PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 23: THIÊN TỬ HIỀN VƯƠNG

Khi ấy Đại Bồ-tát Tịch Tuệ đến trước Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ thưa:

–Những việc biến hóa của chư Phật Thế Tôn; Bí mật chủ! Ngài có thể biến hóa được những việc như vậy không?

Bồ-tát Kim Cang Thủ nói:

–Nay Đức Phật hiện làm chứng cho ta, hằng hà sa số chư Phật Như Lai có các việc biến hóa, ta đây cũng có thể theo Phật mà biến hóa như là các sắc tướng thần thông du hý, chỉ lấy thâm tâm thanh tịnh đời trước mà làm rốt ráo.

Bồ-tát Tịch Tuệ lại thưa:

–Nay tôi khuyến thỉnh Đại bí mật chủ, mong ngài dùng thần lực gia trì hộ niệm, khiến cho chánh pháp năm trăm năm về sau càng được lưu truyền rộng rãi, đem chánh pháp này nhiếp thọ và trao truyền cho các Bồ-tát.

Bồ-tát Kim Cang Thủ nói:

–Này thiện nam! Chư Phật Như Lai đã cùng gia trì chánh pháp này rồi. Vì sao? Vì nay chánh pháp này thành từ văn tự, nhưng văn tự đó không sinh khởi, không tận cùng cũng không diệt mất. Văn tự ấy và nghĩa cũng không thể ẩn tàng, pháp thậm thâm mà Như Lai đã nói đó cũng không mai một. Vì sao? Vì không có pháp có thể sinh. Nếu pháp đã không sinh, thì không diệt, nên biết như vậy. Như Phật đã nói, dù Phật có ra đời hay không ra đời, các pháp vẫn thường trụ. Pháp ấy là pháp tánh, pháp giới, pháp trụ, chân thật thanh tịnh vì là pháp Như thị.

Như trên đã nói, các pháp là từ duyên sinh cũng không trái nhau. Nếu pháp duyên sinh không trái nhau thì đó là chánh pháp, mà đã là chánh pháp thì không diệt mất. Nói như vậy mới là chánh pháp.

Bồ-tát Tịch Tuệ thưa:

–Thưa Bí mật chủ! Thế nào là mặc giáp tinh tấn nhiếp hộ chánh pháp?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Nếu đối với tất cả pháp mà không trái nhau, thì có thể mặc giáp tinh tấn nhiếp hộ chánh pháp. Vì sao? Vì chánh pháp này không trái nhau với tất cả pháp.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Vậy thì pháp nào trái nhau?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Văn tự trái nhau thì pháp trái nhau, nhưng không trái nhau với sinh pháp. Nếu nó không trái nhau thì là nhiếp hộ chánh pháp.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Nhiếp hộ chánh pháp ấy có trái nhau với tất cả thế gian không?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Có, này thiện nam! Vì sao? Vì chúng sinh thế gian chấp trước các kiến, chấp lời nói Không. Đó tức là trái với thế gian. Lại còn cho rằng thế gian là Thường, Lạc, Ngã, Tịnh. Nhưng thế gian là vô thường, là khổ, là vô ngã, là bất tịnh. Như vậy là trái với thế gian. Lại chúng sinh thế gian là thuận dòng sinh tử, nghịch dòng chánh pháp. Như vậy là trái với thế gian. Lại chúng sinh thế gian tôn trọng pháp đời này, người hộ chánh pháp tôn trọng pháp đời khác. Như vậy tức là trái với thế gian. Lại chúng sinh thế gian chấp uẩn, xứ, giới, người hộ chánh pháp nói tất cả pháp là không chấp trước. Như vậy là trái nhau với thế gian.

Tịch Tuệ nên biết! Vì lý do đó cho nên người hộ chánh pháp trái nhau với thế gian.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Thưa Đại bí mật chủ! Bồ-tát làm thế nào để nhiếp hộ chánh pháp?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Việc nhiếp hộ của ta là không ngã, không chúng sinh, không pháp. Đó mới là nhiếp hộ.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Việc ấy như thế nào?

