ĐẠI THỪA A TÌ ĐẠT MA TẬP LUẬN
Bồ-tát Vô Trước tạo luận
Tam tạng pháp sư Huyền Trang dịch
Nguyên Hồng dịch tiếng Việt

 

QUYỂN 7

Phẩm 3: PHẨM ĐẮC TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Thế nào là kiến lập hiện quán? Lược có 10 thứ là: pháp hiện quán, nghĩa hiện quán, chân hiện quán, hậu hiện quán, bảo hiện quán, bất hành hiện quán, cứu cánh hiện quán, Thanh Văn hiện quán, Độc Giác hiện quán, và Bồ-tát hiện quán.

Những gì là pháp hiện quán? Là trong các pháp đế tăng thượng đã được thượng phẩm tịnh tín thắng giải tùy tín mà hành. Những gì là nghĩa hiện quán? Là trong các pháp đế tăng thượng đã được thượng phẩm đế sát pháp nhẫn. Nhẫn này ở thuận quyết trạch phần vị. Đây do 3 thứ như lý tác ý hiển phát nên lại thành 3 phẩm là thượng nhuyến, thượng trung, thượng thượng. Những gì là chân hiện quán? Là đã được các Thánh đạo của 16 tâm sát-na vị trong kiến đạo. Lại nữa, được hiện quán biên trong kiến đạo. An lập đế, thế tục trí không hiện tiền, trong tu đạo vị thế tục trí này mới có thể hiện tiền. Những gì là hậu hiện quán? Là tất cả tu đạo. Những gì là bảo hiện quán? Là chứng tịnh nơi Phật, chứng tịnh nơi pháp, chứng tịnh nơi tăng. Những gì là bất hành hiện quán? Là đã chứng đắc vô tác luật nghi. Tuy ở học vị mà nói ta nay đã hết Na-lạc-ca, đã hết bàng sinh, đã hết ngạ quỷ, đã hết điên đảo đọa lạc ác thú, ta không tạo trở lại nghiệp cảm ác thú, dị thục ác thú. Những gì là cứu cánh hiện quán? Như đã nói cứu cánh đạo trong đạo đế. Những gì là Thanh Văn hiện quán? Là như trước đã nói 7 thứ hiện quán. Từ nghe âm thanh người khác mà chứng đắc, gọi là Thanh Văn hiện quán. Những gì là Độc Giác hiện quán? Là như trước đã nói 7 thứ hiện quán. Vì không do nghe âm thanh người khác mà chứng đắc, nên gọi là Độc Giác hiện quán. Những gì là Bồ-tát hiện quán? Là chư Bồ-tát trong 7 hiện quán đã nói ở trước, khởi tu tập nhẫn mà không tác chứng, nhưng trong cực hỷ địa của Bồ-tát, nhập vào chính tính quyết định của các Bồ-tát thì gọi là Bồ-tát hiện quán.

Thanh Văn hiện quán và Bồ-tát hiện quán có gì sai biệt? Lược nói có 11 thứ là: Cảnh giới sai biệt, nhiệm trì sai biệt, thông đạt sai biệt, thệ nguyện sai biệt, xuất ly sai biệt, nhiếp thụ sai biệt, kiến lập sai biệt, quyến thuộc sai biệt, thắng sinh sai biệt, sinh sai biệt, quả sai biệt.

Quả sai biệt đó lại có 10 thứ là: chuyển y sai biệt, công đức viên mãn sai biệt, 5 tướng sai biệt, 3 thân sai biệt, Niết-bàn sai biệt, chứng đắc, hòa hợp, trí dụng sai biệt, chướng thanh tịnh sai biệt, hòa hợp tác nghiệp sai biệt, phương tiện, thị hiện, thành đẳng chính giác, nhập Bát-niết-bàn sai biệt, 5 thứ bạt tế sai biệt, các vô lượng tối thắng công đức. Hiện quán gì bao gồm hậu hiện quán, cứu cánh hiện quán? Bao gồm chúng như thế nào? Đó là vô lượng, giải thoát, thắng xứ, biến xứ, vô tránh, nguyện trí, vô ngại giải, thần thông, tướng tùy hảo, thanh tịnh, lực, vô úy, niệm trụ, bất hộ, vô vong thất pháp, vĩnh đoạn tập khí, đại bi, bất cộng Phật pháp, nhất thiết chủng diệu trí. Các công đức như vậy có tuyên thuyết trong các khế kinh.

