PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 22: VUA A-XÀ-THẾ HỎI ĐÁP

Khi ấy, vua A-xà-thế khởi lên ý nghĩ như vầy: “Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ tay phải cầm chày Kim cang nặng nhẹ bao nhiêu mà sức đại oai lực của Bồ-tát có thể cầm nổi?”

Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ biết được ý nghĩ của vua, nên liền bảo vua A-xà-thế:

–Đại vương nên biết! Chày Kim cang này cũng nặng mà cũng nhẹ.

Vua hỏi:

–Vì lý do gì mà cũng nặng cũng nhẹ?

Kim Cang Thủ đáp:

–Vì muốn điều phục các chúng sinh ngã mạn cống cao, nên chày này nặng. Vì chỉ rõ chúng sinh không có ngã mạn, ngay thẳng nên chày này nhẹ.

Trả lời xong, Bồ-tát Kim Cang Thủ đem chày Kim cang đặt trên mặt đất. Lúc đặt trên đất Bồ-tát dùng thần lực, tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, rồi bảo vua A-xà-thế rằng:

–Này Đại vương! Đại vương hãy nhấc thử đại chày Kim cang này xem.

Vua A-xà-thế liền dùng dũng lực kiên cố để nhấc chày lên, tuy cố hết sức, nhưng vẫn không lay động bằng đầu sợi lông, liền sinh tâm hy hữu kính trọng đến trước chỗ Phật chắp tay thưa:

–Bạch Thế Tôn! Con xưa đã từng ở trong chiến trận, một tay cầm bị giáp đại tượng ném ra xa, nhưng nay cở chày Kim cang này rất nhỏ, con cố hết sức, vẫn không thể nhấc nổi, huống nữa là đưa lên. Vì sao như vậy?

Đức Phật bảo:

–Này Đại vương! Chớ có buồn, chày Kim cang này thật rất nặng.

Vua A-xà-thế liền thưa với chúa trời Đế Thích:

–Kiều-thi-ca! Hãy nhấc thử đại chày Kim cang này xem.

Vua A-xà-thế vừa dứt lời, chúa trời Đế Thích dùng thần lực dũng mãnh để nhấc chày lên, tuy cố hết sức, nhưng vẫn không lay động, liền sinh tâm hy hữu kính trọng, đến trước Phật thưa:

–Bạch Thế Tôn! Lúc con cùng A-tu-la đấu với nhau, sức lực của con mạnh mẽ vô địch, tay phải nắm xe lớn rộng bảy trăm dotuần của A-tu-la vương Tỳ-ma-chất-đa-la. Lúc con nắm kéo xe ấy như là trận cuồng phong, nhưng nay dốc hết sức lực vẫn không lay động nổi chày Kim cang này, chẳng lẽ Thế Tôn dùng đại oai thần đè lại ư?

Phật đáp:

–Này Kiều-thi-ca! Không phải do thần lực ta đè lại, mà là chày Kim cang kia quá nặng mà thôi. Này Kiều-thi-ca! Ý ông nghĩ sao? Núi chúa Tu-di có nặng lắm không?

Vua trời đáp:

–Núi chúa Tu-di rất nặng, nhưng đem ra để dụ cũng không bằng.

Đức Phật nói:

–Này Thiên chủ! Chày Kim cang này còn nặng hơn núi chúa Tu-di, nhưng Bồ-tát Kim Cang Thủ có thể dùng chày này đập nát các núi bao bọc xung quanh thành như trấu lép. Đó là đại thế lực của Kim cang.

Khi ấy vua trời Đế Thích thưa với Tôn giả Đại Mục-kiền-liên rằng:

–Đức Phật nói Tôn giả là bậc thần thông đệ nhất trong chúng Thanh văn, vậy nay xin Tôn giả hãy nhấc thử đại chày Kim cang này xem.

