PHẬT NÓI KINH ĐẠI THỪA BÍ MẬT CHẲNG NGHĨ BÀN CỦA NHƯ LAI
Hán dịch: Đời Tống, Tam tạng Pháp sư Pháp Hộ
Việt dịch: Linh Sơn Pháp Bảo Đại Tạng Kinh

 

Phẩm 24: NÓI THÍ DỤ KHEN NGỢI CÔNG ĐỨC TỔNG TRÌ VÔ TẬN

Bấy giờ Bồ-tát Tịch Tuệ bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Thế nào là tùy nhập tất cả pháp tướng Đà-lani?

Đức Phật đáp:

–Này Tịch Tuệ! Tùy nhập pháp tướng nghĩa là trí tùy nhập văn tự vô tận. Như chữ A là tùy nhập tất cả pháp. Lại chữ A là phát sinh ra các pháp. Lại chữ A là các pháp đầu tiên sinh ra hậu tế. Lại chữ A đối với tất cả chỗ thành tựu sự nghiệp, tùy khởi ngữ nghiệp, không hiểu biết, không phải là không hiểu biết. Vì chữ A tùy nhập tất cả pháp. Đó gọi là tùy nhập pháp tướng Đà-la-ni-môn.

Lại nữa, này Tịch Tuệ! Nói tùy nhập nghĩa là đối với tất cả xứ không có một pháp nhỏ như vi trần nào mà có thể xuất, có thể nhập. Do không có văn tự nên từ đâu mà đến, lại nhập vào đâu và trụ vào chỗ nào. Vì trong văn tự không có trụ, nên nó cũng không đi đến đâu cả. Vì văn tự không hòa hợp, tức là không có văn tự mà có thể ký thuyết, cũng không phải là không thuyết, không tăng, không giảm. Vì không có văn tự, cho nên không có pháp này, cũng không có phi pháp mà có thể phân biệt. Vì không có văn tự cho nên không có pháp có thể sinh, không có pháp có thể diệt, không có pháp có thể thành, không có pháp có thể hoại.

Tịch Tuệ nên biết! Tính đếm văn tự như vậy tức là tâm tính đếm; nếu tâm tính đếm tức là tất cả pháp tính đếm; nếu tất cả pháp tính đếm tức là không phải tính đếm. Vì sao? Vì pháp không thể tính đếm mà được. Vì pháp không tính đếm mà có thể tính đếm, cho nên tất cả pháp không thể tính đếm được. Như thế, tức là tùy nhập pháp tướng, tùy nhập vô sinh xưa nay như vậy. Nếu nhập vô sinh cũng lại không khởi, đây không có một pháp nhỏ nào mà có thể nhập. Thế nên, các pháp không nhập mà nhập.

Này Tịch Tuệ! Nếu có thể nhập vào các tính đếm như vậy, thì đối với biện tài không thể đoạn. Vì sao? Vì pháp tánh không đoạn. Nếu thông đạt như vậy tức là tùy theo sự thích ứng mà vì người khác nói pháp, tùy theo những gì đã được nói ra đó hiện tiền tác chứng. Do tùy nhập vào các pháp tướng như vậy nên tùy nhập vào tướng chúng sinh. Vì tùy nhập vào tướng của chúng sinh nên tùy theo sự tín giải mà khéo nói các pháp.

Này Tịch Tuệ! Bồ-tát được Đà-la-ni này rồi tâm ấy lìa cấu bẩn, ý vui thanh tịnh, chánh hạnh thanh khiết. Tâm ấy tối thắng, sự tu hành khéo trụ vào diệu tuệ tối thượng, chứng được thần thông kiên cố viên mãn, không bị quân ma phá hoại, hàng phục ngoại đạo, ngăn chặn phiền não, giải trừ oán kết, thân có sức lực, tâm không mệt mỏi, biện tài vô tận, diễn pháp vô biên, khéo nói vô cùng; thắng trí vô ngại, đầy đủ trí tuệ thậm thâm vi diệu, khéo nói pháp sâu xa, đa văn như biển; trụ Tam-ma-địa như núi Tu-di; tất cả chúng hội như vua sư tử; thế pháp thanh tịnh như hoa sen, trưởng dưỡng chúng sinh như là đại địa; cắt đứt ái phiền não cũng như nước lớn; thành thục chúng sinh như lửa dữ, khởi tâm bình đẳng đối với tất cả chúng sinh cũng như trăng sáng; phá phiền não si ám cũng như mặt trời chiếu; trừ oán phiền não cũng như người có sức mạnh mẽ; khéo điều phục tâm cũng như rồng mạnh; tuyên thuyết pháp âm như sấm sét lớn; rộng thí pháp vũ như trận mưa lớn; trị liệu các bệnh phiền não của chúng sinh như đại y vương; làm đại Pháp vương như vua tự tại; khéo hộ thế pháp như trời Hộ thế; khéo quán trời, người như chúa trời Đế Thích; tâm được tự tại, đầy đủ lực tăng thượng cũng như Phạm vương; không bị trói buộc cũng như chim bay; sợ những nơi ồn ào cũng như nai, khỉ; đối với tất cả chúng sinh nhẫn nhục các ác cũng như mẹ hiền; dạy dỗ trao truyền tài nghệ đa năng, mở các trường học cũng như cha hiền; thí các pháp bảo chảy hoài vô tận như Tỳ-sa-môn Thiên vương; được phước trang nghiêm, đầy đủ các tướng hảo mọi người thích ngắm nhìn sinh tâm hoan hỷ; đầy đủ bảy báu không bị nghèo cùng khốn khổ, nhiếp hóa người vô trí, khen ngợi người trí. Nhờ đầy đủ trí tuệ cho nên lìa các lỗi lầm; khéo hộ chư Thiên, khéo hộ loài Rồng và chúng Dạ-xoa…; nói pháp tự tại thần thông vô ngại, biết rõ được ý vui của tất cả chúng sinh, tùy nhập vào tất cả căn tánh của chúng sinh, nghe pháp không nhàm chán, không mong cầu tất cả danh tiếng, lợi dưỡng, thuyết pháp không keo kiệt. Do không nhiễm trước nên đầy đủ giới thanh tịnh. Do không oán hại nên nhẫn lực thanh tịnh. Khéo hay thành tựu các sự nghiệp, cho nên tinh tấn thanh tịnh. Do được tự tại nên thiền định thanh tịnh. Do trí trong sáng nên thắng tuệ thanh tịnh. Phạm hạnh tối thượng nên đầy đủ bốn vô lượng, khéo tu xuất thế tĩnh lự đẳng trì, thành tựu Bồ-đề Thánh đạo vô thượng. Do đầy đủ các tướng công đức như vậy, cho nên được quán đảnh Pháp vương vô thượng.