Vô lượng, là 4 vô lượng. Thế nào là từ? Là y chỉ tĩnh lự, đối với các hữu tình trụ trong cụ túc ý lạc tương ưng cho vui, như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Thế nào là bi? Là y chỉ tĩnh lự, đối với các hữu tình trụ trong cụ túc ý lạc lìa khổ, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là hỷ? Là y chỉ tĩnh lự, đối với các hữu tình trụ trong cụ túc ý lạc không lìa lạc, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là xả? Là y chỉ tĩnh lự đối với các hữu tình, trụ trong cụ túc ý lạc lợi ích, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Giải thoát, là 8 giải thoát. Thế nào là hữu sắc quán các sắc? Là y chỉ tĩnh lự, đối với những gì bên trong chưa đè bẹp mà thấy là sắc tưởng, hoặc an lập mà thấy là sắc tưởng. Quán các sắc trông thấy trụ trong cụ túc, như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng cho đến giải thoát biến hóa chướng. Thế nào là vô sắc tưởng bên trong quán các sắc bên ngoài? Là y chỉ tĩnh lự, đối với những gì đã đè bẹp mà thấy là sắc tưởng, hoặc hiện an lập mà thấy là vô sắc tưởng. quán các sắc được trông thấy trụ trong cụ túc, như định, tuệ ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là tịnh giải thoát thân trụ trong cụ túc tác chứng? Là y chỉ tĩnh lự, đối với các sắc tịnh bất tịnh bên trong đã được tưởng lần lượt trông đợi nhau, lần lượt nhập vào nhau, lần lượt thành một mùi vị, chúng đã được trụ trong cụ túc, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói, cho đến là giải thoát tịnh bất tịnh, biến hóa phiền não sinh khởi chướng. Thế nào là vô biên không xứ giải thoát? Là với sự tùy thuận giải thoát vô biên không xứ, trụ trong cụ túc như định, tuệ , và ngoải ra như trước đã nói. Giống như vô biên không xứ giải thoát, vô biên thức xứ, vô sở hữu xứ, phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát cũng vậy, cho đến là giải thoát, tịch tĩnh giải thoát chướng không trở ngại. Thế nào là tưởng thụ diệt giải thoát? Là y chỉ phi tưởng phi phi tưởng xứ giải thoát, vượt quá các tịch tĩnh giải thoát khác trụ nơi tự chân giải thoát, trụ trong cụ túc tâm tâm sở diệt là giải thoát chướng tưởng thụ diệt.

Thắng xứ, là 8 thắng xứ. Bốn thắng xứ trước là do 2 giải thoát kiến lập. Bốn thắng xứ sau do 1 giải gthoát kiến lập. Trong đây giải thoát là ý giải sở duyên.. Thắng xứ là thắng phục sở duyên, vì tự tại chuyển. Căn cứ vào số hữu tình, số phi hữu tình nói sắc nhiều ít. Căn cứ vào tịnh bất tịnh nói sắc tốt xấu. Căn cứ vào người và trời nói sắc hơn kém. Ngoài ra như nói trong giải thoát. Thắng phục sở duyên nên gọi là thắng xứ.

Biến xứ, là 10 biến xứ sở duyên khắp cả nên gọi là biến xứ. Ở nơi khắp cả đó, trụ trong cụ túc như định, tuệ, và tâm tâm sở pháp tương ưng với chúng, đó gọi là biến xứ. Vì sao trong biến xứ kiến lập địa v.v…? Do biến xứ này quán sắc sở y năng y đều biến khắp cả, ngoài ra tùy theo thích ứng như giải thoát nói. Như vậy biến xứ có thể thành tựu viên mãn giải thoát.

Vô tránh, là y chỉ tĩnh lự, đối với việc phòng hộ tha sở phải khởi phiền não trụ trong cụ túc như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Nguyện trí, là y chỉ tĩnh lự, đối với việc hiểu rõ sở tri nguyện trong cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Vô ngại giải, là 4 vô ngại giải. Thế nào là pháp vô ngại giải? Là y chỉ tĩnh lự, đối với tất cả pháp trong danh sai biệt vô ngại cụ túc, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là nghĩa vô ngại giải? Là y chỉ tĩnh lự trong các tướng và ý thú vô ngại cụ túc, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là huấn từ vô ngại giải? Là y chỉ tĩnh lự trong vô ngại cụ túc đối với các tiếng phương ngôn và ngôn từ huấn thích các pháp, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là biện tài vô ngại giải? Là y chỉ tĩnh lự trong vô ngại cụ túc đối với các pháp sai biệt, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Thần thông, là 6 thần thông. Thế nào là thần cảnh thông? Là y chỉ tĩnh lự trong các thứ thần biến oai đức cụ túc, như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Thế nào là thiên nhĩ thông? Là y chỉ tĩnh lự đối với các thứ âm thanh được nghe, oai đức cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là tâm sai biệt thông? Là y chỉ tĩnh lự đối với việc nhập vào tâm hành sai biệt của hữu tình khác, oai đức cụ túc như định, , tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là tủc trụ tùy niệm thông? Là y chỉ tĩnh lự đối với các tùy niệm đã làm đời trước, oai đức cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là tử sinh thông? Là y chỉ tĩnh lự đối với việc quán hữu tình tử sinh sai biệt, oai đức cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là lậu tận thông? Là y chỉ tĩnh lự đối với lậu tận trí, oai đức cụ túc như định, tuệ, và các tâm tâm sở tương ưng với chúng.

