương tử kia và  thần dân bắt Ngài và trói Ngài bằng dây xích vàng. Vương tử cho tất cả tùy tùng và cai ngục của mình các món vàng bạc  để được tự do. Đêm đến, Ngài mặc áo vá mà trốn khỏi vương cung. Ngài tìm thấy một hộ vệ, mua chuộc y bằng vàng, và du hành đến chỗ Rāmeśvaram, vua xứ Rāmala. Bỏ mặc bảo tọa lụa thêu của mình, Ngài trải da linh dương mà ngồi;[2] từ bỏ ngai vàng, giờ Ngài ngủ trong tro tàn.[3]

Vương tử có tướng hảo trang nghiêm đến nỗi liên tục được cúng thí, nên Ngài chẳng bao giờ phải đi đâu mà không có thức ăn hoặc đồ uống. Sau đó, Ngài đến Vajrāsana (Kim cang tọa), nơi đức Phật Thích-ca-mâu-ni đã giác ngộ, và được một Không hành mẫu (ḍākinī)[Ḍākinī, các biểu hiện của trí tuệ (xem chú thích đầu tiên của *V.4) được cho là có năng lực đưa ra những hướng dẫn bí truyền.]  ở đó hoan nghênh và giáo hóa. Từ đó Ngài đi đến kinh thành, Pātaliputra, và trú lại, sống bằng những thực phẩm được dân chúng cho và ngủ nơi mộ địa. Một hôm Ngài vào chợ và đến chỗ nữ nhân bán rượu. Nữ chủ của tửu điếm – vốn là một Không hành mẫu thế gian – nhìn vào chàng trai trẻ và nói rằng: ‘Kẻ này đã tịnh hóa bốn luân mạch (cakra)[4] của hầu hết các phiền não của mình, trừ chút chấp trước chủng tánh vương tộc còn lại trong tâm bằng cỡ hạt đậu.’ Rồi bà đổ một ít thức ăn thối rữa vào chậu đất mà đưa cho Ngài. Khi vương tử vứt nó đi, Không hành mẫu nổi giận và nói với Ngài: ‘Nếu ngươi vẫn phân biệt thực phẩm ngon dở, thì ngươi học Pháp làm gì?’

Điều này làm cho vương tử hiểu ra rằng những thiên chấp vọng tưởng của Ngài là chướng ngại cho giác ngộ, vì vậy Ngài đã từ bỏ chúng, Ngài nhặt những lòng cá bị vứt bỏ bởi ngư dân ở sông Hằng mà ăn. Ngài hành như vậy suốt mười hai năm. Tất cả những ngư phủ đều thấy Ngài ăn lòng cá, nên gọi Ngài là Lūyipa, người ăn lòng cá. Do vậy Ngài trở nên nổi danh khắp nơi.

Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.2–5, dịch Anh T.A.

V.87 Truyện Thượng sư Kankaripa

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi danh bởi vượt qua sự chấp trước về cái chết của vợ mình.

Tại nước Magadha có một người gia chủ thuộc giai cấp bình dân. Ông cưới một nữ nhân cùng tầng lớp với mình. Liên tục nếm vị lạc thú gia đình, ông chỉ quan tâm đến việc thế tục mà chẳng nghĩ chi đến thắng nghĩa pháp, giải thoát đạo. Ông sống hạnh phúc nhưng rồi bất ngờ, nghiệp (duy trì thọ mạng) của vợ ông cạn kiệt và bà qua đời. Ông mang xác bà đến mộ địa nhưng chẳng thể rời đi, ông ở lại bên cạnh xác chết, khóc lóc.

Bỗng một du-già sĩ giác ngộ cao thâm xuất hiện bên cạnh  ông mà hỏi rằng, ‘Ngươi đang làm gì ở chốn mộ địa này?’ Gia chủ đáp. ‘Hỡi du-già sĩ, Ngài chẳng thấy nỗi bi ai của con sao? Con cảm thấy như kẻ bị móc mù đôi mắt. Mất đi người con thương, hạnh phúc của con cũng chẳng còn chi nữa. Còn có ai trên thế gian này đau khổ hơn con nữa?’ Vị du-già sĩ nói với ông rằng, ‘Tất cả sanh mạng đều kết cuộc bằng cái chết; mọi sự sum họp đều kết thúc bởi chia ly; tất cả pháp hữu vi là vô thường. Bởi hết thảy đều chịu khổ sanh tử luân hồi, đừng bi thương vì bản tánh khổ đau của đời luân chuyển! Ích chi khi bảo vệ một thi hài chỉ còn như đống đất? Ngươi tốt hơn nên học pháp mà thoát ly hết thảy khổ đau.’ ‘Hỡi du-già sĩ, nếu có cách chi thoát được đau khổ sanh tử luân hồi, xin hãy cho con được biết’, gia chủ van nài. Du-già sĩ nói rằng, ‘Phương pháp giải thoát khổ nằm trong khẩu quyết giáo thọ của Thượng sư.’ Gia chủ hỏi, ‘xin trao truyền nó cho con.’ Do vậy, vị du-già sĩ truyền quán đảnh[5] cho ông và dạy ông về nghĩa lý vô ngã.

