Phật Thuyết
ĐẠI THỪA VÔ LƯỢNG THỌ TRANG NGHIÊM
THANH TỊNH BÌNH ĐẲNG GIÁC KINH GIẢI DIỄN NGHĨA
QUYỂN 3
Hòa thượng Tịnh Không chủ giảng
Diệu Âm Phổ Hạnh kính ghi và đúc kết
Phật lịch 2567 -2023
TRÙNG TRÙNG HỐI MIỄN ĐỆ TAM THẬP LỤC
Trong phẩm này, vì để chiết phục chúng sinh ác nghiệp nên đức Phật lại chỉ bày, khuyên lơn. Trước hết ngài giảng rõ về nhân ác quả ác để chúng sinh biết mà kiêng sợ. Cuối phẩm, ngài lại khuyên nên đoan chánh thân tâm, chớ quên công phu để khỏi phải hối hận.
KINH VĂN:
Phật cáo Di Lặc: – Ngô ngữ nhữ đẳng, như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, triển chuyển tương sinh, cảm hữu phạm thử, đương lịch ác thú, hoặc kỳ kim thế, tiên bị bệnh ương, tử sinh bất đắc, thị chúng kiến chi. Hoặc ư thọ chung, nhập tam ác đạo, sầu thống khốc độc, tự tương tiều nhiên.
VIỆT DỊCH:
Phật bảo Di Lặc: – Ta bảo các ông: Năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt như thế chuyển sinh lẫn nhau. Kẻ nào phạm phải tất sa ác đạo, hoặc trong hiện đời, trước bị tai ương, bệnh hoạn, sống chết chẳng được, để người đời thấy (sự chiêu cảm đó). Hoặc khi mạng chung, vào ba đường ác, sầu đau, thảm khốc, tự nung đốt thân.
GIẢNG:
Đoạn kinh văn này, đức Phật lại một lần nữa, chỉ bày cái họa do ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu sinh ra.
“Như thị ngũ ác, ngũ thống, ngũ thiêu, triển chuyển tương sinh” (Năm sự ác, năm sự đau, năm sự đốt, như thế chuyển sinh lẫn nhau).
Gia Tường Sớ giảng: “Triển chuyển tương sinh là (nói rõ về) ba độc. Không trừ ác thì ác chẳng tuyệt, khổ quả không dứt”. Ý nói: Ba độc là tham, sân, si. Ba ác là sát, đạo, dâm. Nếu không trừ sạch những thứ nầy thì không bao giờ đoạn tận được ác.
Sách Hội Sớ giảng: “Năm ác là nhân, nhọc nhằn khổ sở là quả. Dùng quả để răn nhân. “Tương sinh” là đời nầy đau, đời sau nóng, đều do nhân mà sinh”.
Cả hai thuyết trên đều nói đến “tương sinh” nhưng chưa giảng rõ chữ “triển chuyển”. Các vị Tịnh Ảnh, Cảnh Hưng và Vọng Tây giảng rõ chữ “triển chuyển” như sau:
Ngài Vọng Tây bảo: “Trước hết nói rõ điều ác sinh ra nỗi đau khổ và thiêu đốt. Tiếp đó là từ thiêu đốt sinh ra điều ác và đau khổ”. Ý nói trong nhân có quả, trong quả có nhân, đây gọi là “triển chuyển”.
Ngài Tịnh Ảnh nói: “Trước hết, nói từ ác sinh đau đớn, sinh ra thiêu đốt. Tiếp đó, nói từ thiêu đốt sinh ra ác, sinh ra đau”.
Ngài Cảnh Hưng cũng giảng giống như thế, nghĩa là: Ác, đau khổ và thiêu đốt lần lượt triển chuyển mà tương sinh. Điều ác sinh ra nỗi đau đớn, thiêu đốt nên phải đọa vào ác thú. Nhưng, chúng sinh trong ác đạo ba độc quá nặng, nên từ sự thiêu đốt ấy lại tiếp tục sinh ra các nỗi ác khổ, đau đớn khác như gà đẻ trứng, trứng lại nở ra gà. Cái nầy, cái kia lần lượt tương sinh không lúc nào ngớt. Điều nầy thật vô cùng đáng sợ!