Tướng tùy hảo là, y chỉ tĩnh lự trong tướng tùy hảo trang nghiêm sở y, thị hiện cụ túc như định, tuệ, và các tâm tâm sở tương ưng với chúng và các dị thục do chúng khởi.

Thanh tịnh là 4 thanh tịnh. Thế nào là y chỉ thanh tịnh? Là y chỉ tĩnh lự, trong tùy sở dục y chỉ trong thủ trụ xả cụ túc như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Thế nào là cảnh giới thanh tịnh? Là y chỉ tĩnh lự, trong cảnh giới tùy sở dục cụ túc trí biến hóa như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là tâm thanh tịnh? Là y chỉ tĩnh lự , đối với Tam-ma-địa môn như sở dục tự tại cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là trí thanh tịnh? Là y chỉ tĩnh lự , đối với Đà-la-ni môn tùy sở dục nhiệm trì cụ túc như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Lực, là 10 lực của Như Lai. Thế nào là xứ phi xứ trí lực? Là y chỉ tĩnh lự, trong nhất thiết chủng cụ túc xứ phi xứ trí, như định, tuệ và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Thế nào là tự nghiệp trí lực? Là y chỉ tĩnh lự, trong nhất thiết chủng cụ túc nghiệp trí, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Các lực khác tùy theo thích ứng cũng như vậy.

Vô úy, là 4 vô úy. Thế nào là chính đẳng giác vô úy? Là y chỉ tĩnh lự, do tự lợi môn, trong nhất thiết chủng cảnh giới sở tri kiến lập cụ túc đức hiệu tự xưng chính đẳng giác, như định, tuệ, và các tâm tâm sở tương ưng với chúng. Thế nào là lậu tận vô úy? Là y chỉ tĩnh lự, do tự lợi môn, trong nhất thiết chủng kiến lập đức hiệu tự xưng lậu tận như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là chướng pháp vô úy? Là y chỉ tĩnh lự, do lợi tha môn, trong nhất thiết chủng kiến lập cụ túc đức hiệu tự xưng thuyết chướng ngại pháp, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Thế nào là xuất khổ đạo vô úy? Là y chỉ tĩnh lự, do lợi tha môn, trong nhất thiết chủng kiến lập cụ túc đức hiệu tự xưng thuyết xuất khổ đạo pháp, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Niệm trụ, tức 3 niệm trụ. Nghĩa là khi điều khiển đại chúng thì hoàn toàn không hiện hành tất cả các thứ tạp nhiễm, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Bất hộ, tức 3 bất hộ. Nghĩa là khi điều khiển đại chúng thì đầy đủ phương tiện dạy răn tùy theo sở dục, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói. Không quên mất pháp là trong tất cả mọi thứ tùy theo chỗ ra làm chổ nói đều ghi nhớ rõ ràng đầy đủ, như định, tuệ, ngoải ra như trước đã nói.

Vĩnh đoạn tập khí, là người có nhất thiết trí thì hoàn toàn không hiện hành những việc làm chẳng phải nhất thiết trí, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Đại bi, là khi duyên cảnh khổ vô gián thì hoàn toàn trụ trong đại bi, như định, tuệ, ngoải ra như trước đã nói.

Bất cộng Phật pháp, tức 18 thứ Phật pháp không chung. Nghĩa là trong thân ngữ ý nghiệp không chung, đầy đủ thanh tịnh, trong sở y và quả căn hoàn toàn chưa được không thoái chuyển, trong nghiệp không chung đầy đủ hiện hành, trong trí không chung trụ đầy đủ, như định, tuệ, ngoài ra như trước đã nói.

Nhất thiết chủng diệu trí, là trong uẩn giới xứ đầy đủ tất cả diệu trí tính, như định, tuệ, và các tâm tâm sở tương ưng với chúng.