Bồ-tát Kim Cang Thủ đáp:

–Là lìa ngã, lìa chúng sinh, lìa pháp, lìa ngã-chúng sinh-pháp; lìa quá khứ, lìa vị lai, lìa hiện tại; không lìa quá khứ-hiện tại-vị lai; lìa ba đời, không lìa ba đời; lìa chư Phật, không lìa chư Phật; lìa các cõi độ, không lìa các cõi, lìa pháp, không lìa pháp. Nếu thông đạt pháp như vậy tức có thể nhiếp hộ chánh pháp.

Lúc đó Đức Thế Tôn khen Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Hay thay, hay thay! Đại sĩ! Ông đã khéo nhiếp hộ chánh pháp. Nếu đối với tất cả pháp mà không chấp, không thủ, tức là nhiếp hộ chánh pháp. Nếu đối với tất cả pháp có tướng hý luận mà không chấp thủ, không tập, cho đến tất cả phân biệt biến kế đều không phân biệt. Như vậy mới là nhiếp hộ chánh pháp.

Khi ấy, trong hội có một vị Thiên tử tên là Hiền Vương ở trước Phật bạch:

–Bạch Thế Tôn! Cận chỉ, Cận tịch là điều mà Thế Tôn đã nói. Theo lời Thế Tôn đã dạy thì tất cả các đối tượng duyên đều tịch chỉ mà không có đối tượng để quán, vì Cận tịch ấy không hòa hợp phát sinh lại các pháp. Tuy pháp Cận tịch vắng lặng, hoàn toàn tịch tĩnh, nhưng lại nắm giữ chánh pháp của Như Lai và cũng không xả bỏ. Tuy nắm giữ, nhưng đối với tất cả pháp không nắm giữ cũng không xả bỏ pháp nào.

Khi vị Thiên tử nói pháp này, trong hội có một ngàn Tỳ-kheo được tâm giải thoát, một ngàn vị Thiên tử được Pháp nhãn tịnh.

Lúc đó, Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi Thiên tử Hiền Vương:

–Làm thế nào để được biện tài?

Thiên tử đáp:

–Đoạn trừ tất cả tập khí, lìa đường nói năng, không có ký thuyết. Trong Thắng nghĩa đế, không có một pháp nào có thể nắm bắt, cho nên được biện tài.

Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi:

–Này Thiên tử! Làm thế nào để phát sinh biện tài?

Thiên tử đáp:

–Không biện tài, lìa biện tài. Vì sao? Không biện tài ở đây nói là nghĩa không hòa hợp. Lìa biện tài ở đây nói là nghĩa lìa hý luận.

Lại nữa, này thiện nam! Như ông đã hỏi làm sao để được biện tài? Nếu vì người khác mà nêu rõ thức là không chuyển; nếu tự nêu rõ thức cũng không trụ, như vậy mới được biện tài. Nếu đối với các đối tượng duyên dùng ý để nêu rõ, thì lại không chướng ngại. Vì trong pháp tánh không có chỗ trụ, cho nên được biện tài. Lại trong tất cả pháp, trí không có chuyển, không có một pháp nhỏ nào trí có thể biết rõ, cho nên được biện tài. Lại trong pháp không trụ, không xuất, không nhập, siêu xuất các nhiễm pháp, cho nên được biện tài. Lại tất cả pháp không sinh mà sinh, không diệt mà diệt, cho nên được biện tài.

Khi ấy Bồ-tát Tịch Tuệ bạch Phật:

–Hy hữu thay! Thưa Thế Tôn! Thiên tử Hiền Vương này đầy đủ đại Biện tài.

Phật bảo Tịch Tuệ:

–Vị Thiên tử Hiền Vương này từ thế giới Cực lạc trong cõi Phật A-súc đến đây, để nghe chánh pháp Bí mật của Như Lai, do Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ nói. Vị Thiên tử này đã được tùy nhập vào tất cả pháp tướng Đà-la-ni, trong trăm kiếp không có cầu nguyện, mà tự nhiên được vô ngại biện tài, tùy nơi mà tuyên nói biện tài vô ngại.