“Cảm hữu phạm thử, đương lịch ác thú” (Kẻ nào phạm phải tất sa ác đạo). Chữ “thử” là chỉ cho những điều ác. Kẻ phạm phải những điều ác, ắt sẽ trôi lăn trong ác đạo. Chữ “lịch” (歷 lì) là trải qua; “ác đạo” là quả do việc ác chiêu cảm. Đây đều là tướng trạng của quả để răn đe chúng sinh ngõ hầu họ dứt bỏ nhân ác.
“Hoặc kỳ kim thế, tiên bị bệnh ương, tử sinh bất đắc, thị chúng kiến chi” (Hoặc trong hiện đời, trước bị tai ương, bệnh hoạn, sống chết chẳng được, để người đời thấy (sự chiêu cảm đó): Đây là nói về năm sự đau cũng chính là “hoa báo” trong đời hiện tại. Chữ “bị” là lãnh chịu, chữ “bệnh” là tật bệnh; chữ “ương” là tai ương, tai họa như thủy tai, hỏa tai, hình phạt v.v…Kẻ làm ác ngay trong hiện đời , hoặc bị bệnh nặng, hoặc mắc phải tai vạ, cầu sống không được, cầu chết cũng không xong. Sầu khổ muôn mối không thể thoát được! Cho nên, Phật nói: “Tử sinh bất đắc” (sống chết chẳng được).
“Thị chúng kiến chi” (Để người đời xem thấy). Ý nói: Quả ác này khiến mọi người trông thấy, biết nhân quả không sai, sinh tâm kiêng sợ. Những sự việc nầy trong xã hội hiện nay khắp nơi đều thấy. Nhưng, thấy rồi thì sao? – Vẫn trơ trơ như gỗ đá, xem như không có chuyện gì! Đó là việc của người khác không liên quan gì đến ta, hoàn toàn không có cảm xúc!
“Hoặc ư thọ chung, nhập tam ác đạo, sầu thống khốc độc, tự tương tiều nhiên” (Hoặc khi mạng chung, vào ba đường ác. Sầu đau, thảm khốc, tự nung đốt thân): Đó chính là quả báo, tức là năm sự đốt. “Sầu thống” là sầu buồn, đau khổ. “Khốc độc” (酷 毒 kù dú) là nỗi đau đớn tàn khốc nhất. Chữ “tiều” (燋 qiáo) là nướng, thui, bị tổn thương bởi lửa. Chữ “nhiên” (然 rán) là đốt cháy. Sách Hội Sớ giảng: “Tiều nhiên là dáng vẻ dữ dội của ngọn lửa địa ngục. Chữ “tự” là do nghiệp của chính mình chiêu cảm”, nên nói “tự tương tiều nhiên”.
KINH VĂN:
Cộng kỳ oán gia, cánh tương sát thương, tùng tiểu vi khởi, thành đại khốn kịch, giai do tham trước tài sắc, bất khẳng thí huệ. Các dục tự khoái, vô phục khúc trực. Si dục sở bách, hậu kỷ tranh lợi, phú quý vinh hoa, đương thời khoái ý, bất năng nhẫn nhục, bất vụ tu thiện. oai thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt. Thiên đạo thi trương, tự nhiên củ cử. Quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung. Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương!
VIỆT DỊCH:
Cùng với oán gia, tàn hại lẫn nhau, từ chút việc nhỏ trở thành họa lớn lao, đều do tham đắm tài sắc, không chịu bố thí. Muốn khoái lạc bản thân, chẳng cần biết đến cong vạy hay ngay thẳng. Si dục bức bách, tranh lợi về mình, phú quý vinh hoa, đương thời vừa ý, không chịu nhẫn nhục, không chuyên tu thiện. Oai thế chẳng lâu, đã bị mòn diệt. Ðạo trời lồng lộng, tự nhiên tỏ rõ. Bơ vơ, khiếp đảm, sẽ vào trong đó. Xưa nay như thế, đau khổ lắm thay!