Tịch Tuệ nên biết! Bồ-tát được Đà-la-ni, lại còn được vô lượng công đức như vậy. Nếu lại được thần lực gia trì của Như Lai, thì mọi sự nghiệp đều được công đức Đà-la-ni của Bồ-tát, dù có trải qua trăm ngàn năm xưng tán thí dụ cũng không thể hết được.

Khi ấy Bồ-tát Tịch Tuệ hỏi Thiên tử Hiền Vương:

–Nhân giả! Nay nhân giả chắc chắn được thiện lợi vì đã có thể khen ngợi công đức vô lượng, vô biên của Như Lai.

Thiên tử Hiền Vương thưa với Bồ-tát Tịch Tuệ:

–Thiện nam! Trong thắng nghĩa đế, không có một pháp nhỏ nào được khen ngợi. Vì sao? Vì pháp không có tướng, không phải hình hiển sắc, cho nên không thể khen ngợi hết công đức vô biên ấy. Nếu trong hình hiển sắc ấy quyết định có tướng, thì mới có thể dùng ngôn từ tuyên nói khen ngợi.

Khi ấy Thiên tử Hiền Vương bạch Phật:

–Bạch Thế Tôn! Tất cả pháp không nhiếp thọ, không ngã, không thủ, không liên tục, không gián đoạn, nhưng lại dùng phương tiện tùy nghi thực hiện. Những người siêng năng tu hành, thì dùng chánh phương tiện hiện tiền được đắc pháp.