‘Con nên tu tập thế nào?’ gia chủ hỏi. Du-già sĩ đáp, ‘Hãy buông bỏ những ý niệm chấp trước về cái chết của vợ con, và tu quán Phật Mẫu Vô Ngã[6] như là Đại lạc và Không tánh không phân biệt.’ Với những lời này, ông gia công tu tập.

Trong sáu năm trời, niệm tưởng về người vợ thường tình phai dần vào Không tánh và Đại lạc. Các nhiễm ô tập khí của ông được thanh tịnh và ông đắc thành giác ngộ về đại lạc quang minh của bản tâm. Cũng như ảo ảnh tan biến khi độc dược hủ hoại được thanh tẩy khỏi cơ thể, Ngài trừ hết vô minh, si độc, Ngài hiển lộ được bản tánh của chân thật không điên đảo và đạt được chứng ngộ. Ngài trở nên nổi danh gần xa dưới danh hiệu ‘Kankaripadu-già sĩ’. Sau khi dạy pháp cho chúng sanh ở quê hương mình, xứ Magadha, rồi ngay đương thân mà trở về cõi Tịnh độ Ca-tước không hành (Vajtayigini Khechara).[Ở đây có nghĩa là vào ‘Pháp giới’ hay ‘Phật độ’.]

Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff. 34–36, dịch Anh T.A.

V.88 Truyện Thượng sư Vīṇāpa

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi tiếng bởi chuyển hóa tình yêu với đàn vīṇā thành thiền tập về âm thanh.

Tên gọi Vīṇāpa (Vi-na-ba) có nghĩa là ‘người đàn đàn vīṇā’.[7] Quê Ngài ở xứ Ghahuri, thuộc gia tộc vương thất, thượng sư là Buddhapa, đã đạt đến thành tựu Hỷ Kim Cang (Hevajra).[8]

Chuyện Ngài như vầy: Quốc vương xứ Ghahuri chỉ có một người con trai, được cha mẹ lẫn thần dân vô cùng yêu quý. Ngài được nuôi nấng dưới sự chăm sóc của tám người nhũ mẫu và những kẻ khác. Vương tử thường hay ở cùng các hộ vệ là nhạc sư của triều đình. Ngài học đàn vīṇā tinh thông đến nỗi tâm Ngài hoàn toàn chuyên chú vào âm thanh của đàn tamboura[9] khi Ngài vẫn gảy được đàn vīṇā– đến nổi

Ngài quên đi hết hết thảy mọi thứ trên đời. Phụ vương, mẫu hậu, chư đại thần, cùng dân chúng bắt đầu nói những điều không hay về Ngài: ‘Vương tử đã được nuôi dưỡng để thành người thừa tự cho phụ vương, nhưng lại quá mê đắm đàn cầm đến nổi chẳng lý hội quốc chánh. Ta phải làm gì đây?’

Họ nhờ một du-già sĩ bác học tên là Buddhapa đến thăm Ngài. Khi vương tử thấy vị này, liền sanh khởi tín tâm. Sau khi đảnh lễ và nhiễu hành vị du-già sĩ, rồi cùng đàm luận cởi mở. Vị du-già sĩ đã ở một thời gian cùng vương tử, thấy rằng đã đến lúc hóa độ Ngài, nên hỏi rằng: ‘Này vương tử, sao Ngài chẳng hành pháp?’ Vương tử nói rằng, ‘Xin vâng, thưa du-già sĩ, con xin hành pháp; (nhưng) con chẳng thể sống mà không có âm thanh êm dịu của đàn tamboura. Nếu có cách gì hành pháp mà không phải bỏ nó, thì con sẽ tu hành.’ ‘Nếu vương tử có tín tâm và nghị lực để hành pháp, tôi sẽ hướng dẫn riêng cho và chỉ dạy tu hành thế nào mà không phải bỏ đàn vīṇā.’ ‘Xin Ngài hãy chỉ dạy cho con’, vương tử nói.