GIẢNG:
“Cộng kỳ oán gia, cánh tương sát thương, tùng tiểu vi khởi, thành đại khốn kịch” (Cùng với oán gia,tàn hại lẫn nhau, từ chút việc nhỏ thành họa lớn lao): Tịnh Ảnh Sớ cho rằng câu kinh văn trên diễn tả ý nghĩa “tùng thiêu khởi ác” (từ Ngũ Thiêu khởi thành Ngũ Ác). “Thiêu” là quả báo trong tam đồ quá khổ, khiến tâm sân báo thù càng thêm mạnh mẽ. Do vậy, mà oan oan tương báo không bao giờ dứt, họ lại tiếp tục tạo nghiệp!
Ngài Vọng Tây cho rằng “cánh tương sát thương” (tàn hại lẫn nhau) chính là “điều ác thiêu đốt chúng sinh, giết hại chúng sinh”. Trong trận lửa địa ngục, kẻ ác vì đau đớn quá mức nên nổi sân, đâm ra tàn sát, đả thương lẫn nhau. Đó chính là tự bị thiêu đốt lại gây thêm tội ác, kết thành oán cừu nên bảo là “oán gia”. Cứ đòi nợ lẫn nhau, Giáp giết Ất, Ất lại giết Giáp, nên bảo là “cánh tương sát thương”.
Từ bé xé ra to, càng lúc càng khốc liệt, nên bảo là: “Tùng tiểu vi khởi, thành đại khốn kịch” (Từ chút việc nhỏ, thành họa lớn lao). Chữ “kịch” (劇 jù) là kịch liệt, quá mức. Làm ác không dứt, nên khổ càng thêm khổ, họa càng chất chồng, nên bảo là “thành đại khốn kịch”.
Bản Ngụy dịch ghi “Cửu hậu đại kịch” (Lâu thành khốc liệt).
Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Thân chịu đau khổ, khổ tăng không ngớt nên gọi là ‘cửu hậu đại kịch”.
“Giai do tham trước tài sắc” (Đều do tham đắm tài sắc): Cầu được nhiều không biết đủ là Tham; tâm tham kiên cố là Trước著 zhù).
Kinh Bảo Tích dạy: “Tà niệm sinh tham trước; tham trước sinh phiền não” (Tà niệm sinh ra tham đắm; tham đắm sinh ra phiền não).
Trong chữ “tài sắc”: Chữ “tài” (財 cái) là chỉ tiền tài, của cải; chữ “sắc” là sắc tình, tức là tình ái nam nữ. Gia Tường Sớ giảng: “Hoặc là tham tài hay tham xác thịt”. Sách còn viết: “Từ câu ‘giai do tham trước’ trở đi là nói đến tội lỗi của ba ác. Tham đắm vinh hoa, tham đắm cái vui hiện tại nên tạo ác”.
“Bất khẳng thí huệ” là chẳng chịu đem tài vật san sẻ cho người. Sách Hội Sớ viết: “Tham dục tuy nhiều, nhưng tài sắc là lớn nhất nên dùng nó để dẫn chứng”. Ý nói: Tham dục quá nhiều, nhưng tham tài, tham sắc là nghiêm trọng nhất nên kinh đặc biệt nêu lên.
“Các dục tự khoái, vô phục khúc trực” (Muốn khoái lạc bản thân, không cần biết đến cong vạy hay ngay thẳng). Ý nói: Chỉ cầu tự lợi để thỏa mãn tánh tham, chẳng cần biết đến đúng sai, cong vạy hay chất trực.