Thế nào là dẫn phát các công đức như vậy? Nghĩa là y chỉ thanh tịnh 4 tĩnh lự thì hoặc ngoại đạo, hoặc Thanh Văn, hoặc Bồ-tát v.v… dẫn phát 4 vô lượng, 5 thần thông. Phần nhiều y chỉ biên giới tĩnh lự thứ 4 thì hoặc Thanh Văn, hoặc Bồ-tá, hoặc Như Lai v.v… dẫn phát các công đức khác. Do nhân nào dẫn phát các công đức như vậy? Nghĩa là y chỉ tĩnh lự, thường thường tư duy tùy theo đó kiến lập pháp. Các công đức như vậy lược có 2 thứ: 1. Hiện tiền phát khởi tự tác dụng. 2. An trụ tự tính. Nếu hiện phát khởi tự tác dụng thì lấy thế tục trí xuất thế hậu sở đắc làm thể. Nếu an trụ tự tính thì lấy xuất thế trí làm thể.

Vô lượng làm nghiệp gì? Nghĩa là xả bỏ sở trị chướng trụ nơi ai mẫn có thể mau chóng viên mãn phúc đức tư lương, thành thục hữu tình, tâm không mệt mỏi.

Giải thoát làm nghiệp gì? Nghĩa là dẫn phát việc biến hóa. Đối với tịnh bất tịnh, biến hóa không khó khăn. Đối với tịch tĩnh giải thoát không có trở ngại. Có thể an trụ đệ nhất tịch tĩnh Thánh trụ, do thắng giải tư duy.

Thắng xứ làm nghiệp gì? Nghĩa là có thể khiến cảnh giới sở duyên của 3 giải thoát trước chuyển một cách tự tại, do thắng phục duyên.

Biến xứ làm nghiệp gì? Nghĩa là khéo có thể làm xong giải thoát sở duyên, vì lưu bố biến khắp.

Vô tránh làm nghiệp gì? Nghĩa là ngôn ngữ nói ra người nghe đều tin phục, vì có tâm tối thắng ái hộ người khác, phát ngôn ứng tiếp đứng lúc.

Nguyện trí làm nghiệp gì? Nghĩa là khéo ghi nhớ rõ ràng những việc trong 3 đời. Những người trong thế gian đều cung kính, vì xa tất cả những gì người đời quy ngưỡng.

Vô ngại giải làm nghiệp gì? Nghĩa là khéo nói pháp làm hỷ duyệt tâm chúng sinh, có thể tuyệt dứt tất cả lưới nghi.

Thần thông làm nghiệp gì? Nghĩa là dùng thân nghiệp ngữ nghiệp ghi vào trong tâm hóa đạo hữu tình khiến nhập Thánh giáo. Khéo biết tất cả tâm hành và quá khứ vị lai của hữu tình rồi, nên giáo thụ thì khiến vĩnh ly.

Tướng và tùy hảo làm nghiệp gì? Nghĩa là có thể khiến tạm thấy, nghĩa là tâm đại trượng phu sinh tịnh tín.

Thanh tịnh làm nghiệp gì? Nghĩa là do thế lực này nên thủ sinh hữu, tùy theo lạc dục hoặc trụ một kiếp, hoặc hơn một kiếp, hoặc xả thọ hành, hoặc tự tại chuyển các pháp, hoặc tự tại chuyển các định, hoặc lại nhiệm trì chính pháp chư Phật.

Lực làm nghiệp gì? Nghĩa là trừ xả luận, vô nhân luận, ác nhân luận, không làm mà được luận, tuyên thuyết không điên đảo, tăng thượng sinh đạo, ngộ nhập tất cả tâm hành của hữu tình, chính thuyết pháp phẩm, ý lạc tùy miên cảnh giới tư lương sẽ có thể xuất ly, tùy chỗ thích ứng tuyên thuyết quyết định thắng đạo, hàng phục các ma, khéo có thể ghi nhận rõ ràng tất cả vấn luận.

Vô úy làm nghiệp gì? Nghĩa là ở trong đại chúng, chính tự mình kiến lập ta là Đại sư xô bẹp tất cả tà nạn ngoại đạo.

Niệm trụ làm nghiệp gì? Nghĩa là có thể không nhiễm ô, gìn giữ điều khiển đại chúng.

Bất hộ làm nghiệp gì? Nghĩa là có thể dạy răn đồ chúng không gián đoạn.

Không quên mất phàp là làm nghiệp gì? Nghĩa là có thể không lìa bỏ tất cả Phật sự.