Sau đó, du-già sĩ quán đảnh cho Ngài để thành thục tâm tánh, dẫn Ngài theo khẩu quyết tu thiền như vầy: “Hãy dứt bỏ vọng tưởng nghe âm thanh của đàn tamboura bằng tai; hãy hòa chỗ tâm duyên đến cùng với phân biệt âm thanh, cả hai không phân biệt. Hãy tu tập quán tưởng như vậy’

Tu tập như vậy trong chín năm, vương tử đã thanh tịnh được các phiền não và đạt được giác thọ về ánh sáng của tâm như ánh đèn. Ngài tu thành nhiều loại thắng trí và nhiều công đức khác. Ngài nổi danh gần xa với tên là ‘Viṇāpa du-già sĩ’. Ngài truyền vô lượng pháp giáo cho dân chúng Ghahuri. Cuối cùng, tự mình minh liễu chứng ngộ, rồi ngay đương thân đi đến cõi tịnh độ Pháp giới không hành. ‘Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.50–53, dịch Anh T.A.

V.89 Truyện Thượng sư Maṇibhadrā hay du-già-ni Bhahuri

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi danh là một cô gái thông minh, ấn tượng mãnh liệt bởi vô thường.

Tại một thị trấn tên là Agarce, có một gia chủ giàu có cùng với người con gái mười ba tuổi. Ông gả cô cho một người cùng đẳng cấp với mình.[10] Cô gái trở về chỗ cha mẹ của mình, và khi cô ở đó, Đại sư Kukkuripa đến đây. Ngài khất thực chỗ cô, và cô nói với Ngài rằng: ‘Tại sao một người đàn ông với ngoại hình thân thể trang nghiêm như Ngài lại sống bằng đồ khất thực và khoác mảnh y vá? Chắc chắn Ngài có thể kiếm được một người vợ thích hợp trong đẳng cấp của mình.’

Đại sư nói, ‘Ta sợ hãi luân hồi, cầu đại lạc giải thoát. Nay với thân người quý giá này mà không đạt được, thân sau làm sao được như vầy? Nếu che giấu ngọc quý thân sở y này bằng hôn phối bất tịnh, chí hướng sẽ tiêu tan, và khổ đau kéo đến. Hiểu được điều như vậy, ta từ bỏ hôn nhân.’

Tin lời Ngài, cô mang cho Ngài những món mỹ thực và nhờ Ngài chỉ mình phương pháp đạt được giải thoát. Ngài nói với cô rằng trú xứ của mình ở nơi mộ địa và cô cần phải đến đó nếu muốn được chỉ dạy. Quên hết phận sự của mình, cô trốn đi vào ban đêm và đi đến đó. Vị đại sư thấy rằng tâm tánh của cô đã thành thục và khai thị cô vào Thượng Lạc Kim Cang (Cakrasaṃvara). Ngài hướng dẫn cô tu tập song vận sanh khởi thứ đệ và viên mãn thứ đệ, rồi cô lưu lại đó để hành trong bảy ngày.

Khi cô trở về với cha mẹ mình, họ đánh mắng cô thậm tệ. Cô nói với họ rằng: ‘Trong tất cả ba cõi, chẳng có ai chưa từng là cha mẹ của con (trong những đời trước). Thậm chí cả một chủng tánh tôn quý cũng chẳng thể cứu con khỏi những vực thẳm luân hồi. Đó là lý do tại sao con đi theo vị thượng sư.

Bởi vì con đang hành giải thoát, cha mẹ có thể đánh con nhưng con sẽ vẫn đi con đường này.’ Cha mẹ cô nghĩ rằng đây chỉ là ý thích nhất thời nên chẳng nói gì. Vì vậy cô tiếp tục hành theo hướng dẫn của vị đại sư trong khi bỏ mặc hết thảy công việc và phận sự của mình. Chờ đợi một năm trời, chồng cô đến đón cô về. Cô đi về nhà chồng và làm hết các công việc và phận sự thế gian mà mình phải làm. Cô hầu chồng bằng cả hành vi lẫn ngôn từ, nói năng với chồng nhẹ nhàng, và nhiều điều khác. Khi ấy, cô hạ sanh đứa con trai đầu lòng rồi đến một đứa con gái giống hệt cha mẹ. Họ sống rất hạnh phúc với nhau.