“Si dục sở bách, hậu kỷ tranh lợi” (Si dục bức bách, tranh lợi về mình): Cội gốc của tâm tham dục chính là Si, nên bảo là “si dục”. Kinh Di Giáo dạy: “Nhược hữu trí tuệ, tắc vô tham trước” (Nếu có trí tuệ thì chẳng tham đắm).
Sách Hội Sớ giảng chữ “bách” như sau: “Ái dục bức bách, thường nghĩ đến cảnh dục”, nên tổn người lợi mình, chỉ ham phú quý vinh hoa, chỉ cầu khoái ý nhất thời, không chịu nhẫn nhục tu thiện, tích lũy thiện căn, nên nói: “Phú quý vinh hoa, đương thời khoái ý, bất năng nhẫn nhục,bất vụ tu thiện”, chẳng biết vô thường chóng vánh “oai thế vô kỷ, tùy dĩ ma diệt” (oai thế chẳng lâu, đã bị mòn diệt)
“Thiên đạo thi trương, tự nhiên củ cử”(Tạm dịch: “Đạo trời lồng lộng, tự nhiên tỏ rõ). Chữ “thi” (施 shī) là giương ra, mở rộng. Chữ “củ” (糺 jiū) là uốn nắn cho đúng, xem xét nêu ra cái sai. Lý tự nhiên, đạo vốn như thế gọi là “Thiên đạo”. Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Đạo lý trong thiên hạ tự nhiên lập bày nên gọi là ‘thiên đạo thi trương’. Hễ tạo ác tất sẽ bị lộ nên nói là ‘tự nhiên củ cử’ (tức là tự nhiên có báo ứng)”.
Sách Hội Sớ giảng: “Nói ‘thiên đạo’ là nói đến nhân quả báo ứng”. Sách còn viết: “Việc đã làm thì theo đúng pháp mà phán quyết. Việc chưa làm, nên suy nghĩ kỹ, thì gọi là ‘củ cử’. Chữ “cử” (舉 jǔ) là chỉ bày”.
– Ai đang “củ cử”?
– Phía trước chúng ta đã học qua, chủng tử rơi rớt trong A Lại Da thức, thông thường gọi là lương tâm bộc phát, bản thân cảm thấy xấu hổ, đây là “tự nhiên củ cử”. Ngoài ra, còn có thiên địa quỷ thần rõ biết. Cổ nhân thường nói: “Ngẩng đầu ba thước có thần minh”, không cách chi che đậy.
“Quỳnh quỳnh chung chung, đương nhập kỳ trung” (Bơ vơ, khiếp đảm, sẽ vào trong đó). Chữ “quỳnh quỳnh” (煢 煢 qióng qióng) là trơ trọi, không nơi nương tựa. Chữ “chung chung” (忪 忪 zhōng zhōng) là tâm hoảng sợ, khiếp đảm.
Sách Hội Sớ giảng: “Quỳnh quỳnh là tình cảnh đơn độc, một mình sống, một mình chết. ‘Chung chung’ là tâm vừa động, vừa kinh hoàng xen lẫn không dứt. ‘Kỳ trung’ là trong năm đường”.
Tịnh Ảnh Sớ giảng: “Kẻ có tội sẽ phải đi về đó, không người bầu bạn nên bảo là bơ vơ, khiếp đảm đi vào trong ấy”.
“Cổ kim hữu thị, thống tai khả thương” (Xưa nay như thế đau khổ lắm thay!). Ý nói: Do tam độc tạo ra nhân Ác thì nhất định phải chiêu cảm lấy quả Ác, nhận chịu đau khổ thiêu đốt tột cùng.
KINH VĂN:
Nhữ đẳng đắc Phật kinh ngữ, thục tư duy chi, các tự đoan thủ, chung thân bất đãi, tôn thánh kính thiện, nhân từ, bác ái. Đương cầu độ thế, bạt đoạn sinh tử chúng ác chi bổn, đương ly tam đồ, ưu bố khổ thống chi đạo. Nhược tào tác thiện, vân hà đệ nhất? Đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân. Nhĩ, mục, khẩu, tỵ, giai đương tự đoan. Thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ứng. Vật tùy thị dục, bất phạm chư ác. Ngôn sắc đương hòa, thân hạnh đương chuyên, động tác chiêm thị, an định từ vi. Tác sự thương tốt, bại hối tại hậu. Vi chi bất đế, vong kỳ công phu.