Vĩnh đoạn tập khí là làm nghiệp gì? Là lìa các phiền não, cũng không hiển hiện, tương tự như các phiền não làm các sự nghiệp.

Đại bi là làm nghiệp gì? Là ngày đêm 6 thời quán khắp thế gian.

Bất cộng Phật pháp là làm nghiệp gì? Là do thân ngữ ý nghiệp thanh tịnh đã được không thoái chuyển. Hoặc đi hoặc đứng, tỏa sáng che khắp tất cả Thanh Văn, Độc Giác.

Nhất thiết chủng diệu tri là làm nghiệp gì? Là có thể tuyệt dứt lưới nghi của tất cả hữu tình, khiến chính pháp nhãn tạng trụ lâu dài.

Do đó hữu tình chưa thành thục thì khiến thành thục, đã thành thục thì khiến được giải thoát.

Trên đây đã nói trong hiện quán vị sau khi chứng đắc thắng phẩm đạo sau, thì xả bỏ hạ liệt phẩm đạo trước đã được. Lại nữa ngay khi ấy tập đoạn tác chứng nơi vô dư y Niết-bàn giới vị. Thanh Văn, Độc Giác tất cả Thánh đạo không gì không nhanh chóng xả sở xả không phải là các Bồ-tát. Cho nên chỉ nói các Bồ-tát v.v… là người vô tận thiện căn, là người vô tận công đức. Vì sao kiến lập các việc vô ký? Vì chỗ kia hỏi không như lý. Vì sso chỗ hỏi không như lý? Vì xa lìa chỗ phải tư duy về nhân quả nhiễm tịnh.

Vì duyên gì Bồ-tát đã nhập vào Bồ-tát siêu thăng ly sinh vị mà chẳng phải dự lưu? Do được bất trụ đạo nên hoàn toàn dự lưu hạnh không thành tựu. Vì duyên gì cũng không phải nhất lai? Vì cố thụ vô lượng sinh các hữu. Vì duyên gì cũng chẳng phải bất hoàn? Vì an trụ tĩnh lự trở lại sinh Dục giới.

Lại nữa các Bồ-tát đã được đế hiện quán, trong 10 địa tu đạo vị chỉ tu sở tri chướng đối trị đạo, không phải phiền não chướng đối trị đạo. Nếu khi được Bồ-đề thì nhanh chóng đoạn phiền não chướng và sở tri chướng, nhanh chóng thành A-la-hán và Như Lai. Các Bồ-tát này tuy chưa vĩnh đoạn tất cả phiền não, nhưng các phiền não này cũng như chú thuật và thuốc đè bẹp các độc, không khởi tất cả phiền não tội lỗi, như A-la-hán đã đoạn phiền não trong tất cả địa.

Lại nữa các Bồ-tát trong cảnh sở tri phải tu thiện xảo, trong các phương tiện phải tu thiện xảo, trong hư vọng phân biệt phải tu thiện xảo, trong vô phân biệt phải tu thiện xảo, trong mọi thời phải tu luyện căn.

Thế nào là cảnh sở tri? Sơ lược có 6 thứ: 1. Mê loạn. 2. Mê loạn sở y. 3. Không mê loạn sở y. 4. Mê loạn không mê loạn. 5. Không mê loạn. 6. Không mê loạn đẳng lưu.

Thế nào là phương tiện thiện xảo? Sơ lược có 4 thứ: 1. Phương tiện thiện xảo thành thục hữu tình. 2. Phương tiện thiện xảo viên mãn Phật pháp. 3. Phương tiện thiện xảo mau chứng thông tuệ. 4. Phương tiện thiện xảo đạo không tuyệt dứt.

Thế nào là hư vọng phân biệt? Sơ lược có 10 thứ: 1. Căn bản phân biệt. 2. Tướng phân biệt. 3. Tướng hiển hiện phân biệt. 4. Tướng biến dị phân biệt. 5.Tướng hiển hiện biến dị phân biệt. 6. Tha dẫn phân biệt. 7. Bất như lý phân biệt. 8. Như lý phân biệt. 9. Chấp trước phân biệt. 10. Tán loạn phân biệt. Đây lại có 10 thứ: 1. Vô tính phân biệt. 2. Hữu tính phân biệt. 3. Tăng ích phân biệt. 4. Tổn giảm phân biệt. 5. Một tính phân biệt. 6. Khác tính phân biệt. 7. Tự tính phân biệt. 8. Sai biệt phân biệt. 9. Theo tên hiểu nghĩa phân biệt. 10. Theo nghĩa đặt tên phân biệt.