Mười hai năm qua đi kể từ khi cô gặp vị thượng sư. Đến một ngày kia, khi cô đang trên đường lấy nước giếng về nhà, cô vấp phải một miếng gỗ và làm vỡ bình nước. Cô ở đó chăm chú. Đến nửa ngày mà cô chẳng về nhà, gia đình bèn đi tìm cô. Họ thấy cô đang ngồi nhìn cái bình vỡ, và có nói gì thì cô dường nhưng cũng chẳng nghe thấy. Mọi người cho rằng cô bị tà linh nhập xác. Rồi khi mặt trời sắp lặp, cô thốt lên rằng: ‘Chúng sanh từ vô thủy, luôn làm vỡ bình thân, vậy tại sao ta phải, trở về nhà luân hồi? Ta đi đến Đại Lạc! Kỳ diệu và kinh ngạc; nếu ngươi muốn hạnh phúc, hãy theo đức thượng sư!’ Với những lời này, cô bay vào không trung và trụ ở đó trong hai mươi mốt ngày, giảng giải cho dân chúng trong xứ Agarce của mình. Rồi sau đó cô quay trở về Pháp giới không hành.

Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.252–56, dịch Anh T.A.

V.90 Truyện Thượng sư Lakṣmīnkarā

Vị Đại Thành Tựu Giả này nổi tiếng là một công chúa ghê tởm chuyện săn bắn, khuyên một vị vua nghe những lời khôn ngoan từ người quét rác của cô (ở tầng lớp thấp).

Lakṣmīnkarā là em gái vua Indrabhūti trị vì hơn 250,000 dân chúng của một quận thành gọi là Sambholnagara trong đất xứ Oḍḍiyāna.[11] Từ tuổi ấu thơ, cô đã có nhiều phẩm chất của chủng tánh giác ngộ.[12] Lại nữa, cô còn nghe nhiều pháp nơi Đại Thành Tựu Giả Vāvapa, trong số nhiều vị khác, và thông hiểu một số mật tục. Cô được hứa gả cho Sambhol – vương tử của vua Jalendra xứ Laṅkāpurī – và anh cô, vua

Indrabhūti, đưa cô xuất giá. Khi đoàn rước dâu đến đón, cô đi đến xứ Laṅkāpurī cùng với tùy tùng gồm các thiện tri thức bác thông Phật pháp, cùng vô số tài vật trân bảo.

Khi đến nơi, họ được bảo là có điềm sao xấu, không được phép vào vương thành. Trong khi chờ đợi, công nương quan sát dân chúng và thấy rằng họ đều chẳng phải là ngoại đạo nên rất buồn. Rồi đoàn tùy tùng của vương tử ghé qua trên đường đi săn về và mang theo rất nhiều thịt thú. Công nương hỏi họ là ai, từ đâu đến, và tại sao lại giết hại những thú vật này. Họ đáp: ‘Chúng tôi đang đi săn về. Chúng tôi được vương tử chồng của Công nương phái khiến đi săn thú rừng.’ Cảm thấy hoàn toàn kinh tởm, cô tự nghĩ rằng, ‘Anh của ta là một vị hộ pháp quốc vương. Sao lại gả ta cho kẻ ngoại đạo như vậy?’ Rồi cô ngất đi tại chỗ.

Khi tỉnh lại, cô cho hết của cải cho dân chúng, và tặng trang sức cho người hầu rồi cho họ về nhà. Sau đó cô khóa mình trong phòng và chẳng cho ai gặp trong mười ngày. Cô trét dầu và than vào người mình, cắt tóc, và lột trần truồng thân thể. Tuy giả điên nhưng trong tâm cô tu thiền pháp yếu giải thoát không hề dao động.[13] Vua và thần dân rất đỗi buồn rầu. Họ cử vài y sĩ chuẩn bị thuốc và thử chữa trị cho cô, nhưng cô điên loạn tấn công tất cả mọi người đi vào. Họ cử một sứ giả đến chỗ anh cô nhưng ông vẫn điềm tĩnh; ông có thể đoán được rằng em mình đã kinh tởm luân hồi.

Kể từ đó, công nương hành động điên loạn. Cô ăn những đồ thừa của dân Laṅkāpurī, ngủ nơi mộ địa, và vẫn tu hành yếu nghĩa tâm pháp. Trong bảy năm, cô chứng đắc thành tựu.[14] Cô được một người quét rác của vua hầu hạ trung thành. Cô dạy cho ông bằng giáo thọ khẩu quyết, và ông chứng ngộ nhưng vẫn không ai biết.