Tôn giả Đại Mục-kiền-liên liền suy nghĩ: “Ta nay ở trước trời, người, đại chúng mà không nhấc nổi chày Kim cang này, e chẳng phải ta sinh mạn tâm ư?” Nghĩ vậy rồi liền vận sức thần thông, lúc sắp nhấc chày Kim cang, tức thời tam thiên đại thiên thế giới chấn động sáu cách, nước trong đại hải vọt lên, khắp cả đại địa đều lo sợ chấn động, chỉ có chày Kim cang là không lay động. Khi ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên đến trước Phật đảnh lễ sát chân thưa:

–Đức Thế Tôn cho rằng con là thần thông đệ nhất trong hàng Thanh văn, đầy đủ oai thần danh tiếng thế lực, có thể đem cả nước trong bốn biển lớn để trong lòng bàn tay, cũng có thể chuyển lay cả tam thiên đại thiên thế giới này. Cũng như có người dùng đồng tiền quay tròn trên đầu ngón tay, con có thể chận đứng mặt trời, mặt trăng trên hư không, ngăn oai quang không cho chuyển động; lại có thể ném núi chúa Tu-di qua cõi Phạm thế; lại có thể điều phục Nanđà, Ô-ba-nan đà hai đại Long vương; lại có thể đi khất thực khắp thế giới Dương diễm. Nay chày Kim cang này lượng rất nhỏ, mà con cũng không nhấc nổi. Bạch Thế Tôn! Lẽ nào nay thần lực của con bị hao giảm ư?

Phật bảo:

–Này Đại Mục-kiền-liên! Chẳng phải thần lực của ông bị hao giảm, mà là oai lực của Bồ-tát gia trì, tất cả Thanh văn, Duyên giác không thể lay động nổi, huống là các chúng sinh khác.

Lại nữa, này Mục-kiền-liên! Giả sử như tất cả núi chúa Tu-di trong hằng hà sa số cõi Phật đều lay động, chỉ có chày Kim cang đặt nơi nào thì nơi ấy không bị lay động.

Mục-kiền-liên bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ đầy đủ thế lực lớn, có thể ném chày Kim cang này, thật là hy hữu!

Đức Phật nói với Đại Mục-kiền-liên:

–Giả sử các núi Tu-di trong tam thiên đại thiên thế giới hợp lại thành một núi cũng vẫn bị lay động, nhưng chày Kim cang này không thể lay động.

Khi ấy Tôn giả Đại Mục-kiền-liên sinh tâm hy hữu ở trước Phật thưa:

–Hy hữu thay, thưa Thế Tôn! Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ, đầy đủ thế lực lớn, có khả năng cầm chày Kim cang. Lực của Đại bí mật chủ là cha mẹ sinh ra ư? Là thần lực ư?

Đức Phật bảo:

–Này Đại Mục-kiền-liên! Lực mà cha mẹ sinh ra tùy chỗ, tùy nơi đều có hạn lượng, còn thần thông lực của các Bồ-tát thì vô tận vô hạn. Nếu ta nay đem chỉ bày thì sẽ khiến hàng trời, người thế gian đều sinh mê loạn.

Lúc đó Thế Tôn quán sát khắp chúng hội, rồi bảo Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ:

–Nay ông nên nhấc chày Kim cang lên.

Lúc bấy giờ thần lực của Đại bí mật chủ Bồ-tát Kim Cang Thủ chấn động tam thiên đại thiên thế giới, Ngài liền dùng tay trái nhấc chày ném lên hư không, quay quanh bảy vòng rồi rơi vào nằm trong tay phải của Bồ-tát. Tất cả chúng hội đều sinh tâm hy hữu, chắp tay đảnh lễ Đại bí mật chủ và đồng nói lên như vầy:

–Hy hữu thay, thưa Bí mật chủ! Bồ-tát có đầy đủ đại thế lực như thế, khéo nắm đại chày Kim cang tối thắng. Nguyện cho tất cả chúng sinh đều được lực thù thắng như vậy.

Vua A-xà-thế lại hỏi Phật:

–Bạch Thế Tôn! Bồ-tát phải tu đủ bao nhiêu pháp mới được lực thù thắng như vậy?

