PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 20: KHỨ LAI

Lúc đó Đức Thế Tôn liền nghĩ như vầy: “Nay ta nên vì chúng hội này mà tuyên nói chương cú đại thần chú bí mật, khiến cho chúng hội tương ưng với căn lành, pháp đại Bồ-đề được tồn tại mãi ở thế gian.” Nghĩ như vậy rồi, liền bảo Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Ta xưa từng ở trong cung của Long vương A-ba-la-la và lúc mới thành đạo ở Bồ-đề tràng, đem tâm lợi ích nhiếp thọ thế gian, lúc đó ta nói chương cú đại thần chú, nay ông còn nhớ chăng?

Bồ-tát Kim Cang Thủ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Con còn nhớ rõ.

Đức Phật bảo:

–Này Bí mật chủ! Vậy nay ông hãy nói chương cú đại thần chú đó đi.

Lúc đó Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ, từ chỗ ngồi đứng dậy đến trước Phật, quỳ gối chắp tay lễ sát chân Phật và nói chương cú đại thần chú:

Đát nãnh tha. Hạ hổ la. Hổ la phược đế. Hổ hạ la noa. Tát ngô noa. Tả tả tả tả tả. Nĩ bố noa. Sô đát sát đa. Sát dã sát dạ. Đa sát dã tát ma. Thiết mạt nỉ các la. Hạ lô. Hạ lô phược đế. Thi la phược đế. Khẩn a vĩ thiết dã đế. Nĩ tát la ni. Nhạ nhạ. Nhạ nhạ mạt đế. A phược sất. Nĩ phược tra. Phược lật đa nô sa rị ni. Bộ đa nô tắc mật rị đế. Hô nĩ phược đa nô tắc mật rị đế. Hô na nga nam. Dược xoa noản. Nghiễn đà rị phược noãn ma hô la nga noãn. Sa tất để rị bà phược đế tát rị phược tát đỏa nam vĩ kế lãm đô ma ha bát rị phược đa. Tam dương tha đán Đà-la-ni. Nga rị nhạ đô tam mẫu nại la vĩ nga nhất đế.

Lúc Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nói chương cú bí mật này, tất cả cung ma thảy đều chấn động, đại địa lung lay, đại hải vọt nước lên, tất cả chúng hội thảy đều kinh sợ, đồng đến trước Phật đảnh lễ cầu cứu.

Khi ấy Đức Thế Tôn lại dùng một chân ấn xuống đất, đại thiên thế giới thảy đều lay động. Đồng thời các chúng đều hướng đến chỗ Phật bạch như vầy:

–Cứu con, thưa Thế Tôn! Cứu con, bạch Thiện Thệ! Tất cả chúng con thảy đều kinh sợ hoảng hốt.

Đức Phật bảo:

–Chớ sợ, chớ sợ, đó là cảnh giới oai thần chương cú đại thần chú của chư Phật, nó có khả năng làm cho đại địa chấn động, đại hải phun nước, mặt trời trên hư không cũng phải lung lay.

Lúc đó Đức Thế Tôn liền vì Bồ-tát Kim Cang Thủ và các chúng hội lược nói pháp yếu theo như điều ứng trên.

Đồng thời trong hội có tám vạn người phát tâm đại Bồ-đề, có vô lượng người trụ vào hữu học địa.

Khi ấy trưởng tử của Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ là Kim Cang Quân đem lưới báu che trên Đức Phật, rồi đến trước bạch Phật rằng:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát làm thế nào để được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ cao tột.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Nếu Bồ-tát tu đầy đủ mười pháp, thì được không thoái chuyển nơi quả vị Giác ngộ.

  1. Thường hành đại Bi vô ngại.
  2. Thường khởi đại Bi không mệt mỏi.
  3. Tinh tấn thành tựu các sự nghiệp.
  4. Khéo tu Không tam-ma-địa.
  5. Hiện tiền thông đạt thắng tu.
  6. Thông đạt Nhất thiết xứ.
  7. Có khả năng dùng diệu trí thanh tịnh ba đời.
  8. Dùng phương tiện vô ngại, quán thật nghiệp báo.
  9. Tuy đã hiểu biết không, nhưng vẫn gieo các công đức căn bản.
  10. Như trên đã nói tự tánh thanh tịnh, khéo nhập Thánh đạo.

