SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

18. Động tĩnh không hai đều là thiền

Nếu như chỉ đóng cửa ngồi ở đó, động cũng không động thì gọi là tu hành. Như thế thì tảng đá, khúc gỗ cũng xem là tu hành; cho nên, tĩnh chưa chắc là thiền, động cũng chưa chắc là không thể học thiền.

Xã hội ngày nay, mọi người chạy theo năng suất, tạo thành mỗi người ngày càng sống vội, cạnh tranh ngày càng lợi hại. Do đó, có người hi vọng tu thiền để trợ giúp họ, để tìm an lạc trong tâm. Nhưng về phương diện khác thì họ cho rằng tu thiền chỉ là tạm thời trong hoàn cảnh giúp họ được an ổn, là lúc ngồi xếp bằng, một niệm không sinh; nhưng khi ra khỏi thiền đường thì đối diện với thế giới hiện thực biến đổi vô thường. Dường như họ cảm thấy phương pháp tu thiền không đủ lực chống đỡ. Tôi tin có rất nhiều người muốn vào cửa chùa tu thiền đều có nghi ngờ như thế.

Trên sự thật động, tĩnh không hai. Theo phương pháp thiền, nếu chỉ ứng dụng trong tĩnh, mà không có ứng dụng trong động thì công phu này không cho là rốt ráo. Hoặc chỉ ứng dụng ở trong động mà trong tâm mình hoàn toàn không được yên tĩnh; như thế cũng không gọi là thiền.

Tổ sư của Thiền tông ở thời kì đầu không có chủ trương ngồi thiền mãi, thậm chí các ngài còn nói: “Ngồi thiền không thể thành Phật.” hay: “Khai ngộ không do ngồi thiền.” Nếu như chỉ đóng cửa ngồi ở đó động cũng không động thì gọi là tu hành. Như thế thì tảng đá, khúc gỗ cũng xem là tu hành; cho nên, tĩnh chưa chắc là thiền, động cũng chưa chắc là không thể học thiền.

Nhưng người tu thiền trước phải có nền tảng tĩnh, bằng không muốn tâm bất cứ lúc nào cũng yên tĩnh thì không thể được. Cho nên, người mới tu, trước phải luyện tập ngồi trong yên tĩnh. Dần dần mới có thể ứng dụng phương pháp thiền trong cuộc sống hàng ngày bất cứ lúc nào, nơi nào. Cuối cùng làm được bất kì tình huống nào cũng thể làm cho tâm mình an ổn. Đây là tu hành thật sự.

Người bình thường chúng ta không có thời gian luyện tập hàng ngày; cho nên ở tự viện có sinh hoạt cộng tu thiền thất, thiền tam. Nhưng chúng ta muốn tin cậy tu thiền bảy ngày, hoặc tu ba ngày thì tâm phải yên tĩnh, nhưng tính khả năng cũng không mạnh. Trong bảy ngày chỉ dạy bạn biết tâm của bạn đang động, hiểu rõ vì sao tâm không an. Chính vì biết tâm mình không an, biết tâm không an đến mức độ nào thì lúc ấy lại được an. Nếu chúng ta đạt được cảnh giới như thế thì được coi là rất tốt.

Đây là việc rất có ý nghĩa, khi chúng ta không biết tâm mình không an thì tâm bạn thật sự không an. Khi biết tâm mình không an, cũng hi vọng nó có thể an thì bắt đầu dùng phương pháp điều chỉnh tâm không an. Phương pháp rất nhiều, có thể niệm danh hiệu Đức Phật A-di-đà, Bồ-tát Quán Thế Âm, cũng có thể theo dõi hơi thở của mình, theo dõi cảm thấy hơi thở ra vào; hoặc nghĩ đi nghĩ lại một câu nói, xét lại ý nghĩ của mình vì sao bị ảnh hưởng? Vì sao đang động? Động như thế nào?

Có người đến học ngồi thiền với tôi. Nếu như từ đầu đến cuối tâm họ không an, có lúc tôi dạy họ sắp xếp vọng niệm theo thứ tự thì vọng niệm sẽ từ từ tiêu mất, tâm lăng xăng cũng sẽ an ổn. Đây cũng là một phương pháp.

Trên đây, tôi nói phương pháp trong tĩnh, còn về phương pháp trong động, là ở trong hoàn cảnh đối diện tất cả việc, biết rõ nó là gì. Khi người khác ca ngợi ta không cần phải mừng; khi họ mắng ta cũng không cần phải buồn. Bởi vì, đây là lập trường của họ, chẳng có liên quan đến ta. Chỉ cần ta biết việc này là tốt rồi. Còn về người bị họ mắng có phải là ta không? Đây là vấn đề khác. Nếu như họ mắng đúng thì ta phải hoan hỉ chấp nhận; còn nếu họ mắng sai thì người họ mắng hoàn toàn không phải ta; cho nên không cần phải bị ảnh hưởng do họ.

Cũng chính là nói, khi hoàn cảnh khiến cho chúng ta sinh ra hoang mang, bất an thì phải đối diện nó, nhưng không nên cho nó có liên quan đến mình; như thế, dù ở trong động mà vẫn an ổn.