Đức Phật đáp:

–Này Đại vương! Bồ-tát nên tu mười pháp mới được lực thù thắng này:

  1. Bồ-tát thà bỏ thân mạng, chứ không bỏ chánh pháp vô thượng.
  2. Đối với tất cả chúng sinh khởi lên tâm khiêm hạ, tâm không tăng mạn.
  3. Đối với tất cả chúng sinh yếu kém, khởi tâm thương xót, không sinh tổn hại.
  4. Thấy chúng sinh đói khát, phải thí thức ăn ngon.
  5. Thấy chúng sinh sợ hãi, phải ban cho sự vô úy.
  6. Thấy chúng sinh tật bệnh, phải ban thuốc chữa trị.
  7. Thấy chúng sinh nghèo cùng, phải ban cho chúng được đầy đủ.
  8. Thấy tháp, miếu, hình, tượng Phật phải sửa sang trang nghiêm thanh tịnh.
  9. Nói lời hoan hỷ an ủi chúng sinh.
  10. Thấy chúng sinh mang vác nặng nhọc khốn khổ, thì nên vì họ mà trừ bỏ gánh nặng đó đi.

Bồ-tát nếu đầy đủ mười pháp như vậy, thì mới được lực thù thắng như thế.

Vua A-xà-thế lại hỏi Đức Phật:

–Bồ-tát nên tu bao nhiêu pháp mới được tự tại, để hướng đến tự tại?

Đức Phật đáp:

–Này Đại vương! Bồ-tát nên tu tám pháp mới được pháp tự tại, để hướng đến tự tại.

  1. Lời nói tốt đẹp tâm ý ngay thẳng.
  2. Tâm luôn nhu nhuyến.
  3. Tâm khéo yêu mến.
  4. Tâm thường thẳng thắn bình đẳng.
  5. Không quanh co.
  6. Không dối gạt.
  7. Không ganh ghét.
  8. Tâm điều hòa thông suốt. Bồ-tát nếu đầy đủ tám pháp như vậy, mới được pháp tự tại, để hướng đến tự tại.

Vua A-xà-thế lại hỏi Phật:

–Bồ-tát nên tu bao nhiêu pháp mới trụ trong tự tại?

Đức Phật đáp:

–Này Đại vương! Bồ-tát phải tu bốn pháp mới có thể trụ trong tự tại.

  1. Nếu sinh trong nhân gian, nguyện làm Chuyển luân thánh vương, gặp Phật ra đời.
  2. Nguyện làm Đế Thích gặp Phật ra đời.
  3. Nguyện làm Đại phạm Thiên vương, chủ cõi Ta-bà, gặp Phật ra đời.
  4. Nguyện làm trưởng giả giàu có thù thắng, gặp Phật ra đời. Bồ-tát nếu đầy đủ bốn pháp như vậy, mới có thể trụ trong tự tại.

Vua A-xà-thế hỏi Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tịnh tín lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Này Đại vương! Lấy Thiện tri thức làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Đa văn lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Đa văn lấy tuệ làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Bố thí lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Bố thí lấy sự giàu có tột cùng làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Trì giới lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Trì giới lấy việc sinh đường thiện làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Nhẫn nhục lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Nhẫn nhục lấy tùy hộ chúng sinh làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Tinh tấn lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Tinh tấn lấy sự khéo léo viên mãn tất cả pháp Phật làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Thiền định lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Thiền định lấy Cận tịch làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Thắng tuệ lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Thắng tuệ lấy sự dứt trừ các phiền não làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Lắng nghe pháp lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Lắng nghe pháp lấy đoạn trừ mọi nghi hoặc làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Hỏi pháp lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Hỏi pháp lấy lìa các tạp thuyết làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Ở chỗ vắng lặng lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Ở chỗ vắng lặng lấy sự chứng đắc thiền định thần thông làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Quán tưởng lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Quán tưởng lấy sự lìa niệm làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Thanh vô thường lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Vô thường lấy thanh lìa các chấp trước làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Khổ thanh lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Khổ thanh lấy việc không chấp giữ làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Vô ngã thanh lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Vô ngã thanh lấy sự diệt ngã, ngã sở làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Thanh tịch tĩnh lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Thanh tịch tĩnh lấy Tùy chỉ làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Tác ý sâu xa, chắc thật lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Tác ý sâu xa, chắc thật lấy phát khởi chánh kiến làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Nếu lìa thân tâm lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Lìa thân tâm lấy phát khởi thiền định thần thông làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Thánh đạo lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Thánh đạo lấy quả Tam-muội hiện tiền làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Tín giải lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Tín giải lấy giải thoát viên mãn làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Chư Phật ra đời lấy gì làm rốt ráo?