Bồ-tát nếu đầy đủ mười pháp như vậy, thì đối với quả vị Giác ngộ thì được không thoái chuyển.

Kim Cang Quân bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát nên tu pháp nào, để nghe pháp môn chẳng nghĩ bàn của Phật mà vẫn an nhiên không sợ hãi.

Đức Phật bảo:

–Này thiện nam! Bồ-tát nên tu tám pháp thì mới có thể nghe pháp môn chẳng nghĩ bàn của Phật rồi mà vẫn an nhiên, không sinh kinh sợ.

  1. Tăng trưởng thắng tuệ.
  2. Tăng trưởng diệu trí.
  3. Thường được Thiện tri thức nhiếp thọ.
  4. Đầy đủ đại tín giải.
  5. Khéo thông đạt pháp như huyễn vô sinh.
  6. Tin hiểu pháp vô thường.
  7. Tâm hành bình đẳng cũng như hư không.
  8. Đối với các pháp khéo biết tướng chướng ngại khởi lên.

Bồ-tát nếu đầy đủ tám pháp như vậy, mới có thể nghe pháp môn chẳng thể nghĩ bàn của Phật, mà vẫn an nhiên, không sinh kinh sợ.

Kim Cang Quân lại bạch Phật:

–Bồ-tát nên tu pháp nào mới được tự tại trong các việc làm?

Phật đáp:

–Này thiện nam! Bồ-tát nên tu bốn pháp mới có thể tự tại trong tất cả việc làm.

  1. Khéo tu pháp vô diệt hiện tiền, đầy đủ năm thần thông.
  2. Khéo quán giải thoát môn thù thắng, đầy đủ bốn thiền định.
  3. Siêu xuất hơn Phạm thế, đầy đủ bốn phạm hạnh.
  4. Dùng tuệ phương tiện khéo tu vô sinh dù bất cứ nơi nào.

Bồ-tát nếu đầy đủ bốn pháp như vậy, thì mới được tự tại trong tất cả việc làm.

Kim Cang Quân lại bạch Phật:

–Bồ-tát có bao nhiêu pháp môn?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Bồ-tát có bốn pháp môn.

  1. Trí môn, khéo nhập vào căn tánh của tất cả chúng sinh.
  2. Tuệ môn có khả năng phân biệt tuyên nói cú nghĩa.
  3. Đà-la-ni môn, khéo nhập vào tất cả ngôn âm Tổng trì.
  4. Vô ngại giải môn, khéo tuyên nói các pháp vô tận.

Đây là bốn pháp của Bồ-tát.

Kim Cang Quân lại bạch Phật:

–Bồ-tát có bao nhiêu lực?

Đức Phật dạy:

–Này thiện nam! Bồ-tát có chín lực. 1. Định lực, phát khởi đại Bi.

  1. Tinh tấn lực, không thoái chuyển.
  2. Đa văn lực, phát sinh thắng tuệ.
  3. Tín giải lực, giải thoát viên mãn.
  4. Tu tập lực, lìa tán loạn.
  5. Nhẫn lực, khéo hộ trì chúng sinh.
  6. Bồ-đề tâm lực, hàng phục các ma.
  7. Đại Bi lực, thành thục chúng sinh.
  8. Vô sinh nhẫn lực, viên mãn mười lực.

Đây là chín lực của Bồ-tát.

Khi Đức Phật Thế Tôn nói pháp này, trưởng tử Kim Cang Quân được Vô sinh pháp nhẫn, chứng pháp nhẫn rồi, lại bạch Phật:

–Cúi xin Thế Tôn kiến lập oai thần, khiến cho chánh pháp này được tồn tại lâu dài trong cung của Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ và làm cho Bồ-tát được đầy đủ pháp khí, chúng sinh được văn tuệ ánh sáng chiếu khắp. Cho đến sau khi Như Lai nhập Niết-bàn, chánh pháp được lưu truyền rộng rãi trong Diêm-phù-đề này không bị diệt mất.