Rồi một ngày, vua Jalendra đi săn cùng với tùy tùng của mình về rất muộn. Vua nghỉ lại tại chỗ và khi trở về, ông đi lạc đường. Không thể trở về nhà, ông tìm chỗ trú thì tình cờ gặp hang động nơi Lakṣmīnkarā đang ngủ. Tò mò xem người đàn bà điên này đang làm gì, ông nhìn vào trong và thấy cô ở đó với quang minh phát xạ từ thân thể, xung quanh các phía có vô số thiên nữ cúng dường. Khởi tín tâm, ông ở lại đó cả đêm và rồi trở về nhà. Sau đó ông trở lại và đảnh lễ cô. Công nương hỏi: ‘Tại sao người lại đảnh lễ một nữ nhân như tôi?’ Vua trả lời: ‘Bởi vì Ngài có chứng đắc và tôi đang cầu pháp,’ Cô nói với ông: ‘Tất cả chúng sanh đều chịu khổ luân hồi; chẳng ai trong số họ có chân hạnh phúc. Thậm chí các chúng sanh thiện thú, chư thiên và nhân loại cũng bị giày vò bởi sanh, lão, bệnh, và tử. Ba ác thú chẳng có chi ngoài sự đau khổ; có vô số đau khổ của sự nóng lạnh, đói khát triền miên, và các chúng sanh ăn nuốt lẫn nhau. Do vậy, này quốc vương, hãy tầm cầu đại lạc của giải thoát!’

Cuối cùng, cô nói với ông rằng: ‘Người chẳng có duyên được tôi điều phục. Tuy vậy, một người quét dọn của người đã trở thành môn đệ của tôi và chứng đắc thành tựu. Ông ấy sẽ là thiện tri thức của người.’ Đức vua nói, ‘Có rất nhiều người, làm sao con có thể nhận ra Ngài ấy?’ ‘Vị ấy là người bố thí thực phẩm cho chúng sanh sau khi hoàn tất công việc quét dọn, do vậy hãy tìm vị ấy vào ban đêm’, cô nói.

Nhà vua đi về và tìm người quét dọn như vậy, rồi khi ông thấy có người hành động như vị công nương đã tả, ông mời vị ấy đến vương cung. Ông mời vị ấy ngồi lên bảo tọa, đảnh lễ, và cầu pháp. Người quét dọn khai thị cho ông về an lạc của thượng sư, và dạy ông sanh khởi thứ đệ và viên mãn thứ đệ hành trì Kim Cang Hợi Mẫu (Vajravārāhi).

Đến cuối cùng, người quét dọn và vị công nương thi triển thần thông tại xứ Laṅkāpurī, và ngay đương thân đi đến cõi tịnh độ Ca-tước không hành (Khechara).

Lives of the Eighty-four Mahāsiddhas’, ff.305–11, dịch Anh T.A.

V.91 Bài ca kinh nghiệm huyền bí của Lama Tsongkhapa

Sau đây là một chuyện về những kinh nghiệm tâm linh đặc biệt trong cuộc đời của Lama Tsongkhapa (1357-1419 – xem *VI.5 và V.40), đạo sư sáng lập ra phái Gelukpa của Phật giáo Tây Tạng, được viết dưới hình thức một kệ tán. Cụ thể, nó có một danh sách các vị Phật và Bồ-tát – cả lịch sử và nguyên mẫu (thần thánh)[15] – những vị mà Tsongkhapa được nêu là đã từng thấy và gặp riêng.

Kính lễ Pháp Vương Tông-khách-ba!

Hỡi đấng Nhật luân Tối thắng vương, với ánh sáng trí tuệ trong hư không bao la của trí tuệ, soi rõ vạn hữu như như. Hỡi Pháp Chủ Chí tôn, đức Thượng Sư

Cát Tường, con đê đầu đảnh lễ, bụi đất dưới chân Ngài.

Chư Phật, Bồ-tát khắp mười phương cũng không diễn thuyết hết công đức thân, ngữ, ý, của Ngài; xin lắng nghe trong chốc lát, tín tâm này của con!

Con kết ngôn từ thành tràng hoa, tán dương biển công đức, trang nghiêm cổ minh tuệ, ngọc báu tăng tín tâm phước nghiệp. Mong chư trí giả đều hoan hỷ. Thiện hành Ngài làm, như mây lớn, liên tục đổ mưa rào, tăng trưởng thiện đức của đệ tử. Vang dội tiếng rồng ngâm, tuyên thuyết pháp thậm thâm vi diệu.