VIỆT DỊCH:
Các ông được nghe lời kinh Phật, phải suy nghĩ chín chắn, giữ đúng lời dạy, trọn đời không được biếng trễ, kính Phật trọng hiền, nhân từ, bác ái. Nên cầu cứu đời, dứt sạch gốc sinh tử, lìa hẳn lo sợ khổ thống tam đồ. Nếu các ông hành thiện, thế nào là bậc nhất? Nên tự đoan tâm, nên tự đoan thân. Tai, mắt, miệng, mũi đều nên tự đoan. Thân, tâm thanh sạch cùng thiện tương ưng. Đừng theo thị dục, chớ phạm điều ác. Ngôn từ, sắc diện phải hòa nhã, hành vi cử chỉ, nhìn ngó trang nghiêm, thong thả. Vội vàng hấp tấp, dễ bị thất bại, hối hận về sau. Không suy xét cẩn trọng sẽ uổng mất công phu.
GIẢNG:
“Phật kinh ngữ” là chỉ chung tất cả pháp môn, bỏ ác tu thiện, bỏ trần cảnh hướng đến giác ngộ, đặc biệt là chuyên chỉ ba kinh Tịnh Độ, giảng về Nhất Thừa nguyện hải, sáu chữ hồng danh của Phật A Di Đà. Kinh bậc nhất trong ba kinh, đó chính là kinh Vô Lượng Thọ.
“Thục tư duy chi” (suy nghĩ chín chắn) tức là nghe xong phải suy nghĩ, phải thấu triệt ý kinh. Đây là nói với hàng sơ học. Hàng sơ học không thể không nghe kinh, không nghe kinh họ sẽ suy nghĩ xằng bậy, suy nghĩ nầy nọ không tốt.
“Các tự đoan thủ, chung thân bất đãi” . Chữ “đoan thủ” (端 守 ) là giữ đúng, phụng hành theo lời Phật dạy. Ngài Cảnh Hưng bảo: “Đoan thủ là dẹp tà, giữ chánh”. Trọn đời giữ đúng theo lời Phật dạy, không hề biếng nhác nên bảo là “chung thân bất đãi”.
“Tôn thánh kính thiện, nhân từ, bác ái” (Kính Phật trọng hiền, nhân từ, bác ái). Ngài Cảnh Hưng giảng: “Chữ Thánh chỉ chung cả Phật lẫn Tăng. Thiện pháp dù là pháp thế gian hay xuất thế gian đều là của báu vô thượng nên phải kính trọng. Ở đây, Thiện là Tam Bảo. Nhân ái, từ bi cứu giúp tất cả mọi người nên bảo là ‘nhân từ, bác ái’, nghĩa là: Bác ái giúp đỡ chúng sinh”.
Theo Hòa thượng Tịnh Không: Người bây giờ khinh mạng Thánh hiền, bất kính tổ tông, cuồng vọng tự đại, cho rằng năng lực bản thân vượt qua tổ tông rất nhiều. Quan niệm nầy cắm rễ kiên cố trong tâm, nên người ngày nay rất khó dạy!
“Đương cầu độ thế” (Nên cầu độ đời). Phải tự độ, độ người, tự giác, giác tha khiến tất cả chúng sinh vĩnh viễn thoát ly hư vọng sinh tử.