Thế nào là vô phân biệt? Sơ lược có 3 thứ: 1. Tri túc vô phân biệt. 2. Vô điên đảo vô phân biệt. 3. Vô hý luận vô phân biệt. Như đây 3 thứ dị sinh, Thanh Văn, Bồ-tát phải biết theo thứ tự tướng của chúng là vô hý luận vô phân biệt. Lại lìa 5 tướng: 1. Chẳng phải không tác ý. 2. Chẳng phải siêu quá tác ý. 3. Chẳng phải tịch tĩnh. 4. Chẳng phải tự tính. 5. Chẳng phải gia hành đối với sở duyên. Nghĩa là đối với sở duyên không khởi gia hành, nếu tính các Bồ-tát là lợi căn.

Thế nào là lại khiến tu luyện căn hành? Nghĩa là khiến dựa vào lợi căn hay nhuyến căn mà dẫn phát lợi căn trung căn, lại dựa vào lợi căn trung căn dẫn phát lợi lợi căn.

Phẩm 4: PHẨM LUẬN NGHỊ TRONG QUYẾT TRẠCH PHẦN

Thế nào là luận nghị quyết trạch? Sơ lược có 7 thứ là nghĩa quyết trạch, thích quyểt trạch, phân biệt hiển thị quyết trạch, đẳng luận quyết trạch, nhiếp quyết trạch, luận quỹ quyết trạch, và bí mật quyết trạch.

Những gì là nghĩa quyết trạch? Nghĩa là y vào 6 nghĩa mà khởi lựa chọn quyết định. Những gì là 6? Là tự tính nghĩa, nhân nghĩa, quả nghĩa, nghiệp nghĩa, tương ưng nghĩa và chuyển nghĩa. Tự tính nghĩa, là 3 tự tính. Nhân nghĩa, là 3 nhân: 1. Sinh nhân. 2. Chuyển nhân. 3. Thành nhân.Quả nghĩa, là 5 quả: 1. Dị thục quả. 2. Đẳng lưu quả. 3. Tăng thượng quả. 4. Sự dụng quả. 5. Ly hệ quả. Nghiệp nghĩa, là 5 nghiệp: 1. Thủ thụ nghiệp. 2. Tác dụng nghiệp. 3. Gia hành nghiệp. 4. Chuyển biến nghiệp. 5. Chứng đắc nghiệp. Tương ưng nghĩa, là 5 tương ưng: 1. Tụ kết tương ưng. 2. Tùy trục tương ưng. 3. Liên xuyết tương ưng. 4. Phần vị tương ưng. 5. Chuyển biến tương ưng. Chuyển nghĩa, là 5 chuyển: 1. Tướng chuyển. 2. An trụ chuyển. 3. Điên đáo chuyển. 4. Không điên đảo chuyển. 5. Sai biệt chuyển.

Những gì là thích quyết trạch? Nghĩa là có thể giải thích tông yếu các kinh. Đây là thế nào? Sơ lược có 6 thứ: 1. Biết khắp các việc. 2. Biết khắp các nghĩa. 3. Biết khắp nhân duyên. 4. Biết khắp tự tính. 5. Biết khắp quả. 6. Chứng thụ kia. Lại có 14 môn biện thích quyết trạch. Những gì là 14? Là nhiếp thích môn, nhiếp sự môn, tổng biệt môn, hậu hậu khai dẫn môn, giá chỉ môn, chuyển biến tự môn, hoại bất hoại môn, an lập Bổ-đặc-già-la môn, an lập sai biệt môn, lý thú môn, biến tri đẳng môn, lực vô lực môn, biệt biệt dẫn môn, và dẫn phát môn.

Những gì là phân biệt hiển thị quyết trạch? Nghĩa là như đã nói uẩn v.v… trong các pháp tùy chỗ thích ứng tạo tác một hành, thuận câu trước, thuận câu sau, 2 câu, 3 câu, 4 câu, câu có thể thuật nói, câu ngăn chận v.v…

Những gì là đẳng luận quyết trạch? Nghĩa là dựa vào 8. Tám thứ gì? Như từ vấn đáp quyết trạch tất cả chân ngụy. Lại có 4 thứ đạo lý đẳng luận quyết trạch: 1. Năng lập. 2. Năng phá. 3. Năng đoạn. 4. Năng giác.