Hỡi Cát tường Thượng sư, Ngài như cơn bão lớn!

Du-già tự tại, Minh chú chủ, tự tại triệu tam-ma-địa, trước thuật thiện thuyết, khuyến thực tu: Ngài, Cát tường Thượng sư, vua trên đỉnh chúng sanh.

Đời trước Ngài cúng dường, Tối Thắng Tôn, trước tòa Kim cang (Vajrāsana),[16] chuỗi hạt báu lưu ly, trăm lẻ một hạt châu; phát khởi tâm bồ-đề, thành duyên vi diệu chứng Chân thật. Hỡi Thượng Sư Cát Tường, con đảnh lễ chân Ngài.

Bảy tuổi thân gặp Bí Mật Chủ (Vajrapāṇi: Kim Cang Thủ), Xe Lớn Nhiên Đăng Trí,693 thường xuyên được nhiếp thọ Mật thừa (Kim cang thừa và Kinh thừa (Bát-nhã thừa). Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Hỡi Chí Tôn[17] Pháp Chủ, thân gặp Văn-thù Tôn[18] trong ánh sáng năm màu, xanh như ngọc Đế thanh. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài. Từ đó, hỡi Pháp Chủ, mỗi khi nguyện liền thấy, Trí

Tuệ Tạng (Văn-thù) hiện thân, thường nghe pháp thậm thâm, Bát-nhã và Mật Tập, [19] bát-nhã ba-la- mật. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Hởi đấng Pháp chủ, Khi hành lễ bảy chi cúng dường,[20] ba mươi lăm Phật thường hiện tiền, mỗi thân, thủ ấn,[21] và tiêu xí, Hỡi Cát Tường Thượng  Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Hộ chủ Di-lặc Tôn, ngồi trên tòa diệu nghiêm, tay  kết ấn chuyển pháp, thọ ký Ngài sẽ thành, như Phật đủ mười lực, thành tựu Phật sự nghiệp. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Pháp Chủ, Tối Thắng Tử, thân thấy, Thiên Nhân Đạo Sư Thích-ca Vương,[22] Dược Sư Như Lai, Vô Lượng Quang (Phật A-di-đà), rực rỡ giữa quyến thuộc như biển. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Sanh xứ Tất-địa (siddhi, thành tựu) Thánh Độ Mẫu, Tôn Thắng Phật Đỉnh (Uṣṇīṣa Vijayā) quang minh mẫu, Bạch Tán Cái Phật Đỉnh (Uṣṇīṣa Sitatapatra) trừ chướng, cùng chư Phật Mẫu khác, thường hiện thân cho thấy. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Bồ-tát Long Thọ (Nāgārjuna) và Thánh Thiên (Āryadeva), Thánh Phật Hộ (Buddhapālita), Cát tường Nguyệt Xứng (Candrakīrti)[23], và Du-già tự tại Long Trí (Nāgabodhi), thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Thánh Vô Trước (Asaṅga) Bồ-tát tam địa, đệ nhị Biến Tri Thế Thân Tôn (Vasubandhu), Thánh giả hộ trì Đại Vực Long (Dignāga: Trần-na)[24], thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Nguyệt Xứng (Dharmakīrti) thuyết pháp như trăng sáng, cùng với Đức Quang (Guṇaprabha), Thích-ca Quang (Ṥākyaprabha). Tịch Thiên Tịch Thiên (Ṥāntideva) và Cát tường Vô Úy (Abhaya);[ Các đạo sư Ấn-độ quan trọng khác đã sáng tác những chú giải về các tác phẩm của các triết gia vĩ đại.]

Đại Thành tựu[25] Ấn-độ, Tây Tạng: Nhân-đà-la Bồ- đề (Indrabhūti), Cát tường Sa-ha-ra (Saraha), Lu-y- ba (Lūyipa), Gan-ta-ba-đà (Ghaṇṭapāda), Hắc Hành