“Bạt đoạn sinh tử chúng ác chi bổn, đương ly tam đồ, ưu bố khổ thống chi đạo”. Ý nói: Dứt sạch gốc sinh tử, lìa hẳn lo sợ khổ thống tam đồ. Cũng có nghĩa là siêng tu Giới, Định, Tuệ; dứt bặt tham, sân, si. Cội rễ của luân hồi, lục đạo chính là tham dục. Biển khổ sinh tử phải cần đến trí tuệ mới có thể vượt qua. Dùng gươm trí tuệ chặt đứt các phiền não tham dục, vô minh v.v..chính là nhỗ dứt cội rễ sinh tử, mới vĩnh viễn lìa khổ tam ác đạo. Khi ác đã tận diệt thì sự đau khổ, thiêu đốt cũng hết, nên nói: “Đương ly tam đồ, ưu bố khổ thống chi đạo”. (Sẽ lìa hẳn lo sợ khổ thống trong tam đồ).
“Nhược tào tác thiện, vân hà đệ nhất? Đương tự đoan tâm, đương tự đoan thân. Nhĩ, mục, khẩu, tỵ, giai đương tự đoan” (Nếu các ông hành thiện, thế nào là bậc nhất? Nên tự đoan tâm, nên tự đoan thân. Tai, mắt, miệng, mũi đều nên tự đoan). Đây là Phật khuyên chúng sinh nên đoan chánh thân tâm cho tương ưng với điều thiện. – Phải đoan chánh như thế nào? – Theo Hòa thượng Tịnh
Không: Khởi tâm động niệm, ngôn ngữ tạo tác phải tương ưng với tánh đức, trí tuệ vốn có trong tự tánh, đây gọi là “đoan”. Chư vị tổ tông nói tánh đức đó chính là: Ngũ Luân, Ngũ Thường, Tứ Duy, Bát Đức.
Xã hội hiện nay, những tánh đức như trên không còn nhìn thấy, cũng không ai nói đến! Muốn học phải bắt đầu từ Đệ Tử Quy, Cảm Ứng Thiên, Thập Thiện Nghiệp. Ba thứ này là nền tảng của thiện thế gian; thêm vào Sa Di Luật Nghi trở thành căn bản của pháp xuất thế gian. Có căn bản của thế và xuất thế gian này, dù học Nho, học Đạo hay học Phật đều có thể thành tựu.
Chữ “tác thiện” có thể hiểu thô thiển là làm thiện, trong đây Thập Thiện Nghiệp là tiêu chuẩn, nguyên tắc chung của việc hành thiện. Nếu hiểu theo Thật Đế thì “tác thiện” chính là “tâm này làm Phật”. Vì sao vậy? – Vì học Phật cần phải thay đổi tâm. Thay tâm thành Phật A Di Đà: “Tâm ta tức là Phật A Di Đà; Phật A Di Đà tức là tâm ta”. Như vậy, “thiện” này mới là “đệ nhất thiện”, mới thật là “đại viên mãn thiện”.
Câu “đoan thân, nhĩ, mục, khẩu, tỵ” (đoan chánh thân, tai, mắt, miệng, mũi) có nghĩa là “đoan tâm chánh ý” như: “Điều phi lễ đừng nhìn, việc phi lễ đừng nghe, chuyện phi lễ đừng nói, việc phi lễ đừng can dự vào”. Đây là bốn cái “đừng” mà Khổng Tử nêu ra.
Phân tích ở mức độ sâu hơn, là nói đến “minh tâm kiến tánh”, thì “nhĩ đương tự đoan” (tai nên tự đoan chánh) chính là Nhĩ Căn Viên Thông “phản văn văn tự tánh” (xoay cái nghe trở lại nghe tự tánh) của Quán Âm Đại Sĩ. Đại Sĩ không đuổi theo thinh trần mà xoay lại nghe nơi tự tánh; ấy chính là “đoan chánh nhĩ căn”. Suy rộng ra: Mắt không rong ruổi theo sắc trần, quay lại quan sát tự tánh, chính là “đoan chánh mắt” v.v… Cứ thế, cả sáu căn đều không rong ruổi theo sáu trần, chiếu rạng nguồn tâm đây mới thật gọi là “đoan chánh bậc nhất”. Công phu này không dễ dàng! Đây không phải là cảnh giới của hàng sơ tâm học Phật; ngay cả người tu hành lâu năm cũng không đạt được.