Những gì là nhiếp quyết trạch? Nghĩa là do 10 xứ gồm các quyết trạch. Những gì là 10 xứ? 1. Thành sở tác quyết trạch xứ. 2. Thú nhập quyết trạch xứ. 3.Thắng giải quyết trạch xứ. 4. Đạo lý quyết trạch xứ. 5. Luận quyết trạch xứ. 6. Thông đạt quyết trạch xứ. 7. Thanh tịnh quyết trạch xứ. 8. Dẫn phát quyết trạch xứ. 9. Câu khác nhau quyết trạch xứ. 10. Không do công dụng khi tác ý thảnh tất cả nghĩa quyết trạch xứ.

Những gì là luận quỹ quyết trạch? Sơ lược có 7 thứ: 1. Luận thể. 2. Luận xứ. 3. Luận y. 4. Luận trang nghiêm. 5. Luận phụ. 6. Luận xuất ly. 7. Luận nhiều chỗ tác pháp.

Thư nhất, luận thể lại có 6 thứ: 1. Ngôn luận. 2. Thượng luận. 3. Tránh luận. 4. Hủy luận. 5. Thuận luận. 6. Giáo luận. Ngôn luận, nghĩa là tất cả ngôn ngữ thế gian. Thượng luận, nghĩa là luận những điều được nghe trong các thế gian mà thế trí ưa chuộng. Tranh luận, nghĩa là ngôn luận tương phản được lập ra. Hủy luận, nghĩa là phẫn nộ nhau phát ra lời thô ác. Thuận luận, nghĩa là ngôn luận có lựa chọn tùy thuận trí kiến thanh tịnh. Giáo luận, nghĩa là những ngôn luận dạy dỗ dắt dẫn hữu tình, người tâm chưa định thì khiến tâm định, người tâm đã định khiến được giải thoát.

Thứ 2, luận xứ nghĩa là hoặc ở nơi vương gia, hoặc ở nơi nhà chấp lý, hoặc đối với người thuần chất có thể làm lượng, hoặc đối với bạn lành, hoặc đối với Sa-môn Bà-la-môn hiểu rõ pháp nghĩa mà khởi luận nghị v.v…

Thứ 3, luận y nghĩa là dựa vào lập luận này lược có 2 thứ: 1. Sở thành lập. 2. Năng thành lập. Sở thành lập có 2 thứ: 1. Tự tính. 2. Sai biệt. Năng thành lập có 8 thứ: 1. Lập tông. 2. Lập nhân. 3. Lập dụ. 4. Hợp. 5. Kết. 6. Hiện lượng. 7. Tỷ lượng. 8. Thánh giáo lượng. Sở thành lập tự tính, là tự tính của ngã hoặc tự tính của pháp. Sai biệt, là ngã sai biệt, hoặc pháp sai biệt. Lập tông, là những gì được thành lập, tự phải có nghĩa, lấy nghĩa ấy nói rõ cho người được hiểu. Lập nhân, là những gì được thành lập chưa hiển thị rõ nghĩa, chính nói cái tướng tín giải của hiện lượng là được hay không thể được v.v… Lập dụ, là hòa hợp phía được thấy và phía chưa được thấy để nói cho đúng. Hợp, là dẫn các nghĩa khác của chủng loại này khiến nói đúng lý thú của pháp này. Kết, là những gì chính thuyết để đi đến cứu cánh. Hiện lượng, là là nghĩa tự nó đúng đắn rõ ràng không mê loạn. Tỷ lượng, là hiện các tín giải khác. Thánh giáo lượng, là giáon pháp không mâu thuẫn 2 lượng.

Thứ 4, luận trang nghiêm nghĩa là dựa vào luận chính lý mà bắt đầu lập luận. Hết sức tốt đẹp gọi là luận trang nghiêm. Đây lại có 6 thứ: 1. Thiện tự tha tông. 2. Ngôn âm viên mãn. 3. Vô úy. 4. Biện tài. 5. Đôn hậu nghiêm túc. 6. Ứng cúng.

Thứ 5, luận phụ nghĩa là xả ngôn, ngôn khuất, và ngôn quá. Xả ngôn là tự phát ngôn nói lỗi của luận của mình nói đức của luận của người. Ngôn khuất là mượn các việc khác mà phương tiện thoái khuất, hoặc nói ngoại sự mà bỏ bản tông, hoặc hiện phẫn nộ, kiêu mạn, che giấu v.v…, như kinh có nói rộng. Ngôn quá là sơ lược có 9 thứ: 1. Tạp loạn. 2. Thô khoáng. 3. Không làm xong. 4. Không hạn lượng. 5. Phi nghĩa tương ưng. 6. Không hợp thời. 7. Không quyết định. 8. Không rõ ràng. 9. Không liên tục.