(Kŗṣṇacārya), Liên Hoa Giới (Kamalaśīla), thường trực hiện thân đến nhiếp thọ. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Đại Bồ-tát lợi tha tự nhiên, Văn-thù hiển minh thọ ký rằng: Y trên truyền thừa giáo pháp này, duyên thành quảng đại lợi tự tha. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Thắng du-già song vận chỉ quán, khi định tăng như trăng mới mọc, thấy Thế tôn Bố Úy Kim cang ,[26]rực rỡ viên mãn mặt và tay. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Gươm trí của Văn-thù, chạm tim Thượng sư tôn, dòng cam lộ vô lậu, tuôn chảy vào tim Ngài, sanh khởi câu sanh diệu lạc định. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Văn-thù-truyền yếu nghĩa, Ngài giảng thuật thiện xảo, “Sanh Cực lạc nguyện văn”, Vô Năng Thắng Hộ chủ, Di-lặc “Chánh nghĩa tán.”Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Ngài an thần khai quang, ảnh tượng thân ngữ ý, Trí tôn nhập thệ tôn.[27] Thánh tượng Ngài gia trì, phước điền cho chúng sanh. Hỡi Cát Tường Thượng Sư,  con đảnh lễ chân Ngài.

Thánh Long Thọ năm thánh phụ tử, quyết trạch  nghĩa duyên khởi thậm thâm, trong đó Cát tường Phật Hộ Tôn (Buddhapālita), trao Ngài Phạn văn, tỏ Thánh ý. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Khi tư duy yếu nghĩa sáu chi, cứu cánh Cát tường Thời luân tục[28], Thế Tôn Thời luân thân hiện diện, thọ ký: “sẽ đồng Nguyệt Hiền Vương.”[29] Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Pháp Chủ! bằng lực tu du-già bất nhị, quán hữu tình và khí thế gian, hiện thậm thâm Không huyễn, quang minh, khi hiện khởi thiên thân đại lạc[30], Ngài đạt Kim cang du-già thân. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Từ rốn nội hỏa chiên-đà-li (candalī[31]), lên đỉnh đầu hòa tan chữ HAM, giáng hạ xuống trung mạch, du hí trong câu sanh đại lạc, Ngài đắc kim cang du-già tâm. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài…

Ngự trên tòa trang nghiêm bảo ngọc, nhất thiết trí Bu-tôn Rin chen (Buton Rinchen Drub),[32] trao Ngài Tập Mật (Guhyasamāja) Căn bản tục, bảo rằng, ‘Đây trao ngươi làm chủ’. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài…

Khi hành pháp tu Thắng Lạc luân (Cakrasaṁvara),[33] Thánh chúng xuất hiện trong viên đàn (maṇḍala), trong, ngoài ba chỗ các Không hành (Dākini),[34] hát khúc Kim cang để Ngài vui. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.

Khi tu tiêu diệt Ma quân pháp, trực kiến Năng Nhân Đại Phục Ma,[Biểu tượng cho những phiền não khác nhau.] ánh sáng vàng ròng triệu mặt trời. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài. Thân Ngài, thân Phật, cùng ngữ, ý, hòa hợp không phân, diệt Ma quân; khi các Hộ Pháp trừ diệt Ma;[35] Ma quân đại bại kêu khóc vang. Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài…

Văn-thù cùng với Bí Mật Chủ, thọ ký rõ ràng, Chánh Pháp Vương: “Vãng sanh Đâu-suất (Tuṣita) lễ Di-lặc (Maitreya), Tối Thắng Tử hiệu Cát Tường Tạng (Mañjuśrīgarbha). Hỡi Cát Tường Thượng Sư, con đảnh lễ chân Ngài.…

Prayer of the Secret Life of Tsongkhapa, dịch Anh T.A.

***

[1] Với sự xa hoa và bạo lực thường liên quan đến vương quyền, Phật giáo có nhiều câu chuyện về các hoàng tử tốt muốn tránh làm vua; một chủ đề bổ sung là làm thế nào để trở thành một vị vua tốt, xứng đáng.

[2] Vì được sử dụng bởi các du-già sư và nhà khổ hạnh.

[3] Tức là, ông đã chấp nhận lối sống của một du-già sư mật giáo.

[4] Các trung tâm năng lượng ở thân vi tế nằm ở bốn điểm dọc theo cột sống: rốn, tim, cổ họng và trán.

[5] Hay nhập môn.

[6] Vô Ngã Mẫu là Nairātmyā, phối ngẫu của Heruka, vị bổn tôn mật giáo mà Kankaripa phải được nhập môn vào các vị ấy. 682 Ở đây có nghĩa là vào ‘Pháp giới’ hay ‘Phật độ’.

[7] Hoặc là người đàn vīṇā: một nhạc cụ bằng đồng của Ấn giống đàn lute, có âm thanh ngọt ngào.