Bạch Thế Tôn! Ví như dòng nước ngầm dưới mặt đất, con người phải nhờ đến sức lực, ra công đào hầm, hoặc đào giếng, nhờ nỗ lực cho nên lấy được nước. Nếu không đào hầm, đào giếng thì làm sao mà được nước. Người siêng năng dùng phương tiện cũng như vậy, do nỗ lực cho nên bất cứ ở đâu cũng thông đạt thắng trí. Nếu không siêng năng nỗ lực thì trí từ đâu mà có. Thế nên người cầu Bồ-đề phải luôn siêng năng dùng phương tiện phát khởi tinh tấn, thì mới được Thánh pháp ngay trong hiện tiền. Cũng như người mù ở thế gian, không thể thấy được những hình bóng sắc tướng. Chúng sinh bị phiền não che lấp cũng như thế, đối với pháp được sinh ra mà không thể thấy. Ví như người có mắt tại thế gian, ở trong chỗ tối tăm, nếu không có đèn sáng thì không thể thấy bất cứ hình bóng sắc tướng nào. Người tu Thiên nhãn cũng lại như vậy, nếu không có Thiện tri thức thuyết pháp hướng dẫn thì không thể tin hiểu pháp được. Lại như người đầy đủ Thiên nhãn thanh tịnh, không cần phải nhờ đến ánh sáng thế gian soi rọi. Bồ-tát cũng như vậy, việc làm đã xong không cần phải nhờ đến sự hướng dẫn dạy dỗ của người khác. Lại như người thế gian ở trong thai tạng, không thấy được gì cũng không thấy có sự tăng trưởng. Bồ-tát phát khởi tinh tấn cũng lại như vậy, tuy tu pháp Phật, nhưng không thấy Bồđề có tăng trưởng. Lại như đại Tuyết sơn vương, có các loại cây sinh sống nơi ấy, các cây ấy không bị phá hoại hay chết khô. Bồtát cũng như thế, siêng hành phương tiện, tu các chánh pháp, nương vào trí mà phát sinh, trong đó không bị phá hoại hay giảm mất. Lại như Chuyển luân thánh vương xuất hiện nơi thế gian, bảy báu cũng xuất hiện theo, nào là xe báu, voi báu, ngựa báu, châu báu, nữ báu, chúa tạng thần báu, binh thần báu. Bồ-tát cũng như vậy, nếu phát tâm Bồ-đề thì bảy báu cũng đi theo, nào là Bố thí, Trì giới, Nhẫn nhục, Tinh tấn, Thiền định, Thắng tuệ, phương tiện. Lại như Chuyển luân thánh vương thống lãnh bốn đại châu giới, đối với chúng sinh, thương nhớ bình đẳng, không có ý tưởng gì khác. Bồ-tát cũng như vậy, dùng bốn Nhiếp pháp rộng nhiếp chúng sinh không có ý tưởng nào khác. Bốn Nhiếp pháp là Bố thí, Ái ngữ, Lợi hành và Đồng sự. Lại như Chuyển luân thánh vương đem vương pháp giáo hóa, tất cả đều không chiến đấu tranh tụng. Bồ-tát cũng như vậy, an cư nói pháp không có tất cả việc tà ngoại tranh tụng. Lại như tam thiên đại thiên thế giới trước nhất là thành lập núi đại Tudi và biển cả. Bồ-tát cũng như thế, mới phát tâm Bồ-đề, trước phải kiến lập đại Bi kiên cố. Lại như mặt trời mới mọc, trước hết là chiếu núi cao. Bồ-tát cũng vậy, trước phát ánh sáng đại trí, khiến các chúng sinh phát khởi căn lành, được ánh sáng trí chiếu soi. Lại như đại địa nhận các hạt giống, tất cả cây cỏ rừng rú, đều nương đất mà sống tươi tốt bình đẳng. Bồ-tát được Đà-la-ni cũng lại như vậy, dùng pháp bình đẳng và tâm không đắm trước đối với tất cả chúng sinh, không có xả bỏ.

Lúc đó Đức Thế Tôn khen Thiên tử Hiền Vương:

–Hay thay, hay thay! Này Thiên tử! Ông đã khéo thí dụ tuyên nói về các pháp của Bồ-tát. Thiên tử nên biết! Giả sử như tất cả cỏ cây rừng rú, danh tướng đẳng tụ, pháp tụ, thanh tụ và hình sắc tụ, nhập vào khắp tất cả tâm hạnh của chúng sinh, dùng mọi danh tướng phân biệt, để tìm xét khắp tất cả chúng sinh, cho đến sự ăn uống thọ dụng của chúng sinh, đều làm thí dụ xưng dương tán thán. Bồ-tát được Đà-la-ni công đức có được không thể cùng tận.

Này Thiên tử! Bồ-tát được Đà-la-ni, dù nói ra một pháp nhỏ nào đi nữa, cũng đều là lời Phật nói.

Lại nữa, tất cả ánh quang minh của Sắc tướng, ánh quang minh của thanh, hương, vị, xúc, pháp thảy đều hiện tiền, có đủ biện tài mà không phải nghe và lệ thuộc vào người khác, không quán tướng khác mà nói. Đối với tất cả nơi chốn, nếu vị ấy hướng đến nơi nào thì đều thông đạt vô tận, vô biên, không dùng oai lực đó biến nhập tất cả, thân không thô lỗ, tâm không duyên theo đối tượng, đối với trăm ngàn chư Phật hiện tiền nói pháp vẫn không nhiễm trước. Bồ-tát nhờ oai thần của chư Phật kiến lập được Đà-la-ni, trí tuệ biện tài, nếu như nói pháp thì không có nhiễm trước, cũng không còn thoái chuyển.

Này Thiên tử! Bồ-tát có ba pháp không bị đắm trước.

  1. Không chấp ngã.
  2. Không chấp trước chúng sinh.
  3. Không chấp trước pháp.

Lại có ba loại thông đạt thanh tịnh. Ba loại ấy là gì?

  1. Pháp giới thanh tịnh.
  2. Chân như thanh tịnh.
  3. Thật tế thanh tịnh.

Lại có ba thứ thông đạt vô tận. Ba thứ ấy là gì?

  1. Pháp vô tận.
  2. Văn tự vô tận.
  3. Diễn nói vô tận.

Lại có ba thứ được thông đạt lực gia trì. Đó là những gì?

  1. Biện tài gia trì.
  2. Pháp nghĩa gia trì.
  3. Nhập pháp gia trì.

Lại có ba thứ thành tựu hoan hỷ. Thế nào là ba?

  1. Tuệ hoan hỷ.
  2. Trí hoan hỷ.
  3. Đoạn nghi hoan hỷ.

Lại có ba pháp mau chóng. Ba pháp đó là gì?

  1. Niệm mau chóng.
  2. Tuệ mau chóng.
  3. Hành mau chóng.

Khi Phật nói pháp công đức tổng trì tán thuyết thí dụ vô tận này, trong hội có tám trăm Bồ-tát được thể nhập Đà-la-ni môn.