Theo Hòa thượng Tịnh Không: Nói dễ hiểu hơn một chút, không bị cảnh giới bên ngoài làm dao động, đây là việc lớn quan trọng nhất. Cho nên, bình thường nhất định phải tu dưỡng. Con người khi lâm chung, đặc biệt là trong thiên tai, họ chết như thế nào? – Một trăm phần trăm đều là bị chết khiếp! Người chết khiếp rất đáng thương, hồn phi phách tán. Hồn phách họ không thể tụ lại một nơi. Có tụ một nơi họ mới có thể làm việc. Phân tán rồi có thể hình thành lại chăng? – Có thể! Nếu phân tán quá, thời gian khôi phục phải rất dài.
Trong thiên tai, con người giống như quả bom, lúc nó bộc phát thì hồn phi phách tán. Những linh hồn bị nổ chết nầy vô cùng oán hận. Nếu chết mười vạn người, sẽ có mười vạn oán thân trái chủ… Nghe nói, hiện nay vũ khí hạt nhân, một quả bom có thể tiêu diệt toàn thành phố có cả trăm vạn người. Tức là, trong sát-na, họ đã tạo một trăm vạn oán thân trái chủ. Nghiệp báo nầy vĩnh viễn không thể nào trả hết!
Ở đây, đang nói về “đệ nhất thiện”. Nếu nói về “đệ nhất ác”, đó chính là ném bom nguyên tử hủy diệt nhân loại. Cho nên, đệ nhất đại thiện phải tu, đệ nhất đại ác tuyệt đối không làm. Đệ nhất đại thiện không gì qua niệm Phật. Vì sao vậy? – Vì niệm Phật chính là “thị tâm tác Phật”. Tâm vốn là Phật, bây giờ muốn làm Phật thì chắc chắn sẽ thành Phật, đó là lẽ đương nhiên.
“Thân tâm tịnh khiết, dữ thiện tương ưng” (Thân, tâm thanh sạch cùng thiện tương ưng) cũng có hai nghĩa sâu và cạn. Hiểu cạn là: Thân tâm ly cấu vô nhiễm, việc làm nơi thân, lời lẽ nơi miệng, suy nghĩ nơi ý đều thiện cả. Hiểu sâu hơn là: Thỉ Giác Trí khế hợp khéo léo với Bổn Giác Lý mới là “dữ thiện tương ưng”. Cảnh giới này cao, phàm phu không thể làm được. Tuy nhiên, phải biết, xét đến rốt ráo điều thiện bậc nhất chẳng ngoài “Không làm các điều ác, vâng làm các điều thiện”.
Trong Tịnh Tông, điều thiện bậc nhất chính là thực thi pháp môn niệm Phật của Đại Thế Chí Pháp Vương Tử: “Đô nhiếp lục căn, tịnh niệm tương kế” (Nhiếp trọn sáu căn, tịnh niệm tiếp nối). Một tiếng Phật hiệu nhiếp trọn sáu căn, nên sáu căn đều đoan chánh, như Linh Phong Đại Sư từng bảo: “Phật hiệu gieo vào tâm loạn, tâm loạn không thể không thành tâm Phật”. Tâm đã là Phật thì tự nhiên sáu căn đều là Phật, nên nói: “Nhĩ, mục, khẩu, tỵ giai đương tự đoan” (Tai, mắt, miệng, mũi thảy đều tự đoan chánh).
“Vật tùy thị dục, bất phạm chư ác” (Đừng theo thị dục, chớ phạm điều ác).Đến đây, một lần nữa, Phật lại khuyên răn chúng sinh nên bỏ tâm tham dục, dứt hẳn điều ác, phải an hòa, chuyên tinh, thành kính.