[8] Một bổn tôn mật giáo.

[9] Một nhạc cụ dây khác dùng để đi kèm với đàn vīṇā.

[10] Vào thời các đại thành tựu giả, ý tưởng về đẳng cấp Hindu đã lan tràn trong xã hội Ấn-độ, và ảnh hưởng đến ngay cả những người gắn bó với Phật giáo với nhiều mức độ khác nhau.

[11] Oḍḍiyāna là một quốc gia bán thần thoại ở đâu đó phía tây bắc Ấn, được cho là quê hương của nhiều giáo lý mật tông.

[12] Điều này cho thấy rằng bà đã giác ngộ Phật tánh trong một đời quá khứ.

[13] Tức là, tất cả mọi khi bà duy trì giác ngộ thanh tịnh.

[14] Ở đây có nghĩa là giác ngộ.

[15] Các vị thần thánh: Vajrapāṇi, Maitreya, Amitābha, Tārā, Uṣṇīṣa Vijayā, Uṣṇīṣa Sitatapatra, Yamāntaka, Mañjuṣrī/Mañjughoṣa, Kālacakra.

[16] Tòa Kim cương ở Bodhgayā, Ấn-độ, nơi đức Phật đạt được giác ngộ.

[17] Jetsun (rje tsun): Tôn giả, Chí tôn, Thánh chủ; xưng hiệu Tây Tạng chỉ cho tu tập.

[18] Mañjughoṣa: Diệu Âm, một hiện thân của Bồ-tát Văn-thù (Mañjuśri), Bồ-tát của trí tuệ về tánh không.

[19] Bí mật tập hội thản-đặc-la (Guhyasamāja Tantra), bản kinh chính của bộ phụ tục (phargyud, hệ dương thừa) thuộc Vô thượng du-già mật tục (Anuttarayoga tantra).

[20] Sám nguyện từ hành nguyện Phổ Hiền rút gọn thành bảy chi: lễ bái, cúng dường, sám hối nghiệp chướng, tùy hỷ công đức, thỉnh chuyển pháp luân, thỉnh Phật trụ thế, và hồi hướng công đức trước mặt ba mươi lăm vị Phật được mô tả trong kinh ‘Ba tụ pháp’ (Tri-skandha-dharma Sūtra).

[21] mudra, biểu tượng bí mật bằng các tư thế bàn tay.

[22] Phật Śākyamuni.

[23] Những nhà triết học Ấn-độ đầu tiên của phái Trung Quán.

[24] Các vị tiền bối của Duy thức. Vô Trước được nói là đã chứng địa thứ ba trong mười địa Bồ-tát. Thế Thân dược tôn xưng là Phật thứ hai.

[25] Những ‘đại thành tựu giả’ của truyền thống mật giáo, một số tích truyện của họ xem trong *V.85-89.

[26] bcom ldan rdo rje ‘jig byed (Vajrabhairava, đối địch của Yama, thần chết), Hán cũng dịch là Đại Uy Đức Kim cang; hiện thân khác của Yamāntaka, hiện thân phẫn nộ của Văn-thù (Mañjuśri) với chín đầu và mười bốn đôi bàn tay.

[27] dam tshig pa: tam-muội-da tôn, bản thệ tôn, quán tưởng tôn: hành giả mật tông quán tưởng ảnh tượng bổn tôn hiện khởi trong tâm tự tánh bổn tôn và sanh tiền bổn tôn.

[28] Kālacakra (Thời Luân) Tantra được phái Gelukpa xem là tantra cuối cùng của lớp tantra Vô thượng du-già (Anuttarayoga).

[29] Sucandra, vua vùng đất thần bí của Śambhala, được cho là đã cầu Kālacakra Tantra từ đức Phật.

[30] Chỉ cho bổn tôn Thời Luân (Kālacakra).

[31] Nhân cách hóa của chuyết hỏa (tumo), tương đương với Kuṇḍalīni trong tantra Hindu.

[32] Butön Rinchen Drup (Bu ston rin chen grub, 1290–1364), một lạt-ma cao trọng của phái Sakyapa, nổi tiếng vì biên tập ấn bản đầu tiên của Đại Tạng Phật Giáo Tây Tạng.

[33] ‘Thắng Lạc Luân’ – một tantra tuyệt diệu khác của lớp Anuttarayoga.

[34] Các cakra ở đầu, cổ họng và tim (?).

[35] Biểu tượng cho những phiền não khác nhau.

***

HẾT