Đức Phật đáp:

–Chư Phật ra đời lấy sự thành tựu tất cả pháp Bồ-đề phần làm rốt ráo.

Vua hỏi:

–Như thế nào mới gọi là Phật ra đời?

Đức Phật đáp:

–Này Đại vương, tùy sự phát tâm Bồ-đề tức là Phật ra đời.

Vua hỏi:

–Thế nào là phát tâm Bồ-đề?

Đức Phật đáp:

–Là phát sinh đại Bi.

Vua hỏi:

–Thế nào là phát sinh đại Bi?

Đức Phật đáp:

–Là phát khởi lòng tin thanh tịnh.

Vua hỏi:

–Thế nào là phát khởi lòng tin thanh tịnh?

Đức Phật đáp:

–Nếu phát tâm Bồ-đề tức là phát lòng tin thanh tịnh.

Vua hỏi:

–Làm thế nào để phát tâm Bồ-đề?

Đức Phật đáp:

–Thâm tâm không thoái chuyển là phát tâm Bồ-đề.

Vua hỏi:

–Thế nào là thâm tâm không thoái chuyển?

Đức Phật đáp:

–Là phát khởi đại Bi.

Vua hỏi:

–Làm sao có thể phát khởi đại Bi?

Đức Phật đáp:

–Đối với tất cả chúng sinh, không sinh tâm nhàm chán, buông bỏ tức là đại Bi.

Vua hỏi:

–Làm thế nào để không nhàm chán, buông bỏ chúng sinh?

Đức Phật đáp:

–Là không vướng mắc vào cái vui của chính mình.

Vua hỏi:

–Thế nào là không vướng mắc vào cái vui của chính mình?

Đức Phật đáp:

–Là không bao giờ xa lìa Tam bảo.

Vua hỏi:

–Làm thế nào để không xa lìa Tam bảo?

Đức Phật đáp:

–Nếu luôn trừ khử tất cả phiền não, là không xa lìa Tam bảo.

Bấy giờ vua A-xà-thế một lần nữa, ở trước Đức Phật cung kính bạch:

–Hy hữu thay, thưa Thế Tôn! Hy hữu thay, bạch Thiện Thệ! Như Lai đã khéo nói pháp luật thanh tịnh, Như Lai đã khéo trình bày rõ ràng các học xứ, lại hay tùy thuận với chánh pháp mà chư Phật Thế Tôn đã nói, không hoại nhân quả, lìa xa chấp đoạn, thường, tùy theo những gì đã nói mà thành tựu sự nghiệp, quả báo thiện ác đều không hoại mất. Những lời Đức Phật đã dạy lìa mọi dối gạt. Giáo pháp thanh tịnh rộng lớn tối thượng như vậy, ai là người dám phá? Ai là người vấn nạn? Và ai sinh tâm hủy báng? Chỉ trừ những người không trồng căn lành, chịu nhiều tội nghiệp.

Bạch Thế Tôn! Con xưa chưa từng trồng căn lành đối với Đức Phật, không thể tự cắt máu thịt để báo thâm ân Phật. Nay nguyện cầu oai lực của Phật gia hộ, tất cả phiền não, tất cả tội nghiệp của con thảy đều tiêu diệt.

Bạch Thế Tôn! Đồng chân Bồ-tát Diệu Cát Tường là Thiện tri thức lợi lạc trong nhiều kiếp, đã dứt trừ các ác tác cho con, phóng ánh sáng pháp soi chiếu cho con, con cũng không thể báo được thâm ân ấy. Thế Tôn, Đấng Đại Từ Đại Thiện Tri Thức đã vì con mà nói về Chánh pháp truyền bá cùng khắp và phạm hạnh tối thượng.