Sách Đại Thừa Nghĩa Chương, quyển bảy giảng chữ “dục” như sau: “Nhiễm ái trần cảnh thì gọi là Dục”. Chữ “trần” là chỉ cho năm trần: Sắc, Thinh, Hương, Vị, Xúc. Năm trần này có khả năng phát khởi tâm tham dục của con người nên gọi là “ngũ dục”.
Trí Độ Luận giảng: “Ngũ dục còn gọi là ngũ tiễn” (năm mũi tên) vì chúng phá hoại các thiện sự”. Cho nên, đức Thế Tôn khuyên răn chúng sinh “vật tùy thị dục, bất phạm chư ác” (Đừng theo thị dục, chớ phạm điều ác). Chữ “thị” trong “thị dục” là chỉ sở thích và tham cầu. Điều nầy, theo Hòa thượng Tịnh Không, trong đời sống hằng ngày nhất định phải học. Đối với việc ăn uống phải sống tùy duyên, không nên ở trong đó sinh tâm tham. Có cũng được, không có cũng được. Nếu nghĩ: Phải ăn những thứ này, phải mặc những thứ kia, đó chính là phan duyên. Phan duyên thì tâm không thanh tịnh, có khởi tâm động niệm. Vì vậy, tuyệt đối không được chạy theo những ham muốn phàm tục của thế nhân.
Nên nhớ, trong các món dục, dâm dục là độc hại nhất nên Phật buộc người xuất gia phải chú trọng đến đoạn dâm. Giới luật người tại gia, điều đầu tiên là không sát sinh. Nhưng, đối với người xuất gia, việc đầu tiên là phải đoạn dâm dục. Bởi mục đích của người xuất gia là “liễu sinh tử, xuất tam giới”, dâm dục là chướng ngại hàng đầu nên phải đoạn dứt. Nếu có thể ly dục thì mới “bất phạm chư ác” (Không phạm các điều ác).
“Ngôn sắc đương hòa, thân hạnh đương chuyên, động tác chiêm thị, an định từ vi” (Ngôn từ, sắc diện phải hòa nhã, hành vi cử chỉ, nhìn ngó trang nghiêm, thong thả). Chữ “ngôn sắc” chính là lời nói và sắc mặt. Chữ “hòa” là hòa nhã. Ngôn từ hòa nhã chính là “Ái ngữ” trong “Tứ Nhiếp Pháp”. Sắc mặt hòa nhã chính là dùng từ quang chiếu soi người khác.
“Thân hạnh” là hành vi của thân. Chữ “chuyên” là chuyên nhất, chuyên ròng, tinh tấn. “Đương chuyên” là nên chuyên ròng, tinh tấn hành đạo. Nếu nói theo kinh nầy thì “đương chuyên” chính là nhất hướng chuyên niệm. “Động tác” là cử chỉ, hành động; “chiêm thị” (瞻 視 zhān shì) là ngó nhìn. Chữ “từ” (徐 xú) là thong thả, hòa hoãn. Câu “động tác chiêm thị, an định từ vi” ý nói: Nhất cử nhất động đều phải vững vàng, an nhiên, điềm tĩnh, thung dung, không hấp tấp.
“Tác sự thương tốt, bại hối tại hậu. Vi chi bất đế, vong kỳ công phu” (Vội vàng hấp tấp, dễ bị thất bại,hối hận về sau. Không suy xét cẩn trọng sẽ uổng mất công phu). Chữ “thương tốt” (倉卒 cāng zú) là vội vàng, hấp tấp; chúng ta thường nói là nóng nảy, cạn cợt. Chữ “đế” (諦 dì) là suy xét, thận trọng. Làm việc bộp chộp ắt sẽ thất bại, hối hận về sau. Không thận trọng, dè dặt trong việc làm sẽ “vong kỳ công phu” (uổng mất công phu). Chữ “vong” (亡 wáng) là đánh mất. Chữ “công phu” là chỉ công lực tu trì.