Thứ 6, luận xuất ly nghĩa là quan sát đức và lỗi khiến luận xuất ly hoặc không lập luận. Nếu biết luận của kẻ đối địch là phi chính pháp khí, chúng không có đức, tự mình không thiện xảo thì không nên khởi luận. Nếu biết luận của kẻ đối địch là chính pháp khí, chúng có đức, tự mình có thiện xảo mới có thể khởi luận.

Thứ 7, luận nhiều chỗ tác pháp. Sơ lược có 3 thứ: 1. Khéo thông đạt tông chỉ của tông mình và người, do đó có thể khởi đàm luận. 2. Không sợ sệt, do đó có thể khởi luận giữa mọi người. 3. Có tài biện luận, do đó có thể đối đáp các vấn nạn.

Lại nữa, nếu muốn tự cầu lợi ích an lạc thì đối với các luận quỹ phải giỏi thông suốt, không nên khởi tranh luận với người. Như Bạcgià-phạm có nói trong Kinh Đại Thừa A-tì-đạt-ma: Nếu các Bồ-tát muốn siêng năng tinh tiến tu các thiện phẩm, muốn hành chân thật pháp tùy pháp hành, muốn khéo nhiếp ích tất cả hữu tình, muốn được mau chứng A-nậu-đa-la Tam-miệu-tam-bồ-đề thì phải chính quán sát 12 xứ pháp, không nên khởi tranh luận cùng người. Những gì là 12? 1. Khi tuyên thuyết chứng vô thượng nghĩa vi diệu pháp, rất khó được người tin hiểu. 2. Khởi tâm thụ giáo mà xin hỏi là rất khó được. 3. Khi chúng hiền thiện quan sát đức và lỗi là rất khó được. 4. Tất cả chỗ khởi luận có thể lìa 6 lỗi là rất khó được. Những gì là 6? Là lỗi chấp trước tà tông, lỗi nói lời kiểu loạn, lỗi nói không đúng lúc, lỗi thoái khuất, lỗi nói lời thô ác, lỗi tâm giận dữ. 5. Phàm khi khởi luận không ôm lòng ác độc là rất khó được. 6. Phàm khi khởi luận khéo hộ tha tâm là rất khó được. 7. Phàm khi khởi luận khéo hộ định tâm là rất khó được. 8. Phàm khi khởi luận có tâm muốn khiến mình kém người hơn là rất khó được. 9. Tâm chịu mình kém người hơn mà không phiền não là rất khó được. 10. Tâm đã phiền não mà được trụ an ổn là rất khó được. 11. Đã không an trụ mà thường tu thiện pháp là rất khó được. 12. Với các thiện pháp đã không hằng tu, tâm chưa được định có thể mau được định, tâm đã được định có thể mau giải thoát là rất khó được.

Những gì là bí mật quyết trạch? Nghĩa là nói bao nhiêu nghĩa danh cú văn thân ẩn kín chuyển biến thành bao nhiêu nghĩa hiển rõ, như khế kinh nói:

Nghịch hại với cha mẹ,

Vua và 2 đa văn,

Diệt nước và tùy hành,

Người đó là thanh tịnh.

Lại như khế kinh nói:

Không tin, không biết ơn,

Đoạn mật không chỗ chứa,

Ăn của người nôn mửa,

Là tối thượng trượng phu.

Lại như khế kinh nói:

Biết không kiên là kiên

Thường ở nơi điên đảo,

Và cực kỳ phiền não,

Được tối thượng Bồ-đề.

Lại như khế kinh nói: Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu 5 pháp thì thí Ba-la-mật-đa mau được viên mãn. Những gì là 5? 1. Tăng ích xan lẫn pháp tính. 2. Với thí có mệt mỏi. 3. Cầu xin tắng ố. 4. Không hổ thẹn ít thí. 5. Xa lìa thí.

Lại như khế kinh nói: Bồ-tát Ma-ha-tát thành tựu 5 pháp gọi là người Phạm hạnh, thành tựu đệ nhất thanh tịnh Phạm hạnh. Những gì là 5? 1. Thường cầu lấy dục lìa dục. 2. Xả bỏ pháp đoạn dục. 3. Dục tham đã sinh thì liền kiên chấp. 4. Sợ pháp trị dục. 5. Ba mươi hai số tham.

Vì sao luận này gọi là Đại Thừa A-tì-đạt-ma Tập? Sơ lược có 3 nghĩa, đó là đẳng sở tập, biến sở tập và chính sở tập.

TRỌN BỘ 7 QUYỂN HẾT

Trang: 1 2 3 4 5 6 7