Đức Thế Tôn liền nhận lời khuyến thỉnh của Kim Cang Quân rồi bảo Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Này Bí mật chủ! Nay ông nên tuyên nói, lúc ta mới thành đạo nơi đại Bồ-đề tràng, ủng hộ các Bồ-tát, hàng phục nhiếp thọ các quân ma, có chương cú đại thần chú kiến lập gia hộ, khiến cho Chánh pháp nhãn tạng tồn tại lâu dài ở thế gian, nhiếp phục các ma pháp tà dị ngoại đạo.

Lúc đó Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ vâng lời Phật dạy, từ chỗ ngồi đứng dậy, vén áo vai phải, gối phải quỳ sát đất chắp tay cung kính đảnh lễ Thế Tôn, nói đại chú rằng:

Đát nãnh đà. Hổ lô. Hổ la. Hổ lê. Đề rị. Ha rị để. A cô thiết la sát duệ. Tả lê. Tả la phược đế. Sa rị sô rị. Sạn đế mạt lợi. Sí di. Sạn đế cát rị. Sát di. Thiết di. Phiến đế cát rị. Hổ hô. A lê. Cật cật rị. Kha rị. A vĩ thiết nỉ. La sa. La sa nĩ. Nhạ duệ. Nhạ dã phược đế. Thể rị. A phược rị đế. Vĩ phược rị đế. A phược rị đa. Nĩ. Mai đế rị bộ đa nam tăng nga la hô. Nại di. Nại ma tam bát nĩ. Đế lan noa đa la duệ. Bộ sa diệm sa tất đế nĩ vĩ tỳ du. Na nghê du. Dược sí tỳ du. Nghiễn đà rị vĩ tỳ du. Dược xoa tây tỳ du. Ma nô sa ma nô thí tỳ dược. Sa tất để rị bà phược đo tát nại tô khiếm.

Lúc nói đại thần chú này, tất cả núi lớn thảy đều chấn động, đại địa rung chuyển, đại hải phun nước, tất cả tà pháp ngoại đạo đều được nhiếp phục quay về chánh pháp, khéo hộ tất cả chánh pháp bảo tạng. Tất cả Thiên chúng cùng nhau vui thích nói kệ rằng:

Đại chú bí mật tuyên nói rồi
Khiến cho chánh pháp mãi trường tồn
Ba ngàn thế giới đều lay động
Cầu Nhân Trung Tôn nguyện cứu hộ
Đại Sư khéo nói lời chân thật
Rộng vì chúng hội thí vô úy
Oai thần kiến lập pháp môn này
Khiến cho chánh pháp trường tồn mãi.

Đức Thế Tôn ở trong cung của Kim Cang Thủ đã trải qua bảy ngày, rộng làm lợi ích cho vô lượng chúng sinh, cho đến tất cả hữu tình trong thành lớn Khoáng dã, dù bất cứ nơi nào cũng đều được lợi ích. Qua bảy ngày, Đức Thế Tôn liền rời khỏi cung bay lên hư không, Bồ-tát, Thanh văn, trời, người, đại chúng cung kính vây quanh. Lại có vô số trăm ngàn Dạ-xoa, La-sát, A-tu-la, Ca-lầu-la… kẻ trước người sau tiễn đưa Phạm thiên, Đế Thích, trời Hộ thế… trải lưới phát sáng trổi nhạc vi diệu, mưa xuống hoa đẹp. Đồng thời các quốc độ đều chấn động. Các việc như vậy đều nhờ vào sức thần thông oai đức gia trì thần biến và các việc oai nghi của Phật. Thí như ngỗng chúa bay lượn tự tại, rồi Đức Phật và đại chúng lần lần trở về núi Thứu phong. Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nương oai thần của Phật theo sau.