SỐNG ĐẠO GIỮA ĐỜI THƯỜNG
Hòa thượng Thích Thánh Nghiêm
Việt dịch: Thích Nữ Viên Thắng

8. Đem tâm từ bi vào trong cuộc sống

Tâm từ bi của phàm phu dễ bị cái tôi che lấp, một khi không cẩn thận thì rơi vào trong bẫy tự tư, tự lợi. Thế nên, chúng ta thường kiểm điểm hành vi của mình từ khi vừa khởi tâm động niệm.

Quyển 27, Luận Đại trí độ có nói: “Đại từ là ban vui cho tất cả chúng sinh, Đại bi là cứu khổ tất cả chúng sinh.” Nói đơn giản, đó là tâm đại từ bi, là phải làm cho chúng sinh thoát khổ được vui. Tâm đại từ bi không phải Đức Phật và các vị Bồ-tát mới có, mà hàng phàm phu tục tử chúng ta, ai cũng vốn có tâm đại từ bi này.

Điều này giống như Mạnh Tử nói với Lương Huệ Vương: “Không nỡ thấy người run rẩy.” Người bình thường ‘thấy đứa bé sắp té xuống giếng, đều có tâm hoảng sợ, thương xót.’ Đây là giải thích mầm mống ‘lòng nhân từ’ trong tâm người, ai cũng có, cách nghĩ là giống nhau. Chẳng qua vì tâm từ bi của phàm phu dễ bị cái tôi che lấp, một khi không cẩn thận thì rơi vào trong bẫy tự tư, tự lợi. Thế nên, chúng ta thường kiểm điểm hành vi của mình từ khi vừa khởi tâm động niệm.

Ví như nói, chúng ta thấy dưới đất có một cây kim thì liền nghĩ: “A! May quá! Ta thấy nó rồi.” Vì sao may quá, được bạn nhìn thấy? Là bạn lo lắng mình đạp cây kim? Hay là lo cho người khác đạp phải? Lo cho mình là tâm tự tư; lo cho người khác là tâm từ bi lợi tha. Cho nên, động tác nhặt cây kim lên giống nhau, nhưng ý nghĩ khác nhau, từ bi và không phải từ bi rõ ràng ngay lập tức.

Tâm từ bi có thể xuất hiện bất cứ lúc nào ngay trong cuộc sống hàng ngày. Chúng ta thấy một trái cây, nghĩ đến trong đó có biết bao mồ hôi và nước mắt của người trồng trọt; do đó mà sinh tâm biết ơn thương yêu loài vật, quí trọng phước. Đây là từ bi.

Khi chúng ta thấy người khác gặp nỗi bất hạnh, liền cảm thông; tất nhiên là từ bi; thấy người khác được thăng quan tiến chức thì thầm cầu nguyện, nhưng mong họ biết sống tốt và đối xử với mọi người, đừng có đắc ý vênh váo, để tránh được cảnh vui quá hóa buồn. Đây cũng là từ bi.

Cũng có người hỏi: “Nếu ở nơi hoang vắng thấy con ong bắp cày, nếu không giết nó thì bị nó sẽ cắn chết người. Vậy phải làm thế nào mới cho là từ bi?” Cách làm trọn vẹn nhất, tất nhiên là nhắc nhở với mọi người đừng đến gần nó, một mặt bảo vệ an toàn cho mọi người; đồng thời, cũng bảo toàn quyền sinh tồn cho bầy ong. Nhưng nếu có người nào bị ong bắp cày tấn công, đang gặp nguy hiểm trước mắt; đương nhiên là bảo vệ an toàn thân người là trước tiên.

Cổ nhân dạy: “Một con ngựa đau cả tàu bỏ cỏ.” Đứng trên nền tảng của tâm từ bi, vẫn là bắt đầu theo mọi người. Thế nhưng, khi chúng ta thấy con sâu ăn hoa hồng mà bạn đã vất vả trồng trọt chăm sóc. Vậy bạn có nên giết con sâu để bảo vệ hoa hồng không? Tôi nghĩ, biện pháp căn bản nhất, là ngăn chặn cơ hội loài sâu sinh sôi nảy nở; bởi vì, hành động ngăn chặn nguyên nhân sinh ra thân mạng, không bị xem là sát sinh. Nếu như phạm vi con sâu phá hoại rất nhỏ, chỉ ăn vài lá, không đến nỗi ảnh hưởng sự phát triển của hoa hồng. Đây là hiện tượng tự nhiên sinh thái vốn có, cho nên có thể chấp nhận. Còn nếu chúng ta cố gắng như thế mà không thể khống chế được loài sâu phá hoại thì rõ ràng môi trường này hoàn toàn không thích hợp trồng hoa hồng. Tôi cho rằng hãy đổi trồng loài hoa khác.